2. Mời đọc Bản đánh máy
3. Mời đọc Bản chụp dạng ảnh - Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 289, 16 Tháng Mười Hai 1939
4. Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF - Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 289, 16 Tháng Mười Hai 1939
5. Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời nghe đọc
Mời đọc Bản đánh máy
Vừa láo vừa bướng
(1903-1977)
Tôi đến trường, thấy các bạn đồng nghiệp đã gần đông đủ cả. Sáng nay, hình như có việc gì quan trọng đương bàn tán thì phải. Các ông giáo súm quanh ông hiệu trưởng. Ông này thì có vẻ băn khoăn.
Tôi vội rảo bước tới, và thoạt nghe, tôi hiểu ngay là câu chuyện hôm nọ, câu chuyện nộp đơn thi sơ học Pháp-Việt. Độ ấy đã gần hết tháng Avril. Ông Sinh, giậy lớp nhất, quả quyết với ông hiệu trưởng:
- Đích là nó không đỗ sơ học yếu lược. Từ năm kia, ta đã sơ ý cho nó lên lớp nhì.
Ông Mạnh, giậy lớp nhì năm thứ nhất, cau mặt, chống chế:
- Việc đó, tôi biết đâu. Tôi thấy hôm khai trường, ông Thận dẫn học trò được lên lớp vào buồng tôi, tôi yên chí chúng nó đỗ cả.
Ông hiệu trưởng cau mặt:
- Đành vậy, nhưng rồi khi phát bằng, ông cũng nên soát lại cẩn thận xem có đứa nào thiếu giấy má gì không. Nhưng lỗi đó ở ông Thận hơn, vì giậy lớp ba, ông phải biết học trò thi sơ học, đứa nào đỗ, đứa nào trượt.
Ông Mạnh nhìn ông Thận:
- Kìa, ông trả lời đi!
Ông Thận cười, lên tiếng:
- Học trò thi đỗ hay không, cái đó thầy giáo không thể lấy gì làm chứng để biết đích sác. Vì mãi tận gần tết nó mới được lĩnh bằng. Vả lại kỳ thi, tôi không được dự, mà tờ yết tên thí sinh trúng tuyển dán trên bảng độ mươi phút là bị có người bóc đi ngay. Cho nên hôm sau vào lớp, tôi hỏi học trò, ai đỗ ai hỏng, thì tin ở miệng chúng nó mà thôi. Thằng Vũ nhận là đỗ, thì tôi yên chí là nó đỗ.
Ông hiệu trưởng quay lại ông Sinh:
- Thế hôm qua nó nói với ông là có đỗ mà không có bằng?
- Vâng.
Ông Mạnh sua tay:
- Vô lý. Nó nói dối. Tôi nghe bạn nó kháo nhau hình như nó không đỗ đâu.
Ông hiệu trưởng gật đầu:
- Được, tôi đã nhờ ông thư ký truy trong sổ thi năm ấy. Ông Thận tặc lưỡi:
- Nếu nó không đỗ sơ học yếu lược, tội nó đáng phải đuổi.
Ông Sinh cười:
- Giữ nó lại ở trường làm gì. Không có bằng ấy, thì về sau nó thi cử gì được nữa.
- Nhưng cứ đuổi và chua vào học bạ cớ nó phải đuổi, để trường khác đừng nhận thằng học trò dối trá ấy.
Ông hiệu trưởng quay lại:
- Thằng Vũ này học hành và hạnh kiểm ra thế nào?
Ông Sinh gật gù:
- Kể nó vào hạng trung bình, nhưng dễ thường nó cũng hay dối dá thật.
Ông Thận thêm vào:
- Ồ, thằng ấy láu ra mặt, phải đuổi là đáng đời.
Vừa lúc ấy, ông Thìn thư ký kiểm học đi vội vàng từ buồng giấy tới;
- Tôi tìm lại rồi, vẫn không thấy tên nó.
Ông hiệu trưởng gặng:
- Hay nó đỗ năm trước?
- Nếu nó đỗ năm trước thì nó phải lên lớp nhì năm trước chứ! Tôi giở cả sổ sách mấy năm, chẳng thấy đứa nào tên là Vũ cả.
Ông hiệu trưởng châm thuốc lá hỏi ông Mạnh:
- Ông vừa bảo bạn nó nói là nó thi không đỗ.
- Vâng.
Ông Sinh bực mình:
- Thế thì thằng ấy láo thật.
Ông hiệu trưởng quay lại ông thư ký:
- Nhờ ông xem kỹ lại, hoặc nó không đỗ ở hội đồng thi đây, nhưng đỗ ở nơi khác chăng
- Tôi tìm cẩn thận lắm rồi. Tôi lục các sổ sách ngay từ tuần lễ trước, khi ông Sinh dục học trò lấy đủ giấy má, thì thằng Vũ đã đến hỏi tôi. Tôi lại tìm khắp cả các hội đồng thi trong tỉnh, và rất kỹ. Mà hôm nay tra lại nữa là lần thứ hai.
Ông hiệu trưởng ra ý nghĩ ngợi;
- Việc này cũng lỗi ở ta, vì ta sơ xuất mà nhận vào trường một đứa không đỗ đã ba năm nay mà ta không biết...
Ông Sinh ngắt lời:
- Nhưng ta cho nó học nữa cũng vô ích. Tôi tưởng đuổi nó là phải, vì nó đáng tội.
- Đành vậy, song ta đuổi nó vì tội gì?
- Tội nó nói dối.
- Nếu nó nói dối, sao bây giờ ta mới biết. Vậy lỗi cả ở ta. Lỡ đến tai nha học chính, lúc ấy ta trả lời thế nào cho trôi được.
Ông Quang từ nãy vẫn đứng yên, mới cau mặt, và ra giáng thành thạo, lầu nhầu:
- Làm hiệu trưởng mà tống cổ một thằng học trò nhép cũng phải đắn đo. Nó là kẻ dưới, khép nó tội gì không được! Tôi tưởng ông cứ biên phăng vào học bạ nó là lười và hạnh kiểm xấu!
Ông hiệu trưởng nhìn ông Sinh để hỏi ý, ông này lắc đầu:
- Nhưng bài ngày thường và bài thi nó khá. Nó lại không bị phạt về hạnh kiểm bao giờ.
- Ồ cứ biên là lười và hư thì đã làm sao! Ai biết đâu! Dễ nó dám đi kiện hắn.
.............................................................
Ông hiệu trưởng trầm ngâm, rồi dặn:
- Ông Sinh ạ, chốc nữa ông giảng cho nó tin là nó có tội vì không có bằng mà dám lên lớp. Như vậy, để nó chịu là nó đáng phải đuổi. Song ông bảo rằng nhà trường nhân nhượng, không muốn ghi cớ xấu ấy vào học bạ mà đuổi nó để nó sẽ bị hại suốt đời. Nên ông khuyên nó xin thôi học. Như thế nó sẽ được êm thấm hơn.
Ông Sinh cười ha hả:
- Kế ấy thật hay, êm thấm cả cho nhà trường nữa.
Mọi người cười ồ, hình như được nhẹ nhõm, vì vừa giải quyết xong một vấn đề khó khăn.
* *
Nhưng hôm ấy, Vũ không đi học. Nó viết giấy cho thầy giáo, xin phép nghỉ ba ngày để lên Hà Nội, hỏi cha mẹ xem có cất bằng của nó không.
Thế là việc bài trừ một tên học trò gian dảo đành phải chờ hôm khác.
Ông Quang vẫn cương quyết:
- Cứ tống cổ phăng nó đi là xong! Có từ đây lên Hà Nội nó cũng xin phép ba ngày. Nó chả lười là gì. Ông Sinh bênh học trò, mà ông hiệu trưởng quá nhu nhược! Phải tay tôi, tôi không cần bàn tán lôi thôi.
* *
Ba hôm sau, ông Sinh mách ông hiệu trưởng:
- Ông ạ, sáng nay thằng Vũ có đến trường, nhưng vì thấy bạn bè nó mách rằng sẽ phải đuổi, nên nó không dám vào lớp.
Ông Quang đắc chí:
- Thế thì đuổi nó về tội nghỉ không xin phép.
- Nó lại có xin phép để đi nhà thương và thầy thuốc biên là sốt.
Ông Quang bĩu môi, lắc đầu:
- Thằng này chí trá thật, suy những việc này thì biết quả nó có tội, nên nó sợ. Oắt con mà đã cáo già rồi!
* *
Sáng hôm sau, ông hiệu trưởng vò đầu vò tai phàn nàn với chúng tôi:
- Vừa có giấy nha học chính hỏi về việc bằng thằng Vũ.
Nói đoạn, ông đưa bức thư đánh máy cho mọi người, rồi nói:
- Khó nghĩ quá, nó cứ quả quyết là có đỗ, và chưa được bằng:
Ông Quang trợn mắt:
- Thằng Vũ dám lên tận học chính? Ranh con gớm thật!
Ông Thận lắc đầu:
- Không, đây chắc là thầy nó.
........................................................
Ông hiệu trưởng tặc lưỡi:
- Nếu nó không đỗ thật thì nha học chính chỉ biết đổ lỗi cho mình chứ biết đâu đến nó.
Ông Sinh bàn:
- Hay là nhờ ông Thìn tìm kỹ lại lần nữa xem. Nó quả quyết rằng đỗ, và cha nó dám làm đơn nói là nó đỗ, thì ngộ ông Thìn sơ ý không viết bằng cho nó chăng.
- Ông Thìn tìm hai lượt rồi mà.
- Đành vậy, nhưng vì có giấy này, thì nhờ ông ấy lục soát kỹ lại nữa, rồi ta sẽ kiếm cách trả lời sau.
* *
Giờ ra chơi hôm ấy, ông Thìn đi nhanh như chạy, từ buồng giấy đến trường. Thấy mặt ông hớn hở, chúng tôi biết ngay là có một tin gì mừng. Ông nhoẻn miệng cười bằng cái cười hơi nhạt:
- Nó có đỗ, nó có đỗ thực. Tờ danh sách biên tên nó không biết ai xếp lẫn trong tập biên bản, nên hai lần tôi không tìm ra.
Ông hiệu trưởng vui sướng:
- Ồ! Thế chứ lị!
* *
Nếu câu chuyện mất bằng này có đến đây là hết, thì nó không đáng kể. Nhưng vì nó đã làm sôi nổi không khí nhà trường trong ngót một tuần lễ, nên rồi chúng tôi bàn đi tán lại, định đổ lỗi cho Vũ đã đánh mất bằng. Ông Quang, ông Sinh ông Thận, ông Thìn tức lắm. Nhất là ông Quang. Ông bảo ông Sinh gọi ngay "thẳng oắt con mà đã cáo già" ấy đến để ông xem mặt. Ông hỏi Vũ vài câu về chuyện dám viết lên nha học chính, rồi trừng mắt:
- Mày không biết sợ ai cả!
Ông Thận nhíu lông mi:
- Như vậy, mày hỗn láo lắm!
Ông Sinh hầm hầm, trỏ tay:
- Mày đi học mà dám bướng bỉnh!
Ông Quang sỉ vả:
- Mày vừa láo vừa bướng, liệu hồn!
Rồi ai nấy mỗi người một câu, xâu xúm lại thằng "ranh con", riếc móc mãi nó là láo và bướng.
Vũ cúi mặt, không dám đáp. Nó rơm rớm nước mắt:
Có lẽ nó không hiểu làm thế nào để vừa khỏi mang tiếng là bướng và láo, vừa khỏi thất học, tai hại một đời.
Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 289, 16 Tháng Mười Hai 1939
Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Tham khảo: Các bài viết liên quan
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉