2. Mời đọc Bản đánh máy
3. Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
4. Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
5. Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời nghe đọc
Mời đọc Bản đánh máy
Ông chủ báo chẳng bằng lòng
(1903-1977)
Hễ bao giờ ông chủ nhiệm tờ Đời Mới đến tòa báo mà ngậm cái tẩu thuốc lá chệch sang một bên hàm, và hay khịt mũi, thì y như hôm ấy, ông có việc gì chẳng bằng lòng.
Sáng hôm ấy cũng thế. Cho nên từ lúc bước chân đến cửa tòa báo, ông đã gắt như mắm! Thỉnh thoảng, ông đưa tay đập vào cái túi nó ngậm chặt mấy tờ báo khác mới xuất bản. Ông vào buồng giấy, mắng loong toong để giấy bừa bãi. Ông xuống nhà in, cự cai chẳng chịu trông nom. Ông qua buồng tòa soạn, nắm quả bàng cửa, toan vào, nhưng lại quay gót tạt ngang. Ông mở cửa buồng tòa trị sự, đẩy lại đánh thình, ngồi vào ghế, lôi tập báo ở túi ra, vừa khịt mũi, vừa đập mạnh xuống bàn. Rồi ông bấm chuông gọi. Anh loong toong, mặt tái xanh như thằng ốm, khẽ đi vào. Ông hất hàm hỏi:
– Ông Thanh Tử đến chưa?
– Bẩm ông chưa.
– Anh đạp ngay đến nhà ông ấy, nói rằng mời ông ấy đến tòa báo có việc cần. Trời ơi! Chủ bút gì chủ bút thế! Ra các ông ấy giết tôi thật! Các ông ấy làm ăn thế này, thì báo đóng cửa lúc nào, không biết chừng!
Tiếng ông chủ nhiệm nói toang toang như lệnh vỡ, ai cũng nghe thấy. Nhưng chẳng ai đoán vì việc gì. Mà mới hôm kia, ông còn chuyện trò vui vẻ. Hôm qua, ông đi vắng. Đến hôm nay ông về, thì khác hẳn như thế.
Họ đều sợ hãi, ngơ ngác nhìn nhau. Kẻ đoán thế nọ, người đoán thế kia. Nhưng đều hụt lý. Ừ, đáng lẽ ông về lần này thì vui vẻ bằng ba, bằng bốn mọi ngày mới phải. Vì hôm qua, khi ông không có nhà, thì tờ báo có một tin rất quan trọng để đăng. Ông chủ bút cho chạy một vạn rưởi số. Nghĩa là gấp bốn ngày thường. Mà in đến đâu, bán hết đến đấy. Kể từ ngày tờ Đời Mới ra đời đến nay, chưa từng lần nào in bạo tay như lần này. Mà cũng chưa số nào bán mạnh như số này. Cả tòa báo mừng rỡ. Vậy cớ sao ông chủ nhiệm lại cau có thế kia? Hay ông thấy ông chủ bút lấn quyền, chẳng hỏi han gì ông, cứ tự tiện cho in nhiều thế, mà ông tức? Nhưng báo bán chạy, ông còn nên nói chi nữa? Nếu chẳng phải vì cớ ấy mà từ nãy đến giờ ông phải phát cáu, thì họ cũng chịu, không đoán được ra hơn nữa.
* *
Muốn các độc giả hiểu rõ câu chuyện này, tôi xin lấy một việc mới xẩy ra ở Hà thành trong ít lâu nay làm thí dụ. Sở dĩ tôi đem chuyện thực để thí dụ cho rõ câu chuyện bịa, là tôi cũng mắc phải cái bệnh dùng điển tích. Nhưng vì tôi tin là bụt chùa nhà cũng thiêng, nên tôi lấy ngay câu chuyện An nam, nhân vật An nam là đồ nội hóa, ai cũng biết.
Thí dụ sau đây, tình cờ tôi kiếm lấy, nói lạy trời, thực tôi chẳng thù hằn gì hai tay chủ động, định thổi đống tro tàn đã gần nguội, để đốt ai. Mà tôi cũng chẳng có hân hạnh quen biết họ mà mong làm quảng cáo không công cho họ. Vì cái thủ đoạn kỳ dị mà họ chủ trương đã tự thừa làm quảng cáo để khắp Trung Nam Bắc ba kỳ biết tên họ rồi vậy.
Các báo hàng ngày ít lâu nay đăng một việc, hẳn các độc giả còn nhớ:
Ông Th., bà Kh., hai người vốn là bạn học cũ. Nay tuy đã thành gia thất cả, nhưng gặp nhau, họ vẫn vồn vã bắt tay bắt chân, tự do trò chuyện. Một hôm, cách đây cũng không xa, hai người cùng biệt mặt ở đất Hà thành, làm cho dư luận xôn xao, inh ỏi. Họ cũng là hạng người có tai mắt…
Như những việc này, thì có phải ai xem báo cũng đều chú ý, cố mong ngóng để muốn biết hai sự biến mặt ấy có liên quan với nhau không, mà ông Th. có đích là quyến rũ vợ bạn thực hay là bị ngờ oan không?
Ở xã hội mà thỉnh thoảng không xẩy ra những chuyện quái gở ấy, tờ báo hàng ngày thực là nhạt hoét, chẳng ai buồn mua để xem tin mất chó, mất ví da làm gì! Cho nên những khi các báo có những việc dễ gậm, như việc Trung – Nhật chiến tranh, việc Nhật – Nga sừng sộ, việc tranh cúp quần vợt, việc tiểu thư đi bộ, việc đánh nhau chết người, thì đều lấy làm mừng.
Nhưng đến khi những tin ngon ấy hết cả, thì thôi! Các ông trong tòa soạn chẳng được ngồi rồi, tán hão, cứ phải hết ngày ấy sang ngày khác, nặn óc để viết ra những bài luận thuyết đại cà sa, mà độc giả lỡ ra vô ý đọc phải, cũng lấy làm một sự khổ tâm lắm.
Cho nên ở vào cái xã hội ít chuyện như xã hội An nam mình, gặp phải lúc “thời sự khủng hoảng”, thì báo hàng ngày hay ế. Lúc ấy, các ông chủ báo ranh mãnh, mánh khóe, hay gây nên phong trào dư luận, để mong cho báo được sống còn. Nào là trưng cầu ý kiến, nào là mở cuộc đố thi, nào điều tra, nào phỏng vấn, các ông cố dùng những tiếng to tướng, để nặn ra chuyện! Một việc bằng con muỗi, các ông phóng đại cho nó phồng lên bằng cái đình!
Ngày năm ấy, cũng đã lâu, có một chuyện đại khái cũng đểu giả như việc ông Th. với bà Kh. bây giờ vậy. Hai người cũng tự nhiên biến mất, mà chưa ai rõ vì cớ gì trốn đi, và đi đâu. Hai tay chủ động ấy, địa vị cũng quan trọng không kém gì, mà có khi hơn ông Th. và bà Kh. nữa. Lâu ngày rồi, tôi chẳng muốn nhắc lại cái tên quý hóa ấy. Xin hãy tạm đặt tên cho hai vai chính trong tấn kịch bỏ nhà này, người đàn ông là Tê, người đàn bà là Ca cho dễ nhớ.
Độ ấy, dư luận cũng xôn xao chẳng khác gì bây giờ. Mà dư luận xôn xao đến mực ấy, là nhờ ông chủ nhiệm tờ báo Đời Mới. Ông khéo dặn tòa soạn nhân việc này mà kéo cho dài câu chuyện, nay phỏng vấn chồng bà Ca, mai nửa giờ nói chuyện cùng vợ ông Tê. Một việc khốn nạn, mà báo ấy nói hơn một tuần lễ mới dứt. Rồi lại khéo rắc mối ngờ vào óc độc giả. Nay báo ấy phỏng đoán là hai tay đó, quả là có tư tưởng, có học thức đã chán ghét cảnh ở trong nước, phải trốn sang Tầu, sang Nhật, làm cách mệnh; mai báo ấy lại nói hoặc là thời buổi văn minh, hai người đó đã lạm dụng chữ tự do, bị chìm đắm vào trong bể tình, nay tỉnh ngộ, dễ thường đã cùng nhau tự tử.
Thân nhân những người ấy đi trình báo. Sở Mật thám đã phái người đi dò la. Nhưng tuyệt vẫn chưa thấy tin tức. Các bài đăng báo, văn chương sáng quắc như ban ngày, mà chính hai tay nam nữ chủ động vẫn lẩn quất trong bóng tối mù của cuộc thám xét. Tóm lại, một cái dấu hỏi đỏ còn lửng lơ ở cổng tòa án dư luận, như ở bìa quyển truyện trinh thám vậy.
Rồi tờ Đời Mới sợ câu chuyện ấy chết trong trí nhớ mọi người, nên khi dư luận chỉ còn ngắc ngoải, bèn cố nuôi cho nó sống lại dai dẳng mãi. Ở mục Quanh vụ Tê Ca in ngay trang đầu, báo ấy nay hô hào nên chấn hưng phong hóa bằng cách nào; mai bàn nam nữ có nên giao thiệp tự do hay không; ngày kia lại bàn đến tình nghĩa vợ chồng, bè bạn. Ròng rã gần một tháng trời, thì đến hôm ấy, ông chủ nhiệm đi vắng, tức là hôm ông chủ bút cho in một vạn rưởi tờ. Dám in một vạn rưởi tờ, hẳn các ngài đoán ngay rằng số báo đó có chuyện ông Tê và bà Ca thế nào lạ lắm thì phải. Vâng. Báo ấy đăng là đã tìm thấy tin tức ông Tê và bà Ca. Và có in thêm tấm ảnh hai người đi chơi mát. Bài đăng ấy tuy là thìa khóa mở nắp hòm bí mật, nhưng nó cũng lại là cái thìa khóa, khóa tách câu chuyện Tê Ca.
Nguyên sáng hôm ấy, hồi tám giờ, khi ông chủ bút đến tòa soạn, thì người loong toong theo vào, đưa phong bì thư, và nói:
– Thưa ông, ông phóng viên ở Lào Cai đưa thư này, và dặn rằng đây là một việc đăng về vụ Tê Ca. Vì trong ấy có cái kính ảnh, nên ông ấy gửi nhà dây thép sợ vỡ mất, ông ấy phải thân hành đem về, và xin ông cho đăng ngay vào kỳ báo hôm nay. Đến chiều hay sáng mai, ông ấy sẽ lại nói chuyện.
Nỗi mừng nở thành nụ cười trên miệng ông chủ bút. Ông vội vàng bóc thư ra đọc. Đọc xong, ông cầm bút chì đỏ biên số cỡ chữ, rồi gọi người cai nhà in, bảo cho xếp ngay lập tức vào trang nhất.
Ông bắt rập ngay bản in thử để tự tay ông sửa lại. Ông ngắm xem cách in như thế đã nổi bật chưa, rồi đặt bút, xoa tay, tủm tỉm cười. Ông bảo người thợ:
– Báo hàng ngày ăn thua nhau về tin tức có nhanh chóng mới có thể đánh đổ được “chúng nó”.
Ông cho in một vạn rưởi tờ. Mà mới hơn ba giờ sáng, báo đã lên khuôn. Rồi in được bao nhiêu, ông hãy cho gấp ngay, để trẻ con chạy bán khắp các phố.
Ngày ấy chưa có lệnh cấm lối quảng cáo các bài trong tờ báo bằng mồm, cho nên trẻ con rao ầm ĩ, khách qua đường ai nghe thấy cũng bỏ ra hai xu để mua.
– Đời Mới đã tìm thấy Tê Ca ơ!
Ngót vạn tờ đua nhau bay như bươm bướm ở nhà in ra, đến độ mười giờ đã hết sạch. Mà khi tòa báo đóng cửa rồi, còn có người đấm thình thình hỏi mua một số.
Bài đăng về việc ấy như sau này:
TÊ VÀ CA ĐI ĐÂU?
Tê và Ca chẳng phải có óc yêu nước, trốn ra ngoại quốc làm cách mệnh, như nhiều người đã phỏng đoán, Tê và Ca chỉ là hai nhân vật thờ thần ái tình, mà yêu nhau quá đỗi nên mê.
Tê và Ca chẳng bị làn sóng dư luận đánh bạt xuống sông, xuống bể mà mất tích. Tê và Ca hiện nay đương trú ngụ tại nhà săm Mỹ Lạc, tỉnh Lào Cai.
Chứng cớ?
Thì đây, độc giả thử nhìn cái ảnh in dưới này sẽ biết rõ.
Kết cục mối ngờ, Đời Mới hẹn từ nay chẳng thừa hơi để đả động đến tên đôi gian phu dâm phụ.
P.V
Dưới bài, in ảnh hai người khoác tay nhau đi chơi trong miền rừng núi.
* *
Người loong toong tòa báo Đời Mới lật đật đi gọi ông chủ bút, và cũng nói qua không biết vì đâu ông chủ nhiệm chẳng bằng lòng. Ông chủ bút cũng không đoán được ra cớ gì, vừa đi đường vừa luẩn quẩn nghĩ.
Lúc ông ta đến tòa báo, thì ông chủ nhiệm đương đứng dưới nhà in, gắt gỏng với thợ. Thấy ông chủ bút đến, ông chạy lên, bắt tay, và mời vào buồng giấy. Ông chủ bút nhận thấy ông chủ nhiệm vẫn còn ngậm tẩu thuốc lá chệch sang một bên hàm và khịt mũi luôn, biết rằng cơn bẳn chưa nguôi, bèn làm ra mặt vồn vã, vui vẻ hỏi:
– Ông vẫn bình yên?
– Bình yên! Mời ông ngồi đó. Úi chà!
Ông chủ nhiệm đặt phịch cây thịt xuống ghế, duỗi thẳng hai cẳng, đánh diêm châm lại điếu thuốc, nghiêm sắc mặt lại, thở dài, vỗ vào tập báo ở bàn, rồi hỏi:
– Thế nào? Hôm qua ông cho in bao nhiêu?
– Tôi cho in một vạn rưởi. Ngày hôm qua thực đáng là ngày kỷ niệm của tờ Đời Mới. Nguyên bán lẻ ở Hà Nội cũng đã ngót một vạn tờ mà còn thiếu. Gửi đại lý các tỉnh và các người mua năm xong, ở nhà hiện nay chỉ còn có ngót trăm tờ.
– Các ông làm ăn thế thì tòa báo này đến vỡ mất thôi!
– Tại làm sao? Ông nói lạ quá!
– Nhưng trước hết, xin ông đừng giận. Tôi bực mình lắm. Tôi lăn lộn trong làng báo trong bao nhiêu năm, không lần nào tôi thấy nguy hiểm như ngày hôm qua.
– Ông thử xem, từ ngày Bắc Kỳ có báo tới nay, có tờ nào một số chạy nổi vạn rưởi không?
– Vẫn biết vậy. Nhưng chính ông đáng trách ở chỗ đó. Thì ra ông làm báo chưa lành nghề. Sao ông lẩn thẩn thế?
– Thế lại còn lẩn thẩn?
– Phải. Chính ông lẩn thẩn. Ông được một tin hay, mà chỉ để báo ra có thế, chỉ có một kỳ thôi, còn có nghĩa lý gì không?
– Ô hay! Thì câu chuyện tóm lại chỉ có thế thôi mà?
– Chỉ có thế! Tóm lại! Thôi, ông đừng lý sự nữa. Ông để yên cho tôi nói. Tôi cần nói dài. Âu cũng là một bài học về nhà nghề. Độc giả đang đói thời sự, sao ông không cho họ ăn dè? Ông nhồi nhét cho cả vào một kỳ, ông lại hẹn không đả động đến chuyện ấy nữa! Ông không biết tôi cố công nuôi cái tin này bao nhiêu ngày à? Thế mà đến hôm tôi đi vắng, ông giết chết nó! Sao ông không câu độc giả? Họ đang say lử về cái mồi của tôi, đến tay ông, ông thả buột đi mất! Sao ông không “còn nữa”, “còn nữa”, mãi một tin ấy? Cứ như tôi, thì việc này ít ra tôi cũng kéo được nửa tháng. Mà hèn ra mỗi số cũng được ngót vạn tờ. Vậy mà ông vụng đến nỗi chỉ in ra có một số, cuối bài đã chẳng hẹn hò độc giả xem tin thêm ở số sau, ông lại cao thượng mà chẳng thèm nói nữa. Bây giờ, thôi, thế là xong!… Đây này, ông nhìn xem, vì ông khờ mà mấy tờ báo lá cải nó cướp mất mồi. Báo ông cho ra lúc ba giờ, thì chín giờ tối nó in ngay phụ trương để tranh khách! Này, còn tờ Buổi Sáng này nữa, ông thử đọc mà xem, có phải bài phóng sự ấy nó viết hay, và văn chương bao nhiêu không?
– Ai chả biết là tin ăn cắp! Họ làm gì có phóng viên ở Lào Cai?
– Ai biết? Ông bảo ai biết? Ông xem hai bài có đoạn nào giống nhau không? Đấy, sự thực có hơn gì câu bịa? Những thời sự mọi khi ông viết, tôi vẫn kêu là ngắn quá. Phải tốn nhiều việc mới đầy mấy cột báo. Mà ông còn kém ở chỗ cứ phải mắt trông thấy mới viết được việc. Ngồi nhà mà chả viết được một bài tường thuật đám đánh nhau, cuộc diễn thuyết, việc chẹt xe à? Thì nó có mẫu sẵn, chỉ thay đổi một vài tiếng, có khó gì! Hứng bút ra, ông tìm những giọng văn cho mới, dùng những chữ cho ngây ngô, có vẻ tây một tý, để lòe đời, có phải lắm người chuộng không? Mà làm báo kiêng nhất một việc là công kích phong trào. Độ nọ, nếu tôi không can, thì ông đã công kích bọn phụ nữ tự do rồi đấy! Cổ động phứa đi, công kích làm gì? Ông tính có phải vợ con mình đâu mà mình cấm? Công kích họ, tức là gây một bọn ác cảm với báo mình, hơi đâu? Thôi, xin ông nghe tôi một chút, và mời ông đi làm việc. Ông chớ giận tôi nhé!
Ông chủ bút chẳng được vui, cầm tập báo mới sang bàn giấy. Ông đọc tờ Bạn Trẻ xuất bản hồi chín giờ đêm hôm trước.
TIN TÊ CA
Tê và Ca mà bấy lâu nay độc giả Bạn Trẻ vẫn mong ngóng tin tức, thì hiện nay đang ở nhà săm Mỹ Lạc, tỉnh Lào Cai.
Đôi nam nữ lãng mạn ấy, nay chẳng dám nhìn mặt người xã hội, thỉnh thoảng chỉ hai người thơ thẩn với nhau, khoác tay nhau vào nơi rừng rậm non cao, xa nơi phố phường đông đúc, để tiêu dao cùng hoa tươi cỏ thắm. Vậy mấy lời vội vàng, Bạn Trẻ mách nhỏ hai gia đình có con quý hóa ấy, sớm liệu tìm đến nơi mà bắt về, dạy cho một bài học về phong hóa.
(Theo điện thoại của phóng viên Bạn Trẻ)
Mặt tím bầm như quả bồ quân, ông chủ bút lại mở tờ Buổi Sáng ra đọc:
KẾT QUẢ CUỘC ĐIỀU TRA CỦA BUỔI SÁNG
AI BẢO TÊ VÀ CA TỰ TỬ?
Vì Buổi Sáng tiếp được tin của phóng viên khí chậm, nên kỳ báo hôm qua đã lên khuôn, không kịp đăng ngay. Vậy nay xin đăng nguyên văn bài tường thuật ấy.
Tỉnh Lào Cai ở vào chỗ biên thùy. Tuy là một nơi ban ngày vắng vẻ, nhưng đến tối thì lại là một cái phòng trọ lớn chứa hành khách lạ, từ Hà Nội đi Vân Nam, hoặc đi Cha- pa, và Cha- pa, hoặc Vân Nam về Hà Nội. Bởi vậy, các phòng chứa khách rất nhiều, mà việc thuê buồng ngủ đêm cũng rất thường thấy.
Vì mục đích Buổi Sáng là bài trừ hạng người làm bêu rếu phong hóa của nước Cổ Việt Nam, cho nên từ ngày xẩy ra vụ Tê Ca, Buổi Sáng đã đoan quyết tìm cho ra đôi nam nữ quá ư tự do ấy. Từ đó, Buổi Sáng phái một phóng viên đi khắp các nơi, để mong giúp một phần tìm tòi hộ sở Mật thám, và cho hai gia đình đáng thương ấy. Thì đây, câu chuyện đã rõ rệt như ban ngày.
Tê và Ca không làm chính trị, Tê và Ca cũng chẳng tự tử như mấy tờ báo “lá cải” đã dám đoán phỏng một cách vô lý. Tê và Ca hẳn chỉ tìm quanh ở đất nước nhà một nơi hẻo lánh để tránh mặt nương thân. Trọng việc làm hơn lời bàn suông nói hão, Buổi Sáng quyết nhúng tay vào việc. Thì trừ tỉnh Lào Cai ra, hẳn không còn nơi nào có thể lẩn núp được mãi cái bộ mặt khuyển lang của đôi gian phu dâm phụ, Buổi Sáng nghĩ. Vì vậy, phóng viên Buổi Sáng chẳng quản đường xa dặm thẳm, cố lặn ngòi ngoi nước, lên được đến nơi ải lạnh rừng thiêng, cố điều tra trong các săm trọ, thì thấy đã hơi có chút ánh sáng rọi qua tấm màn đen bí mật.
Này! Ai đi qua nhà Mỹ Lạc, nhác mắt nhìn vào trong một buồng, có trông thấy một đôi thiếu niên nam nữ ăn mặc ra cách tân nhân vật Hà thành, mà chẳng lấy làm ngợ? Đôi trai gái ấy, ngày thường chẳng dám bè bạn cùng ai, mà bốn bức tường buồng chật hẹp như chẳng đủ điểm vào câu chuyện cho thêm nồng mặn, nên những khi trăng thanh gió mát, êm ả chiều trời, thì ta lại thấy trên đường kia, ẩn hiện ở dưới bóng cây một cặp trai gái, xinh đẹp như đôi uyên ương, cậu can bạc, đầu trần, mợ áo màu, quần trắng, khoác tay nhau, đo từng bước mà trò chuyện nhỏ to. Ôi! Trước mắt rừng rung, bên tai sóng réo, non nước đa tình nó cũng hợp với óc lãng mạn của giống đa tình! Cho nên mảng vui về cảnh, quá say về tình, mà dư luận eo óc bên mình, nào có để ý tới!
Ấy, Tê và Ca đấy!
Than ôi!
Cho gan sắt đá cũng si về tình.
Khuyên em đừng đẹp đừng xinh,
Em khuynh thành lắm, anh khuynh gia nhiều!
Khuyên anh, anh chớ mỹ miều
Anh giòn tán lắm, em liều theo ngay!
PHÓNG VIÊN
Ông chủ bút đọc xong, tái mặt lại. Bỗng ngoài cửa có tiếng gõ. Ông phóng viên Lào Cai vào.
Ông chủ bút đứng dậy chào, bắt tay, mời ngồi. Rồi cũng đặt bịch cây thịt xuống ghế, duỗi thẳng cẳng ra, nghiêm sắc mặt lại, thở dài. Ông vỗ vào tập báo ở bàn, rồi nói:
– Ông làm ăn thế thì tòa báo này đến vỡ mất thôi!
– Tại làm sao, thưa ông?
– Tôi bực mình lắm. Tôi lăn lộn trong làng báo trong bao nhiêu năm trời, không lần nào thấy bất đắc ý bằng ngày hôm qua.
– Thưa ông, tôi tưởng báo hàng ngày ăn thua nhau ở tin tức nhanh chóng. Hẳn chỉ có một mình tôi biết tin ấy, chứ các báo khác có phóng viên ở Lào Cai đâu?
– Vẫn biết vậy, nhưng chính là ông đáng trách ở chỗ đó. Thì ra ông làm báo chưa lành nghề, mà tòa báo dùng lầm ông! Sao ông lẩn thẩn thế? Ông vẫn còn trẻ người non dạ, chưa lịch duyệt, còn nhiều cái hấc lờ lắm!
– Thế còn lẩn thẩn, hấc lờ?
– Phải, chính ông lẩn thẩn, ông hấc lờ. Ông được một tin hay, mà ông chỉ viết có một bài ngắn, để đăng vào có một kỳ, chỉ có một kỳ thôi, còn có nghĩa lý gì không?
– Vâng, thì nói thế là đủ ý, chứ còn gì nữa?
– Trời ơi! Thế nào là đủ ý? Ý biết thế nào cho đủ? Bây giờ tôi mới thấy ông nói thế là một! Độc giả đang đói thời sự, tôi đương nuôi vụ Ca Tê cho nó đỡ ngắc ngoải, thế mà được tin sửng sốt, ông không cho bạn đọc ăn dè? Ông nhồi, ông nhét, ông tọng vào cả một kỳ, viết ngắn có mấy dòng tủn hoẳn, ông lại hẹn không đả động đến chuyện ấy nữa.
– Thì sao ông không chữa lại và kéo dài ra?
– Vì tôi không muốn làm mất lòng ông. Ông đã phụ công tôi, nuôi nấng tin này trong bao nhiêu ngày. Thế mà chính tay ông, ông giết chết nó! Sao ông không câu độc giả! Họ đang say lử về cái mồi của tôi, đến ông, ông thả buột đi mất! Sao ông không “còn nữa”, “còn nữa” mãi một tin ấy như mục tiểu thuyết, như bài diễn văn, như lối tường thuật một vụ án quan trọng? Cứ như tôi, thì việc này ít ra tôi cũng kéo được một tá mà hèn ra, mỗi số cũng chạy nổi hơn vạn tờ. Vậy mà ông vụng đến nỗi chỉ viết ra có một số, cuối bài đã chẳng hẹn hò độc giả xem tin thêm ở số sau, ông lại cao thượng mà chẳng thèm nói nữa! Bây giờ thôi! Thế là xong!… Đây này, ông nhìn xem, vì ông khờ mà mấy tờ báo lá cải nó cướp mất mồi. Bài của ông ra lúc ba giờ, thì chín giờ tối, chúng nó in ngay phụ trương để tranh khách! Này, còn tờ Buổi Sáng nữa, ông thử đọc mà xem, có phải bài thời sự ấy nó viết hay và văn chương bao nhiêu không?
– Chà! Họ mà lại tin, ai mà chẳng biết!
– Sao ông nói dốt thế? Ai biết? Ông xem hai bài, có đoạn nào giống nhau không? Đấy, sự thực có hơn gì câu bịa? Những thời sự mọi khi ông viết, tôi vẫn kêu là ngắn quá, mà thiếu nhiều văn chương. Như thế phải tốn nhiều việc mới lắp đầy mấy cột báo. Ông phải biết những người làm báo lâu năm như tôi, viết thời sự không cốt gì phải mục kích mới viết nổi. Mất thì giờ đi. Mà đi thì tốn tiền! Ngồi nhà mà chẳng viết nổi bài tường thuật đám đánh nhau, việc chết chẹt, vụ đắm thuyền à? Này, đến ngay như việc chiến sự ở Ngô Tùng bên Tàu, mà tinh ý ra, cũng viết được một bài rõ ràng không kém báo Trung Hoa, Nhật Bản. Thì nó có mẫu sẵn cả. Đám chẹt xe thì tất sứt đầu, kẹp tay, máu me lênh láng. Rồi khéo tả cho rùng rợn, và kéo dài như bài luận nhà trường rồi để kết luận, ông thêm cho hai tiếng “tội nghiệp”, thế là hay đáo để rồi. Những việc xẩy ra ở nước ta, việc nào chẳng giống việc nào, chỉ thay đổi một vài tiếng tên người, tên chỗ, có khó gì? Hứng bút ra, ông tìm những giọng văn cho mới, dùng chữ cho ngây ngô, có vẻ tây một tí, để lòe đời, có phải lắm người chuộng không? Bây giờ họ làm báo thế cả, chứ có cốt gì học thức lắm đâu? Vậy mà báo họ vẫn chạy lắm. Những lời tôi khuyên ông, tôi xin ông nghe tôi, bởi vì, chẳng phải khoe, tôi sành nghề làm báo hơn ông.
– Vâng, cảm ơn ông và xin lỗi ông, tôi muốn sang buồng ông chủ nhiệm.
– Thôi, ông không cần sang. Ông ấy vừa gắt ông đấy. Ông ấy gắt suốt cả ngày hôm qua đến nay! Nếu không có tôi nói đỡ thì có lẽ ông ấy đã viết thư ngay từ sáng sớm lên Lào Cai để thu cái thẻ phóng viên của ông lại rồi.
Ông phóng viên bùi ngùi đứng dậy, cảm ơn ông chủ bút và cáo từ lui ra. Khi cửa đã khép, ông chủ bút còn trông theo và tủm tỉm cười. Ông vui vẻ như cậu học trò đọc thuộc bài. Rồi, như còn quên một câu gì của ông chủ nhiệm, chưa nói nốt, ông gọi giật ông bạn đồng sự lại:
– À, này, ông phóng viên! Sau hết, xin ông đừng giận tôi nhé!
Ông phóng viên nhìn ông chủ bút như một vị ân nhân, vội trả lời:
– Ấy chết! Thưa ông, tôi không dám ạ.
Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Đăng trong Annam Tạp chí - Số 39 (30/04/1932)
Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Nguyễn Công Hoan - Truyện Ngắn Chọn Lọc - (NXB Hội Nhà Văn 2005 - Trọn Bộ 2 Tập)
Tham khảo: Các bài viết liên quan
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉