Mời bạn đọc theo dõi thân phận phu xe qua các truyện ngắn:
1. Ngựa người và người ngựa - 11/2/1931
2. Được chuyến khách - 1936
3. Tấm giấy một trăm - 7/1939
2. Mời đọc Bản đánh máy
3. Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
4. Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời nghe đọc
Diễn đọc: 1. Cô Trinh | 2. Trung Nghị | 3. Hồng Ngọc | 4. Chiến Hữu | 5. TV DKD | 6. Thu Yên | 7. Quỳnh Hoa | 8. Cô Vân | 9. Mắm Tôm
7 kênh 8 video
2. Chiến Hữu Audio 01:16:42
3. Kênh Cô Trinh 42:40
4. TV DKD 18:16
5. Kênh Cô Vân 30:08
7. Thư viện Sách nói Hướng Dương - Diễn đọc: Trung Nghị 01:54:22 .
Mời đọc Bản đánh máy
Được chuyến khách
Vì nghĩ đến buổi khách ngày chợ phiên, nên từ trưa đến bây giờ, tự nhiên anh Tiêu như thấy nhẹ nhõm hẳn một nửa người.
Anh ngồi dậy. Nhưng thấy mình mẩy ê ẩm, anh vươn vai, duỗi khục hai tay, rồi nhảy từ trên phản xuống đất. Anh đứng yên một lát cho đỡ chóng mặt, rồi lấy năm đầu ngón tay vuốt lại mái tóc. Nhìn cái điếu, anh định đặt một mồi, hút thử xem còn ho không. Nhưng hình như anh chưa thèm thuốc lắm. Anh biết thế là anh chưa khỏi thực.
Anh Tiêu ra cửa, đứng. Thấy người qua lại đông đúc, anh phấn khởi, quên cả váng vất.
Đã bốn hôm nay, anh nghỉ xe, vì lúc nào anh cũng hầm hập sốt.
Trước kia, mỗi khi bị nóng mình nóng mẩy, anh cho là thường. Anh không hề chịu nằm rên hoặc uống thuốc. Trong nghề anh, anh đã tìm ra được một môn thuốc rất thần hiệu. Lúc nào người anh cũng gây gấy, thì không kì quản đắt rẻ, anh cố kéo lấy một chuyến khách, chạy một mạch rõ nhanh, cho ra mồ hôi. Tự khắc cơn sốt nó rơi ở đường lúc nào không biết.
Nhưng từ đầu năm nay, sức anh chống chọi lại với các bệnh tật có kém đi. Lắm khi anh phải “hàng” trước một cơn nhức đầu, hay một trận đau bụng.
Hơn mười năm cầm càng xe, anh Tiêu cho rằng như thế anh cũng đã là dai sức. Vì mắt anh từng thấy các bạn không chịu được những nỗi nhọc nhằn của nghề. Có người mới làm được vài hôm, đã phải một trận ốm thừa sống thiếu chết. Có người mới kéo xe được độ ba bốn năm, đành xoay nghề khác nhẹ nhõm hơn. Có người không kiếm đủ ăn, phải chịu bó tay thất nghiệp, và đi ăn cắp, ăn trộm. Có người bị những trận đòn ghê gớm của cai mà thành ra què quặt, mang tật suốt đời. Phải, còn nghề nào vất vả cho bằng nghề kéo xe. Thôi thì đang nắng sém mặt sém mày, bỗng nổi trận mưa rào, rồi mưa vừa tạnh, mặt trời đã lại chiếu ngay xuống, nóng như lửa.
Như vậy, lưng đang nhễ nhại mồ hôi, thì bị ngay ướt những nước lạnh. Rồi vụt lại đẫm những mồ hôi. Thế mà anh vẫn phải cắm cổ, gò lưng mà chạy, hai chân đặt lên đường nhựa bỏng như đốt. Song, nào đã hết. Buổi tối, anh còn phải phơi sương, có khi phanh lưng ra, ngủ gật suốt đêm. Một người không khoẻ như anh, mà làm việc thế, lại không được ăn đủ ngủ đủ, thì còn gì là đời. Thế mà cứ sống như vậy, anh kéo dài cho được mười năm, kể cũng đã là tay anh hùng.
Nhưng ít lâu nay, sức anh suy kém lắm. Có hôm, anh phải bán lại xe cho người khác trong nửa buổi, để về nhà nằm nghỉ cho qua lúc khó ở trong mình. Và lần này, anh phải nằm bệt mất bốn hôm. Vì anh không thể gượng được với thần sốt ác nghiệt nữa. Mà nào chỉ có một bệnh sốt? Anh còn ho, ho như rút ruột rút gan, ho đến nỗi hàng xóm nghe thấy cũng phải sợ.
Nhưng hôm nay, anh đã nhóc nhách ngồi dậy được. Và khi biết rằng chiều nay có cuộc chợ phiên to trên Bách thú, tự nhiên anh Tiêu thấy nhẹ nhõm hẳn người.
Một tối hôm nay, kiếm bằng ba bốn ngày thường. Vả lại, toàn khách lắm tiền, bước lên xe không thèm mặc cả, cốt để diện với gái, hơn là ra dáng ta có từ tâm. Thì anh bỏ sao được dịp kiếm ăn dễ dãi và không vất vả này. Anh cũng tính bắt đầu từ ngày kia mới lại đi làm cho sức thực khoẻ đã. Nhưng buổi làm tối nay và tối mai, cũng chẳng qua như buổi đi bách bộ trong sân, có gì là khác. Vả, mới có nghị định cấm đi xe đôi, thì hẳn anh không phải kéo nặng nhọc như trước.
Chừng hơn ba giờ, anh rảo bước, đến hiệu xe. Đầu anh vẫn còn hơi váng vất, anh lao đao như người mới ở thuyền lên bộ. Song, anh không nản lòng. Chắc rằng người qua lại tấp nập làm loạn mắt, nên anh thấy thế.
Đi một quãng, anh chóng mặt hơn. Anh đứng lại nghỉ để thở. Rồi lúc lại sức, anh lại thong thả tiến từng bước một. Anh sờ tay lên trán, thấy vẫn mát như thường. Không hề gì. Hẳn mấy hôm nay vì anh nằm gí, nên bây giờ, mới bắt đầu cử động, anh chưa quen đó mà thôi.
Ở Cửa Nam, các bạn anh đã đứng đông cả. Họ đùa nhau một cách táo tợn, mà anh rợn cả người. Anh cho rằng trong mình không được khoẻ, nên hay sợ, chứ ngày thường, chính anh cũng vẫn đùa bỡn họ như thế. Bỗng có hai người đuổi nhau, rồi người chạy trước quay lại giơ nắm tay, xói vào ngực người chạy sau một cái thực mạnh. Họ vật nhau, cười như nắc nẻ. Anh Tiêu ghê cả thịt, và cũng rạo rực như thấy quả đấm ấy uỵch vào ngực anh vậy.
Anh không dám nhìn các bạn nữa. Anh vào tuột nhà ông cai. Nhưng tiếng cười đùa vẫn inh ỏi bên tai, khiến anh càng muốn quên đi, thế mà cái hình ảnh ấy như còn diễn ở trước mắt. Mà mỗi khi tưởng tượng đến quả phật thủ nó đấm vào ngực, anh lại thấy nao nao như buồn nôn.
*
* *
Anh Tiêu cúi xuống, nâng hai càng xe lên. Anh tiến một bước. Sao mà cái xe nặng thế. Mới ốm có bốn hôm, mà sức lực đã khác đi như thế rồi.
Anh không bước nhanh nữa. Vội gì? Chiề nay, ở Bờ Hồ rất sẵn người. Lúc nào chẳng có khách. Dù có đi rẳo bước, bất quá đến trước độ mười lăm phút là cùng. Sớm mười lăm phút hay chậm mười lăm phút thì rồi cũng có khách.
Đi độ hết phố Hàng Bông đệm, anh vẫn thấy choáng váng, rồi tối tăm mặt mũi. Anh phải đứng lại để thở.
Được. Buổi mới, anh cũng cần tập đi. Chốc nữa, anh sẽ không choáng váng và thở nữa. Cái xe sẽ nhẹ nhõm như thường.
Nghỉ một lát, anh lại bước đi. Nhưng chẳng ai thụi nhau ở trước mặt anh, mà bỗng tự nhiên anh cũng nao nao như buồn nôn. Anh ho dồn một trận, cố khạc mà không ra đờm. Rạo rực, anh muốn nằm ngay ra vệ hè để thở một lát. Giá anh nôn được hẳn thì khoan khoái lắm.
Bờ Hồ là cái biển người mà các phố như các ngả sông chảy dồn người lại. Đến nơi ồn ào, tấp nập, anh Tiêu quên cả bệnh tật. Tự nhiên, anh rảo cẳng từ lúc nào mà anh không biết.
Sự làm quá sức khiến anh lại thấy trong người khó chịu. Anh váng vất và rạo rực hơn. Rồi sa sầm lại, suýt ngã khuỵu.
Ba bốn lần, anh muốn thôi đừng tham công tiếc việc nữa. Biết thế, giá cứ nghỉ cho đến ngày thực khoẻ, rồi tha hồ mà làm tiền. Chứ vừa mới hơi khỏi, anh đã gượng dậy, lỡ ốm thêm thì chả bõ. Nhưng trả xe? Cai nào dại mà nhận cho anh. Ai chịu mấy hào thuế ấy? Hẳn anh phải nai lưng ra mà đền sự thiệt hại này.
Mà anh đền? Anh rùng mình khi nghĩ đến tiền đền một buổi xe ngày hội. Hay là anh chịu lỗ vốn ít nhiều, gọi một người bạn nào mà bán lại xe cho người ta buổi tối nay? Nhưng đã mua xe, anh đành phải kéo để kiếm tiền cho khỏi lỗ vốn vậy.
Anh nản chí, càng như bị thần bệnh ám ảnh. Mà buồn quá. Bờ Hồ rầm rập những người thật, nhưng bọn nào đi hai người, họ cũng trèo lên xe điện cả. Anh vẩn vơ, suy nghĩ về cái nghị định nhân đạo của quan đốc lí thành phố mới ban hành. Chẳng lẽ việc quan thương dân lao động, đặt ra lệ khách không được ngồi xe đôi, lại định giá mỗi cuốc ngắn phải trả một hào, lại hoá ra làm lợi cho xe điện phải hạ giá mỗi quãng là hai xu hay sao? Hay là bây giờ vẫn còn sớm? Phải, người sang trọng còn đương ăn cơm. Chốc nữa, có mà vứt đi cũng không hết khách.
Đèn điện đã bật.
Anh Tiêu nhìn trước nhìn sau, và đứng dưới bóng tối để nghỉ. Anh cứ thấy cổ ngứa, lờm lợm. Giá không ai để ý đến anh, mà anh được nôn ra đây, thì hay quá.
Anh thử oẹ. Ngực anh càng rạo rực. Nhưng không sao nôn được.
Đứng đây chán, anh lại đi, anh tin rằng thể nào cũng được vài chuyến khách. Sao bây giờ xe nặng hơn lúc nãy? Anh thở. Thì tự nhiên anh oẹ một tiếng, nhưng không được gì cả.
Nôn khan, anh không lấy làm lạ chút nào. Vì trong bụng anh có gì đâu. Hai hôm nay, mới ban nãy, anh mới ăn được một tí cháo.
Anh lại đi vài bước, mời những khách mà anh gặp. Nhưng chẳng ai trả lời.
Rồi bỗng cơn buồn nôn lại làm anh nao nao trong người. Anh đứng lại, lấy tay vuốt ngực. Tự nhiên, anh đâm ra sợ nôn. Sao vậy? Nào ai biết được.
Nhưng cơn buồn nôn càng bắt anh phải cố nôn. Anh phải đứng cạnh đường, ở chỗ tối. Anh đỡ ngực, há miệng, nhăn mặt và gò lưng xuống để oẹ.
Anh oẹ. Anh cố oẹ. Thì bỗng miệng anh trào ra được đến một bát nước đen đen và long lỏng.
Rồi ngực anh càng rạo rực. Anh chóng mặt như say rượu. Anh oẹ khan vài tiếng nữa, rồi lấy tay quệt nước ở mồm.
Quái, cái gì đặc vậy. Anh ghé ra chỗ sáng, nhìn kĩ. Thì bỗng anh giật nảy mình. Mẹ ơi, máu!
Máu tươi toe toét quanh mồm anh, nghĩ mà ghê cả người.
Rồi một cơn ho nổi lên. Anh gò lưng, nhăn mặt, há mồm, hộc ra được một đống máu tươi nữa. Anh sợ run lên, nhìn bốn bên. Nhưng may quá, không có một người đội sếp nào trông thấy.
Lanh trí khôn, anh vội vàng lại chỗ máy nước, ấn mạnh cho nước toé ra thực nhiều, để nó chảy tràn ra cống, rửa sạch vũng máu đi.
Vừa toàn thò miệng vào vòi nước để súc, bỗng anh nghe thấy tiếng gọi: Xe!
Anh ngẩng lên nhìn. Một cô tân thời, cắp ví ở nách, đi dún dẩy từ đằng xa lại.
Không biết nên kéo hay nên không? Anh đương phân vân. Nhưng vụt anh trông thấy một vài chiếc xe không từ đằng xa chạy lại, tranh nhau cướp lấy khách. Chẳng đắn đo hơn thiệt, tự nhiên anh vội vàng quệt tay, chùi máu mép, với lấy càng xe, cũng cắm cổ chạy. Chiếc xe nhẹ nhảy lên chồm chồm.
May làm sao, anh lại tranh được chuyến khách.
Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Tổng tập văn học Việt Nam - Tập 28 - Trung tâm KHXH NV Quốc gia -2000
Tham khảo: Các bài viết liên quan
1. Ngựa người và người ngựa - 11/2/1931
2. Được chuyến khách - 1936
3. Tấm giấy một trăm - 7/1939
Ảnh độc về những "cu ly" kéo xe ở VN đầu thế kỷ 19 - BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA, 21/03/2013
Nghề kéo xe
Trong "Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt - Lê Minh Quốc"
Tôi Kéo Xe (phóng sự) - Tam Lang
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉