Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Giá ai cho cháu một hào



Minh họa: isach.info

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Khởi Nguyên | 2. Cô Trinh | 3. Chiến Hữu | 4. Cô Vân | 5. Hồng Ngọc | 6. TV DKD | 7. Mắm Tôm | 8. Quỳnh Hoa | 9. L&H



Mời đọc Bản đánh máy

Giá ai cho cháu một hào

Nguyễn Công Hoan

 

Người lính khố xanh bước lên toa, đứng lại, nhìn xem chỗ ghế nào rộng để ngồi, rồi dắt theo một thằng bé con bé loắt choắt đi đến. Cái xích sắt, một đầu người ấy cầm, một đầu buộc vào cổ tay thằng bé, nó võng xuống và đưa đi đưa lại, kêu xủng xoẻng. Người lính ra dáng mệt nhọc, bỏ nón để lên đầu gối, trật khăn khoàng vào cánh tay, tựa đầu vào thành toa, rồi đưa cả cái xích cho kẻ bị xích cầm. Tội nhân vo gọn dây sắt và thu tất cả vào bụng, rồi phủ vạt áo lên trên cổ tay.

Hành khách yên lặng nhìn, ghê tởm hoặc sợ hãi, như nhìn một kẻ đại gian ác. Người ta còn ghê tởm và sợ hãi hơn nữa, vì thằng đại gian ác này lại bé nhỏ, mới độ mười lăm, mười sáu tuổi là cùng.

Mặt nó già cấc, đen thủi và răn reo, làm cho hai con mắt nó trắng dã và khoằm khoặm như mắt vọ. Những thứ nó mặc, nếu lấy tên sẵn của cổ nhân đặt ra mà gọi là quần và áo, thì không đúng tí nào.

Cái che khoảng trên thì là một mảnh vải to cũ kĩ, vừa rộng vừa ngắn, trước kia không rõ đã dùng để làm gì. Cái che khoảng dưới thì bằng không biết có phải vải hay không, nhưng chắc chắn nó là di tích của một chiếc yếm đầm. Cả hai thứ đều rách bướp, mà chỗ nào rách cũng to, nên phải nút díu lại với nhau, hoặc buộc bằng lạt. Bời vậy, người ta có thể đếm trong mình nó từng cái mụn lở, từng cái xương sườn.

Xe lửa chạy được một ga. Bỗng một bà hỏi người lính:

- Thằng bé nó tội gì thế, ông?

- Nó không có tội gì cả, nhưng nó đi ăn mày, nên bị giải về nguyên quán.

Bấy giờ mọi người mới nhìn kẻ không gian ác bằng những con mắt thương hại. Bà ta cau mặt, hỏi:

- Thế các ông không cho nó đi xin để kiếm ăn à?

Người lính mỉm cười, đáp:

- Nào phải tôi không cho nó đi kiếm ăn. Quan trên cắt tôi giải nó đi, thì tôi tuân lệnh, có thế thôi.

Bà hành khách thấy câu nói có lí, thì mỉm cười, rồi ngắm nghía thằng bé:

- Ừ, nó không đui mù què quặt mà cũng đi ăn mày. Chỉ lười quen xác.

Người lính gật đầu, đáp:

- Vâng, vả nó làm cho tỉnh thành phố xá mất cả vẻ đẹp đi, bà ạ.

Mọi người đưa mắt nhìn thân hình thằng bé và những mảnh xơ xác bọc nó, khiến nó cúi đầu, ngượng nghịu.

Rồi người đàn bà khuyên thằng bé:

- Về chỗ quê hương, thì nên kiếm việc mà ăn mà làm, tội gì ăn xin cho nó khổ, hở anh? Mà cái nghề đi ăn xin, nếu không có ai cho, thì dễ sinh ra làm càn, đâm đi ăn cắp, ăn trộm. Rồi làm điều ác quen tay, có ngày thì ăn cướp, giết người, tù tội đấy, anh ạ.

Thằng bé con thở dài, đáp:

- Thưa bà bảo cũng phải, nhưng cháu chả biết được rồi ngày sau cháu thế nào. Cháu bị giải về nguyên quán lần này là lần thứ hai.

- Là lần thứ hai? Sao anh không chịu ở nhà, lại dại dột lần mò đi như thế? Ở chỗ quê hương, có họ hàng làng xóm, thỉnh thoảng người ta thương tình, giúp đỡ, chẳng hơn ra thiên hạ, một thân một mình sao?

- Thưa bà, cháu có muốn đi đâu. Nguyên thầy u cháu chết sớm, để cháu lại cho cậu cháu nuôi, ở trên Lạng Sơn kia.

- Thế quê anh ở đâu?

- Cháu quê ở làng Đồng Hải, về tỉnh Thái Bình. Nhưng từ bé, cháu chưa về làng bao giờ, vì thầy u cháu lên làm ăn trên Lạng đã đến hơn hai mươi năm nay.

- Thế cậu anh làm nghề gì?

- Cậu cháu làm ruộng, nhưng nghèo lắm, mà cũng mới chết mấy tháng nay.

Bà ta chép miệng, thương hại:

- Khốn nạn! Bởi thế anh mới phải lang thang?

- Vâng, thưa bà, thì cậu cháu lúc sống, ruộng làm nhờ, nhà ở nhờ, thì hẳn lúc cậu cháu chết, cháu bị đuổi đi.

- Sao anh không xin ở lại làm với người ta?

- Có, nhưng ông ấy bảo còn bé, chưa biết làm gì.

- Thì xin ở làm thằng nhỏ vậy.

- Thưa bà, cháu có muốn đi ăn mày đâu. Cháu có tính lười biếng đâu. Cháu cũng biết kiếp ăn bám vào người ta thì chả chắc tí nào, vả lại nhục lắm. Nhưng cháu cố xin ông chủ việc gì, ông ta cũng không dùng. Ông ta bảo có đủ người rồi. Cho nên cháu không được ở nhà ấy nữa.

- Sao ở tỉnh Lạng, thiếu gì người, thiếu gì nhà, anh không xin việc mà làm?

- Thưa có, nhưng ai cũng chê cháu gầy gò, yếu đuối. Có người đã nuôi cháu hai hôm, lại cho cháu ra ngay, bảo rằng cháu không biết việc và nhất là vì cháu bơ vơ, không có ai chắc chắn dẫn lại, nên người ta không thể tin được.

Bà hành khách thở dài. Thằng bé nói tiếp:

- Mà giá cháu có quần áo lành lặn, thì còn có người tin, chứ ăn mặc rách rưới thế này, ai cũng nghi là ăn cắp. Cháu lang thang một ngày không có gì ăn, bất đắc dĩ, cháu mới phải ngửa tay đi xin đồng trinh, bát cháo. Một lần, may quá, cháu gặp một người bạn của cậu cháu khi trước. Cháu kể tình cảnh với bác ấy, bác ấy thương tình, hẹn rằng hai hôm nữa là phiên chợ Kỳ Lừa, bác ấy ra tỉnh bán hàng, bác ấy sẽ dắt việc cho mà làm ở nhà quen. Và nếu không được, thì bác ấy cho vay tiền mà làm vốn.

- Ồ, thế sao anh không theo về ngay nhà bác ấy ở làm thằng nhỏ cho bác ấy có tiện không?

Thằng khốn nạn mỉm cười, đáp:

- Thưa bà, bác ấy có sung sướng gì hơn cậu cháu đâu? Nghĩa là bác ấy cũng nghèo khổ như hạng cháu thôi. Tại bác ấy thương cháu, nên mới tính như thế. Mà cái vốn của bác ấy gọi là cho cháu vay, nó độ một vài hào là cùng. Bác ấy xui cháu mua đôi nồi hông mà gánh nước thuê, hoặc sắm cái ấm và mấy cái bát mà đi bán nước vối. Vâng, thưa bà, có vốn thì khối cách kiếm ăn, mà cháu quyết rằng nếu cháu có một hào vốn, một hào vốn thôi, thì cháu có thể no suốt đời được. Thật thế, giá lúc ấy bác ấy cho cháu vay ngay một hào, hay giá ai cho cháu một hào, thì không bao giờ cháu chịu đi ăn mày đến nỗi lần trước phải bị bắt và giải về nguyên quán.

- Thế là vì đi ăn mày, anh mới bị bắt đấy?

- Vâng, chứ cháu có tội gì, mà lần này cũng thế. Lần trước cũng một ông quyền giải cháu đi, từ Lạng Sơn về Thái Bình, mất hai ngày.

Bà ta nghĩ một lát, rồi đáp:

- Ừ, đường đất ấy, đi hai ngày là phải.

Người lính nói thêm:

- Hai ngày thì hấp tấp mệt nhọc quá.

- Các ông đi thế này, nhà nước cho chi tiêu ra làm sao?

Người lính vuốt mái tóc, ngồi thẳng lại, đáp:

- Chúng tôi mỗi ngày được hai hào phụ cấp. Cái chuyến người lính đi đưa thằng này lần trước ấy, thế là bốn ngày, vì còn lượt về, vị chi là tám hào.

Ba ta gật đầu:

- Phải, hai suất hành lí từ Lạng đi Thái và một suất từ Thái về Lạng nữa chứ! Mỗi suất một lượt bao nhiêu tiền, hở ông?

Người lính lắc đầu, đáp:

- Tôi chưa đi đường Lạng Sơn bao giờ, nhưng một người về đến Thái, mất tất cả độ chừng hai đồng trở lại.

Người đàn bà ngạc nhiên, trợn mắt, nói:

- Thế ra những năm sáu đồng kia đấy! À, mà lại còn tiền ăn đường của thằng bé này nữa nhỉ. Thế tất cả là đi, cho là năm đồng tiền tàu, với lại tám hào lính, với lại, mỗi ngày tiền ăn của nó bao nhiêu hở ông?

- Hào sáu.

Bà ta lẩm bẩm:

- Là đi năm đồng tám, với ba hào hai, tất cả sáu đồng một hào hai.

Thằng bé trố mắt, ngẩn người ra để nghe. Người lính lại tiếp:

- Rồi còn từ tỉnh về huyện, cũng một người lính nữa giải nó chứ.

- Ồ, phải, lại hai hào một ngày nữa.

Thằng bé con nói:

- Từ Thái về huyện cháu có ô tô, bốn hào một lượt.

- Thế hai vé đi, một vé về, mất đồng hai, với hai hào, với sáu hào, là một đường năm hào sáu. Tất cả là bảy đồng sáu hào tám. Thế đến huyện rồi sao nữa, hở ông?

Người lính đáp:

- Cũng có lính giải nó về làng, giao cho lí trưởng. Nhưng quãng này thì lí trưởng phải cung đốn cơm rượu cho lính.

Thằng bé nói:

- Thưa bà, người ta đưa cháu về làng, giao cho ông lí, nhưng ông lí khai rằng không biết cháu là đứa nào, vì trong sổ làng không có tên cháu.

- Thế thì làm thế nào?

- Nhưng ông lí cũng cứ phải nhận cháu, vì quan bắt thế. Ông ấy nuôi cơm cháu mấy hôm, nghe chừng xót ruột, nên lại đuổi cháu đi. Vì thế, cháu lại phải lang thang lần nữa. Giá bấy giờ ai cấp cho cháu một hào vốn, thì cháu chẳng phải đi đến đâu. Cho nên cháu phải xin ăn hết nơi này đến nơi khác, bị nhục nhã đủ trăm chiều. Rồi được độ một tuần lễ, khi lạc đến một tỉnh mà cháu không biết là tỉnh gì, thì cháu lại bị bắt và bị đuổi về làng cháu như lần trước.

Bà ta ái ngại:

- Rồi ông lí lại không nhận, và phải nuôi báo cô anh, thì ông ấy lại đuổi đi?

Thằng bé thở dài, không đáp. Người lính cau mặt:

- Thực nó làm tốn kém cho nhà nước. Mỗi bận thế này, còn phải mất bao nhiêu giấy má vì nó nữa chứ. Nào bên toà Sứ, nào bên sở Tuần, nào bên sở Cẩm, nào rồi lại về huyện, về làng. Mà khi bắt được nó, vì chờ nhiều chữ kí quá, nên ít ra cũng phải nuôi nó một hôm, rồi mới giải nó đi được.

Người đàn bà nói:

- Thế ra tính tròn thì lần trước nhà nước đã mất tám đồng bạc về nó. Lại còn lần này, rồi biết đâu, còn những lần sau nữa.

Người lính gật đầu, nhìn thằng bé đang nghĩ ngợi, rồi đáp:

- Mà khi bắt được một đứa ăn mày, nhà nước chỉ có phép giải nó về nguyên quán mà thôi.

Bà hành khách lắc đầu, bảo thằng bé:

- Đấy, anh coi, anh nên kiếm việc mà làm, không nên đi ăn mày nữa. Thà rằng anh đến tuổi, mỗi năm đã đóng cho nhà nước hai đồng rưỡi thuế thân, chứ hiện nay, cứ mỗi bận anh bị giải như thế, nhà nước phải tốn về anh bảy tám đồng bạc, mà nhà nước có được lợi lộc gì đâu!

Thằng bé khốn nạn nghe chừng hiểu thấu bài tính và kinh ngạc về món tiền kia, nên nó ngậm ngùi, khâm phục câu khuyên bảo rất phải lẽ của người đàn bà tử tế. Nó đáp:

- Vâng, thưa bà, nhưng giá ai làm phúc cho cháu một hào, một hào thôi, thì đâu đến nỗi cháu phải đi ăn mày, mà nhà nước cũng chẳng phải tốn kém như thế!



1938



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Nguyễn Công Hoan - Truyện Ngắn Chọn Lọc - (NXB Hội Nhà Văn 2005 - Trọn Bộ 2 Tập)


Tham khảo: Các bài viết liên quan

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉