2. Mời đọc Bản đánh máy
3. Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
4. Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời nghe đọc
Mời đọc Bản đánh máy
Nỗi day dứt của một đại tá
tỉnh trưởng ngụy quyền
Khỏi gọi anh bằng chức vụ cũ. Ngụy quyền đã bị chôn vùi từ hơn sáu tháng trước, thừa thì giờ để "xanh ngọn cỏ, nỏ hòn đất", ở nấm mồ rồi. Vả, ở lớp Quản huấn, học đến bài thứ bảy, anh ta càng thấy sỉ nhục về cái tội làm tay sai cho đế quốc Mỹ xâm lược. Tên anh ta là Tươi. Âu là ta gọi anh ta bằng tên ấy.
Mấy đêm nay rồi, Tươi mất ngủ. Ít nói. Ít cười. Trừ lúc ở lớp để thảo luận, và ở vườn để lao động, còn lúc ở phòng, thì Tươi nằm, vắt tay lên trán, thỉnh thoảng thở dài thườn thượt.
Anh em bạn hỏi Tươi ốm gì. Tươi đáp:
- Mình có làm sao đâu, mất ngủ thì mệt chút xíu thôi.
- Lại nhớ vợ, nhớ con, lo gia đình chứ gì.
Tươi mỉm cười không đáp. Như thể nhận ngầm lý do ấy là đúng. Để được nằm yên. Và các bạn anh thấy tâm sự ấy là tâm sự chung của hầu hết học viên ở đây, nên cũng chẳng buồn hỏi thêm nữa.
Thật vậy. Đến lớp học này, trừ những người còn độc thân, không ai không thương nhớ và lo lắng chuyện gia đình. Không ít người vừa được cán bộ cải huấn hỏi thăm đến con cái, đã khóc rưng rức. Họ lo không biết bây giờ vợ con họ sinh sống bằng gì, con họ có được đi học hay không vì bố mẹ mà bị nhà trường đuổi. Mà phần lớn họ rất đông con. Sáu, bảy. Có người có tới một tiểu đội. Họ chưa bao giờ sống xa vợ con. Họ ngạc nhiên, thấy mấy anh cán bộ Cách mạng, có anh đến tám năm chưa về nhà. Có anh còn đi vắng lâu hơn nữa. Thế mà các anh chịu nổi.
Thật là tài! Trong bọn họ, có người có một bạn, gọi một cách văn vẻ là bạn trăm năm. Có người có những hai, ba bạn trăm năm.
Lại có người có rất nhiều bạn chỉ trăm năm trong chốc lát. Bây giờ ngẫm câu các cụ nói "lắm vợ nhiều cái oan gia" là chí lý. Tươi khôn ngoan nên biết lo xa. Trước khi đi tập trung đến lớp cải huấn, anh đã khuyên bảo vợ nên kiếm nghề gì mà làm để nuôi con. Chứ mà bây giờ lương lậu, bổng lộc của anh đi tong với Mỹ - Thiệu rồi. Chẳng biết anh vắng nhà, thì vợ anh có nghe hay không, hay cứ xềm xệp như bà lớn ăn bám mãi. Tươi lo đấy. Có anh buồn vì nghe đồn là cái biệt thự của anh ta bây giờ bị tịch biên. Đồ đạc bị lưu manh khuân đi hết. Bây giờ vợ anh đi lấy chồng, con anh sống cầu bơ cầu bất ở hè phố. Nhưng rồi anh nhận được thư của vợ anh. Té ra không đúng thế một tý nào. Trái lại bà con quanh đấy vẫn đến giúp đỡ trong lúc gia đình gặp khó khăn. Còn chia gạo cứu tế cho nữa. Có anh có tính nhớ vợ, đã xui vợ là đúng một tháng thì phải đánh một bức điện cho anh nói là đứa con nào đó chết, sẽ lấy cớ xin phép về nhà. Anh dặn đi dặn lại vợ là đúng một tháng thì đánh điện để anh tin là nói dối, chứ đừng sớm quá mà anh lo là con chết thật.
Vậy thì Tươi buồn nỗi gì?
Sau hôm nghe giảng về ngụy quyền là tay sai của đế quốc Mỹ, thì học viên thảo luận sôi nổi lắm. Tươi đi ngược lại thời gian từ triều đình Ngô Đình Diệm. Có người kể công của họ Ngô là định cư được một triệu di dân từ miền Bắc vào. Luận điệu này bị Tươi đập tan tành. Anh em kể lại từ cuộc bầu cử Tổng thống gian lận ngày 9-4-1961 thì dần dần báo chí Mỹ chỉ trích chế độ Diệm là độc tài, là gia đình trị, là Công giáo trị v.v... Tươi dẫn những lời của mấy thượng nghị sỹ Mỹ như Manfield, Kennedy ở Đảng Dân chủ, Dirksen ở Đảng Cộng hòa, của giáo sư Buttinger, Chủ tịch Hội những người Mỹ bạn Việt Nam, và cả bạn thân Diệm là Fishell, người của trung ương tình báo Mỹ. Những người này chán ghét Diệm, muốn trong năm 1963 thì cần thiết phải lật đổ Diệm. Theo lời của tên CIA Fishell, trong biện pháp loại bỏ Diệm thì sự thủ tiêu có thể được xét tới. Tươi nhắc một câu châm ngôn của Mỹ để chứng tỏ Diệm chỉ là đầy tớ của Mỹ: "Ai chi tiền thì người đó cai trị".
Một anh nhớ lại câu nói của mụ Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu, trong cuộc họp báo ở Los Angeles, tố cáo Mỹ đang dự định một cuộc đảo chính để lật đổ anh chồng mụ. Mụ nói: "Hiện thời ở Việt Nam, bất cứ một cuộc đảo chánh nào cũng không thể thành công, trừ khi được Mỹ xui giục và giúp đỡ". Tươi nói Mỹ rất ghét cặp Nhu - Lệ Xuân, muốn Diệm tống ngay chúng ra nước ngoài. Anh kể rằng tại Sài Gòn, trong một buổi lễ của phụ nữ bán quân sự, mụ Lệ Xuân công kích rất mạnh cuộc đấu tranh của Phật giáo. Mụ chế giễu và nhục mạ các nhà sư, kể cả những vị đã tự thiêu, theo gương hoà thượng Thích Quảng Đức.
Cha mụ là Trần Văn Chương, hồi này là đại sứ của ngụy tại Mỹ. Trong dịp trả lời cuộc phỏng vấn của báo chí, Chương đã gay gắt con gái là vô lễ với Phật giáo và tăng ni. Thế là con mụ nổi tam bành cả với bố. Mụ bảo muốn rõ ai trái ai phải thì phải thảo luận, chứ cậy là cha mà chỉ trích con một cách công khai, thì lời chỉ trích chẳng có giá trị gì.
Tươi nhớ lời tên đại sứ Mỹ Henny Cabot Lodge đáp lại Diệm, khi tên bù nhìn hỏi ý kiến quan thầy về số phận hắn, nếu một cuộc đảo chánh có thể nổ ra. Thì tên toàn quyền mỉa mai: "Nếu ông bị đảo chánh, thì tôi sẽ giúp ông bảo toàn tánh mạng và ra khỏi nước một cách yên lành".
Tươi còn biết hồi ấy, Đài tiếng nói Hoa Kỳ vẫn công khai xui giục các đơn vị chống lại Diệm. Và Bộ Ngoại giao Mỹ dùng lối ám hiệu trên đài phát thanh: "Nhờ bạn mua giùm một chai huýt-ki tại P.X." để nói lên ngày giờ đảo chánh đã rất gần, hãy chuẩn bị gấp.
Một anh kể ra một sự kiện khá hấp dẫn:
Ngô Đình Diệm có cái ngu độn là quá tin tên con nuôi là tướng Trần Văn Đôn, đã cho tên này làm Tổng trấn đô thành Sài Gòn. Đôn bị CIA mua chuộc để lật đổ bố, mới điều lực lượng đổ bộ của tên đại tá Lê Quang Tung ra khỏi Sài Gòn vì Tung trung thành với Diệm.
Một điều đáng nực cười, là hầu hết các tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa tuy là võ quan, nhưng lại rất mê tín dị đoan. Bọn CIA biết Trần Văn Đôn hành động gì cũng phải hỏi ông thầy tướng, nên đã tìm được ông thầy này, cho tiền để ông ấy xui Đôn phản Diệm. Ông thầy lập cách dùng lối chiết tự, để tán ra rằng trên đường công danh của Đôn có những chướng ngại vật chính là anh em Diệm - Nhu.
Tươi kể tiếp:
- Vào trưa ngày thứ sáu, 1 tháng 11, các đơn vị tham gia cuộc đảo chánh chiếm giữ các vị trí then chốt trong và quanh đô thành, bao vây dinh Gia Long, Thành Cộng hòa, tức là căn cứ của Liên binh phòng vệ phủ Tổng thống. Tiếng súng đầu tiên nổ vào hồi 1 giờ 30. Chỉ có hai nơi chống trả thật sự, là Bộ Tư lệnh Hải quân ở bến Bạch Đằng và Thành Cộng Hòa. Vào lúc 5 giờ chiều, Diệm thấy nguy, mới gọi điện thoại cầu cứu đại sứ Cabot Lodge. Tên này trả lời là sẽ cho trực thăng đến chở Diệm Nhu tới tòa đại sứ, rồi lên Tân Sơn Nhất để trốn ra nước ngoài. Chờ mãi chẳng thấy nước mẹ gì, nên vào xẩm tối, hai anh em họ Ngô đi đường hầm bí mật, trốn khỏi dinh Gia Long, ra một nhà đường Lê Thánh Tôn rồi dùng xe hơi đến nhà Mã Tuyên. Diệm tưởng Đôn vẫn trung thành với mình, nên nhiều lần gọi hắn bằng điện thoại, nên Đôn biết được Diệm đang ở đâu. Sáng hôm sau, Diệm Nhu từ nhà Mã Tuyên vừa đến nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn được vài phút, thì ba xe thiết giáp do tên tướng Mai Hữu Xuân và tên thiếu tá Nguyễn Văn Nhung đã đến bao vây nhà thờ.
Quân đảo chánh xông vào bắt trói hai tên họ Ngô lôi lên xe thiết giáp. Vì Nguyễn Văn Nhung có thù riêng với Nhu, nên đã cầm súng có gắn lưỡi lê đâm vào lưng Nhu nhiều nhát.
Nhu ngã, nhưng chưa chết. Nhung mới bắn một phát súng lục vào đầu, rồi bắn luôn vào Diệm. Một em nữa của Diệm là Ngô Đình Cẩn, đã từng thét ra lửa ở Huế, nghe tin đảo chánh, mới xin lánh nạn vào Toà lãnh sự Mỹ, nhưng bị từ chối. Cẩn trốn vào dòng Chúa Cứu thế. Mấy người linh mục muốn cho Cẩn được an toàn tính mạng, mới xin cho Cẩn được vào toà lãnh sự Mỹ. Lãnh sự điện cho đại sứ ở Sài Gòn xin máy bay đón Cẩn. Nhưng máy bay đón Cẩn về Sài Gòn không phải để đi nước ngoài, mà là để giao Cẩn cho phe đảo chánh.
Cả lớp học yên lặng, nghe lại sự kiện lịch sử như nghe một tiểu thuyết hấp dẫn.
Anh em kể đến thời Nguyễn Văn Thiệu. Cả một buổi, mọi người không ngớt vạch tội ác thằng đại Việt gian đã bán rẻ đất nước, cái thằng bạo chúa, cái thằng phát-xít tàn ác gấp trăm lần Hít-le, vân vân và vân vân.
Cuộc tố đương hào hứng, bỗng anh cán bộ quản huấn bảo ngưng lại. Anh nói:
- Tội tên Nguyễn Văn Thiệu có thể vạch đến hàng tháng chưa hết. Nhưng tôi lấy làm lạ, là không thấy các anh đả động gì đến bọn Mỹ, như các anh đã làm trong khi nói về Ngô Đình Diệm. Thế thì các anh đủ hiểu chế độ thực dân mới nó nham hiểm là ngần nào, nó làm cho các anh chỉ trông thấy thằng đầy tớ mà không trông thấy thằng thầy. Các anh thử nghĩ xem. Nếu thằng Mỹ không cho phép, thì thằng Thiệu có dám như thế không? Thành thử các anh chỉ thấy thằng Mỹ hào phóng, Mỹ giúp miền Nam xây dựng cái này cái nọ, còn bao nhiêu tội ác của nó, nó giấu mặt, đến nỗi một mình thằng Thiệu bị oán thù. Kẻ đáng oán thù chính phải là thằng Mỹ. Các anh nhìn thành phố Sài Gòn của chúng ta thì biết. Nó cốt làm sao cho nông thôn không được an toàn để đẩy nông dân vào thành thị. Thế là nó biến dân lao động sản xuất thành người thất nghiệp hoặc người tiêu thụ hàng hóa của nó. Ở các chợ trong Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, ở các hè đường, tràn ngập những xa xỉ phẩm của Mỹ, của Nhật và của nước ngoài khác, khêu gợi người dân phải chạy theo đồng tiền để mua sắm. Các anh nhớ lại mà xem, có phải nhiều nhất là hàng ăn và hàng may mặc hay không. Còn ở các đường, lúc nào cũng ồn lên những xe và tấp nập những người. Xe lách nhau mà đi. Người chen chúc nhau mà kiếm sống. Ngoài việc mưu mô sinh kế, lường gạt để làm giầu, người dân không còn đầu óc đâu để nghĩ đến đất nước nữa. Vậy các anh chĩa mũi dùi vào tên bán nước Nguyễn Văn Thiệu là đúng, nhưng chớ nên quên tội ác trời không dung, đất không tha của tên cướp nước, tên sen đầm quốc tế, kẻ thù số một của nhân loại là tên thực dân kiểu mới Mỹ.
Đến hôm học tập chính sách đối với ngụy quân, ngụy quyền, anh cán bộ thấy nói chung là học viên kể về người khác thì rất nhiều, nhưng kể tội bản thân thì quá ít, kể tội tham ô thì có, nhưng kể tội phản cách mạng thì không. Ví dụ Tươi nói, hồi anh ta còn làm đại úy, thì đã có lần ăn hối lộ của binh lính làm việc tại hậu cứ một số tiền khoảng sáu trăm ngàn. Nhưng đã phải biếu tên tỉnh trưởng hai trăm ngàn tiền mặt và một số quà khoảng năm mươi ngàn. Anh lại phải mua quà bánh biếu tên trung tá tiểu khu phó và tên trung tá tham mưu trưởng mất khoảng hai mươi ngàn. Anh còn hối lộ cho bọn tàu sắt và bọn lái trực thăng trong mỗi chuyến bay yểm trợ hay tiếp tế, tổng số lên tới một trăm ngàn.
Rồi ăn nhậu với các tên trong Ty an ninh quân đội và quân cảnh tư pháp, cũng như với bạn bè, số tiền lên tới một trăm ngàn. Còn lại bao nhiêu, anh mới cho vợ để ăn sắm.
Tươi nói thêm:
- Hồi làm tỉnh trưởng, nhiều lần tôi xui bắt người để làm tiền. Trước khi tha cho về, tôi ép người ấy phải ký tên vào một tờ giấy trắng. Với tờ giấy có chữ ký sẵn, tôi vu tội cho những người mà tôi thù, hoặc để bắt mà làm tiền.
Anh cán bộ biết là nhiều người còn chưa thành khẩn nên nói:
- Không có lý do gì các anh chỉ nhìn thấy tội ác của người khác mà không nhìn thấy tội ác của mình. Cũng không có lý gì các anh chỉ phạm tội tham ô về tiền bạc mà không phạm tội chính trị, phản cách mạng. Các anh suy nghĩ kỹ đi. Có biết sai lầm mới tránh được sai lầm. Các anh nên biết rằng sở dĩ các anh gây tội ác với đồng bào với cách mạng, là do đế quốc Mỹ đã tuyên truyền, đã nhào nặn các anh trở nên người ác. Bây giờ các anh đã hiểu đế quốc Mỹ rồi mà các anh còn bao che cho nó à? Cách mạng kêu gọi các anh lấy lương tri của người lương thiện mà thành thực với cách mạng, đừng giấu giếm điều gì, cách mạng chỉ nghiêm khắc với những đứa đến bây giờ còn chống đối. Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại.
Chính vì lời khuyên bảo của các anh cán bộ mà Tươi đã suy nghĩ, và buồn. Mấy đêm nay rồi, Tươi mất ngủ. Ít nói. Ít cười. Trừ lúc lên lớp để thảo luận và ở vườn để lao động, còn lúc ở phòng thì Tươi nằm, vắt tay lên trán, thỉnh thoảng thở dài thườn thượt.
Chịu không nổi nữa, nên một hôm, ăn cơm chiều xong, Tươi đến gặp anh cán bộ quản huấn.
- Thưa anh, tôi có câu chuyện cần phải nói với anh. Tôi biết là bọn Mỹ - ngụy đã đào tạo khiến chúng tôi không còn là người, nhưng cách mạng giáo dục để chúng tôi trở lại thành người. Tôi vô cùng cảm ơn cách mạng. Chiến thắng vĩ đại của dân tộc đã rút ngắn thời gian tội lỗi của chúng tôi, giúp chúng tôi còn được một phần đời để sống trong lòng dân tộc. Công ơn của cách mạng đối với bọn ngụy quân ngụy quyền chúng tôi thật to lớn hơn trời biển. Sở dĩ từ mấy hôm nay tôi buồn phiền, là do tôi có một ấm ức ở trong lòng. Tôi biết là tôi nói ra thì tôi được thanh thoát:
Anh cán bộ lắng nghe. Tươi tiếp:
- Hồi tôi làm tỉnh trưởng tỉnh X.X, thì trong những ngày cách mạng đến giải phóng thị xã, tôi và anh Xiêm, cùng học ở lớp cải huấn này, bàn bạc với nhau, đã đốt hết tài liệu, giấy tờ, đã lấy hết công quỹ, gồm 13 triệu đồng, và...
Thấy Tươi ngắt lại, anh cán bộ nhắc:
- Anh nói hết đi.
- Và chúng tôi phạm tội to lớn hơn nữa, là đã gài mìn xung quanh nhà chúng tôi ở.
Tươi nức lên, ôm lấy mặt, hai vai rung lên:
- Tôi, không rõ việc làm này, hậu quả thế nào, có người nào chết vì mìn hay không. Nhưng thật là tôi đã chống phá cách mạng một cách cực kỳ thâm độc.
Anh cán bộ vẫn tươi cười:
- Tôi nói để anh yên tâm, là mìn của anh không làm ai thiệt mạng. Chính tôi là người đã đến giải phóng thị xã X.X và chính tôi đã vào dinh tỉnh trưởng. Trước khi vào, chúng tôi cảnh giác, nên đã phát hiện ra mìn của anh.
Tươi ngẩng mặt lên, chớp chớp mắt:
- Thưa anh, vậy là phúc cho tôi. Xin anh cho tôi kể tiếp. Còn món tiền 13 triệu đồng, vì tôi lấy uy thế tỉnh trưởng, nên chỉ chia cho Xiêm 5 triệu. Đến lớp học này, hai chúng tôi gặp nhau, có thề với nhau là phải giấu kín việc làm bí mật cũ. Vì nói ra, thì cả đôi sẽ bị tù. Nhưng anh ạ, sao tôi lại nỡ giấu cách mạng. Đành rằng mìn của tôi vô hiệu, nhưng cái ý thức phản cách mạng của tôi mới là vấn đề to lớn. Tám triệu bạc không nuôi sống suốt đời tôi, nhưng giữ nó, tôi bị day dứt suốt đời. Cái vết nhơ sống bám vào quyền thế của kẻ địch, cái tội ác định giết người cho địch, tôi phải mang vào thân đến ngày nhắm mắt. Tôi cần rũ sạch vết nhơ, vết ô nhục ấy, nên tôi phải tìm anh để tự tố cáo tội của tôi. Tội của tôi, tùy chính phủ xét xử. Tôi chỉ xin phép được hiến chính phủ số tiền tám triệu đồng mà tôi đã lấy cắp của công quỹ.
Anh cán bộ gật đầu. Tươi tiếp:
- Từ hôm nọ đến nay, tôi buồn và lo, vì tôi nghĩ đến việc tôi với Xiêm đã thề với nhau. Nay một mình tôi nói ra, nếu anh ấy biết, anh ấy sẽ cho tôi là người thế nào.
- Anh ấy sẽ cho anh là đã cải tạo. Nếu anh ấy không nghĩ được như thế hôm nay, thì mai mốt, anh ấy sẽ nghĩ như thế.
- Vâng; nhưng dù sao thì tôi cũng nhờ anh giải quyết cho tôi cái trường hợp vướng mắc này của tôi với Xiêm.
Anh cán bộ mỉm cười, mời Tươi hút thuốc lá:
- Anh tiến bộ, tôi mừng cho anh. Tôi nhận sẽ nói để anh Xiêm không oán trách gì anh.
Tôi tin rằng Xiêm không oán trách anh. Vì tôi biết.
Tươi hỏi:
- Anh biết thế nào?
- Tôi biết là khi chính phủ đại lượng, khoan hồng đối với những người lầm đường lạc lối, thì những người này, một khi đã tìm được đường lối ngay thẳng để đi, tất phải cố gắng cải tạo để trở thành con người. Anh Xiêm cũng như anh, từ ngày vào đây, đã tỏ ra là người học tập tốt, lao động tốt, thì tôi còn tin là việc anh nhờ tôi nói hộ anh với Xiêm, tôi không phải giải quyết đâu.
Tươi càng ngạc nhiên:
- Tai sao, anh?
- Thế anh không tin là lớp học này không có kết quả tốt à? Cách mạng không cải tạo được các anh à? Hiện giờ anh Xiêm chưa dám bộc lộ cái tội ác về chính trị và tội tham ô công quỹ, chắc là vì anh ấy trót thề với anh. Hẳn anh ấy bứt rứt trong lòng không kém anh đâu. Ở lớp học này, tôi nhận thấy...
Câu nói đương dở dang, thì bỗng có tiếng gõ cửa. Anh cán bộ im. Tươi đành đứng dậy ra về, thì cánh cửa mở. Hai người nhìn ra, và đều ngạc nhiên. Người mới đến không phải ai xa lạ, mà chính là... Xiêm.
Sự im lặng của cả ba người như để giảng là anh cán bộ biết Xiêm đến để làm gì. Tươi cũng hiểu Xiêm đến để làm gì. Và Xiêm cũng đoán Tươi đến để làm gì.
Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Nguyễn Công Hoan Truyện Ngắn Chọn Lọc (NXB Hội Nhà Văn 2005 - Trọn Bộ 2 Tập)
Tham khảo: Các bài viết liên quan
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉