Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Đi giày



Minh họa: Kênh Cô Vân

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Trung Nghị | 2. Hồng Ngọc | 3. Chiến Hữu | 4. TV DKD | 5. Cô Vân | 6. Mắm Tôm



Mời đọc Bản đánh máy

Đi giày

Nguyễn Công Hoan

 

Ông Xuân ra làm nghị viện, mục đích chỉ để nối nghiệp nhà. Bởi vì cụ thân sinh trước kia cũng làm nghị viện. Ông nhiều ruộng, lại nhiều tiền. Thế là được miễn tất cả các điều kiện khác. Cái học thức, cái lịch duyệt, cái chương trình về chính trị mà đối phương ông là người trong Mặt trận Dân chủ giương ra để cổ động, ông cóc cần. Muốn gì thì gì, quan không giúp cũng nhão. Quả nhiên, ông đã đè bẹp bên địch.

Vậy thì từ nay, ông tránh được tiếng gọi là chánh Xuân, tuy cái tên ấy, kể ra nghe cũng đã đường được lắm rồi. Bây giờ người ta phải gọi ông là ông Nghị, quan Nghị. Oai lắm! Danh giá lắm! Phải, có tiền mà không biết dùng cũng hoài. Chả hơn biết bao nhiêu người trong huyện, giàu nứt đố đổ vách, mà cứ để của nẫu ra. Họ chẳng chịu lo lắng lấy tí chút ngôi thứ. Rồi chắc rằng ngày sau chết, cũng đến hai tay buông xuôi, chứ đem đi được đồng nào? Còn để thế gian người ta gọi mãi mãi bằng cái tên cúng cơm, mới ê chệ!

Trước kì tổng tuyển cử năm ngoái, đâu cũng vào dạo này, các báo không tiếc lời mạt sát thậm tệ cái hạng dốt nát, xôi thịt, định đâm đầu vào nghị trường. Họ muốn rằng nghị viện phải ra nghị viện, phải có những phần tử cấp tiến biết nhiệm vụ mình, biết bênh vực quyền lợi dân. Chứ không phải như xưa, rặt một đồ nghị câm, nghị gật, nghị cừu, hám danh, hại nước, để biến viện dân biểu thành một cái quốc sỉ.

Nhưng những bài báo hăng hái ấy, những lời nói sốt sắng ấy, ông chánh Xuân không biết. Bởi vì ông không đọc. Ông phải cái quốc ngữ đánh vần chậm lắm.

Song, có làm gì. Dù ông có biết việc tẩy uế nghị viện chăng nữa, ông cũng không quan tâm. Người ta nói, kệ người ta. Được dịp ứng cử nghị viên, được dịp quan phụ mẫu ép ra để đánh đổ người ngài không ưa, được dịp cả quan nhà lẫn quan phủ bên cạnh tận lực cổ động lấy phiếu cho, tội gì ông không túm lấy. người ta công kích thế, chứ giá chửi bới thế nữa, ông cũng mặc. Ông cứ tranh cử cho mà xem. Ông tranh cử để trúng cử, để khỏi thẹn với cơ nghiệp, để nối danh giá của cha. Dù có phải tốn dăm ba nghìn, cũng hả.

Ừ thì gật, thì câm, thì cừu, thì hám danh, thì hại nước, ông hãy biết hiện giờ ông ăn tiền chỉ trong làng cái đã. Cái khoanh bí mọi khi làng đem biếu ông bá Văn, thì từ nay ông được ăn. Thành ra danh lợi lưỡng toàn, sung sướng quá!

Thôi thì hay hớm gì cái buớng với nhà nước. Ai yêu cầu chính phủ thây ai, ai chất vấn quan trên thây ai. Ông là dân, ông cứ giữ cho phải đạo, lôi thôi lắm thì bị ghét nhiều. Ở đời, hay ở nghị trường cũng vậy, ngu si hưởng thái bình. Cho nên, cứ yên phận là đáng quý hơn hết.

Từ ngày ông trúng cử, quan phụ mẫu rất nể ông. Thì chẳng ra gì, ông cũng vào bậc ông, bậc quan rồi chứ bé hẳn? Động có việc, ông đến công đường, là quan tay bắt mặt mừng, kéo ghế mời ngồi, sai lính pha nước, một điều ông nghị, hai điều ông nghị. Chẳng bù với ngày xưa, khi còn làm chánh tổng, ông cứ bị nay hạch điều này, mai cự điều nọ. Mà cái nghề làm việc quan, ai tránh khỏi được lầm lỗi. Những khi ở huyện có việc quan trọng, thì quan viết cho chánh phó tổng, hương lí, dùng tiếng “sức”, mà giấy gửi về ông, bao giờ ngài cũng dùng tiếng “mời”. Chỉ một chữ ấy, mất bao nhiêu tiền mà tiếc? Rồi đến khi lên nha để họp, ông so sánh cách quan tiếp đãi ông với hàng chức dịch, thì ông mới thấy rõ rệt là ông to.

*
*      *

Nhưng đấy là ăn cơm mới nói chuyện cũ, cái năm mà quan Thu còn trọng nhậm ở hạt nhà. Chính quan Thu đã tác thành cho ông và ông đã tạ ngài trước sau hơn nghìn bạc. Nhưng bây giờ ngày đứng dậy rồi. Tiếc quá! Dù ông có làm giấy ái mộ gửi lên tận triều đình, cũng không thể giữ nổi. Ngài đi là ngài đi, để lại đàn dân đen ngơ ngác nhìn theo bóng ô tô lấp loáng mờ dần đến chỗ chân trời…

Nhất là ông nghị Xuân thì lại càng ngậm ngùi. Ông tiếc vị phụ mẫu hiếm có, biết coi người xứng đáng với địa vị. Chẳng hay quan mới có tử tế với ông, trọng đãi như thế nữa không?

Thì sự lo xa ấy không phải lo khoảng không.

Quả nhiên, sau khi ông đến trình diện quan mới được hai hôm thì ông chánh tổng tổng ông đưa ông xem tờ sức sau này:

X.X., ngày 7 tháng 6, 1939

Quan Tri huyện X.X.,

sức thầy Chánh tổng, tổng Y tuân cứ.

Bản chức về cai trị hạt X.X. chưa được bao lâu, thì bản chức rất lấy làm không bằng lòng một điều, vì thấy dân ở đây kém xa các nơi về phương diện lễ độ.

Đó là bản chức muốn khuyên bảo nhiều thầy, nhất là thầy cựu chánh tổng Nguyễn Xuân, nghị viên.

Thầy nghị Xuân là một người được dân hai hạt bầu lên, hẳn phải hiểu biết nhiều, huống chi một sự lễ phép cỏn con của dân đối với quan?

Hôm thầy Xuân vào chào bản chức, thầy ấy không đứng nghiêm trang để trả lời những câu bản chức hỏi, mà lại tay vịn ghế, tay gãi lưng, chân vẫn lận nguyên giày khiến ai nom thấy cũng phải lấy làm chướng mắt.

Bản chức được nhà nước cử về đây để giáo hoá cho dân, việc đầu tiên của bản chức là không muốn thấy những sự tự do nhố nhăng ấy.

Hẳn các thầy cũng biết rằng ngày xưa, dân vào quan, thì phải đứng ngoài hiên, lạy hai lạy, rồi quỳ xuống và cúi đầu khép nép. Quan có hỏi điều gì thì truyền cho lính. Các chức sự, dù ai mặc dầu, cũng phải theo lệ ấy. Dẫu chánh phó tổng vào quan, cũng phải tụt giày từ đằng xa. Như vậy, uy nghiêm biết ngần nào. Bây giờ thời buổi văn minh, đức Kim thượng đã xuống dụ bỏ lạy. Nhưng còn những lễ nghi khác, Ngài không nói đến, tức là vẫn còn kịp thời. Vậy những cái Thánh thượng chưa bỏ, lẽ nào thần dân dám bỏ trước. Như thế có phải là một tội hay không?

Bản chức xuất thân tân học, nhưng rất yêu chuộng những phong tục xưa. Đối với quan trên, bao giờ bản chức cũng vẫn giữ lề lối cũ. Bởi vì bản chức nghiệm rằng, trong khi ở nước Việt Nam ta, hạng người nào cũng bị Âu hoá, thì duy chỉ còn có quan trường là duy trì được vững những lễ nghi của cổ nhân. Mà lễ nghi ấy là gì, há chẳng phải là quốc tuý, quốc hồn đó hay sao? Há nó chẳng làm cho trên ra trên, dưới ra dưới, quan ra quan, dân ra dân đó hay sao? Há nó chẳng đáng quý, làm vẻ vang cho nước ta là nước văn hiến, có lịch sử trên bốn nghìn năm đó hay sao?

Vậy bản chức mong rằng từ nay các thầy phải theo ý bản chức, vì bản chức nhân từ, không nỡ quở trách một người ngay trước mặt.

Nay sức

LÊ THĂNG

Cố nhiên, ông nghị Xuân nhờ đọc tờ sức, và trong khi nghe, mặt ông tái dần.

Nhưng ta không nên lấy làm lạ.

Ông huyện Lê Thăng chẳng phải một người theo cổ như lời ông nói đâu. Bởi vì răng ông trắng. Ông có râu ruồi bâu, mĩ danh là râu Hoa Kỳ. Trước kia, ông đã du học ở bên Pháp, và suýt nữa chính thức kết hôn với vợ goá một cựu chiến binh mũi lõ. Bây giờ ông lấy một cô vợ An Nam tân thời. Chính ông dạy vợ khiêu vũ để ông có cần bay nhảy, thì bà ấy phải đi việc ngoại giao. Sở dĩ ông phải khôi hài với ông, là vì ông đã khảo cứu ra của cải và trí khôn của ông nghị Xuân, một cái to xù, một cái nhỏ xíu.

Ông biết rằng chỉ làm oai với thằng cha hiếu danh, đê tiện này, để nó sợ, nó mới chịu xuỳ tiền ra. Mà còn chi là danh giá ông nghị, nếu ông nghị vào quan phải giẫm đất.

Quả nhiên, ông nghị Xuân lấy chỗ ấy làm nhục nhất. Ông đã từng lận giày ban đến hội Khai Trí, đứng ngay gần quan Thống sứ. Ông đã từng ngồi ngang hàng ghế với những vị tiến sĩ, cử nhân, tiếng Tây lau láu. Ông đã từng đi xe lửa hạng nhì với những cụ lớn có Bắc đẩu bội tinh. Ông đã từng được ông nghị trưởng vồn vã đón đi hát, khẩn khoản mời đi ăn cơm Tây, lại nhấm nháy giúi tiền hối lộ vào tay, để nhờ ông bỏ phiếu cho, hôm đầu tiên nghị viện họp. Giá trị ông ghê gớm đến thế, lẽ nào bây giờ, vào công đường huyện nhà, ông lại chịu đi đất?

Thì ra ông cũng bị coi như hạng chánh phó tổng, lí trưởng thôi à? Mà hạng này phải tụt giày, thì khác chi thằng Kèo, thằng Cột, hay bất cứ thằng thường dân nào vào hầu quan?

Không thể như thế được! Ông là ông nghị, đại biểu cho dân hai hạt của nghị viện Bắc Kỳ. Có lẽ nào ông phải như thế?

Ông quyết không chịu. Ông phải phản kháng. Ông nhất định lận giày. Quan chẳng nghe, rồi cũng phải nghe. Ông đã có cách.

Sáng hôm sau, ông lên huyện. Mang nửa tá sâm-banh đi phản kháng.

Đến thềm, ông tạm bỏ giày lại dưới bực, đi chân không lên hè. Ông khúm núm, thập thò đứng ngoài buồng giấy quan. Khi được tên lính bẩm hộ, ông rón rén vào, vái thực dài và đứng gãi tai để bẩm.

Rồi lúc ra, sắc mặt ông tươi đỏ hẳn lên. Ông mừng, hồi hộp trống ngực. Ông dúm mắt lại nhìn mọi người, như để khoe một sự đắc thắng. Ông đã thỉnh cầu được chút quyền lợi tưởng mất: Từ nay, ông lại có phép đi giày vào quan như thường.


1938



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Nguyễn Công Hoan Truyện Ngắn Chọn Lọc (NXB Hội Nhà Văn 2005 - Trọn Bộ 2 Tập)


Tham khảo: Các bài viết liên quan


Vì sao người Việt xưa đi chân đất
(không mang giày dép)?

Chuyện Xưa


Nếu xem lại những hình chụp người Việt (người Pháp gọi là Annamite) thời cuối thế kỷ 19 hoặc nửa đầu thế kỷ 20, có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc là hầu hết “dân thường” đều đi chân đất (không mang giày dép).

Có phải do thời điểm đó giày dép quá mắc tiền nên người dân nghèo không có điều kiện để mua? Điều đó cũng có thể đúng, nhưng lý do cốt yếu là trước khi Pháp tới chiếm Việt Nam, người Việt dưới chế độ quân chủ bị cấm mang giày, vì đó là đặc quyền của vua quan thời đó.

Theo ghi chép của bác sĩ người Pháp Baurac năm 1894, điều này được ghi rõ như sau:
Người An Nam thường không đi giày, và trước khi người Pháp tới Nam kỳ, giày bị cấm hoàn toàn với dân thường. Lễ nghi của người An Nam không cho phép người ta đi giày xuất hiện trước kẻ bề trên; phải để dép ở cửa và đi chân trần. Thói quen này có từ thời thơ ấu, khiến lòng bàn chân ai nấy đều chai sạn, đến mức người An Nam có thể đi trên đá và xuyên qua các cánh rừng đầy bụi rậm và bụi gai mà không hề đau đớn.
Sau khi Pháp chiếm toàn bộ Nam kỳ (1867), sau đó là toàn bộ Trung kỳ và Bắc kỳ, nhiều điều luật được ban hành dưới chế độ phong kiến được xóa bỏ, trong đó việc cấm người dân thường mang dép dĩ nhiên cũng được gỡ bỏ.

Trong một thời gian rất dài, người mang giày và người đi chân đất cũng là thể hiện sự khác biệt về giai cấp trong chế độ phong kiến.

Tuy nhiên do thói quen lâu đời đã ăn sâu vào lối sống của người dân, nên dù không còn bị cấm nữa nhưng vẫn còn nhiều người ái ngại mang giày dép, và việc đi chân đất vẫn còn kéo dài qua quá nửa thế kỷ 20. Thậm chí sang tới thập niên 1970-1980, trong các hình cũ sau đây vẫn thấy có nhiều người dân lao động đi chân đất.

Theo ghi chép của bác sĩ Baurac (có nhắc tới bên trên), thì dần dần người Việt cũng quen với việc mang giày dép để nhìn tươm tất hơn:
“Từ một vài năm nay, những người khá giả và nhiều người An Nam khác, chẳng hạn như thông ngôn, thư ký của Đổng lý Nội vụ… nhất là ở Sài Gòn đã mang tất và giày Âu châu; phụ nữ thuộc tầng lớp khá giả vẫn mang giày Trung Hoa”.
chuyenxua.net biên soạn

Quan mang giày còn người hầu đi chân không





NGUYỄN THỜI TRUNG, PHẠM THUẦN CHINH, PHẠM ĐỨC CHÍNH, NGUYỄN SĨ BÂN -
Tổ nghề đóng giày

Trong "Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt"
Lê Minh Quốc



0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉