Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Chiến tranh



Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Quỳnh Hoa | 2. Chiến Hữu | 3. Hồng Ngọc | 4. TV DKD



Mời đọc Bản đánh máy

Chiến tranh

Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Cố lấy cánh tay trái chống lên, tôi gượng ngồi dậy để nhìn xung quanh. Chiến địa thực là mênh mông. Nhưng đau đớn quá, tôi lại ngã vật xuống. Bỗng tôi thấy mình nằm lên một thứ êm êm. Hẳn là cái xác chết của một người bạn. Tôi cố nghển nhìn. Thì ra anh Touta, máu mê còn bết cả ở áo ngực. Hẳn anh đã bị phát đạn trúng phổi, nên phải bỏ mạng.

Tôi muốn biết sau trận huyết chiến, quân tôi đã chiếm được Trương Châu chưa. Song, hỏi ai được? Quanh tôi, ngổn ngang những xác chết.

Từ lúc tôi bị ba phát đạn luôn một lúc, đánh rơi khẩu súng, ngã gục xuống đất, tôi đã biết vết thương ở bụng nặng nhất. Xương đùi bên trái của tôi gãy, và cánh tay bên phải chỉ còn dính lỏng lẻo ào vai bằng một lượt da. Tôi ê ẩm, đau đớn, nhắm mắt lại, chờ chết. Máu ra nhiều quá. Và tôi khát nước lạ. Trong lúc thiêm thiếp, tôi chỉ còn nhớ bên tai, văng vẳng, vẫn những tiếng súng nổ dữ dội, liền liền. Rồi không hiểu thế nào nữa. Bây giờ tôi mở mắt ra, trời đã chiều cả, bốn bên hiu quạnh. Trong cánh đồng lúa sém, chỉ còn trơ những xác người.

Tôi lại cố ngẩng đầu dậy để nhìn về phía Trương Châu một lần nữa. Cũng không có một dấu hiệu nào tỏ cho tôi biết rằng bên tôi thắng hay bại.

Tôi hi sinh cho Tổ quốc Nhật Bản của tôi. Lúc ra đầu quân, tôi đã bỏ ngoài tai những tiếng khóc bịn rịn thảm thê của mẹ già, vợ trẻ. Trong lòng chỉ rắp mong được dịp thoả chí làm trai, đem cánh tay sắt giúp ích cho đất nước, ngõ hầu dân tộc mình được làm bá chủ toàn lục địa Trung Hoa.

Trước đây, những cuộc thắng trận ở xa báo về, làm cho tôi phấn khởi. Nên lúc tôi xuống tàu, nghe tiếng kêu giục giã, lòng tôi hăng hái biết bao. Tôi đã dự nhiều trận thắng Quốc dân quân rất vẻ vang. Tôi đã giày xéo lên những thị trấn phòng thủ kiên cố của địch. Tôi đã từng trông thấy sự kém cỏi của quân đội Tưởng Giới Thạch. Và lẽ tự nhiên, tôi tin rằng dù chóng hay chầy, cả nước Tàu sẽ phải chia xé cho nước tôi cai trị.

Song, lần này, đánh nhau với Bát lộ quân của cộng sản, thì tôi bị thương. Tôi bị thương trước lúc biết kết quả của cuộc huyết chiến.

Tôi nằm ngửa mặt, nhìn lên trời thảm đạm. Bốn bên, yên lặng như tờ. Bây giờ tôi phải chờ, phải chờ có lẽ đến tối mịt, mới có người đưa tôi về để chữa.

Bỗng đằng xa, một tiếng rên rỉ quen quen làm tôi chú ý. Tôi sực nghĩ ra, mới lên tiếng, hỏi:

- Ai đó. Có phải anh Hito không?

Tôi nhận rõ tiếng Hito. Chắc rằng anh bị thương nặng quá, nên không thể đáp ra lời được. Tôi theo phía tiếng rên, cố bò lại. Nhưng mệt quá, tôi chịu nằm bệt, cách bạn độ mươi thước.

Lời đầu tiên của tôi, là hỏi ngay Hito:

- Thế nào, Hito, quân ta thắng chứ?

- Không rõ… Nhưng có lẽ thắng.

Mới nghe tiếng phỏng đoán, tự nhiên tôi tin, nên hăng hái, mừng rỡ lạ thường. Đến nỗi tôi quên cả vết thương trầm trọng. Tôi rú lên và suýt nữa ngồi nhổm được dậy.

Máu ở bụng bỗng lại trào ra. Tôi cắn răng, nhịn đau đớn, hỏi:

- Anh bị thương ở đâu?

- Ở lá lách. Đau lắm. Quân ta bị thương nhiều lắm. Tôi chết mất. Còn anh?

- Một vết ở chân, một vết ở tay, một vết ở bụng. Rất ít có hi vọng thoát chết.

Hito vẫn rên:

- Thế thì có khỏi, anh cũng mang tật suốt đời. Anh có nước uống đó không?

- Không. Anh có cần dặn gì về nhà không?

- Để chốc tôi nhờ đại uý, khi ngài ra cứu chúng ta. Vì tôi sợ anh cũng cùng số phận như tôi, nên dặn anh vô ích.

- Anh biết chắc đại uý sẽ ra đây?

- Chắc, vì quân ta bị thương nhiều, không bao giờ đại uý quên được lính của ngài. Ngài vốn giàu lòng nhân đạo. Ngài lại là một vị anh hùng. Cho nên không lẽ ngài để mặc kệ bọn ta mà không mang về cứu chữa. Nhưng mà, anh ạ…

Đến đó, Hito ngắc lại. Anh bắt đầu lại rên rỉ. Anh đã nói nhiều quá, nên mệt và đau. Tôi thương hại. Song, biết làm thế nào? Hai chúng tôi đều bị nạn chiến tranh, vết thương không ai nhẹ hơn ai.

- Anh Hito, anh đau lắm à?

- Phải, có lẽ tôi chết mất. Mà không chết cũng khổ vì tật.

- Anh chớ nên thất vọng. Anh phải tin ở tài của bác sĩ của chúng ta.

Im lặng một lát, tôi hỏi:

- Cạnh anh, ai nằm thế?

- Tôi không rõ. Vì không thể trở mình được. Nhưng biết rằng cách đây chừng năm mươi bước, ban nãy, tôi nghe như tiếng anh Toyama kêu trời.

- Bên ta, bị ngã độ bao nhiêu người, anh có biết không?

- Chừng hơn trăm. Thế mà ta chỉ giết được rất ít quân địch.

*
*        *

Bỗng sình sịch có tiếng ô tô từ đằng xa lại. Tôi ngẩng nhìn, biết rằng xe bên tôi đi cứu người bị thương. Tôi mừng rỡ, bảo Hito:

- Ta thoát chết, anh ạ. Tôi đã trông rõ đại uý đi với bác sĩ. Hai ngài đã xuống đi bộ rồi kìa… Có cả mấy anh đi hầu khênh cáng vải nữa… Các ngài đang khám bọn bị thương ở hàng đầu đấy. Chúng ta yên tâm mà đợi.

Chúng tôi không nói chuyện nữa, lắng tai nghe. Song, tôi nóng ruột, nên thỉnh thoảng ngóc đầu dậy để nhìn. Đến hai mươi phút rồi, mà đại uý và bác sĩ chưa tới.

Vậy mà hai ngài đến từng người bị nạn, khám xét rất nhanh nhẹn. Thỉnh thoảng, tôi thấy một người được khênh lên nằm vào cáng, hai người lính tải về xe.

Tôi để mắt theo đại uý từng bước.

Khi ngài tới chỗ Toyama, thì tôi nghe rõ tiếng ngài nói mồn một. Đại uý hỏi:

- Tên là gì?

- Toyama.

- Bị thương ở đâu?

- Trái tim.

Rồi ngài nhìn bác sĩ:

- Mà nó cũng chỉ còn ngắc ngoải. Thôi được!

Dứt lời, một phát súng lục nổ, rồi hai ngài nhanh nhảu đi đến chỗ khác. Hẳn là trong khi Toyama hấp hối, không gì làm ơn cho anh bằng để anh được giải thoát cuộc đời sớm một chút, tránh cái đau đớn nó dằn vặt anh.

Xem xét vài cái xác chết nữa, độ năm phút sau, hai ngài đến chỗ Hito. Đại uý hỏi:

- Tên là gì?

- Hito.

- Bị thương ở đâu?

- Lá lách.

Ngài vắt tay sau lưng, hỏi bác sĩ:

- Ngài xem liệu có chữa dễ không?

Bác sĩ quỳ xuống, cởi áo Hito ra khám. Trong khi ấy, tôi vẫn trố mắt lên để nhìn. Tôi mừng cho bạn bao nhiêu, lại hi vọng cho tôi bấy nhiêu.

Một lát, bác sĩ quả quyết:

- Có thể khỏi, nhưng phải tốn công, và hắn sẽ mang tật suốt đời.

Đại uý cau mặt:

- Và chắc hắn sẽ vô ích, vì không thể lại ra trận được.

Bác sĩ gật đầu:

- Cái đó cố nhiên.

Lời ấy vừa nói dứt, tôi thấy đại uý không trù trừ, nét mặt vẫn bình thản, ngài rút súng lục ở túi ra, gí vào thái dương Hito. Và sau một tiếng nổ giòn, hai ngài rời đến chỗ khác.

Tôi bâng khuâng cả người. Tôi nghĩ đến sự tận tâm của tôi, rồi suy ra sự tận tâm của đại uý. Đại uý hành động theo bổn phận của ngài đối với Tổ quốc. Bổn phận của ngài bắt ngài phải loại trừ những người như chúng tôi, cũng hành động theo bổn phận đối với Tổ quốc, nhưng chẳng may bị trọng thương. Thì ra trong khi nước chỉ cần người lành lặn để ra trận, những người dù có sống cũng vô ích là không đáng sống nữa! Cho Hito phát đạn ban nãy, đại uý đã hà tiện được tiền thuốc men của quỹ chiến tranh, và tránh được bao nhiêu công săn sóc của bác sĩ và khán hộ.

Tự nhiên, lúc ấy, tôi kinh tởm, chán ghét tôi hết sức. Tôi thấy rõ rệt sự ích kỉ của một hạng người. Còn tôi thì khờ dại, bỗng không, tôi hi sinh tất cả để xâm chiếm đất đai của một dân tộc mà tôi không hằn thù, cho hạng người ấy được hưởng.

Bây giờ, tôi bị thương, bị trọng thương. Chắc rằng đại uý cũng xử với tôi như với Hito. Vết thương của tôi khó lành. Tôi cụt tay phải, không mang được súng. Nếu tôi khỏi, tôi sẽ là thương binh. Nhà nước phải nuôi tôi mãi mãi. Chắc đại uý nghĩ thế, cho nên ngài cũng không cho tôi được què quặt để về với gia đình. Tôi muốn hết sức giãy giụa cho được chết ngay, còn hơn bị sự tàn nhẫn của đại uý vì bổn phận mà bắt tôi phải chết.

Nhưng nhanh trí. Tôi nằm im, nhắm nghiền mắt lại, giả cách chết.

Tôi lắng tai nghe.

Những tiếng giày chẳng mấy chốc đã đến gần tôi. Tôi thấy đại uý nói:

- Quái, ban nãy hình như ở đây có người bị thương.

Rồi chắc rằng họ tìm. Trống ngực tôi nổi mạnh.

Tôi lo sợ hơn những lúc nghe tiếng đạn bay vù bên tai.

Bỗng có mũi giày đụng vào lưng tôi, lật tôi mấy lượt.

Tôi cứ mặc kệ, vờ nhũn như xác chết.

- Nó chết thật rồi.

Có người nói thế, rồi cả bọn đi chỗ khác.

Tôi chờ cho họ ra thật xa, mới dám thở mạnh, mở mắt trông theo. Và đến tận tối mịt, tôi mới cố bò về Trương Châu.

Tôi cứ liều. Có thể tôi đến được nơi quân Nhật đóng. Nhưng cũng rất có thể tôi lọt vào trại của Bát lộ quân. Nhưng tôi tin rằng dù đến đâu, tôi cũng gặp được một người có lòng nhân đạo

Bởi thế, tôi còn sống sót đến ngày nay, kể lại câu chuyện lí thú về chiến tranh này.




1939
Đăng trong Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 266, 8 Tháng Bảy 1939

Mời đọc trực tuyến tại Thư viện báo chí của Thư viện Quốc gia Việt Nam



Mời đọc Bản chụp dạng ảnh



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF

Trong Nguyễn Công Hoan - Truyện Ngắn Chọn Lọc - (NXB Hội Nhà Văn 2005 - Trọn Bộ 2 Tập)




Tham khảo: Các bài viết liên quan

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉