Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

Không mới nhưng còn hữu ích


Không mới nhưng còn hữu ích

LÊ HOÀI NAM




Trần Ðăng Suyền viết chuyên luận, tiểu luận - phê bình từ những năm anh còn là một giảng viên trẻ Ðại học Sư phạm Hà Nội. Trong vòng một thập kỷ gần đây, Trần Ðăng Suyền lần lượt cho xuất bản ba cuốn sách: Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2001), Nhà văn hiện thực, đời sống và cá tính sáng tạo (Nhà xuất bản Văn học, 2002), Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (Nhà xuất bản KHXH, 2010). Trong phạm vi bài viết này, chủ yếu tôi nêu những cảm nhận cá nhân về cuốn Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.


Với đồng nghiệp, kể cả bậc đàn anh, cùng lứa hay đàn em, Trần Ðăng Suyền trân trọng tất cả những tác phẩm, công trình của họ. Những gì là hay ở họ, anh thường trích dẫn trong những chuyên luận nhằm mở rộng quan điểm của mình; những gì ngược hoặc không đồng nhất với nhận định của mình, Trần Ðăng Suyền cũng không lớn tiếng phủ định. Gặp những ý kiến không đồng nhất, Trần Ðăng Suyền thường trích ý kiến ấy ra rồi anh viết "đó cũng là một quan niệm", sau đó anh tung ý kiến của mình ra để tự bạn đọc so sánh, thẩm định. Một phong cách rất sư phạm.

Ðọc nhiều, nghiên cứu kỹ


Ðể viết về tác giả cũng như các tác phẩm của họ, Trần Ðăng Suyền không thể không phóng cái nhìn ra xa hơn. Nghĩa là anh phải đọc rất nhiều nhà văn nước ngoài trong cùng lối viết hiện thực như Huy-gô, Ban-dắc, Xtăng-đan, Flô-be, Mô-pát-xăng (Pháp); Ðích-ken, Thác-cơ-rê (Anh); Tôn-xtôi, Ðôt-xtôi-ep-xky, Gô-gôn, Tuốc-ghê-nhép, Pu-xkin, A.Trê-khôp (Nga); Lỗ Tấn, Tào Ngu (Trung Quốc) và nhiều nhà văn lớn khác trên hành tinh. Ðọc văn nước người rồi mang cái nhìn so sánh, soi chiếu về nhận diện văn chương nước mình. Tất cả các tác giả của dòng văn học hiện thực Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX mà ta đang bàn đến đều được Trần Ðăng Suyền đọc với một thái độ trọng thị, phát hiện và thu nhận những gì là căn cốt, tinh túy nhất làm nên một tác giả ấy, tác phẩm ấy để viết thành chuyên luận. Mỗi tác giả, Trần Ðăng Suyền đều nói về quan điểm nghệ thuật, nguyên tắc tái hiện đời sống, phương pháp xây dựng nhân vật... của nhà văn ấy.

Một kiến văn vững

Là người từng trải qua nhiều môi trường sống, ngoài ngôi trường Ðại học Sư phạm, Trần Ðăng Suyền còn là người lính chống Mỹ, từng sang Nga học Học viện Pu-xkin và bảo vệ luận văn tiến sĩ... Tất cả những yếu tố đó cộng với một tinh thần cầu tiến, một cung cách nghiên cứu mẫn tiệp, một đức tính khiêm nhường để rồi khi cầm bút trước trang giấy, Trần Ðăng Suyền tắm tưới vào từng câu văn, con chữ một giọng điệu vừa kinh viện, lịch lãm vừa phóng túng nghệ sĩ.

Mỗi nhà văn, sau cái phần khái quát về cuộc đời và những vấn đề chung quanh quan điểm sáng tác, Trần Ðăng Suyền chỉ chọn những tác phẩm tiêu biểu làm nên tên tuổi nhà văn ấy để viết. Mang sẵn ý thức vừa giảng dạy kiến thức vừa truyền thụ phong cách sư phạm cho sinh viên, nghiên cứu sinh, chuyên luận của Trần Ðăng Suyền mang tính chuẩn mực cao, tiến trình của toàn cuốn sách cũng như của từng phần được tác giả thể hiện rất lô-gích, khoa học. Hầu như ta không thấy những đoạn văn thừa hay lạc điệu (từ ngữ thừa thì có), càng không thấy sự tùy tiện chủ quan hay áp đặt. Ðụng đến tác giả, tác phẩm nào, Trần Ðăng Suyền đều "gọi" ra được đúng thần thái gương mặt tác giả cũng như linh hồn tác phẩm của người đó. Những nhà văn nổi tiếng của dòng văn học hiện thực 1930 - 1945 thì đã có nhiều người viết chuyên luận, tiểu luận, nhưng Trần Ðăng Suyền vẫn tìm ra cách viết của riêng mình, không e ngại, rất đường hoàng và có tính thuyết phục. Anh cũng không ngần ngại khi viết về những hạn chế của một nhà văn tầm cỡ, chẳng hạn như Nguyễn Công Hoan:
"... Nhưng mặt khác, Nguyễn Công Hoan còn mang nhiều hạn chế của tư tưởng phong kiến, nhất là khi ông đề cập đến vấn đề phụ nữ, vấn đề hôn nhân và gia đình. Những yếu tố tiêu cực trong quan điểm nghệ thuật "văn dĩ tải đạo", tính chất giáo huấn đạo đức đã hạn chế không ít giá trị hiện thực của một số tác phẩm (cô giáo Minh, Thanh Ðạm, Danh tiết...)"- trang 81.
Về tác phẩm Bước đường cùng, Trần Ðăng Suyền viết:
"... Cả cuốn tiểu thuyết Bước đường cùng ông chỉ viết trong 16 ngày. Hơn hai mươi trang đầu của cuốn tiểu thuyết này, ông không miêu tả gì hết ngoài chuyện đẻ đái, chửi bới của những người mất gà. Có thể nói quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Công Hoan đôi khi vẫn còn mang tính chất tự phát và bản năng. Sáng tác của ông không đồng đều về chất lượng và không nhất quán về quan điểm nghệ thuật..." - trang 83.
Và viết về Vũ Trọng Phụng:
"... Tài năng của Vũ Trọng Phụng thể hiện rõ nhất ở trình độ tổ chức, dẫn dắt những xung đột trào phúng qua hàng loạt những cái ngẫu nhiên, ở khả năng sử dụng tối đa, hết cỡ bút pháp phóng đại làm nổi bật hơn bao giờ hết mâu thuẫn trào phúng mà vẫn bảo đảm được tính chất khách quan, chân thật của hình tượng..." - trang 134.

Tác phẩm Cai của Vũ Bằng là cuốn tiểu thuyết mà cốt truyện hầu như "chẳng đáng kể gì", chủ yếu hay ở tâm lý nhân vật và ở văn. Trần Ðăng Suyền viết:
"...Người đọc có thể nhận ra nhiều trang của cuốn tiểu thuyết này thấm đẫm cảm xúc của một cái tôi nội cảm. Việc quan tâm đặc biệt đến sự thể hiện cái tôi nội cảm đã tạo ra những khoảng trống rộng rãi cho người viết, đồng thời tạo những điều kiện thuận lợi để nhân vật tự bộc lộ tâm sự, giãi bày nỗi niềm riêng bấy lâu bị dồn nén..." - trang 272.
Công tâm, khách quan và thiện chí

Cái đạo của người viết chuyên luận, tiểu luận - phê bình là sự công tâm, tính khách quan và tinh thần thiện chí.

Chúng ta đều biết giai đoạn 1930 - 1945, dòng văn học hiện thực (phê phán) xuất hiện rất rực rỡ, có thể coi là một hiện tượng đặc biệt của văn chương Việt Nam. Các tác phẩm của dòng văn học ấy ảnh hưởng rất nhiều đến phương pháp sáng tác của những thế hệ nhà văn sau này. Cho đến nay, nhiều nhà văn như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố... vẫn là niềm tự hào của văn học hiện đại Việt Nam. Nhưng khi tuyên ngôn sáng tác, một số nhà văn ở trường phái này cũng có những cực đoan. Họ phủ định quyết liệt, những sáng tác của nhóm Tự lực Văn đoàn, một trường phái văn học lãng mạn xuất hiện cùng thời với trường phái của họ. Nguyễn Công Hoan gọi văn chương lãng mạn của Tự lực Văn đoàn là loại văn phù phiếm, mù mịt, chạy theo thị hiếu tầm thường. Ngô Tất Tố phê tác phẩm của Tự lực Văn đoàn là thứ văn chương chuyên "đánh phấn xoa nước hoa chọn mẫu quần áo để nhử bạn đọc phụ nữ", là thứ "văn chương chim gái". Ông viết gay gắt:
"Từ lãng mạn đến mãi dâm cũng không xa và từ mãi dâm đến bệnh hoa liễu đều là người đã phải bùa mê của bọn văn sĩ khiêu dâm, chính bọn văn sĩ khiêu dâm đã đưa người ta lên giường bệnh hoa liễu...".
Vũ Trọng Phụng thì gọi các nhà văn Tự lực Văn đoàn là "bọn văn sĩ đầu cơ xảo quyệt", "chạy xa sự thật bằng những danh từ điêu trá". Ðó là những kẻ "đạo đức giả, ích kỷ". Vũ giễu cợt:
"Khi em gái mình hư hỏng thì mình muốn tự tử, mà con gái hay em gái người khác bỏ chồng, bỏ nhà theo trai thì gọi là giải phóng, là bình quyền và chiến đấu cho hạnh phúc cá nhân...".
Nam Cao, trong tác phẩm Giăng sáng phê phán thứ nghệ thuật đầy ảo mộng của Tự lực Văn đoàn, chỉ chạy theo vẻ đẹp bề ngoài, thi vị hóa cuộc sống, nó "làm đẹp cả những căn lều nát" mà bên trong thì "biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình". Nam Cao mượn lời một nhân vật trong Giăng sáng phát biểu rõ hơn quan điểm nghệ thuật của mình:
"Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối".
Ngoài ba nhà văn tôi vừa trích dẫn, còn một số nhà văn khác của dòng văn học hiện thực cũng có những tuyên bố nhằm vào Tự lực Văn đoàn mà phủ định.

Về cơ bản, Trần Ðăng Suyền cũng nhất trí với những ý kiến ấy, nhưng đồng thời anh cũng vạch ra những cực đoan của họ:
"... Sự phê phán của những nhà văn hiện thực đối với văn chương lãng mạn đương thời, bây giờ nhìn lại, đôi khi quá gay gắt, quá cay độc, có những điểm bất cập, không thỏa đáng. Ðiều đó một mặt, là do có sự khác nhau giữa hai quan điểm nghệ thuật, hai khuynh hướng thẩm mỹ, hai thái độ đối với xã hội đương thời của hai trào lưu văn học. Mặt khác, còn do tính cạnh tranh, tranh giành độc giả nữa. Sự thật thì không phải mọi tác phẩm của các nhà tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn đều tiêu cực, tệ hại, đáng nguyền rủa, mà hiển nhiên nhiều sáng tác của họ có những yếu tố tiến bộ, tích cực, lành mạnh, có những đóng góp rất đáng ghi nhận vào lịch sử tư tưởng và văn học dân tộc" (trang 88).

Viết về một khuynh hướng văn học cách đây hơn nửa thế kỷ, không còn là điều mới mẻ, nhưng viết như Trần Ðăng Suyền thì vẫn còn hữu ích.

LÊ HOÀI NAM



0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉