Ads 468x60px

.

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

Thời Tết Trung thu dành cho… người lớn vì đâu bị cấm?


Thời Tết Trung thu dành cho… người lớn vì đâu bị cấm?

Lê Tiên Long

Trong ‘Nhớ và ghi về Hà Nội’, Nguyễn Công Hoan kể, thời trước Tết Trung thu người lớn múa sư tử rồi đánh nhau nên Tây cấm, Tết Trung thu mới dành cho trẻ con.

Trẻ em múa sư tử chơi Tết Trung thu ở Hà Nội, năm 1928.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977) tuy quê ở Văn Giang, Hưng Yên, nhưng thuở bé từng học trọ ở phố Hàng Hài (Hàng Bông ngày nay), Hà Nội, rồi theo học tại Cao đẳng sư phạm, nên rất thông thuộc những sự kiện diễn ra ở thủ đô những năm đầu thế kỷ 20.

Bên cạnh những tiểu thuyết hiện thực, những truyện ngắn trào phúng, ông cũng để lại những ghi chép có giá trị lịch sử trong tập Nhớ và ghi về Hà Nội (NXB Trẻ tái bản năm 2004). Đây là cuốn sách sưu tầm những trang ông viết dành riêng để nhớ về Hà Nội, một Hà Nội xưa cũ vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, với một lượng thông tin sống động bằng những câu chữ đằm thắm và giản dị.

Qua những trang viết của ông, người đọc hậu thế mới biết không khí Tết Trung thu ở Hà Nội thời xưa với những món đồ chơi truyền thống:

“Tết Trung thu vốn không phải là tết trẻ con. Tối 14 và 15 tháng Tám, có rước rồng, rước sư tử. Các nhà chăng đèn ở ngoài cửa. Thường thì có đèn trống quân, hoặc đèn cù, là một cái khung hình vuông, phất giấy bản. Người ta thắp đèn dầu ta ở dưới, hơi nóng thành gió, làm cho cái tán ở trên quay được. Tán ấy được xếp bằng những mảnh giấy ở cái thế hứng được gió. Tán quay, làm quay cả cái vòng treo ở dưới, có dán hình người, ngựa... để ở ngoài nhìn vào, thấy những bóng ấy chạy”.
Nhà văn cũng giải nghĩa câu thành ngữ “chạy như đèn cù”, nghĩa là chạy quanh không có mục đích gì.

Nguyễn Công Hoan mô tả sự khéo léo của những người thợ thủ công Hà Nội xưa, khi làm những chiếc đèn cù (đèn kéo quân) rất sinh động:
“Rồi nhiều người (bác Cả Thạch, nhà ở số 19 phố Hàng Gai) có sáng kiến, không làm cái vòng quay, mà buộc bằng tóc vào những mảnh hình người, làm cho tán quay, thì người cử động được.
Ví dụ cô tiên hái hoa, hai vợ chồng hái dừa, chồng hái dừa vợ hứng bằng váy, hai ông tướng đánh nhau... Cái cán tán phải chấp bằng từng đoạn theo đường gấp, chứ không thẳng. Phải tính toán rất tỉ mỉ”.
Đặc biệt, ông cho độc giả biết về chuyện khá bất ngờ với lớp trẻ ngày nay, về việc thời xưa, Tết Trung thu vốn dành cho người lớn, cho đến khi bị chính quyền thực dân Pháp cấm:
“Múa sư tử và múa rồng thì là trò chơi của người lớn. Các đầu sư tử lớn, rồng rất nhiều khúc, múa nhiều điệu rất khéo. Nhưng một dạo, từng tụi du côn nhân rước sư tử, rước rồng để tranh nhau giải, mà đánh nhau rất hăng. Rồi tụi du côn ở ngõ Sầm Công (phố Đào Duy Từ ngày nay) thù nhau với tụi du côn ở ngõ Tạm Thương chẳng hạn, họ chờ đến Tết Trung thu, đi múa sư tử, thì đánh nhau. Trong xe bò chở trống và thanh la, họ để sẵn xà beng, các khí giới. Nhiều cuộc đánh nhau thành án mạng. Vì thế, Tây cấm người lớn múa sư tử. Tết Trung thu chỉ cho trẻ con chơi, Tết ấy trở thành Tết trẻ con”.

Do sống ở phố Hàng Bông, nên nhà văn rất thông thuộc những gì diễn ra ở xung quanh, khắp khu vực phố cổ. Qua ghi chép của ông, ta mới biết thời những năm 20 của thế kỷ trước, phố Hàng Gai là nơi tập trung bán đồ chơi Trung thu.

“Phố Hàng Gai, cứ sắp Tết Trung thu, thì biến thành phố bán đầu sư tử, đèn, và các đồ giấy chơi Tết”,
ông miêu tả và cũng đưa ra một thắc mắc chưa có lời giải đáp:
“Nhưng cũng chỉ bán ở bên số lẻ, và vào quãng từ giữa phố đến cuối phố. Bên số chẵn thì không. Không rõ vì lí do gì”.

Lê Tiên Long


Các hàng bán đồ chơi Trung thu ở Hà Nội xưa.



0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉