Nguyễn Công Hoan vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam
Đã chẵn 100 năm, kể từ năm 1922 cho đến nay - năm 2022, Nguyễn Công Hoan vẫn cứ là một trong số không nhiều tên tuổi lớn được quen biết và được nhắc nhở trong dư luận của nhiều thế hệ bạn đọc. Bắt đầu từ những truyện trong tập Truyện thế gian của Tản Đà thư cục, năm 1922; rồi Kiếp hồng nhan, năm 1923; Nguyễn Công Hoan sớm trở nên nổi tiếng với những chuyện đời trong chuyên mục “Xã hội ba đào ký”, thời An Nam tạp chí cũng của Tản Đà đầu những năm 1930. Và đến hôm nay, sau bao nhiêu biến thiên xã hội, ông vẫn tiếp tục là nhà văn thân quen của nhiều thế hệ bạn đọc, trong số đó không ít người đã từng qua một tuổi trẻ hoặc tuổi học đường sớm biết đến Nguyễn Công Hoan, qua tiểu thuyết Bước đường cùng và các truyện ngắn được chọn lọc trong chương trình văn học ở nhà trường.
Cố nhiên ở mỗi thời kỳ, sự quan tâm của bạn đọc đối với Nguyễn Công Hoan là có khác nhau. Nguyễn Công Hoan xuất hiện với một bút pháp lạ, một cách nhìn lạ, một giọng điệu lạ, hài và bi, cười cợt và nghiêm trang, đùa mà tỉnh táo, đã được báo hiệu ngay từ tập truyện Kiếp hồng nhan (1923). Rồi Nguyễn Công Hoan với truyện ngắn và truyện dài, dồn dập và xen kẽ, chuyển dịch qua bao xu hướng nghệ thuật trong những năm 1930. Nhà văn muốn tỏ ra trung thành với chủ nghĩa hiện thực trào lộng trong truyện ngắn lại rất nghiêm trang, mực thước trong Tấm lòng vàng, Cô làm công... Chủ nghĩa lãng mạn tưởng như xa lạ với Nguyễn Công Hoan, khi nhà văn cố tình trở về với các khuôn mẫu cổ điển, để chống lại Đoạn tuyệt của Nhất Linh trong Cô giáo Minh, lại là người đẫm ướt trữ tình và nước mắt lãng mạn trong Tắt lửa lòng và Lá ngọc cành vàng. Thanh đạm u trầm trong một khí hậu hoài cổ nhằm dẫn dắt con người vào một thời xưa, trong lúc Bước đường cùng lại rất quyết liệt phanh phui, lật tẩy hiện tại - sách bị cấm mà thành danh to, năm ngàn bản bán hết veo và được in đi in lại nhiều lần... Nguyễn Công Hoan, tóm lại, đó là người viết dường như muốn có một mục tiêu để trung thành, để chung thủy, nhưng lại nhiều đổi thay, chuyển dịch và không ít giọng điệu. Có phải vậy chăng cùng lúc có ở trong ông vừa khách quan vừa chủ quan, vừa mới vừa cũ, vừa hoài cổ vừa cách tân, vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa cổ điển vừa tự nhiên và cả tự nhiên chủ nghĩa... Vậy là, phải chăng về cái gọi là “phức tạp”, qua con mắt người đương thời và hậu thế, thì xem ra Nguyễn Công Hoan cũng có mặt nổi danh không kém Nguyễn Tuân.
Nhưng rút lại thì cái lớn, cái duyên và có thể là cả cái may nữa, của Nguyễn Công Hoan là ở đâu và lúc nào ông cũng được quan tâm. Có thể nói ông là nhà văn chưa bao giờ bị quên. Ông là người thường xuyên được nhắc nhở. Quả là trong làng văn Việt Nam hiện đại, người có vị trí như Nguyễn Công Hoan không phải thật quá hiếm hoi. Nhưng có người danh đang như cồn, bỗng bị quên ngay. Có người rất thực tài nhưng chịu rất nhiều thăng trầm. Có người chịu một số phận âm thầm thật lâu rồi mới sáng sủa dần lên. Còn ông, nhà văn Nguyễn Công Hoan thì lúc nào cũng là người hiện diện cùng độc giả. Sau 1945, tham gia cách mạng, hoạt động ở nhiều cương vị, cho đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp, trở về hòa bình, ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên từ khi có Hội, năm 1957, cương vị ấy ở ông gợi nhớ chức danh Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam của Nguyễn Tuân trước đó gần một thập niên vào năm 1949 trong Đại hội lần thứ nhất Hội Văn nghệ Việt Nam. Những chọn lựa của lịch sử và nghề nghiệp quả thật là tinh. Nghề và nghiệp, danh và thực, quả đã tìm được sự hội tụ ở những người viết có bản lĩnh, có chân tài. Qua hai hiện tượng trên, ở hai cương vị đại diện: một cho chủ nghĩa lãng mạn, một cho chủ nghĩa hiện thực, tôi thấy thật thú vị về sự gặp gỡ của hai phong cách lớn trong văn học Việt Nam hiện đại.
Sau ngót 40 năm trong nghề, nhà văn Chủ tịch Hội Nguyễn Công Hoan đã khẩn trương trở về với vốn sở trường của mình qua một loạt các tiểu thuyết dài dồn dập, hơn bất cứ ai, trong giao điểm những năm giữa 1950, đầu 1960: Tranh tối tranh sáng (1956), Hỗn canh hỗn cư (196l). Đống rác cũ, tập I (1963) như là một sự tổng hợp và nâng cao, trong quy mô sử thi, theo cách nói quen thuộc của chúng ta một thời, để có thể đồng thời diễn đạt cho được cả hai mặt: mặt tối tăm bi thảm và mặt cách mạng của cuộc đời cũ. Mặt tối tăm, dường như hầu hết những gì ông đã viết trước 1945 có thể xem là một tập đại thành; còn mặt sáng sủa, mặt cách mạng của xã hội cũ thì có dễ đến bây giờ ông mới có chủ trương và có quyết tâm trong một nỗ lực nhận thức rất cao. Còn nhớ có lần ông nói: “Tôi vẽ người xấu nhạy hơn người tốt. Bởi vì tôi vốn bi quan nên nhìn mọi vật bằng con mắt hoài nghi, chỉ thấy phía xấu. Phía xấu dễ nhập tâm hơn phía tốt”. Vậy là có phải bây giờ mới là lúc ông thấy cần và ông có điều kiện thể hiện mình trên cả hai thái độ: phê phán và khẳng định. Nhưng gắn cho được cả hai mặt đó vào một chỉnh thể, sao cho nó hữu cơ, cho nó nhuần nhị, có nhân và quả, hoặc vừa là nhân vừa là quả, có quan hệ và tác động theo cả hai chiều, thật là cả một sự nặng nhọc. Ấy là chưa nói những đòi hỏi theo “phép biện chứng” ở người đọc, theo lý luận về hiện thực xã hội chủ nghĩa một thời đòi hỏi nhìn cuộc sống trong “quá trình phát triển cách mạng” và “khẳng định mặt đang lên của hiện thực”, phải đâu dễ đáp ứng được, nếu nó không tìm được lối thuận trong tạng của nhà văn.
Thiên chức nhà văn: nói cho toàn diện về hiện thực, hướng con người về phía cái tốt cái thiện, là câu chuyện ta từng bàn đi bàn lại, nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Ai cũng mong đạt cái đích cao và xa ấy. Nhưng đòi hỏi của cả một nền, cả một thời có khác với đòi hỏi riêng cho từng người. Và ở mỗi người, chuyện lực và tâm, và cả tạng nữa, có gắn bó hô ứng được với nhau không cũng còn phải tính. Một đời dài theo nghiệp văn, Nguyễn Công Hoan đã để lại cho ta một di sản lớn về nhiều mặt. Nhưng tôi lại nghĩ nếu Nguyễn Công Hoan biết chiều cái tạng riêng của mình và xã hội một thời dài cũng sẵn sàng chấp nhận, hoặc biết bao dung cái tạng ấy thì hẳn chắc sự nghiệp của ông còn lớn hơn, thậm chí lớn hơn rất nhiều. Ông cứ viết, tiếp tục với giọng trào lộng của riêng ông về cái cũ, cái ác trong xã hội cũ và cả về cái cũ, cái xấu, cái ác trong xã hội mới nữa, cũng được chứ sao!
Chúng tôi là những người đọc hậu sinh trung thành và chuyên cần của nền văn chương Quốc ngữ, chúng tôi càng quý trọng một trong những người đặt nền móng đầu tiên là Nguyễn Công Hoan. Cũng chính ông là người tiếp tục cần mẫn lần lượt leo lên nhiều tầng giàn giáo của công trường văn xuôi Quốc ngữ Việt Nam. Một công trường thật sự là đông đúc, nhưng những bậc thợ cả trong số đó như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Khái Hưng, Tô Hoài, Nguyên Hồng... thì quả chưa phải là nhiều. Còn chưa nhiều nên mới quý. Và càng quý khi tất cả họ, khi trong con số ít ỏi ấy ở họ, lại là những chân dung rất khác nhau, những gương mặt hoàn toàn không lẫn vào nhau. Nghĩ về Nguyễn Công Hoan tôi luôn luôn nhớ đến một tiếng cười riêng, tiếng cười Nguyễn Công Hoan, tiếng cười gây cười, lập tức làm ta bật cười, cười không cản được, cười to lên hoặc tủm tỉm, nhưng rồi sau đó là một vị chát có lúc như nghẹn đắng, có lúc làm cay nơi mắt ta. Ngẫm ra thật là “sợ” cho ngữ ngôn, cho văn tự, cho chữ nghĩa Nguyễn Công Hoan: Oẳn tà roằn, Ngựa người và người ngựa, Báo hiếu - trả nghĩa cha, Cô Kếu - gái tân thời, Thế là mợ nó đi Tây... Nghĩ về Nguyễn Công Hoan tôi luôn thấy sống động cả một thế giới người thật đông đúc và cũng thật là lúc nhúc trong văn ông: những phu phen, thuyền thợ, dân quê; những địa chủ, lý dịch, cường hào; những nghị viên, dân biểu, quan lại (huyện, phủ, bố, án, tuần...); những ký, lục, phán, tham; những con buôn, tư sản, chủ thầu; những giáo chức, nghệ nhân, viết văn, làm báo; những me tây, cô đầu, kép hát; những gái điếm, con sen, thằng nhỏ; những “ván cách”, lính cơ, thày quyền; những bồi, bếp, tây trắng, tây đen... Nghĩ đến Nguyễn Công Hoan tôi nghĩ đến cả một gia tài truyện ngắn thật đồ sộ mà ông để lại; và truyện ngắn - đó mới chính là sở trường của ông, trào phúng mới là giọng điệu của riêng ông. Một thứ trào phúng rõ ràng là bắt nguồn từ gia tài dân gian và cổ điển, nhưng vẫn là rất riêng của ông, không lẫn với ai, và không ai bắt chước được. Hơn thế, đó lại là cái trào phúng xem ra không chỉ có một mà nhiều cung bậc; mọi cung bậc không phải tất cả đều thuận tai; nhưng khi một nhà văn được viết hồn nhiên theo thiên tính của mình, thì cái hồn nhiên ấy mới làm phát lộ ra biết bao tài hoa khiến cho ta kinh ngạc.
Thế kỷ XX đã ghi nhận Nguyễn Công Hoan như một tên tuổi lớn, tác giả của nhiều trăm truyện ngắn sáng giá - là người hiếm hoi, cùng với Nam Cao, Thạch Lam có công đưa thể loại dễ mà khó này lên một tầng cao thật siêu việt. Là người có một tiếng cười riêng thật đặc sắc trong một bối cảnh vốn lúc nào cũng rất cần có tiếng cười. Một cuộc sống tối tăm đau khổ, thật đáng khóc như cuộc sống trước 1945, vẫn cần có tiếng cười; đã có một chuỗi cười dài trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, lại có tiếng cười của Nguyễn Công Hoan, cùng tiếng cười trong thơ của Tú Mỡ, Đồ Phồn. Cuộc sống mới sau 1945, cho đến khi nhà văn qua đời dẫu có nhiều niềm vui lớn, đâu phải đã hết cần đến tiếng cười phê phán. Cái lý đó và sự thật đó, phải chăng ta nhận ra khá muộn, khiến cho một người biết cười, một người dám cười như Nguyễn Công Hoan thật đáng giá, thế nhưng lắm lúc ông đã phải nghiêm trang. Nguyễn Công Hoan, trong cả đời văn nói chung là một người may mắn, nhưng ông cũng có đôi lúc không may. Dẫu thế, trong di sản của ông, bên nhiều thứ đã bị quên, có một bộ phận lớn sẽ là bất tử.
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉