Review Sách Bước Đường Cùng –
Tức Nước Ắt Phải Vỡ Bờ Mà Thôi
Nền văn học hiện đại của Việt Nam chứng kiến sự ra đời của nhiều truyện ngắn vô cùng đặc sắc. Đó là ngòi bút tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến, là tiếng nói đứng lên bênh vực những người dân nghèo.
Giữa những áng văn như vậy, truyện ngắn Bước Đường Cùng của Nguyễn Công Hoan nổi lên như những thước phim gai góc, khiến người đọc căm tức đến khôn cùng. Phẫn uất vì xã hội bất công, thương thay cho những kiếp người thấp cổ bé họng. Đọc sách để vạch trần những gian dối, cay đắng và nỗi tủi nhục của biết bao kiếp người.
Mục Lục
- Tác giả Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn Bước Đường Cùng
- Nội dung truyện Bước Đường Cùng
- Những hình ảnh đối lập trong Bước Đường Cùng
- Nhận xét về cuốn Bước Đường Cùng
- Lời kết
Tác giả Nguyễn Công Hoan trong truyện ngắn Bước Đường Cùng
Nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh ra trong một gia đình quan lại xuất thân Nho học thất thế. Ngay từ nhỏ, ông đã được tiếp xúc với nhiều câu thơ, câu đối và những giai thoại có tính chất trào lộng. Chính những tác phẩm ấy đã góp phần định hình phong cách văn chương của Nguyễn Công Hoan sau này.
Chính tác giả này là người đã châm ngòi cho những tranh luận trong quan điểm nghệ thuật thời bấy giờ. Với sở trường là những tác phẩm văn học hiện thực phê phán, ông mở ra cuộc bút chiến giữa 2 quan điểm: văn học nên vị nghệ thuật hay văn học nên vị nhân sinh?
Nguyễn Công Hoan được coi là ngọn cờ đầu cho những tác phẩm hiện thực phê phán. Ông đến với chủ nghĩa hiện thực bằng văn học trào phúng. Ngay từ những tác phẩm đầu tiên, ông đã vạch ra muôn vàn cảnh xấu xa, bỉ ổi, những điều bất công ngang trái trong xã hội Việt Nam xưa.
Nguyễn Công Hoan qua đời năm 1977 tại Hà Nội, để lại cho hậu thế hơn 200 truyện ngắn, 30 tập truyện dài và nhiều tiểu luận văn học có giá trị. Bước Đường Cùng, Kiếp hồng nhan, Xin chữ cụ Nghè,… là những tác phẩm quen thuộc của nhà văn ưu tú này.
Nội dung truyện Bước Đường Cùng
Bước Đường Cùng kể về một anh nông dân tên Pha. Cuộc đời anh bị đẩy vào tuyệt lộ vì những thói xấu xa của bọn quan lại và đế quốc.
Vợ chồng Pha vì thất học nên không tỉnh táo, bị địa chủ dùng thủ đoạn cướp hết nhà cửa, đất đai. Gã địa chủ Nghị Lại đại gian ác, nghĩ ra đủ mưu kế để bòn rút của cải, tiền bạc của dân lành. Hắn dụ dân vay tiền, nhưng nhất quyết không chịu nhận tiền trả nợ sớm mà để lãi mẹ đẻ lãi con và đẩy dân vào đường cùng. Quan lại thì cơ cấu, móc nối với bọn thực dân để hành hạ dân lành. Từ quan to cho tới cai tù, tên nào cũng giở trò để cấu xé những người dân nghèo bất hạnh.
Ban đầu, những người dân sống riêng lẻ cũng vì những điều hẹn mọn mà ghen ghét, kèn cựa lẫn nhau.
Ví như vợ chồng Pha với Trương Thi cãi nhau vì nhà nó lấy tên bố mình đặt cho con nó. Sau cùng, khi đã bị bọn địa chủ phong kiến bóc lột đến không còn gì để mất, họ đã hợp sức để chống lại đế quốc.
Dẫu vậy, tiếng nói của người dân thấp cổ bé họng chỉ là hạt muối bỏ bể trước bè phái của bọn địa chủ phong kiến. Chừng nào đế quốc còn thống trị, chừng ấy cuộc đấu tranh của nông dân còn bị đàn áp.
Kết truyện, Pha vùng dậy phang vào đầu Nghị Lại với tất cả uất nghẹn, căm thù. Pha bị trói, nghiến răng, nhắm nghiền mắt mặc cho dòng lệ nóng tuôn trào.
Những hình ảnh đối lập trong Bước Đường Cùng
Tác giả Nguyễn Công Hoan đã rất thành công trong việc vẽ lên hai mảng màu đối lập trong cùng một bức tranh hiện thực.
Một bên là đám đế quốc quan tham. Mang tiếng là quan phụ mẫu nhưng chúng chỉ biết tổ chức những cuộc ăn chơi hút chích, đánh mạt chược thâu đêm, tổ chức những buổi lễ giỗ hay tiệc tùng vô cớ. Chúng tống giam người rồi đánh đập vì không mang tiền đến lễ. Mỗi vụ thuế đến, lính cơ về làng tróc nã, trói bắt, cùm kẹp người dân. Những con người bé mọn luôn bị các thế lực phong kiến đàn áp, họ bị đẩy vào bước đường cùng do những cái bất công của chế độ thối nát chốn hương thôn.
“Muốn chứng sự thực thà, Pha cởi nút thắt lưng lấy ra năm tờ giấy một đồng, xòe ra trước mặt Thầy đội.
– Bẩm đây, chứ con có dám nói dối đâu.
Bất đồ Thầy đội chộp ngay, bóc lấy một tờ, bỏ nghiến vào túi, vui sướng nói:
– Ừ, tóm được cậu rồi, có chạy đường trời, đang thiếu tiền góp tổ tôm tối nay đây.
Rồi không lý sự gì thêm nữa, thầy chạy ra như thằng ăn cắp giật và khóa tách cửa lại, rồi quay vào cười ha hả.
Hẳn thầy đắc chí về cách lấy tiền có nghệ thuật.
Bị mất tiền Pha quờ tay theo để vớ lại và đứng phắt dậy, nhưng đánh nhói, anh tưởng gãy chân về cái cùm.
Anh ôm cẳng xuýt xoa, vừa đau, vừa tức, bất giác anh hu hu khóc. Anh không ngờ chốn công môn lại nhũng nhiễu hơn chợ. Mất một đồng bạc, anh có còn bốn. Anh lấy gì lễ quan, theo trong giấy ông nghị được?
Như vậy anh không thể kêu oan nữa. Anh nói dối quan thật, vì anh có đủ đâu năm đồng? Thế này thì chiều nay hay mai anh cũng không mong gì được tha về. Mà tội lừa quan trên phải biết rằng không nhẹ. Lại nghĩ đến từ hôm qua đến nay, anh mất vào những chỗ không đáng mất gần hai đồng rồi. Anh tiếc món tiền mồ hôi nước mắt, có thể cứu sống gia đình anh ngót một tháng trời.”
Mỗi vụ thuế đến, nhiều gia đình nông dân trở nên khánh kiệt trong khi bọn kỳ hào thì kiếm hàng trăm. Vợ chồng Pha phải đến làm thuê cho nhà Nghị Lại, tuy quần quật cả ngày mà cơm độn cà thiu cũng chẳng đủ no. Vợ anh Pha ốm, không có tiền mua thuốc, chỉ uống mấy thứ lá linh tinh rồi lễ bái, chạy mồ.
Anh đến phục dịch nhà Nghị Lại thì tiếp tục bị đánh, bị đuổi oan ức. Nước sông lên to, hàng trăm nông dân, trong đó có Pha phải đi hộ đê còn vợ con thì nhịn đói. Vợ Pha cuối cùng đã chết vì dịch tả khi không được tiêm chủng. Con anh cũng chết nốt, để mình anh trơ trọi, lúng túng giữa cuộc đời trái ngang và nghiệt ngã.
Nhận xét về cuốn Bước Đường Cùng
Nhà văn Nguyễn Công Hoan là bậc thầy trong việc đẩy cảm xúc của người đọc lên đến cao trào. Đọc cuốn Bước Đường Cùng, chúng ta không khỏi căm tức, sục sôi và thương hại số phận những người dân nghèo khổ bị quan tham đẩy vào bế tắc.
Đoạn kết truyện Bước Đường Cùng làm tôi vô cùng tâm đắc với những lời văn của tác giả:
Đến cuối cùng, Pha chỉ còn lại một mình trong cái thế giới tăm tối.
“Chúng ta sống để làm gì? Không để ăn ngon, không để mặc đẹp, không để ở sướng nhưng là để chịu những sự bóc lột của địa chủ tàn nhẫn những nỗi áp bức của quan lại tham nhũng, những cái bất công của chế độ thối nát chốn hương thôn, để bước đường cùng là đi đến chỗ phá sản”.
Lời kết
Bước Đường Cùng là tiếng súng dõng dạc nã vào đầu những tên tham quan. Đó cũng là tiếng nói cổ vũ những người dân nghèo đứng lên chống lại giặc dốt để tự tay nắm lấy vận mệnh của mình.
Khép lại tác phẩm, người đọc sẽ phải suy nghĩ khá nhiều trong những cảm xúc vui buồn, bực tức và day dứt lẫn lộn.
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉