Nghề làm xe tay
Lê Minh Quốc
Có lẽ Tú Xương là nhà thơ trước nhất đưa chất liệu thực tế vào thơ: “Ông chồng thương đến cái xe tay”. Trước kia các quan nước ta thường đi ngựa, đi võng hay đi cáng. Sau Đốc lý Hà Nội Bonnal mua được bên Nhật Bản hai cái xe tay, một biếu quan Tổng đốc, một để dùng. Về sau, năm 1884, ông tham tá nhà Đoan là Ulysse Leneveu dù hưu trí, nhưng chưa vội về cố hương mà ở lại Hà Nội để kinh doanh. Ông sang Hồng Kông mua được 6 chiếc xe tay, vừa để cho thuê, vừa mướn thợ Việt Nam căn cứ vào mẫu mã có sẵn để sản xuất thêm. Mãi đến ngày 24.3.1887, ông Leneveu mới có được hơn 100 chiếc xe để cho thuê. Từ đó những người thợ của ta đã làm xe cho ông Leneveu cũng bắt đầu sản xuất loại xe này, hầu hết xe tay dùng bánh sắt. Chỉ có quan tuần vũ, quan tây mới dùng loại xe bánh cao su- mà người lính kéo thường mặc áo “kép nẹp”, đầu đội “nón gù”, đi chân không. Rồi mãi đến năm 1932 mới có tập phóng sự Tôi kéo xe của nhà báo trứ danh Tam Lang (Vũ Đình Chí) ra đời - mở đầu cho thể loại viết phóng sự ở Việt Nam. Nhân đây, ta đọc lại một đoạn ngắn trong tập phóng sự này. Một người “cựu binh” trình bày “kỹ thuật” kéo xe cho người mới vào nghề:
“- Kéo xe cũng là một nghề. Đã đành cầm đến cái tay gỗ thì ai cũng kéo, ai cũng đi, nhưng phải kéo làm sao, đi làm sao cho đỡ vất vả.
Tôi chắc bác chạy một cuốc xong, thể nào bác cũng phải thở dốc một hồi, lúc mới buông hai chiếc tay xe ra. Thế là không biết kéo rồi, người kéo thạo tuy cũng thở, nhưng không phải thở dốc ra như thế.
Làm cái nghề chạy quanh năm suốt ngày này, người đã không thể nhớn lên được, cứ cọc dần đi, nếu không biết chạy mà lần nào cũng thở hồng hộc như bò thì phổi mình phải yếu dần đi, rồi đến mắc ho mắc xuyễn. Ăn đã chẳng có gì béo bổ, ở cũng ở chui ở rúc, lại còn dãi gió dầm mưa, phơi sương phơi nắng, đến đá cũng phải ốm, đừng nói là người. Nhưng giời đã đầy vào kiếp ấy, cũng chẳng chống lại được với giời! Biết giữ được phần nào, hãy cứ hay phần ấy.
Nói đến đấy, chẳng biết cảm động thế nào mà anh Tư nhỏm dậy, cầm tích nước, tu thẳng một hơi.
Bây giờ thì anh ta ngồi, nhón chiếc kẹo bỏ vào mồm, nhai rau ráu rồi lại nói:
- Cầm hai chiếc tay xe lên, phải liệu xem khách ngồi chiều nào, định trước cho cân rồi hãy chạy. Người ta ngồi ngả vào đệm dựa, thì phải cầm dài, ngồi giữa đệm thì cầm giữa càng; ngồi tì đệm tai (hai cái đệm con để tựa khuỷu tay) thì cầm ngắn.
Trước khi chạy, phải dún càng xe lấy mực rồi hãy bước. Cầm tay xe, không nên cầm tay dài tay ngắn, vì lúc chạy ngoắt đường này sang đường khác, đà xe đang mạnh, mình giữ không vững, xe phải lật nghiêng.
Không nên ăn no, phải thắt chặt dây lưng; thắt lưng không chặt thì ruột vặn từ rốn đưa lên; ngon miệng ăn no thì bụng xóc. Lúc chạy, phải mím môi lại, chỉ được thở đằng mũi, đừng thở đằng miệng. Cầm hơi như thế, sức bao giờ cũng mạnh; hễ há hốc luôn miệng mà thở là thấy mệt liền. Giữ như thế cho đến lúc thật tức hơi thì há mồm thở phào ra một cái thật mạnh rồi lại phải mím miệng lại liền; lấy hơi vào, phải thở luôn bằng mũi. Xe dừng lại, khách xuống rồi, bấy giờ tha hồ thở, nhưng không nên ngồi nghỉ ngay. Phải bước một mà đi cho chân khỏi chồn, lúc thuận chân hãy ngồi nghỉ lại. Quạt cho ráo mồ hôi rồi hãy uống nước; uống nước vội vã chẳng đỡ khát, lại thêm mồ hôi...’’
Bài học vỡ lòng ấy, anh Tư giảng giải cho tôi nghe làm nhiều đoạn, nhiều hồi.
Mỗi điếu thuốc là một cái chấm xuống dòng. Mỗi chiếc kẹo là một cái chấm phẩy!”.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan có viết truyện ngắn “Người ngựa ngựa người” mà nhân vật chính cũng là người kéo xe... Riêng thi sĩ Tản Đà có viết “hài đàm” tựa “Cái đòn cán và anh phu xe” đọc thấy chua chát trong cái buổi giao thời thuở ấy:
“Có một anh phu xe nguyên ngày trước là phu cáng chuyển nghề. Từ ngày đi làm xe, anh ta hay học đòi nói năng kiểu mới. Một hôm anh ta định đem đòn cáng chẻ thành củi và nói rằng:
“Trước ta làm cùng mày thì hai đứa chỉ khiêng được một người mà cũng ì ạch. Giờ ta làm xe , một mình kéo được hai ba người mà lại chạy nhanh. Thế là văn minh, tiến bộ hơn”.
Đòn gánh liền đáp:
“Trước cùng tôi anh chỉ phải khiêng một nửa người. Bây giờ anh phải mang nặng gấp 4, 6 lần. Vậy mà đời sống và phẩm giá của anh chẳng hơn gì trước. Vậy thì văn minh, tiến bộ là phải, nhưng nên tiến lên làm người ngồi xe, và đừng làm người kéo xe”:
Đời thế anh ơi, thế cũng khoe,
Hết trò phu cáng lại phu xe!
Văn minh chừng mấy ki-lô mét?
Tiến bộ như anh nghĩ chán phè.
Lê Minh Quốc
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉