Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan lên sân khấu chèo
Start: | Aug 19, '11 |
Location: | Nhà hát Chèo VN |
VH- Nhà hát Chèo VN vừa ra mắt chùm tiểu phẩm hài dựa trên một số truyện ngắn nổi tiếng của cố tác giả nhà văn Nguyễn Công Hoan với 3 tiểu phẩm: Chuyện nhà ông tham, Cụ Chánh mất giầy, Người ngựa, ngựa người.
Xây dựng các chùm tiểu phẩm hài ngắn bổ sung vào dàn tiết mục để tạo sự đa dạng hóa về đề tài và phong cách nghệ thuật, tìm tòi thể nghiệm những tác phẩm sân khấu về đề tài hiện đại, đặc biệt với thể loại kịch ngắn để tạo sự linh hoạt, thích ứng biểu diễn không chỉ trong nhà hát mà còn diễn lưu động.
Chùm hài kịch được các đạo diễn trẻ của nhà hát dàn dựng gọn gàng, mang tới những tiếng cười sâu sắc, thâm thúy cho sân khấu, đặc biệt là thể loại hề chèo.
ĐÀO ANH
http://www.baovanhoa.vn/vanhoavannghe/38426.vho
“Gặp” Nguyễn Công Hoan trên chiếu chèo
Thứ Năm, 11.8.2011 | 10:26 (GMT + 7)
Đi tìm cái duyên trong tiếng cười Nguyễn Công Hoan với sân khấu chèo truyền thống. Khai thác giá trị thời sự của tiếng cười Nguyễn Công Hoan để đưa vào sân khấu chèo hôm nay. Nhà hát Chèo VN đang gắng tìm thêm đường đi trong thời buổi nhiều khó khăn.
“Món mới” độc đáo...
Đây là “món mới” độc đáo mà các nghệ sĩ Nhà hát Chèo VN sắp đem trình làng, mở màn tại rạp Kim Mã (Hà Nội) sau ngày duyệt 16.8. NSƯT Hà Quốc Minh – quyền GĐ nhà hát - giới thiệu: Thời gian qua, chúng tôi tổ chức biểu diễn các trích đoạn, các tiết mục ca múa dân gian tại đây như một cách làm mới, vừa kéo thêm khán giả mua vé, vừa mở thêm sân cho anh chị em. Nay, chúng tôi tiếp tục lựa thêm những tiết mục khác, gọn gàng, nhẹ nhàng, phù hợp với đời sống bận rộn của công chúng.
Một chùm truyện ngắn của nhà văn đã được chuyển thể để đưa tiếng cười vào sân chèo.
“Cụ chánh Bá mất giày” cười vào thói tham đến mức ti tiện của quan trên - đi ăn cỗ mang giày rách rồi quẳng đi và thói bợ đỡ luồn cúi, “ngậm bồ hòn làm ngọt” của vợ chồng quan dưới – đành mua đôi giày mới bù cho cụ. “Mất chiếc ví” chuyển thành “Chuyện nhà ông Tham” cười đăng đắng, bởi nhân tình thế thái, cháu thăng tiến, giàu có, khinh cậu ở quê ra, viện cớ mất ví để tống khứ cậu về. “Người ngựa ngựa người” chuyển thành “Thuyền nát đụng nhau” cười chua xót trước những thân phận dưới đáy khổ sở và nhục nhã lại gặp nhau trong cảnh trớ trêu. Lần này không chỉ có anh xe và cô gái ăn sương, các nghệ sĩ cài cả anh xẩm mù vào để câu chuyện thêm mở.
Nghệ sĩ Vũ Ngọc Minh – Phó phòng Nghệ thuật của nhà hát, đạo diễn chương trình - chia sẻ: Xưa cụ Nguyễn Đình Nghị phát triển chèo gần gũi hơn với đời sống. Văn học hiện thực phê phán vốn cũng gần sẵn với chèo và tiếng cười trong các tác phẩm Nguyễn Công Hoan lại càng gần hơn nữa.
...nhưng không xa rời bản sắc
Vì thế mà riêng một chương trình “Đêm chèo Nguyễn Công Hoan” đang hòm hòm và chạy nốt các lượt cuối đã kéo vào guồng nhiều gương mặt trẻ của nhà hát. Tiếng cười trong quá khứ xem chừng đặt vào hôm nay vẫn chưa cũ, nghệ sĩ Tuấn Cường tham gia chuyển thể và dàn dựng chương trình nhận định: “Chúng tôi đưa hơi thở thời đại vào đó để nhân vật mang dáng dấp thời nay, có người làm quan, tham quyền tham chức mà phải lụy. Và trong những người sống ở thành phố, chắc cũng không ít người ngầm khó chịu khi có người ở quê ra ăn nhờ ngủ đậu, dù cho có là họ hàng đi chăng nữa!”.
Sẽ đưa chùm tiểu phẩm đi dự Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại TP.Hạ Long từ 25 - 31.8, các nghệ sĩ mong thể hiện phong cách riêng của nhà hát và làm nổi rõ đặc trưng của sân khấu chèo. “Có thể phát huy tính kịch, nhưng chất chèo vẫn phải “quán xuyến”, đó là tư duy kể chuyện, là nhạc, là hát, là văn phong theo lối biền ngẫu. Việc sáng tạo không được quá giới hạn” - nghệ sĩ Tuấn Cường nhận định.
“Chúng tôi đã bắt đầu nghĩ đến, có thể là “Đêm chèo Nguyễn Công Hoan 2”, hay một “Đêm chèo Nam Cao” - nghệ sĩ Vũ Ngọc Minh cho biết - Xưa cụ Nghị có “Một trận cười”, “Trận cười thứ hai”, rồi thứ ba... Anh Lê Hùng làm “Đời cười” cho Nhà hát Tuổi Trẻ đã đến số 10, đã thành thương hiệu. Chúng tôi sẽ thực hiện dần, với quan điểm mang được hơi thở, tiết tấu hiện đại nhưng phải giữ bản sắc chèo”.
Lưu Nguyễn
Báo điện tử Lao Động 11/08/2011
Khóc, cười cùng "Những chuyện lạ lùng"
QĐND - Thứ Tư, 27/03/2013, 18:41 (GMT+7)
QĐND- Tiếp theo những vở chèo được dàn dựng và biểu diễn phục vụ quân dân khắp mọi miền quê trong dịp trước và sau Tết Quý Tỵ vừa qua, như: Tiếng đàn Mê Thảo, Người tình nguyện, Lưu Bình-Dương Lễ (khôi phục và bảo tồn vốn chèo cổ)... những ngày đầu Xuân 2013 vừa qua, Nhà hát Chèo Quân đội lại vừa "trình làng" một chùm tiểu phẩm đặc sắc mang tên "Những chuyện lạ lùng". Đây là một trong những kết quả của những nỗ lực đổi mới nội dung và nghệ thuật của đơn vị theo hướng "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu nghệ thuật của bộ đội và nhân dân.
"Những chuyện lạ lùng" là đêm nghệ thuật khóc-cười với những số phận và cảnh đời cùng thời của nhà văn Nguyễn Công Hoan. 4 tiểu phẩm: Xuất giá tòng phu, Oẳn tà roằn, Báo hiếu và Một tin buồn đều do nhà biên kịch nổi tiếng Sĩ Hanh biên soạn, dựa trên nội dung những truyện ngắn đặc sắc cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan, do NSND Lê Hùng đạo diễn... là những câu chuyện "cười ra nước mắt" về những thói hư tật xấu của xã hội thực dân nửa phong kiến ở nước ta trước đây.
Nguyễn Công Hoan là nhà văn Việt Nam hiện đại xuất hiện và nổi tiếng từ những năm 20 của thế kỷ trước. Với hàng trăm truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết đặc sắc đã xuất bản, ông là một trong những gương mặt xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước Cách mạng tháng 8-1945. Đặc biệt, Nguyễn Công Hoan có biệt tài về truyện ngắn trào phúng. Đó chính là bộ phận sáng tác có ý nghĩa nhất của ông đối với văn học dân tộc. Những tác phẩm trào phúng của ông đã dựng nên bức tranh sinh động về một xã hội đầy rẫy bất công, thối nát đương thời. Ông đả kích không thương tiếc bọn quan lại tàn ác, tham lam, bỉ ổi; bọn địa chủ cường hào, keo kiệt, ngu dốt; bọn "ông chủ" vô lương tâm chỉ biết chạy theo đồng tiền cùng một bộ phận những người bị tiêm nhiễm lối sống tư bản, thực dân lố lăng, đồi bại... Đồng thời, nhà văn thể hiện khá chân thực, cảm động tình cảnh cơ cực của những người nghèo khổ; từ người phu xe, anh kép hát, em bé ăn mày; những con sen, thằng "nhỏ" ở thành phố... đến những người nông dân ở nông thôn, người công nhân ở hầm mỏ. Ông đã bênh vực họ khi họ bị xã hội ức hiếp, khinh miệt, vu oan giá họa... Vì vậy, tiếng cười trào phúng của ông có nội dung nhân đạo rất rõ rệt. Ông là người kế thừa và phát huy truyền thống trào phúng đầy sức sống của văn học dân tộc. Ở thể loại truyện ngắn trào phúng, Nguyễn Công Hoan nổi bật lên như một cây bút tài năng bậc thầy. Ông rất giỏi phát hiện và tạo dựng nên những cảnh huống "nực cười", với lối kể chuyện tự nhiên và hóm hỉnh tài tình.
Những nét đặc sắc trên đây trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, lại là một thách thức lớn đối với sân khấu, nhất là sân khấu chèo truyền thống. Bởi vừa phải làm sao chuyển tải được nội dung tác phẩm và chất trào phúng của Nguyễn Công Hoan; vừa phải làm sao để không trở thành tiểu phẩm sân khấu minh họa cho văn bản; lại vẫn giữ được chất chèo truyền thống... Hơn nữa, 4 truyện ngắn được chọn chuyển thể trong "Những chuyện lạ lùng" đều là những tác phẩm đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả, trong đó có những truyện đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông. Vì vậy, phải diễn thế nào để khán giả không cảm thấy nhàm chán "biết rồi, khổ lắm...".
Rất mừng là xem "Những chuyện lạ lùng" của Nhà hát Chèo Quân đội, khán giả được theo dõi những câu chuyện "vừa quen vừa lạ", hồi hộp với những tình tiết bất ngờ, thú vị... để rồi vỡ ra những tiếng cười khi sảng khoái hả hê, khi ngậm ngùi chua chát. Được như vậy, trước hết phải kể đến tay nghề lão luyện của nhà biên kịch Sĩ Hanh khi chuyển thể đã biết cách tôn trọng nguyên tác nhưng không phụ thuộc vào trình tự thời gian và không gian cốt truyện. Lại có những tình tiết thêm bớt một cách hợp lý khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn, bất ngờ. Chẳng hạn như hình ảnh ông bố trong tiểu phẩm "Báo hiếu" khiến người xem vừa nhớ tới 2 truyện ngắn "Báo hiếu trả nghĩa cha" và "Báo hiếu trả nghĩa mẹ" của Nguyễn Công Hoan, vừa như đã gặp đâu đó trong cuộc sống hôm qua và cả hôm nay nữa. Hoặc như trong tiểu phẩm "Một tin buồn" thì cụ Hường là nhân vật chính, nhưng trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Công Hoan thì tay chủ hãng nhà đòn Bảo Sơn là nhân vật chính v.v..
Đặc biệt, "Những chuyện lạ lùng" thêm một lần bàn tay tài hoa của đạo diễn-NSND Lê Hùng thể hiện một cách thuyết phục. Chỉ riêng một cảnh nhà hộ sinh trong "Oản tà roằn" đã chứng tỏ tài năng bậc thầy của nhà đạo diễn sân khấu này. Truyện "Oẳn tà roằn" của Nguyễn Công Hoan thì ai mà chẳng biết, thậm chí cái cụm từ đó còn trở thành tiếng lóng thường ngày, ấy thế mà với cách kể chuyện trên sân khấu của mình, nhất là cảnh "dở khóc dở cười" của các "ông bố", người đàn bà lang chạ và các bà đỡ ở nhà hộ sinh, khiến mọi người hết sức thích thú và hào hứng... Việc "bố trí" một nhân vật bà xẩm làm người dẫn chuyện trước mỗi tiểu phẩm để kết nối tất cả thành một chương trình liền mạch cũng là một sự "tinh quái" của Lê Hùng.
Thành công của "Những chuyện lạ lùng" còn phải kể đến sự đóng góp của những diễn viên tên tuổi, như các NSƯT: Tự Long, Duy Từ, Phương Thúy, Minh Tiến... cùng dàn diễn viên là những tài năng trẻ sân khấu từng gặt hái nhiều giải thưởng tại các kỳ liên hoan nghệ thuật, như: Ngọc Sơn, Thùy Linh, Lâm Thanh, Thanh Tuyết, Hồng Hạnh, Đình Lục v.v.. Sau một số buổi biểu diễn xin ý kiến của cấp trên và đại biểu các ngành chức năng, chương trình đã được chỉnh sửa và nâng cao rõ rệt. Được biết, sau khi được Thủ trưởng TCCT duyệt và cho phép, đây sẽ là chương trình lưu diễn vào mùa hè năm nay của Nhà hát Chèo Quân đội, phục vụ khán giả quân dân khắp mọi miền quê; đặc biệt những vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng cao... mà các chương trình nghệ thuật "hoành tráng" không đến được.
XUÂN ĐỈNH
http://ct.qdnd.vn/cuoituan/vi-vn/91/68/75/75/75/234978/default.aspx
Ra mắt chương trình “Đêm Nguyễn Công Hoan”
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉