Ads 468x60px

.

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Tám chữ Hà Lạc và chân dung Nhà văn: Nguyễn Công Hoan - Xuân Cang

Rating:★★★★★
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Xuân Cang

Tám chữ Hà Lạc và
chân dung Nhà văn: Nguyễn Công Hoan

Xuân Cang
(09/11/2008)


Nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6 tháng Ba năm 1903 tức 8 tháng Hai năm Quý Mão. Các tư liệu không cho biết ông sinh giờ nào. Tôi lập bảng tìm giờ sinh đối chiếu với các dữ liệu về cuộc đời ông, xác định ông sinh giờ Hợi. Việc này có khó khăn đôi chút vì ông sinh đúng ngày giao thời tiết từ tiết Đầu xuân sang tiết Sâu nở, có lịch ghi ngày Sâu nở là 7-3 (dương), có lịch ghi là 6-3. Có hai trường hợp phải lựa chọn: nếu ông sinh trước giờ giao tiết lệnh, thì phải tính tháng sinh là tháng Giêng, nếu sau giờ đó, tháng sinh là tháng Hai. Tôi theo nhà lịch học Lê Thành Lân ghi ngày Sâu nở năm 1903 là 6-3 (dương) tức 8-2 (âm) (xem Phụ lục). Ông sinh giờ Hợi sau giờ giao tiết lệnh, nên toán Hà Lạc tính tháng sinh là tháng Hai.*

Như vậy, tám chữ Can Chi của Nguyễn Công Hoan (NCH) là năm Quý Mão, tháng Ất Mão, ngày Quý Tị, giờ Quý Hợi. Cấu trúc Hà Lạc của ông gồm bốn quẻ: Tiên thiên là Địa Phong Thăng, hỗ Tiên thiên là Lôi Trạch Quy Muội, Hậu thiên là Thủy Địa Tỷ, hỗ Hậu thiên là Sơn Địa Bác. Xin nói ngay rằng đây cũng là cấu trúc Hà Lạc của nhà văn Nguyên Ngọc, chúng tôi đã trình bày trên kia. Khi phân tích hai cuộc đời, hai hành trình văn chương hai hoàn cảnh khác nhau, hai thời điểm khác nhau,

chúng tôi có thú vị được đối chiếu so sánh những chỗ tương đồng và dị biệt của mỗi người do những chỗ giống nhau và khác nhau trong cấu trúc Hà Lạc của mỗi cá thể.

Nhưng đây thuộc về một chuyên đề khác, không tiện trình bày ở đây.

Điều may mắn cho những người nghiên cứu văn nghiệp NCH dưới ánh sáng Kinh Dịch là ông có tác phẩm hồi ký Đời viết văn của tôi, trong đó ghi lại những dấu ấn của đời ông, nói cách khác là những dấu ấn trong số phận của ông. Ngoài ra còn Niên biểu Nguyễn Công Hoan do nhà văn Lê Minh, con gái ông biên soạn
(Nguyễn Công Hoan, nhà văn hiện thực lớn. Nxb Hội nhà văn - Hà Nội - 1993. Tr. 366).

Trước hết tôi dựa vào hai tài liệu trên đối chiếu coi chọn tháng sinh của NCH là tháng Hai (theo nhà lịch học Lê Thành Lân) và giờ sinh là giờ Hợi có đúng không, có nghĩa quẻ Địa Phong Thăng có đúng là quẻ “trời cho” ông hay không. Tôi vạch các chặng đường (còn gọi là đại vận, đại vận hào âm là 6 năm, đại vận hào dương là 9 năm), chiết ra từng năm thì thấy rất nhiều sự kiện trong thực tế trùng khớp với lời giải của Hà Lạc. Tôi nói với nhà văn Lê Minh: Không nghi ngờ gì nữa, năm, tháng, ngày, giờ sinh đã xác định trên kia là đúng với thực tế.



1
Quẻ tiên thiên còn gọi là quẻ trời cho NCH là Địa Phong Thăng. Địa là đất, Phong là gió, trong quẻ này còn được hiểu là cây. Thăng là Lên. Tượng quẻ là mầm cây vươn lên từ trong lòng đất, không gì ngăn trở được. Nên nghĩa quẻ là Lên. Trong lời quẻ Thăng, quý giá nhất có hai chữ Nguyên, Hanh. Chỉ còn thiếu hai chữ Lợi, Trinh so với quẻ Thuần Kiền là quẻ đẹp nhất trong Kinh Dịch. Chúng ta biết rằng trong 64 quẻ Dịch, chỉ có quẻ Thuần Kiền có Lời quẻ mang đầy đủ 4 chữ Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Nguyên là có gốc, như hạt giống gieo xuống đất, gốc bám vào đất; Hanh là hanh thông, thuận tiện, bao gồm mọi điều hay; Lợi là thích đáng, thỏa mãn, hòa hợp các lẽ phải, những điều nên có; Trinh là chính đáng, bền, như cây kết trái, có hạt, hạt đó gieo xuống lại thành cây, tức trở lại Nguyên. Phan Bội Châu giảng rằng: Trong lời quẻ Thăng có hai chữ Nguyên, Hanh, (có gốc, hanh thông) mà không có thêm hai chữ Lợi, Trinh như quẻ Thuần Kiền. Nhưng như thế (trong số 64 quẻ Dịch) cũng chỉ có ba quẻ là có hai chữ ấy. Đó là ba quẻ Đại hữu, Đỉnh, Thăng được gọi là đắc thời hành đạo (được thời để thực hành ý tưởng lớn). Thăng là quân tử tiến lên hành đạo, không trở ngại. (Đỉnh là quân tử được lộc trời. Đại hữu là quân tử có cánh lớn). Đủ biết người được quẻ Thăng có số tốt biết chừng nào. Vấn đề còn lại là người ấy có đầy đủ tố chất xứng đáng với quẻ, để mà “hành đạo” theo quẻ hay không. Trong cấu trúc Hà Lạc của NCH có đủ Hóa công, ưu tiên năng lượng của trời đất, Thiên nguyên khí, Địa nguyên khí (xem phụ lục). Đó là những ưu thế lớn giời đất dành cho ông.

Hào nguyên đường chủ mệnh là hào 2 quẻ Thăng bảo rằng: Lên, dễ dàng như vào ấp không người. Hào này là hào dương ở vị trí dương, vậy là chính đáng, lại ở trên cùng quẻ nội là Tốn. Tốn có đức thuận theo ba hào âm ở trên, được ba hào này dắt lên một cách dễ dàng, như ngày xưa vào một cái ấp (làng) không ai ngăn cản, bản thân là dương, có tài nên tiến dễ dàng (theo Nguyễn Hiến Lê). Toán Hà Lạc giải với người có mệnh hợp cách: Cuộc nam chinh dễ như phá ngói, chẻ trúc. Lớn thì giữ đường lối, nhỏ thì ăn lộc ấp, quận. Nam chinh ở đây nên hiểu là tiến lên phía trước. Theo Đời viết văn của tôi, NCH sinh vào một gia đình nho học, cha làm huấn đạo, suốt đời làm nghề dạy học, bác làm quan huyện sau làm quan phủ thuộc hàng quan lại thanh liêm, nghèo, không theo Pháp, chỉ biết một thứ chữ thánh hiền, Hán và Nôm, sau đó là quốc ngữ, khuyến khích con em dùi mài học tập, không có chí hướng nào khác là học để thi cử làm quan. Ông được mọi người khen là sáng dạ, vì học đâu nhớ đấy. Nhưng ông mải chơi hơn học. Hết học chữ nho đến học chữ quốc ngữ, lại cả tiếng Pháp nữa, một thứ tiếng mà cả nhà cậu bé đều ghét và bản thân cậu bé học cũng không vào, đến năm 17 tuổi mới đỗ bằng Cao đẳng tiểu học. Trong đó có ba năm học lớp sơ đẳng A vì không đủ điểm lên lớp. Nhưng số phận hình như đã định: cuộc “nam chinh” của cậu bé đâu phải con đường quan chức. Ngay từ nhỏ, cậu đã thuộc những bài thơ bà nội đọc cho nghe, trong đó có rất nhiều bài ca yêu con người, yêu nước, trọng nghĩa, trọng sự tu thân, làm người. Cha cậu thường kể cho cậu nghe những chuyện Tây ức hiếp ta, mà chuyện đầu tiên in sâu vào ký ức là chuyện sở Lục lộ đã đổ tội cho một quan huyện để cho cái xe hồ lô lăn đường ở phố huyện mất cái đanh bù-lông, làm ông bị giáng chức xuống huấn đạo và đổi lên tận Thái Nguyên. Những chuyện như thế gây cho cậu bé có thói quen thích được nghe những chuyện quan và nhà quan, chuyện Tây và chống Tây. Cậu bé có mấy năm liền được ông bác ruột là phó bảng Nguyễn Đạo Quán nuôi ăn học, ông làm quan huyện, ngoài việc quan trường, ông chăm soạn sách, dạy các cháu về lịch sử Việt Nam. Ông là tác giả sách Mười tám đời Hùng vương do Tản Đà tu thư cục xuất bản. Ông thường chọn những câu phương ngôn, tục ngữ, ca dao, ngụ ngôn dạy cho cháu bé. Nhờ thế, cậu bé lớn lên, một mặt rất nhậy cảm với những chuyện ngang trái trong xã hội, một mặt lại là người biết tự hào dân tộc, biết thù ghét tất cả những gì làm tổn thương đến hào khí dân tộc. Lại có may mắn mấy năm liền ở trọ học trong phố có nhà thơ Tản Đà, ông thấy chú bé thông minh, ham chơi thì cho làm thân và cho hầu chuyện với những tay cự phách trong chốn làng văn, làng báo thuở ấy. Ba năm học một lớp đối với người khác là ba năm mất không, nhưng với cậu bé là ba năm tinh khôn chuyện đời. 17 tuổi bắt đầu viết truyện, viết chơi thôi, nhưng chỉ cần nghe tên truyện cũng thấy ra cái chí lập thân: Quyết chí phiêu lưu.

Năm Tân Dậu (1921) chàng trai NCH lập gia đình với cô Vũ Thị Yến, con gái một thày thuốc nổi tiếng trong vùng. Năm này đúng vào quẻ Phong Hỏa Gia nhân của đời anh. Gia nhân là người nhà, quẻ nói về việc xây dựng gia đình, gây dựng nghiệp nhà. Chủ mệnh hào 2 nói rằng: Không cầu toại ý ở đâu xa, ngay trong bếp núc.

19 tuổi viết truyện Phải gió, đương viết thì ngừng để tập trung ôn thi vào trường Sư phạm. Nghe ông kể chuyện thi vào trường Sư phạm thấy đúng như trong lời hào 3 chủ mệnh quẻ Thăng: Lên, dễ dàng như vào ấp không người. Chàng thanh niên NCH kém môn toán nên không làm được bài, đã trông thấy con zê-rô (số không) to tướng thày cho điểm ngay khi nhận bài, yên chí mình hỏng thi, nhưng cuối cùng vẫn thi đỗ thứ 34 trong số 35 người trúng tuyển. Thì ra nhờ có các bài thi khác được điểm cao, các thày thương, cho điểm vớt cho bài thi toán để khỏi bị rớt. Lại đến khi học, do chểnh mảng nên năm nào cũng xếp hạng cuối. Có năm đứng đầu sổ những học trò phải thi lại. Đến năm học cuối cùng mới “giật mình” và vùi đầu vào học. Ngay trong mùa thi ấy, chàng đều trúng tuyển các bằng thi mãn khóa. Kỳ thi chuyên nghiệp sư phạm là thử thách cuối cùng, chàng đỗ thứ hai. Sau này ông kể lại: “Tôi đã tóm được tương lai, sẽ là anh công chức nhàn hạ, làm cái nghề mà tên sang trọng là “nhà giáo dục quốc dân”. Nhưng ngay sau đó, ông nói thêm “trong ý định của tôi, nó chỉ là cái nghề… để ăn lương tháng”. Quả thật vậy, từ ngày viết “Quyết chí phiêu lưu”, chàng thanh niên đã gieo hạt cho cái nghiệp văn không nhàn hạ chút nào. Ngay trong năm học thứ nhất ở trường Sư phạm, chàng viết tiếp tiểu thuyết Phải gió, lợi dụng giờ lên buồng ngủ, vì không tắt đèn nên vẫn viết được. Truyện viết đến đâu, chuyền tay cho bạn bè đọc. Họ vừa đọc vừa cười rúc rích và bàn tán. Vì thế mà bị lộ. Giám thị bắt quả tang, tịch thu “tác phẩm” và mách hiệu trưởng. May mà hiệu trưởng cũng là một “nhà thơ” nên thông cảm với “nhà tiểu thuyết”, không phạt, “chỉ khuyên tôi đừng viết văn ở trong trường. Tác phẩm của tôi bị giữ lại. Thế là mất tích. Tôi vừa tức, vừa tiếc công. Song cũng thấy lời hiệu trưởng nói là đúng. Từ đó tôi chuyên tâm vào việc học.” Sự việc này có dấu ấn trong cấu trúc Hà Lạc của NCH. Năm đó là năm Nhâm Tuất (1922), mệnh ông có quẻ Phong Lôi Ích, chủ mệnh hào 3 có câu: Giúp ích cho bằng cách chịu hoạn nạn. Có nghĩa là bắt anh chịu hoạn nạn, chính là để giúp ích cho anh. Một là để anh chuyên tâm vào học hành. Hai là hãy dừng việc làm tiểu thuyết, việc ấy về sau ông tự thấy là “ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung”, hãy xoay qua những chuyện “mắt thấy tai nghe”, ngắn gọn, hợp với tài văn còn mỏng lúc sơ khai. Chàng trai đã nghe theo tiếng nói của số phận, ngay trong năm ấy, có những truyện được in ở Tản Đà tu thư cục.

Năm Quý Hợi (1923) xuất bản tác phẩm đầu tay Kiếp hồng nhan. Ông được quẻ Thiên Lôi Vô Vọng. Tượng quẻ là sấm đi dưới trời. Nghĩa quẻ là vô vọng: không càn bậy, không dục vọng, để cho sự vật phát triển theo lẽ tự nhiên. Chủ mệnh hào 4: Giữ bền tư cách của mình thì không lỗi. Ông kể: Cuốn này tập hợp độ mươi truyện ngắn không có nghĩa lý gì, không có mục đích nào. (Đời viết văn của tôi. Nxb hội nhà văn 1994. Tr. 75). “Những truyện mà tôi viết không nói lên được cái gì. Nó tựa vào bất kỳ đề tài nào làm tôi rung cảm. Cốt truyện thì xa thực tế. Lối kể thì rườm rà, tham lam. Một dạo tôi đã hối hận về việc xuất bản tập Kiếp hồng nhan, cho là một hành vi dại dột. Tôi không muốn nhắc đến cuốn ấy nữa để khỏi xấu hổ.” (Sách trên, tr. 103). Vậy đúng Kiếp hồng nhan là sản phẩm của một năm “vô vọng”, “để cho sự vật phát triển theo lẽ tự nhiên”. Nó ra đời là để “giữ bền tư cách của mình”, thánh nhân bảo là “không lỗi”. Tuy nhiên, nhân là Vô Vọng, mà quả là Đại Hữu (xem phụ lục). Đại hữu là “có lớn”. Năm ấy ông thực sự là “có lớn”. Chính ông viết: “Chỉ còn đôi chút tự hào là tôi đã dám mạnh dạn mà in ra một tập truyện ngắn đầu tiên hoàn toàn là sáng tác, chứ không bắt chước những cuốn đã ra trước (của người khác)” (trang trên). Lại thêm hào 4 quẻ Đại Hữu bảo rằng “dẹp bớt sự kiêu mãn của mình thì giảm bớt lầm lỗi”.

Ông tổng kết trong ĐVVCT: “Đời viết văn của tôi, cho đến nay (năm 1957. XC) có ba thời kỳ hoạt động:

Thời kỳ thứ nhất, từ ngày mới bắt đầu viết, vào khoảng năm 1920 cho đến năm 1923, là năm mà cuốn Kiếp hồng nhan ra đời và cuốn Phải gió bị tịch thu.

Thời kỳ thứ hai, từ năm 1928 đến năm 1942, là những năm tôi sáng tác nhiều nhất. Tôi không nhớ đã viết bao nhiêu tác phẩm. Song có thể ước lượng là độ hơn hai trăm truyện ngắn và gần hai chục truyện dài, đăng ở các báo và đến nay chưa xuất bản hết. Số sách đã ra đời, cho đến trước Cách mạng tháng Tám, tôi cũng không nhớ. Nó chừng độ hơn ba mươi cuốn.

Thời kỳ thứ ba từ năm 1954, hòa bình lập lại, cho đến nay”. (Sách trên, tr. 93)

Ông chia thời kỳ như thế là gần đúng với những chặng đường trong mệnh Hà Lạc của ông. Diễn biến Hà Lạc và diễn biến trong thực tế như sau:

Từ năm 1918 đến 1923: 6 năm hào 5 quẻ Thăng: Lên, dễ dàng như bước lên thềm. Kết thúc chặng đường này là sự kiện xuất bản cuốn Kiếp hồng nhan.

Từ năm 1924 đến năm 1929: 6 năm hào 6 quẻ Thăng: Cầu lên nữa là mờ ám. Sửa đức cho hợp đạo chính, không bao giờ nghỉ thì có lợi. Có nghĩa là, đến giai đoạn này, về mặt sự nghiệp văn chương nên ngừng lại thì hơn, nên tập trung vào tu luyện tài đức, thì mới đúng với hành lang số phận. Giời đất đã xui khiến ông làm đúng như thế. Trong 6 năm ấy, ông không viết thêm được gì đáng kể, hoặc có viết nhưng chỉ để rèn tài mà thôi. Năm 1924 sinh con trai đầu lòng. Năm 1926, sinh con trai thứ hai. Bắt đầu dạy học ở thị xã Hải Dương. Năm 1928, dạy học ở Hồng Châu, Nam Sách bây giờ. Sinh “con gái rượu” Nguyễn Tài Hồng, tức nhà văn Lê Minh sau này. Cũng trong năm này, gia nhập Việt Nam quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học. Năm 1929, đổi lên dạy học trên mạn ngược, Lào Cai. Năm này viết nhiều hơn, nhưng chưa in ngay, chỉ để cho bạn bè xem chơi. Và để tự khẳng định mình.

Từ năm 1930 đến 1935: 6 năm hào một quẻ Thăng: Thuận tình mà lên. Bắt đầu những năm thực sự khởi sắc trong sự nghiệp văn chương. An Nam tạp chí của nhà thơ Tản Đà bắt đầu đăng các truyện ngắn của NCH trong mục Xã hội ba đào ký. Năm 1931 viết truyện Kép Tư Bền nổi tiếng. Năm 1932 in tiểu thuyết Những kẻ khốn nạn. Tháng ba năm này, xuất hiện bài phê bình của Trúc Hà trên tạp chí Nam Phong có một đoạn dài đánh giá cao NCH. Năm 1933: Về dạy học ở Kinh Môn, Hải Dương. Viết tiểu thuyết Tắt lửa lòng (in năm 1936). Viết tiểu thuyết Lệ Dung (in năm 1940). Năm 1934 viết nhiều truyện ngắn hay. Viết tiểu thuyết Lá ngọc cành vàng (in năm 1939). Năm 1935 ra tập truyện ngắn thứ hai: Kép Tư Bền gồm 15 truyện, ngay lập tức được dư luận đánh giá cao.

Từ năm 1936 đến năm 1944, 9 năm hào 2 quẻ Thăng: Thành thực đối với trên (Trên đối với NCH chỉ có thể hiểu là giời đất, tổ tiên, những người nuôi dạy mình). Tài đức lớn, trên mến, dưới kính, sự nghiệp hiển hách. Thành tâm kết giao, thanh danh, đức nghiệp đều tốt. Diễn biến trong thực tế đúng y như lời hào. Đây là những năm ông cho ra hàng loạt tiểu thuyết: Tắt lửa lòng, Cô giáo Minh, Tấm lòng vàng, Tình khuyển mã, Một công trình vĩ đại, Tơ vương, Bước đường cùng, Lá ngọc cành vàng, Nợ nần, Những cảnh khốn nạn (tập 2), Trên đường sự nghiệp, Lệ Dung, Thanh Đạm, Nghịch cảnh, Ông chủ bà chủ, Bơ vơ, Cô làm công, Danh Tiết … Các tập truyện ngắn nổi tiếng và bán chạy ngay sau khi ra đời: Những thằng khốn nạn, Đào kép mới, Sóng vũ môn, Người vợ lẽ bạn tôi, Ông chủ báo…

Năm 1938, ông bị đổi ra Trà Cổ, Móng Cái, “một hòn đảo xa xôi, hẻo lánh”. Trước khi đi, ông viết nhanh cuốn tiểu thuyết Bước đường cùng, một là để “trả thù bọn thống trị nó ức hiếp tôi, đổi tôi ra Trà Cổ”, hai là để “trang trải món nợ lòng đối với anh em cộng sản ở Nam Định” đã từng giảng giải cho ông biết “thế nào là thặng dư giá trị, thế nào là bóc lột, thế nào là giai cấp, là đấu tranh”, cho ông biết yêu công nhân, tìm hiểu anh em thợ thuyền”, và dịp kỷ niệm ngày quốc tế lao động 1-5 năm ấy, ông được cử vào ban trật tự, trong cuộc biểu tình lớn tại khu Hội chợ Hà Nội. (ĐVVCT, sách trên, tr. 183). Năm ấy là năm NCH được quẻ Thủy Sơn Kiển.

NCH viết tiểu thuyết Bước đường cùng, như một bứt phá xuất thần, vừa nghĩ, vừa viết, vừa sửa, chỉ trong vòng 16 ngày đêm xong cuốn sách. Vì ngồi trước cái bàn cao quá tầm tay, nên nửa tháng viết phải dùng nhiều gân sức, sái cả bả vai bên phải, bại tay suốt ba năm sau. Khi về già gặp trái gió trở trời thỉnh thoảng còn đau do đã thành tật.

Bước đường cùng là truyện kể một anh nông dân tối tăm, bị nạn phá sản vì nạn địa chủ ngoặc với quan lại và đế quốc. Anh nông dân ấy mang nặng căm thù, đến bước đường cùng, đã vùng dậy, theo cách của anh.

Viết xong, biết khi xuất bản thế nào sách cũng bị bọn thống trị làm rầy rà, ông dặn nhà xuất bản Tân Dân đừng quảng cáo ầm ĩ, cứ để cho nó lừng lững ra, như những cuốn sách tầm thường khác thôi.

“Quả nhiên, cho đến khi thấy báo Tin Tức là báo của Mặt trận dân chủ, có bài khen ngợi, rồi nhiều hội Ai hữu thợ thuyền xin phép tôi chuyển ra kịch để diễn, bọn thống trị mới giật mình và đối phó. Cho nên mấy tháng sau, thống sứ Bắc Kỳ mới ra lệnh cấm lưu hành và tàng trữ Bước đường cùng ở Bắc. Rồi đến lượt khâm sứ Trung Kỳ cấm ở Trung, thống đốc Nam Kỳ cấm ở Nam. Rồi đến Cao Mên, Ai Lao cũng cấm theo.

Vì nắm quy luật cấm sách đi dần dần từng xứ như vậy, cho nên nhà xuất bản cũng đối phó lại. Sách cấm ở Bắc thì gửi vào Trung. Khi Trung cấm thì chạy vào Nam, vân vân. Rút cục, năm nghìn cuốn Bước đường cùng tiêu thụ nhẵn như chùi. Vì sách bị cấm là sách được quảng cáo nhất.” (Sách trên, tr. 188). Đúng là lẽ ngay mà vẫn gặp nguy.

Trong thời Địa Phong Thăng và sau đó là thời Thủy Địa Tỷ của NCH, có những năm đặc biệt thành công, đó là những năm ông được quẻ Thiên Lôi Vô vọng và quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu, ở giữa hai quẻ ấy có quẻ Hỏa Lôi Phệ Hạp làm quẻ bắc cầu nhân quả.

Trong chặng đường tiền vận 42 năm của NCH có 4 quẻ Thiên Lôi Vô vọng. Đó là “nhân”. Ta đem nhân với quẻ hỗ nhân quả là Phệ Hạp sẽ được quẻ “quả” là Đại Hữu. Như vậy trong 42 năm đầu đời ông có 4 quẻ “Vô vọng” là nhân, kèm theo 4 quẻ Đại Hữu là “quả”. Đó là những năm tốt số tuyệt vời, việc làm ăn, việc sáng tác thì vô vọng, vô tư, tự nhiên, không dục vọng, không càn bậy, cái tất yếu sẽ đến là đại hữu, có lớn, như xe lớn chở nặng vẫn đi lên như vào ấp không người.

Đó là năm Quý Hợi (1923) ông được quẻ Vô vọng, hào 4: giữ bền tư cách của mình, không lỗi. Quẻ quả là Đại Hữu, hào 4 “dẹp bớt sự kiêu mãn của mình thì giảm bớt lầm lỗi”. Ông cho xuất bản tác phẩm đầu tay Kiếp hồng nhan, đã nói trên kia.

Đó là năm Kỷ Tị (1929) ông được quẻ Vô vọng hào 5: Trên dưới hòa hợp, nếu xảy chuyện gì ngoài ý muốn, êm ngay. Tài đức cứu nguy, giúp nước ích nhà. Bệnh không uống thuốc cũng khỏi. Quẻ quả là Đại Hữu (có lớn), hào 5: Xe lớn chở nặng. Năm này sau kỳ nghỉ hè, ông chuyển lên dạy học trên Lào Cai. Nhiều cơ hội để ông viết những truyện ngắn theo đúng tính cách và ý thích ông: câu chuyện thật ngắn, mạch văn giản dị. Có tháng viết mỗi tuần một chuyện, viết đến đâu gửi cho một người bạn gái ở xuôi, được khen “truyện An Nam viết bằng văn An Nam”. Lại được Vũ Đình Tường một nhà soạn kịch và nhà báo, đọc một mạch mấy truyện rồi phán một câu làm nhà văn tương lai “sung sướng quá”: Thế này là xã hội tiểu thuyết chứ còn là cái đéo gì! (ĐVVCT, tr. 115) “Thì ra bấy lâu nay, tôi vẫn viết xã hội tiểu thuyết mà tôi không biết”. Những truyện ông viết năm đó, về sau lần lượt đăng mục “Xã hội ba đào ký” trên An Nam tạp chí của Tản Đà.

Năm Ất Hợi (1935) ông được quẻ Vô vọng hào 6: Giữ niềm tin nhưng thông biến thì mới phòng được nguy, giữ được phúc nhà. Quẻ quả là Đại Hữu, hào 6: Làm lớn mà vẫn khiêm nhường, trời cũng thương, phú quý lâu bền. Năm này ông ra tập truyện ngắn thứ hai: Kép Tư Bền gồm 15 truyện. Ngay sau khi ra đời, Kép Tư Bền được 18 tờ báo khen hay và trở thành đề tài cho cuộc bút chiến giữa Hải Triều và Hoài Thanh: nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật. Trong một cuộc thăm Huế, ông được bạn đọc Huế đổ đến chiêm ngưỡng và xin chữ ký vào sách. Cũng là năm in tiểu thuyết Cô giáo Minh.

Nghiên cứu nghiệp văn của NCH dưới ánh sáng Kinh Dịch, có một vấn đề đặt ra. Phải chăng những người có số mệnh tốt như ông (Lên, dễ dàng như vào ấp không người) thì cứ thế mà đi lên, không gì ngăn trở nổi, “cuộc nam chinh dễ như phá ngói chẻ trúc” như lời Hà Lạc giải cho hào 3 chủ mệnh? Hoàn toàn không phải như thế. Theo Kinh Dịch, trong mối quan hệ Thiên, Địa, Nhân (Trời, Đất, Người), số mệnh chẳng qua là một thứ quy luật, người nào sinh vào một thời điểm nào đó thì chịu một tác động của thiên nhiên tạo ra một hành trình, hành lang nào đó nhờ có sự tổng kết của chính con người qua học thuyết Can Chi – Ngũ hành Âm Dương, mà chỉ ra cho ta biết trước (Bàn về tính chu kỳ - Phạm Lưu Vũ).

Nhưng trong thực tế mọi sự vật có diễn biến đúng y như thế hay không thì còn tùy theo từng con người. Chính vì vậy trong tác phẩm Tượng truyện của Khổng Tử, lời tượng cho mỗi quẻ thường có câu: Người quân tử coi quẻ này mà… Lời tượng quẻ Địa Phong Thăng dành cho NCH có câu: Trong đất sinh ra cây là quẻ Thăng. Người quân tử coi quẻ này mà thuận chiều tu đức, góp từ cái nhỏ để thành cái cao lớn. Phan Bội Châu giảng: “Lời tượng ở đây rất hay là chữ Góp (tích). Nếu muốn lên mà không tích góp thì không bao giờ lên được. Góp là chồng chứa lại, ví như người trèo thang, tất phải trèo từ bậc dưới cùng. Đắp tháp, tất bắt đầu từ nền dưới hết. Đất có một hòn mà muốn xây lên mười tầng tháp thiệt là vô lý.”

Một cách hết sức tự nhiên, ngay từ khi còn là cậu bé, được ở với ông bác là quan huyện, “ban ngày thì đứng ở sân công đường hàng giờ, để nhìn và để nghe, ban tối thì xuống trại lệ, trại cơ, nằm kề đùi với lính tráng để hỏi chuyện họ. Ở đây, tối tối tụ tập rất nhiều hạng người, nói đủ các thứ chuyện, chuyện tây chuyện ta, chuyện quan nha tổng lý, chuyện hàng phố, chuyện dân quê, chuyện dối trên lừa dưới, chuyện trai gái bịp bợm, chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay, chuyện cãi nhau, chuyện tâm tình, chuyện từ tám mươi đời, cho đến cả chuyện tương lai của quả đất bị đuôi sao chổi quệt làm tận thế.” (ĐVVCT, sách trên, tr. 71). Lớn lên tham gia đủ chuyện xã hội: đánh nhau với học trò Tây, tẩy chay hàng tầu, dán truyền đơn cổ động dùng hàng nội hóa… Những năm ở gần nhà thơ Tản Đà, thường chểnh mảng việc học hành, lui tới nhà các nhà văn, nhà báo nghe họ tán đủ chuyện. “Tôi coi họ như các anh. Họ cũng coi tôi như em nhỏ. Tôi đến với họ, chỉ để nghe chuyện hơn là để góp chuyện, họ nói rất lém. Nói chuyện rất có duyên, mà thao thao bất tuyệt. Bất luận một việc gì họ cũng tán rộng, tán róc để cười. Nhiều lần trí tò mò của tôi đựoc thỏa mãn. Họ rất tinh quái. Họ biết nhiều về chuyện đời tư của các bậc được coi là bậc thượng lưu nhân vật thời bấy giờ. Lắm chuyện thương tâm, lắm chuyện nực cười, lắm chuyện thật đáng khinh bỉ. Những buổi tối đến với họ, dù ngồi đến khuya, tôi cũng không tiếc thì giờ, khi về còn lấy làm khoan khoái”. Ông viết tiếp: “Nhưng mà quen nhà văn thì vẫn quen, thích chuyện với họ thì vẫn thích, thuộc văn họ thì tôi vẫn thuộc, song chưa bao giờ tôi ước mong một ngày kia, lớn lên, tôi cũng làm thơ làm văn, để được trở nên như họ”. Nhìn bên ngoài thấy chú bé có vẻ như lêu lổng, người cha rất phiền lòng. Ông thường phàn nàn mắng mỏ cậu con trai. Sau này, trong ĐVVCT, NCH nhớ lại: “Thời gian này là thời gian tôi làm phiền cho gia đình nhiều nhất, mà tôi không mảy may sửa đổi, còn lấy làm thích thú, là do tôi đã lớn, không những chỉ lấy mắt để nhìn, lấy tai để nghe, mà còn lấy óc để suy nghĩ những sự việc. Tôi đã dùng óc tôi để học trong cuốn sách thiên nhiên của xã hội Việt Nam, trong đó có nhiều người, nhiều cảnh huống, nhiều tâm lý, nhiều ngữ ngôn khác nhau.

Vốn sống mà tôi lượm lặt được một cách chăm chỉ và có suy nghĩ trong thời kỳ này là kho tài liệu cho tôi sáng tác dần dần sau này.”

Khi đã trưởng thành, làm thày giáo, đối với người ta, bị thuyên chuyển khi lên rừng, khi xuống biển, là nỗi truân chuyên, thì đối với thày giáo Hoan, đó là những cơ hội để ghi nhận biết bao chuyện về phong tục, về lối sống của từng địa phương. Có một thực tế là không bao giờ ông dạy học lâu một nơi. Nhiều nhất là hai năm. Ông gọi đó là sự may mắn đối với nghiệp văn chương.

Đến cuối đời ông viết cuốn Nhớ gì ghi nấy, chép lại tất cả những gì ông quan sát thấy trong đời sống xã hội và phần lớn chưa sử dụng trong tác phẩm, trong đó gồm những chi tiết liên quan đến phong tục, lịch sử, lối sống, ngôn ngữ, giúp cho các bạn trẻ ngày nay hiểu thêm rất nhiều về quá khứ, đọc rất thú vị. Có khoảng 600 mẩu ghi chép như thế. Chúng tôi cảm thấy cuốn sách đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong cái kho tàng vốn sống của ông. Bản thân người viết bài này đã cầm trong tay chứng tích một công việc “tích góp” của NCH. Hôm đó NCH lên khu Gang Thép chơi thăm gia đình nhà văn Lê Minh, con gái ông. Khu Gang thép đang trong cảnh chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Lê Minh nhắn xuống khu sơ tán, bảo tôi đến thăm ông. Tôi đến và trong khi chuyện trò, tôi than thở về việc các cháu ở khu sơ tán hay ốm đau mà thiếu thuốc. Khi về, Lê Minh dúi vào tay tôi một cuốn vở chép tay, bảo: “Tôi lấy trộm của cụ đấy, anh đem về chép lấy mà dùng, sau trả tôi ngay nhé”. Đó là một cuốn sách chép tay, chữ cụ Hoan, ghi rất nhiều bài thuốc dân gian, chữa đủ các bệnh hiểm nghèo của trẻ con, người lớn bằng cây cỏ mọc xung quanh ta, và bằng cả mẹo nữa. NCH ghi rõ sách này chép lại của một ông giáo (có tên tuổi hẳn hoi, nhưng tôi quên mất) ở phố Hàng Bông – Hà Nội. Đặc điểm cuốn sách là xếp các tên bệnh theo chữ cái đầu a, b, c, kiểu như từ điển để tìm nhanh đến thang thuốc cần dùng. Cả một công phu ghi chép, và cũng là cả một kho tàng tri thức dân tộc về thuốc thang chữa bệnh. Có rất nhiều mẹo chữa rất hay. Ví dụ ở vần Đ có mục từ Đỉa. Có mẹo: Khi bị đỉa vào tai thì lấy nước đái mèo rỏ vào tai, đỉa ra ngay. Muốn lấy nước đái mèo thì lấy nước đái người giỏ vào tai mèo, bỏ mèo vào mâm đồng, úp lồng bàn lại, một lúc nó đái ngay. Ở vần H có mục từ Hóc, ghi nhiều mẹo chữa hóc xương gà, xuơng cá, trong đó có cả một mẹo: Bảo người phụ nữ nhổ ba cái lông ở chỗ kín, đốt lên thành than, hòa nước uống, xương ra ngay. Tôi đã chép ngày chép đêm rồi trả Lê Minh. Hai chị em bảo nhau: Thế mới là vốn sống nhà văn chứ. Thế rồi chính cuốn vở chép tay ấy không chỉ là bài học về vốn sống. Một hôm cậu con trai nhỏ của tôi bỗng bí đái, cả một ngày không đái, bụng trướng lên, vợ tôi cuống queo, bắt tôi đèo xe đạp đưa hai mẹ con lên bệnh viện sơ tán ở trong rừng. Trước khi đi, tôi mở sách cụ Hoan, tìm vần B thấy mục từ bí đái mách mẹo: Lấy cái lá bầu non, hơ lửa, chườm vào bụng. Nhà sơ tán sẵn giàn bầu, tôi làm theo ngay. Chiều tối, vừa đi đến cửa rừng, cậu ta đòi đái. Đái xong quay xe về.

Một phần “góp” tích rất quan trọng trong nghiệp văn NCH là ông chịu khó quan sát học hỏi khai thác kho tàng ngôn ngữ của người Việt ta. “Tôi cố gắng dùng cho hết tiếng nói Việt Nam, dùng cho đúng lối nói Việt Nam, mà câu văn vẫn sinh động, sáng sủa và gãy gọn. Tôi tránh dùng những chữ mượn của nước ngoài còn mới lạ, chưa phổ biến rộng rãi. Sính dùng chữ ngước ngoài, tôi cho là hợm hay chữ, là khinh tiếng mẹ đẻ, là thích ăn sẵn, lười biếng. Không chịu tìm tòi là làm cho tiếng nước mình nghèo đi, hoặc xấu đi. Tại sao ta nghe tiếng tràng kỷ thì ta hình dung ra cái ghế bằng gụ hoặc bằng trắc, có chạm trổ đẹp đẽ. Và nghe tiếng ghế dài, thì ta nghĩ ngay đến cái tấm ván bằng gỗ tạp có bốn chân, bày ở hàng nước?” “Mấy năm trước, ở góc hiên nhà ga Hà Nội, có hàng quà bán cho khách, không đề là hàng quà – mà chẳng đề người ta cũng biết là hàng quà – lại đề là Phòng cung ứng sinh hoạt.” (ĐVVCT, tr. 270-271). “Tôi rất lấy làm xấu hổ, vì mang tiếng là người viết văn, tôi chưa biết hết nghĩa của tiếng nói Việt Nam. Nhất là những nghĩa của phương ngôn, tục ngữ. Và tôi chưa tận dụng được tiếng nói và lối nói đặc biệt dân tộc của Việt Nam. Ví dụ thế nào là con dao hai, con dao ba, thế nào là vớ cọc chèo. Tôi hỏi người thợ đánh dao, mới biết hai hay ba, là hai hay ba vổ. Vổ là chiều rộng của gan bàn tay. Người thợ làm dao lấy vổ để đo làm cữ cho lưỡi dao dài ngắn. Tôi có đi đò mới học được nghĩa của tiếng vớ. Vớ là cái dây vặn theo hình con số 8, để mắc mái chèo vào cọc chèo.

Đặc điểm của lối nói Việt Nam là mạnh dạn dùng thẳng hình ảnh, chứ không cần ví von lắm. Ta gọi là má lúm đồng tiền, chứ không cần gọi là cái má có chỗ lũm như lỗ của đồng tiền. Cũng như ta đã gọi là cánh buồm, chỏm hoa doi, đường sống trâu, búi tóc củ hành.” “Quanh anh, ở nông thôn, ở thành thị, nhất là ở những nơi làm nghề mới nó đẻ ra tiếng mới, ngôn ngữ rất thành thạo. Anh cứ để ý mà học. Xui người Việt Nam học tiếng Việt Nam, tôi có vẻ như là nói với trẻ con không bằng! Không. Đấy là chuyện người lớn nói với nhau đấy. Nghề của ta là nghề dùng tiếng để viết. Anh không giàu tiếng, thì đố ngòi bút của anh tung hoành được.” (Sách trên, tr. 273).

Ông nghĩ thế và làm thế từ đầu đến cuối, suốt một đời văn. Bài viết cuối cùng của ông là bài Chữ Nhà trong loạt bài Chữ và Nghĩa đăng trên báo Văn Nghệ.

Từ năm 1945 ông sang chặng đường hậu vận, quẻ Hậu thiên là Thủy Địa Tỷ, chủ mệnh hào 6. Tỷ là hòa (sánh vai, gần gũi, gặp dịp thuận tiện để phát triển). Người được quẻ này là người có quan hệ chan hòa thân thiết với mọi người, sánh vai cân bằng trong các mối quan hệ xã hội, được mọi người ủng hộ, do đó gặp nhiều dịp thuận lợi trong sự nghiệp. Quẻ Thăng tốt như thế nào thì quẻ Tỷ tốt như thế, hơn nữa, ông còn có Hóa công (ưu tiên năng lượng của trời đất) trực tiếp tác động vào quẻ này (xem phụ lục). Nhưng hào 6 mở đầu và chi phối chặng đường mới này đối với ông là: Không có đầu mối để gần gũi, xấu. Không đầu mối là không có dẫn dắt, mở đường, nên không gây được quan hệ gần gũi, mất các mối quan hệ thân hữu, sánh vai, cũng có nghĩa cô đơn, không gặp thời cơ. Gặp hào này là gặp nhiều nguy cơ về mất người thân, tổn thọ, thiếu người giúp đỡ. Chẳng may cho ông gặp vận xấu này vào giữa lúc đất nước vùng dạy, bình minh rạng rỡ, con người hòa chung trong làn sóng cách mạng. Hàng loạt tổn thất, mất mát đã đến cùng lúc trong vòng 6 năm hào 6 quẻ Tỷ (1945 – 1950), dội xuống thân phận mảnh mai của ông. Đúng năm Ất Dậu (1945) ông bị giặc Nhật bắt giam 8 tháng về tội hoạt động chính trị, đến Cách mạng tháng Tám thì được thả. Cùng lúc, những người trong gia đình bấy lâu bị tù đầy vì hoạt động cách mạng cùng lần lượt trở về trong niềm vui xum họp. Nhưng chẳng bao lâu sau, bão táp lần lượt dội xuống: 1947, con trai đầu lòng Nguyễn Tài Khoái hy sinh vì bom giặc tại Nam Định giữa năm 20 tuổi. 1948, em trai Nguyễn Công Mỹ, hy sinh vì bom giặc tại bến đò Nhật Lệnh, Hưng Yên. Chiều ngày 19-12-1946 bà mẹ bị bom giặc sát hại ở nơi tản cư Hòa Xá – Hà Đông. Cũng trong năm 1946, tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng đang in thì kháng chiến toàn quốc nổ ra, việc in ngừng lại, nhà in tản cư làm mất luôn bản thảo. May nhờ có Tô Hoài mấy năm sau lục trong kho sách di chuyển lên chiến khu tìm lại được 40 trang. Nhà văn Lê Minh con gái ông nhiều năm sau nhắc lại những sự kiện đó, vẫn còn bàng hoàng.

Nhưng tất cả đã qua đi cùng với hành lang số mệnh. Bắt đầu từ năm Tân Mão (1951) ông sang chặng đường hào 1 quẻ Tỷ: Lấy lòng thành cảm người ngay từ đầu thì về sau không việc gì không tốt. Chặng đường hào 2 quẻ Tỷ bắt đầu từ năm Đinh Dậu (1957) còn tốt hơn nữa: Được vị nguyên thủ xứng đáng, làm việc vừa chính vừa tốt.

Nếu tiền vận quẻ Thăng ông có 4 quẻ nhân là Vô vọng, 4 quẻ quả là Đại Hữu, thì sang hậu vận ông cũng có đến 4 quẻ nhân là Đại Hữu, 4 quẻ quả là Vô vọng (xem phụ lục). Trước, những cặp quẻ nhân quả (Vô vọng – Đại Hữu) tốt như thế nào thì sau, những cặp quẻ nhân quả Đại Hữu – Vô vọng còn tốt hơn nữa. Chỉ xin nêu hai ví dụ đã công bố trong ĐVVCT và trong niên biểu:

Năm Bính Thân (1956) ông được quẻ nhân là Đại Hữu, hào 6, quả là Vô vọng. Ông đã viết lại cuốn tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng bị mất bản thảo từ mười năm trước, lần này viết hay hơn, chỉ trong 29 ngày hoàn thành hơn 300 trang sách.

Năm Nhâm Dần (1962) ông được quẻ nhân là Đại Hữu, hào 1. Lời hào khuyên mới ở lúc sơ khởi của thời đại hữu, bảo rằng chưa làm việc gì tai hại, chưa có lỗi, nhưng phải cẩn thận như lúc gặp gian nan mới khỏi lỗi. Quẻ quả là Vô vọng, hào 1: phát triển mạnh chí hướng, là nhân vật quan trọng của đất nước, hưởng phúc, lộc vinh. Đây là năm ông tập trung viết bộ tiểu thuyết Đống rác cũ, với tất cả tinh lực đời văn. “Đống rác cũ, hơn nghìn trang, tôi hoàn thành sau mười tháng lao động cần cù” (ĐVVCT. Tr. 218). Lời báo trước của hào 1 quẻ Đại Hữu (phải cẩn thận như lúc gặp gian nan mới khỏi lỗi) sang đến năm Quý Mão (1963) thì ứng nghiệm.

Năm Quý Mão (1963) là năm Hội nhà văn và gia đình vui vẻ làm lễ kỷ niệm sinh nhật 60 năm (theo dương lịch là 60 tuổi, nhưng theo âm lịch, năm này 61 tuổi) lại chính là năm ông gặp nạn. Năm này đã bắt đầu chặng đường hào 3 quẻ Tỷ. Hào này xấu nhất quẻ Tỷ, lời hào bằng chữ Hán vẻn vẹn bốn chữ: Tỷ chi phỉ nhân (hòa thân, sánh vai với người chẳng ra người). Có nghĩa sang giai đoạn này ông sẽ gặp phải những người gây thiệt hại cho ông, không chọn bạn thì sẽ tổn thương. Đấy là quẻ chung cho 6 năm. Còn riêng năm Quý Mão là năm Thuỷ Sơn Kiển của đời ông (xem phụ lục). Kiển là gian nan, vất vả. Thủy là nước, sơn là núi, người được quẻ Kiển khác nào ông tướng ra trận, trước mặt là sông, sau lưng là núi. Hào 3, chủ mệnh: Tiến đi thì vất vả, quay trở lại thì hơn. Lại thêm nhân là Kiển, mà quả là Địa Thủy Sư. Sư là xuất quân. Nhưng hào 3 quẻ Sư (tương ứng với hào 3 quẻ Kiển) xấu lắm: Ra quân mà xác chở đầy xe. Việc gì phải đến đã đến: sau lễ sinh nhật ít lâu, ông cho in tập I tiểu thuyết Đống rác cũ. Tai nạn nghề nghiệp đã xảy ra: Sách bị cấm và thu hồi. Tập II đã có bản in thử bị đình chỉ xuất bản.

Nhưng may mắn cho bạn đọc chúng ta, ông đã hoàn thành bộ truyện trong năm Đại Hữu trước đó. Bản thảo Đống rác cũ gặp nạn, nhưng còn nguyên đó, đến năm 1989 thì ra mắt bạn đọc, và giờ đây, trước mắt chúng ta, sừng sững một tác phẩm ở đỉnh cao, một cống hiến vô giá của NCH.




2
Tâm linh tôi mách bảo, lấy Kinh Dịch soi chiếu vào nghiệp văn NCH không gì bằng soi chiếu vào tác phẩm đồ sộ của ông là Đống rác cũ. Có thể nói mấy trăm truyện ngắn và mấy chục tiểu thuyết của ông trước năm Nhâm Dần (1962) chỉ là để chuẩn bị cho ông viết bộ truyện này. Trong đời ông có hai lần xuất thần sáng tạo, một lần là khi viết tiểu thuyết Bước đường cùng, một lần là khi tạo dựng Đống rác cũ. Lần trước trong 16 ngày, lần này trong mười tháng. Cả hai lần đều diễn ra trong khung cảnh đầy kịch tính. Cả hai tác phẩm đều gặp nạn và đều vượt qua hoạn nạn tới bến vinh quang. Chỉ có đều ông trông thấy Bước đường cùng đi vào đời sống bạn đọc, còn Đống rác cũ thì chưa kịp trông thấy nó ra đời trước khi ông nhắm mắt.

Đống rác cũ chính là tác phẩm mệnh của NCH. Trong Đống rác cũ (ĐRC) hàm chứa tất cả vẻ đẹp văn chương của đời ông. Có thể nói không ngoa rằng những những cảnh đời, những nhân vật trước kia ông không miêu tả hoàn chỉnh và chưa đạt tới vẻ đẹp làm ông hài lòng (trong các truyện ngắn và tiểu thuyết) thì nay ông cho tái hiện và hoàn thiện trong ĐRC (Đống rác cũ, Nhà xuất bản Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 1998, hai tập, 1202 trang khổ 13x19 cm. Từ đây những trích dẫn là theo văn bản này). Cũng trong ĐRC ông tổng kết toàn bộ kinh nghiệm đời ông đã trải qua, những cảnh đời ông đã trông thấy và những suy ngẫm minh triết về mối quan hệ giữa trời đất, xã hội và con người, những triết lý về nhân sinh, nhân quả, và qua bạn đọc chúng trở thành những khám phá về con người, xã hội, những kinh nghiệm của chính họ. Cũng không nên nhìn vào ba chữ đầu đề Đống rác cũ mà bảo rằng đây đơn thuần là cuốn truyện kể cuộc sống dưới thời phong kiến, thực dân, xã hội An nam còn lạc hậu, thấp kém, cho mọi người thấy hết cái thối nát của xã hội cũ, cái đống-rác-cũ ấy mà. Kinh Dịch quan niệm rằng, không có cái gì thuần ác, thuần thiện, trong cái ác có cái thiện, trong cái thiện có cái ác, trong âm có dương, trong dương có âm, âm cực thì sinh dương, dương cực thì sinh âm… Đem cái nhìn ấy soi vào từng cái ác, cái thối nát mà NCH đã kể lại và miêu tả, ta đều thấy nó nảy mầm từ đâu ra, nó lớn lên thế nào và nó sẽ đi đến đâu, tất cả đều có thời và hoàn cảnh của nó, và đó chính là cái khái quát tác giả đem lại cho bạn đọc. Cứ như vậy thì ta có thể hiểu rằng trong bất kỳ thời nào và hoàn cảnh nào, vẫn có những đống rác cho cái ác nảy mầm, Kinh Dịch đã bày ra những thời và hoàn cảnh để chế ngự nó và triết luận về nó. Ngày nay chúng ta không lạ gì những Trần Đức Thừa, những Ma-ri dùng thủ đoạn bịp bợm làm giàu và leo lên thang bậc xã hội, những chánh đoan (quản lý thuế nhà nước) làm chủ công ty buôn thuốc phiện lậu, những cậu cô con nhà giàu kiểu Pôn, Giăng, nay hiện hình lên thành những vụ án xã hội đen kiểu Năm Cam, những công tử đua xe đời mới…

Ta đã biết quẻ Tiên thiên chi phối cuộc đời và văn nghiệp NCH là quẻ Địa Phong Thăng, chủ mệnh hào 3. Tượng quẻ là Cây mọc lên từ lòng Đất. Nghĩa quẻ là Lên. Chủ mệnh là Lên, dễ dàng như vào ấp không người.

Ta sẽ vô cùng ngạc nhiên và thú vị biết rằng cái mệnh ấy đã phổ vào cuộc đời nhân vật Trần Đức Thừa, nhân vật chính xuyên suốt ĐRC. Đây cũng là cái cây mọc lên từ lòng đất của một xã hội dành riêng cho loài cây ấy. Nó vùn vụt lớn lên không gì ngăn cản nổi, nó cũng “lên, đễ dàng như vào ấp không người”. Nó cũng đi đủ hành trình sáu hào quẻ Thăng. Không những “lên, dễ dàng như vào ấp không người” (hào 3), còn “lên, dễ dàng như bước lên thềm” (hào 5) và “thuận tình đi lên” (hào 1). Cũng đủ cả thang bậc, “lên đến cực rồi mà còn lên nữa thì tai họa sẽ đến” (hào 6). Chỉ có điều khác đây là loài cây dại, loài cây mọc đè lên cây khác, uy hiếp các loài cây lành, ăn hết lộc đất, ăn hết lộc khí trời và ánh sáng của cây lành. Bạn đọc nào đã đi tàu hỏa xuyên Bắc Nam, đi qua đèo Hải Vân sẽ thấy loài cây ấy, nó là loài dây leo, lá nó to bản, màu trắng bạc, nó bám vào đất màu của vùng đèo và phủ trùm lên các loài cây cho ta gỗ, cho ta sức ngăn lũ, cho ta rễ có mầm sinh khí (loài keo lá tràm chẳng hạn) … Các cây lớn, cổ thụ bị nó diệt dần, làm cho thui chột, và nó trở thành hiểm họa cho rừng cây. Báo chí đã lên tiếng báo động về loài cây độc hại này và ngành Lâm nghiệp đã lo lắng về cách diệt trừ nó.

ĐRC chia làm 4 phần. Phần một trình bày gọn gàng một thân phận người xấu, ác, nhưng được vận hanh thông “lên, dễ dàng như vào ấp không người”. Nhưng hãy khoan, tác giả dành chương một để tả ngôi mộ như một ngôi nhà có lớp lang của một người có danh giá là ông An-be Trần Đức Thừa, quan Hàn Nghị thời những năm Ba mươi của thế kỷ trước. Tác giả tả cái chết của An-be Thừa trong quang cảnh nào vợ, nào con, bề ngoài thì khóc lóc thương xót, bên trong thì xâu xé chiếm đoạt chìa khóa, giấy tờ, gia sản, thậm chí đến ba chiếc răng vàng cuối cùng cũng bị bẻ nốt. Và đám ma quan Hàn với đủ nghi thức sang trọng, có các cụ bô lão áo thụng quần trắng, xếp hàng đưa tang tế, với hàng chục người đàn bà khóc thảm thiết, nhưng chỉ cần qua cầu sông Cái thì những người ấy xổ khăn, các vị bô lão cởi mũ tế, áo thụng, quần trắng, giày Chí Long, trả ông chủ nhà đòn, nhận tiền thuê, trở thành những ông già “đen chùi chũi, đầu trần, chân dẫm đất, đương vén ống quần nâu đến tận bẹn, đứng tồ tồ ngay ở dệ đê”. Và đến năm sở Mật thám xin được đất mở đường to cho ô tô về các làng quê để khám xét cho nhanh, con đường phải đi qua phần mộ quan An-be Thừa, các tổng lý đốc thúc nhiều lần mà người nhà không ai chịu đứng ra chuyển mộ, cuối cùng tuần đinh phải xúc lên đưa đi như những mả vô thừa nhận. Hầu hết những nhân vật xuất hiện ở chương một sẽ đi cùng nhân vật chính đến ngày cuối cùng này. Trần Đức Thừa đã đi từ một cậu bé nhà quê ngơ ngác, học hành chỉ đủ đọc được những bài quảng cáo trên nhật trình, mà hầu hết là thuốc chữa bệnh giang mai, lậu, cai nghiện. Nhờ một người dì họ lấy Tây mà cậu ta kiếm được chân làm phu kíp, gác đường tàu, bẻ ghi trên ga Đồng Đăng, đưa cả vợ con lên trên ấy làm ăn. Tưởng là anh ta an phận với cảnh an nhàn ở một ga tỉnh lẻ, vợ buôn bán thêm, có đồng ra đồng vào. Nhưng anh ta là một tay tinh quái, thèm khát cảnh nhà giàu, nhìn lọc lõi xung quanh nghĩ ra đủ thứ để kiếm tiền từ cách mạt hạng là ăn bớt tiền của khách mua vé đi tàu đến cho con gái buôn lậu gửi hàng ở buồng xếp ga (khi xếp về Hà Nội chữa bệnh và giao quyền cho anh ta), ngủ luôn với cô gái buôn lậu ấy tên là Múi làm cho cô chửa hoang. Cô này rồi cũng di hận đến hết cuộc đời với anh ta. Cái cây dại ấy bắt đầu bén rễ trên đất Đồng Đăng bằng một con “bò lạc” (tên chương 2). Đó là một mảnh giấy văn bằng “dởm” của một người Tàu được ông xếp ga cứu thoát khỏi mấy tên thổ phỉ (trong một buổi đi săn, ông có súng), thoát nạn về Tàu, nhớ ơn gửi sang cho tấm bằng y sĩ Trung hoa dân quốc, để trống chỗ ghi tên tuổi, để khi cần kiếm ăn bằng nghề chữa bệnh thì có cái giấy bảo đảm hành nghề. Mảnh giấy văn bằng ấy chưa kịp giao cho ông xếp ga, vẫn gài trên mái nhà coi như đồ bỏ quên. Trước khi bị thải hồi về quê (do người xếp ga mới không tin cậy), anh ta nhân tiện lấy xuống, ghi vào chỗ để trống ba chữ tên mình, cuộn tấm giấy có những hàng chữ Tàu sang trọng, bỏ vào túi, cũng chưa biết dùng làm gì. Loài cây dại ấy lên tiếp bằng cách nhờ bà dì “me tây” chạy cho vào làm cu-li cút-kít trong một văn phòng có thằng chủ Tây bị bệnh sa đì tên văn hoa là thiên trụy. Hồi ở Lạng Sơn Thừa đã từng bị bệnh sa đì, chỉ nhờ chữa bằng vỏ cây gạo mà khỏi (tôi đã thấy quyển vở ghi chép các bài thuốc dân gian, được tác giả dùng cho chi tiết này. Nó ở vần T, với mục từ là Thiên trụy. XC). Thừa khoe với tên chủ có thuốc An-nam hay lắm, nhưng phải lên Đồng Đăng mới lấy được, và giá đắt lắm, 100 đồng mỗi thang. Thực ra chỉ về làng ra chợ đẽo mấy nhát lấy nắm vỏ cây gạo là xong. Chuyến chạy thuốc ấy anh ta kiếm được 200 đồng, trong khi lương anh ta tháng có 6 đồng. Tên Tây khỏi bệnh, cho anh ta vào ở nhờ cái bếp. Vậy là cuộc tình của anh ta với cô vợ Tây tên là Ma-ri bắt đầu. Ma-ri là nhân vật thứ hai sau Thừa, một cặp sóng đôi, bên ngoài là vợ chồng, bên trong bao giờ cũng là hai kẻ đối địch, lừa lọc nhau, lợi dụng nhau, phản bội nhau, khinh nhờn nhau, họ đi với nhau, tạo nên những xung đột đầy tính kịch, cho đến phút cuối cùng của đời Thừa. Cái màn kịch diễn ra ở nhà khách Đồng Lợi là màn kịch đầu tiên biểu diễn cảnh anh chàng Thừa bạo bước đi lên bằng lừa đảo “như vào ấp không người“ như thế nào. Múi, cô buôn lậu ở Đồng Đăng mang cái bụng chửa về gặp anh bắt đền, được anh đưa đi nếm cảnh ăn chơi ở Hà Nội, cả tin giao cho anh ta món tiền lớn 500 đồng, đó là món tiền lớn thứ hai anh ta có trong đời. Qua một sòng bạc lớn đúng vào lúc sòng bạc bị vỡ vì mật thám lùng sục, anh ta tình cờ gặp lại Ma-ri đúng vào lúc cô ta cần đàn ông. Một cuộc tình đầy những lời giăng gió ỡm ờ cợt nhả buông bắt đã diễn ra ngay cạnh phòng ở của cô Múi đang chờ anh ta đi mua vé xem tuồng, thỉnh thoảng lại kẹt cửa ra coi, và cứ suốt đêm như thế. Thừa và Ma-ri, cặp lừa đảo sóng đôi gặp nhau từ đó. Tiếp theo sau là vụ giả danh Giám dốc tổng công ty phát hành thuốc chuyên lấy thuốc của người, dán nhãn công ty mình đem bán trong toàn quốc. Vụ ấy như một trường học dạy lừa người bằng quảng cáo, bịp bợm, lấy giả làm thật trong thương trường hồi đó. Cuộc gặp Ma-ri lần thứ ba giúp anh ta lợi dụng cái bằng giả Y sĩ Trung Hoa dân quốc để trở thành Chủ hiệu thuốc nhà giàu có cửa hàng mang tên Nhà vàng Bờ Hồ. Ông y sĩ Trung Hoa có tên An-be Thừa là người khám bệnh kê đơn thuốc, còn Ma-ri trở thành cô đốc có bằng y tá, ngoài ra còn có cụ Hai Điều râu tóc bạc phơ và gương mặt hồng hào nguyên là ông lão nhà quê được Thừa gọi ra tỉnh làm thuê đóng vai thày thuốc thái y từ kinh đô ra, chỉ để làm sang cho ông chủ hiệu thuốc. Khó ai là bạn đọc thời nay có thể tin được một phòng khám thuốc như thế có thể tồn tại lừa được thiên hạ, nhưng NCH đã miêu tả khiến ta tin là nó lừa được “như đi vào chỗ không người”. Điều quan trọng là nó lôi cuốn đến đây được một cô gái cấm cung, con nhà giàu, nền nếp, có nhà ở phố sang và vàng xuyến đeo đầy người sẽ là nạn nhân của Thừa trong tập ba của tiểu thuyết. Hiệu thuốc nhà giàu chỉ bị vỡ khi xuất hiện cô vợ nhà quê ẵm con ra tìm chồng. Chị vợ đáng thương này là nhân vật chính trong một màn kịch, đứng trên gác, nhìn xuống chứng kiến cảnh một đám cưới có các quan sang đeo bài ngà, bội tinh, đi đón dâu, có phù dâu phù rể son phấn lụa là, chú rể cô dâu trên xe song mã lại chính là Trần Đức Thừa, chồng mình, và cô Ma-ri y tá của hiệu thuốc nhà giàu. Sự thật phơi bày trước mắt chị, khiến lòng căm giận dẫn đến hành động phi thường là dám nhờ những tay anh chị hảo hán phá tan hiệu thuốc nhà giàu, xé bằng thày thuốc lừa bịp, đẩy đám lưu manh vào xó tối của chúng.

Nhưng cây dại vẫn còn đất sống, lần này nó sang một chặng đường mới: lên, dễ dàng như bước lên thềm, thuộc hào 5 quẻ Thăng và thuộc phần Hai của tiểu thuyết. Một chùm dây dại quấn lấy nhau leo lên thành rừng. Một anh thầu khoán keo kiệt muốn có danh hão là quan nghị, cần bỏ tiền ra tờ báo để chiếm cử tri. Một anh văn sĩ nghiện tác giả tập thơ Tình muôn thuở bị độc giả bỏ xó cần một chỗ kiếm sống cho qua ngày, một anh chuyên sống bằng lừa đảo. Chúng gặp nhau và dạy nhau cách làm ăn. Một tờ báo có cái tên rất đẹp là Chấn Hưng ra đời, chủ bút của nó chính là Trần Đức Thừa một tay không viết được một câu cho thành câu, chức năng là duyệt bài, nhưng nhiệm vụ là chạy quảng cáo. Tất cả tờ báo là những trang mục câu khách do tay văn sĩ quèn sản xuất sau những cơn “yên sĩ phi lý thuần” và một phóng viên có nghề viết thư tình thuê, chạy các tin cướp giật, mất cắp, bỏ rượu lậu, đâm chém nhau vì tình, hoặc sào xáo lại những tin đăng trên báo khác. Còn lại là hai trang quảng cáo, chính những quảng cáo này nuôi báo, nuôi béo bọn làm báo thuê. Trụ sở báo ở Hàng Bồ, nhưng toà soạn báo ở quanh bàn đèn trên căn gác hẹp xóm đê Yên Phụ. Dù thế nào, tờ báo đủ để Thừa trưng ra một cái mác mới là nhà báo, chủ bút báo Chấn Hưng, và làm cái mồi chài cô con gái nhà lành tên là Lễ có đằng sau mình hai ngôi nhà lớn thừa kế. Và anh ta đã mồi chài được, bằng cách mở mục báo bàn về nữ quyền, khoa trương những lời đạo đức về quyền người đàn bà được tự do hôn nhân và tìm cách tác động vào Lễ, ngay cả trong hoàn cảnh Lễ trốn về quê thanh vắng để khỏi rơi vào cám dỗ. Lễ rơi vào tay anh ta, bỏ nhà theo người tình. Một màn kịch nữa diễn ra ngay trước cửa tòa báo: lại chính người đàn bà nhà quê bị phụ tình xuất hiện đón đầu xe Lễ, vào nhà, kể hết cho Lễ nghe sự thật Chủ bút Trần Đức Thừa là người thế nào. Màn kịch nội tâm dữ dội diễn ra trong đau khổ của cô Lễ cùng lúc với màn kịch hài hước đến rợn người của Thừa: Anh ta bị kẻ thù văng cứt thối vào mồm. Đọc đến chỗ này, bạn đọc dù dễ tính cũng phải nhăn mặt lại, nhưng tôi hiểu ý của tác giả người quẻ Địa Phong Thăng, hào 6 của quẻ bảo rằng, lên đến đây là cùng rồi, “cầu lên nữa là mờ ám” (xem lời hào 6 quẻ Thăng), với người quân tử lên đến đây bao giờ cũng biết dừng lại, tu nhân tích đức, tìm sự yên lành, nhưng đây là tên “tiểu nhân”, phải cho tên “tiểu nhân” này đi hết, đến tận cùng bài học quẻ Thăng. Nhưng chưa hết: Các độc giả trẻ đã kéo đến đập phá tan nát tòa báo Chấn Hưng, làm vỡ mộng hoàn toàn tên thầu khoán muốn mua danh, làm hết đường sinh kế tên văn sĩ quèn, làm báo cốt hớt tiền tên chủ báo, đưa anh chủ bút vờ của nó trở lại cảnh tàn tạ của nó, có nghĩa là kéo tuột những cây dại mọc trùm lên đỉnh rừng, cho chúng trở về đất.

Tên tiểu nhân còn còn kịp làm nốt cái ác của nó: Thừa đã đánh đập tra khảo Lễ đòi văn bản thừa kế nhà vì đó chính là cái mồi ngon đến trước mắt rồi lại biến mất, cướp hết vàng xuyến. Lễ bị đánh dập gan và chết trong cảnh nhà thương bỏ chết vì quên không cho uống nước.


Thêm một màn kịch phụ: cảnh các bác sĩ, y tá chơi cờ, bài trong nhà thương bỏ bệnh nhân cấp cứu đến chết, cảnh Ma-ri lọt vào nhà cha đạo xin cha cứu phạm nhân giết người, cảnh bác sĩ khám nghiệm tử thi tìm cơ hội đổ tội cho bác sĩ nhà thương làm chết người, cảnh xử án và luật sư hùng biện biến trắng thành đen, đen thành trắng, tên giết người được cứu trước tòa mà chính y cũng không biết vì sao. Vì đằng sau y có bàn tay Ma-ri.

Trong ĐRC có ba nhân vật đàn bà xoắn xuýt bên số phận cây dại Địa Phong Thăng của Thừa. Một người là mẹ Mão chứng kiến cái cách gian ngoan của anh ta từ thuở bén rễ lập nghiệp ở Đồng Đăng bao giờ cũng là nhân vật kết thúc những chặng đường “lên” của cây dại, xuất hiện đúng lúc, hành động đúng lúc, y như trong đời thật: đánh ghen phá hiệu thuốc bịp bợm, đón dường nói sự thật cho kẻ bị bùa mê ra khỏi cơn mê. Một người là cô con gái buôn lậu, tên là Múi bị anh ta bỏ rơi trên đất Hà thành trong một đêm thê thảm, bao giờ cũng là người ra đòn độc, cho anh ta những bài học mà anh ta không bao giờ học được: tổ chức đón đường, đánh anh ta giữa phố, để cho bị bêu tên trên báo, thuê người ném cứt vào giữa mặt; và rồi sẽ xuất hiện một cách thần bí ở những chương cuối của tiểu thuyết đánh đòn kết liễu khiến anh ta hoàn toàn gục ngã. Một người nữa là Ma-ri bao giờ cũng xuất hiện như một cứu cánh, khi thì gỡ anh ta ra khỏi sòng bạc bị vỡ, khi thì ra tay cộng tác với anh ta tổ chức hiệu thuốc bịp cho người giàu, khi thì nhờ cố đạo cứu anh ta khỏi tội giết người. Ma-ri cứu Thừa đúng vào những lúc cần đến nó nhận cho đứa con trong bụng là con của nó, không cần biết là của ai, có vậy thôi, như cây dại này cần quấn lấy cây dại kia, cộng sinh với nó.

Sự xuất hiện của Ma-ri lần này chính là để đưa độc giả sang phần Ba của tiểu thuyết. Khi này hai đứa đã nghiễm nhiên là chủ một đồn điền hàng trăm mẫu ruộng trên Vĩnh Yên, do Ma-ri “lấy” được của một tên quan hàn tên là Hàn Xương, bằng cách bỏ bùa mê lấy Hàn Xương làm chồng và hành cho tên này chết sớm vì dại gái, bao nhiêu ruộng cả ao liền rơi vào tay vợ. Bây giờ lại là lúc Ma-ri cần đến Thừa về ở để quản lý đồn điền cho vợ. Quẻ Địa Phong Thăng đối với người bắt đầu từ hào 3, nếu qua được hào 6 đầy đe doạ đối với kẻ tiểu nhân (lên nữa là mờ ám), thì còn chặng đường thuận lợi ở hào 1 và hào 2. Hào 1 lời hào chữ Hán chỉ vẻn vẹn có hai chữ “Doãn thăng” dịch ra tiếng Việt là “Thuận tình mà lên”. Những cây dại dây leo như Thừa, như Ma-ri trong xã hội ta những năm “thực dân phong kiến” ấy thì còn thuận tình mà leo lên lắm. Thừa lấy bà Hàn Xương nên được gọi là Hàn Thừa, dân đồn điền còn gọi là ông Hàn Hai ngầm ý hàn này chẳng qua là “chồng lẽ” của hàn cả mà thôi. Hai chữ hàn thừa bỗng trở nên sinh động. Mới biết tài năng điêu luyện của NCH ở cả cách đặt tên cho nhân vật từ đầu truyện, đây đâu phải chuyện vô tình. Để xuê xoa mấy chữ hàn thừa, hàn cả, hàn lẽ, Thừa bắt mọi người gọi mình là quan hàn An-be Thừa. Rồi cũng xong, “doãn thăng” là thế.

Phần Ba của tiểu thuyết kể chuyện bọn địa chủ đồn điền bóc lột tô tức của dân nghèo, lấy tiền mua nhà ở thành phố cho thuê và buôn thuốc phiện lậu. Chúng lợi dụng cả vụ vỡ đê, tung tiền mua thóc để đầu cơ thu lãi lớn, khi có ba thuyền thóc bị quan địa phương bắt thì biến thành thóc cứu tế để mua danh (khi sử dụng chi tiết này, tác giả cũng kể rằng, ở nước ta, thủ đoạn biến hàng đầu cơ thành hàng cứu tế đã được cô tư Hồng một nhân vật có thật nổi tiếng thời đó nêu gương trước cho bọn hàn Thừa). Còn buôn thuốc phiện lậu mà vào “công ty” do tên chánh đoan trên tỉnh làm chủ thì an toàn bậc nhất rồi. Nhưng tên chánh đoan (trông coi về thuế) này buôn thuốc phiện lậu được thì tên chánh đoan tỉnh khác có kém gì. Vậy là vỡ lở, đến mức lòi ra cả một dây những bọn Tây có chức quyền có liên quan dây dưa đến buôn thuốc phiện lậu, và dẫn đến lệnh cấm báo chí thời đó đả động đến vụ việc này.

Điều kinh ngạc đối với người dùng Kinh Dịch soi chiếu vào công việc nhà văn là thấy cả hào 2 quẻ Thăng cũng có dấu ấn trong phần Ba của tiểu thuyết này. Hào 2 bảo rằng: Lòng thành với trên, tin nhau thì dùng lễ nhỏ, đơn sơ cũng được. Đối với người quân tử thì đây là thời kỳ thăng tiến, tỏ lòng thành với thần linh, tổ tiên, có chút lễ nhỏ, không sao, không lỗi gì. Nhưng đối với bọn tiểu nhân thì đây là việc mua chuộc, đút lót. Không biết có cái gì xui khiến, mà tác giả dành nhiều chương, đoạn trong phần ba này nói về những thủ thuật mua chuộc, đút lót, cầu bọn quan trên cho qua những hành vi lén lút. Kể cả việc tỏ “lòng thành” với người dưới âm, bọn Ma-ri Thừa cho xây cả cái miếu nhỏ thờ Hàn Xương ở cổng vào đồn điền (!). Kể cả việc tỏ “lòng thành đơn sơ” với tên chánh mật thám, gài bẫy ghi sẵn số giấy bạc cho mật thám bắt quả tang tên huyện Lung ăn đút lót. Vụ này gây tai tiếng cho Hàn Thừa và để lụy về sau, cùng với nhiều vận rủi khác, khi bầu nghị viên hắn thành nghị hụt.

Phần Bốn cuốn tiểu thuyết rất ứng nghiệm với hào 6 quẻ Thủy Địa Tỷ đã nói trên kia. Tỷ là sánh vai, hòa thân. Hào 6 quẻ Tỷ nói về thời kỳ sánh vai mà không có đầu (Tỷ chi vô thủ). Đầu đây là đầu mối, đầu dẫn. Không có đầu mối, đầu dẫn thì sánh vai chẳng đi đến đâu, không đầu không cuối, vô thủy vô chung, dễ gặp họa. Tượng quẻ Tỷ là Nước trên Đất. Những năm này Hàn Thừa bỏ đồn điền, dốc vốn mua tàu thủy chở khách, tìm lợi trên sông nước. Trong Kinh Dịch, không gì hiểm bằng nước sâu nên tượng Nước nói về những nguy hiểm con người phải vượt qua. Muốn vượt hiểm do Nước gây ra không gì tốt hơn là vượt hiểm bằng mưu trí, trí tuệ. Mà cái đó thì hắn làm gì có được. Nên chính sông nước là cái hiểm cuối cùng dìm đầu hắn xuống. Hắn tổ chức bến tàu thủy và giao cho bọn con trai quản lý. Bọn này đã được chính hắn dạy cho bài học đầu tiên là bài đánh xóc đĩa (Tập 2. Tr. 93). Vì vậy chính Ma-ri và bọn trẻ đã ra tay phá cái cơ nghiệp cuối cùng của hắn. Chúng biến bến tàu thành sòng bạc và ổ điếm. Ngày nào thích nghỉ thì nghỉ tàu. Phó mặc con tàu cho sông nước và may rủi, để bị tàu khác cạnh tranh, không biết định kỳ sửa chữa, lại nghe lời bói toán, dẫn đến hai tàu bị đắm liên tiếp trong một đợt nước lụt.

Tuy nhiên đó chưa phải là ngọn đòn độc cuối cùng. Tác giả ĐRC dành cho nhân vật chính của tác phẩm một ngọn đòn giáng xuống số phận giống y như lời hào 6 quẻ Tỷ, thoạt tiên không biết từ đâu giáng xuống “Tỷ chi vô thủ”. Đó là một buổi tối định mệnh, hắn đi xe mô-tô từ Vĩnh yên xuống, định rẽ về Hà Nội, lại rẽ đi Hải Phòng. Khi đi qua ga Phú Thụy thì một đốm trắng khua lên: một cô gái vẫy khăn mù-xoa xin đi nhờ xe cùng chiều. Hắn dễ dãi cho đi, một phần do đĩ tính, một phần cũng do muốn làm phúc, nhưng khi cô ngồi lên phía sau xe rồi thì hắn có ý định lợi dụng. Khi qua ga mà cô xin xuống thì hắn giả vờ cho xe vọt qua và bảo là phanh hỏng không dừng lại được. Rồi sau đó vì là đêm tối, không nỡ để cô xuống đi trở lại một mình, hắn điều đình đưa tuột cô về Hải Phòng, hắn bảo gửi cô trọ nhà bạn gái hắn. Nhưng chính bạn gái ấy là chủ một ổ điếm. Sau một vài ngày, cô gái ấy ngã vào vòng tay hắn và trở thành người tình ngoan ngoãn của hắn, được hắn thu xếp ỡ tại một căn nhà thuê ở Hải Dương. Cô gái ấy đã sinh cho hắn một bé gái mà hắn đặt tên là Băng Tuyết để mong muốn nó sẽ trong trắng khác với những đứa con hờ của hắn với Ma-ri. Nhưng đó chính là đòn kết liễu của số phận. Trong một đêm giao thừa, nhờ có việc lần đầu tiên cô gái đưa ảnh mẹ lên bàn thờ mà hắn phát hiện ra mẹ cô gái chính là Múi, và cô gái mà hắn đã ăn nằm và sinh ra Băng Tuyết chính là con gái của hắn. Thảo nào mà ngay trong giờ phút đầu tiên gặp cô gái, hắn đã nhận ra những nét hao hao giống một người nào trong đời mà hắn không nhớ ra.

Hắn gục hẳn xuống từ giờ phút đó. Hắn bỏ mẹ con cô gái ra đi trong đêm giao thừa y như hai mươi năm trước hắn bỏ mẹ con Múi ở khách sạn Đồng Lợi. Lần đầu tiên nước mắt hắn chảy xuống, sau đó là máu trào ra miệng. Ngòi bút NCH trong những trang cuối này của tiểu thuyết một lần nữa xuất thần kể và tả những giờ phút dao động của số phận, sự nảy sinh cái thiện ngay trong lòng cái ác, sự hội tụ cái cực ác không cho cái thiện nảy mầm, sự trả giá của bất nhân, bất nghĩa, giả dối và lừa bịp, trên tất cả các thang bậc của xã hội, từ cha cố đại diện cho tôn giáo thiêng liêng đến con chủ điếm rày rạc. Ta đọc được ở đây tiếng nói của triết lý thốt ra từ miệng của một đứa trẻ “mất dạy” theo nghĩa đen của từ đó. Đứa trẻ tên là Mão, con đẻ của Thừa, mà một lần Thừa đã trông thấy nó thò tay ăn cắp ví của chính người đang thổi bụi cho mắt nó. Nhắc lại chuyện ấy, nó bảo: “Không có tiền thì ăn cắp lại của thằng ăn cắp có gì lạ?” “Mấy lị, chả hơn ăn cắp để có nhiều của mà gây thế lực, làm thêm nhiều việc bạc ác, bất nhân à?” “Tôi chẳng nói ai. Tôi chỉ ức là ở đời có vô số thằng đểu cáng to, mà không ai dám động đến. Chính những thằng này lại chửi những thằng đểu cáng nhỏ hơn nó là đểu cáng.” Ta thấy vẽ ra trước mắt ở đây cái cảnh một anh nhà giàu đểu cáng khi sắp chết, có đủ những tầng lớp người đến khai thác cái chết ấy: bác sĩ người Tây, thày thuốc tàu, thày thuốc ta, ông tú làm câu đối phúng điếu, ông chủ đòn đám ma, cho đến ông thầu khoán bạn thân thí tiền mua căn nhà với giá rẻ có giao kèo do chính người sắp chết ký nguệch ngoạc, không yên tâm, ông thầu khoán đã mang sẵn thỏi mực tàu để lấy đủ mười vân ngón tay làm tin. Cuối cùng là những vợ hờ, con hờ xâu xúm tìm chìa khoá tủ, chìa khóa két, không còn gì nữa, chúng nhớ đến ba chiếc răng vàng trong mồm, thì đã bị thằng con thật bẻ mất rồi. Ân oán giang hồ đến thế là cùng. “Tỷ chi vô thủ” đến thế là cùng. Ngòi bút NCH tung hoành đến đây kết thúc bằng câu: Hai thằng vật nhau trên giường. Trong khi ấy, người chết bị rùng rình, rùng rình như con thuyền gặp sóng.

Đống rác cũ, như đã nêu ra, là tác phẩm mệnh của NCH, được viết ra một cách xuất thần ở đỉnh điểm của hành lang số mệnh, nó trở thành tác phẩm xuyên suốt thời đại ông đã sống, mang đầy dấu ấn cá nhân. Tại đây ông phát huy cao nhất những ưu thế đã có được trong văn nghiệp của ông.

Truyện ngắn là thể loại văn chương ưu tú của NCH. ĐRC chia làm bốn phần, có 73 chương thì đó là 73 truyện ngắn được viết với phong độ cao của tác giả. Mỗi chương có một cái tên, và câu chuyện kể gói gọn một chủ đề, có đầu cuối, có đỉnh cao, khắc họa một tính cách của nhân vật chính của tiểu thuyết, một lối sống, một tâm trạng, một bước phát triển trong cuộc đời nhân vật, hoặc đan xen một nhân vật có liên quan đến nhân vật chính, cho ta thấy từng bước hiện lên một toàn cảnh xã hội. Ta sẽ thấy những truyện ngắn cùng một chủ đề ta đã gặp trước đây, nhưng có lẽ ông chưa bằng lòng hoặc thời thế bắt buộc ông phải chọn một cách viết bóng gió, thì nay ta gặp lại cái truyện ngắn đó ở một trình độ thẩm mỹ cao hơn trước. Để được giáp riêng mặt rồng (Tập 2. Tr. 492) là cái mặt thật của các nhân vật trong Đào kép mới. Chương Ông Hàn bà Hàn (Tập 2, tr. 7) tái hiện truyện ngắn Thanh dạ, và hay hơn Thanh Dạ rất nhiều. Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ báo thì được tái hiện tỉ mỉ, sống động, chua chát hơn nhiều trong các chương Một bậc thầy (Tập 1. Tr. 309), Lại một bậc thầy (Tập 1. Tr. 340), Động rừng (Tập 1. Tr. 366) là những chương tả nhân vật Trần Đức Thừa làm báo… Bạn đọc cũng có thể tìm lại các truyện ngắn Báo hiếu, trả nghĩa cha; Báo hiếu, trả nghĩa mẹ trong các chương Một ngôi nhà của một người (Tập 1. Tr. 7) Trong những giờ phút sắp lên tiên (Tập 2. Tr. 604).

ĐRC có thể nói là một tập Từ điển xã hội học những năm Hai mươi và Ba mươi xã hội Việt Nam trong thế kỷ trước. Thật vậy, nếu ta đọc cuốn tiểu thuyết lớn này bằng con mắt xã hội học, ta có thể sắp xếp các chi tiết được nhà văn miêu tả ở những nét cô đọng và phong phú nhất các hiện tượng xã hội và ta sẽ hiểu thêm cái xã hội ấy rất nhiều. Chẳng hạn bạn muốn biết một ngôi nhà cổ Hà Nội xin đọc chương Một gia đình Hà Nội (Tập 1. Tr. 245); một bức thư tình được viết thuê như thế nào xin tìm tập 1, trang 400; một tòa án xử án và trạng sư cãi trước tòa, tập 1, trang 400; cảnh phát chẩn trong một vụ lụt ở Bắc kỳ, tập 2, trang 301; cảnh bầu nghị viên, tập 2, trang 420- 431.

ĐRC cũng hàm chứa trong đó một từ điển ngôn ngữ Việt.

Cho đến nay những ý kiến đánh giá tác phẩm ĐRC vẫn còn chưa ngã ngũ. Năm 1989 nhà văn Tô Hoài viết trong Lời nói đầu cuốn tiểu thuyết Một kiếp người của NCH: Tiểu thuyết Đống rác cũ (tập 1 in 1963) cuốn tiểu thuyết sau cùng của Nguyễn Công Hoan gây dư luận khác nhau. Nhưng trong một tình hình khá là bi hài. Tiểu thuyết này gồm hai tập. Nhà xuất bản Văn Học in xong tập 1, nhưng cũng chưa phát hành rộng, cuộc tranh luận đã tùm lum. Thế là tập 2 không tiếp tục ra đời. Cho tới nay cũng không mấy bạn đọc biết câu chuyện đầu và đuôi thế nào, chỉ mới đọc các bài báo chê Đống rác cũ tự nhiên chủ nghĩa. Nêu lại vấn đề này, tôi cũng không đơn giản đòi khôi phục giá trị tiểu thuyết Đống rác cũ. Mà chỉ muốn có phê bình, có sự nghiên cứu, phân tích đánh giá nhiều chiều, nhiều mặt một tác phẩm, để tiến tới chân lý được. Hãy làm lại một hoạt động văn học bình thường, lành mạnh trong tình hình hiện nay. (Nguyễn Công Hoan nhà văn hiện thực lớn. Nxb Hội nhà văn - Hà Nội- 1993. Tr. 49)

Tô Hoài còn có một nhận xét thú vị: Tư tưởng và văn phong Nguyễn Công Hoan, từ sáng tác đầu tiên đến tác phẩm sau cùng xuyên suốt một nét (Sách trên. tr. 53. XC in đậm). Nhận xét ấy vô tình mang thêm dáng dấp tâm linh. Cái nét ấy là quẻ Dịch Địa Phong Thăng bắt đầu từ hào 3 đi xuyên suốt văn nghiệp NCH. Nhà văn từ cái mầm cây nẩy chồi, ăn sâu vào đất Việt trở thành bóng cả cây ngàn trên đất Việt.16 - 8 – 2004



Phụ lục: Cấu trúc Hà Lạc của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Sinh ngày 08-02-Quý Mão giờ Hợi (06-03-1903) Âm Nam. Sâu nở (Kinh trập. Tiết lệnh tháng 2): 06-3-1903. Giữa xuân: 21-3-1903 (Hóa công Khảm). Mệnh: Kim (vàng dát). Thượng nguyên. Sinh giờ khí âm. Can Chi: Năm Quý Mão, Tháng Ất Mão, ngày Quý Tị, giờ Quý Hợi. Mã số Can Chi: 2, 3-8; 2, 3-8; 2, 2-7; 2, 1-6.. Số âm: 32. Số dương: 14



Tiên thiên

Tiền vận


Đại vận

(Năm)


 Hỗ

Tiên thiên


Hậu thiên

Hậu vận


Đại vận

 (Năm)


 Hỗ

Hậu thiên


 Hỗ

Nhân Quả


0

0

0

1*

1

0


24 – 29

18 - 23

12 - 17

03 - 11

36 - 44

30 – 35


0

0

1

0

1

1


0*

1

0

0

0

0


45 - 50

75 - 83

69 - 74

63 - 68

57 - 62

51 – 56


1

0

0

0

0

0


1

0

1

0

0

1


 Địa Phong

 Thăng


 


Lôi Trạch

Quy Muội


 Thủy Địa

 Tỷ


 


Sơn Địa

 Bác


Hỏa Lôi

Phệ Hạp


Hóa công: Khảm ở Hậu thiên. Thiên Nguyên khí: Khôn ở Tiên thiên, Hậu thiên, Hỗ hậu thiên. Địa Nguyên Khí: Chấn ở Hỗ Tiên Thiên. Mệnh hợp cách mức trung bình. Dấu *: Hào nguyên đường chỉ chủ mệnh. Hỗ nhân quả: Đổi dấu các hào 2, 3, 5.

* Lưu ý: Các ngày tiết khí tính theo dương lịch thì chính xác hơn.

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉