Nguyễn Công Hoan
Nxb Văn học, 1983
Nguyễn Công Hoan là người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây đắp nền móng cho nền văn xuôi hiện thực phê phán. Ông thuộc lớp nhà văn những năm 20 đầu thế kỷ, lớp người đang mò mẫm, tìm đường, khai phá...
Nguyễn Công Hoan là người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây đắp nền móng cho nền văn xuôi hiện thực phê phán. Ông thuộc lớp nhà văn những năm 20 đầu thế kỷ, lớp người đang mò mẫm, tìm đường, khai phá. Công lao của ông là giữa những con đường đan nhau ở các ngã ba, ngã tư, nơi mà những người cầm bút còn đang phân vân, thậm chí có thể lạc lối giữa những nguồn ảnh hưởng phức tạp, cũ mới tốt xấu lẫn lộn, ông đã chọn con đường đi về phía truyền thống dân tộc, về phía quần chúng bị áp hức, con đường của chủ nghĩa hiện thực phê phán Việt Nam.
Nguyễn Công Hoan bắt đầu viết truyện ngắn từ cái buổi bình minh của văn xuôi viết bằng quốc ngữ. Năm 1922, ông đã có một số truyện ngắn in vào tập Truyện thế gian của Tản Đà thư cục và một năm sau, ông tự xuất bản tập truyện ngắn Kiếp hồng nhan. Khuynh hướng hiện thực của Nguyễn Công Hoan được dư luận chú ý từ khi những truyện ngắn của ông (trong thời kỳ 1928-1931) được đăng dần trong Annam tạp chí của Tản Đà dưới mục Việt Nam nhị thập thế kỷ xã hội ba đào ký. Cho đến năm 1935, ông đã cho ra mắt bạn đọc khoảng 80 truyện ngắn và một số tiểu thuyết có giá trị như Lá ngọc cành vàng (1935), Ông chủ (1935). Sau khi tập truyện ngắn Kép Tư Bền được xuất bản (1935), thì tên tuổi Nguyễn Công Hoan đã nổi tiếng khắp Trung Nam Bắc. Có thể nói Nguyễn Công Hoan là người đầu tiên khẳng định phương pháp hiện thực phê phán trong lĩnh vực truyện ngắn và là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam thời kỳ 1930 – 1935.
Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, nhờ ảnh hưởng của Đảng, của sách báo Mác xít, của phong trào quần chúng khắp nông thôn và thành thị, các cây bút hiện thực phê phán có điều kiện tung hoành thoải mái hơn trước và dường như những tài năng đều gặp mùa nở rộ. Ngoài tiểu thuyết Cô làm công, (1936) Bước đường cùng (1938), Cái thủ lợn (1939), Nguyễn Công Hoan còn có nhiều tập truyện ngắn chất lượng cao hơn thời kỳ trước như Hai thằng khốn nạn (1937), Đào kép mới (1937), Sóng vũ môn (1938), Ngưòi vợ lẽ bạn tôi (1939).
Riêng về truyện ngắn, Nguyễn Công Hoan đã viết tới hơn 80 truyện, trong đó có khoảng 30 truyện đả kích bọn quan lại và chế độ thực dân. Từ những truyện viết về nỗi khổ của dân nghèo thành thị (trước 1935), Nguyễn Công Hoan đã nhanh chóng chuyển sang những đề tài chính trị. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, ông đã trở thành người bạn đường đáng tin cậy của gi ai cấp công nhân.
Với những thành tựu xuất sắc đã đạt được trước Cách mạng tháng Tám (hơn 200 truyện ngắn vào hơn 20 truyện dài), Nguyễn Công Hoan xứng đáng là một nhà văn lớn, tiêu biểu cho nền văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Nếu như Ngô Tất Tố tập trung viết về nông thôn, Vũ Trọng Phụng đả kích vào giai cấp tư sản thì đóng góp chủ yếu của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là đã xây dựng thành công một phòng tranh châm biếm và đả kích các kiểu quan lại và địa chủ cường hào ở nông thôn.
Trong kho tàng truyện ngắn của dân tộc, Nguyễn Công Hoan đã đóng góp một khối lượng lớn và có một nghệ thuật khá điêu luyện. Đi vào thế giới truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, ta có cảm tưởng như bước vào một khu triển lãm phong phú, nhiều màu nhiều vẻ về những cảnh ngộ, những con người đang múa may, khóc cười trong chế độ cũ. Có những chuyện độc ác tàn nhẫn, những chuyện xấu xa rởm hợm, những chuyện thương tâm ai oán cùng những chuyện nực cười lố lăng trong cái xã hội thực dân phong kiến đầy những ngang trái bất công. Bên cạnh đó là phác thảo chân dung của một số vị tai to mặt lớn mà nhiều kẻ hách dịch, đầy quyền thế đang sống phè phỡn trong giới thượng lưu lúc bây giờ.
Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan sinh động, hấp dẫn là vì tác giả luôn luôn thay đổi các thủ pháp nghệ thuật, thay đổi màu sắc và cung bậc tình cảm. Có truyện viết để gây căm hờn (Sáng – chị phu mỏ), có truyện viết để làm kinh tởm (Gói đồ nữ trang), có truyện viết để gọi lòng thương (Anh xẩm), có truyện chỉ để cười cho khoái trá (Samandjil, Anh hùng tương ngộ).
Nguyễn Công Hoan là người biết tổ chức cấu trúc chặt chẽ và thay đổi cấu trúc hình thức rất linh hoạt. Có những truyện là tấn bi hài kịch ba màn (Ai khôn, Đàn bà là giống yếu, Một tấm gương sáng) hoặc tấn bi kịch ba màn (ba truyện Chiếc quan tài), có khi là bi hài kịch lẫn lộn (Thằng ăn cắp). Có truyện kể theo lối viết thư (Thế là mợ nó đi Tây), có truyện nhân vật là một vật vô tri (Chiếc quan tài), có truyện tác giả tự xưng là nhân vật chính (Tôi tự tử), có truyện đả kích thẳng tay (Thịt người chết, Báo hiếu: trả nghĩa cha), lại có truyện phải viết ngụ ngôn, bóng gió (Đào kép mới, Ngậm cười, Người vợ lẽ bạn tôi).
Nếu như truyện ngắn của Thạch Lam tác động chủ yếu vào tình cảm và cảm giác người đọc, truyện của Nam Cao đi sâu vào tâm lý bên trong của nhân vật, thì truyện của Nguyễn Công Hoan nhằm nâng cao năng lực nhận thức và khám phá các hiện tượng phức tạp của xã hội. Chế độ thực dân phong kiến đầy rẫy những chuyện lừa bịp, khôi hài. Thế những kẻ đạo diễn tấn hài kịch là bọn vua quan, bọn đế quốc thì lại làm ra vẻ nghiêm chỉnh, luôn mồm nói chuyện đạo đức, nhân nghĩa, khai hoá, văn minh! Cho nên hầu hết truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan là nhằm bộc lộ mâu thuẫn giữa bản chất và hiện tượng, giữa nội dung và hình thức để làm bật lên một tiếng cười đả kích (Đào kép mới, Tinh thần thể dục). Mâu thuẫn toát lên từ tính chất phi lý bên trong của một chính sách (Giá ai cho cháu một hào), một hiện tượng (Xuất giá tòng phu), một con người (Thầy cáu), từ sự đối lập giữa hai cảnh ngộ, hai tâm lý trong kết cấu của truyện (Hai cái bụng, Hai thằng khốn nạn, Báo hiếu: trả nghĩa cha, Báo hiếu: trả nghĩa mẹ).
Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan có nhiều nét gần với truyện cười dân gian. Nhìn chung cốt truyện quan trọng hơn nhân vật. Tiếng cười châm biếm thường đến bất ngờ trong phần kết thúc của cốt truyện (Oẳn tà roằn, Thằng ăn cắp, Đồng hào có ma, Thầy cáu, Samandj, Cái lò gạch bí mật). Nhiều truyện được xây dựng theo kiểu tiếu lâm, cốt truyện đột ngột, bất ngờ, đầy kịch tính. Từ những nụ cười tủm tỉm, độc giả bỗng cười phá lên vì ngạc nhiên trước cái kết thúc không ai lường được. Có khi nhà văn hãm tình cảm của độc giả lại, hoặc dùng lối nghi binh, đẩy đi chệch hướng một chút để làm cái đà cho nó nhảy vọt đến kết thúc bất ngờ của chuyện (Lại chuyện con mèo, Oẳn tà roằn). Nhiều truyện ngắn hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta nhằm khẳng định một mẫu người (Anh Keng, Đất, Khói, Bông hoa súng), một thái độ sống (Hãy đi xa hơn nữa), một quan hệ, một lối đánh giá (Người trở về). Nhưng kết thúc truyện ngắn Nguyễn Công Hoan thì lại nhằm lật ngược một cảnh ngộ, một tình huống, vạch mặt trái một chân dung, phanh phui một mâu thuẫn nội tại. Chân lý được nhận ra thông qua một tiếng cười kinh ngạc. Tất nhiên không phải lúc nào sự bất ngờ cũng làm bật ra tiếng cười. Có khi sự kinh ngạc chỉ mang đến một nỗi sợ hãi khủng khiếp. Sự kinh ngạc trong truyện châm biếm của Nguyễn Công Hoan là một sự kinh ngạc mang dấu trừ và gây nên một hứng thú thẩm mỹ. Trong truyện Oẳn tà roằn người ta đều đoán con của Nguyệt có thể là một đứa bé kháu khỉnh, đẹp đẽ. Nó là con hoặc của Phong, hoặc của Bắc. Nhưng thật không ai ngờ nó lại giống “Oẳn tà roằn” không biết chống gậy! Người ta kinh ngạc vì không ngờ giữa lý tưởng xã hội thẩm mỹ tiến bộ và đối tượng bị châm biếm lại có một khoảng cách quá xa đến như vậy. Độc giả bỗng nhiên khám phá ra được chân lý và điều đó gợi nên những rung động, khoái cảm về mặt thẩm mỹ.
Nguyễn Công Hoan rất có sở trường về mặt khắc hoạ tính cách của nhân vật phản diện. Ông thường dựng lên những chân dung biếm hoạ theo kiểu phóng đại (Đàn bà là giống yếu). Có người cho rằng thủ pháp phóng đại làm cho nhân vật trở thành dị dạng, thiếu tính hiện thực. Chúng ta đều biết, ở các tác giả hài kịch, sự phóng đại chân chính không làm giảm giá trị hiện thực của tính cách điển hình. Khi nhà văn đả kích một nhân vật nào đó thì có nghĩa là ông ta đã đối lập lý tưởng xã hội thẩm mỹ của mình với đối tượng bị châm biếm.
Thủ pháp phóng đại nhằm tăng cường sự đối lập đó, nhằm làm cho người đọc thấy rõ hơn khoảng cách quá xa giữa lý tưởng tiến bộ và nhân vật bị phê phán (Oẳn tà roằn). Sự phóng đại cũng nhằm cường điệu thêm cái mâu thuẫn (giữa nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng) vốn có trong bản thân đối tượng bị đả kích. Phóng đại nhân vật phản diện, làm cho người đọc tập trung chú ý vào những nét chủ đạo đó. Nguyễn Công Hoan đã sử dụng thủ pháp phóng đại trong cả ba trường hợp nói trên và có những thành công nhất định. Tuy nhiên cần phải thấy rằng phóng đại tính cách và hoàn cảnh là đặc trưng của tiểu thuyết trào phúng và hoạt kê. Do chưa nắm vững những đặc điểm riêng về mặt thể loại đó, do có khuynh hướng muôn ngả về hoạt kê hoặc chạy theo tiếng cười mà coi nhẹ ý nghĩa của nội dung, hoặc có thiên kiến với nhân vật, nên đôi khi trong truyện Nguyễn Công Hoan có những tiếng cười, những màn hài kịch không đúng lúc, đúng chỗ, hoặc có lúc nhà văn chạy theo thủ pháp phóng đại một cách dễ dãi mà không đi sâu được vào tâm lý xã hội của nhân vật.
Ở những truyện ngắn thành công, tiếng cười của Nguyễn Công Hoan thường có chiều sâu bên trong. Đó là tiếng cười cay đắng, chua chát, cười ra nước mắt (Thằng ăn cắp, Kép Tư Bền, Ngựa người và người ngựa, Tôi cũng không hiểu tại làm sao.) hoặc tiếng cười đả kích sâu cay, gây cho người đọc một thái độ căm phẫn, khinh miệt, một tinh thần phủ định triệt để (Thịt người chết, Tinh thần thể dục). Nguyễn Công Hoan đã tiếp thu được truyền thống lạc quan của quần chúng muốn dùng tiếng cười để tiễn đưa tất cả những cái lỗi thời vào quá khứ. Nhưng cần chú ý là tiếng cười dân gian tuy hồn nhiên, khoẻ khoắn, lành mạnh nhưng đôi khi còn bản năng, kinh nghiệm chủ nghĩa. Nhìn chung một số truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan cần phải giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa dân gian và trí tuệ, dân tộc và hiện đại.
Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan rất tập trung, cô đọng, cảm hứng đi liền một mạch từ đầu đến cuối: “Ngắn (là hình thức) và thanh giản (là tinh thần), đó là hai đức tính cơ bản của truyện ngắn”. Mỗi chuyện chỉ mô tả một việc, một cảnh, một nỗi lòng. Gọi là truyện ngắn mà lắm khi chẳng có chuyện gì. Vì thế truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan rất khó kể lại cho người khác nghe. “Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết”, “một bộ máy chạy bằng chi tiết. Trong việc viết truyện, quân là chi tiết, nhà văn là tướng chỉ huy. Nếu đánh trận, là đánh vào đồn thì viết truyện là tập trung đánh vào tình cảm nhất định của người đọc”. Nguyễn Công Hoan có lối viết lý luận rất Việt Nam, giản dị mà dí dỏm. Theo ông, viết truyện ngắn không khác gì đánh cá bằng lờ ở chỗ nước chảy. Người đánh cá cắm đăng, chăng lưới, rồi gõ cạch cạch để lừa cho cá chui tọt vào hom. “Thế thì trong việc viết tiểu thuyết, cách cắm đăng, chăng lưới là cách trình bày các chi tiết, tiếng gõ là câu văn để dẫn tư tưởng của độc giả… vào một ý mà tác giả định nói”. Ví dụ truyện ngắn Đào kép mới. Chúng ta thấy rất nhiều chi tiết thú vị. Đây là bà chủ rạp tuồng An Lạc bán vé nhưng ế khách, “ngồi thừ mặt, vạch vú ra cho con bú”; đây là bọn vua quan trên sân khấu, “vai vua gầy gò, ngồi trên cao, trước cái phông sơn thuỷ, vuốt bộ râu đuôi ngựa làm bức rèm mồm, nhìn hai dãy bá quan, hát những câu không ai nghe rõ. Bá quan nghiêm chỉnh thỉnh thoảng sờ nạm râu anh em ruột với râu của vua, mắt liếc ngang liếc dọc ra vẻ trịnh trọng”.
Rồi hai anh kép hát pha trò rẻ tiền “xắn áo thêu, xốc lại mũ, múa may uốn éo, làm bộ giương súng, cưỡi ngựa, vặn ô tô, nhảy xe đạp. Người xem hát cười rầm rầm.” Lúc cả rạp im phăng phắc thì “một luồng gió, qua chỗ đi tiểu đượm mùi cống, lọt vào cửa tò vò, làm cho cả rạp thấy thoang thoảng mùi không khí hăng hăng”! Đó là chưa kể đến đoàn xe quảng cáo mười lăm vị đào kép mới, có những cô tiểu thư “mắt toét, mặt trắng, má đỏ”, những “ông thì mặt đỏ, ông thì râu dài, ông thì mũi hin, tai bẹp, ông trông ra phết thái sư”; lại có một cô tân thời, môi đỏ, đường ngôi rẽ lệch, “chiếc áo căng lườn trông tức anh ách như một bài thơ thất luật”… Những chi tiết trên được sắp xếp tài tình để cuối cùng dẫn đến một kết luận: “Từ hôm sau trở đi, chiều nào cũng vậy, cứ độ năm giờ, bọn đào kép ban An Lạc lại mũ quăng, phấn sáp, râu ria, ngồi trơ tráo trên xe cao su, đi giễu qua các phố để phơi nắng cái đời hát tuồng còn ngắc ngoải. Nhưng những người đã xem diễn qua một tối họ đều chán ngán, nghe tiếng trống kèn cổ động ầm ĩ, họ cũng biết rằng gánh hát còn sống đó, song chẳng ai muốn để ý xem tối nay, trong rạp, bọn vua quan trò hề ấy họ ậm oẹ với nhau những trò gì!”. Đoạn kết trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan rất quan trọng. Chủ đề của truyện bao giờ tác giả cũng gửi vào câu kết. “Câu kết truyện của tôi là một cái lờ. Nó thường làm cho độc giả đột ngột, cũng như đến chỗ hẹp, nước chảy mạnh, thì cá bất thình lình bị đẩy tuột vào hom”.
Nguyễn Công Hoan đã để lại cho chúng ta một khối lượng truyện ngắn phong phú với một nghệ thuật viết khá điêu luyện. Dư luận đều thống nhất đánh giá cao công lao của ông trong việc xây dựng một nền truyện ngắn Việt Nam hiện đại. “Tác phẩm của Nguyễn Công Hoan cũng có thể nói là một “bách khoa toàn thư” về xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Nguyễn Công Hoan là bậc thầy về truyện trào phúng trong nền văn xuôi hiện đại, nhưng ông còn là một nhà văn giàu tình cảm, viết những truyện xúc động người đọc một cách sâu sắc. Chúng ta có thể so sánh ông với những nhà văn viết truyện ngắn trào phúng nổi tiếng nhất như Guy đơ Môpatxăng (Guy de Maupassant), Sêkhôp (Tchékov), Caragialơ (Caragiale)… Ông có tiếng cười muôn hình nghìn vẻ, đặc biệt sảng khoái của người Việt Nam trong nhiều truyện rất hấp dẫn, rất sống, vừa phong phú vừa dễ nhớ… càng đọc càng thú vị; và đóng góp của ông vào văn học thế giới là đề tài của ông đều rút từ cuộc sống thực ở Việt Nam, chứ ông không bắt chước, viết theo (…) một nhà văn ở châu Âu, mặc dù ông cũng viết nhiều truyện ngắn trào phúng xuất sắc như ba nhà văn nổi tiếng trên”.
*
Trong thời kỳ hoạt động văn học trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Công Hoan dốc hết sức vào việc viết truyện ngắn chứ không đặt nhiều công phu vào việc viết tiểu thuyết. Tắt lửa lòng(1933), Lệ Dung (1934), Lá ngọc cành vàng (1935) là những cuốn tiểu thuyết lãng mạn, trong đó Lá ngọc cành vàng có ý nghĩa tiến bộ nhất.
Những cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Công Hoan đã tố cáo bọn quan lại nhưng đứng ở góc độ phê phán lễ giáo phong kiến và đấu tranh cho hạnh phúc lứa đôi. Từ cuối năm 1935 và bước sang thời kỳ Mặt trận Dân chủ, các tiểu thuyết Ông chủ, Bà chủ (1935), Bước đường cùng (1938) và Cái thủ lợn (1939) mới trực tiếp nêu lên vấn đề giai cấp, trình bày mâu thuẫn xã hội ở mặt trung tâm và bước đầu đã xây dựng được những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, do đó chất lượng hiện thực của tác phẩm cũng càng ngày càng sâu sắc hơn. Từ những tiểu thuyết lãng mạn trước 1935, Nguyễn Công Hoan dần dần khẳng định chủ nghĩa hiện thực phê phán trong thể loại tiểu thuyết.
Ông chủ, Bà chủ là tiểu thuyết đầu tiên trong văn học công khai thời Pháp thuộc đề cập trực diện đến xung đột giai cấp giữa nông dân và địa chủ, giữa vợ chồng anh đĩ Nuôi – tá điền – và vợ chồng lão chủ ấp. Nguyễn Công Hoan đứng hẳn về phía những người bị áp bức, bóc lột, tố cáo bọn địa chủ dâm ô tàn ác đã làm tan nát một gia đình nông dân lương thiện: vợ bị bắt đi ở vú rồi bị ông chủ làm nhục, chồng bị bà chủ sai người trói vào gốc cây đánh đến chết, con lên sài vài ngày rồi cũng bỏ vì không có ai chăm sóc! Tuy thể hiện người nông dân còn sơ lược, nhưng nhìn chung Ông chủ, Bà chủ là một bản tố khổ chân thật, gây xúc động trong lòng người đọc. Cuốn tiểu thuyết đã thể hiện sự kết hợp bút pháp châm biếm với bút pháp trữ tình theo kiểu những truyện ngắn Kép Tư Bền, Anh xẩm, Con ngựa già.
Trên kia đã nói, trong những tác phẩm của Nguyễn Công Hoan thời kỳ Mặt trận Dân chủ thì Bước đường cùng là cuốn tiểu thuyết có tính tư tưởng cao và nội dung hiện thực sâu sắc nhất. Đề tài của Bước đường cùng là do ảnh hưởng của sách báo Cộng sản thời bấy giờ. Có thể nói Bước đường cùng đã phần nào minh hoạ một cách sinh động bằng hình tượng nghệ thuật cuốn Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình. Cái vốn sống phong phú là của Nguyễn Công Hoan. Nhưng được ánh sáng tư tưởng của Đảng rọi vào, mọi vấn đề đều hiện lên sáng rõ hơn, mang tính quy luật và có chiều sâu trí tuệ hơn. Sau khi viết xong Bước đường cùng, Nguyễn Công Hoan còn định viết tiếp Bước đường ngoặt và Bước đường sáng mô tả quá trình vô sản hoá và giác ngộ lý tưởng Cộng sản của anh Pha. Tất nhiên, do những điều kiện chủ quan và khách quan ý định đó không thực hiện được.
Bước đường cùng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Nguyễn Công Hoan thực hiện được cái yêu cầu mà Ănghen đề ra cho chủ nghĩa hiện thực: xây dựng những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình. Hoàn cảnh điển hình trong Bước đường cùng đã phản ánh được những mâu thuẫn cơ bản của xã hội bấy giờ, đã tạo điều kiện cho các nhân vật như Nghị Lại, anh Pha bộc lộ hết tính cách của mình. Anh Pha tuy chưa được cá thể hoá cao độ nhưng đã mang đầy đủ những nét bản chất, điển hình cho một bộ phận nông dân bị bọn địa chủ, quan lại đẩy vào con đường bần cùng, phá sản.
Bước đường cùng là một tác phẩm có tiếng vang lớn trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Các báo chí tiến bộ, đặc biệt là báo Tin tức của Đảng khen ngợi và nhiều hội Ái hữu thợ thuyền xin diễn kịch. Bọn thống trị liền tìm cách đối phó. Sáu tháng sau khi cuốn sách được xuất bản, thống sứ Bắc Kỳ ra lệnh cấm lưu hành và tàng trữ Bước đường cùng ở Bắc. Rồi sau đó chúng cấm lưu hành trong toàn Đông Dương. Tuy nhiên 5000 cuốn Bước đường cùng đã đi vào giữa lòng quần chúng đóng góp vào những giá trị tinh thần của một thời kỳ lịch sử.
Nếu như Ngô Tất Tố có Tắt đèn rồi lại có Việc làng thì sau cuốn tiểu thuyết thành công Bước đường cùng, Nguyễn Công Hoan lại viết tiếp Cái thủ lợn (1939). Cũng như Việc làng, Cái thủ lợn tố cáo bệnh hiếu danh của bọn tổng lý cùng những hủ tục ở chốn nông thôn. Đây là câu chuyện tranh nhau ngôi thứ để được phần biếu là cái thủ lợn. Ký Liễu và Lý Trung tranh nhau cái ngôi tiên chỉ trong bảy năm liền, rút cục cả hai đều khuynh gia bại sản vì kiện cáo và khao vọng linh đình, chỉ bở lũ quan lại đục nước béo cò.
Và trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết. Để có tiền ném vào cuộc chạy đua kiếm một chỗ ngồi cao hơn ở chốn đình trung, bọn hào lý càng ra sức đục khoét những người nông dân vô tội.
Cái thủ lợn khép lại một giai đoạn của tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan, bởi vì sau thời kỳ Mặt trận Dân chủ, ông đã lâm vào tình trạng bi quan, mất phương hướng, từ con đường của chủ nghĩa hiện thực đi chệch sang con đường của chủ nghĩa lãng mạn bảo thủ! Đời viết văn của Nguyễn Công Hoan đến 1943 có thể gọi là bế tắc. Buồn vì những truyện ngắn chống chiến tranh như Hồi còi báo động, Êu êu Mê đo bị kiểm duyệt, Pháp xoá hết rồi lại bị treo giò một thời gian, buồn vì “vụ án Thanh đạm” cho là người đời không hiểu mình, mặt khác, cảnh nhà lại vắng vẻ, cho đến 1945 không còn có bóng một người đàn ông, hết người nọ bị đế quốc bắt lại đến người kia bị tù đày, Nguyễn Công Hoan đâm ra chán đời, làm thơ lãng mạn.
Nhà văn cho rằng đời mình đang xuống dốc và sắp đến ngày cáo chung. Nhưng Nguyễn Công Hoan không chết. Cách mạng tháng Tám đã kịp cứu sống nhà văn, giải phóng cho gia đình, đồng thời giải phóng cho ngòi bút viết tiểu thuyết của ông.
Nguyễn Công Hoan chào đón Cách mạng với tất cả tấm lòng hân hoan của mình và ngay khi chính quyền Cách mạng còn trứng nước, phải liên tiếp đương đầu với thù trong giặc ngoài, ông đã hăng hái nhận mọi nhiệm vụ Cách mạng giao cho. Ông làm Giám đốc Sở tuyên truyền Bắc Bộ rồi khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông tình nguyện gia nhập quân đội, làm báo Vệ quốc quân rồi làm Giám đốc Trường văn hoá quân nhân trung cấp, chủ nhiệm tờ Quân nhân học báo. Chính những năm sống gian khổ trong núi rừng Việt Bắc, Nguyễn Công Hoan đã trở thành đảng viên Cộng sản (1948) và khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, do công lao phục vụ quân đội, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng. Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Nguyễn Công Hoan mới trở lại hoạt động trong Hội văn nghệ Việt Nam, được bầu làm Chủ tịch Hội nhà văn, khoá chấp hành đầu tiên (1957) và sau đó là Uỷ viên Ban thường vụ Hội trong các khoá tiếp theo. Điều đáng mừng là từ 1955 về sau, Nguyễn Công Hoan lại viết đều tay và những tác phẩm của ông đã góp phần vào “sự lớn lên của thể loại tiểu thuyết đài những năm 60”. Ta có Tranh tối tranh sáng (1956), Hỗn canh hỗn cư (1961), Đống rác cũ (tập I – 1963), Anh con trai người bạn đọc ấy (1965 – chưa in), Nếu không có anh (chưa in). Ngoài tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan còn có một số bút ký và tuỳ bút có giá trị.
Nhìn chung tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan trước và sau Cách mạng tháng Tám, tuy nội dung có khác nhau nhưng vẫn có chung một số đặc trưng thể loại.
Nguyễn Công Hoan viết văn cùng thời vói Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Trọng Thuật, Vũ Đình Long, cái thời người ta vẫn còn mang nặng quan niệm dùng văn chương để chở đạo đức, để dạy luân lý cho người đời. Vượt qua khuôn khổ của chủ nghĩa giáo huấn và chủ nghĩa quy phạm, nhà văn hiện thực phê phán Nguyễn Công Hoan đã tuân theo chủ nghĩa khách quan lịch sử trong khi phản ánh và bình giá hiện thực. Tuy nhiên, một số truyện ngắn, truyện dài của ông vẫn còn có khuynh hướng chứng minh cho những luận đề đạo đức. Khi ý đồ giáo huấn toát ra một cách khách quan, tự nhiên qua cốt truyện và nhân vật, khi quan điểm đạo đức của nhà văn thống nhất với quan điểm giai cấp của quần chúng lao động thì những truyện ngắn có ý nghĩa giáo huấn đó mang tính chất tiến bộ ( Báo hiếu: trả nghĩa cha, Báo hiếu: trả nghĩa mẹ, Con ngựa già, Xuất giá tòng phu).
Nhưng khi quan điểm đạo đức có màu sắc bảo thủ hoặc cải lương phong kiến thì những tác phẩm của Nguyễn Công Hoan có khuynh hướng rơi vào chủ nghĩa chủ quan, dần dần đi xa chủ nghĩa hiện thực (Cô giáo Minh, Thanh đạm, Danh tiết).
Trước 1945, tiểu thuyết Bước đường cùng không giấu giếm cái ý đồ của một tác phẩm mang luận đề xã hội. Trong tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan, thái độ yêu ghét, nhiệt tình bênh vực lý tưởng của tác giả cũng như khuynh hướng của tác phẩm rất rõ rệt. Đó là một ưu điểm nổi bật. Tuy nhiên có lúc Nguyễn Công Hoan đã hiểu một cách đơn giản quan niệm văn học phục vụ chính trị: “Nghệ thuật là phương tiện vận tải nội dung chính trị. Khi ngồi vào bàn viết, nhà nghệ thuật chỉ còn phải nghĩ việc dùng nghệ thuật cho khéo để đưa cái đề tài có tính chất chính trị ấy cho nó mềm mại, hấp dẫn mà thôi”. “Nghệ thuật là hình thức, chính trị là nội dung”. Nghệ thuật nào cũng có tính khuynh hướng, những nội dung tác phẩm nghệ thuật không phải chỉ có chính trị. Nghệ thuật phản ánh cuộc sống một cách sinh động, trong tính toàn vẹn phức tạp của nó chứ không phải chỉ minh hoạ chính trị. Do cái quan niệm còn có phần phiến diện và đơn giản đó, nên đôi khi Nguyễn Công Hoan có khuynh hướng mượn nhân vật phát ngôn cho những vấn đề đạo đức (Cô giáo Minh) hoặc chính trị (Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư, tập truyện ngắn Nông dân với địa chủ), nhân vật thường bị hiện đại hoá, không có một đời sống riêng, một ngôn ngữ được cá thể hoá.
Tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan cứ như là một tranh liên hoàn của những truyện ngắn nối liền nhau. Nhân vật, tuy có chân dung, lý lịch, có vận mệnh riêng, nhưng đôi khi vẫn bị coi như một công cụ mà tác giả dẫn dắt qua nhiều hoàn cảnh, môi trường của xã hội cũ, từ đó có dịp tố cáo những kiểu người khác nhau của đẳng cấp thượng lưu (Đống rác cũ), những cảnh khổ điển hình của nông dân và dân nghèo thành thị (Bước đường cùng).
Lối xây dựng tiểu thuyết theo kiểu xâu chuối các sự kiện và biến cố, theo kiểu những truyện ngắn liên hoàn – mỗi truyện là một tháp đoạn (épisode) hoàn chỉnh – về thực chất vẫn chưa vượt ra ngoài khuôn khổ lối kết cấu của những truyện kể dân gian theo lối chương hồi của phương Đông hoặc các tiểu thuyết trung thế kỷ và thế kỷ XVI ở châu Âu, trong đó nhân vật phiêu du qua nhiều hoàn cảnh, môi trường khác nhau của xã hội phong kiến. Lối kết cấu tiểu thuyết này, nếu tôn trọng sự phát triển hợp lôgic nội tại của nhân vật, nếu xem việc xây dựng tính cách nhân vật là một trong những nhiệm vụ trung tâm của tiểu thuyết thì vẫn có thể có những tác phẩm xuất sắc. Nhưng nếu như lúc nào đó, nhà văn hiểu nó theo một quan niệm dễ dãi thì có nguy cơ biến nhân vật thành một phương tiện. Trên kia đã nói, trong Bước đường cùng, chương thành công nhất là lúc anh Pha lên công đường hầu kiện. Nhưng ở chương đó, anh Pha chỉ được nhà văn coi như một “cái cớ để tả nổi bật những cảnh ức hiếp, bóc lột ở cửa quyền. Rõ ràng là ở đây anh Pha đóng vai phụ mà những vai chính phải là những tên quan huyện, lính cơ, lính lệ, đội lệ, thừa hái v.v… Cho nên cái gọi là “nội tại” của nhân vật, tức là anh Pha, ở mấy chục trang này, vì lẽ ấy mà không có”. Còn trong Đống rác cũ thì ở một số chương, Anbe Thừa bị tác giả giật dây, đi ngật ngưỡng giữa cuộc đời đen bạc như một con rối! Nguyễn Công Hoan sẽ cho nó, bằng ngón võ lừa bịp, leo dần lên những bậc thang phú quý. Nó sẽ làm lang thuốc, làm chủ báo, làm chủ tầu thuỷ, làm hàn lâm, làm nghị viện dân biểu được thưởng Nam Long bội tinh! Nó sẽ đi qua những môi trường khác nhau, giữ những chức vị khác nhau để tác giả có dịp tố cáo những thủ đoạn tráo trở, lừa bịp của các tầng lớp thượng lưu trong xã hội thực dân phong kiến. Tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan mở ra theo chiều rộng của các môi trường, hoàn cảnh bên ngoài nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến chiều sâu bên trong, đến sự vận động tâm lý của các nhân vật.
Trước Cách mạng, có lúc Nguyễn Công Hoan đã nghĩ rằng mình chưa hề viết tiểu thuyết xã hội mà chỉ viết tiểu thuyết phong tục. Theo ông, Bước đường cùng là tiểu thuyết phong tục. Những chuyện đẻ đái, chửi bới nhau vì mất gà mất qué, thù hằn nhau rồi bỏ rượu lậu vào ruộng nhau, những cảnh thu thuế, đốc thuế, vay nợ, ăn khao, phạt vạ đều là phong tục. Thật ra, Bước đường cùng là một cuốn tiểu thuyết có luận đề xã hội, nó không lấy việc miêu tả phong tục làm cứu cánh. Tuy vậy, không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Công Hoan lại gán cho Bước đường cùng cái tên tiểu thuyết phong tục.
Trong tiểu thuyết, Nguyễn Công Hoan hay mượn các nhân vật, các chương để tái hiện các sự kiện lịch sử quan trọng hoặc gửi gấm vào đấy cái vốn hiểu biết phong phú, đồ sộ của mình về các tầng lớp, các môi trường, các nghề nghiệp khác nhau của xã hội đương thời. Nguyễn Công Hoan rất có ý thức khôi phục lại cái không khí xã hội, các phong tục, sinh hoạt, ngôn ngữ, tín ngưỡng… của một thời kỳ lịch sử. Về mặt này ông là người có biệt tài. Ông am hiểu lịch lãm xã hội cũ, biết rất tỉ mỉ về các địa phương, các danh nhân, đặc sản từng vùng của đất nước; ông lại có một trí nhớ rất đặc biệt, nhớ chính xác đến từng chi tiết nhỏ, nhớ từ cái áo the nước dưa và cái quần cháo lòng lộn trái của tên lý trưởng đến từng lời từng chữ trong cái trát của một viên tri huyện sức về làng, “nhớ như chôn vào ruột” lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động trong đời công đời tư của những kẻ có thế lực, có địa vị trong cái xã hội thực dân phong kiến lúc bấy giờ. Cũng có thời kỳ cái ý định phục hiện lịch sử của ông mang mầu sắc của tư tưởng phục cổ (Thanh đạm), nhưng nhìn chung những trang tiểu thuyết cung cấp cho chúng ta nhiều tài liệu quý về xã hội, sử học, văn học, ngôn ngữ học, kinh tế học… Chúng ta hãy đọc chương XX của Tranh tối tranh sáng, trong đó, qua các phiên chợ của một huyện nhỏ, Nguyễn Công Hoan muốn dựng lại không khí xã hội của thời kỳ nạn đói bắt đầu hoành hành ở nông thôn 1945. Trước hết là bọn đầu cơ tích trữ ùn ùn đổ về, làm cho gạo tăng vọt lên mấy giá trong một ngày. Bọn họ từ Hà Nội xuống, Hải Dương, Hưng Yên sang, là những bà hàn, bà nghị, là người của hãng Chiêu hoà, của An bộ đội, của Yamađa thương cục Nhật Bản, của Viển Đông công ty, của nhà Sa-lê của hãng Măng-đét, của sở Binh lương Pháp. Trên trời dưới gạo nhưng những người đói vẫn kéo nhau từng đoàn rách rưới đi ăn xin và mỗi phiên chợ lại xuất hiện những “người ngồi hàng mới”. Trước hết họ bán áo ba-đờ-suy, giầy Gia Định hoặc những thứ xa xỉ như bát đĩa cổ, hoành phi, câu đối khảm, ảnh thống chế Pêtanh. Hồi sau đã thấy bày những thứ cần thiết cho đời sống hàng ngày: bát đĩa phố, mâm gỗ, nồi đồng, nồi đất, chảo gang…. Hồi sau nữa là những mâm bồng sơn, bát hương, ỉ và áo chủ. Cuối cùng họ dỡ nốt gian nhà ra bán với những cột, xà, rui mè, bó lạt, ôm lá… Từ đó trở đi không thấy người “ngồi hàng mới” đâu nữa. Trên chiếc nền nhà cũ lộ thiên, rêu mọc mỗi ngày một xanh, rau sam lan rộng ra và cỏ lên mỗi ngày một cao.
Con chó vàng thoát chết nay bò về, cuộn khoanh trên nền hè cũ, chờ người chủ nhà không biết đi ăn xin lang thang tận đâu hay đã chết đói ở các lề đường cầu chợ nào…
Đọc một chương tiểu thuyết Hỗn canh hỗn cư, ta thấy Nguyễn Công Hoan nghiên cứu rất sâu các tổ chức cộng đồng ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, những mặt hay và những mặt dở của các phường, các hội, các họ. Hội thì như hội Kỳ Anh của các cụ đến 50 tuổi, phường thì như phường hoạn lợn, phường hát chèo, họ thì như họ cơm, họ thịt, họ rượu.
“Có hội, có phường, có họ người ta mới có thể nói đến chuyện vào nóc ở trong làng như nóc làng, nóc giáp, nóc chạ, nóc tư văn, nóc các cụ… Những hội, phường, họ, nống cho cái tệ hương ẩm, nhưng một mặt cũng thành thói quen tốt cho làng Văn Chương là có ý thức tương trợ. Bởi vậy mấy năm Bình dân, nhiều hội mới (hội tương tế, hội bài trừ hủ tục, hội dạy quốc ngữ, hội tập thể dục) được thành lập”.
Những tài liệu về xã hội cũ mà trước đây Nguyễn Công Hoan chưa có dịp đưa được vào truyện ngắn, truyện dài thì ông đã viết lại một phần trong Đời viết văn của tôi và đặc biệt từ năm 1970, ông đã ghi lại được khoảng 600 sự việc lớn nhỏ. Hồi ký Đời viết văn của tôi làm ta nhớ lại các sự kiện lịch sử 60 năm văn học, đặc biệt là quá trình hình thành từ những bước đầu của các ngành báo chí xuất bản, giáo dục. Tác phẩm này cũng ghi lại phác thảo chân dung của một số nhà văn, nhà thơ như Tản Đà, Vũ Đình Long, Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Nhất Linh, Vũ Bằng, Lê Văn Trương… Năm 1978, Nhà xuất bản Tác phẩm mói đã chọn một số đoạn tiêu biểu (trong số 600 đoạn) in thành Nhớ vào ghi. Trong hoàn cảnh nước ta, trước đây các ngành bảo tồn bảo tàng, xã hội học, dân tộc học chưa phát triển thì đây là những tài liệu rất tốt giúp cho các thế hệ về sau dựng lại bức tranh chân thật về một thời kỳ lịch sử đã qua, đồng thời cung cấp cho họ những chi tiết chính xác về cái xã hội tù túng, quằn quại dưới ách thực dân phong kiến.
Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài… là những nhà văn đã có tên tuổi từ trước Cách mạng tháng Tám. Thông qua tác phẩm của các nhà văn ấy chúng ta có thể rút ra những vấn đề lý luận trong quá trình chuyển hoá về thế giới quan, phương pháp sáng tác và phong cách nghệ thuật của các nhà văn lớp trước, những bài học kinh nghiệm khi viết về đề tài xã hội cũ, những đặc điểm cách tân của tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa so với tiểu thuyết hiện thực phê phán, những yêu cầu nghệ thuật khi xây dựng những bộ tiểu thuyết có quy mô sử thi, có dung lượng lớn và sức mạnh tổng hợp, bao quát được những thời kỳ lịch sử quan trọng của dân tộc.
Những tác phẩm Nguyễn Công Hoan viết sau Cách mạng tháng Tám dường như có ý thức bổ sung nhữnĐống rác cũg mảng hiện thực trước đây chưa có trong truyện và tiểu thuyết hiện thực phê phán của ông. Đống rác cũ viết về thời kỳ 1916 – 1920, trước khi ông viết truyện Sóng vũ môn (1920), Tranh tối tranh sáng và Hỗn canh hỗn cư viết tại thời kỳ 1940 – 1945, thời kỳ có những chuyển biến dữ dội trong xã hội Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện để bùng nổ Cách mạng tháng Tám. Như thế có thể thấy một ý đồ của nhà văn muốn dựng lại trong tác phẩm của mình một chặng đường của xã hội Việt Nam trong 30 năm đầu (1915 – 1945) của thế kỷ XX. Mặt khác, cần thấy rằng văn học hiện thực phê phán Việt Nam có những hạn chế nhất định do đặc trưng của phương pháp sáng tác, do những điều kiện hoạt động công khai ở một nước thuộc địa. Văn xuôi hiện thực xã hội chủ nghĩa cần phải làm nhiệm vụ bổ sung và hoàn chỉnh bức tranh hiện thực trong các tác phẩm văn xuôi hiện thực phê phán, nhất là các mảng đả kích vào bọn đế quốc và bè lũ tay sai, miêu tả phong trào cách mạng của quần chúng lao động, đặc biệt là thời kỳ từ khi Đảng ta thành lập cho đến Cách mạng tháng Tám.
Tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư, Anh con trai người bạn đọc ấy đã có ý thức làm nhiệm vụ đó. Có những mảng hiện thực hoàn toàn mới mẻ, có những mảng hiện thực cũ được tô đậm lại với một cách nhìn sâu sắc, chính xác và toàn diện hơn.
Tranh tối tranh sáng và Hỗn canh hỗn cư đã phát huy được những mặt mạnh vốn có trước đây của Nguyễn Công Hoan trong văn học hiện thực phê phán. Ngòi bút Nguyễn Công Hoan vẫn tỏ ra sắc sảo khi tố cáo bọn nhà giàu tham lam vô độ ở thôn quê, những bọn hào lý kỳ mục sâu mọt, hống hách và ăn bẩn, những bọn quan lại coi việc đục khoét là hành động khôn ngoan “bất độc lớp anh hùng”, những thủ đoạn lừa lọc, dâm ô của các tầng lớp thượng lưu xã hội. Nhưng nếu như trước đây nhà văn tô đậm mặt tham nhũng, dâm ô, đểu cáng thì giờ đây, với một thế giới quan mới, ông đã tập trung tố cáo mặt chính trị phản động và những thủ đoạn bóc lột kinh tế của chúng. Tri huyện Lê Sung (trong Hỗn canh hỗn cư) có cả một chiến thuật khôn ngoan và độc ác để bắt bớ Cộng sản, triệt hạ những thôn xóm và gia đình cách mạng. Hàn Thưởng (trong Tranh tối tranh sáng) là tay chân đắc lực của lão công sử già Vamê trong những âm mưu chống phá cách mạng. Thời kỳ Nhật vào Đông Dương, chúng đứng ra thu mua thóc gạo cho nhà nước và giở những thủ đoạn gian trá để bóc lột dân chúng.
Tranh tối tranh sáng cũng dành cả một chương XXXII để lột mặt trái những trò hề chính trị nhạt nhẽo của Bảo Đại và nội các Trần Trọng Kim, để tố cáo những tấn hài kịch và bi kịch của mấy cái đảng thân Nhật mà thực chất là những ổ phản động và lưu manh đang tìm cách phất lên trong cái không khí lộn xộn, nhố nhăng, ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông! Cứ trở về cái giọng hài hước, châm biếm quen thuộc khi lột trần bản chất hài kịch của giai cấp thống trị suy vong là Nguyễn Công Hoan rất thành công.
Tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa của Nguyễn Công Hoan đã khắc phục được những mặt hạn chế trước đây của tiểu thuyết hiện thực phê phán. Dưới ách kiểm duyệt gắt gao, văn xuôi hiện thực phê phán không có điều kiện tập trung mũi nhọn đả kích vào kẻ thù số một của dân tộc. Giờ đây, lần đầu tiên trong tác phẩm Nguyễn Công Hoan, xuất hiện những phác thảo chân dung châm biếm của các vị thượng quan người Pháp. Đó là toàn quyền Paskiê buôn bán làm giàu bằng cách lừa bịp, toàn quyền Đờcu truỵ lạc, bất lực và hèn nhát, thống sứ Saten được vợ các viên tri phủ, tri huyện khen là tuổi tuy đã cao nhưng tính khí hãy còn “vui vẻ trẻ trung”, công sứ già Vamê đục khoét nổi tiếng mà vẫn cứ muốn được khen là thanh liêm theo kiểu “một thứ cô đầu già, giữ tiếng vô lý là không đĩ”! Cũng lần đầu tiên, trong tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan (Anh con trai người bạn đọc ấy) xuất hiện cả một lý lịch đầy đủ về ngài tổng giám mục Đulây-khâm mạng toà thánh Đông Dương và Thái Lan, một người Ái Nhĩ Lan nhưng nhập quốc tịch Mỹ, về ngài Fr. Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ, giám mục địa phận Phát Diệm, quyền nhiếp chính địa phận Bùi Chu, đại diện quân sự của Quốc trưởng Bảo Đại tại Phát Diệm! Nguyễn Công Hoan có nhiều tài liệu về lý lịch “bất hảo” của bọn phản động chóp bu, nhưng ngòi bút tiểu thuyết của ông thường chỉ sắc sảo, sinh động khi khắc hoạ tính cách bọn tay sai lớp dưới. Đó là linh mục Phan Thành Nhân đưa Pháp về xứ Đồng bắn giết, hãm hiếp, biến gác chuông nhà thờ thành lô cốt giặc và xung quanh thành trại giam người và tra tấn. Cha Nhân đích thân dẫn quân đi càn quét các làng bên lương, cắm thánh giá lên nóc chùa, sai lính đập tượng Phật để “mở rộng nước Chúa”! Hàng ngày Nhân đeo lon trung uý sang bốt làm việc như một sĩ quan trong đội lính đánh thuê, chỉ có sáng chủ nhật Nhân mới mặc áo chùng thâm bịt tà, luồn súng lục vào quyển Kinh Thánh lúc làm lễ! Độc đáo nhất là hình tượng cha Phước, người Y-pha-nho với những thủ đoạn bóc lột và ngu dân vừa trắng trợn, vừa tinh vi xảo quyệt. Là người truyền giảng ở nhà thờ những lúc cần cha Phước cũng chống gậy đi đòi tiền nhà con chiên ở ngoài phố, giàu sụ lên, nhưng vẫn bủn xỉn chi ly từng đồng một với kẻ dưới, tự xưng là “nhà tu hành sống một đời khổ hạnh” nhưng tích trữ vàng như một con buôn và cha thường “lấy hắc ín sơn ra ngoài những thỏi vàng rồi đem nhét chặt vào những đệm”. Cha hành nghề tôn giáo nhưng vẫn làm cả việc thuyết lý, dụ dỗ, doạ nạt công nhân nhà in khi họ đình công và báo mật thám bắt những con chiên dại dột trót xưng tội là đã liên hệ với Việt minh Cộng sản. Cha chỉ huy cả một hệ thống tay sai được phân công tỷ mỉ là thầy Ấn, thầy Điền, thầy Gia, thầy Lễ. Thầy Ấn giúp cha mọi việc kinh doanh in ấn, kể cả việc theo dõi khám xét công nhân và cúp phạt lương tháng. Thầy Gia trông nom việc mua bán xây dựng và thu thuế nhà đất. Công việc của thầy Điền “mặt sắt” là thu tô đòi nợ, “thầy phải vừa cứng rắn cho người ta sợ, vừa mềm dẻo cho người ta khỏi trả ruộng. Nghĩa là cột chặt hai cánh tay người dân cày vào đất đai của Nhà Chung”.
Khác hẳn với thầy Điền, thầy Lễ “đẹp kiểu con gái”, da trắng, má phình, đi đứng khoan thai kiểu nhà nho. Nhiệm vụ của thầy không phải chỉ trông nom việc lễ lạy ở nhà thờ mà Cha giao cho thầy từ việc trong đến việc ngoài, việc chung và việc riêng, việc nhỏ đến việc lớn. Thầy phải theo dõi giáo dân, xem họ có gì sai trái, phạm thời thế hay không? Thầy phải đóng vai trò của người nội trợ, ghi sổ xem ai biếu xén cha những gì, “trong bếp còn bao nhiêu mỡ, bao nhiêu trứng, bao nhiêu bơ, bao nhiêu pho mát, bao nhiêu thịt cá, hoa quả”. Thầy còn giúp cha việc cho vay nặng lãi, tích trữ hàng hoá, trong mấy năm chiến tranh thầy đã chất trong kho nào là xà phòng Con ngựa, nào là sợi Nam Định, nào là vải chúc bâu, nào là giấy nhật trình cùng nhiều thứ khan hiếm khác như dầu hoả, rượu bổ, thuốc đagiênăng, đá lửa”.
Cha giao cho thầy toàn quyền quản lý của cải, dường như buông lỏng không nhòm ngó gì, nhưng đố thày có thể “tơ hào nửa đồng kẽm”! Lần đầu tiên trong tác phẩm Nguyễn Công Hoan, tên cố đạo nước ngoài, kẻ được giao nhiệm vụ chăm sóc phần hồn cho bầy con chiên ngoan đạo ở một nước thuộc địa, đã hiện nguyên hình là tên tay sai nguy hiểm của chính quyền thực dân trong việc ru ngủ, mua chuộc, doạ dẫm những người nông dân công giáo yêu nước, là tên bóc lột vừa thu tô và cho vay nặng lãi theo kiểu phong kiến, vừa đầu cơ tích trữ, kinh doanh theo kiểu con buôn tư sản.
Anh con trai người bạn đọc ấy là một là một bước tiến đáng kể của tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan trong những năm 60. Trong cuốn tiểu thuyết này, Nguyễn Công Hoan đã biết tự kiềm chế mình, ông sử dụng một bút pháp hiện thực tỉnh táo, không pha trộn tuỳ tiện phóng đại và hoạt kê, nên các đối tượng bị đả kích hiện ra chân thật hơn, tác dụng phê phán sâu sắc hơn.
Ông cũng không sa vào cái bệnh hiện đại hoá nhân vật và đôi khi vi phạm tính lịch sử một cách tuỳ tiện, chủ quan như ở một vài cuốn tiểu thuyết khác.
Tuy có những nhược điểm nói trên, truyện và tiểu thuyết những năm 60 của Nguyễn Công Hoan đã góp phần bổ sung và hoàn chỉnh thêm cái tập hợp chân dung của bọn thống trị trong văn học hiện thực phê phán trước đây. Mặt khác, những tập ký như Những ngày tháng Tám ở Côn Đảo (ghi theo lời các chiến sĩ cách mạng), Người cặp rằng hầm xay lúa năm 1930 (ghi hồi ký cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng) cũng như những tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư đã cố gắng dựng lại hình ảnh những chiến sĩ Cộng sản đấu tranh trong nhà tù đế quốc hoặc hoạt động bí mật của phong trào Mặt trận Dân chủ và Mặt trận Việt Minh. Hỗn canh hỗn cư tập trung tái hiện phong trào yêu nước và cách mạng của một làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ những năm trước Cách mạng tháng Tám.
Hình ảnh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm cũng được ghi lại trong tiểu thuyết Xổng cũi (1947), tập truyện ngắn Nông dân với địa chủ (1956) và đặc biệt trong tiểu thuyết Anh con trai người bạn đọc ấy (1965). Tuy còn có những mặt yếu về vốn sống và khả năng thể hiện, nhưng tác phẩm trên đây đã nói lên rất rõ tấm lòng yêu mến và khâm phục của nhà văn Nguyễn Công Hoan đối với các chiến sĩ Cộng sản và nhân dân anh hùng. Đặc biệt trong Anh con trai người bạn đọc ấy, lần đầu tiên hình ảnh người dân công giáo yêu nước và những cán bộ hoạt động bí mật trong vùng tề Bùi Chu, Phát Diệm đã hiện lên khá sinh động và gây những ấn tượng rất đẹp đẽ. Đây là một cố gắng của Nguyễn Công Hoan trong quá trình chuyển hoá từ hiện thực phê phán sang hiện thực xã hội chủ nghĩa, lúc nhà văn đã ngoài 60 tuổi.
Thông qua sự chuyển hoá của ông cũng như của các nhà văn hiện thực phê phán khác, chúng ta có thể rút ra những quy luật chi phối sự chuyển biến về thế giới quan, phương pháp sáng tác và phong cách của các nhà văn lớp trước trong quá trình chiếm lĩnh phương pháp sáng tác mới.
Lao động nghệ thuật là một quá trình lao động công phu, liên tục và đòi hỏi phải hết sức say mê. Trước Cách mạng tháng Tám, trong hơn 15 năm, Nguyễn Công Hoan đã tập trung với nghề viết văn. Tuy bận dạy học, nhưng lúc ăn, lúc sắp ngủ, lúc đứng thẫn thờ một mình, bao giờ ông cũng suy nghĩ đăm chiêu về các cốt truyện và nhân vật, “đến nỗi đối với những sự việc, những nhân vật ở đời, tôi như người đãng trí, vô tình”. Lao động nghệ thuật đối với ông lúc đó là một nhu cầu nội tại. Những trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Công Hoan bận nhiều công tác khác trong quân đội, ông coi công việc viết văn chỉ là phụ, mãi đến sau hoà bình, khi trở lại Hội nhà văn, ông mới tập trung vào chuyện sáng tác. Cái hiện tượng gần như đứt quãng này đã xảy ra đối với một số nhà văn hiện thực phê phán, nó gần như là một quy luật trong thời kỳ quá độ của quá trình chuyển hoá. Nguyễn Công Hoan, cũng như Ngô Tất Tố, lúc bấy giờ có cái dè dặt của một người cầm bút mà tuổi đời đã cao, không còn cái “vui vẻ hồn nhiên”, cái nhạy bén sắc sảo như trước. Nhưng ở đây có những nguyên nhân phổ biến hơn. Đối với cuộc sống mới, con người mới, các nhà văn hiện thực phê phán còn quá bỡ ngỡ. Họ “như cái cây mới đánh lên để trồng lại ra chỗ khác, rễ chưa ăn với đất mới”. Mà vốn sống về xã hội cũ thì chưa biết để làm gì? Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chúng ta chưa khuyến khích các nhà văn lớp trước viết lại về đề tài xã hội cũ. Cho nên có lúc Nguyễn Công Hoan đã nghĩ một cách hồn nhiên: “Tây đi, Nhật cút, vua quan tổng lý đã về vườn, còn đâu là đế quốc và phong kiến nữa mà phải đả kích”. Viết về đề tài xã hội cũ bằng phương pháp hiện thực phê phán thì không được nữa rồi. Mà phương pháp sáng tác mới thì chưa chiếm lĩnh được. Đây là nguyên nhân cơ bản của hiện tượng lúng túng hoặc chưa thành công trong thời kỳ quá độ.
Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa kế thừa những thành tựu của chủ nghĩa hiện thực phê phán, nhưng từ chủ nghĩa hiện thực phê phán chuyển sang chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không phải là một gạch nối thẳng tắp. Ở đây có những nhiệm vụ phải giải quyết như những quy luật trong quá trình chuyển hoá. Trong thế giới quan của các nhà văn hiện thực phê phán nước ta có những ảnh hưởng tích cực của phong trào vô sản và các phong trào dân tộc, nhưng cũng có nhiều ảnh hưởng phức tạp của hệ tư tưởng tư sản và hệ tư tưởng phong kiến. Đó là chủ nghĩa cải lương tư sản, chủ nghĩa nhân đạo tiểu tư sản, tư tưởng bảo thủ phong kiến. Mặt khác, như trên đã nói, trong chủ nghĩa hiện thực phê phán Việt Nam có những ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực và chủ nghĩa tự nhiên.
Không phủ định một cách có ý thức những mặt tiêu cực nói trên, không thể chuyển hoá tốt sang phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nam Cao chuyển hoá được sớm, một phần là vì anh đã được chuẩn bị trong thời kỳ hoạt động văn hoá Cứu quốc bí mật, mặt khác là vì sau này trong Đôi mắt và Nhật ký ở rừng, anh đã có ý thức phủ định một cách mạnh mẽ những mặt yếu trong thế giới quan cũ của mình, nhằm chuẩn bị điều kiện cho sự hình thành một thế giới quan mới. Trong những trường hợp sự phủ định đó diễn ra một cách dễ dãi hoặc có phần chủ quan, thì sớm hay muộn, những mặt tiêu cực sẽ bộc lộ một cách tự phát trong quá trình chuyển hoá. Sự xuất hiện có vẻ như đột nhiên của một số tiểu thuyết mang màu sắc tự nhiên chủ nghĩa (Đống rác cũ) những năm trước sau 1960 chính là nằm trong quy luật đó.
Sự chuyển biến về thế giới quan là một điều kiện tiên quyết, nhưng chưa đủ để bảo đảm cho một nhà văn lớp cũ chuyển mình sang phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Phương pháp sáng tác mới có những yêu cầu mới về mặt điển hình hoá và phản ánh hiện thực, những yêu cầu này quy định nhiệm vụ xây dựng hình tượng con người mới xã hội chủ nghĩa và miêu tả cuộc sống mới một cách lịch sử – cụ thể trong quá trình phát triển cách mạng. Ở nhà văn Nguyễn Công Hoan, vốn sống cũ, nhất là sự hiểu biết những mặt xấu của xã hội thì đã quá thuần thục, nhưng vốn sống mới và sự hiểu biết con người mới thì có những mặt chưa nhuần nhị. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông ở trong rừng với cơ quan, xa nơi làng bản, hơn nữa tuổi đã cao, không có điều kiện xông xáo xuống các cơ sở hoặc tham gia các chiến dịch lớn. Mặt khác, những điển hình con người cũ đã định hình, đã thành khuôn, tạo nên bằng hàng nghìn năm của chế độ phong kiến và bằng ngót trăm năm của chế độ thực dân, còn con người mới thì tính cách chưa định hình, còn đang phát triển, nên rất khó nắm bắt. Điều đáng chú ý là nếu vốn sống cũ không được hoàn chỉnh và bổ sung bằng một vốn sống mới, không được đánh giá lại dưới ánh sáng của một thế giới quan mới thì nhà văn cũng không thể nào thành công khi muốn dựng lại toàn cảnh những phong trào cách mạng dân tộc dân chủ trước Cách mạng tháng Tám.
Văn xuôi hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta đã đi qua một chặng đường hơn 30 năm. Nhìn lại con đường đi của một số thế hệ nhà văn lớp cũ, lớp mới, chúng ta rút ra được một bài học: không thể tiếp cận phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa bằng một lối viết năng khiếu, kinh nghiệm chủ nghĩa. Muốn có những tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa thành công, không thể giẫm chân mãi trên một lối mòn bản năng mà phải vươn cao hơn.
Trước Cách mạng, Nguyễn Công Hoan tiếp thu khá tốt truyền thống thơ ca của dân tộc và những truyện cười dân gian. Nhưng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đòi hỏi dân gian mà phải trí tuệ, dân tộc mà phải hiện đại. Trong quá trình chuyển hoá, một số nhà văn hiện thực phê phán đã không giải quyết được tốt yêu cầu này của phương pháp sáng tác mới. Cho nên khi dựng những cảnh ngắn sinh động như trong cuộc đời thật, họ thường thành công hơn khi viết một truyện dài hoặc xây dựng những tiểu thuyết có quy mô lớn đòi hỏi một trình độ tổng hợp và khái quát cao.
*
Nguyễn Công Hoan là người có công khai phá, mở đường cho chủ nghĩa hiện thực phê phán Việt Nam và góp phần đặt nền móng cho văn xuôi hiện thực với một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Những thành tựu sáng tác vẻ vang đó trước Cách mạng tháng Tám đủ khẳng định ông là một nhà văn xuôi lớn của dân tộc. Năm 1963, nhìn lại bước đường đi và sự nghiệp lớn của một bậc đàn anh đáng kính, nhà văn Tô Hoài viết:
“Nếu ta nhẩm từ cái hồi mà lời văn bổng trầm khóc đứng khóc ngồi đến thời kỳ văn chương sạch sẽ kiểu “Tự lực”, thì lực lưỡng như một tay đô vật không có địch thủ từ Kiếp hồng nhan tới nay, truyện ngắn, truyện dài Nguyễn Công Hoan sừng sững tạo thành một thế Tam Đảo, Ba Vì hùng vĩ, vượt qua cả hai thời kỳ, tiến vào Cách mạng tháng Tám”.
Nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan đã trở thành những tác phẩm văn học “cổ điển” trong chương trình của các trường phổ thông và đại học. Nguyễn Công Hoan đã gây được một ảnh hưởng sâu đậm đối với những thế hệ văn xuôi về sau như Tô Hoài, Bùi Hiển, Nguyễn Khải, Chu Văn…
Những tập bút ký, những tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan sau Cách mạng tháng Tám đã góp phần bổ sung, hoàn chỉnh thêm bức tranh xã hội và cái tập hợp chân dung của giai cấp thống trị mà ông đã dựng lên trong văn học hiện thực phê phán. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Công Hoan sau 1954 không phải chỉ có văn xuôi mà nó còn phong phú hơn, toàn diện hơn. Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn lao động không mệt mỏi, đóng góp phần tích cực của mình vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong sự nghiệp chung của dân tộc.
Nguyễn Công Hoan đã viết đều cho các báo, tạp chí (Văn nghệ, Tác phẩm mới (Tạp chí Văn học) và các Nhà xuất bản (Văn học, Tác phẩm mới). Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông còn cộng tác mật thiết với ban địch vận của quân đội, thường xuyên có bài trên Đài phát thanh, nói chuyện với đồng bào, đồng nghiệp trong cách thành thị còn bị tạm chiếm ở miền Nam. Nguyễn Công Hoan là người đã theo dõi, đã chứng kiến nhiều sự kiện xã hội, chính trị và văn học những năm đầu thế kỷ XX; từ khi còn là học sinh, ông đã rất say mê truyền thống văn học trào phúng của dân tộc. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Công Hoan đã viết được nhiều tiểu luận nghiên cứu có giá trị về Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thiện Kế, Tú Xương, Tản Đà, Tú Mỡ, trong đó đáng chú ý nhất là những bài Con người Tú Xương, về cuốn Thơ văn Nguyễn Khuyến.
Những bài hồi ký, biên khảo của Nguyễn Công Hoan, mặc dầu có những điểm còn phải trao đổi bàn bạc thêm, nhưng đã cung cấp cho người đọc những nhận định, những tư liệu quý để khắc hoạ một chân dung văn học (Tản Đà, Tú Mỡ), xác định một văn bản, một tiểu sử, một chi tiết về phong tục sinh hoạt của xã hội Việt Nam thời trước. Vốn là người hiểu biết khá rõ về gia đình các nhà nho và từng lớp quan lại Bắc Kỳ hồi đầu thế kỷ, nên ông có khả năng đính chính xuất xứ và chú thích các bài thơ rất tốt. Qua những bài viết về Nguyễn Khuyến, Tú Mỡ, ta thấy Nguyễn Công Hoan còn làm thơ trào phúng và hiểu biết về thơ khá sâu sắc.
Trong Hội nhà văn, Nguyễn Công Hoan là một nhà văn thuộc lớp anh cả, lại là một cây bút bực thầy, nhưng ông vẫn khiêm tốn viết hàng loạt bài phỏng vấn các đồng nghiệp để khéo léo giới thiệu kinh nghiệm sáng tác cho thế hệ trẻ (Hỏi chuyện các nhà văn). Ông khuyên các nhà văn trẻ phải “giữ vững bản sắc dân tộc”, “cố gắng dùng cho hết tiếng nói Việt Nam”, “dùng cho đúng lối nói Việt Nam”. Muốn thế phải có một vốn ngôn ngữ giàu có, phải luôn luôn “học” quần chúng để hiểu biết tiếng mẹ đẻ.
“Tôi rất lấy làm xấu hổ vì mang tiếng nói là người viết văn, tôi chưa biết hết nghĩa của tiếng nói Việt Nam. Nhất là những nghĩa của phương ngôn, tục ngữ. Và tôi chưa tận dụng được tiếng nói và lối nói đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Ví dụ thế nào là Con dao hai, con dao ba, thế nào là vớ cọc chèo".Nguyễn Công Hoan đã cộng tác với các cơ quan khoa học xã hội trong việc soạn từ điển và ngữ pháp Việt Nam. Nhờ vốn hiểu biết sâu sắc về xã hội cũ mà trong các bài viết về ngôn ngữ, ông có biệt tài khi xác định từ nguyên của các chữ và đính chính lại một số phương ngôn, thành ngữ bị hiểu sai nghĩa.
Sự nghiệp văn học của Nguyễn Công Hoan phong phú nhiều mặt. Những tác phẩm của ông không những được bạn đọc trong nước hâm mộ, yêu mến mà còn có tiếng vang rộng khắp ở nước ngoài. Nhiều truyện của ông đã được dịch ở Liên Xô, Bungari, Hunggari, Anbani, Cộng hoà dân chủ Đức, Cu Ba, Ba Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản…
Nhà nước ta đã tặng thưởng nhà văn Huân chương Lao động hạng nhất về sự nghiệp sáng tác của ông. Nguyễn Công Hoan là tấm gương của một người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho sự nghiệp văn học, tấm gương của một nhà văn đã lao động không mệt mỏi suốt nửa thế kỷ, từ khi còn là một học sinh trên ghế nhà trường cho đến lúc đã nằm trên giường bệnh, tấm gương của một nhà văn yêu nước, một ngòi bút chiến đấu vì lẽ phải, không sợ bất cứ một sự đe doạ nào của chính quyền thực dân phong kiến, tấm gương của một nhà văn Cộng sản chiến đấu cho độc lập tự do và lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
(Lời giới thiệu
Tuyển tập Nguyễn Công Hoan.
Nxb Văn học, 1983.)
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉