2. Mời đọc Bản đánh máy
3. Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
4. Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời nghe đọc
Diễn đọc: 1. Hồng Huệ | 2. Cô Vân | 3. Thái Hoàng Phi | 4. Cô Trinh | 5-12. Cô Vân (Chương 1-8) | 13-20. Thái Hoàng Phi (Chương 1-8)
6 Kênh 8 Video
2. Kênh Cô Vân
3. Kênh Cô Trinh; Hồng Trinh
Mời đọc Bản đánh máy
Ông Chủ
Để đọc, xin nhấp chuột vào chương muốn xem.
Diễn đọc:
1. Cô Vân
2. Thái Hoàng Phi
I - Hai vợ chồng nhà Đĩ Nuôi
Bừa quàng mảnh này lên, tao phải đi xuống xóm có việc.
- Bố nó thử miết như tôi xem có nổi hai luống không nào. Nặng chết cha len ấy còn cứ giục mãi! Đi đâu mà vội lắm thế?
Thấy vợ vùng vằng đứng lại càu nhàu, anh Đĩ Nuôi vội làm lành dỗ dành:
- Thôi đi!
Bốn ống chân lại thong thả, cái thì đâm thụt xuống ruộng lầy, cái thì rút lên, làm sóng sánh mặt nước đặc sịt những đất. Trời nắng chang chang, một sợi mây cũng không có. Hơi nước bốc lên, nóng hôi hổi. Thỉnh thoảng một luồng gió nổi lên như đưa ngọn lửa vào mặt. Chị Đĩ Nuôi gò lưng, lau mồ hôi nó làm lụt cả trán rồi ôn tồn hỏi chồng:
- Bố nó bảo phải đi đâu nhỉ?
- Thế u mày quên tao đã nói hôm nọ rằng mai là ngày đầy tuổi tôi anh bé mà.
- À nhỉ, chóng quá. Vừa độ nào nghe nói bà đẻ anh ấy, bây giờ đã được một năm rồi. Nhưng bố nó đi xuống xóm làm gì?
- Để kiếm tiền mà mua cái gì sang mừng ông bà. Mai ông cho ăn cỗ kia mà.
- Chà, vẽ! Là đầy tớ, có mặt đấy là đủ, việc gì phải mừng. Ông bà ấy có chấp đâu mà ngại.
Hai tay nâng cái bừa, anh Đĩ Nuôi nhăn mặt, nói:
- U mày không biết thì mặc kệ tao làm. Là tao cốt để ông bà thương lại mà khoan cho cái món thóc trước. Thôi bừa cố đi.
Chị Đĩ Nuôi thở dài vắt tay ra đằng sau để co đầu dây rồi nói:
- Thế thì lại mất tiền mừng ít ra là hai hào bạc.
- Chứ lỵ! Chẳng lẽ ai ai đều có đồ mừng mà mình thì trơ thần xác! Chả dại, rồi lại như nhà bác Năm Chù, chỉ thiếu có mỗi cái tết tháng mười mà bây giờ đến nỗi vợ chồng con cái xa lìa nhau mỗi người một nơi.
- Chả phải. Chắc tại bác ấy nợ ông ấy nhiều quá, nên ông ấy mới không phát ruộng cho làm nữa. Thì vụ nào cũng ỳ ra, chả lẽ người ta cho mình cấy ruộng để người ta lấy lạy lấy van trừ à? Ai khờ gì!
- Đấy như nhà bác Nam hầu hạ ông đã đến ba mươi năm nay, mà đánh vụt một cái còn bị đuổi nữa là mình.
- Nhưng mà mua cái gì vừa vừa tiền chứ thôi bố nó ạ.
- Ừ, tao định mua hai cân đường cát.
Chị Đĩ Nuôi buồn rầu đáp:
- Chả biết hai cân đường vào nhà người ta có được nghề ngỗng gì không, hay người ta lại vứt xó, mà mình lo được hai cân đường thì méo mặt lên, vợ chồng con cái nhịn ăn đến ba bốn bữa!
Lau mồ hôi khắp mặt, anh Đĩ Nuôi cười để an ủi vợ:
- Thì ở đời, ta phải chiều đời, u mày phàn nàn làm quái gì.
- Nhấc cao lên một tý, sao nặng thế? Đấy mình chỉ làm ốm xác để cho hạng người có sẵn tiền được sung sướng! Họ thật, là ngồi mát ăn bát vàng. Quanh năm chẳng phải vất, vả tí nào, rồi đến vụ gặt cứ việc ung dung đi thu lúa.
- Nghèo thì chịu làm đầy tớ chứ sao!
- Thế bố nó lo tiền đâu mà đi mừng?
- Tao đã hỏi vay được anh Mai ở dưới xóm rồi. Mai ta phải nghỉ buổi bừa cánh gò ông Mật. Có lẽ sang ông thì mất cả ngày.
- Làm gì cả ngày?
- Phục dịch vào bữa cỗ ấy. Ông mời đông khách lắm! Mà mai cả u mày lẫn cái Đĩ đi mà ăn cỗ.
- Chả, ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng. Ai phải vạ.
- Tội gì, thì đằng nào cũng phải mất đồ mừng kia mà.
- Chả, cái Đĩ nó bé, lỡ nó bậy bạ ra đấy thì khốn!
- Ngại gì! Rồi mai vợ nào chồng nấy, đến đông vui đáo để.
- Tôi chịu thôi! Từ thuở bé tôi chửa đến nhà ông ấy bao giờ, thì ai biết làm thế nào?
- Làm thế nào? Người ta lên nhà chào ông bà, rồi xuống bếp chứ!
Chị Đĩ Nuôi cười sằng sặc, pha trò:
- Thế mà gọi là ăn cỗ! Thì ra mình dọn cơm, rồi mình bưng mâm cơm lấy cho mình ăn à!
- Đài lắm, chứ còn gì nữa! Bao giờ chả thế.
- Gớm nhưng mà quần áo như con bạch tuộc thế này ấy à?
- Cần gì. Cốt mình làm cho ông bà biết là mình thành tâm thì thôi. Tốt lễ dễ van, vì mình còn nợ người ta, nên mình phải lụy. Vả từ ngày u mày làm bạn với tao, tao chưa đưa lên chào ông bà được, tao áy náy lắm.
- Ai người ta để bụng mà sợ.
- U mày tưởng ai cũng nghĩ như mình đấy à? U mày mới đến đây, đã biết tính ông bà đâu. Hơi một tí là chấp trách đây.
- Tôi tưởng người ta giàu, thì ai thèm xét nét đến những cái nhỏ nhen. Tôi thấy có một lần ông ấy cưỡi ngựa đi khám ruộng, tôi chào, thì ông ấy chào lại tử tế lắm.
- Ấy chỉ có cái bề ngoài ăn người mà thôi. Càng những người ấy càng khó dò bụng. Trong bụng họ chả chứa đầy dáo mác, sao họ giàu chóng được thế.
- Thế à?
- Thôi thì làm mau lên!
Lúc ấy mặt trời đã hơi xế. Ánh nắng chiếu vào ruộng hắt lên long lanh. Anh Đĩ Nuôi nhìn bốn bên, cánh đồng bát ngát, những người làm các nơi cũng đã nghỉ tay cả. Vợ anh thì cố gò lưng co tay để kéo bừa, vừa miết vừa hỏi:
- Ông ấy người đâu ấy nhỉ?
- Thôi làm mau lên!
Nhưng tò mò, chị Đĩ Nuôi lại hỏi:
- Ông ấy người đâu, bố nó không biết à?
Một là muốn lảng, hai là giữ ý, anh Đĩ Nuôi lại giục:
- Sắp xong rồi, cố đi.
- Thế ông ấy độc ác lắm à?
- Ồ! Hỏi mãi. Việc gì đến mày. Mày chỉ nên biết rằng mình lĩnh ruộng người ta thì phải nộp thóc cho người ta. Hỏi gì?
- Gớm hỏi thế mà cũng chả bảo. Thì việc quái gì mà chả nói. Mình làm đầy tớ, cũng nên biết tính ông ấy một tí chứ sao. Thế mà bố nó còn bảo mai tôi sang nhà ông ấy.
- Nhưng đàn bà hay hớt lẻo lắm. Nhỡ ra tai vách mạch rừng thì khốn.
- Ai nói với ai mà sợ. Rõ khéo lắm, nói chuyện đi cho vui.
Muốn chiều vợ, anh Đĩ Nuôi nói:
- Thế mày biết mặt ông ấy rồi đấy chứ?
- Có mỗi một lượt ấy, tôi thấy thoáng ông ấy cưỡi ngựa đi qua. Người ta bảo ông chủ, thì tôi cũng ngả nón chào.
- U mày còn nhớ mặt không?
- Hơi thôi. Tôi thấy ông ấy mặc quần áo tây vàng, lận đôi giày ông lên đến đầu gối như bùn ở cẳng tôi thế này này. Ông ấy đội cái mũ vải vàng xòe ra như cái nón. Mặt ông ấy đen đen. Ông ấy đeo kính râm.
- Phải, nhưng mai đừng gọi là ông ấy nhé!
- Gọi ông thôi ấy à?
- Ừ, ông người ở Thái Bình, giàu lắm. Suốt cả cánh đồng này là ruộng của ông.
- Mẹ ơi? Thế à, làm thế nào mà có lắm thế nhỉ?
- Có lắm tiền thì làm dễ. Chỉ hạng mình là khốn đốn, đến đời mục xương cũng không vắt mũi để đủ đút miệng!
- Có phải ông ấy cho người ta vay rồi lấy ruộng phải không?
- Người ta cũng có giàu từ trước đấy chứ. Một cái cơ nghiệp của ông cũng hàng mấy mươi vạn bạc.
- Thế à? Mấy mươi vạn bạc! Mình thì kiếm mấy mươi vạn cái vẩy hến cũng khó.
- Mai thì mày ăn nói giữ miệng nhé, đừng toe toét như ở nhà nhé. Ông, mà nhất là bà, hay ý tứ lắm. Lỡ ra thì mất cả làm ăn.
- Ông có hay đánh không?
- Còn phải nói, chúa ác đấy! Nghĩa là mấy năm nay tất cả bao nhiêu người lĩnh ruộng cũng đều thiếu thóc cả, thì ông chịu đó mà thôi, chứ mà ông biết đứa nào cố ý không nộp đủ thóc, thì chết với ông.
- Ông làm gì?
- Ông gọi vợ con lên, có khi bắt cả đồ đạc của người ta, chửi rất tàn nhẫn.
- Thật à? Thế mai tôi chả sang mà nhà cũng đừng đi nữa.
Chị Đĩ Nuôi có vẻ lo sợ, nhưng chồng nói:
- Người ta làm thế cũng phải. Nếu không ai cũng ỳ xác ra đấy thì người ta làm thế nào?
- Nhưng mà thế cũng là quá lắm. Vợ con người ta làm gì nên tội.
- U mày còn nhớ ngày vừa rồi anh cu Tý gặt được bằng nào, ông lấy cả không nhỉ?
- Còn, thế thì ăn bằng gì?
- Mặc kệ, bởi anh ấy dại. Như tao khôn, thì khi gặt, giấu đi để nhà khác. Anh cu Tý không ngờ thế, cho nên anh ấy phải đi siêu mà.
Nói đến đó thì bừa hết ruộng. Chị Đĩ Nuôi thở phù một cái rồi nhấc vai bừa, cuộn vào dây đưa cho chồng. Anh Đĩ vác bừa lên vai, rồi hai vợ chồng thủng thỉnh đến chỗ cây đa gần đó. Anh Đĩ Nuôi phùng mồm thở dài rồi lấy nón quạt. Chị Đĩ sắp lại quần áo rồi ngồi phệt xuống cỏ, vẻ mặt lo lắng. Chị trật yếm ra nhăn mặt xuýt xoa, lấy tay giay vú rồi vắt sữa nói:
- Chẳng biết cái Đĩ có chơi ngoan không. Mình vì miếng ăn mà phải liều lĩnh để con cho người ta bế. Chẳng biết nó đã bú chực tí nào chưa.
Anh Đĩ Nuôi nhìn vợ, bỗng thấy sung sướng lạ. Anh tủm tỉm cười sung sướng âu yếm nói:
- Cái sung sướng bề ngoài với bề trong cũng ngang nhau.
Câu ấy có ý nghĩa rất sâu xa.
Anh Đĩ Nuôi quả vậy, là một người rất sung sướng. Mỗi khi làm lụng vất vả thì chỉ nhìn vợ bế con, anh quên hết nỗi nhọc nhằn, khổ sở. Vợ con anh tức là giang sơn của anh, anh cũng quý như người ta quý cái két bạc vậy. Vợ anh là một người khác làng với anh. Tuy bây giờ đã có con, và quanh năm đầu tắt mặt tối với anh để cùng anh lo miếng ăn, nhưng cái nhan sắc ngày còn con gái không vì đó mà kém bớt. Ngày còn con gái chị Đĩ Nuôi đã làm cho trai làng nhiều anh phải say mê. Quanh năm chị mặc cái áo đổi vai mà thứ áo đổi vai ở vùng chị là một cái "mốt". Nhưng mà cái mốt không bao giờ thay đổi. Có cái áo nâu non mới hẳn hoi, người ta cũng may cả một nửa trên bằng the. Mà dưới cái áo cánh hồ lơ của chị, tuy giặt nước ao nên nó trắng đục, bao giờ cũng xỏa múi cá vàng như những cánh hoa vạn thọ. Những cách trang sức nhân tạo ấy, đời đời lúc nào cũng thế, cho nên trông quen mắt nó lại có vẻ thiên nhiên. Vì thế nó càng làm tăng cái nõn nà cho những cô con gái hơi có nhan sắc. Nhưng chị Đĩ Nuôi chẳng phải nhờ cách điểm trang bề ngoài mới có vẻ đẹp. Một cái cổ tay tròn trĩnh mũm mĩm của chị, cũng đã làm cho chị hãnh diện với chị em. Thế mà chị còn cái mắt bồ câu, cái mũi dọc dừa, cái miệng nhỏ tí và đôi môi hơi cong, là những thứ mà cô gái Hà Thành vẫn muốn. Mà thế thật. Ngày hội năm kia ở làng chị, đã có hai người mặc quần áo tây, vai đeo hòm ảnh, cố đuổi theo chị mà tán gẫu, nhưng không ăn thua.
Sau hai người lừa chị ra chỗ vắng để chụp trộm, nhưng suýt nữa cuộc ấy gây thành án mạng, vì chị kêu lên, tuần làng đổ ra. Nếu hai ông thiếu niên ấy không nhanh mồm, thú thực mình là phóng viên nhà báo, và phỉnh rằng mình định đến điều tra cái thuần phong mỹ tục của làng, cùng chụp ảnh những cái đẹp để in vào báo, thì có lẽ đã bị một trận nhừ tử.
Trời se chị ấy lấy anh Nuôi thật là vừa lứa. Chị đã từ chối làm dâu ông Chánh Bá, làm lẽ cụ Lý Năng. Chị chỉ ưa anh Nuôi vì anh ấy hiền lành chân chỉ, biết siêng năng công việc. Vả con nhà làm ruộng thì không gì phải hơn là lại lấy chồng làm ruộng.
Thế cho nên khi nghe thấy mẹ đắn đo hỏi dò ý kiến xem chị có bằng lòng lấy anh Nuôi không, thì hai má chị hây hây, chị mỉm cười, nguẩy một cái:
- Gớm tôi không biết!
Rồi bẽn lẽn, thẹn thò, chị cắm cổ chạy mất.
Trải qua một dạo chị em chế riễu, trai làng mỉa mai, chị vừa vui vừa tủi.
Nhưng mà độ gần cưới, anh Nuôi đã phải chịu nhiều nỗi chua cay. Người ta ghen tức, đặt nhiều điều nói rằng chị Nuôi ái nam. Người ta làm vè truyền tụng cho nhau hát, rồi chép ra giấy dán khắp cả ngã ba ngã tư. Ngày cưới, anh lại càng điêu đứng. Người ta chăng dây người ta đóng cổng định trói cổ chú rể điệu lên quan, vu là cộng sản.
Thắng nổi bao nhiêu nỗi khó khăn, anh chị nay đã nên vợ nên chồng. Rồi ăn xong cái tết, anh lại ngậm ngùi khăn gói lên đường để vợ ở nhà, thu xếp tiền nong, chỗ vay chỗ trả. Nhưng mà lời ong tiếng ve vẫn chưa dứt, nhất là khi chị Nuôi có việc về làng. Trước người ta gặp chị, người ta nói cạnh:
Cô có chồng anh tiếc lắm thay!
Bây giờ thấy chồng đi vắng, người ta gạ sát: Có chồng càng dễ chơi ngang. Hoặc ngắm cái bụng chị người ta thì thào rồi nói bâng quơ có ý ngờ vực:
Kể từ chồng trước đến chàng là năm
Còn như yêu vụng giấu thầm,
Họp chợ trên bụng độ dăm trăm người.
Bởi vậy muốn tránh nỗi bực mình, muốn gần gụi chồng để giúp đỡ chồng nên đẻ được hơn một tháng, chị Đĩ Nuôi lo tiền ô-tô để lên với chồng.
Anh Đĩ Nuôi thu xếp làm được một túp nhà con con để vợ chồng con cái ăn ở với nhau. Người trong ấp thấy chị thật thà tử tế, đều có lòng yêu mến, quây quần.
Nhưng mà bao giờ anh Nuôi cũng nghèo, bao giờ chị Nuôi cũng đẹp, thì cảnh không hợp người, người không hợp cảnh, nên chị Nuôi ở đâu cũng là một cái đầu đề cho người ta nói vụng.
Người thì chê:
- Anh Nuôi dại quá, cho vợ đến chỗ đồng đất nước người.
Người thì phàn nàn:
- Lại đem mỡ vào miệng mèo.
Người thì thở dài:
- Nghèo mà có vợ đẹp, cũng là cái tội.
Song, anh Nuôi chưa hề nghe thấy những dư luận xôn xao ấy, mà dù có nghe thấy, nào anh đã hiểu là chi.
Cho nên những khi công việc xong xuôi, anh ngồi đầu hè, cạnh vợ, vần con, rồi ngắm vợ, ngắm con anh tươi cười tự đắc, nói:
- Giá không có mình, có cái Đĩ, thì tôi ham sống làm gì nữa!
II - Má đào - Mắt xanh
Sáng hôm sau, hai vợ chồng Đĩ Nuôi đi từ lúc mờ mờ đất.
Mặt trời lên cao dần, chói lọi. Đường qua các bờ ruộng, rất khó đi. Chị Đĩ Nuôi bế con sã cả cánh tay, mồ hôi nhễ nhại. Hai má chị đỏ rừ. Vai áo ướt đầm.
Anh Đĩ Nuôi, tay xách khăn gói, thấy vợ có dáng mệt nhọc thì an ủi:
- Đi một thôi nữa thì đến. Hẳn hôm nay ông vui vẻ, ngọt ngào, chứ không gắt giống như mọi bận.
Vợ anh nhìn anh, tươi cười rồi bĩu môi đáp:
- Lấy đường để hòa vào lời nói, thì làm gì mà chẳng ngọt ngào!
Rồi chị cười xòa, đắc chí.
Một lúc, anh Đĩ Nuôi lo lắng, dặn vợ:
- Hễ ông bà có hỏi u nó xuống từ bao giờ, thì u nó cứ bảo mới từ tháng trước nhé.
- Ừ, nhưng lỡ ông nhớ mặt tôi vì đã gặp một lần, thì sao?
- Không, nhớ sao được. Mà hễ ông có hỏi han công việc của tôi, thì u nó cứ nói không biết nhé.
- Ừ.
- Tại ngày mùa vừa rồi, tôi gặt lúa về nhưng đem giấu đi một chỗ, thành ông không bắt nợ được. Ông dọa rồi vụ này sẽ cho người đến gặt lấy. Khi tính hết nợ cũ rồi mới để phần cho mình gặt.
Chị Đĩ nhìn chồng, kinh ngạc:
- Thế thì còn phần mình gì nữa! Ông ấy lấy nợ thì hết. Mình thành ra công cốc.
- Cần gì, hãy biết thế. Rồi mình có cách khác.
Vợ thở dài, bảo chồng:
- Nghèo mà làm ruộng cho những ông chủ ác, thì mình chỉ là đầy tđ không công mà thôi. Họ bóp mình quá bọn tây đen cho vay lãi. Dạo tháng hai, thầy nó vay của ông chủ mấy thùng thóc giống?
- Cây năm mẫu thì vay năm thùng.
- Năm thùng. Sao ông ấy tính giá 0$50 một thùng, mà nhà cũng chịu? Rồi đến tháng mười, ông ấy lấy gấp đôi, tức là mười thùng. Nhưng ngày mùa, thóc chỉ bán được có 0$35 một thùng. Tính ra mình phải nộp ngót 15 thùng à?
Chị Đĩ Nuôi lắc đầu, chép miệng, nói tiếp:
- Cũng may mình không thuê trâu đấy. Giá thuê nữa thì chết!
- Phải, mỗi con trâu mua độ 20$, mà mình cũng thuê từ tháng hai đến tháng mười phải trả bằng thóc, cũng đến 15$ ấy.
- Chết thật! À, mà nhà ta còn vay ông thóc ăn đấy nhỉ!
- Phải, vay năm mươi thùng. Rồi cũng phải nộp gấp đôi. Nhưng tính giá thóc tháng mười, thì cũng ra gấp ba! Ay mình lại nai lưng cật sức làm lấy, nên không tôn kém lắm. Lại còn vay đóng thuế, mỗi mẫu 2$50, rồi cũng phải nộp gấp ba như lôi vay thóc giống, thuê trâu ấy.
- Hỏng, thế này thì làm ruộng càng ngày càng nợ vào mất.
- Biết vậy mà vẫn cứ phải theo đuổi. Thì nó cũng như đánh bạc, gặp năm thóc cao, thì tha hồ sung sướng.
- Nói làm gì sung sướng vội, hãy mong hết nợ chủ cũng đã khó lòng. Thế sao năm nào cũng có người nợ, mà ông chủ vẫn cho người ấy cấy?
- Không cho thì làm thế nào? Để người ta nộp dần chứ đòi ruộng thì mất nợ.
Chị Đĩ Nuôi lau mồ hôi, đổi tay bế con rồi hỏi:
- Liệu thầy nó xem làm lụng có đủ ăn, không có thì trốn biệt quách đi một chỗ có hơn không? Tội gì đeo đuổi mãi cái nghề vất vả này!
Anh Đĩ Nuôi lắc đầu:
- Không thể được. Được ông chủ tin mà giao ruộng cho làm, cũng đã khó lắm rồi. Bây giờ đi nơi khác, ai người ta biết mình là thằng cha căng chú kiết nào mà tin? Rồi lại bò về chủ cũ, thì ai thừa ruộng giao cho mình nữa. Vả làm ôn có giấy má. Ngay từ mình vay một hai đồng cùng còn phải làm giấy cẩn thận, nữa là. Thôi, chủ nào chả thế.
- Thế ra mình chỉ làm cỗ sẵn cho ông ấy xơi thôi!
- Thì mình không tiền, nên phải chịu vậy, chứ sao!
- Nhưng sao thầy mày vay lắm thế?
- Tôi có muốn vay đâu, nhưng ông cứ bắt vay.
- Thế à? Sao lại chịu.
- Không chịu thế, ông đòi lại ruộng, thì mình chết đói.
Chị Đĩ Nuôi buồn rầu:
- Thế thì hẳn kiếp trước mình nặng tội, nên bây giờ mới phải đày làm kiếp điền tốt không có vốn như thế này đây.
Rồi hai vợ chồng cùng thở dài, buồn rầu, nghĩ ngợi. Đồng lúa mới cấy xanh rờn, rập rềnh theo gió. Mùi thơm đưa thoang thoảng. Chị Đĩ Nuôi cười, trỏ tay, bảo chồng:
- Công mình mà người ăn. Thật là dại.
Anh Đĩ Nuôi can mặt:
- Thôi, không nên nói nhiều! Nhất là mình đã gần đến nơi rồi.
- Sợ gì, chỗ này có ai nghe tiếng mà cần?
- Nhưng cũng không nên nói mà nó quen mồm đi. Lỡ rồi đến đó cũng buột miệng ra thì chết! Nhờ người ta còn oán người ta.
- Tôi xem thế này thì mình suốt đời làm đầy tớ. Giá có nghề nghiệp khác mà kiếm ăn còn hơn.
- Thôi, không nói nữa. Kìa, con chó con nó nhìn tôi, nó cười kìa.
Chị Đĩ Nuôi ghé môi, hít vào má con bé. Con bé nhảy nhót trên tay mẹ, cười sằng sặc, giơ tay đằng trước, ê ê với bố. Anh Đĩ Nuôi vui vẻ bảo vợ:
- Từ ban nãy đến giờ, nói chuyện tiền nong, lúa má, chán chết lên ấy. Để bụng mà đùa với con có hơn không!
Rồi anh giơ tay âu yếm bế con đỡ vợ.
Mặt trời lên cao. Ánh nắng giọi xuống, nắng như lửa.
Hai vợ chồng đi một chốc thì đến đường quành, bỗng anh Đĩ Nuôi dừng lại, bảo vợ:
- Thôi nhé, ông kia kìa.
Đằng trước, một người mặc áo gấm lam, đội mũ vải vàng vành to tướng, đương chỉ trỏ bảo mấy người đứng trước mặt, tiếng nói sang sảng.
Anh Đĩ Nuôi đưa con cho vợ bế, giở bọc ra, lấy khăn chụp vào đầu, rồi lấy áo dài vải thâm ra mặc. Chỉ một lát, trông anh đã khác hẳn mọi khi.
Rồi hai vợ chồng lại đi, cùng có vẻ lo lắng.
Tới gần ông chủ, anh Đĩ Nuôi chắp hai tay vái.
Ông chủ gật đầu, đi vào.
Chị Đĩ Nuôi theo ông chủ. Chị nghĩ lại cái mặt đen sạm của ông mà sợ. Chị nhìn vườn tược, nhà cửa rộng rãi, mát mẻ mà tủi thân. Đàn chó xổ ra sủa vang. Cái Đĩ khóc thét lên. Anh Đĩ Nuôi quay lại, trợn mắt, hết hàm ý bảo vợ. Chị Đĩ Nuôi vội vàng bịt mồm con lại.
Lên thềm nhà, ông chủ bảo:
- Vào đây.
Rồi ông mở cửa. Anh Đĩ Nuôi theo vào, bảo vợ đứng đợi ở hiên. Chị Đĩ Nuôi ngồi phệt xuống đất, trật vú cho con bú. Liếc mắt vào trong nhà, chị thấy chồng luống cuống tìm cái khay, rồi đặt hai gói đường, và gãi tai nói gì khẽ lắm. Chị vơ vẩn nhìn xung quanh. Dưới bếp, người đi kẻ lại tấp nập. Chị đoán chắc hôm nay được ăn cỗ to.
Bỗng chị nghe thấy chồng nói:
- Bẩm lạy ông, ông không thương, thì con đến bán cả vợ con đi cũng không đủ nộp ông.
Một tiếng gắt:
- Mặc kệ mày!
Chị run sợ, lắng tai, rồi đứng dậy, ngó vào. Chị thấy chồng chị lạy van ông chủ hoãn cho món nợ, và khất đến tháng mười. Chị thở dài, bụng bảo dạ:
"Chả cho khất thì bắt bò người ta chắc!" Rồi chị nghe thấy tiếng lanh lảnh:
- À, Đĩ Nuôi đây à? Lấy vợ đã có con mà không cho ông bà được miếng trầu!
Chị giật mình đánh thót. Rồi chồng chị ngó cổ ra, gật đầu gọi vào. Chị khúm núm chắp tay chào. Chị thấy mặt ông chủ vần còn xám ngoẹt vì tức giận, nhưng bà chủ vừa ra, tươi cười, nói:
- Nhà mày có gì mà bày vẽ. Chúng mày nhớ ngày đầy tôi anh bé, đến đây là đủ rồi, nghe chưa!
Anh Đĩ Nuôi hoàn hồn, cười lạt, gãi tai.
- Dạ, lạy ông bà, gọi là thế, chúng con thấy ông bà thương, cũng chẳng dám mua bán cái gì!
Ông chù sau khi nhìn kỹ chị Đĩ Nuôi thì dịu cơn giận nên mắng:
- Chúng mày bày vẽ lắm. Tao không bằng lòng!
Rồi ông gật gù, nói với bà:
- Hai vợ chồng nhà này khá đây!
Thấy chủ khen, anh Đĩ Nuôi mừng lắm.
- Dạ.
Bà chủ bảo:
- Chốc nữa xuống dưới nhà mà uống nước nhé.
Nói xong, bà vào. Trong nhà bỗng im lặng.
Hẳn ba người, mỗi người đều luẩn quẩn nghĩ khác nhau.
Ông chủ nhìn chị Đĩ Nuôi một lúc rồi dịu dàng hỏi:
- Con bé con được mấy tháng?
Rồi ông gật gù đứng dậy, đến gần nó, vỗ vào má nó. Một chốc, ông tươi cười bảo chị Đĩ:
- Xuống nhà mà ăn trầu uống nước. Sáng mai về có được không?
Anh Đĩ Nuôi phân vân, rồi đáp:
- Bẩm ông, chẳng mấy khi chúng con hầu hạ ông. Nhưng nhà chúng con tốì nay không ai coi, chúng con xin phép ông đến chiều cho chúng con về.
- Ta muốn vợ chồng nhà mày hãy ở đây, để làm giúp, vì hôm nay ta mời nhiều khách. Trong hai người, có ai ở lại được không?
Chị Đĩ Nuôi bấm chồng, ghé vào tai nói thầm:
- Thày nó ở lại, tôi về.
Rồi chị thưa:
- Bẩm ông, nhà con ở lại hầu ông cũng được.
Ông chủ hai mắt nhìn xuống, không đáp. Một lúc, ông bảo:
- Nhưng ta chỉ cần người ở lại để trông nom cơm nước dưới bếp, rồi rửa bát, vậy chị ở lại có được không?
Bẽn lẽn chị Đĩ Nuôi nhìn chồng. Anh Đĩ Nuôi đáp:
- Dạ, bẩm được ạ.
- Ừ, thế cho xuống nhà.
Vợ chồng Đĩ Nuôi lui ra, rồi đóng cửa lại, nhác trông ông chủ phúc hậu lạ thường.
Nhưng ông chủ không ngồi yên. Đợi hai người đi xong, ông rón rén, đến sau bức màn ren nhìn theo, rồi thần người ra mà thở dài.
Hẳn ông cảm cái nhan sắc chị Đĩ Nuôi.
Rồi ông ngồi thừ trên ghế, cắn môi nghĩ. Có lẽ bao nhiêu mưu kế ông đã bày sẵn cả trong óc.
Một lát, ông đứng phắt dậy, đi soi gương, chải đầu, và chụp cái khăn, vuốt ve tóc thật cẩn thận, rồi dạo xuống bếp.
Mọi người thấy ông đến, khép nép đứng dậy. Ông tươi tỉnh nhìn khắp lượt rồi hỏi:
- Nhà Đĩ Nuôi đâu nhỉ?
Có người đáp:
- Bẩm ông anh ấy mổ lợn, chị ấy ngồi kia ạ.
Ông chủ nhìn ra mé đầu hè. Ông nhìn mãi, như bị cái sức gì nó làm ông mê hồn vậy. Chị Đĩ Nuôi đương ngồi phệt xuống đất, trật vú ra cho con bú.
Ông chủ chòng chọc ngắm cái ngực chị bằng đôi mắt rất đĩ thõa, rồi rón rén tiến lại gần. Lúc ấy đôi má phình của chị còn hây hây đỏ. Mắt chị nhìn con, lông mi cong lên. Hai môi đỏ chót để hở lượt răng hạt huyền, làm cho cái miệng cười tươi thắm lạ. Trông chị mũm mĩm, đầy đặn như người trong tranh. Bỗng chị ngẩng đẩu lên, giật nảy mình, vội vàng kéo lại yếm. Ông chủ chắp hai tay đằng sau đứng sừng sững trước mặt chị, rồi ngượng nghịu, run run nói:
- Chốc nữa lên nhà, ta giao công việc cho. Bà bận lắm. Nghe chưa?
Chị Đĩ Nuôi ngơ ngác, đáp:
- Dạ.
III - Nhà có trộm
Chiều hôm ấy, cơm nước xong, anh Đĩ Nuôi lên nhà trên xin phép ông bà chủ để về. Bà chủ tươi cười, đưa tráp tròn cho anh và nói:
- Ta cảm ơn nhé. cầm lấy miếng trầu mà ăn đường. Thế chị ấy đâu?
Anh Đĩ Nuôi gãi tai, cười để tỏ bụng trung thành, đáp:
- Bẩm bà, con cho nhà con ở lại hầu ông bà đến sớm mai mới về.
- Thế à?
Nhưng rồi bà tiếp:
- Mà cũng chẳng có việc gì, mẹ con nó có muốn về bây giờ cũng được.
- Dạ, ban nãy, ông có bảo con cho nó ở lại.
Ông chủ biến sắc mặt nhìn vợ. Nhưng ông chỉ đóng vai bị cáo có trong giây lát. Sự khôn ngoan xui ngay ông phải lập tức xoay ra người làm chứng. Ông gật vài cái và bảo vợ:
- Phải vì nhà còn nhiều việc chứ. Còn rửa bát và chọn nồi niêu xanh chảo đem trả người ta nữa mà!
Bà chủ vô tình, nói đùa một cách hể hả:
- Thôi được, mai mẹ con nó về. Đừng nhớ nhé.
Câu nói tuy nhạt nhưng anh Đĩ cố tủm tỉm:
- Dạ.
Đoạn, anh chào ông bà chủ và lui ra.
Đến ngoài hè, trong khi nhìn xem vợ con đâu, thì anh được nghe một câu khen mà nở nang cả khúc ruột:
- Nhà nó có bụng dạ khá đấy! Xa thế cũng chịu khó đi.
Anh Đĩ Nuôi xuống sân. Vợ anh đứng chờ sẵn đó. Anh giơ tay bế con và dặn:
- Thầy về trước, mai con về với u nhé.
Rồi anh nhìn con âu yếm. Đứa bé quờ tay vào mặt cha, và ê ê. Anh đặt môi lên má nó, đoạn bảo vợ:
- Thôi, tôi về kẻo tôi. Mai nhà dậy sớm mà đi cho đỡ nắng nhé.
Nói đoạn anh vui vẻ nhìn vợ, nhìn con một lần nữa rồi đội nón lên đầu, quay bước ra cổng.
Chị Đĩ Nuôi trông theo chồng, rồi bế cao con và nắm tay nó trỏ ra phía cổng. Bỗng chị chạy theo và nói to:
- Này, nó gọi đây này.
Anh Đĩ Nuôi dừng bước quay lại vẫy nó rồi đi giật lùi cho đến chỗ khuất. Chị Đĩ Nuôi trông hút chồng rồi ôm rịt con vào lòng, hít mạnh má nó một cái và chạy vào, chân dậm xuống đất bành bạch. Đứa bé nấc lên mà cười.
Nhưng chị sực thấy ông chủ đứng trên hè. Muốn chừng ông mải nhìn lại. Lúc mặt chị gặp mặt ông, ông nhếch mép cười. Chị thẹn quá, vội đi tạt vào bếp, hồi hộp.
Thật thà, chị đã hiểu đâu cái nụ cười chứa chan ý vị ấy. Ông chủ đứng đó đã lâu, đôi mắt không lúc nào rời chị. Ồng ngắm chị từ đầu đến chân. Ông thấy chị lộ cái ái tình nồng nàn đôì với chồng thì ông thở dài. Ông cho cách tỏ lòng yêu ấy có vẻ chân thật, hồn hậu hơn những cách có lẽ giả dốì của hạng người đàn bà ở các bậc trên. Ông ước ao được âu yếm, quyến luyến kín đáo như anh Đĩ Nuôi này. Từ thuở bé ông chưa được thấy những người ông yêu và những người yêu ông họ đốì với ông như thế bao giờ. Cho nên ông thèm. Ông thèm cái ái tình mộc mạc của bọn gái quê. Ông thèm những bọn gái quê.
Vẩn vơ nghĩ ngợi mãi, rồi ông vào trong buồng, ngồi trước bàn giấy.
Ông châm điếu thuốc lá, thừ người nhìn theo làn khói uốn éo trên không rồi đập hai ngón tay xuống bàn, ông gõ nhịp. Ông gõ nhịp theo điệu hát trong tâm hồn. Một lát ông mở ngăn kéo, lấy ra quyển sổ và cái bút chì loay hoay tính. Trên mặt rám nắng, bỗng lộ ra một nét mừng. Ông mỉm cười, ông đã nghĩ được kế.
Lúc bấy giờ ở ngoài sân người nhà đi rộn rịp. Bà chủ ngồi xổm trước cái nong, xếp ra hàng chục bát đĩa và giao cho từng người quang gánh đứng chờ.
Ông chủ nhìn không thấy chị Đĩ Nuôi đâu cả. Buồn, ông gọi tên đày tớ vừa đi qua cửa:
- Mày bảo vú em bế anh bé lên đây.
Tên đày tớ xuống nhà một lúc rồi lên bẩm:
- Bẩm ông, vú em bà sai đi đâu ấy ạ.
- Thế ai bế anh?
- Bẩm vợ Đĩ Nuôi ạ.
Mừng quýnh, ông vội nói:
- Bảo nó bế anh lên đây.
Tên đầy tớ nhanh nhảu, vừa chạy xuống bép, thì chị Đĩ Nuôi ở nhà dưới đi lên. Ông chủ lấy năm ngón tay vuốt mái tóc rồi ngồi lại, dựa vào ghế, duỗi hai cẳng ghếch lên trên cái dựa ghế trước mặt, ông cố làm bộ vui vẻ:
Chị Đĩ Nuôi bế anh bé lên, ông vờ nghiêm trang gật đầu, giơ hai tay ra đón:
- Vào đây, anh bé cũng theo nhà chị à?
- Dạ, anh con cũng vừa bú con đấy ạ.
- Thế thì ngoan quá, lại gần đây.
Ông trỏ chỗ cho chị đứng.
Thấy chị Đĩ Nuôi lại gần quá, ông đứng phắt dậy, hai tay quờ ôm lấy con. Nhưng ông khéo vờ, ông đụng cả vào lòng chị.
Chị Đĩ Nuôi tránh nghiêng mình, đưa anh bé cho ông bế. Ông ôm con vào lòng, hôn hít. Nhưng miệng hôn con, mà hai mắt vẫn đưa vào hai má hây hây của chị. Chị Đĩ Nuôi không hiểu cái lối hôn bóng, nó quá cao đối với hạng người tầm thường, nên chị vẫn điềm nhiên trông hết tranh vẽ nọ lại đến câu đối kia. Rồi thừa lúc vô tình, ông đặt anh bé vào lòng chị và tủm tỉm cười đắc chí. Ông liếc qua ra sân chỗ bà ngồi, rồi yên tâm. Ông cù con, nó dễ chịu cho ông thế nào, nên hai tay ông cứ như bắt quyết cả vào những nơi chẳng phải là sườn thằng bé nữa. Mắt ông tít lên. Chị Đĩ Nuôi thì sợ hãi muốn cho ông khỏi lầm, chị run run, giơ anh bé lại gần ông mà né người ra xa.
Nhưng cũng không xa được mấy.
Hết trò ấy, ông chủ thở hổn hển, nhăn nhở cười với con. Rồi ông tít mắt nhìn chị và hỏi:
- Có thích không?
Thấy không có câu trả lời, ông hỏi tảng:
- Con bé con nhà chị đâu?
- Bẩm ông, cháu nó ngủ ạ.
- Cho anh bé bú nữa đi.
- Bẩm anh con vừa mới bú ạ.
- Thì cứ cho anh bú nữa đi mà. Anh vừa đùa xong chắc đói rồi.
Ngượng nghịu, chị Đĩ Nuôi đáp:
- Vâng, để con cho anh xuống nhà.
- Không, cho anh bú ở đây cũng được mà.
Luống cuống, chị Đĩ Nuôi chẳng biết nói sao. Trật vú ra trước mặt ông chủ là một sự vô lễ, vả chị cũng thấy thẹn. Nhưng ông chủ nào phải người thèm thuồng cái gì. Nghĩ thế, chị e phải mắng về tội bướng bỉnh, nên lúng túng, chị vạch yếm ra.
Nhưng thằng bé no nên nó chĩ ngậm, và quờ tay sang vú bên kia. Ông chủ như được trúng kế, bảo:
- Tính anh hay bú một vú, sờ một vú, không được thì khóc đấy.
Chị Đĩ Nuôi đỏ mặt, cúi gầm xuống thành, chiều theo ý thằng oắt con.
Ông chủ ngây người ngồi xuống, chòng chọc nhìn. Khi đôi mắt ông đã được một bữa tiệc no nê, ông mới thoáng trông thấy bà lên, ông vội bảo:
- Thôi, cho chị xuống nhà, đến tối nhé.
Chị Đĩ Nuôi thì mừng rỡ như được thoát một cái nạn tầy đình, bèn bế xốc anh bé rồi mở cửa đi ra. Ông chủ lại nghiêm trang, gầm ghì vào mấy quyển sổ loay hoay tính toán.
Tối hôm ấy, ông kêu nhức đầu và bảo bà:
- Tôi say rượu, cần đi nghỉ sớm. Mợ bảo chúng nó khẽ cho tôi ngủ.
Bà lấy dầu cho ông xoa, ông hỏi như sực nhớ ra vậy:
- À những đứa nào ở lại đây thì mợ thu xếp bảo chỗ cho nó ngủ nhé.
- Rồi! Chúng nó ngủ cả ở hiên nhà dưới.
Lên mặt nhân từ, ông phàn nàn:
- Tội nghiệp nhà Đĩ Nuôi, nó có con bé để ngủ đấy, thì muỗi cắn con nó chết.
Ngẫm nghĩ, bà đáp:
- Ừ, để tôi bảo nó bắc cái chõng lên hiên ngoài này cũng được.
- Phải đó.
Nói đoạn, ông vui sướng vờ ôm đầu đi nằm. Sau khi đóng các cửa, bà vặn nhỏ đèn và rón rén đi ra.
Đến độ mười giờ, khi cả nhà im lặng, ông chủ khe khẽ dậy. Ông cầm đèn đi sang buồng giấy mở ngăn kéo lấy ra năm tờ giấy bạc một đồng. Ông mặc cái áo xám vào người rồi bỏ túi cái thìa khóa cửa ra vườn sau.
Đoạn đứng thần người một lúc, ông áp tai vào cửa buồng cạnh để nghe xem vợ đã ngủ thực chưa. Khi yên chí bốn bên không có tiếng động, ông mới rón rén ra vặn cửa hiên, nâng mở hé một cánh và thò đầu ra ngoài dòm.
Khi ông đã rõ chị Đĩ Nuôi nằm ở góc hiên, ông bèn đóng ghịt cửa lại, rồi cầm sẵn giấy bạc trong tay, ông bước thật nhẹ nhàng đến.
Trăng mới mọc. Ánh sáng xanh chiếu rõ vào mặt chị Đĩ Nuôi càng thêm trắng. Gió hiu hiu thổi.
Ông đứng lui vào chỗ khuất để ngắm. Cái mặt nõn nà trắng phau phau của cô gái quê dưới ánh trăng mường tượng như mặt một pho tượng đá. Ông nhìn từ đầu đến chán chị Đĩ Nuôi rồi thở dài.
Độ năm phút ông rón rén lại ngồi xổm cạnh cái chõng, toan ôm choàng lấy chị để hôn, nhưng còn ngần ngừ đắn đo.
Ông lại lắng tai nghe thật kỹ. Chị Đĩ Nuôi ngáy rất đều. Ông ướm đặt cuộn giấy bạc vào gan bàn tay chị.
Ông lim dim con mắt, nhìn vào cái má xinh xắn, rồi ông kề môi lại gần. Chị Đĩ Nuôi vẫn ngủ say.
Lúc ấy ông chủ chẳng khác gì một con mèo khi đã bắt được một con chuột, thì trước khi ăn, hãy vờn cho thỏa thích.
Nhưng con chuột này tuy chưa chết, nhưng ông đã có mồi, có bả làm cho mất kêu, cái mồi, cái bả kim tiền mà ông cho là rất hiệu nghiệm đốì với hạng nghèo hèn.
Mà có lẽ không khó nhọc, lại được tiền ai dại mới hắt hủi cái cơ hội ấy.
Sau cùng ông chủ chẳng chịu nổi nữa. Ông trùm mùi soa vào mồm một tay dúi tập giấy bạc vào tay chị Đĩ Nuôi, một tay ôm lấy cổ chị.
Giật mình choàng dậy, chị Đĩ Nuôi kêu một tiêng thất thanh, thấy một người mặt trắng lôm lốp ù té chạy, chị bèn ngồi nhổm dậy.
Ông chủ biến nhanh như cái cắt ra đằng sau nhà.
Chó sủa vang. Bà chủ dậy. Mọi người dậy. Ai nấy ngờ là có trộm, bảo nhau cầm gậy gộc đi soi đèn khắp mọi nơi.
Chị Đĩ hớt hơ hớt hải ngồi ôm con, trống ngực thình thình.
Bỗng cửa buồng ngủ của ông chủ mở toang ra. Ông chủ mắt nhắm, mắt mở chạy ra hỏi:
- Cái gì? Cái gì?
Mọi người bám trong nhà có kẻ gian. Tức khắc ông chạy vào lấy khẩu súng cùng đầy tớ đi lùng khắp các xó, các bụi. Đến mãi khuya hết sức tìm mà ông không thấy gì, ông mới hậm hực cho ai nấy đi ngủ.
Chị Đĩ Nuôi không dám nằm ngoài hiên nữa. Bà chủ cho chị bắc chõng cao nằm trong buồng bà. Còn ông chủ thì, trước khi chui đầu vào trong màn, còn thở dài lẩm bẩm một mình:
- Vụng về quá, hấp tấp quá! Nhưng thiếu gì lúc...
IV - Một tấn hài kịch diễn khéo đến nỗi những người xem kịch phải sợ run
Tấn hài kịch ấy là tấn hài kịch mất bạc. Nguyên cái kết quả của cái đêm không kết quả của ông chủ đã làm cho ông mất cái giấy hai mươi đồng.
Sáng hôm sau, vừa trên giường bước xuống đất, ông đã ngơ ngác mở các ngăn bàn và ngăn tủ, rồi gọi bà ra, bảo:
- Mợ tìm hộ tôi một tí.
- Cậu mất cái gì?
- Cái giấy hai chục. Tối qua, tôi nhớ rằng tôi để nó trên bàn, chỗ này, nhưng rồi nhức đầu quá, nên tôi quên đi mất.
Bà chủ vội vã lục hết mọi nơi. Ông chủ đứng thần ra, vẻ nghĩ ngợi rồi bảo:
- Nhà đông người, biết nghi cho ai bây giờ.
Bà chủ bỗng đùng đùng gọi:
- Chúng bay đâu, lên cả đây tao bảo.
Tức thì đầy tớ dạ ran, ai nấy hốt hoảng. Bà nói:
- Đêm qua, ông để tờ giấy hai chục ở đây.
Ông chủ tiếp:
- Ở trên bàn này.
Bà chủ trỏ lên bàn, nói:
- Đây, ở chỗ này, mà bây giờ mất. Vậy chúng mày, đứa nào trót dại thì muốn sống đưa trả, bằng không tao sẽ căng xác chúng mày ra.
Mọi người xanh mắt, trông nhau. Ông chủ tiếc của, ngồi trên ghế, thừ mặt thở dài. Bà chủ bảo:
- Chúng bay nghĩ kỹ xem. Chúng bay ăn ở nhà này, cơm ăn áo mặc, tao tưởng ông với tao tin chúng bay ngần nào, thì chúng bay phải nên biết điều ngần ấy, cái giấy hai chục ấy, đứa nào lấy rồi nuốt không trôi đâu con ạ.
Một tên đầy tớ già, tức giận, gãi tai nói:
- Bẩm ông bà, thật chúng con không đứa nào biết gì cả.
Ông chủ cười mỉa:
- Ít ra trong bọn chúng bay cũng có một đứa ăn cắp, nếu không, sao tao lại mất tiền.
Rồi như nghĩ được kế, ông nói tiếp:
- Bây giờ thì thế này. Hôm qua, nhà ta có trộm vào, tao cũng yên trí như là chính thằng trộm nó đã lấy cái giấy ấy, nhưng tao lại ví dụ như nó chưa đem tiền ra khỏi nhà. Vậy tao cho phép chúng bay được tìm kiếm các nơi trong hai giờ đồng hồ. Đứa nào tìm thấy, tao thưởng cho đồng bạc. Nếu đứa nào tìm thấy, lại không muốn ra mặt, thì nó cứ việc giắt lên mái tranh gần cột thứ nhất ở chuồng trâu. Hết giờ tìm, nếu tao ra chỗ đó mà thấy giấy bạc ấy thì tao sẽ cho tất cả chúng bay một đồng bạc để làm bữa rượu mà uống.
Mọi người phân vân, không biết nói thế nào cả.
Bà chủ bảo:
- Đấy, chúng mày hãy xem, như vậy mà ông vẫn còn nhân từ, thì đủ biết. Vậy không bảo nhau đi mà tìm, còn đứng đấy làm gì?
Nhưng họ vẫn không nhúc nhích. Bà chủ trừng mắt mắng:
- Mau lên, có đi mà tìm ngay hay không?
Mọi người buồn bã, lui xuống nhà dưới. Bà chủ nhìn chồng thờ thẫn thì ái ngại, chép miệng phàn nàn:
- Cậu lơ đễnh quá.
Ông chủ thở dài, nói:
- Nào ai ngờ đâu chúng nó gian giảo làm vậy. Về việc mất tiền này, tôi ngờ cho một đứa.
- Cậu ngờ đứa nào? Cậu thử nói để tôi dò xem.
- Tiền của tôi để đây, duy chỉ có đứa ngủ trên nhà này mới biết mà lấy thôi.
Bà chủ gật gù:
- Có lẽ.
- Bởi vì những đứa kia, không đứa nào dám vào đây. Nhất là từ sáng, tôi chắc chưa đứa nào lên tới buồng này cả.
- À phải.
- Thế chẳng phải nó là ai.
- Cậu nói rõ là đứa nào?
Ông chủ nhìn vợ, vui vẻ thì thầm:
- Con vú em có tính gian giảo, xưa nay tôi vẫn để ý.
Bà chủ cau đôi lông mi, đáp:
- Nhưng sao lại con vú em, cậu thử nghĩ kỹ xem?
- Ban nãy tôi thấy mặt nó xám hẳn đi, đôi mắt nó lấm la lấm lét. Thì nó kia, mợ thử nhìn kỹ nó mà xem.
Bà chủ nhìn theo chồng, rồi nói:
- Nó có vẻ sợ hãi thật.
- Thì chẳng nó còn ai vào đây nữa. Chỉ có nó ngủ trên này, thì mới biết tôi để quên tiền mà lấy chứ. Ban nãy tôi cho đầy tớ đi tìm, là tôi muốn làm cho phải phép, cho công bình, chứ tôi thừa biết rằng chính nó rồi. Bởi nó biết mình biết, nên nó sợ.
Bà chủ tức giận:
- À, ra quân này gớm thật!
Rồi nghĩ ngợi một lúc, bà bảo:
- Này, cậu ạ, đêm qua, nhà Đĩ Nuôi cũng ngủ trên này nữa.
Ông chủ lắc đầu:
- Không, bố nhà Đĩ Nuôi cũng chẳng dám vào buồng tôi ngủ.
- Hay chính nó, nên hôm nay nó mới xin về từ sáng sớm. Phải rồi...
- Không, đừng ngờ thế mà oan nó. Quanh năm nó mới đến nhà mình một lượt, chẳng may mình vô ý mất tiền, mà mình lại ngờ cho nó thì lần sau bố đứa nào dám đến.
- Khoan, cậu để tôi nghĩ xem đã, nó sì sục cả đêm đây, cậu ạ.
Ông chủ cười, nói gạt đi:
- Thì mợ tính muỗi như trấu, nó ngủ sao được mà chẳng phải sì sục.
- Nhưng sao sáng nay nó có ý vội vàng. Tôi bảo nó chờ cậu dậy xem có dặn gì chồng nó không mà nó không ở.
- Tôi cho là nó sợ nắng con nó. Nghi cho con vú em còn có lý hơn.
- Không, hay là tôi cho một đứa đuổi nó, khám cái đã.
- Đừng làm thế vội, để xem chúng nó ở đây rồi hãy hay. Mợ phải biết đã có một lần con vú em ăn cắp ông vôi của mợ, nhưng không trôi nên nó bỏ trả.
- Bao giờ nhỉ?
- Lần ấy mợ đi vắng.
Rồi yên lặng một lúc, ông chủ bảo vợ:
- Bây giờ mợ thử giả vờ đi tìm xem đứa nào lảng vảng gần chuồng trâu, thì là đứa ấy lấy.
- Phải, cậu cứ ở yên trên này nhé.
Nói xong bà xuống bếp rồi ra vườn. Ông chủ ở lại, một mình trong buồng giấy. Lúc vợ đi khuất, ông bèn lẳng lặng mở tủ ra lấy một quyển sách dầy. Ông mỉm cười lấy tờ giấy hai chục ra, gấp tám lại, rồi vào buồng vú em. Một lúc lâu, ông tươi tỉnh đi ra, rồi lên giường nằm, cố lấy dáng nhọc mệt. Độ nửa giờ sau, ông thấy bà quát:
- Vú em!
Ông nhỏm dậy, vui vẻ nhìn trong buồng cạnh.
Con vú em chạy tất tả lên. Bà nói:
- À ra quân này gian thực!
Ông chạy vội sang, thấy bà hầm hầm đứng khuỳnh tay vào háng, trước mặt cái thúng quần áo lục tung tóe ra. Bà chủ giơ tờ giấy bạc lên, hỏi:
- Mày nói ngay, tiền này ở đâu?
Con vú em thấy bà chủ quát tháo, nó run sợ. Nó nhìn tay bà. Khi trông rõ tờ giấy hai chục, nó không còn hồn vía nào nữa. Không thể chối cãi được, nó hu hu lên khóc. Bà chủ quát:
- Mày còn oan phải không?
Tức thì, bà quẳng cả quần áo lẫn thúng ra sân. Thằng bé con đang ngủ trong giường giật mình, khóc thét lên. Bà chủ lại quát:
- Có đường có nẻo thì bước! Tao không nuôi mày nữa.
Mọi người ngơ ngác chạy lên cả nhà trên. Ai thấy vú em cả gan ăn cắp cũng cho là sự không ngờ.
Con vú em một mực kêu oan:
- Bẩm lạy ông bà, nếu con dám lấy tờ giấy bạc này thì con không ở với chồng với con con nữa.
- Đừng nỏ mồm, mày phải bước ngay ra khỏi nhà này!
Ông chủ ái ngại can vợ:
- Mợ nên nén tâm một tí. Được, ta hãy biết rằng nó ăn cắp.
- Phải đuổi ngay nó đi, không thiếu gì đứa nuôi con.
- Thì ngày hôm nay, con mình bú bằng gì chứ?
- Cậu làm thế, không trách chúng nó lẽn cậu mãi. Chúng bay tống cổ ngay con vú em đi cho tao. Đừng để nó ở đây, tao mà cáu tiết thì tao chẻ xác nó ra ngay.
Con vú em khóc mếu, giơ tay ra bế anh bé. Bà chủ hất nó ra quát.
- Không khiến.
Nó ra sân, nhặt nhạnh quần áo vào thúng, rồi xuống bếp ngồi phệt ở đầu hè.
Mọi người bảo:
- Vú dại dột quá. Như người ta, thì giấu đâu chả được.
- Khốn nạn, đứa nào thù tôi nó bỏ vào, chứ tôi nghèo, phải đi ăn, đi ở thực, nhưng tôi có làm giàu được bằng cái của ăn cắp đâu!
Thấy vú em mọi khi thực thà, ai nấy thở dài ái ngại hộ. Nhưng trên nhà bà chủ trỏ tay quát:
- Mày không đi phải không?
Vú em chắp hai tay lạy nói:
- Bẩm bà, con nhớ anh con lắm.
Nhưng mọi người khuyên nó nên đi ngay.
Nó nói:
- Nhờ các bác lên nhà bế anh bé xuống đây, cho tôi dặn dò anh một điều.
Mọi người thở dài, lẻn lên bế anh bé xuống. Con vú gượng cười, giơ hai tay ra ôm chặt lấy thằng bé nói:
- Anh bú vú một bầu rồi vú về.
Thằng bé ngây thơ ngậm vú, và như mọi bận, nó giơ chân tay ra đùa với vú. Bỗng một giọt nước mắt rơi vào má thằng bé, vú em hôn hít thằng bé một hồi rồi nói:
- Anh chơi ngoan nhé, vú phải đuổi, vú không hầu anh nữa đâu.
Rồi nó lắc đầu nói:
- Tôi nhớ anh quá.
Thấy nó âu yếm, quyến luyến, ai nấy cảm động. Một lát vú em hôn thằng bé lần cuối cùng, ứa nước mắt rồi nó ngửa bàn tay thằng bé phỉ thui và dặn:
- Thôi nhé anh ngoan, vú về nhé.
Nói đoạn nó đưa anh bé cho người khác bế, rồi đứng dậy từ giã mọi người.
Lúc nó lên chào ông chủ bà chủ, ông không nói gì, nhưng bà còn tức giận, xỉa vào mặt nó và bảo:
- Tao nhân đức, không thèm bỏ tù mày, nghe chưa. Từ nay thì chừa thói ấy đi, kẻo có ngày thì chết con ạ.
Rứt tình ra đi, con vú còn nhìn vào buồng nó một lần chót. Nó thấy anh bé đương nghịch ngợm con hươu bằng bông. Nó thở dài, ngậm ngùi, quay phắt mặt đi, bước rảo cẳng...
V - Vú em
Anh Đĩ Nuôi ngồi vắt chân chữ ngũ ở đầu hè, lăm đăm, nghĩ ngợi. Một lát, anh bảo vợ:
- Khó nghĩ quá. Không đi cũng khổ mà đi cũng rầy.
- Phải, từ lúc nghe tin ấy, tôi thấy thế nào ấy. Phân vân quá.
- Hay từ chối phắt đi.
- Cũng được, song tôi ở nhà thì bố nó làm gì cho đủ ăn được. Bố nó đã vất vả để kiếm cho ba miệng.
- Rầy về nỗi mình còn nợ người ta.
- Mà bao giờ gỡ cho hết nợ. Tôi tính làm ăn thế này thì càng ngày, càng nợ vào.
Anh Đĩ Nuôi phẫn thân nói:
- Biết rằng ông bà có cho công không, hay lại trừ?
- Ban nãy anh Hai bảo ông cho tiền công, chứ không trừ. Hay là bố nó cứ để tôi đi, mỗi tháng tôi sẽ được thêm ba đồng, mà bố nó thì không phải lo lắng lắm. Con mình cũng đã có thể ăn cơm được rồi.
- Đành vậy, nhưng cả nhà có hai vợ chồng và một mụn con, nay vì đồng tiền, chổng xa vợ, con xa mẹ, tôi buồn lắm. U nó thích đi lắm à?
Vợ nhìn chồng, cau mặt, đáp:
- Khốn nạn, đi ở làm vú em có danh giá gì mà tôi thích. Tôi chỉ muốn giúp cho bố nó đỡ phải nhọc nhằn, và lỡ đến mùa này, mình có chịu lại chút ít thì ta khất cũng dễ. Con mình mỗi ngày một lớn, tất ăn tiêu mỗi ngày một nhiều. Thì có sạch nợ mới mong phong lưu, mình mới khỏi khốn quẫn. Còn như phải xa nhà thì chẳng nên buồn làm gì. Ta nên chịu cái nghèo là hơn.
Nói đến tiếng nghèo, chị Đĩ Nuôi cảm động, rơm rớm nước mắt.
Nguyên từ lúc bà chủ bắt được quả tang con vú ăn cắp cái giấy hai chục thì bà nhất định đuổi nó. Rồi bà nghe chồng cho gọi chị Đĩ Nuôi đến cho anh bé bú. Nhưng vì vợ chồng Đĩ Nuôi không trả lời dứt khoát, nên ông chủ lại sai ngay anh Hai là người nhà, lập tức cưỡi ngựa đi ngay, gọi chị Đĩ Nuôi một lần nữa. Anh Hai buộc ngựa ở cổng, vừa bước chân vào sân, đã nói một cách giận dữ:
- Anh chị thực không biết điều chút nào. Tôi tưởng anh chị nhờ ông bà, có nhà ở, có ruộng cày, đủ ăn quanh năm, thế mà bây giờ ông bà bảo một việc không được.
Anh Đĩ Nuôi cười lạt, tuy vậy mà ruột anh rối beng. Anh Hai nói tiếp:
- Đi làm vú em có gì là khó nhọc. Cái công việc ấy thực là nhàn hạ, được ăn trắng, mặc trơn. Anh chị phải biết, bao nhiêu người cậy cục đi ở vú mà không nổi kia kìa. Bà chủ thương anh chị hiền lành, thực thà, nên muốn để dành cho anh chị một chỗ mà kiếm thêm tiền để vợ chồng đỡ phải quanh năm đầu tắt mặt tối. Sao anh chị dại thế!
Rồi anh Hai nhìn chị Đĩ Nuôi hỏi:
- Tôi nói thế, chị đã nghe ra chưa?
Chị Đĩ Nuôi bẽn lẽn đáp:
- Anh bảo nhà tôi ấy. Tôi tùy nhà tôi.
Anh Hai quay sang anh Đĩ Nuôi, hất hàm hỏi:
- Sao, anh không cho chị ấy đi à?
Thấy như bị bắt ép, anh Đĩ Nuôi lại cười lạt và đáp:
- Nhưng anh tính, cháu nó bé quá. Nhà tôi đi, thì ai nuôi cháu cho tôi.
Anh Hai bĩu môi:
- Một mình nhà anh có vợ đi ở vú! Gớm thật! Nói chứ không trách người ta bảo thân lừa ưa nặng.
Vợ chồng Đĩ Nuôi nhìn anh Hai, như chưa hiểu ý anh muốn nói cái gì, thì anh Hai lại tiếp:
- Này anh cứ thử cưỡng lời ông bà xem. Thật là người đời!
Nói xong, anh hầm hầm đứng phắt dậy đi ra cổng, tháo cương ngựa. Anh Đĩ Nuôi luống cuống chạy theo:
- Anh hãy ngồi chơi lát nữa, cho tôi nghĩ kỹ đã.
Anh Hai cau mặt nói xẵng:
- Tôi không nói với người không biết điều! Để tôi về bẩm với ông bà. Rồi anh chẳng ra làm sao đâu, tôi bảo trước.
Anh Đĩ Nuôi cố kéo tay anh Hai trở lại nói:
- Thì những việc này, anh cho tôi nghĩ đã.
- Nhưng anh bé hiện nay mệt lả, không khóc được nữa. Mà tôi đi lần trước không được việc, tôi phải mắng những gì, anh có biết đâu. Tôi tiếc rằng rồi anh hối không kịp.
Anh Hai theo anh Đĩ Nuôi, vừa đi vừa nói thế. Chị Đĩ đứng trong buồng nghe, ngậm ngùi hỏi chồng:
- Bố nó nói thế nào để anh Hai giận thế?
Anh Hai bảo:
- Tôi có giận đâu. Tôi chỉ bực mình vì tôi phải mắng oan mà thôi. Anh chị làm gì mà chẳng biết tính ông bà. Ai trái ông bà một tí là suốt đời khổ đấy.
Anh Đĩ Nuôi bứt rứt hỏi:
- Ông định làm gì tôi, anh có nghe thấy không?
- Rồi anh sẽ biết.
- Không, chỗ anh em, anh giấu tôi làm gì?
- Định ấy à? Tôi biết rằng anh không để cho chị ấy đi là muốn vợ chồng con cái ở với nhau một nhà cho vui vẻ. Nhưng mà anh phải biết rằng, nếu vậy anh sẽ chẳng có nhà mà ở nữa. Trong ngày hôm nay mà chị ấy không đến, thì mai ông sẽ cho người đến đòi nợ. Nếu anh không nộp đủ tiền, thì đồ đạc của anh sẽ bị lấy hết, mà có lẽ cả cái nhà này cũng bị dỡ đem về nhà làm củi đun.
Anh Đĩ Nuôi xám mặt, thở dài, không đáp được. Bỗng dơm dớm nước mắt, anh gọi vợ ra bảo:
- U nó nghĩ thế nào?
Chị Đĩ Nuôi chán nản:
- Bây giờ ruột tôi rối beng, chẳng nghĩ được gì cả.
Anh Hai dỗ dành:
- Không bằng lòng cũng không xong, thì thà cứ đi cho êm chuyện, vừa được ăn sung mặc sướng, vừa được tiền mà nuôi chồng con, vừa được gỡ dần dần món nợ!
Anh Đĩ Nuôi cười đau đớn để giấu vẻ tức giận, rồi hất hàm bảo vợ:
- Thôi được, u nó sắm sửa mà đi.
Rồi nói với anh Hai:
- Anh cứ về trước, để nhà tôi đi sau.
Anh Hai lắc đầu:
- Tôi chờ chị ấy cùng đi. Vả bây giờ chiều rồi, trùng trình tí nữa thì tối.
Chị Đĩ Nuôi lẳng lặng đi xếp quần áo vào thúng, và nói:
- Gớm anh làm như đi thú không bằng. Anh cho tôi chào bà con quen thuộc rồi dặn dò thầy nó một vài điều đã mà.
- Ồ có đi Tây đâu mà phải thế. Bất quá đi làm độ một hai năm rồi về chứ gì. Mà gần đây, thỉnh thoảng anh ấy lên thăm.
- Anh để cháu nó ngủ dậy, tôi cho nó bú một bầu đã.
- Đánh thức nó dậy. Chị đừng làm tôi nóng ruột. Thế thì đến tối mai.
Anh Đĩ Nuôi nói:
- Anh cứ về trước, thế nào nhà tôi cũng đi mà. Tôi đưa nhà tôi đi.
- Được, đừng sai hẹn mà khốn nhé.
Nói xong, anh Hai ra cổng, lên ngựa phi một mạch.
Anh Đĩ Nuôi nhìn theo, rồi buồn bã bảo vợ:
- Nhất nợ nhì tội.
Rồi bước chân vào buồng, anh thấy vợ nước mắt chạy quanh, tiếng run run gọi con:
- Em ơi, dậy u bảo.
Con bé con cựa, mở mắt ra và vươn vai. Chị Đĩ ôm nó vào lòng:
- Em bú u cho no đi. Từ mai trở đi, thầy nhai cơm cho em ăn nhé.
Rồi không cầm được nước mắt, chị khóc nức khóc nỏ. Anh Đĩ Nuôi cố nén tâm, chẳng nói chẳng rằng.
Con bé vừa bú vừa nghịch, lúc thì nhả vú ra, trỏ tay lên trời và ê ê. Chị Đĩ bảo chồng:
- Tôi dứt ruột ra đi, tôi nhớ nhà lắm, nhất là con chó con.
Anh Đĩ Nuôi lắc đầu, chép miệng:
- Đành vậy với trời, than thở làm quái gì. Thôi, mau mau đi kẻo tối.
Độ nửa giờ sau, xếp dọn xong xuôi, chị Đĩ Nuôi bế con ra cổng đi trước, còn anh đứng lại đóng cái liếp cửa.
Khi thấy vợ thẫn thờ đến cổng, anh có cảm tưởng như trông thấy người ta chuyển cữu một người thân để khênh ra đồng vậy.
Từ ngày lấy nhau, chỉ lần ly biệt này anh mới thấy đau đớn. Anh đau đớn vì phải xa vợ hàng năm. Anh đau đớn vì sự ly biệt này là bị ép uổng. Nỗi nhớ thương vợ nó ray rứt anh, nên anh đau đớn quá. Rồi đi theo kịp vợ, anh bảo:
- Nực cười quá, u nó đi làm, tôi đỡ vất vả, lại được tiền, thế mà tôi tưởng chừng như u nó bị đày, không bao giờ gặp nữa.
- Chỉ nói dại.
Hai vợ chồng nhìn nhau bồi hồi. Mặt trời xế. Bóng tà bảng lảng, cỏ cây lặng lẽ như gợi thêm cho tâm sự buồn tênh.
Đi đến đầu đường, chị Đĩ Nuôi quay lại nhìn cái cổng nhà, rồi thở dài:
- Sang năm tôi về, chắc những chỗ này đổi khác cả.
Chồng cười, an ủi:
- Thật là đàn bà, chỉ hay nghĩ vớ vẩn. Ta nên lẳng lặng mà chịu có hơn không, u nó ở đấy, rồi tìm những cái vui vẻ mà quên nhớ nhà đi. Tôi ở nhà chịu chăm chút nuôi con, cũng có thể quên u nó được.
- Cái đĩ con, sang năm thì nói như vẹt, và chạy lon ton tha thủi chơi cả ngày, chẳng biết nó có nhớ mặt u nó hay lại cho là người lạ.
- Thỉnh thoảng tôi bế con lên thăm u nó mà.
- Nhưng mỗi bận bố nó lên chơi, lúc về tôi lại thêm nhớ.
- Thôi được, để rồi xem. U nó nhớ xin công hàng tháng nhé.
- Cứ tháng tháng tôi lại gửi tiền công về cho thầy nó tiêu. Ông bà chả phải chịu lại đâu mà sợ.
- Mà u nó nên cẩn thận, nhà người ta thì lắm đồ đạc lỡ suy xuyển cái gì, người ta lại đổ cho mình, như vú em trước thì khốn. Nhất là ăn nói nên giữ mồm giữ miệng, đừng tí ta tí toét nhé.
Chị Đĩ Nuôi thở dài, rồi bế xốc con lên.
Ánh tà chiếu vào gáy nó. Chị lấy nón che rồi hôn hít nó, rất âu yếm. Đến sẩm tôi thì vừa đến nơi.
Bà chủ trông thấy, làm mặt giận:
- Gớm, đài các mãi!
Anh Đĩ Nuôi gãi tai nói lối đỡ lời:
- Bẩm bà, nhà con nó vừa về ban sáng nên nó mệt, chúng con định thế nào sáng mai cũng lên hầu ông bà.
Ông chủ chạy ra, trông thấy bầu đoàn nhà Đĩ Nuôi, thì cau mặt nói:
- Đi làm gì mà đông thế kia cho mất công việc.
- Dạ, bẩm ông, nhà con nó nhớ cái đĩ nên con phải đưa nhà con đi, mai con bế cháu về.
Bà chủ đổi mặt tươi cười nói:
- Mau rửa ráy, rồi cho anh bú. Tao mong mãi nhà mày. Anh thì khóc, mà nhất định không ăn gì. Anh chẳng chịu bú chực ai cả. Mãi đến ba giờ hôm nay mới chịu ăn tí bột đấy.
- Dạ!
Rồi bà chủ nói dở cợt dở thật:
- Mày mà không lên, thì gọi là thế nào đêm nay tao cũng cho nó đốt nhà.
Hết câu, bà cười vui vẻ. Song hai vợ chồng Đĩ Nuôi động tâm lắm. Chồng nhìn vợ, vợ nhìn chồng như hiểu thấu nỗi đau đớn của nhau.
Nhưng đứng trước mặt ông bà chủ, hai người cùng phải nén cái tâm sự xuống tận đáy lòng, để gượng cười, nhưng cái cười bề ngoài, nó chỉ có thể vẽ trên mặt vài nét răn vụng về, đến nỗi trông như mếu...
VI - Miệng hùm
Từ ngày chị Đĩ Nuôi làm vú em, thì nửa tháng đầu chị nhớ chồng, nhất là nhớ con quá. Nhưng cảnh ngộ bắt buộc chị phải quên chồng, nhất là quên con chị đi, để vui vẻ mà săn sóc, nuôi nấng đứa con của người, có ba đồng bạc một tháng. Cho nên những khi chị cho anh bé bú no nê, mà anh đã thiu thiu ngủ, thì nghĩ nguồn cơn, chị chỉ khóc thầm. Chị nóng ruột mà không dám nói ra. Lắm lúc chị ngồi đâu cũng không yên, đứng đâu cũng không yên, ai nói gì, chị cũng không để vào tai, chị thờ thẫn nghĩ vơ vẩn rồi đâm lo. Chị tưởng tượng con chị đói sữa, thì gầy còm xanh xao. Chỉ tưởng tượng chồng chị vất vả, hết công nọ đến việc kia, mà nay vắng vợ, thì một mình phải gánh vác hết, thật là khổ đến cùng cực.
Nhưng một hôm, chị hỏi thăm một người mới ở ấp lên, biết rằng chồng con bình yên, chị mới yên lòng.
Bà chủ, mà nhất là ông chủ, thì chiều chị lắm. Ngay hôm đầu, chị đã được mặc áo trắng dài của bà chủ đưa cho. Bà bắt chị mặc quần, và lúc nào cũng phải mặc áo trắng chứ không cho nâu sồng như trước. Bà có cái khăn nhung cũ, bà cũng thải cho.
Cứ kể công việc hàng ngày thì chị Đĩ Nuôi có thể tự hào rằng làm chơi mà ăn thật được.
Thực vậy, về việc coi sóc cho anh bé chị cũng chỉ chăm chút như con chị mà thôi, có hơn tí nào đâu, Vậy mà tối nào chị cũng được đi ngủ sớm. Ai làm gì cũng mặc, chị không phải mó tay làm đỡ và bà chủ không bắt chị làm đỡ bao giờ. Không những thế, đã bốn năm lần, chị được đi ô-tô chơi mát, và được một bận lên Hà Nội theo hầu bà vào những hiệu Tây mua các thứ hàng.
Cho nên được thấy nhiều cái lạ, chị Đĩ Nuôi cũng đỡ nhớ nhà.
Một hôm chị bế anh bé lên nhà trên đứng trước cái gương to. Bận ấy chị mới ngắm nghía chị. Chị thấy đổi khác hẳn mà ngạc nhiên. Má chị bây giờ nó phình ra và phồng hơn trước. Cái khăn đen nhánh, cái áo trắng bong, làm nổi thêm cái vóc người đầy đặn. Rồi chị gài lại cái khăn, sắp lại hòm áo, chị nghĩ đến chồng mà thở dài. Phải, tiếc thay, thị tươi đẹp nhường này, mà hiện giờ chồng chị chẳng được ngắm nghía. Chị mơ màng.
Rồi đú đởn, chị nhìn chòng chọc cái bóng chị ở trong gương mà ôm chặt anh bé và cắn vào má.
Bỗng chị giật nảy mình quay lại, chị thấy ông chủ đương nhìn mình và tủm tỉm cười. Chị ngượng nghịu luống cuống.
Ông chủ thấy chị biết, thì làm như đang giở việc gì, ông cứ vừa tủm tỉm, vừa đi qua buồng ấy, mà không nói gì cả.
Chị thẹn, bế anh bé xuống nhà dưới.
Có một lần, vì một câu chuyện chẳng có nghĩa lý gì ông chủ gây chuyện cãi nhau với bà chủ. Rồi không chịu được những câu nói tức, bà uất lên, giận chồng đùng đùng sắm sửa đi Hà Nội, ai khuyên giải sao, bà cũng nhất định không ở nhà.
Tối hôm đó, chị Đĩ Nuôi mới thấy rõ rệt tình bố yêu con của ông chủ đối với anh bé. Muốn chừng ông không thể chợp mắt về lo lắng cho con, lo con không ngủ yên trong khi vợ đi vắng. Mỗi khi ông nghe tiếng anh bé khóc là ông chạy ngay sang hỏi. Có lúc ông không e gì, ông ngồi ngay giường vú em, cạnh anh bé, mà nâng đỡ bế ẵm. Thành ra chị Đĩ Nuôi đang nằm, phải nhổm dậy và ne né vào góc giường trong.
Có một lúc đã khuya, ông chủ sang buồng vú em, ngồi lâu lắm. Hình như bà đi vắng, thì ông buồn, nên ông thích kiếm người nói chuyện cho khuây. Chẳng thế mà ông nói:
- Cảnh tôi bây giờ cũng như của vú.
Rồi ông thở dài, đăm đăm nhìn vào mặt chị Đĩ Nuôi.
Ánh ngọn đèn Hoa Kỳ lờ mờ chiếu qua màn, làm cho trong ấy có vẻ kín đáo, thân mật. Chị Đĩ Nuôi động lòng nhớ chồng, nhưng vờ như không nghe thấy. Chị bế anh bé vào lòng, tay xoa đầu anh, run rẩy nói lấp.
- Ngủ đi, chóng ngoan...
Ông chủ lại nói:
- Vú nuôi anh được bao lâu rồi nhỉ?
- Bẩm ông, con hầu anh con được một tháng sáu ngày rồi.
- À, chóng quá nhỉ?
Đoạn ông làm như người chán đời, than thở một mình:
- Thì giờ đi chóng quá, mấy chốc mà già. Tuổi trẻ vui được mấy.
Chị Đĩ Nuôi mỏi mệt, chỉ muốn nằm, mà ông chủ cứ ngồi ám và nói những câu vô ích, thì chị mong sao cho ông đứng dậy ngay, nên chị nói với anh bé:
- Anh ngủ rồi, ngoan quá, vú đặt anh nhé!
Đáng lẽ đứng dậy thì phải hơn, ông chủ cứ ngồi sềm sệp và nói:
- Ừ vú đặt anh xuống.
- Bẩm con sợ anh con giật mình.
- Sao?
- Vì nếu con không nằm cạnh, thì anh con không ngủ được.
- Thì vú cứ nằm xuống có được không?
Chị Đĩ Nuôi không thấy ông chủ nhúc nhích, khó chịu quá. Chị cố há miệng để ngáp, rồi rung rung anh bé mà ru.
Ông chủ hỏi:
- Này thành ra vú lấy chồng mà cũng không được ở gần chồng mấy nhỉ?
- Ngủ đi anh.
Chị Đĩ Nuôi lại đánh trống lảng. Chị thấy ông chủ hỏi vớ vẩn, tự nhiên, lại sỗ sàng quá, thì phát ngượng. Không thấy chị đáp, ông chủ lại hỏi:
- Trước kia tôi xem ý vú buồn lắm, chắc vú nhớ chồng con. Tôi biết vậy, vì suy ta ra người, từ ban nãy, tôi thấy nhớ bà lắm. Nhất là những lúc khuya khoắt thế này giá vợ chồng xum họp, có phải đỡ tủi biết bao không.
Chị Đĩ Nuôi bắt đầu đầm sợ. Rồi nghĩ được kế, chị khẽ đặt anh bé xuống giường, bèn chui vào màn mé trong ra.
Ông chủ hỏi:
- Chị đi đâu?
- Bẩm ông, không ạ.
Nói đoạn, chị mở cửa ra sân, rồi xuống bếp.
Ông chủ chờ năm phút, lại mười phút, nóng ruột quá. Ông tiếc rằng chưa nói được đến nơi. Tay ông vẫn thò vào túi, sắp sẵn lấy ra mấy cái giấy bạc, là của ông định làm quà thưởng cho con vú em, nếu nó ngoan ngoãn dễ bảo. Nhưng ông chưa dám hỏi ý nó xem có ngoan ngoãn dễ bảo hay không, vì chính ông cũng thấy ngượng nghịu. Mà sở dĩ ông ngượng nghịu, là do mọi khi vợ ông ở nhà, thì đối với đầy tớ, ông hay gắt gỏng, cay nghiệt mà chúng sợ ông như thần linh. Vậy bây giờ, ông rất có thể tự do làm đạt được cái ý nguyện bấy lâu nay, nhưng từ địa vị thần linh, ông nhảy tọt xuống làm con ma dại, ông thấy nó đột ngột quá. Cho nên ông phải bước dần từng bực một.
Lúc này, ông như đi được một quãng dài, nghĩa là ông đã từ thần linh xuống làm người trần mắt thịt, cũng phàm tục như con vú em nhà ông nên ông mới kể lể tâm sự với nó, cái tâm sự một người đàn ông vắng vợ, nó chẳng khác gì tâm sự một người đàn bà vắng chồng, nghĩa là về cảnh ngộ, ông bình đẳng với vú em vậy.
Vậy mà ông chờ mãi chẳng thấy vú em vào, để ông bước thêm vài bước nữa. Ông bèn lay con dậy.
Thấy thằng bé khóc thét lên, ông chạy ra ngoài cửa ngó. Nhưng thất vọng làm sao! Con vú em nhà ông đương tất tả chạy lên, mà ở dưới, rõ ràng ông thấy hai bóng người đi đi lại lại. Đến giữa sân, con vú quay lại nói:
- Các chị cố mà ngủ đi, sì sục mãi, nửa đêm rồi. Trên này còn bức bằng mười ấy.
Chán nản, ông thở dài, đứng thần người, căm giận quá. Chị Đĩ Nuôi lại nói với xuống:
- Anh bé cũng chẳng ngủ yên, làm ông phải thức mãi, các chị ạ. Các chị bắc chõng lại hiên này mà ngủ, mát đáo để.
Rồi rất tự nhiên, chị lại nói với ông:
- Bẩm ông, bà đi vắng, anh con quấy quá.
Thấy việc kín đáo bị bại lộ, ông chủ bực mình. Ông sợ mất thể diện, gắt to:
- Vú để anh nằm một mình, mở cửa toang ra rồi đi. Vú to gan thật!
Nói xong hầm hầm về buồng riêng.
Chị Đĩ Nuôi mừng thầm vì thoát nạn, chị được ngả lưng đỡ mỏi, nhưng vẫn thấp thỏm quá. Chị chỉ sợ ông lại sang, cho nên chị không dám ngủ say, nhất là chị không dám cựa mạnh để anh bé thức dậy, vì vậy, chị mỏi rời một nửa người.
Vơ vẩn, chị nằm lo cho thân chị, còn ngày mai, đêm mai, còn ngày kia đêm kia, chị sẽ vẫn như trứng đầu đẳng, bà chủ biết bao giờ nguôi giận mà trở về. Mà có đời nào bà về, nếu ông không thân hành đi đón, hoặc không cho người đi mời.
Nếu bụng ông chủ mà đúng như lời đoán của chị, là định giở trò phải gió với chị, thì chị biết làm thế nào? Quyết là chị chỉ có cách kêu tướng lên mà thôi.
Rồi chị thương thân, bỗng tự nhiên tham của mà sa vào miệng hùm, chị thương chồng hèn mọn, thật thà, vì sợ hãi mà bắt buộc đem vợ đến một nơi mà không ngờ là nguy hiểm.
Mai có ai về ấp đâu? Giá có người về, chị quyết nhắn cho kỳ được chồng lên, nói rõ chuyện này, rồi bàn nhau kiếm cớ mà xin về. Chứ còn một năm, hai năm nữa, rồi chị sẽ gặp bao nhiêu đêm hãi hùng như đêm nay, hoặc hơn đêm nay.
Bỗng sực nghĩ đến cái nghèo khó, cái nợ nần, chị sụt sịt khóc.
Suốt cả ngày hôm sau, chị Đĩ Nuôi ngơm ngớp lo, nhưng may quá, vì chị khéo trốn tránh ở nhà dưới, vả ông chủ bận công việc từ sáng đến chiều, lúc nào cũng cau cảu, nên chị được yên thân.
Nhưng cố nhiên là lại đến tối. Cho nên chị Đĩ Nuôi buồn, buồn thờ thẫn cả người.
Chị xui người ta ngủ ở trên nhà trên, bên buồng anh bé, nhưng người ta chê chỗ ấy khuất gió và lắm muỗi. Biết là đêm nay lại thân cô thế cô, chị Đĩ Nuôi đành liều, quyết định đến lúc xảy ra công việc, thì chỉ còn có cái khí giới để chống cự, là chị kêu lên mà thôi.
Rồi đặt mình xuống giường, chị ru anh bé, và hết sức giữ cho anh ấy ngủ say. Chị nằm trong màn, mở mắt ra nhìn. Bỗng thấy ông chủ gọi:
- Anh bé ngủ rồi à? Vú em.
Trống ngực chị nổi lên thình thình, chị không đáp.
- Vú em ngủ rồi à?
Câu ấy vừa nói xong, chị thấy ở ngoài tường có in rõ cái bóng người đi đến. Chị giận đầy lên cổ, quả nhiên ông chủ rón rén sang buồng. Chị vờ nhắm mắt, nằm rất yên.
Độ một chốc, chị thấy tiếng anh Hai ở nhà ngoài:
- Bẩm ông!
Chị hết hồn. Thôi chết. Không biết lúc anh Hai gọi thì ông chủ đứng đâu? Lúc ấy chị nhắm mắt, chị chẳng rõ.
Nhưng chị thấy tiếng dép đế cao su rón rén ra. Mở mắt, chị thấy cái bóng trên tường vụt một cái, rồi thấy tiếng đáp:
- Hai gọi tao đây à? Việc gì thế?
Nhưng không thấy anh Hai nói gì. Chị không hiểu thế nào cả. Chị ngồi dậy, ra mé cửa chớp ngó ra, thì thấy anh Hai đứng dưới bếp, đang nói gì với mọi người, lại cười và trỏ lên buồng anh bé.
Chị hiểu, chán ngán quá. Thôi, thế thì đích rồi. Hẳn là anh Hai đã trông thấy ông chủ ở trong buồng chị, rồi không muốn quấy nhiễu ông, nên anh chạy vội xuống nhà dưới. Vì vậy anh trót buột mồm gọi chủ, mà chủ hỏi, anh chẳng trả lời. Thế thì họ nghi rồi. Chị Đĩ Nuôi thở dài, ứa nước mắt, lẩm bẩm:
- Lại còn nông nỗi này nữa. Ai giảng cho anh ấy tìm được việc oan ức này!
VII - Vợ con
Từ khi chị Đĩ Nuôi vắng nhà, anh Đĩ Nuôi buồn lắm. Cái đĩ nhớ mẹ, nó lèo nhèo suốt ngày. Nhiều lúc, thấy con khóc, anh ru rin nâng niu nó, mà tự nghĩ đến cảnh, anh những rớt nước mắt.
Song, số tiền công của vợ anh nó an ủi anh một cách rất mạnh mẽ. Những khi con đã ngủ yên, anh vơ vẩn nghĩ thì thấy cái tương lai tốt đẹp lạ thường:
Anh sẽ được sạch nợ, và làm ăn khá giả.
Một đôi khi, có người trong ấp có việc gì phải đến nhà ông chủ trở về mà anh hỏi thăm thấy vợ được bình yên, thì anh mừng lắm. Nhất là anh nghe nói vợ anh béo ra, trắng ra, và ăn mặc sạch sẽ, thì anh càng vui vẻ.
Thật ra, anh không hề được nghe thấy ở ngoài người ta dị nghị, người ta bảo không khéo thì anh mất vợ! Anh cứ hy vọng, hy vọng cái món tiền ba đồng cho đến lúc thất vọng. Nhưng nào anh có dám thất vọng hẳn. Tuy chờ mãi chẳng thấy vợ gửi tiền về, mà anh vẫn tự dối anh, để yên trí rằng vợ anh chưa gặp người chắc chắn để nhờ đưa anh món tiền ấy.
Bởi vậy, anh túng đến nỗi bất đắc dĩ phải đưa nhờ hàng xóm giữ con để đi làm mướn. Nhưng anh cũng chỉ liều được một hôm thôi, vì anh thấy tối hôm ấy cái đĩ nóng đầu. Nó quấy cả đêm. Anh nhớ vợ, thương con, đâm ra sốt ruột. Rồi sáng hôm sau, thấy con sốt nặng hơn, anh lo lắng, bèn nhờ người nhắn cho vợ biết và gửi tiền về cân thuốc.
Đến lần này anh mới thật hết hy vọng.
Người ấy kể chuyện cho anh nghe rằng:
- Tôi không gặp bác gái.
Sửng sốt, anh ôm con vào lòng, hỏi:
- Thế nhà tôi đi đâu?
- Tôi không ngờ nông nỗi ấy, bác ạ.
Rồi người ấy thở dài, kéo anh Đĩ Nuôi ngồi xuống, và nói:
- Bác nên ôn tồn mà nghe. Lúc tôi đến nhà ông, không may cho tôi, tôi không gặp bác gái, mà lại gặp ngay ông đứng ở cổng. Tôi chào, ông hỏi tôi đến có việc gì. Tôi đem những câu bác dặn mà nói, thì ông cười lạt, hỏi: "Thằng Đĩ Nuôi nó cho vợ nó lên nếm cơm nhà tao đó phải không? Nó đã học được thói các vú em mà nói dối con nó ốm để bắt bí tao à? Mày về bảo nó sao không nhắn là cả cha nó, mẹ nó và con nó cùng chết một ngày có hơn không?" Anh Đĩ Nuôi tái mét mặt, cắn môi nghĩ ngợi, rồi hỏi:
- Thế bác nói sao?
- Chẳng nói được câu gì, vì xong câu ấy ông đi vào luôn.
- Sao bác không đi theo?
- Có, tôi đi theo, nhưng ông quay lại đóng cổng và bảo: "Đứng ở đó, rồi tao bảo nó ra". Tôi đành chờ ở cổng vậy. Nhưng chờ đến hàng giờ, mà chẳng thấy bóng chị ấy đâu cả. Tôi cố ý nhìn vào tận sân trong, nhưng tôi chỉ thấy vắng tanh vắng ngắt. Tôi đứng chồn cả cẳng, vừa khát, vừa nắng. Tôi đẩy cánh cổng sắt toan vào, nhưng mà phía trong gài then thế nào, tôi sờ mãi không thấy. Mãi tận đến ba bốn giờ sau, mới có người đi ra, bảo tôi: "Anh cứ về đi, vú em đương bận". Tôi hỏi: "Thế vú ấy có nhắn gì không?" "Tôi không biết, đó là ông bảo thế". Tôi cố đứng lại thêm một giờ nữa, mà cũng không được ích gì hơn, tôi bèn quay ra về.
Anh Đĩ Nuôi sờ đầu con, nói:
- Tôi khổ quá, bác ạ.
- Nhưng mà, bác ơi, tôi lại nghe thấy người ta nói lạ lắm kia.
Cau đôi lông mi, anh Đĩ Nuôi quắc mắt nhìn, ra ý hỏi.
- Tôi nghe ở ngoài họ xôn xao rằng không khéo bác bị lừa.
Anh Đĩ Nuôi trỏ vào ngực, rắn rỏi, nói:
- Tôi? Bị lừa?
- Phải, bác bị lừa. Người ta bảo ông đã bỏ vợ.
Chột dạ, anh Đĩ Nuôi hỏi dồn:
- Ông bỏ vợ? Bỏ vợ làm gì? Có việc gì đến tôi không?
Khẽ gật đầu, người ấy cười thương hại:
- Việc lắm chứ! Người ta đồn, bây giờ bác gái không phải là vú em nữa.
- Thì làm sao?
- Bác gái lên chức làm bà Hai!
Quên hẳn cái đĩ đương nằm trên tay, anh Đĩ Nuôi đứng phắt dậy, trợn hai mắt căm hờn nhìn bạn, hỏi:
- Có đích không, bác?
Nhưng không chờ câu đáp, anh Đĩ Nuôi nức lên khóc:
- Lại còn đến nỗi thế nữa kia ư?
Cái đĩ oằn oại cũng khóc.
Song người bạn ái ngại, vỗ vai anh Đĩ Nuôi và an ủi:
- Đó là tôi nghe người ta nói, chứ lấy gì làm chắc chắn. Để rồi hai năm rõ mười cái đã nào.
Anh Đĩ Nuôi thổn thức đáp:
- Đấy, bác suy ra thì biết thực hay hư. Vì cớ gì ông bỏ vợ? Vì cớ gì ông không cho nhà tôi giáp mặt bác? Tôi không ngờ lại có chuyện này.
Cả đêm hôm ấy, máu ghen sôi lên sùng sục, anh Đĩ Nuôi uất đến nỗi phát sốt. Thì ra chị Đĩ Nuôi không định mà làm hại cả chồng lẫn con.
Sáng hôm sau, anh Đĩ Nuôi dậy sớm, liều với số phận, anh lại nhờ người hàng xóm giữ con, rồi hăng hái ra đi. Ai hiểu chuyện cũng phàn nàn cho anh, và đều can ngăn anh chờ vài hôm nữa cho anh và con anh lành mạnh. Nhưng còn ai ngăn nổi anh lúc này. Anh quyết sao cũng bắt vợ anh về cho kỳ được, dù tiền công có đến bạc trăm một tháng, anh cũng không thèm. Vợ chồng thật bụng yêu nhau, còn làm cho người ta sung sướng gấp mấy sự giàu có. Nếu vợ anh nhất định không về, thì anh đành ở tù mà cho đứa bạc tình một nhát dao vào ngực để anh khỏi phải nghĩ ngợi, xấu hổ. Rồi vớ vẩn nghĩ đến chuyện cũ, anh nhớ ra rằng chính vợ anh muốn đi ở vú nhà ông chủ, thì có lẽ là ham sự giàu sang. Anh căm, anh hờn quá, anh đâm ra ghét đàn bà là giống dễ đổi bụng. Anh thấy nghèo hèn xấu xí mà lấy vợ có nhan sắc là một cái vạ.
Đi đường chẳng mấy chốc đã tới nơi, anh Đĩ Nuôi trống ngực thình thình, như mắt được trông thấy cái bi kịch mới diễn ra vậy.
Bỗng nghe thấy còi ô-tô, rồi cái xe lù lù ở cổng quành ra, từ từ tiến đến gần anh. Anh đứng sững lại, nhìn kỹ vào trong. Anh như bị sét đánh ngang tai, bàng hoàng cả người. Anh thấy vợ anh ngồi trong, mà ông chủ vặn lái. Xe đi ngang mặt anh. Vợ anh trông thấy anh, thò đầu ra nói. Nhưng xe đi nhanh quá, anh không nghe rõ, vì lúc ấy, anh bị ù tai lóa mắt.
Rồi xe đi vụt qua. Một đám bụi mù, vợ anh còn ngoái cổ lại nhìn. Anh nghiến răng, giơ hai tay nắm chặt, rồi thở hổn hển. Thế là anh hết cả hy vọng.
Nhưng đứng nhìn theo đám bụi mù có ích gì? Anh phải hỏi han cho biết hơn nữa mới được. Anh mới vào trong nhà với bọn người nhà. Anh gặp anh Hai, bèn hỏi:
- Nhà tôi đi đâu với ông, anh có biết không?
Anh Hai không đáp, chỉ nhìn anh và mỉm cười. Thấy cái mỉm cười láu lỉnh, anh Đĩ Nuôi hiểu ý, hỏi:
- Bao giờ ông về?
Anh Hai lại mỉm cười, lắc đầu. Anh Đĩ Nuôi hỏi cáu:
- Bao giờ về, anh không biết à?
Anh Hai vỗ vai anh Đĩ Nuôi, chế nhạo:
- Ông đi đâu dễ xin phép tôi hay sao? Anh thật là thằng ngốc. Tôi khen anh đó. Phen này khối tiền tiêu!
- Anh biết những gì, anh cứ cho tôi nghe.
Nửa kín, nửa hở, anh Hai nói:
- Tôi chẳng biết gì cả!
- Thế mà tôi biết, anh đừng giấu tôi.
- Thế thì anh không ngốc tí nào. Tôi khen anh đó.
Anh Đĩ Nuôi tức uất người lên, hỏi:
- Bà có nhà không?
Anh Hai đủng đỉnh đáp:
- Anh tra tôi à?
Anh Đĩ Nuôi nắm tay anh Hai một cách thân mật, năn nỉ:
- Ở đây chỉ có anh là tôi thân mật hơn hết cả mọi người, vả chăng mình cùng là đầy tớ, cùng bị đầy đọa như nhau, ta nên thương nhau thì phải, vậy anh nên bảo thực tôi.
Có ý cảm động, anh Hai hỏi:
- Anh muốn biết cái gì?
- Người ta đồn ông bỏ vợ để lấy nhà tôi, phải không anh?
- Người ta đồn thế à? Thế thì anh không nên tin. Ông không bỏ vợ.
- Vậy thì bà có nhà không?
- Không.
- Bà đi từ bao giờ?
- Bà giận ông, bà đi Hà Nội đến ngót một tháng nay.
- Chả có lẽ. Thế hôm nay ông đi đâu?
- Hình như đi Hà Nội, mà nghe đâu đi vắng lâu mới về.
- Anh có nghe người ta nói chuyện ông với nhà tôi không?
Anh Hai phá ra cười, đáp:
- Việc gì phải nghe. Sao anh không hỏi rằng tôi có trông thấy hơn không?
- Ừ, anh có trông thấy điều gì khả nghi không?
- Nhưng anh đừng phát khùng nhé. Tôi có trông thấy một lần, hai lần, ba, bốn, năm lần, nhưng không biết có nên nghi không?
- Thôi, anh đừng đùa nữa. Anh trông thấy gì?
- Anh đoán thì biết.
Anh Đĩ Nuôi ôm đầu khóc.
- Thảo nào! Con tôi, anh ạ. Mà hiện bây giờ tôi cũng sốt đây. Thế mà tôi dứt ra đi, vì hôm qua tôi nhắn cho nhà tôi biết và gửi tiền về, mà ông không cho vào. Nhà tôi có biết hay không, hở anh?
- Cái đó tôi không rõ. Nhưng tôi tưởng làm quái gì chẳng biết.
Anh Đĩ Nuôi lau mồ hôi trán, thở dài.
Anh Hai nói:
- Ông nhà ta vẫn có cái lối ấy, cho nên tôi rất thương hại anh ngay từ buổi đầu. Song chẳng lẽ tôi lại nói ra. Lỡ ông biết thì tôi chết. Rồi chúng tôi hiểu cả cái mưu của ông, từ khi đánh mất hai chục bạc, cho đến khi sinh sự cãi nhau với bà để bà giận bà đi.
- Làm thế nào bây giờ, anh có cách gì giúp tôi với.
- Khó lắm. Bởi vì khó hay dễ là ở chị ấy, mà chị ấy thế nào, anh biết đấy chứ?
Nói chuyện hồi lâu, anh Đĩ Nuôi trở ra về, càng căm, càng hờn vì những nỗi uất ức vẫn chứa chất trong lòng, chưa thể làm cho nó bớt đi được.
Cái đĩ sốt nặng hơn buổi sáng, mà nuôi con thì anh Đĩ rất vụng về. Nhiều lúc anh cảm vì nỗi quạnh hiu, ở vào đồng đất người, xung quanh họ thân thích không có, những lúc khó khăn, bấn quẫn, không có ai bàn bạc giúp đỡ được một điều gì.
Rồi hôm sau, cái đĩ lên chứng sài uốn ván. Được vài ngày thì nó thở hơi cuối cùng.
Vợ bỏ, con chết. Anh Đĩ Nuôi như cũng chết một nửa đời người, mối thù của anh càng to. Anh quyết phen này đến sửa tội ông chủ và vợ anh cho đáng kiếp.
Anh bèn từ giã hết mọi người trong ấp, rồi đi.
Anh đến nhà ông chủ. Nhưng ông vẫn chưa về. Anh nói với anh Hai chuyện con chết, và xin cho ở nhờ vài hôm để chờ vợ. Anh Hai ái ngại, nên chiều lòng anh. Anh ở đó, đêm ngày mong mỏi, song tịnh không nói với ai cái ý định của anh. Trước mặt mọi người, anh vẫn vui vẻ như thường, và bảo họ rằng anh muốn đến xin ông chủ cho ở hầu luôn trong nhà để gỡ nợ. Nhưng mọi người đều bảo:
- Đi làm vú em lại có chồng sờ sờ bên cạnh, thì ai người ta bằng lòng.
Anh Đĩ Nuôi hiểu câu ấy cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cho nên anh càng thấy nhục nhã ngấm ngầm, cái nhục nhã của một anh chồng có vợ phải lòng trai, tức là cái nhục không có chữ mà tả vậy.
VIII - Ân bể trời
Anh Đĩ Nuôi ở chờ ba hôm. Trong ba hôm trời, anh những rầu gan nẫu ruột. Anh giận vợ điêu bạc, oán chủ lật lừa. Anh thấy cái đời của kẻ nghèo khó nó như cái đời bỏ đi vậy. May sao, hôm thứ tư thì bà chủ về. Anh mừng quá. Anh cố tố cáo việc riêng của ông để bà phân xử.
Nhưng mãi anh không dám dàn mặt bà vì từ lúc về đến nhà, bà gắt gỏng ầm ĩ, bà hỏi việc này, việc nọ, bà quát tháo với cả mọi người. Thỉnh thoảng bà mắng những câu quái gở:
- Tao thì đuổi hết cả chúng bay đi.
Đến tận trưa, anh Đĩ Nuôi đắn đo mãi, mới lên nhà trên. Thì lạ quá, bà chủ vừa thấy anh đã giở trận lôi đình. Bà xám mặt lại, nghiến răng, trỏ vào mặt anh mà nói:
- À, quân bạc, mày rút ruột tao.
Anh Đĩ ngạc nhiên. Run sợ, anh ấp úng đáp:
- Bẩm lạy bà, con mới đến đây vài hôm nay.
Bà chủ cười gằn:
- Lạy bà! Ra chúng bay bạc thật. Tao biết cả. Mày tưởng tao không có mắt hay sao?
Nói xong, bà đứng phắt dậy, túm tóc anh, rồi cứ lưng phát mãi.
Tuy anh Đĩ Nuôi không đau, nhưng anh cũng kêu chiếu lệ. Anh chẳng hiểu chuyện gì. Anh muốn để bà chủ nguôi cơn giận, rồi hỏi xem vì sao bà đánh anh.
Nhưng, vừa buông anh ra, bà đã quay xuống bếp, gọi váng:
- Chúng mày đâu cả rồi?
Những tiếng dạ ran dưới nhà, làm cho anh Đĩ Nuôi kinh ngạc. Anh nhìn bà chủ, anh thấy bà xám ngoẹt người lại và tay run rẩy.
Người nhà lục tục kéo lên. Bà chủ hung hăng nói:
- Chúng bay trói thằng này lại cho tao.
Lệnh trên ban xuống, kẻ dưới cứ việc răm rắp thi hành. Anh Đĩ Nuôi lạy van rã bọt mép. Độ năm phút, anh bị gô vào cây cau phơi ra giữa nắng. Bà chủ nhìn mọi người làm xong việc, rồi khuỳnh tay hất hàm bảo mọi người:
- Chúng bay kiếm mỗi đứa một cái gậy, đánh thằng Đĩ Nuôi ốm đòn cho tao, tội vạ đâu tao chịu.
Rồi bà trỏ vào anh Đĩ Nuôi mà rằng:
- Mày làm hại gia đạo nhà tao. Mày thông với vợ mày để rút ruột ông.
- Bẩm lạy bà, không phải thế, oan con quá. Chính con định bẩm bà việc này để bà nói chuyện khuyên can ông.
Bà chủ cười chua chát:
- À vừa đánh trống vừa ăn cướp, mày khôn thật. Nhưng tao thử xem bây giờ mày còn có khôn nữa không.
Rồi quay xuống nhà dưới bà gọi:
- Chúng bay đâu cả rồi, hay về hùa cả với nó?
Mọi người sợ hãi chạy lên, bà bảo:
- Cho chúng bay đánh sướng tay.
Anh Đĩ Nuôi bị những ngọn gậy vào lưng trước còn kêu thưa, sau kêu mau dần, sau hết hơi, không kêu được nữa. Quần áo anh rách tan tành, mà bắp thịt thâm, tím, đỏ ngòm những máu, bị phơi ra ngoài nắng. Anh đánh liều. Anh mê lên. Anh chỉ thấy rát, anh không nghe rõ gì nữa!
Bọn người nhà trông thấy anh mà thương hại, nên đến lúc anh gục lả ra, thì họ cũng khoan tay. Nhưng bà chủ chưa hết cơn hờn, bà quát:
- Chúng bay không đánh cho nó ốm đòn, thì tao cho chúng bay một trận.
Thì vừa lúc ấy ô-tô ông chủ về. Bà chủ đương đứng khuỳnh hai tay hống hách, bà nguýt một cái, rồi đi thẳng vào. Ông chủ xuống xe, trông thấy cảnh tượng mà giật mình. Ông hiểu cả việc, ông bèn nhanh nhẩu lên thềm, vào buồng vồn vã:
- Mợ đã đánh nó rồi à? Phải, tội nó, chứ giầy vò tôi thì oan tôi quá.
Bà chủ lặng người không đáp. Ông lại làm ra dáng vui vẻ, sán đến gần:
- Mợ ơi! Mợ giận tôi đấy à?
Bà chủ thở mạnh một cái, nói:
- Thôi, ông giết ngay tôi đi, còn về đây làm gì!
Ông chủ cười làm lành, rồi đi thong thả ra hiên. Anh Đĩ Nuôi vẫn gục lả ở giữa nắng. Ông liếc mắt nhìn qua, rồi vẫy gọi anh Hai, và hỏi:
- Chúng mày đánh nó có đau lắm không?
Anh Hai chắp tay gật gật nhanh nhảu đáp:
- Bẩm đau lắm vì bà truyền lệnh thế, không ai dám cưỡng.
- Phải, tội ở nó, nó đáng phải đánh.
Anh Hai nhìn chủ có ý ngạc nhiên, rồi hỏi:
- Bẩm ông, vú em đâu?
Ông thở dài:
- Em bé thì ở Hà Nội, hiện nay đã thay vú. Còn vợ nhà Đĩ Nuôi thì hôm qua bị trận đòn, và bà đã đuổi đi rồi.
- Bẩm tội gì ạ?
Bà chủ nghe tiếng, trừng mắt quát:
- Tội gì, mày còn hỏi phải không? Chúng bay tệ lắm. Tao biết cả. Liệu hồn.
Anh Hai sợ quá, nói lảng:
- Bẩm thế hiện nay vợ Đĩ Nuôi đi đâu?
Ông chủ đáp:
- Nó về với chồng nó ở ấp. Chồng nó đến đây từ bao giờ?
- Bẩm ông, đã đến bốn hôm nay. Chắc anh ấy nghi chị ấy, rồi đến đây định bắt về.
Ông chủ cau mặt hỏi khẽ:
- Thế nó có bẩm bà gì không?
Anh Hai cười:
- Bẩm không.
- Được, hễ bà bảo gì, chúng mày cũng phải nghe theo. Phải chiều bà hết sức, không được trái ý, nghe chưa?
- Dạ.
Ở dưới sân, anh Đĩ Nuôi mở mắt, thấy ông chủ thì anh nhìn chòng chọc. Căm hờn, anh xám mặt lại, rồi như không đủ can đảm để chịu đựng thêm những nỗi đau đớn nữa, anh nhắm nghiền mắt lại.
Lúc ấy, bà chủ ra hiên thấy chồng, thì hơi giận lại đầy lên đến cổ, bà đùng đùng đến gần anh Đĩ Nuôi. Bà giở hết sức ra để tát, để đánh. Rồi vừa dứt tóc, bà vừa chửi. Bà làm đủ trăm hình nghìn tội. Anh Đĩ Nuôi hết kêu lại van, nhưng rồi biết rằng vô ích, anh đâm ỳ ra, cắn răng đành chịu những hình phạt. Đến chiều xẩm, bà chủ thấy anh Đĩ Nuôi đã kiệt hơi sức, bà mới bảo người cởi trói, và lôi anh ra cổng. Anh Đĩ Nuôi đau nhừ người, nằm còng queo bên bờ cỏ. Anh cố bò lê đi nhưng được độ ba bước, anh không còn sức nữa, đành chịu nằm bẹp dí.
Chị Đĩ Nuôi phải đuổi, về tới nhà, thấy cửa đóng min mít. Hỏi thăm hàng xóm thấy người ta kể lại chuyện đầu đuôi, chị vật vã, tru lăn tréo lộn, rồi đắm bổ đi tìm chồng.
Nhưng chị có biết chồng chị đi đâu. Chị yên chí là chồng đi tìm chị. Chị chán ngán lạ thường. Chị biết rằng chồng chị đau đớn và nghi ngờ chị. Chị phải minh oan mới được. Làm thế nào để báo thù con người đã manh tâm làm cho gia đình chị tan nát. Chị liều đi, đi vơ vẩn.
Tới trại ông chủ, chị không dám vào. Hỏi những người quanh đó, thì chị biết rằng chồng chị có tới đấy, nhưng không rõ rằng còn ở đó, hay đã đi từ bao giờ. Chị bèn nhờ người nhắn hỏi anh Hai, nhưng anh Hai không bảo.
Sáng sớm hôm sau, chị thấy tiếng xe hơi đi qua. Nấp sau hàng rào nhìn theo, chị thấy một mình ông chủ vặn máy, mà xe thì chạy nhanh lắm. Chị bèn theo vết xe mà đi.
Nhưng được độ hai giờ sau, chị thấy xe ông chủ đã trở về. Chị đứng rạp sang cạnh đường, cố nhìn vào trong xe. Xe gần tới thì đi chậm dần dần. Ông chủ ngó đầu ra bảo chị:
- Về nhà tao bảo cái này nhé.
Rồi chiếc xe hơi lại bốc bụi chạy nhanh như bay. Chị Đĩ Nuôi nửa mừng nửa lo, đắn đo mãi mà không quyết định có nên về nhà ông chủ hay không, về có việc gì? Sao ông không bảo ngay?
Hay là vì có người khách lạ ngồi trên xe, mà ông không muốn đỗ lâu để bảo là việc gì. Sau hết chị liều, cứ nhắm mắt đưa chân xem sao, vì chị đoán già rằng ông cho mấy tháng công trước.
Tất tả đi trên đường cát nóng bỏng chân, chị Đĩ Nuôi băn khoăn, tự hỏi mãi bao nhiêu điều, mà không biết câu trả lời nào là đúng.
Độ buổi trưa, chị vào trại. Tự nhiên chị thấy giợn tóc gáy. Chị thấy cảnh nhà như có vẻ buồn bã lặng lẽ khác thường. Ngập ngừng mãi ở cửa, sau đánh bạo, chị vào. Thì vừa lúc ấy chị trông thấy bà chủ, chị tái mét mặt. Nhớ lại những roi đòn hai hôm trước, chị tưởng tượng ngay đến một cuộc đánh ghen thứ hai nữa.
Chị bẽn lẽn, chắp tay chào, thì bà chủ đon đả, tươi cười, vẫy chị lại gần, và bảo:
- Mày làm tao rầy rà quá. Chồng mày nó lên đây tìm mày, rồi nó cảm nắng.
Giật nảy mình, chị Đĩ Nuôi nhìn bà chủ, có ý hỏi thêm.
Bà chủ bảo:
- Rồi thương hại quá, thuốc nào cũng không chuyển.
- Bẩm bà thế nhà con đâu?
Bà chủ vẻ mặt ái ngại, trỏ tay xuống nhà dưới. Chị Đĩ Nuôi vội vã chạy, thì đến nơi, chị giật nảy mình, chị òa lên khóc, chị chẳng được hỏi han chồng chị bệnh tật làm sao. Chị chỉ được thấy cỗ ván mong manh, trên có cái bát phố đầy gạo, cắm ba cái chân hương đỏ. Trong nhà một bầu không khí lạnh lẽo, buồn tênh.
Chị vật vã bên quan tài. Chị gào, chị khóc, khản cả tiếng, hết cả hơi. Bao nhiêu người đứng ở ngưỡng cửa nhìn vào, đều thở dài một cách e ngại. Bỗng bà chủ vỗ vai chị mà rằng:
- Này, tao bảo, chồng mày chẳng may xấu số thiệt phận, không được gặp vợ gặp con, nhưng cũng còn may mà được chết ở đây, thì tao làm phúc cho cỗ ván, nghe chưa.
Chị Đĩ Nuôi cảm động, vắt nước mũi, chùi nước mắt đáp:
- Dạ.
- Mà ông cũng phải đi ô-tô mời đôc-tờ về khám xét để tiện sự trình báo, nghe chưa?
- Dạ, con lạy bà thương con.
- Ừ nhưng tao cũng thương hại chồng mày xưa nay hiền lành, mày tiếng thế cũng ngoan ngoãn, thì tao bảo các anh em chốc nữa khiêng ra đồng, tao cho chôn nhờ vào ruộng nhà, nghe chưa. Này, cầm lấy.
Chị Đĩ Nuôi ngẩng đầu lên, thấy cái giấy năm đồng của bà chủ đưa cho, thì động lòng quá, vội vàng ngồi xếp chân lại, sì sà sì sụp, lạy lấy lạy để. Bà chủ nói:
- Thôi, tao chước cho.
Nói đoạn, hớn hở, bà lên nhà trên. Chị Đĩ Nuôi quay ra, trông thấy mọi người, thì vừa khóc lóc, vừa nói:
- Em lạy các bác, các bác giúp cho nhà em được mồ yên mả đẹp.
- Thôi, chị không phải nói, chúng tôi xin hết lòng. Ông bà đã mời thầy, chạy thuốc mãi, nhưng anh ấy chẳng qua cũng là tại số.
Làm lấp cả tiếng nói, chị Đĩ Nuôi nức nở khóc òa, rồi thụp lễ mọi người để chân thành cảm tạ!...
Viết năm 1935
Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong: Ông chủ bà chủ, những truyện thực từ mười năm về trước (NXB Đời Mới, 1944 - 213 tr.)
Ông chủ: Trang 7-112
Bà chủ: Trang 112-222
Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Ông chủ - Tiểu thuyết. Tái bản lần 1. NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh 1998.
Tham khảo: Các bài viết liên quan
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉