Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Bút tích của nhà văn Nguyễn Công Hoan


Bút tích của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Nhà văn Lê Toán
Nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6-3-1903, tại tỉnh Hưng Yên, mất ngày 6-6-1977 tại Hà Nội. Ông đã để lại cho đất nước một di sản nghệ thuật đồ sộ với hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài và nhiều tiểu luận văn học, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Tắt lửa lòng (tiểu thuyết), Kép Tư Bền (tập truyện ngắn), Bước đường cùng (truyện ngắn)... Sinh thời, nhà văn Nguyễn Công Hoan từng dạy học ở nhiều tỉnh như Nam Định, Hải Dương, Lào Cai. Trong đó, ông đã từng dạy học tại Trường Tiểu học Trà Cổ (Móng Cái) cuối những năm 30 của thế kỷ trước.
Mấy năm trước, khi còn là Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tôi đã từng có dịp đến Trường Tiểu học Trà Cổ. Ngôi trường nơi nhà văn từng dạy học nằm trong khuôn viên Trường Tiểu học Trà Cổ đến nay được xây dựng 2 tầng khang trang. Tôi đã gặp một trong các học sinh của nhà văn Nguyễn Công Hoan, đó là cụ Đoàn Trấn, đến nay hơn 90 tuổi. Cụ Trấn đã lưu giữ được một số kỷ vật của nhà văn. Mối quan hệ giữa gia đình cậu học trò Đoàn Trấn với thầy giáo - nhà văn Nguyễn Công Hoan khi ông dạy học ở Trà Cổ là thân tình. Cụ Trấn cho biết, con gái út của nhà văn là bà Nguyễn Tài Hồng đã từng ở nhà cụ. Trong số các kỷ vật của cụ Đoàn Trấn, tôi chú ý đến bức thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan gửi cậu học trò Đoàn Trấn. Bức thư được viết ngày 17-3-1974. Nội dung như sau:

“Hà Nội ngày 17-3-1974.

Thân gửi anh Đoàn Trấn.

Hôm 14 vừa rồi, tôi ra Bãi Cháy, có gặp một anh nhà thơ trẻ (tôi quên tên), anh ta nhắc tôi là ở Trà Cổ, anh em mong tôi ra chơi, vào dịp hè năm nay.

Việc tôi định ra, tôi đã viết thư cho anh từ lâu rồi. Vậy thì hè này, thế nào tôi cũng ra. Cả nhà tôi với em Hồng, cùng vài cháu nội, cháu ngoại nữa. Anh còn nhớ Hồng không? Nay Hồng đã có 4 con, con lớn là kỹ sư, còn ba con nhỏ học ở đại học cả rồi. Chồng là Thứ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim. Nay Hồng cũng viết văn, lấy tên là Lê Minh.

Tôi có ra Trà Cổ thì cả gia đình cùng



ra, ước độ mươi người, đi bằng xe ô tô riêng. Và đến độ tháng 8 mới ra. Vậy tôi xin anh cho tôi biết vài điều như sau: Anh sẽ tổ chức cho gia đình tôi ở đâu? Chắc là sẽ ở nhà của Công đoàn. Vậy phải thuê buồng thế nào? Mỗi buồng bao nhiêu tiền trong thời gian bao nhiêu ngày. Còn ăn thì bao nhiêu tiền một ngày.

Vì tôi chưa ra nghỉ ở Trà Cổ bao giờ, nên chưa biết thể lệ thế nào. Tôi cần biết, để chuẩn bị về vật chất. Vậy tôi xin anh cho tôi biết, và nếu có thể, thì anh cho biết ngoài nhà của Công đoàn, còn có những nhà nào có thể ở được.

Cũng còn từ nay đến tháng 7, vì tháng 8, gia đình tôi mới ra, vậy xin anh cứ thong thả trả lời cũng được. Nhận được thư anh, tôi sẽ định ngày rồi sẽ báo trước cho anh ngày tôi ra và số người trong gia đình, để anh có thời gian sắp xếp. Chúc anh và gia đình bình yên. ”.
Hoan


Đọc bức thư có thể thấy những chi tiết khá thú vị, đó là nhà văn Nguyễn Công Hoan với tư cách Ủy viên chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, có con rể là Thứ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim, hơn nữa ông Đoàn Trấn vốn là học trò cũ nhưng tác giả của Kép Tư Bền vẫn hỏi tỉ mỉ giá thuê nhà nghỉ, tiền ăn hàng ngày, và “cần biết để chuẩn bị”. Đặc biệt, qua thư có thể thấy tình cảm của nhà văn với cá nhân cậu học trò cũ Đoàn Trấn cũng như vùng đất và con người Trà Cổ rất sâu đậm, ân tình. Những năm 70 của thế kỷ trước, để đi từ Hà Nội ra Móng Cái, Trà Cổ hẳn cũng không dễ như bây giờ. 43 năm đã trôi qua, tới nay lá thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan vẫn được gia đình cụ Đoàn Trấn giữ như kỷ vật.
Nhà văn Lê Toán




Mời xem thêm:
Về những lá thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan - Trần Minh, Báo Quảng Ninh.


0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉