Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Sáng thêm những chi tiết về Bác Hồ qua cái nhìn của các nhà văn - Cao Văn Định


Rating:★★★★★
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Cao Văn Định

Sáng thêm những chi tiết về Bác Hồ
qua cái nhìn của các nhà văn

Cao Văn Định

Cho tới bây giờ nhiều tác phẩm văn nghệ sáng tác về đề tài Bác Hồ được xếp đỉnh cao đã đứng được với thời gian. Đạo đức Bác Hồ và lòng kính yêu Người là một trong những yếu tố làm nên thành công của nhiều văn nghệ sỹ tầm cỡ.

Tuy nhiên có tác giả chưa hiểu hết xuất xứ của một số chi tiết gắn với Bác Hồ nên khi sáng tác đã bị nhầm, khiến tác phẩm thiếu sức thuyết phục.

Bởi vậy, khi còn sống, những năm cuối đời, cố nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) trong tập "Nhớ gì ghi nấy" có nhắc đồng nghiệp cần nắm chắc xuất xứ và tôn trọng hoàn cảnh lịch sử của từng câu chuyện, nhất là những chi tiết khi viết về Bác Hồ.

Về đôi dép cao su của Bác, có tác giả cho nó xuất hiện trước Cách mạng tháng Tám. Điều này không đúng với lịch sử. Vậy đôi dép của Bác có từ khi nào? Nhà văn Nguyễn Công Hoan nhớ lại:

"Dép lốp ta mới làm sau ngày Tây nhảy dù lên Việt Bắc năm 1947. Chúng tải ô tô lên đó rồi vứt lốp cũ lại. Ta lấy lốp làm dép. Từ đó mới có dép cao su. Trước ngày này, Hồ Chủ tịch đi dép cao su trắng, hiệu con hổ. Trước kháng chiến, Người thường dùng giày Tầu đi trong nhà ở Phủ Chủ tịch. Viết và vẽ Người trước năm này mà lận dép lốp, là không đúng".

Còn từ "Bác" gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ? Nhà văn Nguyễn Công Hoan kể rằng:

... "Cán bộ gần Hồ Chủ tịch gọi Người là Bác từ năm 1948. Sau ngày hoà bình, nhân dân ta mới gọi Người là Bác. Trước đó, vẫn gọi Người là Cụ, Cụ Hồ. Người tự xưng trong các bản viết cho thiếu nhi là Già Hồ.

Viết những mẩu chuyện về Hồ Chủ tịch trước năm 1948 mà cán bộ gọi Hồ Chủ tịch là Bác và Người xưng với cán bộ là Bác, là không đúng với lịch sử".

Về sự thông minh, trí tuệ, tài xử trí của Bác Hồ, nhà văn kể lại những mẩu chuyện như sau trong "Nhớ gì ghi nấy":

"...Ngày 6/1/1946, Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta. Nhiều thế lực phản động, thù địch chống phá ta. Chúng tổ chức biểu tình tại số nhà 80 - Quán Thánh, Hà Nội. Chúng không ứng cử.

Ông Trần Huy Liệu cáu lắm, chủ trương trị chúng. Cụ Hồ bảo:
- Kệ nó, thế nào nó không xin được có ghế trong Quốc hội?
Trần Huy Liệu:
- Đời nào!
Cụ Hồ:
- Nào, tôi đánh cược với chú?
Trần Huy Liệu:
- Vâng.

Quả nhiên, bọn Việt Quốc xin 50 ghế và Việt cách 20 ghế (không phải bầu).

Cụ Hồ hỏi Liệu:
- Nào, chú đã thua cuộc chưa?
Trần Huy Liệu:
- Vâng, xin chịu thua. Bởi vì tôi không ngờ là chúng nó bần tiện đến thế...

Chính phủ Liên Hiệp của ta thành lập năm 1946. Hồ Chủ tịch đã tập hợp được cả những thế lực thân Pháp như: Trương Đình Tri, cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế, thân Tưởng như Nguyễn Hải Thần, cử làm Phó Chủ tịch nước, Nguyễn Tường Tam - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyễn Tường Long - Bộ trưởng Bộ Kinh tế...

Sau khi bọn thân Tưởng chuồn sang Trung Quốc, trong phiên họp Quốc hội, một đại biểu chất vấn Chính phủ rằng: "Ta như lửa, chúng như nước, sao lại đặt chúng cạnh nhau?

Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ trả lời:
- Đúng, ta như lửa, chúng như nước. Nếu biết đặt nước lên trên lửa, thì nước sôi, uống lành!..."

...Cũng năm 1946, trùm thực dân hiếu chiến Pháp là Đác-giăng-li-ơ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh ra vịnh Hạ Long hội đàm trên tàu. Chúng điều động nhiều lực lượng hải quân túc trực ở tàu hòng diễu võ giương oai. Tại buồng khách dưới tàu, chúng mời Cụ ngồi giữa, còn chúng ngồi xung quanh.

Đác-giăng-li-ơ châm chọc, đùa bằng câu nói bóng tiếng Pháp.
- Thưa chủ tịch, Chủ tịch bị đóng khung! (Vous êtes encadre monsieur le President!)

Nghĩa đen của từ "encadre" là đóng khung, ý là ngồi ở giữa nhưng cũng có nghĩa là bị bao vây.

Nhanh trí, Cụ Hồ đáp lại bằng tiếng Pháp:
- Xem tranh người ta ngắm cái khung hay bức hoạ?

Từ ngắm trong tiếng Pháp còn có nghĩa bóng là chiêm ngưỡng vì quý phục.

...Bác Hồ ưa đối thoại, khuyến khích đối thoại và trực tiếp trả lời đối thoại.

Trong một hội nghị, Người bảo anh em viết câu hỏi vào giấy để tự mình sắp xếp, trả lời.

Các câu hỏi được đưa lên. Người cầm một tờ giấy có câu hỏi, đọc từng tiếng: "Thưa Bác, bao giờ Đảng ta ra công khai?"

Bác đọc lại rõ ràng một lần nữa rồi nhìn mọi người, hỏi:
- Chú nào hỏi câu này?

Không ai giơ tay. Bác bảo:
- Không có chú nào hỏi, sao lại có giấy này?

Sợ quá, một cán bộ, bất đắc dĩ giơ tay, nhận là mình viết.

Bác hỏi:
- Tên chú là gì? Công tác ở đâu?

Người cán bộ xưng danh và đơn vị, Bác nói:
- Thế bây giờ Bác trả lời chú nhé.

Cả hội trường im thin thít. Bác nói to, dằn từng tiếng:
- Bao giờ Đảng ta không cần bí mật nữa thì ra công khai.

Chờ mọi người cười xong, Bác lại hỏi:
- Có hiểu không?

Cả hội trường lại bò ra cười

Thấy người hỏi lừng lững ngồi xuống, cả hội trường lại càng cười rũ hồi lâu. Bác cũng cười..."

Viết những mẩu chuyện này, cố nhà văn Nguyễn Công Hoan tâm sự:
- Những sự kiện in vào óc lúc tuổi trẻ thì nhớ được lâu. Nhưng sự việc làm lúc già thì dễ quên.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan nói câu này khi chỉ cách đích cuối cùng của đời ông 7 năm, mà rất minh mẫn, nhất là khi nhắc tới những chi tiết và những mẩu chuyện về Bác Hồ. Với một nhà văn tài hoa như ông, lòng kính yêu Bác Hồ trước hết là phải biết tự trọng và tôn trọng sự thật lịch sử.

C.V.Đ

(Theo "Nguyễn Công Hoan -
Nhớ gì ghi nấy" - Nxb Hội Nhà văn 1998)



Tuesday, 7th October 2008

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉