Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Tản Đà, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng quanh chuyện gà


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Phó Đức An

Tản Đà, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng quanh chuyện gà




Nhà văn Nguyễn Công Hoan vốn là nhà giáo nhưng lại mê viết báo, sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài. Nguyễn Công Hoan là cộng tác viên “ruột” của An Nam tạp chí - tờ báo tư nhân của thi sĩ Tản Đà. Nguyễn Công Hoan là bạn chia bùi sẻ ngọt, vui buồn có nhau với Tản Đà. Lần ấy Nguyễn Công Hoan mời Tản Đà tới nhà uống chén “rượu nhạt”. Biết Tản Đà là “dân” sành ăn, coi ăn uống là một nghệ thuật. Nguyễn Công Hoan nghĩ chẳng gì đơn giản lại “dân tộc” bằng... rượu thịt gà.

Mâm rượu bưng lên, đơn giản vài món, “chủ lực” là thịt gà luộc. Nhìn những miếng thịt gà chặt khéo, bày đẹp, da vàng ngậy trên đĩa đã đủ hấp dẫn rồi.
Biết Tản Đà là “vua” sành ăn. Món ăn phải ngon, nấu nướng khéo đã đành, bát đũa, chỗ ngồi... cũng phải có nghệ thuật. Tản Đà từng “triết lý”: Thức ăn ngon nhưng chỗ ngồi không ngon cũng... chẳng ngon! Nguyễn Công Hoan dặn đi dặn lại người nhà phải hết sức cẩn thận, chú ý không để sơ suất điều gì.

Rượu ngon, chén chú chén anh, chuyện văn, chuyện đời... Chợt Nguyễn Công Hoan nhận ra rượu đã vài tuần mà Tản Đà chỉ... nhắm rượu suông. Nguyễn Công Hoan quan sát bát đũa, chỗ ngồi, cuối cùng xoáy vào mâm rượu. Nguyễn Công Hoan giật mình, vội gọi người nhà ra thì thầm. Người nhà lui vào. Tức thì một đĩa lá chanh được bưng ra đặt vào mâm.

Chuyện văn, chuyện đời vẫn rất vui. Nhưng chủ vẫn chưa thấy khách sờ đến đũa, vẫn... rượu suông. Nguyễn Công Hoan lại quan sát thật kỹ. Lại giật mình. Người nhà lại được gọi. Lại thì thầm...

Lần này thì người nhà phải đốt đuốc ra vườn soi cây chanh chọn từng lá bánh tẻ, rửa thật sạch, thái nhỏ như từng sợi tóc, đặt vào đĩa tách bưng ra thay cho đĩa lá chanh vừa già, vừa để cả lá quê kệch.

Rượu tràn ly. Chủ và khách lại sôi nổi, chuyện văn, chuyện đời và... bây giờ Tản Đà mới... cầm đũa.






Để giúp những cây bút trẻ có nghiệp vụ, truyền đạt cho những kinh nghiệm sáng tác của các nhà văn đàn anh nhằm tác phẩm viết ra có chất lượng phục vụ cách mạng, hấp dẫn bạn đọc..., Hội nhà văn Việt Nam chủ trương mở lớp bồi dưỡng viết văn cho những cây bút trẻ. Lớp đầu tiên, Hội chọn được hơn chục “cây bút” về học. Nhà văn Nguyên Hồng được Hội giao phụ trách lớp học. Địa điểm mở tại Quảng Bá (quận Tây Hồ - Hà Nội bây giờ). Đó chính là tiền thân của Đại học Nguyễn Du ngày nay.
Thế là Nguyên Hồng được bạn văn “phong” cho chức... hiệu trưởng. Còn Nguyễn Tuân thì gọi Nguyên Hồng là... đốc Hồng (giám đốc Hồng).

Lớp học đang vào giai đoạn kết thúc, nhà văn Nguyên Hồng bỗng nhận được con gà sống thiến người ta cho. Nhà văn nghĩ ngay đến một bữa cơm chia tay mấy “cây bút” trẻ của nước bạn Lào gửi sang. Nguyên Hồng nhờ mấy bà cấp dưỡng nhà bếp trông nom giúp.

Ngay tối ấy, mấy “cây bút” trẻ trong đó có vài “cây bút” trẻ người miền Nam mò xuống bếp. Thấy có con gà nhốt trong bu, mấy “nhà văn” hỏi bà cấp dưỡng thì được biết gà của “cụ” Hồng gửi.

Thế là một “cây bút” trẻ miền Nam lóe ra “sáng kiến” vay “cụ” làm bữa nhậu, hôm nào “có việc” thì ta mua trả. Đỡ phải trông nom vất vả, gà lại không bị gầy đi. Khó khăn lắm mới được bà cấp dưỡng bằng lòng và dặn đi dặn lại phải giữ kín, không được để “cụ” biết và phải đúng hẹn.

Đêm đã khuya, nhà văn đang trằn trọc, bỗng thầy Hồng được mấy trò thỉnh dậy... nhậu. Vốn dễ tính, thầy bò dậy ngay.
Thầy trò cụng ly. Vui hơn tết. Tợp hớp rượu, nhắm miếng thịt gà luộc... thầy khen con gà béo, luộc khéo. Bữa nhậu kết thúc bằng nồi cháo gà. Tiệc tàn, gà gáy ran xa gần vọng lại.

Sớm hôm sau, Nguyên Hồng mò xuống bếp. Nhà văn phát hiện ngay ra bu gà chỉ có... bu không. Tưởng con gà bị mất trộm, nhà văn hỏi bà cấp dưỡng. Vốn thật thà, bà cấp dưỡng cho nhà văn biết chuyện gì đã xảy ra tối hôm qua. Nhà văn chết lặng. Biết đây là... món nợ khó đòi. Đúng hơn, là... không đòi được.


0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉