Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết về Nhà văn Vũ Trọng Phụng - Nguyễn Ngọc Chiến


Rating:★★★
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Nguyễn Ngọc Chiến
Một Nhà văn lớn tuổi nói với tôi: "Nhà văn Việt Nam, là ông hay bà, là già hay trẻ, viết văn hay làm thơ...thời nào cũng không hiếm người bị người ta chụp cho vô số những cái mũ lên đầu. Thôi thì đủ loại mũ...Có người chỉ một bài thơ hay một cái truyện ngắn thôi, chẳng có chuyện gì cả mà người ta cũng lôi ra "đánh" cho túi bụi. Nhiều người vì thế mà lâm vào tình trạng khốn đốn, sống dở chết dở, nhưng chẳng biết kêu ai...".

Một Nhà văn lớn tuổi khác thì lại nói với tôi: "Một bầy nai đang giữa rừng già hoang vắng, khi có một dấu hiệu nào đó đe dọa đến tính mạng của bầy đàn, chúng lại nhốn nháo cả lên ra hiệu cho nhau, bảo vệ lẫn nhau. Nhà văn Việt Nam bên cạnh sự đoàn kết sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm văn học tốt phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì họ cũng "bắt chước" bầy nai sẵn sàng lên tiếng bảo vệ bạn bè khi bạn bè mình có dấu hiệu bị "ức hiếp" hay oan sai...".

Đọc Vũ Trọng Phụng, tôi biết Vũ Trọng Phụng là một trong những Nhà văn mà cuộc đời và tác phẩm đã ghi lại dấu ấn khá đậm trong lịch sử văn học nước nhà. Ông chỉ tồn tại trên cõi đời vừa đúng 27 năm, sự nghiệp sáng tác cũng chỉ trên dưới 10 năm, nhưng tác phẩm ông để lại thì thật đáng kinh ngạc, gồm 9 tiểu thuyết, trên 30 truyện ngắn, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, nhiều bài lý luận phê bình, và hàng trăm bài báo.

Nguyễn Công HoanNhà văn Nguyễn Công Hoan
Tài năng của ông có thể được xem như là một Banzac của Việt Nam. Nhưng ông là Nhà văn cũng chịu nhiều oan khuất mà cho đến bây giờ những oan khuất ấy vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhiều Nhà văn Việt Nam hoặc là cùng sống với ông biết rõ thân phận ông thời ấy, hoặc là vì lương tri và lẽ phải đã lên tiếng bênh vực ông, bảo vệ ông. Một trong những người ấy là Nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Lúc sinh thời, vào những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, khi viết cuốn hồi ký văn học "Đời viết văn của tôi", Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã có những trang văn ấm áp và cảm động dành cho Nhà văn Vũ Trọng Phụng. Tôi xin gửi tới các bạn đoạn hồi ký này của Nhà văn Nguyễn Công Hoan. Rất mong các bạn cùng đọc và chia sẻ.

(Nguyễn Ngọc Chiến)



Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết về Nhà văn Vũ Trọng Phụng


...Có một số hiện tượng trong văn học của ta hồi trước Cách mạng, anh em làm nghiên cứu bây giờ có nhận thấy, nhưng chưa tìm ra lý do. Nghiên cứu để thấy hiện tượng là tốt, nhưng tìm ra lý do của hiện tượng mới càng tốt hơn. Nếu không, sẽ suy luận. Và suy luận thì tuỳ trình độ, tuỳ người, sẽ sai nhiều hay ít. Sự thật chỉ có một. Cho nên, nếu có mười lời suy luận, trong đó có một lời nói đúng, thì ắt là chín lời nói sai...

Cái hiện tượng về văn học Việt Nam mà anh em tìm ra được, là từ 1930 đến 45, phong trào khi lên khi xuống, và riêng từng nhà văn, cũng không đồng nhất, lúc tiến bộ, lúc thụt lùi. Ấy thế đấy! Tôi đã hoạt động trong thời kỳ này, nên nhìn vào anh em, nhìn vào tôi, tôi thấy điều đó không khó hiểu...

Còn nhìn vào anh em, thì Vũ Trọng Phụng là thí dụ điển hình nhất. Tôi nhắc lại là ngày trước, đã ở trong toà soạn, thì anh phải viết. Vì anh đã ăn lương của người chủ báo trả cho anh. Thì thường thường là nếu anh có tính nể nang, nếu anh nhu nhược, tất anh hay chiều lòng người chủ báo. Lòng người chủ báo là muốn cho báo chạy. Muốn cho báo chạy, tất phải chiều thị hiếu của bạn đọc. Vũ Trọng Phụng chuyên nghiệp hoá từ ngày anh ở trong toà soạn báo Nhật Tân của Đỗ Văn mới ra đời. Ngày ấy, anh viết phóng sự về cờ bạc bịp, lấy tên là Cạm bẫy người. Rồi thôi báo Nhật Tân, một dạo anh làm cho Hà Nội báo. Hà Nội báo là tờ báo muốn tranh độc giả với hai tờ báo được đọc nhiều, là Phong hoáTiểu thuyết thứ bảy. Đường lối của Phong Hoá là vui cười, vui vẻ trẻ trung, là lãng mạn. Đường lối của Tiểu thuyết thứ bảy là đường lối của Vũ Đình Long, có óc bảo thủ, thiên về gia đình chủ nghĩa. Cho nên Hà Nội báo phải tìm một đường lối khác với hai báo kia. Cái đường lối dễ sơi nhất, có thể chiều được thị hiếu một số độc giả ở Hà Nội, là thói hư của một số nam nữ thanh niên đương choai choai, bị phong hoá đồi trụy của đế quốc nó đầu độc, nên Hà Nội báo đã tìm thấy đường lối mới, là con đường khiêu dâm. Ở báo ấy, Vũ Trọng Phụng đã viết Dông tố, rồi mấy phóng sự khá khêu gợi. Đến cái phóng sự phải nghiên cứu các tài liệu do bọn bác sỹ Pháp viết về bọn nhà thổ phải hàng tuần đi khám bệnh hoa liễu, Vũ Trọng Phụng cũng đặt cho cái tên là Lục xì. Rồi khi Phan Khôi mở báo Sông Hương ở Huế, anh đã dùng nghệ thuật của mình trong một tiểu thuyết đăng từng kỳ, là truyện Làm đĩ.

Thế rồi cả mấy tờ báo khiêu dâm bị độc giả đứng đắn chán ghét, phải tự đình bản, Vũ Trọng Phụng cộng tác trong Hải Phòng tuần báo với Phùng Bảo Thạch. Anh viết mấy truyện ngắn rất hay. Rồi quay về Nhật Tân với Phùng Tất Đắc, anh viết phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây. Rồi khi Nhật Tân đình bản, vào cuối đời anh, anh giúp Vũ Đình Long, thì trong Tiểu thuyết thứ bảy, anh viết toàn truyện đứng đắn, như Người tù được tha, Vỡ đê, Trúng số độc đắc. Cho nên, nghiên cứu về một nhà văn, thời nào tiến bộ, thời nào thụt lùi, phải nghiên cứu cả trình tự sáng tác của người ấy, trong năm ấy, anh ta cộng tác với báo nào, ai là chủ bút, tính chất người chủ ấy thế nào, và từng thời kỳ, tình hình tư tưởng nào nó thống trị trong xã hội ấy.




Vũ Trọng PhụngNhà văn Vũ Trọng Phụng
(1912 - 1939)

Vậy thì tại sao mỗi nhà văn lại bấp bênh như vậy? Và mỗi giai đoạn nhỏ, phong trào văn học mang một sắc thái khác nhau? Điều này cũng dễ hiểu lắm. Là bởi vì người viết văn lớp trước, có ai giáo dục cho lập trường chính trị, có ai chỉ bảo cho đường lối sáng tác như bây giờ? Tức là chưa có bàn tay của Đảng vươn tới. Mà chỉ viết vì mình chót nhận đồng lương. Cao hơn một chút là để phụng sự nghệ thuật. Cho nên, cũng chẳng lạ gì, khi ta thấy người này người kia viết cả những câu mà bây giờ ta thấy là phản động.

Vũ Trọng Phụng đã mang tiếng này. Nhưng ta nên rộng lượng với những người khi còn chưa hiểu biết, khi còn chưa có lập trường chính trị. Ngày nay, có thể là Vũ Trọng Phụng phải có bài, nên khi đọc báo của Đệ tam và của Đệ tứ công kích lẫn nhau, thì anh chẳng yêu ghét ai - vì anh đã mù chính trị - nên thấy bên nào nói mà anh thấy ngứa tai, thì anh đã. Nhưng ta cũng nên tìm sâu hơn một chút cho khỏi oan anh, là anh công kích con người của Đệ tam mà anh thấy chướng mắt, hay anh công kích chủ nghĩa Đệ tam? Hẳn anh đã nhìn một người tự nhận là của Đệ tam, sinh hoạt thế nào đó, khiến anh trái mắt, nên nhận xét lầm về Đệ tam cũng nên. Chính cái người làm anh nhìn qua để hiểu lầm về Đảng, đã sinh hoạt quá quắt thật. Ban ngày, người ấy đi bán báo của Đảng, nhưng ban tối, lại nằm nhà cô đầu, bên cạnh bàn đèn. Người ấy, tôi không tiện nói tên ra đây, hiện còn sống, và vì không gột rửa được đầu óc cá nhân, hưởng lạc, nên trong Kháng chiến, đã nhiều lần tỏ ra bất mãn, và từ Hoà bình lập lại, đã không lột được xác cũ, nên phạm nhiều lầm lỗi, đến nỗi hiện giờ không được giao công tác nào.

Lại vì không được ta nhìn bằng con mắt khoan dung, nên Vũ Trọng Phụng còn đeo một tiếng oan khá lớn nữa. Là có lời đồn rằng anh đã bí mật làm mật thám cho Pháp. Tôi nghĩ làm mật thám cho Pháp, tất Pháp cho tiền. Thì một là khi đã có tiền kiếm được bằng việc khác dễ dàng, Vũ Trọng Phụng không cần kiếm tiền bằng cách moi óc ra để viết cho khổ. Hai là nếu Vũ Trọng Phụng kiếm được tiền bằng nghề làm mật thám, sao anh còn nghèo xơ nghèo xác, cho đến lúc nhắm mắt? Vả lại, anh em viết văn hồi ấy có nhiều đâu, ai thế nào, bạn bè đều biết. Nhất là người làm cái việc bần tiện là làm mật thám, thì lại càng không giấu nổi ai. Người ấy sẽ bị đồng nghiệp khinh rẻ, xa lánh. Ngày Vũ Trọng Phụng còn sống, tôi chưa nghe nói anh làm mật thám bao giờ. Và hẳn cả những anh em trong làng văn cũ, hiện giờ còn sống, cũng chưa ai nghe thấy Vũ Trọng Phụng làm việc đê nhục ấy để kiếm sống, dù anh nghèo rớt mồng tơi.

Một cuốn sách nghiên cứu về văn học Việt Nam trong thời kỳ 1930 - 1945, khi đến Vũ Trọng Phụng, thì đặt đầu đề là Vấn đề Vũ Trọng Phụng. Vài bài báo khác, tuy viết về Ngô Tất Tố, viết về Nguyễn Công Hoan, nhưng thỉnh thoảng có đá ngầm Vũ Trọng Phụng vài đá. Tôi cho là chả nên.

Vũ Trọng Phụng có cái thiệt là anh ta chết sớm. Chứ nếu anh ta sống dai như chúng ta, thì chắc sau này, một người viết văn nghèo như anh ta, biết hằn học với chế độ, biết bất mãn với thời cục, lại biết hướng ngòi bút vào người cùng khổ, vào những cảnh lố lăng, thì thế nào anh ta cũng theo Đảng. Và một khi đã biết theo Đảng, thì bao nhiêu những việc làm, những lời nói lầm lẫn khi còn chưa hiểu Đảng, sẽ được tha thứ hết. Nếu ta khắt khe với những người trước kia đã viết và nói không đúng về Đảng, thì trong hàng ngũ anh em ta bây giờ, ta có thể đưa ra khối người bằng chứng cớ trên giấy trắng mực đen hẳn hoi.

Vậy nghiên cứu về phong trào văn học trước Cách mạng, cũng như nghiên cứu từng nhà văn trong thời kỳ ấy, đề cao quá thì không đúng, mà đề thấp quá cũng không đúng. Phải nhìn hoàn cảnh xã hội, không khí văn học, tư tưởng và lề lối làm việc của từng nhà văn, thì trình bày mới phải lẽ, và phán đoán mới không sai...


NGUYỄN CÔNG HOAN


0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉