Ads 468x60px

.

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Một nhà văn “lực lưỡng, dũng khí lạ thường” - Phạm Ngọc Chiểu

Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Phạm Ngọc Chiểu

Văn học - Cuộc sống » Nhà văn viết về Nhà văn

Một nhà văn “lực lưỡng, dũng khí lạ thường”
(Nhân đọc Nguyễn Công Hoan -
Nhà văn - Chiến sỹ)

Phạm Ngọc Chiểu



VanVN.Net - Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là một nhà giáo dạy học ở nhiều nơi. Kháng chiến chống Pháp toàn quốc bùng nổ, ông lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Sau hòa bình năm 1954, thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông được bầu làm Chủ tịch Hội.


Nhà văn Nguyễn Công Hoan (giữa) cùng ông Lê Tất Đắc và Đào Duy Kỳ trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh: CAND


Cùng với công việc viết văn, nhà văn Nguyễn Công Hoan không chỉ dành tâm sức cho việc dạy học. Theo hồi ký của bà Vũ Thị Yến – vợ nhà văn, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, năm 1926, nhà văn Nguyễn Công Hoan chính thức bước vào sự nghiệp trồng người, dạy trường tiểu học Nam Sách. Tiếp đó, mười tám năm liên tục, thầy giáo Nguyễn Công Hoan qua dạy ở nhiều trường của các tỉnh Hải Dương, Lào Cai, Nam Định, Thái Bình, Quảng Yên… Ông vừa dạy học vừa viết văn, tham gia hoạt động cách mạng và là chỗ dựa tin cậy cho các em, các con hoạt động bí mật. Hồi ức của bà Vũ Thị Yến ghi rõ về những năm tháng ấy của chồng:
“Trước năm 1945, nhà tôi không thoát ly làm cách mạng. Không phải vì ông không thiết tha hoạt động. Ông đã từng tham gia với Nguyễn Thái Học, có quan hệ với các đảng viên cộng sản. Tuy ông là con thứ nhưng cũng như con cả trong gia đình nên gánh nặng gia đình đè lên vai ông. Gia đình tôi, khi ông dạy học ở Thái Bình, là nơi liên lạc cho các đồng chí hoạt động Cách Mạng bí mật đến ở và hội họp. Các em nhà tôi đều đã đi hoạt động bí mật. Con trai cả của tôi, Nguyễn Tài Khoái, cũng tham gia hoạt động từ lúc còn nhỏ. Cháu bị bắt lúc chưa tròn 16 tuổi…”
(Hồi ký của bà Vũ Thị Yến, trang 297, 298 sách “Nguyễn Công Hoan – nhà văn – chiến sĩ”).
Xin nói thêm về những người anh, người em và các con trai của nhà văn đã tham gia hoạt động cách mạng. Em trai nhà văn là các ông Nguyễn Công Mỹ, Nguyễn Công Miều, Nguyễn Công Bông. Cả ba ông đều là những chiến sĩ cách mạng có tiếng, từng bị thưc dân Pháp bắt giam ở các nhà tù: Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo… Sau cách mạng tháng Tám, ông Mỹ được giao làm Giám đốc Nha bình dân học vụ Bắc Bộ, và hy sinh trong năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ông Miều (sau này mang tên Lê Văn Lương) là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ông Bông làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Anh em bên ngoại nhà ông thì có các ông Tô Hiệu, Tô Chấn (gọi mẹ nhà văn là cô ruột) cũng là những chiến sĩ cách mạng nổi tiếng. Nhà văn có hai con trai, thì người con cả Nguyễn Tài Khoái đã được bà Vũ Thị Yến ghi trong hồi ký. Ông từng là Tỉnh ủy viên phụ trách khâu đào tạo cán bộ, “đào tạo đến ba phần tư cán bộ của Nam Định”; khi hy sinh “có hàng vạn người ở ba phủ huyện Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu đi đưa… mộ đắp rất to… ở miền Duyên Bình (Trực Ninh) và ba bốn làng cạnh, bất cứ già trẻ, trai gái, trỏ vào mộ anh mà hỏi, thì ai cũng đáp: Mộ ông Tài Khoái” (Nhật ký, ngày 22-2-1948 của nhà văn – sách đã dẫn). Con trai thứ hai của nhà văn là Nguyễn Tài Đông (Bí danh: Nguyễn Tài, Tư Trọng) từng là Giám đốc Công an Hà Nội hồi kháng chiến chống pháp, rồi Chánh Văn phòng Bộ Công an, và là một trong những cán bộ lãnh đạo lực lượng an ninh miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Sau 30-4-1975, ông từng là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Từng ấy anh em, con cái hoạt động cánh mạng đều dồn gánh nặng “hậu phương” lên vai nhà văn Nguyễn Công Hoan, và ông đã cùng vợ âm thầm gánh vác trọn vẹn gánh nặng đó. Không chỉ thế, bản thân ông cũng tham gia hoạt động. Chính vì vậy, nhà ông luôn bị Pháp – Nhật lục soát, và ông bị chúng bắt giam đến ba lần. Lần thứ ba ông bị bọn Nhật bắt vào lúc tờ mờ sáng, thời kỳ ông dạy học ở Thái Bình, bị chúng đưa lên giam tại Hà Nội, Cách mạng tháng Tám thành công mới cứu được ông ra tù.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan từng được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giap giao cho gánh vác khá nhiều trọng trách. Sau khi ra tù, ông được phân công làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Bắc Bộ. Tiếp đó ông được giao đặc trách việc kiểm duyệt văn học và báo chí của chính quyền cách mạng.

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã hăng hái tham gia quân đội. Ông được Bác Hồ và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tin cậy giao cho làm chủ bút (Tổng biên tập) báo Vệ quốc quân – tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay. Đến đầu năm 1949, nhà văn được trao trọng trách làm Hiệu trưởng trường Văn hóa trung cấp Lý Thường Kiệt của quân đội, đào tạo 53 học viên khóa đặc biệt mang tên khóa Hồ Chí Minh. Đó là những cán bộ quan trọng từ khắp mọi miền đất nước về học, người là thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, người từng cầm đầu phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổi tiếng, người là đội viên Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… “Thành phần của trường Lý Thường Kiệt thật là đặc biệt, thật là hay, nó biểu hiện một sự đoàn kết dĩ nhiên, đoàn kết là vì tất cả đàn con hàn vi của một đại gia đình thanh bạch, vừa tìm thấy Mẹ dịu dàng, xa cách hơn 80 năm, và nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của cha già Hồ Chí Minh và anh cả Võ Nguyên Giáp, đàn con ấy vừa gây dựng lại cơ đồ, vừa giải thoát cho Mẹ lại đương bị ép duyên với kẻ địch cũ…” (Diễn văn bế mạc khóa học của Giám đốc Nguyễn Công Hoan – trang107, sách đã dẫn).

Điều cần nói thêm là, với trường này ngoài trách nhiệm Hiệu trưởng quản lý nhà trường, nhà văn Nguyễn Công Hoan còn trực tiếp giảng dạy hai bộ môn quan trọng là văn học và lịch sử, và ông đã phải trực tiếp biên soạn nội dung các bài giảng của hai bộ môn đó. Cuốn sách đã chụp in lại nhiều trang bút tích biên soạn nội dung môn lịch sử của nhà văn. Trong suốt khóa học, nhà văn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ, của Đại tướng Tổng tư lệnh, của Thiếu tướng Cục trưởng Chính trị Hoàng Văn Thái và Thiếu tướng Văn Tiến Dũng. Bác và các vị tướng đều có thư, đến thăm trực tiếp và ký tặng ảnh cho nhà văn.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan không chỉ giành được sự yêu mến, tin cậy của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ông còn được sự quý trọng của bạn viết và bạn đọc. Chính vì thế mà, tại Đại hội thành lập Hội nhà văn Việt Nam tổ chức năm 1957, ông được các nhà văn nhất trí bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội. Và đến ngày ông đi xa - 6-6-1977, ông vẫn giữ cương vị ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam.



Những trang hồi ký của bà Vũ Thị Yến - người bạn đời hết mực chiều chồng thương con của ông, và của con gái ông nữa – nhà văn Lê Minh (Nguyễn Tài Hồng), cho ta thấy một Nguyễn Công Hoan sống thật đầy đặn nghĩa tình và hết sức có trách nhiệm với những người thân yêu trong gia đình. Thật khó hình dung, trong cái đại gia đình gồm một mẹ già, ba em trai bên nội cùng hai người anh em bên ngoại, thêm hai người con trai cùng nhất loạt đi làm cách mạng, để lại gánh nặng mấy tiểu gia đình, nếu không có ông gồng mình gánh vác và trụ vững, thì liệu người ra đi và người ở lại sẽ ra sao?

Nhưng ông không chỉ làm tốt vai trò của một trụ cột gia đình. Bản thân ông, như bà Yến kể lại, từng tham gia cách mạng với Nguyễn Thái Học. Và khi cần, ông không ngần ngại nhận lãnh các công việc do cách mạng giao, bất chấp hiểm nguy, tù đày. Ông ra khỏi nhà tù ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 thắng lợi. Kể từ đó, ông thôi nghề dạy học để làm một cán bộ trong bộ máy chính quyền của nước Việt Nam mới.

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, nhà văn Nguyễn Công Hoan bắt đầu bước vào nghề dạy Tiểu học từ năm 1926. Ông gắn bó với nghiệp “trồng người” đến tận đầu năm 1945. Bước chân thầy Hoan đã lặn lội qua nhiều trường khắp các tỉnh: Hải Dương, Lào Cai, Nam Định, Trà Cổ (Quảng Yên), Thái Bình… Thật cảm động khi được nhìn tấm ảnh ngôi trường tiểu học Lào Cai với hàng cây Tếch do thầy Hoan trồng, và ngôi trường Trà Cổ - Móng Cái, nơi thầy Hoan từng dạy trong thời gian bị chính quyền thực dân Pháp bắt “đi đày” - hai ngôi trường đến nay vẫn được các địa phương gìn giữ, bảo tồn như một di tích. Cuối năm 2011, khi làm biên tập báo Người Hà Nội cuối tuần, tôi được đọc bài viết của một học trò thầy Nguyễn Công Hoan. Người cựu học trò ấy đã ở tuổi 80, chỉ được học thầy Hoan có ba tháng, xúc động kể lại sự tận tâm và những bài giảng văn tuyệt vời của thầy. Thêm bằng chứng về nhân cách người thầy của thầy Nguyễn Công Hoan, khi ông vừa làm Hiệu trưởng vừa trực tiếp giảng dạy hai môn văn – sử tại trường Trung cấp văn hóa Lý Thường Kiệt của Bộ Quốc phòng trong kháng chiến chống Pháp. Cùng với bút tích xác nhận, ghi công của ba vị tướng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, cuốn sách chụp in gần hai chục trang lưu niệm của học viên nhà trường – toàn những người có tiểu sử hiển hách và nắm giữ các đơn vị quan trọng của quân đội – đã ghi nhận công lao và tư cách người thầy của thầy giáo Nguyễn Công Hoan.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan với phút thảnh thơi giữa những trang viết. Ảnh: CAND


Nguyễn Công Hoan khởi nghiệp văn chương từ năm ông 17 tuổi, khi ông viết truyện ngắn đầu tiên “Quyết chí phiêu lưu”. Năm 1923, mới hai mươi tuổi, ông in tập truyện ngắn đầu tay Kiếp hồng nhan. Đây cũng là tập truyện ngắn đầu tiên của văn học Việt Nam in toàn truyện sáng tác. Năm 1932, ông đưa in tập Những cảnh khốn nạn. Năm 1935, in tập truyện Kép Tư Bền, gồm 15 truyện ngắn trước đó đã đăng tải trên các báo. Tập truyện nổi tiếng này đã thành đề tài cho cuộc bút chiến nổi tiếng “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Năm 1936, nhà văn thử bút vào Văn chương lãng mạn và đã rất thành công trong tập truyện Tắt lửa lòng. Tập truyện có tiếng vang đến mức nó được chuyển thể thành kịch bản sân khấu, nhiều đoàn ca kịch đua nhau dựng vở với cái tên Lan và Điệp, kéo khán giả đến với sân khấu trong nhiều chục năm. Nhưng cũng từ đấy, ông đã dứt khoát đứng về phía những người nghèo khổ, trong đó thân phận người nông dân chiếm vị trí chủ đạo trong các tác phẩm của ông, và ông dùng bút pháp trào lộng đặc sắc để đả kích sâu cay bọn tham quan ô lại của chế độ thực dân - phong kiến. Năm 1938, ông xuất bản tiểu thuyết Bước đường cùng - tác phẩm đánh dấu cho xu hướng sáng tác Văn học Hiện thực phê phán của ông. Tiểu thuyết này cùng với Lá ngọc cành vàng (1938) và trước đó là Cái thủ lợn (1930), rồi Tranh tối tranh sáng (1946, viết lại và in năm 1956) và hơn hai trăm truyện ngắn đã đưa ông lên hàng chủ soái của Văn học Hiện thực phê phán.

Từ việc dứt khoát chọn cho mình một khuynh hướng sáng tác đến quan niệm về sắc thái ngôn ngữ - theo ông: “Khi văn chương mà viết đúng như lời nói của Dân tộc thì nó hay và đứng vững. Bởi vì ngôn ngữ Dân tộc sống mãi!”, với khối lượng tác phẩm đồ sộ mà ông đã viết, đã in (Nhà xuất bản Văn học đã xuất bản và phát hành Toàn tập Nguyễn Công Hoan với 9 bộ sách khổ lớn sang trọng, trong đó có hơn 200 truyện ngắn, hơn 30 truyện dài và mấy chục bài nghiên cứu, phê bình Văn học - Nghệ thuật), và điều đặc biệt là “Tác phẩm của Nguyễn Công Hoan đã tới với người đọc, gây phản ứng và tác động mạnh mẽ đến độ nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra. Một đời viết, tác phẩm chồng lên kể hàng trăm, hàng trăm tác phẩm, trải 4 trận phê bình ra trò, mỗi cuộc nội dung khác nhau; đã có thể thấy ngòi bút nhà văn lực lưỡng, dũng khí lạ thường!”
(Tô Hoài - trang 320, sách đã dẫn)

Nhà văn Nguyễn Công Hoan còn nêu một kỷ lục ghê gớm nữa khi viết tiểu thuyết “Tranh tối tranh sáng”. Theo hồi ức của nhà văn Lê Minh, ngay sau khi ra khỏi nhà tù phát xít Nhật, được sống trong đời sống mới, nhà văn Nguyễn Công Hoan bắt tay vào việc viết “Tranh tối tranh sáng“, hoàn thành vào ngày 19-8-1946. Tiểu thuyết được đưa in ngay sau đó, nhưng mới được một nửa thì xảy ra kháng chiến toàn quốc. Hậu quả là bản in dở dang, bản thảo bị thất lạc. May mà nhà văn Tô Hoài tình cờ tìm được một số chương ở Nhà in Tiến Bộ. Mười một năm sau, nhà văn quyết tâm viết lại “Tranh tối tranh sáng”, và ông viết xong ngày 9 tháng 5 năm 1956, dày 463 trang in, 43 chương, và Nhà xuất bản Văn Nghệ đã ấn hành với số lượng 4745 cuốn, in thêm 400 cuốn giấy tốt.


0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉