Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6/3/1903, quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (thời ấy thuộc tỉnh Bắc Ninh). Ông sinh trong một gia đình Nho học thất thế. Cha là Nguyễn Đạo Khang đỗ Tú tài, làm Huấn đạo. Bác là Nguyễn Đạo Quán, đỗ Phó bảng, làm Tri huyện (sau thăng Tri phủ). Cha lương ít, lại đông con, nên ông được gửi nhờ người bác nuôi ăn học.
Trong thời gian ở với bác, Nguyễn Công Hoan được biết đến nhiều về quan trường. Đó là một thuận lợi sẽ giúp ông về đề tài này. Người bác tuy làm quan vẫn giữ lối sinh hoạt thanh bạch của một nhà nho nghèo. Bà nội ở với bác vẫn giữ nghề dệt vải. Nhân vật Lê Sĩ Cư trong “Thanh đạm” là hình ảnh người bác của ông.
Thuở nhỏ, Nguyễn Công Hoan học chữ Hán. Năm lên 10, bác xin cho vào học trường Bưởi. Năm 1919, ông đỗ Sơ học Pháp Việt, sau đấy bỏ học 3 năm, đến năm 1922 mới thi vào trường Sư phạm.
Năm 1926, ông tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, bắt đầu dạy học, vừa dạy học vừa viết văn ở nhiều nơi (như Hải Dương, Nam Sách, Kinh Môn, Lào Cai, Nam Định, Trà Cổ…...) cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công.
Năm 1928, ông vào Việt Nam Quốc dân Đảng của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học.
20 năm làm nghề gõ đầu trẻ, ông được tiếp xúc với nhiều bố mẹ học sinh, với đủ các hạng người giàu, nghèo, sang, hèn trong xã hội, lại bị đổi đi hết nơi này đến nới khác nên vốn sống càng thêm giàu, điều đó bổ ích cho một nhà văn.
Nguyễn Công Hoan khởi nghiệp văn chương từ năm ông 17 tuổi, khi ông viết truyện ngắn đầu tiên Quyết chí phiêu lưu. Năm 1923, mới hai mươi tuổi, ông in tập truyện ngắn đầu tay Kiếp hồng nhan (viết năm 1920, được Tản Đà thư điếm xuất bản năm 1923). Đây cũng là tập truyện ngắn đầu tiên của văn học Việt Nam in toàn truyện sáng tác. Năm 1932, ông đưa in tập Những cảnh khốn nạn. Năm 1935, in tập truyện Kép Tư Bền, gồm 15 truyện ngắn trước đó đã đăng tải trên các báo. Tập truyện nổi tiếng này đã thành đề tài cho cuộc bút chiến nổi tiếng “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Năm 1936, nhà văn thử bút vào Văn chương lãng mạn và đã rất thành công trong truyện dài Tắt lửa lòng. Tập truyện có tiếng vang đến mức nó được chuyển thể thành kịch bản sân khấu, nhiều đoàn ca kịch đua nhau dựng vở với cái tên Lan và Điệp, kéo khán giả đến với sân khấu trong nhiều chục năm.
Nhưng cũng từ đấy, ông đã dứt khoát đứng về phía những người nghèo khổ, trong đó thân phận người nông dân chiếm vị trí chủ đạo trong các tác phẩm của ông, và ông dùng bút pháp trào lộng đặc sắc để đả kích sâu cay bọn tham quan ô lại của chế độ thực dân - phong kiến. Năm 1938, ông xuất bản tiểu thuyết Bước đường cùng - tác phẩm đánh dấu cho xu hướng sáng tác Văn học Hiện thực phê phán của ông. Tiểu thuyết này cùng với Lá ngọc cành vàng (1938) và trước đó là Cái thủ lợn (1930), rồi Tranh tối tranh sáng (1946, viết lại và in năm 1956) và hơn hai trăm truyện ngắn đã đưa ông lên hàng chủ soái của Văn học Hiện thực phê phán.
Năm 1945, ông bị phát–xít Nhật bắt vì ông hoạt động chính trị và gia đình có người làm cách mạng. Sau Cách mạng Tháng 8, ông tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Ông đã làm Giám đốc Sở kiểm duyệt báo chí Bắc bộ, Phó Giám đốc Sở Thông tin tuyên truyền Bắc bộ.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông gia nhập quân đội, làm biên tập viên báo Vệ quốc quân, giám đốc trường Văn hóa quân nhân, chủ nhiệm và biên tập tờ Quân nhân học báo.
Ông là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1948.
Năm 1951 ông làm việc ở Trại tu thư của ngành giáo dục, viết sách giáo khoa và biên soạn cuốn Sử Việt Nam hiện đại từ Pháp thuộc đến năm 1950 dùng cho lớp 7 hệ 9 năm. Ông cũng viết bài cho báo Giáo dục nhân dân, cơ quan ngôn luận đầu tiên của Bộ Quốc gia giáo dục lúc bấy giờ.
Từ sau 1945, Nguyễn Công Hoan vẫn tiếp tục sáng tác. Các tác phẩm Nông dân và địa chủ, Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư và Đống rác cũ của ông tiếp tục phản ánh cuộc sống và con người nông thôn Việt Nam trong những thời điểm lịch sử quan trọng trước và sau Cách mạng. Là một nhà văn lão thành, Nguyễn Công Hoan đã có ý thức đúc rút, tổng kết kinh nghiệm sáng tác của mình để truyền lại cho các thế hệ sau trong nghiệp văn. Vì lẽ đó mà Đời viết văn của tôi (1971) như là một cẩm nang văn học đối với những "hậu duệ văn học". Tuyển tập truyện Nguyễn Công Hoan có thể xem là một bộ sưu tập khá đầy đủ về thành tựu sáng tác của Nguyễn Công Hoan trong hơn 50 năm cầm bút.
Ông là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam (khóa đầu tiên 1957-1958), ủy viên Ban Thường vụ trong Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam các khóa sau đó.
Ông cũng là UVBCH Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, chủ nhiệm tuần báo Văn (tiền thân của báo Văn nghệ).
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉