Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

HOÀNG TRUNG THÔNG - Nguyễn Công Hoan như tôi biết



Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần I: Nguyễn Công Hoan - Nhà văn hiện thực lớn, bậc thầy truyện ngắn trào phúng.


NGUYỄN CÔNG HOAN NHƯ TÔI BIẾT

HOÀNG TRUNG THÔNG

 

Người thầy giáo Nguyễn Công Hoan với bài báo “Godautre” lúc bấy giờ tôi không hiểu nhưng cũng thấy thú vị. Gõ đầu trẻ. Thật là hóm hỉnh. Là một ông thầy giáo mới nghĩ ra một từ như vậy. Người nói là gõ đầu trẻ ấy chẳng gõ vào đầu trẻ bao giờ mà chỉ gõ vào đầu những bọn bóc lột, những bọn giả nhân giả nghĩa. Cụ chánh bá mất giày, Báo hiếu trả nghĩa cha, Báo hiếu trả nghĩa mẹ. Và cũng người đó đã viết Xã hội ba đào ký.
Nguyễn Công Hoan viết văn rất sớm, mà tôi lại được làm quen với anh rất muộn vì tuổi tôi chỉ bằng tuổi con anh. Mặc dầu tuổi anh đã cao mà tâm hồn của anh luôn luôn trẻ. Cho đến phút cuối cùng cuộc đời của mình anh vẫn hóm hỉnh và như chế nhạo với những cái gì không phải là sự sống.
Người ta thường nói văn anh ít nhiều rơi vào chủ nghĩa tự nhiên. Có thể như vậy.
Nhưng đối với bạn bè, anh không hề rơi vào tự nhiên chủ nghĩa. Anh là một người chí tình chí nghĩa cho nên đọc văn của anh chúng ta cũng phải nên đọc thận trọng, không nên nói một cách giản đơn "ông ấy chỉ bông đùa cười cợt" vì nếu không có sự nhận xét và trí tuệ sắc sảo thì không thể đả kích bọn cường hào ác bá một cách sâu cay đến thế, dầu rằng dưới hình thức bông đùa đi nữa, và phải chăng bông đùa không phải là trí tuệ.
Nguyễn Công Hoan xuất thân trong một gia đình quan lại mà là một gia đình cách mạng, anh hiểu sâu sắc xã hội phong kiến, anh căm ghét xã hội thời Tây. Tất nhiên anh không phải không có khuyết điểm nào trong sáng tác văn học của mình nhưng chúng ta phải hiểu anh cho rõ hơn. Có lần anh đã nói với tôi là vì ghét các quan tri phủ tri huyện Tây học
nên tôi viết Thanh đạm đề cao quan thanh liêm. Sự phê phán cuốn sách ấy lúc bấy giờ là đúng. Nhưng chúng ta cũng phải thể tất cho những quan điểm của anh chống những tri phủ tri huyện tân thời.
Có một lần ở Trung Quốc trong khi nói chuyện với một sinh viên Trung Quốc, tôi nói đã đọc quyển Gia đình của Ba Kim rồi, và bằng tiếng Trung Quốc võ vẽ, tôi đã lược thuật Tắt lửa lòng và Lá ngọc cành vàng của Nguyễn Công Hoan ra tiếng Trung Quốc, thì người ta nói với tôi rằng quyển truyện này tích cực hơn cuốn Gia đình của Ba Kim, mặc dù đây là một bộ ba Gia, Hạ, Thu và ta mới chỉ dịch Gia. Một tờ báo Pháp lại gọi quyển Gia (famille) có giá trị ngang với Chiến tranh và hoà bình và Ana-Ka-rê-ni-na của Lép Tônxtôi. Chúng ta đã in Gia đình của Ba Kim và ta hiểu rõ giá trị của nó. Tại sao ta lại không in Tắt lửa lòng và Lá ngọc cành vàng của Nguyễn Công Hoan để có dịp so sánh xem ai hơn ai kém. Theo tôi biết thì Lan và Điệp đã trở thành kịch bản và diễn hàng mấy trăm lần ở Hà Nội và Sài Gòn. Còn Gia
nghĩa là "nhà" thì ở Việt Nam mấy ai đọc.

-II-
Cùng đi với tôi trong nhiều chuyến, anh Nguyễn Công Hoan tỏ ra là một người sống chân thực. Nhưng con người chân thực ấy vẫn biểu lộ tâm hồn và cá tính của mình. Hơn ai hết Nguyễn Công Hoan viết văn rất Việt Nam. Việt Nam từ cốt truyện, từ lời văn và từ đó những truyện ngắn của anh đã mang một cốt cách Việt Nam rõ rệt. Chúng ta phải gạt đi một
đôi chỗ tự nhiên chủ nghĩa trong văn, trong tiểu thuyết của anh. Và chúng ta thấy anh hiểu sâu xã hội Việt Nam mặc dầu anh là nhà giáo đồng thời lại là nhà văn. Tôi biết anh đã từng dạy học ở Trà cổ, rồi lại dạy học ở Thái Bình. Nhưng rồi anh vẫn là nhà văn Nguyễn Công Hoan. Một nhà văn rất nhân dân.
Những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan đã ghi dấu ấn một thời và còn ghi dấu ấn nhiều thời nữa. Vì cái tài của anh không phải tài kể chuyện mà còn vì nội dung của những truyện ngắn ấy đã tác động xã hội thời đại chúng ta đã đổi thay rồi, con người của chúng ta đã đổi thay rồi. Nhưng tác phẩm của Nguyễn Công Hoan người ta vẫn còn đọc. Tại sao như thế? Là vì những tác phẩm đó vẫn có một giá trị không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có ý nghĩa xã hội. Không những có một ý nghĩa quá khứ mà còn có ý nghĩa đương đại. Không những có ý nghĩa đương đại mà còn có ý nghĩa nghệ thuật sâu sắc.

-III-
Nguyễn Công Hoan thường nói với tôi là anh không đọc ai cả. Nhưng tôi biết rằng anh có đọc. Không thể một người như anh mà không đọc Guy đơ Môpátxăng hay Anatôn Phrăngxơ và nhất là không đọc Tản Đà, một người mà anh say mê với lối viết văn vừa trữ tình vừa châm biếm đó.
Nguyễn Công Hoan đã viết mấy trăm truyện ngắn. Tất nhiên có những truyện hay và những truyện chưa hay lắm, nhưng cái sức viết của con người ấy với những áng văn ngắn dài thật rất đáng khâm phục. Tôi gặp Nguyễn Công Hoan ở Việt Bắc và sau này ở Hà Nội, nơi sơ tán ở Đôn Thư, thỉnh thoảng anh lại hỏi tôi đôi câu chữ Hán mà anh tưởng tôi giỏi chữ Hán lắm. Nhưng có biết không, tôi hiểu rằng anh thuộc thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà còn giỏi hơn tôi nhiều lắm. Tôi phải học anh đúng hơn là anh đến hỏi tôi. Anh là một người viết văn cho đến hơi thở cuối cùng.
Chị Nguyễn Công Hoan là một nội trợ rất giỏi. Chị làm món bún thang rất ngon. Giucôpxki nhà văn Ba Lan, Nguyễn Tuân và tôi đã được ăn món bún thang ấy ở tại nhà anh Nguyễn Công Hoan. Chúng tôi khen lấy khen để món ăn ngon lành này. Anh Nguyễn Công Hoan đã từng nói với tôi: "Nếu chị Thông muốn học làm món bún thang thì chuyển sơ tán sang làng chúng tôi đang ở. Làng đó là làng Đôn Thư". Tôi vẫn thường qua lại ở đó và anh Nguyễn Công Hoan đã từng nói vói tôi: "Tôi đã nhắm cho gia đình anh một chỗ ở cạnh nhà tôi và tôi đã về làng Quỳnh của anh, học được việc đào hầm ở dưới đất, trên để bộ phản". Tôi hỏi nhà tôi thì bà ấy không bằng lòng vì đây có cơ quan Báo Văn nghệ. Còn đi vào Đôn Thư thì khó khăn quá, khi cần xe cộ thì lấy gì mà đi.
Đùng một cái Mỹ ném bom xuống ngôi nhà mà anh Nguyễn Công Hoan dạm hỏi cho gia đình tôi ở. Sau đó anh Nguyễn Công Hoan chuyển về bên kia sông Nhuệ. Tôi có đến thăm anh và anh hỏi các cháu của anh: "Có biết chú này là chú nào không?". Hoà Bình trả lời: "Làm sao cháu lại không biết. Đây là chú Đồ Nghệ kể chuyện Đồ Nghệ đi Matxcơva và Bắc
Kinh". Anh Nguyễn Công Hoan cười hà hà.
Tôi không ngờ sau này lại cùng ở với anh trong bệnh viện, những ngày anh ốm rất nặng. Tôi sực nhớ lại ngày cưới con gái thứ hai của tôi, trời mưa to thế mà anh vẫn đội mưa đến nhà để chúc mừng cháu gái. Cái tình của anh đối với chúng tôi vẫn thiết tha mặn nồng không bao giờ quên được. Từ anh Pha trong Bước đường cùng đến Anh con trai người bạn
đọc ấy, tôi tuy không phải là một người trong bước đường cùng, nhưng cũng là người con trai người bạn đọc ấy. Tôi yêu anh, kính trọng anh.

-IV-
"Chốc đà mười mấy năm trời". Câu thơ ngậm ngùi của Nguyễn Du nói về nàng Kiều nào đó hiện ra trong tác phẩm là người đang sống, còn Nguyễn Công Hoan nhà văn kiệt xuất, vĩnh biệt chúng ta tính đến nay là năm thứ mười (1987).
Mười năm!
Rất thực
Mà rất mơ.
Di hài của anh được đưa về quê, quê anh không xa Thủ đô bao lăm, nhưng nơi đó vẫn là "quê quán mình", nơi chôn rau cắt rốn.
Chợt nhớ có lần anh Nguyễn Tuân nói với tôi: "Ở nước ta có hai nhà văn không nghịch ngộ gì lắm mà lại làm thơ, viết văn trào phúng".
Tôi hiểu anh Tuân có ý muốn nói đến hai người: Tú Mỡ và Nguyễn Công Hoan.
Tài trào phúng của hai người thì ta đã rõ. Nhưng chi tiết này thì chưa mấy người biết.
Một hôm ở Việt Bắc, nhà văn Nguyễn Công Hoan chỉ tay vào nhà thơ Tú Mỡ mà nói với tôi: "Anh xem, cứ xem kỹ đi, Tú Mỡ có giống Lý Toét trong Ngày Nay, Phong Hoá không?"
Tôi đã xem, và xem rất kỹ. Quả giống thật, chỉ thiếu có cái ô cắp nách thôi.
Còn bác Tú Mỡ thì sao? Sau khi nghe câu ấy, bác trả lời ngay không một chút ngại ngùng: "Đúng, đúng, tôi nghĩ ra Lý Toét, nhưng rồi hoạ sĩ lấy tôi làm người mẫu".
Tú Mỡ và Nguyễn Công Hoan cũng cười sảng khoái một cách thật thà.
Cả hai người cùng đánh vào bọn cường hào một thời ấy, họ hiểu nhau, họ thân nhau, họ đùa nhau mà không bợn một chút gì riêng tây nhỏ nhặt.
Tôi còn nhớ nhà văn Nguyễn Công Hoan và tôi vào nói chuyện ở Trường Đại học Sư phạm Vinh, sơ tán về Quỳnh Lưu. Sau buổi nói chuyện thú vị với sinh viên, Nguyễn Công Hoan ghé về làng tôi và ăn cơm ở nhà chị tôi, do nhà tôi nấu nướng. Anh Hoan nói: "Trong Đại hội Đảng, có hai làng được chụp ảnh chung với Bác Hồ, đó là làng anh và làng tôi".
Thú thật tôi không quan tâm đến vấn đề này lắm, nhưng anh đã nói thì tôi lắng nghe.
Cơm dọn ra. Chén vừa cầm tay, tôi mới bắt đầu chú ý. Người nói đầu tiên là anh lái xe: "Thức ăn rất ngon, nhưng rượu nhạt như bia ngoài Hà Nội".
Anh Nguyễn Công Hoan nâng chén rượu lên, cười rồi mới từ từ nói: "Thức ăn làm món nào ra món ấy, nhấp rượu xong, ăn một miếng, thưởng thức xong, hạ đũa xuống mới bắt đầu bình phẩm". Sau đó tôi chờ sự bình phẩm của anh. Quả nhiên tôi
có ngay. Anh nói: "Thức ăn rất ngon, nhưng rượu hơi nhẹ".
Tôi sướng quá, vợ tôi cũng sướng quá. Giá như nhà văn cũng nói nhạt như bia thì còn gì. Nhưng anh nói rượu hơi nhẹ. Đã nhẹ mà còn hơi nhẹ.
Đó là sự tế nhị của người Bắc. Đừng ai chỉ hiểu anh viết văn tự nhiên chủ nghĩa. Với cái xã hội tây, ta lộn xộn hồi đó, không tự nhiên chủ nghĩa không được, nhưng quá đi thì không nên.

* * *

Thế rồi tôi phải vào bệnh viện sau một cơn đau cấp cứu vì cao huyết áp: 250/150. Các cô y tá đo cho tôi hai ba lần đều lắc đầu. Không thể có một trường hợp quá cao như thế. Đo đi, đo lại, cũng vẫn thế thôi. Gọi bác sĩ trực lên. Bà hơi chau mày. Cũng vẫn thế thôi. Nhưng bà trấn tĩnh ngay: Phải tiêm ngay cho đúng liều lượng. Liều lượng ghi trên giấy. Trên giấy là cho đơn. Vợ tôi bồn chồn. Còn tôi ngơ ngác.
Chỉ hai ngày sau, tôi giảm huyết áp. Vợ tôi rất vui.

Nhưng bên kia tôi bỗng bùi ngùi, nhìn thấy một người, tôi không thể nào quên được: Nguyễn Công Hoan.
Bây giờ tôi đã sống. Tôi đang mơ màng. Chao ơi, những nàng, những nàng áo trắng.
Tiếng hát xa xôi như gần gũi mà như xa vắng. Tôi, từ chiếc giường con nhổm dậy và hét ra ngoài: Nguyễn Công Hoan thế nào? Nhưng bao lần hét mà chẳng một lần nghe tiếng đáp. Lá cây lao xao. Tôi nào được gặp, huống chi tiếng chào.
Thế rồi bỗng nhiên tôi được chuyển sang khoa tiêu hoá vì bạch cầu xuống rất thấp.
Duyên may tôi được gần anh Hoan cùng với Chế Lan Viên và Huỳnh Văn Gấm. Thực ra sức tôi chưa đến nỗi yếu lắm. Sức anh đã gầy mòn. Anh nói: So với anh tôi yếu hơn.
Những ngày ở bệnh viện, tôi qua lại với anh luôn. Trên mặt anh lấm tấm đỏ. Người ta nghi là bị dị ứng. Nhưng là một chứng bệnh khác. Dầu ốm nặng, anh vẫn rất vui. Và tôi không ốm đau đến thế, tôi cũng vui lây.
Một hôm anh hỏi tôi:
- Này anh Thông, anh khá về Hán học, chắc anh giỏi chơi cờ.
Tôi ngớ ra, nào tôi chơi cờ bao giờ đâu, nhưng tôi có hiểu đôi chút. Tôi trả lời anh:
- Tôi có biết nhưng tôi chưa đánh bao giờ. Anh Hoan ạ, tôi đã từng đọc "Quất trung bí" mà người ta nói mở đầu qua quít rồi thấy hai ông già đánh cờ ngồi trong đó. "Quất trung bí" đưa ra những thế cờ hiểm hóc rồi hướng dẫn người ta phá những thế cờ đó. Sau đó tôi có đọc "Tương kỳ tâm đắc” một tổng kết hiện tại của Trung Quốc rất hay. Nhưng tôi chỉ xem cho biết và liên hệ với việc viết văn của mình. Tôi chưa bao giờ đánh cờ.
Anh Hoan vội nói:
"Cờ thế là xong, cờ đến tay ai người nấy phất, nhưng còn tổ tôm?"
Tôi lúng túng hồi lâu mới nói.
- Anh Hoan ạ, tôi khổ sở quá nhiều năm để tìm hiểu chữ "tổ tôm", tổ tam chăng? Đánh năm người kia mà. Nhưng thời đó là việc của các nhà ngôn ngữ học. Tôi mới bắt đầu học đánh ở bệnh viện, "chèo đò" luôn anh ạ. Thế mà cũng có lần được một ván chi nẩy đấy.
Nguyễn Công Hoan cười hà hà:
- Thảo nào chị ấy vẫn làm món ốc, lươn cho anh.
Anh Hoan ơi! Tôi có tham gì ăn những ốc, lươn. Tôi thích sao viết được và viết hay.
Tôi chưa nói hết thì anh Hoan có việc cần. Tôi dìu anh đi. Anh đi chậm rãi, tựa mình vào tôi cũng đang mệt mỏi. Nhưng tôi còn đủ sức. Tôi chờ một lúc, rồi anh lại ra. Không phải đi về nhà mà đi về phòng bệnh viện.
Có ai đến đây chưa?
Dù đẹp bao nhiêu, thương bao nhiêu
Dù có bao phương tiện
Cũng không bằng một ánh mắt một nụ cười của người thân
Cũng không bằng người của mình hò hẹn không tính toán phân vân.
Tôi dìu anh đi...
Đã biết không có lần dìu anh nữa.
Bỗng một hôm mới khổ.
Anh nắm tay hỏi tôi: "Tác phẩm tôi, anh đọc đến đâu rồi?"
Tôi nói vội vàng: "Đọc hết. Hay, nhưng phải chữa đôi chỗ, những nơi còn chưa đạt".
Anh quắc mắt lên: Những chỗ nào?
Tôi nói với anh: Anh ơi hãy nghỉ. Cô Lê Minh sẽ làm việc đó. Để rồi còn xem sao, càng xem càng tỏ, chuyện này không nhỏ nhưng chưa đâu vào đâu.
Anh gật đầu
Bác sĩ đến
Mọi người giục giã đưa anh đến nơi nào
Anh không rõ
Tôi cũng không rõ
Nhưng mọi người tiếng to tiếng nhỏ
Anh sang phòng cấp cứu chỉ riêng anh.
Tôi đứng trước gian phòng bệnh viện
Nhìn lên anh lần cuối bạn bè chung
Anh không gọi mà tôi đã đến
Đến đưa anh vào cõi vô cùng.
Tôi mặc quần áo bệnh viện bước vào căn phòng đó, một căn phòng lạnh lẽo như chúng ta biết, nhưng ở đây bỗng ấm lên trái tim những người thân, và bạn bè, Anh nằm thẳng trong bộ quần áo mới may, nét mặt vẫn như xưa không giấu nổi cái
miệng có hơi châm biếm. Tất cả các thủ tục tôi không nhớ gì nhưng đã phải ghi hình ảnh và lời nói của chị Tài (con dâu của nhà văn) khóc thút thít khi chị cho vào túi anh một đồng 20 và nói: "Để ông xuống đó mà tiêu".
Anh Hoan ơi. Anh chưa từ giã được đâu. Anh và những tác phẩm đồ sộ tới mức khổng lồ của anh vẫn ở trong lòng chúng tôi và mọi người mãi mãi.

-V-
Nguyễn Công Hoan 85 tuổi.
Có lẽ cũng có người nghĩ rằng đó là một nhà văn lão thành đã khuất, mà chúng ta tưởng nhớ. Nhưng anh không già, vì văn anh luôn luôn trẻ và sẽ còn trẻ mãi. Nhà văn đó đã trải qua một đời văn khó nhọc và phong phú biết bao nhiêu.
Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, nhưng dấu vết nhà nho trong văn chương anh rất ít, vì anh phải lặn lội trong cuộc đời thực, cuộc đời thực dân nửa phong kiến mà anh đã trải qua.
Sống giữa không khí văn chương thời đó với lối chương hồi biền ngẫu của Trung Quốc, văn chương cổ điển và hiện đại của Pháp, anh vẫn tìm ra con đường đi của mình, con đường Việt Nam.
Là một nhà giáo, anh đã sớm theo nghề văn và tác phẩm của anh đã được hoan nghênh, nhưng thầy giáo nhà văn đó đã bị đầy đi khắp nơi khắp chốn, và do đó anh lại hiểu rõ được hai mặt của cuộc đời.
Anh tham gia cách mạng từ trước, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, các em và các con đều đi theo chí hướng cách mạng của anh, anh đành chịu đưa vai gánh vác huynh trưởng gia đình. Nhưng anh không hề khom lưng cúi cổ cúi đầu trước thực dân và lũ cường quyền.
Tác phẩm của anh có lúc bị kiểm duyệt, bị cấm lưu hành và ngòi bút của anh có lúc cũng bị cấm viết. Thế mới biết con mắt của anh nhìn vào cuộc đời, tấm lòng của anh hướng theo cách mạng, theo những người nghèo khổ, xấu số, ngòi bút của anh không chịu lùi lại trước bất kỳ thế lực nào.
Anh nhìn thấu suốt cái xã hội ba đào, anh đã nếm đủ cay đắng của những cuộc đời oan trái, và hơn nữa, anh thấy rõ những quan lại vô lương, dối trá, dâm ô, tàn nhẫn... mà anh không chịu nổi. Nhìn thấy rõ những thảm kịch của xã hội và số phận những con người, những gì đẹp đẽ mà anh chứng kiến, những gì là độc ác bất công đã đập vào mắt anh thì anh ghi lại thành văn, có khi bằng truyện ngắn, cũng có khi bằng truyện dài.
Tất cả những tác phẩm của anh đã chứng minh điều đó, không phải chờ đến sau này đọc hồi ký Đời viết văn của tôi chúng ta mới rõ. Anh đã từng nghe và viết, nghĩ về "chuyện Tây chuyện ta, chuyện quan nha tổng lý, chuyện hàng phố, chuyện dân quê, chuyện dối trên lừa dưới, chuyện trai gái bịp bợm...", và rồi anh "nghĩ đến tương lai đất nước nó ảm đạm như cảnh chiều tà".
Tác phẩm của anh cứ liên tiếp ra đời, vạch trần những mâu thuẫn xã hội, mặc cho chúng tìm cách kiểm duyệt, và có lúc anh phải đổi tên.
Tác phẩm của anh cứ tiếp tục ra đời, được nhân dân cả nước đón đọc và coi như anh đã nói hộ cho họ những điều họ muốn nói.
Nhìn thẳng vào sự thật và viết sự thật bằng tác phẩm văn học, đó là Nguyễn Công Hoan.
Viết sự thật, trung thành với sự thật, mà không sợ áp lực của bọn cường quyền, đó là Nguyễn Công Hoan.
Đừng ai hiểu lầm câu nói của anh, "tiểu thuyết nghĩa là bịa mà y như thật". Đó là anh không thích dùng chữ hư cấu đó thôi. Anh không bịa chút nào. Anh rất thời sự. Anh chỉ viết những điều mắt thấy tai nghe, viết những điều có thực trong cuộc đời, với sự sáng tạo của riêng anh và mọi người đều nhận thấy đó là sự thật.
Viết với cả tấm lòng, với cả tình thương những người nghèo khổ, những người bị áp bức, bị chà đạp, tính xã hội kết hợp tính nhân đạo. Đó cũng là Nguyễn Công Hoan. Nếu bảo anh chỉ có tố cáo, anh chỉ châm biếm thôi là không đủ.
...Có người nói, từ Ông chủ, bà chủ, Nguyễn Công Hoan đã có ý thức về giai cấp giữa nông dân và địa chủ. Lúc đó người nông dân vẫn còn bị động. Nhưng sau cách mạng, anh viết Nông dân và địa chủ, thì nông dân lại ở thế chủ động. Đúng như thế.
Nguyễn Công Hoan là nhà văn sớm biết phát hiện ra những mâu thuẫn, những trái khoáy của cuộc đời, rồi lần lần tìm ra mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp. Đến khi cách mạng thành công, anh lại biết lật ngược lại vị trí của những con người trong xã hội mới, dầu còn rất mới. Đống rác cũ cũng là một cách nghĩ, cách làm việc, cách viết đó của anh. Ai có thể viết được như anh, những trang cuộc sống quá khứ hay như thế.
Đừng nghĩ rằng sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Công Hoan viết kém đi. Đúng ra đáng lẽ anh còn phát huy được truyện ngắn của anh hơn, nhưng anh viết nhiều truyện dài.
Truyện dài của anh không phải chỉ là khôi hài trào lộng như có người phê bình, mà với hiểu biết hơn về cách mạng, anh đã cắm sâu được những sự việc, những con người, nhất là những nhân vật phản diện thời đó, mà lớp nhà văn trẻ sau này không sao xây dựng nổi.
Chúng ta thường nói Nguyễn Công Hoan là nhà văn kiện tướng của chủ hiện thực phê phán. Nếu chỉ phê phán không, thì làm sao tác phẩm của nhà văn lại được trong chúng ta những hình tượng không thể nào quên. Trong phê phán của anh có tính trữ tình rất sâu đậm.
Chính vì vậy truyện anh, văn anh đã được người đọc yêu mến.
Anh có cuộc sống dồi dào cũng như vốn học dồi dào, nhất là vốn văn học dân tộc.
Trong thế hệ nhà văn cùng với anh, chẳng ai làm được hơn anh.
Trong một chuyến đi vào Nghệ Tĩnh, có Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Bùi Huy Phồn, Vũ Thị Thường, Hoàng Trung Thông, chúng tôi có đến thăm mộ Nguyễn Du. Tìm quanh tìm quẩn mãi rồi cũng ra mộ thi hào họ Nguyễn. Chúng tôi đứng trước mộ và cử anh Nguyễn Công Hoan cắm hương, đứng nghiêm trang mặc niệm.
Tại sao năm nay 85 tuổi Nguyễn Công Hoan (1988), một nhà văn kiệt xuất của thời đại chúng ta, chúng ta không đứng nghiêm trang thắp bó hương, đặt vòng hoa trên mộ.

("Tuyển tập Nguyễn Công Hoan" NXB Văn Học, 1983)

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉