Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

N.I.NICULIN - Nhà văn Nguyễn Công Hoan


Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần I: Nguyễn Công Hoan - Nhà văn hiện thực lớn, bậc thầy truyện ngắn trào phúng.


NHÀ VĂN NGUYỄN CÔNG HOAN

N.I.NICULIN


Một hôm, hồi trước Cách mạng tháng Tám 1945 - Nguyễn Công Hoan kể lại - nhà văn Việt Nam nổi tiếng Nguyễn Tuân phải ra trước toà của bọn thực dân. Theo quy định, viên quan toà người Pháp hỏi cung qua một viên thông ngôn, mặc dù hoàn toàn không cần thiết phải làm như vậy vì nhà văn biết tiếng Pháp rất giỏi. Quan toà hỏi họ, tên, nghề nghiệp của bị can. Khi nghe câu trả lời "Nhà văn", viên thông ngôn vốn quen giọng nghề nghiệp toà án, chẳng cần mảy may suy nghĩ dịch ngay: "Vô nghề nghiệp". Mấy chữ ấy lộ rõ thái độ ngạo mạn và khinh bỉ của bọn cầm quyền thực dân đối với nền văn học cùng các nhà văn của Việt Nam.

Bọn "khai hoá" ấy chỉ lo sao tiệt trừ "phiến loạn" nên chúng không ngần ngại đẩy những người yêu nước lên máy chém, đày biệt xứ, khổ sai, thiết lập trong nước một chế độ kiểm duyệt gắt gao nhất. Trong năm gian khó ấy đã trưởng thành tài năng của Nguyễn Công Hoan, nhà văn lão thành bậc nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Vào thời buổi này phải có lòng dũng cảm không nhỏ, niềm tin lớn lao mới dám bước lên con đường của ông - con đường không dễ dàng chút nào của nhà văn châm biếm.

Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6-3-1903 tại làng Xuân Cầu tỉnh Hưng Yên. Cụ thân sinh ra ông làm quan hạng nhất - thanh tra các trường phổ thông. Gia đình sinh sống có phần khó khăn nên cậu bé từ năm lên bốn đã phải gửi sang ở nhà người bác ruột hồi đó làm tri huyện, nuôi dạy. Trong gia đình, nơi Nguyễn Công Hoan lớn lên, ngọn lửa yêu nước và căm thù sâu sắc bọn thực dân không ngừng cháy: chẳng phải ngẫu nhiên mà từ gia đình ấy đã xuất hiện những nhà cách mạng Cộng sản nổi tiếng (trong đó có em ruột nhà văn là ông Nguyễn Công Mỹ).

Thoạt đầu, theo truyền thống, người ta dạy cậu bé chữ Nho; bà nội - một người đàn bà có học - cho cậu làm quen với nền văn học cổ điển Việt Nam và Trung Hoa. Nhưng bố mẹ, những con người rất nhạy cảm với cái mới, năm 1912 gửi nhà văn tương lai vào học trường công; song, vì đau yếu, cậu không học hết.

Từ năm 1922, Nguyễn Công Hoan tiếp tục học tập tại trường sư phạm. Thời kỳ này ở Hà Nội nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Đà) thành lập "Tu thư cục" - một quán sách và một nhà xuất bản nhỏ. Nguyễn Công Hoan hợp tác với nhà thơ, ông viết chủ yếu những truyện ngắn giải trí ngộ nghĩnh. Năm 1923 nhà văn trẻ bỏ tiền riêng (hồi đó nhiều nhà hoạt động văn học chỉ được nghe đồn về tiền nhuận bút) cho in tập truyện ngắn nhan đề "Kiếp hồng nhan" trong đó tuy còn bộc lộ sự thiếu kinh nghiệm của tác giả, nhưng đã làm bật lên cái nhìn thông minh và tinh tế vốn có ở những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Công Hoan.

Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm năm 1926 ông làm giáo học và gắn bó với mái trường mãi đến tận Cách mạng tháng Tám.
Sự công nhận trên văn đàn đến với ông vào những năm 30 khi ông trở thành nổi tiếng trước hết như một bậc thầy về truyện ngắn châm biếm mà ông đã cho đăng ở nhiều tạp chí khác nhau.

Nhà cầm quyền dĩ nhiên đã dò xét nhà văn châm biếm làm nghề giáo ấy và đã chuyển ông khắp nơi này đến nơi khác, từ tỉnh lỵ đến xóm quê, từ châu thổ sông Hồng đến rừng núi Lào Cai. Vô tình các quan chức ngành giáo dục đã giúp ông một việc không nhỏ: chu du đây đó để tìm nhân vật và đề tài cho các tác phẩm tương lai là việc vượt quá túi tiền riêng của ông.

Năm 1935, tập truyện đầu tiên Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan ra đời đã trở thành một sự kiện thực sự trong đời sống văn học của đất nước và là thắng lợi thực sự của nhà văn: 18 tờ báo và tạp chí đã hoan nghênh sự ra đời của cuốn sách. Ngoài ra, tập truyện còn trở thành điểm xuất phát cho một cuộc tranh luận rộng rãi mà các nhà phê bình mácxít phát động để chống lại phái "Nghệ thuật vị nghệ thuật". Nhà sách "Sông Hương" của Hải Triều (1908-1954) - người tuyên truyền nhiệt thành cho nền văn học Xô Viết - đã tổ chức cuộc họp mặt của Nguyễn Công Hoan với độc giả.

Thời bấy giờ có khi nhà văn phải viết theo kiểu ngụ ngôn. Trong truyện Đào kép mới ông mượn việc chê bai một gánh hát tồi, đã làm mọi người chán ngấy, để phỉ báng cay độc tên vua Bảo Đại mà báo chí quảng cáo rùm beng như một "nhà khai sáng”, một đấng trị vì từng du học bên Tây, một "nhà cải cách" "... Tôi hãnh diện về những mẩu chuyện ấy hơn bất kỳ truyện nào khác. - Nguyễn Công Hoan viết, - bởi vì mỗi khi bằng cách đó đánh lừa được bọn kiểm duyệt, tôi cảm thẫy mình là kẻ chiến thắng".

Trong thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936 - 1939), khi chế độ kiểm duyệt về hình thức bị bãi bỏ (các nhà biếm hoạ đã vội sung sướng chôn nó như chôn một mụ già tai ác), các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan bắt đầu phê phán trật tự và sự độc đoán thực dân một cách dũng cảm và thẳng thừng (truyện Thịt người chết và Sáng - chị phu mỏ).

Những năm này, Nguyễn Công Hoan gần gũi với nhiều đảng viên Cộng sản nguyên là tù chính trị. Công nhân thành phố Nam Định, nơi ông sống hồi ấy, đã bầu ông vào Ban chấp hành công đoàn. Thế cũng đủ để trong hồ sơ mật thầy giáo Nguyễn Công Hoan bị coi là "tay sai nguy hiểm của Cộng sản, phải tống khứ không chậm trễ thật xa nơi tập trung công nhân này". Tiếp liền đó là lệnh chuyển ông ra Trà Cổ, một hòn đảo xa tít ở vịnh Bắc Bộ mà thực tế là một kiểu đi đầy trá hình. Nhưng trước khi ra đấy, mùa hè năm 1938, ông đã kịp hoàn thành cuốn tiểu thuyết Bước đường cùng - kể lại cuộc đời khó nhọc của anh nông dân Pha bị đẩy vào cảnh cùng quẫn bởi các thủ đoạn nham hiểm của tên địa chủ và "ông dân biểu" Lại, đại biểu cho "giống da xanh bủng của những gã nghiện thuốc phiện". Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa đầu tiên của nền văn học Việt Nam, trong đó Nguyễn Công Hoan miêu tả người nông dân đã ý thức được sự cần thiết phải đấu tranh có tổ chức giành quyền của mình. Nhà văn ấp ý định viết làm ba tập, nhưng tập đầu đã bị bọn cầm quyền cấm ngay nên không thành.

Đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ, Nguyễn Công Hoan cho in hai truyện ngắn vạch mặt quân phiệt Nhật. Nhà cầm quyền thực dân sợ Nhật, đã phản ứng tức khắc và tàn bạo: Nguyễn Công Hoan bị truy tố và kết án 3 năm tù. May sao, người ta phát hiện ông sinh trưởng tại Hà Nội, không thuộc quyền phán xử của toà án địa phương.

Năm 1940, Nhật chiếm Đông Dương. Sở kiểm duyệt lại bắt Nguyễn Công Hoan im tiếng. Ông nhớ lại: "Tôi phải nghỉ viết một thời gian. Cuộc đời buồn tẻ cứ trôi đi. Tôi đau khổ vì không được lao động cho văn học hệt như người ta phải xa người yêu vậy". Năm 1945, bọn chiếm đóng Nhật thẳng tay ném ông vào nhà tù. Tin đồn lan truyền khắp nơi rằng Nguyễn Công Hoan đã chết, thậm chí những người hâm mộ tài năng của ông đã làm lễ truy điệu ông...

Cùng với Cách mạng tháng Tám, mọi sự đều đổi thay. Ông làm việc nhiều, tích cực.
Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà giao cho ông lãnh đạo Sở kiểm duyệt báo chí Hà Nội, nơi mà vào những năm 1945 - 1946 xuất bản hơn một nửa tổng số báo chí đủ mọi khuynh hướng. Những truyện mới của ông lại xuất hiện. Năm 1946, khi quân đội nhân dân và hầu hết nhân dân Hà Nội vừa chiến đấu vừa rút lên rừng hoặc tản về nông thôn, nhà in đã không kịp in cuốn truyện mới Tranh tối tranh sáng của ông. Ở ngoài ấy, chốn rừng sâu, năm 1948 Nguyễn Công Hoan trở thành một đảng viên Cộng sản và mãi đến năm 1954 sau khi hoà bình lập lại, ông mới trở về Hà Nội. Năm 1955 ông sáng tác tập truyện Nông dân với địa chủ, sử dụng rộng rãi tư liệu của các cuộc đại hội nông dân trong thời kỳ cải cách ruộng đất.


Tác giả xây dựng những truyện ấy trên nguyên tắc tượng trưng. Chẳng hạn, trong truyện Trung thành cái kết cục đáng thương của tên quan tay sai thực dân bị chủ thẳng tay trừ khử là tượng trưng cho sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống thực dân ở Việt Nam. Nhưng lúc này hấp dẫn tác giả nhiều nhất là thể loại tiểu thuyết. Ông hoàn chỉnh lần nữa cuốn Tranh tối tranh sáng (1956). Đống rác cũ (tập I in năm 1963), hồi ký Đời viết văn của tôi (1971). Ông không rời đề tài vốn quen thuộc của mình - cuộc sống trong xã hội cũ, ra sức mài sắc phương pháp nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thái độ mới đối với chất liệu cuộc sống không chỉ thể hiện ở chỗ Nguyễn Công Hoan đã miêu tả sức mạnh phản kháng của nhân dân và sức mạnh của cách mạng đã trưởng thành thế nào. Với tất cả sự sắc nhọn vốn có trong văn châm biếm của ông, Nguyễn Công Hoan chứng minh trong các cuốn tiểu thuyết của mình số phận diệt vong mà lịch sử đã định cho chế độ xã hội thuộc địa - phong kiến đang lui vào dĩ vãng và ông làm việc này với cả tầm lớn và tầm rộng mà nền văn học hiện thực phê phán của Việt Nam chưa từng đạt tới.

Một thời kỳ dài, Nguyễn Công Hoan làm thư ký kiêm Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.

Hiện nay ông dốc nhiều tâm sức vào việc dìu dắt lớp người trẻ tuổi kế tục sự nghiệp văn học. Nhà văn đã nhiều lần sang thăm nước ta.

Qua tác phong thoải mái, trầm tĩnh, giọng nói chậm rãi và sáng sủa của ông, thật dễ đoán nhận trong ông một người thầy giáo già. Và chẳng phải ngẫu nhiên mà từ bao đời nay ở Việt Nam người ta coi văn học là người thầy của cuộc sống.

* * * 

Lịch sử nền văn xuôi hiện đại Việt Nam khởi đầu tương đối muộn - một phần tư đầu của thế kỷ XX. Năm 1971, người bạn hơn tuổi của Nguyễn Công Hoan, nhà thơ Tản Đà (1888-1939), chịu ảnh hưởng của những tư tưởng khai sáng phổ biến thời bấy giờ đã cho in tập truyện Giấc mộng con của mình, trong đó nhân vật đã đi du lịch khắp đây đó trên hoàn cầu, sang cả nước Nga, và tìm được một hòn đảo không tưởng, nơi ngự trị của công bằng, bình đẳng và hạnh phúc. Từ 1918 nhà văn Phạm Duy Tốn (1887 - 1924), học tập các bậc thầy về văn xuôi hiện thực Pháp thế kỷ XIX, bắt đầu viết những truyện ngắn mang lại cho ông vinh quang của "người sáng lập chủ nghĩa hiện thực" trong nền văn học Việt Nam. Cùng những năm ấy, người Cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đang sống ở Paris dưới ấn tượng sâu sắc về nghệ thuật miêu tả hiện thực cuộc sống trong những truyện vừa của Lép Tônxtôi, đã sáng tác những ký và truyện ngắn trở thành những tác phẩm đầu tiên của nền văn học cách mạng đang ra đời ở Việt Nam. Trên cơ sở truyền thống dân tộc và học tập mộtcách sáng tạo kinh nghiệm của các nền văn học châu Âu (trước hết là Pháp) và Nga, đã nảy sinh một hiện tượng phức tạp mới - nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.

Nguyễn Công Hoan - nhà văn đã lớn lên cùng với nền văn học đó. Những cuộc thí nghiệm văn học vững tay của ông ngay từ những năm 20 đã đi đúng luồng trào lưu cơ bản là hiện thực chủ nghĩa mà người ta vẫn gọi là "tả chân". Các đại biểu của trào lưu này, quan tâm và thông cảm với những người khốn cùng và bị áp bức, đã đứng lên đối chọi với cái thời trang trong văn học hồi đó là khuynh hướng tô hồng cuộc sống. Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã góp phần cống hiến không nhỏ vào sự phát triển nền văn học hiện thực chủ nghĩa.
Cuốn Đồng hào có ma chủ yếu bao gồm những tác phẩm Nguyễn Công Hoan viết trước Cách mạng - đó là những truyện ngắn nhưng đầy sức thể hiện, tái tạo bức tranh xác thực về cuộc sống của nước Việt Nam thuộc địa - phong kiến.

Đề tài thường xuyên thu hút nhà văn là quan hệ giữa kẻ áp bức và người bị áp bức.
Thường thường địa vị xã hội của nhân vật quyết định thái độ của nhà văn đối với nhân vật đó.
Thậm chí, đọc đi đọc lại hàng trăm truyện mà Nguyễn Công Hoan viết, bạn đọc cũng không thể tìm được trong đó hình ảnh một viên "quan cai trị" nào liêm khiết hoặc cao thượng - thời kỳ này giới quan lại Việt Nam đã hoàn toàn bôi nhọ mình.
Phanh phui những bất công xã hội trong truyện của Nguyễn Công Hoan không phải là để "làm dáng" như ở một số nhà văn trong những năm 30 đã "hạ cố" đến cái đề tài "dân đen" mà chính là lập trường tư tưởng duy nhất ông chấp nhận.
Trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, vạch trần "tính phi lôgic của cái bình thường", tính phi lý của tất cả những gì được chấp nhận chung trong cái xã hội Việt Nam thuộc địa - phong kiến, chiếm vị trí quan trọng nhất. Để làm việc đó, Nguyễn Công Hoan đã sử dụng toàn bộ vũ khí muôn hình muôn vẻ của cái hài - từ cái cười thương hại anh chàng trẻ tuổi háo danh trong Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ báo... đến thái độ tởm lợm và phẫn nộ trong Răng con chó của nhà tư sản hoặc Một tấm gương sáng.

Nguyễn Công Hoan thích xây dựng câu chuyện của mình trên những nghịch lý, do đó các truyện của ông phần nào mang tính chất đánh đố: hoặc độc giả không đoán được động cơ hành động của nhân vật, hoặc đoán sai. Trong truyện Xuất giá tòng phu người chồng đang tay đánh đập người vợ trẻ xinh đẹp của mình không phải vì chị bất trung mà như ta thấy ở cuối truyện, lại chính vì chị muốn giữ trọn chữ trung với chồng, không chịu đi làm "quà tết" cho ông chủ của chồng mình.

Hầu như trong bất kỳ truyện nào của nhà văn châm biếm đều có những sự kiện, những sự việc hay hành động của nhân vật đi ngược hẳn với cái bình thường, ở một số truyện của ông thực ra đó là sự nhạo lại những gì đã xảy ra trong thực tế. Truyện Cụ Chánh Bá mất giày được xây dựng theo kiểu truyện trinh thám - xáo trộn thời gian: thoạt đầu bạn đọc thấy một vụ mất cắp rồi sau đó là hai đoạn tả cảnh mất cắp tưởng tượng và mất cắp thật, bóc trần bộ mặt tên chuyên nghề lường gạt đóng vai bên "bị". Nhà văn có tài dẫn truyện tới mức sự "thông cảm" của ông đối với nhân vật phản diện cuối cùng quay ngược thành cái cười mỉa mai đối với nhân vật đó.

Cuối câu chuyện thường là sự xoay chuyển đột ngột và kết cục bất ngờ. "Phần kết trong các truyện của tôi, - Nguyễn Công Hoan, viết, - cũng như cái hom. Nó bất ngờ với độc giả hệt như miệng hom nhỏ mà kéo được con cá vào".
Mỗi truyện dường như Nguyễn Công Hoan viết một mạch. Chính nhà văn kể lại rằng ông chỉ cần chứng kiến một chuyện gì đó xảy ra trên đường phố, nghe một mẩu hội thoại là lập tức trong đầu ông đã hình thành đề tài cho một truyện ngắn tương lai. Tối tối, đi dạy học về, ông ngồi vào bàn viết và chưa đứng dậy chừng nào chưa hoàn thành một truyện ngắn. Ông thể hiện ngay thành lời và hình ảnh tất cả những gì ông đã thấy và trải qua.

Suy nghĩ về nghệ thuật viết truyện ngắn, Nguyễn Công Hoan đặc trưng phong cách viết của mình như sau: "Ở chúng tôi thường gọi độc giả là bạn đọc... Và bản thân tác giả trở thành người bạn lâu năm hiền lành, bình thường, giản dị, vui tính, không hoa mỹ, kiểu cách và tự cao tự đại".

Nguyễn Công Hoan vốn có năng lực tuyệt vời tinh mắt nhìn thấy những tình huống hài hước và có tài nhận ra đằng sau những sự việc thoạt tưởng nhỏ nhặt các vấn đề quan trọng của thời đại. Văn châm biếm của Nguyễn Công Hoan là vũ khí của cái thiện. Chính vì các cuốn sách của ông rất tiếng tố cáo dữ dội, chính vì lòng nhiệt thành của ông phục vụ con người mà Nguyễn Công Hoan trở nên thân yêu đối với bạn đọc.


(Lời giới thiệu tập truyện ngắn Đồng hào có ma in bằng tiếng Nga đầu tiên do Niculin dịch từ tiếng Việt Nam.) NXB Văn học - Matxcơva, 1973. Số lượng phát hành 30.000 cuốn





0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉