Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

NGUYỄN THANH TÚ - Lời văn song điệu trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan



Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần I: Nguyễn Công Hoan - Nhà văn hiện thực lớn, bậc thầy truyện ngắn trào phúng.


LỜI VĂN SONG ĐIỆU TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN

NGUYỄN THANH TÚ


Lời văn song điệu, hiểu một cách đơn giản là lời mà trong đó vừa có giọng của tác giả (hay người kể chuyện), vừa có giọng nhân vật. Người đầu tiên nghiên cứu về lời văn song điệu là M. Bakhtin trong công trình nghiên cứu về Đôtxtôiepxki. Ở ta, lời văn kiểu này mới được chú ý, tuy nhiên chỉ có vài ba công trình mang tính chất giới thiệu. Dưới đây chúng tôi xin đề cập đến lời văn song điệu trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan.

Trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, lời văn này xuất hiện không nhiều nhưng nó góp phần làm nổi bật mục đích nghệ thuật của tác giả là dùng để gây cười với nhiều cung bậc: hài hước, châm biếm, mỉa mai.
"Hai vẻ mặt cùng lo, nhưng hai cái lo khác nhau. Nàng vì quá nhẹ dạ, nên phải nặng lòng, cái khối lo nó đương nằm co ở trong bụng. Chàng lo vì vô tình định thoả bụng muốn, bây giờ phải cố tình đẩy cái không muốn ra". (Oẳn tà rroằn).
Xét về mặt ngữ pháp, lời văn kết câu theo lối đối chọi tạo lên kịch tính trong lời văn (chủ ý của lời kể chuyện). Trong lời văn lại rõ ràng có giọng cả hai nhân vật (Nguyệt và Phong) tuân theo một hệ quy chiếu tâm lý: "lo" (Chữ "lo" được nhắc lại tới 4 lần trong đoạn).
Chất bài toát ra từ sự giao hoà hai giọng này (Người kể chuyện và nhân vật) cũng với nguyên nhân nỗi "lo"!!!
"Bà cắt cho nó việc ấy, thật là bà đủ lòng nhân đạo đối với một con bé mười hai, mười ba tuổi đầu. Phải, còn gì nhẹ nhàng cho bằng việc ngồi yên một chỗ cầm chiếc quạt, khẽ đưa đi đưa lại. Bà đã vì thương người mà nuôi cơm không cho nó là tốt. Chứ ngữ ấy, cơm chẳng biết thổi, nước chẳng biết gánh, quần áo chẳng biết giặt, nếu chẳng xin ở công không để kiếm miếng ăn, tất chỉ có đi ăn mày. Con đỏ con, cả ngày chỉ có việc bế anh, rồi làm phụ dưới bếp. Rồi đến khi anh ngủ, có chuông bà gọi, thì lên quạt hầu bà. Bà có khiến nó làm việc gì nặng nhọc quá sức nó nữa đâu?" (Phành phạch).
Tác giả dường như trao chức năng tự bộc lộ "lòng nhân đạo" cho nhân vật. Giọng lưỡi nhân đạo nhưng thực chất lại cực kỳ vô nhân đạo. Nuôi đứa bé ở "công không" với công việc "bế anh", "làm phụ bếp" và "quạt hầu bà". Mảnh đoạn sau tả cảnh bà bắt quạt suốt đêm. Nó mệt, nó ngủ gật. Bà "giúi vào nó một cái thực mạnh". Cảnh tương phản: "Bà mát, dễ chịu lắm. Nó mệt khó chịu lắm!", đủ thấy giọng lưỡi nhân đạo kia giả dối đến mức nào.
Có thể đặt tên cho lời văn trên là lời nhân vật mang quan điểm tác giả.
Tương tự, một ví dụ khác:
"Ừ thì gật, thì câm, thì cừu, thì hám danh, thì hại nước, ông hãy biết hiện giờ ông ăn tiên chỉ trong làng cái đã. Cái khoanh bí mọi khi làng đem biếu ông bá Văn, thì từ nay ông được ăn. Thành ra danh lợi lưỡng toàn, sung sướng quá!

Thôi thì hay hớm gì cái bướng với nhà nước. Ai yêu cầu chính phủ thây ai, ai chất vấn quan trên thây ai. Ông là dân ông cứ giữ cho phải đạo, lôi thôi lắm thì bị ghét nhiều. Ở đời, hay ở nghị trường cũng vậy, ngu si hưởng thái bình. Cho nên, cứ yên phận là đáng quý hơn hết" (Đi giầy).

Người kể chuyện hoà giọng mình vào giọng nhân vật, mượn giọng nhân vật để đay đả, chỉ trích. Trước hết là công kích nghị viện giả hiệu. Sau nữa là đả kích chính nhân vật. Chính giọng ông nghị Xuân chấp nhận mọi người coi ông là nghị "gật", "câm", "cừu", "hám danh", "hại nước”. Nhưng ông "sung sướng" vì ông "ăn tiên chỉ trong làng". Ông là nghị viện nhưng ông lại kệ "thây ai". Quan điểm của ông là "ngu si hưởng thái bình". Giọng ông nghị Xuân vạch trần bản chất các nghị viện: chỉ biết lợi cho riêng mình ”ăn tiên chỉ trong làng", vô trách nhiệm "thây ai", và "yên phận" cùng với sự "ngu si".
"Vả lại, không nhân ngày giỗ bố, mà làm bữa tiệc cho thực linh đình, mời mọc cho thật đông khách, để tỏ rằng mình tuy nhờ trời làm ăn được khá, nhưng chẳng phải hạng uống nước quên nguồn – bởi đạo làm con phải báo hiếu cho cha mẹ, để khỏi phụ công sinh thành dưỡng dục - thì thế gian họ cũng cười cho". (Báo hiếu: trả nghĩa cha)
Dưới góc độ lôgic, câu văn được cấu trúc theo phương thức nguyên nhân - kết quả.
Trong phần cấu trúc nguyên nhân của câu lại tồn tại các cặp nguyên nhân - kết quả bộ phận: "Nhờ trời làm ăn được khá", "đạo làm con phải báo hiếu cho cha mẹ". Cả phần nguyên nhân này chỉ đi đến kết quả: "thế gian họ cười".
Lời song điệu có mặt ở cấu trúc nguyên nhân - kết quả này - nhất là kết quả "thế gian họ cười" đã lột chân dung chủ nhà: kẻ hám danh tiếng, kẻ cơ hội bẩn thỉu (nhân ngày giỗ bố...).
"Nhờ được cái nhanh nhảu, láu lỉnh, liều lĩnh, mà chẳng biết nó làm ăn ra sao, nó có được ít vốn, rồi lấy được ở đâu một con vợ giàu. Từ đó, thằng ấy ngày một khá, buôn bán phát tài. Nay giàu đến hàng mươi vạn". (Báo hiếu: trả nghĩa cha).
Lời văn được giao hoà hai giọng: giọng người kể và giọng bà cụ (tức mẹ "nó"). Sự giao hoà giọng này tạo nên hai hiệu quả nghệ thuật: vì có giọng bà cụ nên đảm bảo được tính chân thực của "tiểu sử" ông chủ hãng ôtô Con Cọp (tức "nó”); Có giọng người kể chuyện lại nêu bật ra được công thức làm giàu trong xã hội tư sản. Nguyên nhân (cả chủ quan lẫn khách quan): nhanh nhảu, láu lỉnh, liều lĩnh + vốn + vợ giàu + buôn bán. Kết quả: giàu. Công thức này khó ai phản bác được.

Lời văn song điệu quả là có một sức mạnh nghệ thuật riêng, độc đáo, cần được nghiên cứu sâu hơn.

(Tạp chí Trung học phổ thông số 11-9-1946)




0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉