Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

NAM MỘC - Hỗn canh, hỗn cư của Nguyễn Công Hoan



Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần II: Tác phẩm của Nguyễn Công Hoan - Những thành công và đóng góp.


HỖN CANH HỖN CƯ
CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN

NAM MỘC


Hỗn canh hỗn cư là cuôn tiểu thuyết xuất bản gần đây nhất của Nguyễn Công Hoan, sau Tranh tối tranh sáng của cùng một tác giả và Mười năm của Tô Hoài, Một luồng gió mới của Hồng Chương, nó là một trong những tác phẩm văn học đầu tiên sau hoà bình, đề cập một cách rộng rãi tới đề tài trước Cách mạng tháng Tám.

Nội dung cụ thể của Hỗn canh hỗn cư là các đợt đấu tranh của nông dân làng Văn Chương (một làng ở đồng bằng Bắc Bộ) dưới hai tầng áp bức, bóc lột của phát xít Nhật-Pháp: chống đón rước tri huyện đi kinh lý, đòi chia lại công điền, không trồng đay và đắp đường cho Nhật, cướp kho thóc. Văn Chương là một làng có truyền thống cách mạng từ phong trào Văn thân và phong trào Đề Thám, và có cơ sở của Đảng ngay từ sau khi Đảng mới thành lập. Nhưng cơ sở bị thực dân Pháp khủng bố trắng làm cho tan rã; mãi tới năm
1936, trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, sau khi Na, người làng, đi tù về, phong trào mới dần dần được phục hồi và phát triển qua các đợt đấu tranh trên đây. Sau khi Na thoát ly để tránh khỏi bị đi tù lần thứ hai, Hùng được Đảng điều tới thay để chỉ đạo phong trào. Cuối cùng, chi bộ Đảng được thành lập gồm có Hùng, Lê (em Na), Nhã, Phùng. Câu chuyện chính thức bắt đầu ngót một năm sau khi năm tên lính cơ về đóng ở làng, ý chừng vào khoảng năm 1941 và kết thúc bằng việc chi bộ Văn Chương lãnh đạo nhân dân cướp kho thóc của Nhật ở đình làng sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945.
Trong Hỗn canh hỗn cư, Nguyễn Công Hoan đã dàn thành mặt trận khá nhiều nhân vật.
Về phía ta, ngoài Na, Hùng, Lê, Nhã, Phùng còn có cụ Na (mẹ Na), chị Na (vợ Na), Lưu (con Na), Thái, Ban, cụ từ Hoài (bố Ban), cụ giáo Quý và một số nhân vật khác, về phía đối phương, từ cấp thấp đến cấp cao có: Lý trưởng Sinh, chánh hội Tuy, phó hội Dương, phó lý Kiên, tộc biểu Chưng, trùm Hiệu, khoá Hường, bọn lính cơ, thông sự Hảo, tri huyện Lê Sung, tuần phủ, chánh mật thám Phu-tít và Xi-va, tuần phủ, công sứ Vát-xi, Duy-cu-roa, toàn quyền Đờ-cu, đại sứ Nhật Mát-sư-mô-tô và một số nhân vật khác nữa như vợ lẽ Lê Sung, võ quan Nhật, chánh lục lộ.

Qua nội dung của tác phẩm, người đọc nhận thấy Nguyễn Công Hoan đã cố gắng thông qua những nhân vật và sự kiện cụ thể, nói lên cuộc đấu tranh giai cấp sống mái giữa một bên là nông dân lao động do Đảng lãnh đạo và một bên là bọn đế quốc Nhật-Pháp và bọn quan lại, cường hào tay sai của chúng, trong một thời kỳ lịch sử đen tối nhất của dân tộc, dưới hai tầng áp bức bóc lột của phát xít Nhật-Pháp. Ưu điểm nổi bật của Hỗn canh hỗn cư so với Bước đường cùng (truyện dài tiến bộ nhất và thành công của Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng viết về cùng một đề tài) là tác giả đã nhận thức được vai trò lãnh đạo của Đảng tiền phong của giai cấp công nhân trong phong trào nông dân làm cho phong trào này từ tự phát, mù quáng tiến tới tự giác, có tổ chức, có tiền đồ. Những người nông dân ở đây không còn là những người nông dân bi quan, tự ti, mê tín, thường chịu an phận, nhẫn nhục một cách tiêu cực, chỉ đôi lúc cùng quá mới phản đối lại những kẻ áp bức bóc lột, như con giun bị xéo lắm phải quằn, nhưng đó cũng chỉ là một sự phản ứng lẻ loi, tuyệt vọng, đi vào "bước đường cùng".

Những người nông dân ở đây được cán bộ của Đảng kiên trì giáo dục đã tự tin ở lực lượng đoàn kết của mình, vùng lên đấu tranh với kẻ thù, từ đợt này đến đợt khác, bước đầu có ý thức kết hợp lợi ích kinh tế với lợi ích chính trị, lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, lợi ích bản thân, gia đình với lợi ích giai cấp, dân tộc. Trên cơ sở nhận thức tư tưởng mới đó, Nguyễn Công Hoan đã vận dụng vốn sống của một người đã từng trải nhiều dưới chế độ cũ, miêu tả được những bức tranh cụ thể khá sinh động và đôi khi cảm động nữa, như cuộc đấu tranh chung quanh đám ma cụ quản A (bố Thái), việc tri huyện Lê Sung tới trường bắt cụ giáo Quý, đuổi không cho Lưu học nữa, trận đấu tranh giữa tri huyện Sung và một số cốt cán nông dân Văn Chương chung quanh việc đắp đường cho Nhật, việc dân phu lãn công trên công trường làm đường.

Nhưng Hỗn canh hỗn cư có nhiều nhược điểm về cả mặt nội dung hiện thực, tư tưởng lẫn mặt hình thức nghệ thuật.

Nguyễn Công Hoan là một nhà văn có phong cách độc đáo, giàu kinh nghiệm (kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm viết), có một quá trình sáng tác lâu dài (gần 40 năm kể từ tác phẩm đầu tay Kiếp hồng nhan ra đời năm 1923), viết khoẻ, viết nhiều và cũng tỏ ra "càng già càng dẻo càng dai". Trước Cách mạng tháng Tám, ông là một trong số rất ít những nhà văn tiến bộ, đã có những tác phẩm hiện thực phê phán giá trị như Kép Tư Bền, Đào kép mới, Bước đường cùng. Sau Cách mạng tháng Tám, ông lại tiếp thu được thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối, chính sách cách mạng của Đảng; ông đã có nhiều dịp đi vào đời sống đấu tranh và lao động của công nông trong kháng chiến, cải cách ruộng đất, cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cách nhìn mới và vốn sống mới của nhà văn cách mạng ở ông đã bổ sung và cải tạo về nhiều mặt cho cách nhìn và vốn sống của nhà văn tiểu tư sản trước Cách mạng. Tất nhiên người đọc rất tôn trọng và yêu mến một nhà văn như thế, nhưng đồng thời cũng mong muốn, đòi hỏi nhà văn ấy nâng cao thêm một bước chất lượng tác phẩm của mình về cả hai mặt nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Hỗn canh hỗn cư cũng như Tranh tối tranh sáng có những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi hơn so với Bước đường cùng, cũng viết về đề tài nông dân trước Cách mạng, nhưng sở dĩ chưa thoả mãn được yêu cầu của người đọc (mặc dầu có một số ưu điểm mà Bước đường cùng, do còn bị hạn chế về thế giới quan, nên chưa thể có), có lẽ một phần lớn là vì nhà văn chưa bồi dưỡng, vận dụng và kết hợp được tới mức cần thiết vốn sống mới và tư tưởng mới với kinh nghiệm sống trước Cách mạng, và một phần nữa là vì nhà văn chưa chủ động cải tiến thêm một bước lối trào phúng của mình, chưa chú trọng xây dựng tính cách điển hình sinh động có nội tâm phong phú, còn để cho sự việc bên ngoài (nhiều khi không tiêu biểu) lấn mất những cảm nghĩ sâu kín trong lòng và những quan hệ xã hội rộng rãi nhiều mặt của con người trong tác phẩm.


(Nghiên cứu văn học, số 6, 1962)






0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉