Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

TRƯƠNG CHÍNH - Nguyễn Công Hoan


Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần I: Nguyễn Công Hoan - Nhà văn hiện thực lớn, bậc thầy truyện ngắn trào phúng.



NGUYỄN CÔNG HOAN

TRƯƠNG CHÍNH

 

Trong các nhà văn hiện thực của ta, Nguyễn Công Hoan là người kỳ cựu nhất và có nhiều tác phẩm nhất. Ông bắt đầu viết năm 1920, và từ 1935 trở đi thì mỗi năm, ít ra cũng có hai, ba tác phẩm xuất bản. Truyện ngắn đã nhiều, góp lại thành nhiều tập, mà truyện dài của ông cũng có đến trên mươi cuốn. Như thế tỏ ra rằng ông sáng tác rất nhanh, rất đều tay, mặc dù, trước đây ông không phải là một nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp, như Vũ Trọng Phụng chẳng hạn. Ông là một nhà giáo, và mãi đến khi Cách mạng thành công, năm 1954, ông mới thực sự bỏ nghề "gõ đầu trẻ".

...Ngày nay, đọc tác phẩm của ông, ta cũng tìm thấy được những nét chính của xã hội cũ, trong đó có những ông trọc phú bụng phệ, ăn không ngồi rồi, tìm cách bóc lột nông dân từng đồng hào, những ông quan chuyên môn ăn hối lộ, những người nghèo khổ, một miếng đất cắm dùi cũng không có, và bao nhiêu chướng tai gai mắt khác. Tất cả những nét ấy được biểu lộ rõ rệt trong cuốn Bước đường cùng là tác phẩm trong đó ông có thay đổi ít nhiều bút pháp và thái độ của ông. Ở đây, ông đã thật sự đồng tình với nhân vật của mình.

Hơn nữa, ông đã nhìn thấy người nông dân bị bóc lột quá đỗi, không chịu nhẫn nhục mãi, đã vùng dậy. Anh Pha - nhân vật chính trong truyện - cùng Trương Thi và San là những người cùng một số phận với anh, cũng bị Nghị Lại tịch ký mất ruộng vì không trả được nợ, cả ba anh đã đoàn kết chặt chẽ với nhau, không cho thợ gặt của tên địa chủ ấy xuống gặt lúa của mình. Rồi đến khi hắn đưa lính khố xanh về hộ vệ cho thợ gặt cướp lúa của anh, anh đã hăng tiết lên "vớ được một chiếc đòn càn, xông vào Nghị Lại, phang một cái thật mạnh vào đầu.
- Đồ ăn cướp!".


Cố nhiên, rồi anh bị bọn lính ôm ghì lấy, đè ngửa ra và trói gô lại, khiêng đi... có lẽ để đưa lên trình quan. Và truyện kết thúc một cách nghẹn ngào, ấm ức. Sức phản ứng của người nông dân trong Bước đường cùng cũng mãnh liệt hơn sức phản ứng của người nông dân trong Tắt đèn nhiều lắm.

Và cùng tả sự thất bại của người nông dân trước lực lượng còn mạnh của địa chủ, Nguyễn Công Hoan không bi quan như Ngô Tất Tố.

Ngoài điểm mấu chốt đó ra, Nguyễn Công Hoan còn cho các nhân vật chính diện của mình những lời nói và những hành động tỏ ra sức phản ứng nói trên bắt nguồn từ một sự giác ngộ tuy chưa mạnh mẽ nhưng đã khá rõ. Họ đã thấy "hai cánh tay mạnh mẽ" của họ là "hai cánh tay làm cho đất cát có giá trị".

Họ đã biết đoàn kết là sức mạnh. Họ cũng đã nhìn thấy sự bất công trong xã hội. Có thể là tác giả đã nói thay cho nhân vật mình những điều đó, nhưng nhất định những ý nghĩ như vậy trước Cách mạng cũng đã nằm sẵn trong tâm trí người bần cố nông làm lụng vất vả quanh năm để làm giàu cho địa chủ, nhưng nào có phải như thế mà được yên tâm đâu, còn bao phen bị tủi nhục, bị hành hạ! Cho mãi đến ngày phát động quần chúng, họ mới nói nỗi khổ của họ lên được một cách trơn tru, mạch lạc, hùng biện như những nhân vật trong Bước đường cùng. Dù sao cách đây 17, 18 năm, mà viết được một tác phẩm như thế, thì không thể không chú ý được.

... Theo dõi Nguyễn Công Hoan từ trước đến nay, người ta còn giữ về Nguyễn Công Hoan một cảm giác tốt. Trong khi văn chương của ta còn là một thứ văn chương lãng mạn và sáo cũ, ông đã có một cách hành văn ngắn gọn, mỗi lối nhận xét tỉ mỉ, sát thực tế, làm cho các nhà văn sau ông có một lợi khí sắc bén để phản ánh đúng đắn xã hội. Và, người ta rất hoan nghênh ông khi ông viết được một tác phẩm như Bước đường cùng, tuy tác phẩm đó còn một vài khuyết điểm. Cuối cùng, mặc dù nhiều tác phẩm khác của ông không được bắt nguồn từ một ý định đúng đắn, người ta vẫn phải nhận ông là một nhà văn hiện thực đàn anh, dẫn đầu trong việc đi sâu vào nông thôn, cảm thông với người nông dân để nói lên nỗi
lòng của họ.

(Trích trong Lược thảo lịch sử Văn học Việt Nam Tập III. NXB Xây dựng, Hà Nội, 1957)

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉