Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

NGUYỄN MINH CHÂU - Nhà văn Nguyễn Công Hoan



Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần I: Nguyễn Công Hoan - Nhà văn hiện thực lớn, bậc thầy truyện ngắn trào phúng.


NHÀ VĂN NGUYỄN CÔNG HOAN

NGUYỄN MINH CHÂU


Đời văn Nguyễn Công Hoan nằm vắt ngang chiều dài nền văn xuôi nước ta, một đời văn thật dài và thật đồ sộ. Ngày sinh thời nhà văn, một lần ngồi trò chuyện văn chương với ông, được biết rằng ông đã viết và in tác phẩm đầu tay từ năm 1920, nghĩa là phải nhiều năm sau mình mới ra đời, tự nhiên tôi cứ ngỡ ngàng nhìn ông đầy tôn kính và sợ sệt, như trước một con khủng long đã sống từ thời cổ đại; và tôi chỉ muốn tìm thấy ở trong nhà văn rất lão thành ấy, đâu là cái phần người cầm bút cùng thời với các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Trọng Thuật, và đâu là cái phần con người của ông đang ngồi trò chuyện với mình.

Chúng ta thường hình dung vào nhà văn Ngô Tất Tố, tác giả Lều chõng như một nhà nho cuối thời, cầm bút sắt mà búi tó, khăn xếp, áo dài. Nguyễn Công Hoan thua Ngô Tất Tố 10 tuổi, nhưng Nguyễn Công Hoan viết sớm hơn cụ đồ Tố nhiều. Năm 1939 Ngô Tất Tố in Tắt đèn thì Nguyễn Công Hoan đã in tất cả 6 tập truyện ngắn (cả in báo bao gồm gần 100 truyện và nhiều truyện vừa, tiểu thuyết).

Đọc Nguyễn Công Hoan và Ngô Tất Tố, tôi cứ nghĩ giá hai ông viết một chút gì về cái nghề dập bút sắt vừa ra đời ở nước ta (hay là cái công nghiệp ấy bấy giờ vẫn chưa có?) cùng với cảm tưởng của một lớp người đã quen dùng cây bút lông vừa viết vừa ngắm nghía cái hoa tay của mình gieo xuống trong từng nét bút, thế mà bây giờ, phải cầm lóng ngóng cái quản bút đeo bằng gỗ ở đầu có chêm một cái ngòi bút bằng sắt tây cứng đơ - cả ngòi bút và tờ giấy tây đều cứng - chắc là cái tiếng loạt xoạt đầu tiên phát ra đó, dội vào tai người cầm bút sẽ làm nảy ra ở trong cái đầu óc vốn tràn đầy trào lộng của Nguyễn Công Hoan nhiều sự bất ngờ và lý thú lắm.

Văn xuôi của ta ra đời vào cái thời buổi Tàu đi Tây đến - cái buổi giao thời của hai nền văn hoá như thế. Giữa biết bao nếp nghĩ vay mượn, cách diễn tả vay mượn, giữa biết bao sự mời gọi đầy quyến rũ tưởng không cưỡng nổi của ảnh hưởng văn hoá ngoại lai, giữa cái thời mà ngay từ đầu văn xuôi của ta đứng trước nguy cơ bật gốc trốc rễ ra khỏi miếng đất dân tộc của mình, thì sự ra đời rất sớm của một cây bút như Nguyễn Công Hoan thật đáng quí.

Nguyễn Công Hoan chẳng chịu ảnh hưởng hoặc vay mượn một chút nào của nước ngoài. Không biết có đúng không. Nghe nói ông cũng biết tiếng Tây nhưng chẳng đọc được hết một cuốn sách truyện bằng tiếng Tây nào cả. Ở trong con người ông có một thứ bản năng tinh thần dân tộc mạnh mẽ đến mức gần như bảo thủ. Thêm vào đó, như ông đã viết trong hồi ký đời viết văn của mình, những điều tai nghe mắt thấy ở ngoài đời, ông đều nhìn bằng con mắt của người hay pha trò, hay ỡm ờ, hay chế giễu. Thế mà trong khi ấy chế độ thực dân phong kiến lại đầy ra những chuyện bịp bợm, bỉ ổi. Đã thế, những kẻ đạo diễn tấn hài kịch là bọn quan Tây, quan bản xứ lại luôn mồm diễn thuyết đạo đức, khai hoá, văn minh.
Trong một bối cảnh xã hội như thế, Nguyễn Công Hoan đã ra đời như một tác giả truyện cười dân gian, mà ngày xưa vào thời nào trong nông thôn ta cũng có.

Ngoài ra, cũng cần phải kể thêm một hoàn cảnh khách quan nữa góp vào sự định hình cách viết của ông là văn khoảng những năm 1928-1930, Nguyễn Công Hoan gần như chiếm được độc quyền mục "Việt Nam nhị thập thế kỷ xã hội ba đào ký" trên tờ Annam tạp chí của Tản Đà. Cái mục báo đã đặt tên như vậy thì người viết phải viết như vậy. Ngòi bút hiện thực của Nguyễn Công Hoan lôi kéo được chú ý của dư luận từ khi những truyện ngắn "xã hội ba đào ký" của ông được liên tiếp đăng ở cái mục báo ấy trên tờ Annam tạp chí.

Cái mới trong văn học đã ra đời như vậy. Với những truyện ngắn đăng báo, Nguyễn Công Hoan cũng không biết mình là người đang đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng cho nền văn xuôi hiện thực phê phán. Nhưng ông biết ông đang làm một điều khác với những người cầm bút viết văn đương thời. Phải nói rằng văn xuôi của ta trong hồi mới ra đời bấy giờ, như được người mẹ văn vần vừa cho ra ở riêng, còn trầm bổng, véo von lắm. Sau đó lại phải trải qua một giai đoạn sạch sẽ như văn Tây dịch ra của Tự lực văn đoàn. Giữa khi ấy, cả nội dung lẫn hình thức truyện Nguyễn Công Hoan chẳng có màu mè văn chương mây gió gì hết, truyện lại đầy những nghịch cảnh, trái khoáy, y như những tấn trò đời, loại truyện này cho đến nhiều năm về sau có cả một loạt nhà văn viết những lúc bấy giờ, có vẻ nó nôm na, trần trụi quá. Thậm chí có người còn coi Nguyễn Công Hoan chỉ là "một kép hát được vài câu bông lơn có duyên".

"Việc cuốn Kép Tư Bền được hoan nghênh làm tôi tin rằng tôi có thể viết nổi tiểu thuyết và tôi có thể theo đuổi được nghề văn". Trong hồi ký Đời viết văn của tôi ông đã phải thốt lên như vậy. Khuynh hướng hiện thực của Nguyễn Công Hoan hồi bấy giờ đã được nhà phê bình văn học mác xít Hải Triều nhìn ra rất sớm và viết nhiều bài khen ngợi như một khuynh hướng sáng tác "nghệ thuật vị nhân sinh".

Sau khi cuốn Kép Tư Bền in ra năm 1935, ngòi bút hiện thực của Nguyễn Công Hoan mới được giới phê bình trong cả nước công nhận, và cuốn sách của ông được coi như một thứ vũ khí của phái "nghệ thuật vị nhân sinh" của Hải Triều.

***

Ngày nay, đọc lại truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, ở trong cái khối đồ sộ về số lượng (200 truyện ngắn) đã nói lên hết tư chất con người lẫn văn tài của ông. Bao giờ chúng ta cũng nghe thấy được từ phía sau những vô vàn cung cách, hình thức mà ông liên tục xoay xở, phía sau những câu tiếng Việt lấy ra từ nghĩa gốc gác mà ông đã dùng để tả từ một mụ me Tây đến một tên quan huyện, quan phủ, đang vẳng lên một lời khuyên nhủ đầy chí tình của ông: "Đừng bao giờ lười biếng nằm ỳ ra trên một cách viết như một sự tự khuôn định, và cũng đừng bao giờ để cho văn chương trở nên xa lạ với đời sống dân tộc của mình" mà có lẽ cũng vì thế, ông đã đem ra tả rất nhiều kiểu cách con người lai căng kể cả với loại người này, ông cũng mô tả bằng ngôn ngữ dân tộc, bằng cái lối nói nôm na đầy ý vị của người Việt Nam.

Ngày nay, ta có thể chê ông là thủ cựu, nhưng phải thừa nhận dòng máu Việt Nam ở trong con người ông thật thuần khiết. Dòng máu ấy đã có trong một con người tượng trưng cho trí thông minh của dân gian là Trạng Quỳnh, truyền sang một người đàn bà cầm bút tài năng là Hồ Xuân Hương, dòng máu ấy từ lâu đã thấm sâu vào trong đất, biến thành truyện tiếu lâm và ca dao, tục ngữ, rồi bà mẹ ông đã giẫm lên cái lốt chân của một người nào đó chuyên môn bịa những truyện cười kiểu như "bong bóng thì chìm, gỗ lim thì nổi" để sinh ra ông - một thể chất văn xuôi hiện thực và trào lộng, đầy vóc vạc và đầy năng động tính. Ngòi bút ông có đủ sức vừa cười cợt và lột trần mọi thói ác, thói tham, thói rởm, trong cái chế độ thực dân và phong kiến để cho tên ông - ba chữ Nguyễn Công Hoan - đối với chúng ta ngày nay không chỉ là một tên riêng, mà còn như một tính từ, một hình dung từ, để chỉ ra tính cách của một ngòi bút. Nguyễn Công Hoan là thế, nhọn sắc và đổ những trận cười đôi khi cũng hơi nhẫn tâm, nhưng ông lại là một con người rất đỗi trung thực và cũng đầy ngây thơ.


Ông thật đáng yêu biết bao vào những lúc ông say sưa giảng giải cho lớp người cầm bút hậu thế nghe về những "mẹo" những "ngón" mà suốt đời ông đã đem dùng trong nghệ thuật cấu trúc truyện. Tuy là một con người rất hiểu đời nhưng ông vẫn chưa ý thức được đầy đủ rằng cái ông làm ra lớn hơn những lý thuyết văn học của ông rất nhiều.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã viết hai chục cuốn tiểu thuyết. Nhưng cái phần đặc sắc chỉ riêng Nguyễn Công Hoan mới có, lại ở truyện ngắn. Những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan hiện ra trước mắt chúng ta với những lớp lang và đối thoại như trong một màn kịch, và từ cuộc sống đã thối rữa dưới chế độ cũ mà Cách mạng tháng Tám năm 1945 sắp sửa đem chôn đi ấy, Nguyễn Công Hoan có biệt tài tóm bắt lấy những dáng nét tiêu biểu mà lại nực cười, tự cho phép mình từ đầu chí cuối một truyện ngắn chỉ viết những câu ngắn - mà câu nào câu nấy cứ rắn như một nhát búa, nhát sau đập chồng vào nhát trước, cứ thế, cho đến nhát cuối cùng mới là lời tuyên án.

Chính đời sống ngột ngạt trước Cách mạng đã dâng hiến cho nhà văn cái nghệ thuật biểu hiện ấy. Nó cũng là cái ngữ điệu của thời đại, cái ngữ pháp nghệ thuật của thời đại.
Những văn tài của các thời đều là lỗ tai thính, lắng nghe và lọc ra được giữa muôn tầng âm thanh hỗn độn, cái điệu của thời mình, cái tinh cốt tiếng nói của thời mình.
Sự vật hiện ra dưới con mắt của chúng ta ngày nay với muôn mặt, muôn vẻ khách quan của nó, và trong muôn vàn mối tương quan nhân quả đầy chằng chịt luôn luôn tác động lẫn nhau.
Vì thế mà một cái nhìn con người và cuộc sống bao giờ cũng chỉ thấy hai mặt (thật và giả) của nhà văn Nguyễn Công Hoan - dưới con mắt nhìn sự vật của chúng ta ngày nay - có cái gì đó có phần cực đoan và hơi đơn giản. Nhưng phải công nhận rằng chính nhờ có một cái nhìn như vậy mà trong giai đoạn hiện thực phê phán trước cách mạng, ông đã tạo cho mình một cách viết gây thật nhiều ấn tượng, những truyện của ông có một sức tố cáo mạnh mẽ. Và cũng với con mắt ấy - vừa cực đoan vừa trào lộng - đã tạo nên phong cách truyện ngắn vô cùng độc đáo, đứng riêng một mình một miếng đất và không hề giống một ai của ông.

Một lần trong khi bình luận về Ba Ben, I. Êrenbua đã viết đại ý: có nhà văn nhìn những cái bình thường bằng con mắt không bình thường, có nhà văn nhìn cái không bình thường bằng con mắt bình thường. Riêng Ba Ben lại nhìn cái không bình thường bằng con mắt không bình thường. Hình như lời bình luận của I. Êrenbua về Ba Ben có phần nào ứng nghiệm với cả Nguyễn Công Hoan. Ví dụ, truyện ngắn Đào kép mới là một truyện rất hay, toàn bộ câu chuyện ông đem ra kể về một gánh hát, rệu rã, lại được ông nhìn dưới một con mắt không bình thường chút nào. Điều này chúng ta có thể tìm thấy trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, thậm chí thấm đượm trong từng câu văn. Chính cái nhìn không bình thường ấy - bộc lộ từ chủ nghĩa nhân văn độc đáo của ông - đã tạo nên cốt cách hoạt kê, trào phúng mà sau ông, chúng ta không còn tìm thấy xuất hiện ở một người nào như thế nữa trong làng văn xuôi. Hình như cái mạch trào lộng của những truyện kể dân gian chảy đến Nguyễn Công Hoan thì ngừng. Đấy là điều chúng ta phải nên tìm hiểu thêm, để khơi lại, đặng làm giàu có thêm truyền thống văn xuôi mang tính nhân dân của chúng ta.

Đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam vùng dậy bẻ gãy xiềng xích nô lệ, thở căng lồng ngực bầu không khí tự do, hiên ngang trong tư thế dân tộc của một nước độc lập. Từ những ngày đầu, tác giả Bước đường cùng chào đón Cách mạng tháng Tám với tất cả tấm lòng hân hoan. Ngay khi chính quyền nhân dân còn trứng nước, phải đương đầu với thù trong giặc ngoài, ông đã hăng hái nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở tuyên truyền Bắc Bộ. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông vào bộ đội: giữa những năm tháng đầy gian khổ của núi rừng Việt Bắc, Nguyễn Công Hoan trở thành Đảng viên Cộng sản (1948). Kháng chiến kết thúc, ông mới trở lại nghề viết văn với cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn (1957).
Giai đoạn này ông ít viết truyện ngắn. Những tập bút ký, hồi ký và tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan sau Cách mạng đã bổ sung hoàn chỉnh bức tranh xã hội cũ và chân dung giai cấp thống trị mà ông đã vẽ bằng ngòi bút trào lộng đầy sắc sảo trong giai đoạn hiện thực phê phán.

Một nhà văn mà sở trường là đả kích, tố cáo chế độ cũ, khi ra nhập hàng ngũ cách mạng - nghĩa là bây giờ những lý tưởng của chế độ cũng là lý tưởng của nhà văn - nhà văn và chế độ đã là một - thì sự rèn luyện để làm biến đổi thói quen ngòi bút phải tự đặt ra thật nghiêm khắc và ý thức.
Tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa của Nguyễn Công Hoan đã có phần khắc phục được những mặt hạn chế trước đây của ông. Nếu như trước đây ông chỉ chú ý nhiều đến các hiện tượng quan sát được bên ngoài thì bây giờ, với một cái nhìn mới, bọn nhà giàu tham lam, bọn hào lý sâu mọt, bọn quan lại đục khoét đã được ông nhìn từ bản chất chính trị phản động và thủ đoạn bóc lột kinh tế của chúng. Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư, Anh con trai người bạn đọc ấy có những mảng hiện thực hoàn toàn mới mẻ, có những mảng hiện thực cũ được vẽ lại kỹ lưỡng hơn, dưới một con mắt nhìn rành rẽ hơn. Đi đến với nhân dân, cái nhìn của ông đối với những người lao động nghèo khổ đúng đắn hơn. Anh con trai người bạn đọc ấy là một bước tiến đáng kể của ngòi bút tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan sau Cách mạng. Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đã giúp ông biết tự kiềm chế không pha trộn tuỳ tiện phóng đại và trào lộng, nên các hình tượng chân thực hơn, ý nghĩa phê phán sâu hơn. Tác phẩm này là một cố gắng của nhà văn trên bước đường đi từ hiện thực phê phán sang hiện thực xã hội chủ nghĩa - vào lúc ông đã sáu mươi tuổi.

Thời nào một đời nhà văn cũng có lúc khởi đầu, giai đoạn sáng tạo rực rỡ nhất và cũng phải đến lúc hao cạn dần. Mặc dầu nhà văn vẫn sống, vẫn viết, nhưng chẳng có thể làm thêm cái gì hay hơn nữa. Đấy là cả một tấn bi kịch của bao nhiêu nhà văn lớn, mãi mãi sẽ không bao giờ hết tấn kịch nghề nghiệp ấy của những nghệ sĩ sáng tạo.
Đối với một đời văn, cái đáng kể là những điều nhà văn ấy đã làm được cho đời. Nhà văn Nguyễn Công Hoan đủ để lại cho chúng ta ngày nay những truyện ngắn hay và nhiều truyện dài, trong đó có cuốn Bước đường cùng. Chỉ để lại thế, ông đã phải lao động cật lực suốt đời.

Những năm về già, nhà văn Nguyễn Công Hoan vẫn giữ được tính tình hồn hậu - một ông già đôn hậu và nhân từ, trong con mắt vẫn lấp lánh những tia sáng nhìn người của một nhà văn hoạt kê đầy tài năng. Điều đó gây cho mọi người chúng ta cảm tưởng Nguyễn Công Hoan - cái con khủng long ấy, vẫn trẻ trung mãi. Biết rằng cái mặt mạnh của mình là kho vốn sống xã hội cũ đã trút ra hết, ông viết tiểu luận về Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, cộng tác làm từ điển và ngữ pháp. Ông khiêm tốn viết hàng loạt bài phỏng vấn các đồng nghiệp bậc đàn em (Hỏi chuyện các nhà văn). Sự nghiệp văn học của ông thật phong phú, nhiều mặt, như một cây cổ thụ sum suê trái. Tác phẩm của ông đã được dịch ra ở Liên Xô, Bungari, Hunggari, Anbani, Cộng hoà dân chủ Đức, Cuba, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản.

(Báo Văn nghệ số 40, ngày 5-10-1985)



0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉