Trước hết phải nói rằng Bước đường cùng là một tập tư liệu có giá trị về xã hội cũ.
Nguyễn Công Hoan đã từng nói rằng lúc viết tiểu thuyết, thực ra ông chưa hiểu gì về lý luận của chủ nghĩa hiện thực phê phán mà thường nghĩ rằng mình viết những tiểu thuyết phong tục. Quả thật trong Bước đường cùng, tác giả đã ghi lại rất nhiều tư liệu về phong tục của xã hội thực dân phong kiến. Những cảnh vợ đẻ ở nông thôn, cảnh nông dân thù hằn nhau, cảnh vào cửa quan với bao nhiêu nhũng nhiễu, phiền phức, cảnh khao làng xóm họ mạc khi có con thi đỗ, cảnh thu sưu thuế và kìm kẹp đánh đập, bắt trâu bò như ăn cướp, cảnh lính lệ về sách nhiễu nhân dân... Đọc Bước đường cùng những anh em trẻ tuổi của thế hệ sau cách mạng sẽ hiểu được rất nhiều những cảnh lố lăng, ngang trái của xã hội cũ. Những cảnh ấy đã được ngòi bút của Nguyễn Công Hoan ghi lại bằng những nét thật sinh động. Nhưng trong Bước đường cùng, cái thành công chính của Nguyễn Công Hoan không phải ở đấy mà là ở chủ đề tư tưởng tiến bộ của tác phẩm thể hiện thông qua hệ thống hình tượng nhân vật.
Bước đường cùng là câu chuyện về số phận một người nông dân bị áp bức bóc lột trong xã hội thực dân phong kiến, bị bần cùng hoá đến mức phải đứng dậy phản kháng lại bọn thống trị. Cũng như ở truyện ngắn, trong Bước đường cùng Nguyễn Công Hoan dàn nhân vật thành hai trận tuyến rõ rệt. Ở đây nhà văn tập trung sự chú ý vào hai nhân vật, một chính diện (Pha) và một phản diện (Nghị Lại) trong đó chủ yếu là nhân vật chính diện. Điều này không giống như ở nhiều truyện khác của Nguyễn Công Hoan trong đó tác giả thường chỉ tập trung sự chú ý vào nhân vật phản diện.
Đó là một chuyển biến mới của nhà văn. Khuynh hướng của Nguyễn Công Hoan thường nghiêng về mặt nhân vật phản diện nhưng phong trào đấu tranh rộng lớn của quần chúng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ đã dội vào nhà văn, tạo nên một chuyển hướng mạnh mẽ, làm cho ông quan tâm theo dõi số phận của những người cùng khổ hơn.
Đọc Bước đường cùng điều đáng cho chúng ta chú ý là Nguyễn Công Hoan đã bước đầu trông thấy quy luật đấu tranh trong xã hội. Cố nhiên cái nhìn của nhà văn còn có hạn chế nhưng rõ ràng là Bước đường cùng đã nói lên cái nhận thức của Nguyễn Công Hoan về quy luật đấu tranh giai cấp: quần chúng lao động bị đè nén bóc lột nhất định cuối cùng sẽ nổi dậy đấu tranh với lực lượng thống trị. Trước đây trong các tác phẩm của mình có thể nói Nguyễn Công Hoan chưa bao giờ trông thấy điều đó. Thường nhà văn chỉ mới nói lên được cái cực khổ của quần chúng, cái xấu xa của bọn thống trị và rồi dừng lại ở đây để cho chúng ta hoàinghi trật tự hiện hành chứ chưa cho chúng ta thấy một cái gì mới.
Trong Bước đường cùng, tác giả đã nêu lên quá trình phá sản của một gia đình bần nông, gia đình anh Pha. Sưu cao, thuế nặng, tô tức, đói rét đã làm cho gia đình ấy lụn bại dần. Gánh hàng của vợ là một nguồn sinh sống quan trọng trong gia đình cũng phải bán lại cho người khác. Cuối cùng vợ chết, con chết, ruộng đất rơi vào tay Nghị Lại. Anh Pha sa vào bước đường cùng. Nhưng anh không khoanh tay đầu hàng số mệnh thực tế là đầu hàng bọn thống trị. Ớ chỗ này tác giả đã giải quyết vấn đề như thế nào? Một nhóm bốn người Dự - Pha - Thi - San đều là những nạn nhân của bàn tay bóc lột tàn bạo, độc địa của Nghị Lại, bốn người đã đoàn kết với nhau kiên quyết đấu tranh không cho Nghị Lại cướp ruộng lúa của họ. Cuộc đấu tranh của họ đã tranh thủ được sự đồng tình của những anh em thợ gặt nhà Nghị Lại và đã làm cho Pháp, tên tay sai của Nghị Lại phải chùn. Với hoàn cảnh lúc bấy giờ, với tính chất một hành động tự phát riêng lẻ, dĩ nhiên họ chưa thành công. Nhưng điều đó cũng đã là một lời cảnh cáo mạnh mẽ đối với bọn bóc lột.
Con đường mà Dự, Pha, Thi, San đã đi cũng là con đường mà quần chúng lao động bần cố nông sẽ đi và qua đó đến với cách mạng. Trên cơ sở căm thù và bất khuất ấy, được sự giáo dục của giai cấp công nhân, những người nông dân sẽ trở thành một lực lượng cách mạng hùng hậu.
Ở đây có một vấn đề mà chúng ta cũng nên suy nghĩ thêm. Đó là sự chuyển biến trong Bước đường cùng từ nhận thức có tính chất cải lương đến nhận thức có tính chất cách mạng. Trong lịch sử văn học, chúng ta cũng đã thấy có những trường hợp như vậy. Một là do hiện thực cuộc sống đang phát triển có ảnh hưởng đến nhận thức của nhà văn, hai là do lô gíc phát triển của tình huống và nhân vật trong truyện buộc nhà văn phải sửa đổi ý đồ chủ quan của mình.
Nhiều nhà văn đã làm đề cương chi tiết về các chương trong truyện nhưng lúc viết lại phải thay đổi chứ không giữ vững được đề cương như cũ. Cuộc sống trong tác phẩm cũng có quy luật riêng của nó, nhà văn không thể cưỡng lại được. Cưỡng lại tức là giả tạo. Nhiều người trách Tônxtôi sao lại để cho Anna Karênina phải chết, Tônxtôi trả lời rằng chính nhà văn cũng không muốn thế nhưng không thể nào làm khác được. Có thể lấy một ví dụ về một tác phẩm nổi tiếng mà chúng ta đều biết: Những người khốn khổ của Victo Huygô định lấy giám mục Mirien làm cái trục trung tâm của tác phẩm nhưng chừng như Huygô thấy con đường Mirien không ổn, nên về sau đã chuyển trung tâm tác phẩm sang phía chiến luỹ và do đó hình ảnh giám mục Mirien cũng mờ dần. Enjôret và Gavrôt nổi hẳn lên. Điều đáng chú ý là cuối cùng Huygô đã dẫn tất cả các nhân vật nghèo khổ của mình lên chiến luỹ. Cả Jăng Vanjăng cũng đến chiến luỹ nhưng có điều là Jăng Vanjăng không chiến đấu chống quân thù mà chỉ lo bảo vệ các chiến sĩ cách mạng. Tác giả Những người khốn khổ có một sự chuyển hướng như vậy chính là do lô gic nội tại của tác phẩm và cũng là do nhà văn nhận thức được hiện thực khách quan của xã hội Pháp trong sự phát triển có quy luật.
Trở lại Bước đường cùng, Nguyễn Công Hoan viết Bước đường cùng không phải với một dàn truyện để trước mặt. "Nếu ai đọc kỹ cuốn ấy cũng có thể nhận thấy là độ 20 trang đầu, tôi đã tả những chi tiết loanh quanh, đẻ đái với mất gà mất qué, bởi vì lúc ấy tôi chưa nghĩ ra chuyện". Nghĩa là đại khái nhà văn định viết về con đường cùng khổ của một người nông dân nhưng sự việc sẽ diễn ra cụ thể như thế nào thì chưa có dự định trước. Đó cũng là một điều kiện khách quan thuận lợi cho sự chuyển biến của nhà văn trong tác phẩm. Cho nên thoạt đầu ta thấy Tân và Pha quan niệm rằng mọi sự khổ cực, tình trạng bị đè nén, bóc lột là do sự dốt nát mà ra, do họ là những người không được học hành hiểu biết. Tân nói:
"Dân quê còn chết về nhiều cái nạn khác nữa, nạn ăn ở bẩn thỉu, dại dột, nạn sưu cao thuế nặng, nạn lụt, nạn đại hạn, nạn hủ lậu, rút cục nạn gì cũng do cái dốt nát nó đẻ ra cả". Cố nhiên thất học có nhiều cái hại nhưng thất học, dốt nát không phải là nguyên nhân của đời sống cực khổ của quần chúng. Lúc bị Nghị Lại lừa, Pha nghĩ:
"Tôi căm thù ông Nghị Lại bao nhiêu, tôi oán ông huyện bấy nhiêu, tôi lại bực mình về cái dốt bấy nhiêu. Cho nên tôi quyết thế nào cũng phải học cho biết chữ quốc ngữ".
Nhưng rồi nhân vật Tân mờ dần và sau đó nhân vật Dự xuất hiện với một quan điểm khác:
"Nếu ở nông thôn không có thằng nhà giàu nó bóc lột đến nỗi dân cầy chúng ta không còn cái khố mà đeo thì đâu đến nỗi làng ta tiều tuỵ, dân ta dốt nát”. Dự đã thấy rằng nguyên nhân của cái cực khổ, cái dốt nát là cái nghèo mà nghèo là do bị địa chủ bóc lột. Sự phát triển sau này sẽ làm sáng tỏ quan điểm của Dự. Pha ngày càng bị Nghị Lại đè nén, bóc lột thậm tệ. Cũng chính quan điểm của Dự đã dẫn Pha, Thi, San cùng nhau hợp sức lại đấu tranh chống Nghị Lại. Họ giải quyết bằng con đường dùng bạo lực để đấu tranh chứ không phải bằng con đường học chữ. Điều đáng chú ý là càng về sau, nhân vật Dự càng có những luận điểm tiến bộ, đúng đắn. Dự giải thích cho anh em thợ gặt của nhà Nghị Lại:
"Những ruộng lúa chín vàng kia phần nhiều là của ông Nghị. Nhưng tôi hãy hỏi không có công chúng ta làm thì nó đáng giá bao nhiêu tiền. Để kệ ông ấy một mình thì cả bốn trăm mẫu ấy chỉ là đất bỏ hoang, một xu cũng không đáng. Vậy chính chúng ta là người có công nhất, làm cho ông ấy giàu mà ông ấy đền cho ta cái gì? Chẳng đền cái gì cả. Trái lại, ông ta lại còn đối xử tàn nhẫn với chúng ta, chỉ rình dịp để cướp ruộng chúng ta...". Dự cũng có nói đến việc phải học chữ nhưng rõ ràng anh xem đó là một phương tiện để hiểu biết về xã hội mà đấu tranh chống các thế lực thống trị. Nhân vật Dự tuy xuất hiện không nhiều nhưng là nhân vật đã dẫn dắt đến kết cục phản kháng quyết liệt ở cuối truyện. Dự đã thuyết phục và tổ chức Pha, Thi, San lại để đấu tranh với địa chủ mặc dầu Dự không trực tiếp bị Nghị Lại cướp ruộng. Dự là một nông dân tiến bộ. Bên cạnh Dự, trong Bước đường cùng còn có Hoà, anh ruột của Pha, một công nhân, tuy chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng tác giả đã lưu ý chúng ta:
"Lúc nào anh (Pha) cũng nghĩ đến Hoà, với cái áo tây xanh, với câu nói hoạt bát, với lý sự cứng cỏi mà trước kia khi còn ở nhà, Hoà không có".
Có lần Hoà đã nói vói Pha:
"Dân cày chỉ chết về cái sống rời rạc nhau quá, cho nên dễ bị áp chế tàn nhẫn. Chính ra hai cánh tay mình qúi lắm. Nó làm giàu cho người làm mình nghèo. Vậy phải họp tất cả những cánh tay ấy lại cho mạnh thì ai chả phải sợ".
Nếu chúng ta theo dõi sự phát triển của tiểu thuyết phương Tây trong thế kỷ XIX chúng ta sẽ thấy rằng trong khoảng nửa đầu thế kỷ, các tình huống và nội tâm nhân vật trong tác phẩm thường vận động, biến đổi và sinh thành.
Càng về nửa thế kỷ sau thì tình huống và nội tâm nhân vật ngày càng có tính chất cố định, ít chuyển biến. Cho đến lúc chủ nghĩa tự nhiên ra đời thì trong tác phẩm, tính chất định mệnh của số phận nhân vật càng rõ rệt. Người ta giải thích hành động và số phận con người bằng tính di truyền, bằng nguyên nhân sinh lý, chứ không phải bằng nguyên nhân xã hội.
Nhìn lại Bước đường cùng, chúng ta thấy tâm lý và hành động của nhân vật luôn luôn vận động theo sự vận động của các tình huống. Sự vận động của nhân vật ở đây rõ ràng không có tính chất định mệnh mà có những nguyên nhân xã hội. Pha là một nông dân thật thà, hiền lành, có khi nhút nhát nữa là khác. Nhưng dần dần với sự áp bức bóc lột quá đáng và trắng trợn của Nghị Lại, với sự giúp đỡ của những người xung quanh đặc biệt là Dự, anh đã hiểu tại sao và vì ai mà anh cực khổ. Do đó, dần dần anh đã trở thành mạnh dạn, bướng bỉnh và đi đến hành động đấu tranh quyết liệt. Từ chỗ cúi đầu, gãi tai: "bẩm quan lớn", "thưa quan lớn" với một sự kính trọng và sợ hãi, dần dần Pha đã dám đương đầu với Nghị Lại. Trước mặt tên địa chủ hống hách quen thói, định gặt lúa ruộng anh, anh nói thẳng:
"Quan để sau vụ gặt hãy hay, vì lúa của con cấy, con có quyền gặt". Nghị Lại giơ tay toan tát nhưng Pha chống lại:
"Ông không có phép đánh tôi. Ông ăn hiếp vừa chứ!".
Đến đây ta thấy đã có một khoảng cách rất xa giữa anh Pha khúm núm sợ sệt với anh Pha dám chống đối lại tên địa chủ thống trị ở địa phương. Ai đã sống trong nông thôn thời trước mới biết cái uy thế truyền từ đời này qua đời khác của bọn địa chủ là một thế lực rất đáng ghê sợ, đè nặng xuống đầu xuống cổ người nông dân tưởng không còn gì có thể lay chuyển được. Cho nên đứng trước thái độ chống đối của Pha ta phải thấy hết cái đổi thay lớn lao trong con người anh. Nhưng đến màn cuối thì Pha đã chuyển lên một bước cao hơn nữa. Anh thuyết phục các bạn nghèo:
"... Người ta chỉ lợi dụng sự rời rạc của anh em mình để bắt nạt. Nhưng đến khi anh em mình biết hợp sức nhau thì người ta cũng phải kiêng dè. Đẩy một người có thể làm ngã được chứ đẩy ba người chụm lại nhau thật chặt chẽ, tôi tính khó lòng nổi... Tôi thề rằng sẽ chống đến cùng". Sau khi công khai gặt lúa về nhà và trước thái độ hung hãn của Nghị Lại, Pha đã xông vào, phang chiếc đòn càn thật mạnh vào đầu hắn và thét lên: "Đồ ăn cướp!". Tính cách của nhân vật đã được tác giả đẩy đến mức phát triển cao nhất. Pha ở đầu tác phẩm với Pha ở cuối tác phẩm khác nhau như trắng với đen, nhưng người đọc không ngạc nhiên vì tính cách của nhân vật đã trải qua một quá trình phát triển lôgic nghĩa là hợp với qui luật. Thực tế cuộc sống đã giác ngộ Pha. Từ chỗ có lúc thành thật cám ơn Nghị Lại, cho Nghị Lại là tốt, cuối cùng anh đã thấy hắn là một tay địa chủ gian ác và cái giàu của hắn chính là do những người nghèo như anh mà ra.
"Thì ra chính bọn anh đã cứu sống ông Nghị, trong khi ông nằm khểnh khơi hút thuốc phiện, nghĩ kế bóp hầu bóp cổ bọn anh". Nhân vật Trương Thi cũng đáng cho ta chú ý. Thoạt đầu Trương Thi thù Pha đến nỗi bỏ rượu lậu vào ruộng Pha rồi đi báo đoan. Nhưng cuối cùng nhận ra kẻ thù chung là Nghị Lại, Thi lại đoàn kết với Pha để chống Nghị Lại.
"Tôi với anh Pha thực chả có thù hằn gì nhau, chẳng qua chúng ta mắc lừa tay bợm già". Sự phát triển của tính cách nhân vật này cũng là sự phát triển lôgic hợp với qui luật.
***
Trước nay một số trong chúng ta thường xem chủ nghĩa hiện thực phê phán chỉ có giá trị duy nhất là phê phán, tố cáo. Cố nhiên nhiệm vụ chủ yếu của nó là phê phán nhưng bên cạnh đó, ở một vài nhà văn ưu tú cũng có thể có mặt khẳng định tuy là ở vị trí thứ yếu. Nhân nói đến mâu thuẫn trong Banzăc, Ăngghen viết:
"Những người duy nhất mà ông bao giờ cũng cảm thấy khâm phục khi nói tới, đó lại là những người chống đối rõ ràng nhất của ông, những người theo chế độ cộng hoà, những anh hùng của phố Cloatơrơ, Xanh Meri, những con người mà khi ấy (1830-1836) thực sự là đại biểu của quần chúng nhân dân. Tôi cho rằng một trong những thắng lợi to lớn nhất của chủ nghĩa hiện thực, một trong những đặc điểm quí giá nhất của Banzăc là ở chỗ ông bắt buộc phải đi ngược lại những cảm tình giai cấp và các chính kiến của bản thân, ông nhìn thấy sự sụp đổ tất nhiên của những người quí tộc mà mình yêu và miêu tả họ là những con người không đáng hưởng một số phận tốt hơn thế và ông nhìn thấy những con người thực sự của tương lai ở nơi mà chỉ ở đấy mới tìm thấy họ".
Chúng ta biết rằng văn học hiện thực phê phán thường phát triển trong môi trường có các cuộc đấu tranh xã hội gay gắt. Ở Việt Nam cũng vậy, chính nhờ những cuộc đấu tranh xã hội ấy mà một mặt các nhà văn hiện thực thấy được những ung nhọt thối tha của xã hội, mặt khác cũng nhờ đó mà một số nhà văn hé thấy được các lực lượng đang lên trong lịch sử.
Điều mà Ăngghen thấy được ở Banzăc cũng là điều mà ta thấy ở một vài nhà văn hiện thực phê phán Việt Nam. Đặc biệt là các nhà văn hiện thực Việt Nam lại sống trong hoàn cảnh một cuộc đấu tranh giai cấp sâu rộng do chính Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Điều này nhất định có ảnh hưởng đối với một số cây bút tiến bộ mà chúng tôi sẽ có dịp nói đến ở phần bài về các đặc trưng của văn học hiện thực Việt Nam. Ở đây chúng ta chỉ nói trong phạm vi Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Muốn hay không muốn chúng ta cũng thấy rằng chẳng những Nguyễn Công Hoan tố cáo quá trình bần cùng hoá của nông dân trong xã hội thực dân phong kiến mà còn hé ra cho ta thấy kết cục quá trình bần cùng hoá ấy tất yếu sẽ dẫn đến đâu. Nhà văn đã đề cập đến và đã khẳng định trong tác phẩm của mình tính tích cực của quần chúng bị áp bức bóc lột. Đó là điều mà các nhà văn tự nhiên chủ nghĩa không thể thấy được. Những người cùng khổ trong các tác phẩm tự nhiên chủ nghĩa không hiểu được vì đâu mà họ nghèo khổ cho nên thái độ của họ là khoanh tay đầu hàng trước định mệnh khắc nghiệt và tìm cách sống yên phận. Nhiều nhà văn hiện thực và ngay cả Nguyễn Công Hoan ở nhiều tác phẩm cũng chưa đến mức khẳng định được tính tích cực của quần chúng lao động. Bước đường cùng và một số ít tác phẩm giống như vậy là sản phẩm của một thời kỳ lịch sử nhất định, thời kỳ mà phong trào đấu tranh của quần chúng rầm rộ nổi lên khắp nơi dưới lá cờ lãnh đạo của giai cấp vô sản. Do đó, ta thấy rằng kết cục của Bước đường cùng dường như nhuộm vẻ bi quan (Pha bị đánh và bị bắt) nhưng thực ra toàn bộ tác phẩm toát lên một sức sống và một niềm tin. Nhân đây cũng nhắc lại là bên cạnh Pha, có nhân vật Dự. Dự chưa phải là Đảng viên cộng sản nhưng ít nhất anh cũng là một nhân vật có tính chất tiên phong. Anh am hiểu khá sâu sắc các mâu thuẫn giai cấp ở nông thôn, rất căm thù địa chủ, có ý thức chú ý giác ngộ chân lý cho những người nghèo khác và cuối cùng tuy anh không phải là nạn nhân trực tiếp bị địa chủ cướp ruộng nhưng anh đã đứng ra tập hợp Pha, Thi, San lại để lãnh đạo họ đấu tranh chống Nghị Lại. Bóng dáng thấp thoáng của người công nhân ở nhân vật Hoà cũng là một dấu ấn của thời đại trong tác phẩm.
Bước đường cùng chứng minh rằng trong những điều kiện xã hội nhất định - sự áp bức bóc lột tàn khốc, giai cấp thống trị sa đoạ, phong trầo quần chúng mãnh liệt - thì trong văn học, vấn đề tính tích cực của quần chúng lao động được đặt ra theo một chiều hướng khẳng định. Đây là một trong những vấn đề cần nghiên cứu kỹ bởi có liên quan đến vấn đề kế thừa của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đối với chủ nghĩa hiện thực phê phán. Nếu như trong văn học hiện thực phê phán tính tích cực của người bị áp bức bóc lột bắt đầu được thể hiện trong thái độ phản kháng trật tự xã hội cũ thì tính tích cực của người lao động trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là tính tích cực có ý thức cao, có tổ chức và lãnh đạo, biểu hiện trong sức mạnh phá vỡ xã hội ấy để xây dựng một xã hội mới có những con người mới, những con người có sức làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên và làm chủ số phận của mình.
(Trích Mấy vấn đề văn học hiện thực phê phán Việt Nam. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1968)
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉