Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

VŨ NGỌC PHAN - Nguyễn Công Hoan



Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần I: Nguyễn Công Hoan - Nhà văn hiện thực lớn, bậc thầy truyện ngắn trào phúng.


NGUYỄN CÔNG HOAN

VŨ NGỌC PHAN


Ông là một nhà tiểu thuyết kỳ cựu nhất trong các nhà văn lớp sau. Ngay hồi ông còn thanh niên lắm, hồi Hồ Biểu Chánh nổi tiếng về tiểu thuyết trong Nam và Hoàng Ngọc Phách nổi tiếng về tiểu thuyết ngoài Bắc, ông đã có tiểu thuyết do Tản Đà thư cục (Hà Nội) xuất bản rồi. Nhưng những truyện ngắn, truyện dài của ông được mọi người chú ý đến một cách đặc biệt, mới trong khoảng mười năm trở lại đây. Những truyện ấy đều đăng trong Tiểu thuyết thứ bảy và Phổ thông bán nguyệt san, do Tân Dân (Hà Nội) xuất bản.

Hãy kể những tiểu thuyết chính nhất của Nguyễn Công Hoan:
Cô giáo Minh (Tân Dân - Hà Nội, 1936), Tắt lửa lòng (P.T.B.N.S. Số 1 - 1-12-1936), truyện ngắn (P.T.B.N.S. Số 8 - 1-7-1937), Tơ vương (P.T.B.N.S. Số 18 - 1-7-1938), Bước đường cùng (P.T.B.N.S. Số 23 - 16-7-1938), Lá ngọc cành vàng (P.T.B.N.S. Số 34 - 1-5-1939), Tay trắng, trắng tay (P.T.B.N.S. Số 55 - 16-3-1940), Chiếc nhẫn vàng (P.T.B.N.S. Số 58 -1-10-1940), Nợ nần (P.T.B.N.S. Số 68 - 1-5-1940), Trên đường sự nghiệp (3 quyển, P.T.B.N.S. Số 94, 95, 96 - 1 và 16-11, và 1-12-1941).

Đến những truyện ngắn của ông, phải kể những tập sau này:
Kép Tư Bền (T.T.T.B. Xuất bản, in tại Tân Dân - Hà Nội, 1935), Hai thằng khốn nạn (P.T.B.N.S. Số 5 - 1-4-1937), Đào kép mới (P.T.B.N.S. Số 13 - 1-12-1937), Sóng vũ môn (P.T.B.N.S. Số 26 - 1-12-1938), Người vợ lẽ bạn tôi (P.T.B.N.S. Số 48 1-12-1939), Ông chủ báo (P.T.B.N.S. Số 61 - 16-6-1940).

***

Tất cả tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan, dù là truyện ngắn hay truyện dài, đều là tiểu thuyết tả thực, tiểu thuyết tả về phong tục Việt Nam, về hạng trung lưu và hạng nghèo.

Tập Cô giáo Minh của ông là một tiểu thuyết tả những tục cổ hủ ở một nhà quan; ông đã đặt một cô gái tân tiến vào, để những hủ tục ấy nổi lên.

Vào hồi Cô giáo Minh ra đời (1936), báo Phong Hoá (số 180-ngày 27-3-1936) đã nêu lên "một vụ án văn" và bảo khi viết tập tiểu thuyết này, Nguyễn Công Hoan đã phỏng theo Đoạn tuyệt (Đời Nay - Hà Nội, 1935) của Nhất Linh.

Nếu đem hai tập tiểu thuyết đối chiếu, người ta thấy ở Đoạn tuyệt cái mới với cái cũ không thể dung nhau được; còn ở Cô giáo Minh, mới và cũ tuy có xung đột với nhau lúc đầu, nhưng rồi sau điều hoà cùng nhau, và điều hoà trong phạm vi luân lý và lễ giáo.

Cố nhiên, trong Cô giáo Minh, rút cục cá nhân bị xoá nhoà, để cho đại gia đình chiếm đoạt hết cả; còn trong Đoạn tuyệt, cá nhân kết cục được trội hơn lên và có sự chia rẽ.

Đó là toàn thể hai tập tiểu thuyết, còn nếu xét riêng từng nhân vật, người ta thấy ở cả hai tập, vai mẹ chồng đều là vai cổ hủ cực điểm và ác liệt đến điều, vai em chồng ở cả hai tập đều là vai nanh nọc và chua ngoa, vai thiếu phụ có óc tân tiến ở hai tập tiểu thuyết đều là những người bị gả ép và đã thầm yêu một thanh niên lỗi lạc.

Nhưng có một điều khác nhau rất quan hệ là ở tiểu thuyết Cô giáo Minh, người con gái tân tiến là người không mơ mộng và bao giờ cũng được chồng yêu, tuy anh chồng là người nhu nhược, hết sợ mẹ quá đáng lại hay nghe em gái xui xiểng; còn ở tiểu thuyết Đoạn tuyệt, người con gái tân tiến là người mơ mộng rất nhiều, và người chồng bao giờ cũng vào hùa với mẹ để trị vợ mình. Có lẽ vì thế mà một đằng, mới cũ có thể điều hoà (cái tình yêu nồng nàn của chồng thật là mối dây khó gỡ cho người vợ) còn một đằng có thể dứt đường ân ái mà đi đến chỗ "đoạn tuyệt".

Còn như bảo Nguyễn Công Hoan phỏng theo Đoạn tuyệt, tôi cho là không đúng. Bảo tác giả Cô giáo Minh viết phản lại, có lẽ đúng hơn. Hai quyển tiểu thuyết đều tả những phong tục cổ hủ trong những gia đình thuộc giai cấp phong lưu Việt Nam, nhưng nếu đem so sánh với nhau thì cả hai đều là hai tập luận thuyết. Một đằng kết luận: Mới cũ không điều hoà được; còn một đằng cãi: mới cũ có thể điều hoà được.

***

Lá ngọc cành vàng mà Nguyễn Công Hoan đặt vào loại xã hội tiểu thuyết thật ra chỉ mới hơi đả động đến vấn đề giai cấp thôi.

Nga, con gái một quan phủ, yêu một thanhniên có học thức, nhưng chàng lại là con một người đàn bà goá bán xôi chè ở cổng phủ, nên cha mẹ nàng nhất định không ưng thuận, đến nỗi nàng đã có mang với chàng rồi, mà cha mẹ vẫn ép nàng uống thuốc thôi thai để đến nỗi ngộ độc mà chết.

Một tấn bi kịch về tình mà nguyên nhân ở như giai cấp phong lưu không thể gần gũi được giai cấp nghèo hèn.
Đây là tâm sự của Nga, con gái yêu ông phủ, và vai chính trong truyện:
"... Nga thấy cái phú quí nó làm cho người ta cao xa quá. Mà cao xa quá thì cô độc.
Cô độc thì buồn vì không được hưởng những cái vui vẻ bình dân, cái vui vẻ dễ kiếm, đầy rẫy.
Nga hiện đang sống bằng cái đời học sinh, cái đời bình đẳng ở trong trường, không có sự phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn. Nay nàng thấy Chi, người thiếu niên mà nàng gặp đầu tiên, là một người thanh cao, giản dị. Có lẽ vì nghèo, nên Chi mới có tính cách thanh cao, giản dị chăng?..."
(trang 50).
Rồi từ đây, nàng mê Chi, luôn luôn muốn gặp mặt Chi, nhưng chàng này không dám "chơi chòi" sợ luỵ đến thân. Nga bị cha mẹ cấm đoán, thất vọng rồi hoá điên. Đối với bệnh của con, ông Phủ, bà Phủ chỉ tin có thuốc ta, ở sự cúng lễ và tin ở phúc ấm tổ tiên, về những quan niệm cổ hủ, về những thói kênh kiệu của cha mẹ Nga, ngòi bút tả chân của Nguyễn Công Hoan rất sắc sảo.
Hãy xem tác giả tả ông Phủ khi mới về nhà:
"Ông Phủ trước khi ngồi xuống ghế, thì đứng thẳng người, giơ hai cánh tay quặt ra đằng sau. Nga biết hiệu, chạy lại cởi áo ba-đờ-xuy lót lông cừu ra, treo lên mắc và tháo cái khăn len lù xù ở cổ. Lúc ấy người mới trông rõ cái cổ áo trắng không gài khuy mà mé bên phải tụt hẳn xuống. Mãi đến khi ông móc cái ví to xù ra để ở bàn, hai bên cổ áo mới lại cao đều nhau. Ông ngồi xuống tháo thẻ bài ném xuống bàn, tức thì một tên lính xách đôi guốc kinh, ngồi thụp bên cạnh, cởi giầy, bí tất. Anh ta nhớ cả việc lấy bí tất lau các khe ngón rồi khe khẽ nâng chân đặt vào guốc" (trang 23).
Cách tả tỉ mỉ là lối đặc biệt của Nguyễn Công Hoan. Ông Phủ không nói một lời, nhưng điệu bộ ông đủ làm cho người ta thấy ông là người mà sự giàu sang đã làm cho mất nết.
Những lời ông Phủ nói với đốc tờ thật đúng là lời một ông quan nhà nho và nệ cổ, không biết tiếng Pháp và cũng không biết ứng đối:
Ông đốc tờ hỏi bằng tiếng Pháp, ông Tham thông ngôn rằng:
- Ngài hỏi từ lúc nãy, cháu ra sao?
Ông Phủ đương ngồi, đứng dậy chắp hai tay, đáp:
- Dạ, cám ơn quan lớn, cháu vẫn điên”
, (trang 91)
"Rồi quan Phủ bàn với ông đốc tờ:
- Bẩm quan lớn, chúng tôi nghĩ nếu bệnh tâm lý thì có thể giảng giải cho nó nghe lẽ phải được.
Bác sĩ lắc đầu:
- Với người điên, không có gì là lẽ phải nữa. Có khi ông rồi cũng bị cô ấy chửi đó.
Ông Phủ gật đầu, chịu.
- Dạ, thường cháu vẫn chửi tôi và bà nó nhà tôi luôn. Mới đầu chúng tôi thấy con nhà gia giáo lại làm những cái trái ngược với luân lý như thế, chúng tôi giận lắm, nhưng rồi chúng tôi cũng quen đi và sẵn lòng tha thứ"
, (trang 94)

Thật là lời một bác hủ nho chỉ biết câu nệ và lễ giáo, đến nỗi không biết bệnh điên là thứ bệnh như thế nào. Những chữ "chúng tôi giận lắm" và "sẵn lòng tha thứ" vừa tả cái thói con người lúc nào cũng muốn lấy uy quyền xử sự, lại vừa tả con người dớ dẩn, không biết ứng phó với người ngoại quốc, chỉ là tài nghệ quát tháo kẻ dưới. Cái câu mà tác giả đặt vào miệng ông tham, em ông Phủ, là một câu tả rất đúng tính tình một số đông các ông nhà nho nước ta: "Nhưng nhà nho còn câu nệ bằng trăm, bằng nghìn đàn bà ấy. Lại còn tự phụ nữa. Có khi cũng tin, cũng chịu, nhưng nhất định không làm. Nhất là xui làm những điều trái với cổ tục thì càng khó", (trang 108).

Trong Lá ngọc cành vàng những đoạn Nguyễn Công Hoan tả Nga điên là những đoạn ông quan sát rất tỉ mỉ và rất đúng. Đọc những đoạn ấy người ta thấy sự xét nhận của tác giả thật là tinh vi. Đây là đoạn tả Nga còn ở trong trường nữ học và bắt đầu rối trí.
"Đến đêm, Nga lần sang giường bên cạnh, đánh thức người bạn dậy. Tuy người bạn không lấy gì làm thân, nhưng nàng cũng thở dài, tưởmg như sắp thổ lộ những câu tâm sự.
- Chị ạ, tôi đau đớn lắm, Chà! Nói ra nó dài lắm. Thôi chị ngủ đi. Rồi Nga lại chạy đến giường khác, cũng thân mật nói như thế. Được một lát, cả buồng thức dậy mà Nga chỉ cười sặc sụa, như có vẻ đắc chí lắm..."
(trang 81)
Đó là thời kỳ Nga mới loạn óc, các bạn chỉ mới lấy làm lạ. Đến lúc Nga đã phải bỏ học về ở nhà chú là ông Thám để tĩnh dưỡng, vì bệnh nàng đã nặng hơn, nàng mới thật tỏ ra người điên nhưng vẫn còn là điên hiền. Đây là lúc mẹ nàng đang bàn với ông Tham về cách chữa chạy cho nàng:
"Ngẫm nghĩ, bà Phủ nói:
- Chị là đàn bà, chẳng biết thế nào là nên. Hay là chú thím viết giấy bẩm anh xem.
Nga nghe tiếng nói chêm vào:
- Anh cũng chẳng cho phép được.
Rồi nàng cười sằng sặc nhưng đang cười dở thì giơ tay sờ soạng câu đối, và như quên hẳn việc vừa mới làm.
Bà Phủ cau mặt:
- Con chớ nói càn.
Nga trợn mắt đáp:
- Anh không có phép mắng tôi.
Rồi hầm hầm lên gác, nằm cười khanh khách.
Các con ông Tham thấy Nga như thế, đều thích xem lắm. Chúng nó coi như những trò ngộ nghĩnh nhưng thỉnh thoảng Nga đánh chúng nó đau quá, lại có lúc vỗ về, kể chuyện cho chúng nó nghe. Song chuyện chẳng đâu vào đâu, Nga phệnh phạo kể:
- Một hôm, chị ăn mặc như con ăn mày. Chị đội cái nón rách bươm. Chị mặc cái quần rách bướp. Chị khoác cái áo tam tài. Chị đi bộ từ nhà sang tận bên Tàu, chị vào cung vua ông Tưởng Giới Thạch. Chị thấy cái súng, cầm lấy chị bắn đánh đùng! Ơ kìa! Ông Tưởng Giới Thạch ông ấy bắt tay chị đấy.
Các em phá ra cười, hỏi:
- Thế ông ấy có khen chị không?
Nga gật:
- Có, ông ấy bảo: C’est bien!"
(trang 82, 83).

Thật là một trò điên tả tuyệt khéo. Đến những cảnh điên sau là lúc Nga đã điên một cách hung tợn, xé hết cả quần áo và trần truồng, tác giả tả cũng rất tài tình. Cái đoạn ông Tham để Chi vào thăm Nga (từ trang 123 đến 126) là một đoạn thật cảm động; rồi đến những đoạn sau, đoạn ông Phủ dọa Chi và bắt Nga uống thuốc thôi thai và Nga chết là những đoạn cảm động nhất trong cuốn tiểu thuyết.

Trong các truyện dài của Nguyễn Công Hoan, Lá ngọc cành vàng là cuốn tiểu thuyết hay nhất. Song ở vài đoạn ông vẫn không tránh được sự quá đáng.

Thí dụ, ông Phủ là một người rất cổ hủ, điều đó, tác giả đã cho người ta thấy rồi, những giữa thế kỷ XX này, làm gì còn có người khấn ông vải về để trừng trị em:
"Ông Phủ lấy cái khăn bàn phủ lên lò sưởi và đặt hai cây nến đồng hai bên, rồi cung kính, ông bưng cái ảnh cụ cố, đặt ngay ngắn vào giữa...
Rồi ông giải chiếc chiếu trước chỗ thờ; ông đứng nghiêm trang, chắp tay, đoạn thụp xuống lễ bốn lễ; rồi quỳ, suỵt soạt khấn...
Cả nhà im lặng. Ông Tham mặt cắt không còn hột máu, rất lo sợ. Ông biết rằng vì anh quá khắt, nên mới sửa phạt ông bằng cách khấn các cụ về để trừng trị ông là đứa con vô phúc.
... Ông Phủ đứng cạnh chỗ thờ, nghiêm chỉnh nói giọng dõng dạc như giọng quan toà:
- Tội chú đáng đánh đòn. Nhưng anh nghĩ thương cho chú đã lớn, và đã là ông nọ ông kia, nên anh trình các cụ tha cho chú. Vậy chú vào lễ tạ các cụ, rồi nằm xuống đây.
Ông Tham rưng rưng nước mắt, vào lễ tạ bốn lễ... Đoạn, ông Phủ nói:
- Bây giờ chú chịu tôi đi.
Lập tức ông Tham nằm sấp trên chiếu, duỗi thẳng cẳng, gục đầu xuống ván gác. Ông Phủ lấy chiếc ba toong, nâng hai tay, quay về phía thờ, vái dài một cái, rồi để ở ngang mông em. Rồi ông đứng cạnh bàn thờ, nhìn ông Tham mà diễn thuyết..."
(trang 114, 115, và 116).

Đó là một cảnh đại khôi hài. Nếu ông Phủ gàn dở đến thế, thì ông Tham là một người tân học và có nhiều lương tri, như tác giả đã viết, lẽ nào lại "mặt cắt không được hột máu" và "rất lo sợ" rồi cái ông tân học ấy lại "rưng rưng nước mắt", lại "nằm sấp trên chiếu" nữa. Thì ra ông Tham người có óc tân tiến, đã biết theo lời thầy thuốc Tây để chữa cho Nga, đã dám đưa cả Chi là người yêu của Nga vào dỗ dành Nga cho Nga khỏi bệnh, mà lại sợ "cụ cố" đã qua đời từ lâu đánh như thế ru? Đó là một đoạn tức cười mà không hiểu sao Nguyễn Công Hoan lại đặt vào một quyển tiểu thuyết rất cảm động như quyển Lá ngọc cành vàng? Người ta thấy hình như bao giờ ông cũng muốn ngả về hoạt kê, nên ông hay già tay trong món vui cười bất cứ ở đoạn nào.

Ông ngả về mặt này nhiều hơn nữa trong các truyện ngắn của ông.

***

Người ta nhận thấy Nguyễn Công Hoan sở trường về truyện ngắn hơn truyện dài.

Trong các truyện dài, nhiều chỗ ông lúng túng, rồi kết thúc giản dị quá, không xứng với một truyện to tát ông đã dựng. Trái lại, ở truyện ngắn, ông tỏ ra một người kể chuyện rất có duyên. Phần nhiều truyện ngắn của ông linh động, lại có nhiều cái bất ngờ, làm cho người đọc khoái trá vô cùng. Những truyện ngắn của ông tiêu biểu cho một thứ văn rất vui, thứ văn mà có lẽ từ ngày nước Việt Nam có tiểu thuyết viết theo lối mới, người ta chỉ thấy ở ngòi bút ông thôi.

Trong tập Kép Tư Bền, có những truyện: Thằng ăn cắp (trang 21), Samandji (trang 55), Nỗi vui sướng của thằng bé khốn nạn (trang 87), Mất cái ví (trang 133) là những truyện hay hơn cả.

Truyện Thằng ăn cắp là một truyện linh hoạt và bình dị vô cùng; tác giả tả khéo quá, người đọc tưởng như thấy ngay trước mắt cái cảnh tả trên trang giấy.

Đây là một thằng nửa ăn mày nửa ăn cắp "ra trò" giữa đám hàng rong:
"Một hôm, nó vơ vẩn giữa đám hàng bán rong.
Thấy nó, bà hàng rau đứng dậy, quảy gánh lên vai, đi chỗ khác. Bà hàng thịt sờ lại ruột tượng. Bà hàng bún riêu nắn lại túi tiền. Bà hàng lê bấm cô hàng bánh đúc. Chị bán bánh rán sốt đưa mắt cho bác bán khoai.
Họ thì thào:
- Thằng ăn cắp!"
(trang 21).

Ấy là nó mới sán lại gần mà đã gây được sự hoạt động và sự liên kết của các cái mồm, cái mắt, cái tay của bọn bán quà rong như thế.

Bây giờ thằng ăn cắp mới bắt đầu hoạt động:
"... Nó ngồi sán vào cô bán bánh đúc. Nó chìa tay ra xin một miếng. Cô hàng ôm khư khư lấy mẹt vào lòng, xua lấy xua để.
- Chưa bán mở hàng đấy! Khỉ ạ!
Nó lại lê dịch sang kề nồi bún riêu.
- Lạy bà, con ăn mày bà một bát.
- Ba mươi sáu cái nõn nường! Mỗi bát mấy đồng xu của người ta đấy! Thôi đi! Dơ!
Nó lại mó vào củ khoai lang, tủm tỉm cười.
Bà ấy vội hất tay nó ra và mắng:
- Bà thì tát cho một cái bây giờ, đừng láo!
Bà hàng lê chắc chẳng đời thuở nào nó dám động đến hàng mình, là thứ xa xỉ phẩm, đùa nói rằng:.
- Một hào một quả, bỏ tiền đây, tao bán cho.
Nó cười, lắc đầu.
Bà ấy ném vào lòng nó một mảnh vỏ quít. Nó đỡ được bỏ vào mồm, nhai gáu gáu.
Rồi nghĩ thế nào, nó đứng dậy, tay nó đếm xu trong túi, nói với bà hàng bún riêu:
- Bà bán cho cháu một bát.
- Mày có tiền không?
Nó gật đầu mạnh bạo. Rồi đắc chí, nó lắc túi.
Bà ấy múc cho nó một bát đầy. Nó ăn, Phu phù! Nóng! Suỵt soạt! Cay! Ngon quá!"
(trang 23)

Thằng ăn cắp tuy cũng là thằng người, nhưng các bà hàng rong coi nó như một con khỉ ghẻ. Họ ghê tởm nó, họ sợ nó, nhưng nó cũng là một trò giải trí cho họ trong khi họ không thiệt hại gì. Đến khi họ bị thiệt hại, thì dù là vài đồng xu, họ cũng kêu trời kêu đất, nhất là họ thiệt hại về một thằng không đáng thiệt hại. Ở đời vẫn thế, chỉ những kẻ giàu mới được ăn người và được người ta sẵn lòng để cho ăn, có khi kẻ bị thiệt còn lấy làm vinh dự nữa.

"Thì quả nhiên, ăn xong bát bún, thằng ăn cắp cắp đít chạy thật:
- Ối ông đội sếp ơi! Thằng ăn cắp! Ai đuổi hộ tôi!
Bọn bán hàng nhốn nháo. Chạy tứ tung. Quang gánh vướng. Người ngã. Hàng đổ. Bát vỡ.
- Bắt lấy nó!"
(trang 24)

Và rồi nó bị hàng chục người đuổi, sự tuyên truyền mỗi lúc một sai từ phố nọ sang phố kia: người thì bảo nó giật khăn, người thì bảo nó giật đôi khuyên vàng; sau người ta bắt được nó, khám túi nó không thấy gì, người ta lại cho là nó có đảng, tẩu thoát tang vật rồi:
Ức! Một cái đá vào mạng mỡ... Hự! Một cái tống vào ngực... Huỵch! Huỵch! Bốp! Bốp!.. Alê! lên cẩm!... Nó mềm như sọi bún, không dậy được...” (trang 25, 26, 27).

Còn "sự chủ" thì "áo lấm, khăn xổ, tóc rũ” chạy "lạch đạch như con vịt" còn ở mãi phía sau, xa thằng ăn cắp đến sáu bảy mươi thước. Đến khi tới gần, người ta xúm lại hỏi:
" - Bà mất gì?
Bà ấy cố trả lời, nói rời rạc như người sắp tắt:
- Nó ăn... của... tôi... hai xu... bún... riêu... rồi... nó quịt... nó chạy!"
(trang 28)

Tả chân đến thế thì tuyệt khéo đặc kiểu Guy de Maupassant.

Truyện Samandji của ông cũng là một truyện rất ngộ nghĩnh, trong có những cái bất ngờ làm cho người đọc không nhịn cười được. Trong truyện này, tác giả lại cho người ta thấy một tâm hồn giản dị và chất phác của người da đen nữa.
Nguyễn Công Hoan viết tất cả ba truyện ngắn về tây đen của ông và đều lấy một nhan đề là Samandji.

Trong tập Kép Tư Bền (trang 55), Samandji (đó là tên anh tây đen) mới lấy vợ và cô vợ của anh ta làm cho bạn anh ta hết hồn về cái chân ngoèo ở gậm bàn và lời trách của anh ta - trách sao sắp lấy vợ mà không báo cho biết!!!

Trong tập Hai thằng khốn nạn (P.T.B.N.S. Số 5, trang 9) Samandji lại làm cho bạn anh ta hoảng hồn lần nữa; lần này vợ chú tây đen chạy vào nhà bạn chồng và nhảy tọt vào màn để trốn chồng thì vừa ngay lúc ấy chồng chị ả đến với nét mặt hầm hầm, sừng sộ. Ông bạn hết vía, nhưng rút cục, Samandji nói cho biết là đi tìm con sen và vợ anh cũng đang... đi tìm!

Trong tập Đào kép mới (P.T.B.N.S. Số 13, trang 56) Samandji làm cho bạn anh ta khiếp sợ đến run lên như dẽ; vợ chú oẳn đến lấy mất tấm ảnh của chồng rồi hôm sau thình lình anh tây đen vốn giận bạn từ lâu đến tìm bạn, rủ lại nhà và trách bạn như mọi lần: "Anh không tốt!" Ông bạn đã tưởng anh da đen bắt được tấm ảnh của mình và nghi mình có ngoại tình với vợ hắn. Nhưng rút cục anh Samandji tuyên án:
"Phải. Anh nghe đây. Anh với tôi bạn bè bao nhiêu lâu rồi, khi vui có nhau, lúc buồn có nhau, thế mà anh nỡ lòng nào không cho tôi đứng cùng với anh để chụp ảnh. Anh khinh tôi, anh không tốt!" (P.T.B.N.S. Số 13, trang 69).

Thật là những tấn đại hài kịch do ở sự động chạm của người văn minh với người óc còn cổ sơ. Tác giả đã xét đoán về những người như Samandji bằng mấy câu này rất đúng:
"Tôi tưởng có một con cừu và một con sư tử cùng ở trong óc họ. Có lúc họ hiền lành, phúc hậu, thực đáng thương. Có khi thì đùng đùng thịnh nộ, tưởng chừng như có thể ghé răng cắn vỡ đôi cả quả đất". (P.T.B.N.S. Số 13, trang 57).

Truyện Mất cái ví trong tập Kép Tư Bền là một truyện nhạo đời, đáng để răn những người hay đến quấy nhiễu và ăn bám bà con, và để mai mỉa cả những kẻ muốn xa lánh họ hàng nghèo. Một truyện nửa nhạo báng, nửa khôi hài, nhất là cái câu bất ngờ: "Tôi vờ thế, chứ ví đây này..." (trang 141) của lão Tham làm cho người đọc phải phì cười về cái tính đểu cáng của con người phong lưu và thương hại thay cho người bà con nghèo của hắn.

Đến truyện Nỗi vui sướng của thằng bé khốn nạn trong tập Kép Tư Bền (trang 87) là một truyện rất có nghệ thuật. Tính tình một đứa trẻ thơ ngây được tác giả phô diễn ra hết trong cái cảnh mẹ nó đú đởn với trai trước bàn thờ cha nó. Hãy đọc đoạn văn rất kín đáo sau này:
"Được mua bóng nó sướng mê. Cầm lấy tiền, nó chạy tọt ra cửa, nhưng còn ngoái cổ lại nói rằng:
- Thế đến mai bác Phán mua cho Dần cái ô tô nhé. Chốc nữa cậu Dần về, rồi mai Dần vặn máy cho cậu mợ Dần và bác Phán đi chơi cho mà xem.
- Ừ khép chặt cửa lại.
Vừa mới một lát, đã thấy nó đẩy cửa vào, nét mặt tiu nghỉu. Nhưng nó vội chạy ngay lại đứng cạnh bác Phán mà làm nũng:
- Bác Phán hôn cả Dần nữa kia!"
(trang 91)

Dần là đứa lên bốn, mới mồ côi cha. Mẹ nó dan díu với người mà nó gọi là bác Phán.
Cái câu người ta bảo thằng bé: "khép chặt cửa lại" thật là một câu ý nhị. Đến câu: "Bác Phán hôn cả Dần nữa kia!" của thằng bé đủ cho người đọc hiểu bác Phán đã hôn ai rồi, nên nó mới ghen. Thật là đoạn văn kín đáo.
"... Nó thong thả đến gần mợ nó, nó lại làm nũng:
- Mợ ơi mợ khấn cậu về nữa đi.
Mợ nó thở dài một cái, cầm hai tay nó, nhìn nó rồi đưa mắt lên giường thờ cậu nó, rồi lại liếc sang bên bác Phán. Mợ nó ôm nó vào lòng ra cách âu yếm, cúi đầu, kề cái miệng lên làn tóc lơ thơ của nó. Rồi hình như trông thấy hai cái dải khăn ngang rũ đằng trước ngực, thì không biết mợ nó nghĩ những gì nó thấy mợ nó lại thở dài, mà xung quanh mắt thì ươn ướt.
Nó liền giơ hai tay bé tí tẹo lên vuốt má mợ nó, rồi bá cổ xuống hít một cái thật dài mà hỏi rằng:
- Mợ ơi, mợ làm sao thế?"
(trang 92)

Thật không cần phải lời nói, chỉ những dáng điệu của người đàn bà cũng tỏ hết nỗi băn khoăn của nàng. Con nàng như nhắc cho nàng biết chồng nàng chết chưa được trăm ngày (nàng còn thắt khăn tang), nhưng người tình nhân của nàng lại hứa hẹn cho nàng biết bao điều vui thú...
Những đoạn bác Phán đưa cho mợ thằng Dần cái ảnh của cậu nó để mợ nó quạt màn, rồi mợ nó doạ cho nó ngủ để tự do hú hí với trai, và đến khi nó tỉnh dậy giữa ban đêm, không thấy mợ nó đâu, chỉ thấy cái ảnh cậu nó úp sấp trên bàn, ướt đẫm nước, là những đoạn rất cảm động. Tính tình con trẻ, tả đến như thế thật là sâu sắc. Nguyễn Công Hoan ít viết những truyện về tình cảm, vậy mà truyện này có lẽ là một truyện hay nhất của ông về tình cảm.

Ông còn mấy truyện ngắn nữa cũng thú vị chẳng kém những truyện trên này. Đó là truyện Chiếc quan tài, in trong tập Sóng vũ môn (P.T.B.N.S. Số 26, trang 59), Tôi nói dối bà thì tôi làm kiếp chó, in trong tập Hai thằng khốn nạn (P.T.B.N.S. số 5, trang 19), truyện Anh hùng tương ngộ trong tập Sóng vũ môn (P.T.B.N.S. số 26, trang 99). Những truyện này - không kể truyện Chiếc quan tài – đều rất vui, có tính cách đặc Việt Nam, vừa hoạt kê, vừa chua chát, ai đọc cũng phải phì cười.

Trong truyện Chiếc quan tài, tác giả tả cái cảnh nghèo nàn của người dân quê Việt Nam thật là thê thảm, thê thảm đến cả trong khi chết. Cái cảnh lụt ở nơi đồng ruộng đã được Nguyễn Công Hoan tả bằng ngọn bút chân xác tuyệt khéo. Hay nhất là đoạn cái quan tài tự bật lên và theo dòng nước, trôi hết trong vườn, ra đến ngoài lạch, rồi ra đến cánh đồng, để rồi giạt vào vườn một bác Khoá - gieo tai vạ cho bác này - và được treo lên cây, để rồi lại bị gió đánh rơi xác chết xuống, mình một nơi đầu một nẻo.

Trong truyện Tôi nói dối bà thì tôi làm kiếp chó, quả thật về sau vì trốn nợ, bác nhà quê ấy tự nằm vào cũi chó, rồi tự chui qua lỗ chó chui. Trong truyện Oẳn tà rroằn, cô ả có đến một trăm nhân tình, không biết ngủ với anh nào mà bụng ễnh, nên hết gạ lấy anh này, lại gạ lấy anh nọ, và đối với anh nào chị ta cũng đổ là đã làm chị ta có mang. Rút cục có mấy anh hứa sẽ nhận đứa bé làm con sau khi chị đẻ và rồi sẽ cưới chị làm vợ. Đến khi chị ta ở cữ tại một nhà thương, hết anh nhân tình nọ lễ mễ đem quà vào thăm, đến anh nhân tình khác ôm đồm các thứ lại cho đứa bé, nhưng rút cục anh nào cũng chuồn cả, vì đứa con chị ta đẻ ra là một thằng bé... tóc quăn như bụt ốc và da đen như than.

Đến truyện Anh hùng tương ngộ thì thật là truyện tức cười, chẳng khác nào những truyện vui của Ả Rập. Ba chàng mê một ả mặt rỗ nhằng nhịt ở bên cạnh nhà bạn, mà chỉ vì cái nồi nước tiểu để ở hàng rào; rồi ba anh cùng gửi thư tán cô ả và nhờ bạn viết, ông bạn chép luôn một đoạn thư trong một cuốn tiểu thuyết cho cả ba người – cố nhiên là cả ba không biết nỗi riêng của nhau. Rồi đến lượt chị ả láng giềng đến nhờ ông bạn đọc lần lượt cả ba bức thư, ông ta mới vỡ ra cả ba người bạn của ông đều say cô mặt rỗ, mà chỉ vì... cái nồi hông. Họ đã nhìn và họ đã cảm. Ông viết hộ cô ả ba bức thư đều giống nhau, dặn cả ba chàng đến một chỗ hẹn và nhớ ăn mặc giả gái giống như cô ta. Thế là chỉ có ba anh gặp nhau, và đó là câu chuyện "anh hùng tương ngộ".

Cả ba truyện đều có thể coi như những tấn hài kịch rất ngộ nghĩnh, làm cho người đọc khoái trá vô cùng.

Ông còn nhiều truyện ngắn khác tuy không xuât sắc bằng mấy truyện trên này, nhưng so với những văn phẩm của nhiều nhà văn, thì nó vẫn có một dấu riêng, vẫn có chỗ đặc sắc hơn nhiều. Những truyện ấy là: Kép Tư Bền (Kép Tư Bền, trang 5), Ngựa người và người ngựa (Kép Tư Bền, trang 43 - truyện này giống một cảnh trong Tôi kéo xe của Tam Lang), Báo hiếu trả nghĩa cha (K.T.B trang 61), Bố anh ấy chết (K.T.B trang 77), Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ báo (K.T.B trang 97), Giết nhau (K.T.B trang 143), Ai khôn (P. T.B.N.S. Số 5, trang 40), Đào kép mới (P.T.B.N.S. Số 13, trang 31), Xà lù (P.T.B.N.S. Số 13, trang 88).

***

Hầu hết các truyện ngắn, truyện dài của Nguyễn Công Hoan đều thuộc loại tả chân và rặt tả những cái chướng tai gai mắt, cùng đồi phong bại tục, mà phần nhiều đều ngả về mặt hoạt kê.

Bảo ông là một nhà tiểu thuyết xã hội là lầm. Ông không hề viết một quyển tiểu thuyết nào về những cảnh lầm than hay về sự sống giản dị của dân quê và thuyền thợ. Trong số những nhà viết tiểu thuyết về phong tục, ông đã đứng riêng hẳn một phái: phái tả chân và phái khuynh hướng về hoạt kê, nhưng ông không hoạt kê như Vũ Trọng Phụng khi viết Số đỏ, hay như Đồ Phồn khi viết Một chuỗi cười, cái cười của ông là cái cười sặc sụa, cái cười hể hả của người sung sướng và ngoại cuộc.

Tuy vậy, nếu xét về những vấn đề ông thường quan tâm và luôn luôn nó khêu gợi nguồn hứng của ông trong các truyện, chúng ta thấy ông băn khoăn nhất về những sự đụng chạm của cái giàu với cái nghèo trên đường đời. Sự xung đột giữa kẻ giàu người nghèo là cái cốt của hầu hết các truyện ngắn truyện dài của Nguyễn Công Hoan. Khi hạng nghèo động chạm với hạng giàu, bao giờ người ta cũng thấy ông ngả về hạng nghèo; nhưng khi tả riêng hạng nghèo, ông cũng tả bằng ngọn bút hoạt kê như khi ông tả riêng hạng giàu, mà nhiều khi cũng cay độc.

Ông tả đủ hạng người trong xã hội, nhưng ít khi ông tả những ý nghĩ của họ - nhất là những điều u ẩn của họ thì không bao giờ ông đả động đến. Bao giờ ông cũng đặt họ vào những khuôn riêng, đó là khuôn lễ giáo hay khuôn phong tục mà họ đã "ra trò" với những bộ mặt phường tuồng của họ. Ông là một nhà tiểu thuyết tả chân, mà tả về phong tục, nhưng ông đã có một nụ cười riêng, một nụ cười chỉ ông mới có, chỉ ông mới diễn ra một cách điềm đạm ở những văn phẩm của ông trong khoảng mười năm nay.

Ông có một lối văn vui và giản dị, không giống một nhà văn nào, nên ông viết truyện nhi đồng rất tài tình. Truyện Phần thưởng danh dự của ông, đăng trong báo Truyền bá (do Tân Dân - Hà Nội, xuất bản năm 1942) là một truyện nhi đồng có tính cách hoàn toàn giáo dục: trong đó người ta vẫn thấy cái khuynh hướng bênh vực người nghèo của ông. Trong truyện, cậu học trò con nhà nghèo là cậu đã được phần thưởng danh dự.
Nhân nhắc đến loại truyện nhi đồng mà Nguyễn Công Hoan rất sở trường, tôi xin nói để độc giả biết rằng trong bộ phê bình văn học Việt Nam hiện đại này, tôi chỉ nhắc qua đến truyện nhi đồng thôi, vì dù là hay đến mấy, phần nhiều những truyện nhi đồng hiện thời ở nước ta vẫn còn chưa tới cái trình độ văn chương và giáo dục như những truyện nhi đồng của các nước, như vậy thiết tưởng không nên vội xét đoán trong khi nó đang tiến hoá.

Về Nguyễn Công Hoan, tôi còn nhận thấy điều này nữa: ông viết rất đều tay, và đọc ông, không bao giờ người ta phải phàn nàn rằng ông chỉ quanh quẩn trong mấy đầu đề như nhiều nhà văn khác. Trong luôn mười năm nay, ngòi bút tả chân của ông vẫn giữ nguyên tính chất tả chân và lối văn ông viết vẫn nguyên một lối văn bình dị. Tương lai sẽ cho ta biết ông có thay đổi gì không, nhưng tôi tin rằng chỉ trong phạm vi tả chân và trào lộng, cây bút của Nguyễn Công Hoan mới có thể vững vàng, còn ngoài phạm vi ấy, tôi e rằng nó sẽ lung lay.


(Nhà văn hiện đại, trong Tổng tập văn học, tập 24A -
Nxb KHXH H. 1997) 



"Nhà văn hiện đại" - Vũ Ngọc Phan (NXB Đại Nam 5/1960 - SG)

Mời xem và lấy về bản PDF
* Trong "Nhà văn hiện đại - Quyển 5" Tiểu thuyết tả chân: Nguyễn Công Hoan (Vũ Ngọc Phan)
Trang 22-48/236 (1051-1077)



0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉