Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

TRƯƠNG CHÍNH - Đọc tuyển tập Nguyễn Công Hoan



Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần II: Tác phẩm của Nguyễn Công Hoan - Những thành công và đóng góp.


ĐỌC "TUYỂN TẬP NGUYỄN CÔNG HOAN"

TRƯƠNG CHÍNH

Chúng ta đã viết nhiều về Nguyễn Công Hoan. Ông cũng đã viết về ông khá đầy đủ trong tập hồi ký Đời viết văn của tôi. (Nhà xuất bản Văn học, 1971).

Nhân tuyển tập của ông ra mắt bạn đọc, tưởng nên có một nhận định về ông cho toàn diện. Muốn vậy không gì bằng đọc lại tác phẩm đồng thời dựa vào tập hồi ký trên, tập này có một điều đáng quý là rất trung thực. Ông không tô son điểm phấn đã đành, nói kỳ hết những điều mình suy nghĩ một cách thật thà, ngay những lời khen, thấy không đúng, ông cũng không nhận. Chẳng hạn như về cuốn Bước đường cùng, ông có nhắn nhủ các nhà nghiên cứu, phê bình mấy lời, chắc ai đọc cũng giật mình: "... Nghiên cứu về những nhà văn lớp trước, tôi xin anh em chớ gán cho chúng tôi những ưu điểm mà chúng tôi không có, làm chúng tôi phát ngượng". "Các nhà nghiên cứu phê bình văn học, coi cuốn Bước đường cùng như là tác phẩm tiêu biểu của tôi. Mỗi lần nhắc đến những truyện tiến bộ trước Cách mạng, người ta đều nói đến cuốn ấy. Tôi cho việc này là không đúng". Cho hay viết phê bình về những nhà văn tiếng tăm, đừng tưởng tìm cách hạ được một lời khen là đắc sách.

* * *

Điều ông không thể từ chối được là trong các nhà văn hiện thực của ta, thì ông đứng hàng đầu, không những trước Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, mà cả trước Ngô Tất Tố nữa, mặc dầu tác giả Tắt đèn hơn ông những mươi tuổi. Thiên truyện có ít nhiều tính chất hiện thực của ông mà chúng ta được đọc, Sóng vũ môn, là viết năm 1920, một truyện, về nội dung cũng như về hình thức nghệ thuật, không sút kém so với những truyện của ông sau này.

Tái bản năm 1939, đặt nó đứng cạnh nhiều truyện khác, không thấy vướng. Khuynh hướng hiện thực của ông càng rõ rệt với những truyện đăng trên An Nam tạp chí dưới mục Việt Nam nhị thập thế kỷ xã hội ba đào ký. Cho đến năm 1939, là năm Ngô Tất Tố xuất bản Tắt đèn, ông đã cho in ít nhất 6 tập truyện ngắn hiện thực, gộp lại có đến 89 truyện. Đó là chưa kể những tập truyện vừa, truyện dài khác. Nguyễn Công Hoan là nhà văn có ngòi bút dồi dào không ai sánh kịp. Tô Hoài viết về ông một câu nhận định có hình ảnh như sau: "Nếu ta nhẩm từ cái hồi mà lời văn bổng trầm, khóc đứng khóc ngồi đến thời kỳ văn chương sạch sẽ kiểu Tự lực thì lực lưỡng như một tay đô vật không có địch thủ, từ Kiếp hồng nhan tới nay, truyện ngắn, truyện dài, Nguyễn Công Hoan sừng sững tạo thành một thế Tam Đảo, Ba Vì hùng vĩ, vượt qua cả hai thời kỳ, tiến vào cách mạng tháng Tám!" (Người bạn đọc ấy, Văn nghệ số 2, ngày 10-5-1963).

Một điều nữa cũng khó phủ nhận là tính chất hiện thực của ông bắt nguồn từ cuộc sống Việt Nam nửa đầu thế kỷ này, chứ không phải mô phỏng các nhà văn hiện thực Pháp. Ông đủ tiếng Pháp để đọc họ, nhưng ông không đọc. Về Mô-pat-xăng, ông chỉ đọc có mỗi truyện Lão ăn mày trong một tập nào đó, "rồi không xem thêm nữa!" Những kẻ khốn nạn của Victo Huygô mười một quyển, "trông thấy một chồng dầy, tôi mới ngại làm sao. Tôi cố đọc. Nhưng cũng chỉ được gần một nửa, thì tôi bỏ dở”. Alech-xăng Đuy-ma, mà ông cho là tài tình nhất, ông cũng chỉ đọc có một chương đầu cuốn Le comte de Mont Cristo. Có thể nói ông chẳng chịu ảnh hưởng của ai. Nhưng ông trung thành với yêu cầu của Tản Đà khi mở mục Việt Nam nhị thập thế kỷ xã hội ba đào ký trên tờ Annam tạp chí tục bản (1930): "Viết những điều mắt thấy tai nghe trong khoảng 30 năm nay để giao dịch kiến văn, sau là làm tài liệu cho người sau viết sử". "Những điều mắt thấy tai nghe" đó là "những cảnh xuống của xã hội", cũng là đề tài mấy lâu nay ông đã viết thành truyện ngắn rồi, bây giờ ông đem vào. Mục ấy tự nhiên trở thành mục đăng truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, và truyện ngắn Nguyễn Công Hoan độc quyền mang cái tên đầy ý nghĩa: "Xã hội ba đào ký". Những cảnh ấy ông lấy ở thời sự hàng ngày, lấy ở những người thật, việc thật mà ông biết, "chỉ thêm bớt một đôi chi tiết để làm nổi bật được ý định của mình mà thôi".

Thực ra, những truyện đi xuống trong xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thì nhan nhản, và là nội dung chủ yếu của thơ Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Thiện Kế. Rất dễ hiểu vì sao Nguyễn Công Hoan gần gũi và có cảm tình với các nhà thơ ấy, xem các vị như là những người đồng tình, đồng điệu. Cho nên không phải là nhà nghiên cứu văn học, mà ông vẫn có những kiến giải khá sâu sắc về các vị. Khi Nguyễn Công Hoan bước vào làng văn, tính hiện thực từ thơ ca đã chuyển sang kịch nói: Chén thuốc độc, Toà án lương tâm của Vũ Đình Long, Bạn và vợ của Nguyễn Hữu Kim, ông Tây An Nam của Nam Xương, rồi lại chuyển sang một thể tài mới là phóng sự với những cây bút như Tam Lang, Vũ Trọng Phụng. Tam Lang thì có Những cái mắt thấy, Nạn thất nghiệp ở Hải Phòng, Màn trời chiếu đất, Tôi kéo xe, Một đêm trước. Vũ Trọng Phụng cũng đã có Cạm bẫy người. Mục Xã hội ba đào ký của Tản Đà đặt ra để đăng bài viết về "những cảnh đi xuống" của xã hội là nằm trong phong trào hiện thực ấy. Nhưng Nguyễn Công Hoan là người có sáng kiến đưa truyện ngắn vào mục này, thật ra ông đã đưa vào văn chương Việt Nam một cách phản ánh hiện thực xã hội sinh động khái quát hơn là phóng sự, và đầy đủ, tỉ mỉ hơn là thơ ca. Công của ông ở chỗ đó. Có thể nói, trước ông, chỉ có mỗi một thiên truyện Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tôn, ngày nay còn đọc được, nhưng truyện này ai cũng biết là phảng phất truyện Ván bi-a của An-phông-xơ Đô-đê. Một con chim én bay về chưa thể nói đã là mùa xuân. Phải từng đàn. Với Nguyễn Công Hoan, chúng ta mới thấy cả đàn chim én.

Nguyễn Công Hoan cũng là người đầu tiên khai thác nguồn cảm hứng dồi dào của văn học dân tộc. Ấy là truyện cười, truyện tiếu lâm. Những "điều mắt thấy tai nghe", "cảnh xuống của xã hội", ông đều nhìn bằng con mắt của người "hay pha trò, hay ỡm ờ, hay chế giễu, hay chua chát" - như chính ông nhận xét về mình. Nhìn vào đâu, ông cũng thấy toàn những trò cười. Một người bạn đã nói với ông như sau:
- Mày biết lắm chuyện buồn cười, và hay nói chuyện buồn cười thì mày nên viết hài kịch.

Quả tình, ông rất thích hài kịch. Nghe người anh đọc, một đoạn hài kịch Mô-li-e, ông đã từng bắt chước Mô-li-e, cũng làm hài kịch, lấy trộm mũ áo đại trào của ông bác ra mặc để đóng kịch. Đó là hồi nhỏ. Nhưng khi bắt đầu cầm bút viết văn, thì ông không viết kịch, vì ông cho là gò bó, mà viết tiểu thuyết, viết truyện ngắn. Và truyện ngắn của ông chủ yếu là truyện trào phúng, truyện khôi hài. Ông cho rằng những ai không dám cười là "lãng phí quá mức sự đứng đắn một cách không cần thiết", nhất là khi trong xã hội Việt Nam buổi giao thời, có không biết bao nhiêu là chuyện buồn cười! Thế là ông tìm ra được phong cách độc đáo cho truyện hiện thực của mình. Cũng như truyện cười dân gian, truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan sử dụng tiếng cười như một vũ khí đả kích vào thói hư tật xấu trong xã hội.

Hầu như truyện nào của ông cũng xen yếu tố hài hước vào. Ông đặt nhân vật vào những cảnh ngộ buồn cười để rồi đi đến những kết thúc ngộ nghĩnh làm cho người ta không thể nhịn cười được. Ông lại dùng thoải mái những thủ thuật của truyện tiếu lâm, ông thích nói chuyện quan hệ nam nữ, vì chuyện quan hệ nam nữ cũng dễ gây cười.

Mục đích của ông là đánh ngã kẻ thù và gây tiếng cười, cách nào cũng tốt cả. Thành thử, truyện của ông cũng xây dựng thành hài kịch. Trong cuốn Đời viết văn, ông tự nhận xét về mình như sau: "Tôi là một người bi quan, hoài nghi, nên khinh thế, ngạo vật, hay đùa và hay chế nhạo. Sống dưới chế độ thống trị của thực dân, tôi thấy cái gì cũng giả dối, lừa bịp, đáng khôi hài. Thế mà thằng làm trò khôi hài là thằng thực dân lại làm ra mặt nghiêm chỉnh. Thật là buồn cười. Cho nên tôi hay chế giễu, mỉa mai để khôi hài tác giả việc khôi hài. Tôi coi thường tất cả. Tất cả đỗi với tôi chỉ là trò cười. Vì vậy, tôi pha trò cười. Tôi viết tiểu thuyết cũng mang cái giọng nói của tôi là trào phúng và hài hước... Viết lối văn hài hước và trào phúng, tôi muốn độc giả đọc mỗi truyện của tôi đều có tiếng cười chua chát để khinh để ghét, để thù những kẻ đáng khinh, đáng ghét, đáng thù".

Nói như thế là đúng, không cường điệu chút nào. Chỉ có điều là "Tác giả việc khôi hài" dưới mắt ông không phải lúc nào cũng là bọn thực dân phong kiến, quan lại, nhà giàu, ông tham, bà phán, tên lính lệ... Mục đích viết truyện của ông không phải lúc nào cũng là vạch "những mặt trái của xã hội", mà rõ ràng có khi ông viết "chỉ để cười cho khoái trí" mà thôi.

Có những đối tượng không nên đem ra làm trò cười, có những chuyện thương tâm, có chi tiết nào đó cũng buồn cười, nhưng không ai cười được, dưới ngòi ông, vẫn là đề tài để ông mua vui và mua vui cho người khác. Điều này dính đến lập trường, quan điểm.

* * *

Lập trường, quan điểm của Nguyễn Công Hoan khi đi vào văn chương hiện thực là quan điểm, lập trường của một nhà trí thức tiểu tư sản, như phần lớn các nhà văn của chúng ta trước Cách mạng. Căm thù thực dân phong kiến và lũ tay sai, ghét cay ghét đắng bọn nhà giàu đê tiện. Nhưng còn mơ hồ, vì không hiểu rõ bản chất của những đối tượng ấy. Thành ra, đối với chúng, miếng đòn của ông ác nhưng có khi chưa thật trúng. Tố cáo chúng dâm ô, hay keo kiệt là vạch những khía cạnh không cơ bản. Còn thương xót bất cứ ai "không có tiền" thì có khi thương xót nhầm phải một thằng ăn cắp, một tên lưu manh. Trong một số truyện, ông lẫn lộn bạn và thù, khi nhìn ra kẻ thù rồi, ông cũng không biết nhằm vào chỗ hiểm mà đánh.

Chỉ sau thời kỳ Mặt trận dân chủ, chịu ít nhiều ảnh hưởng của Cách mạng, sự phê phán của ông mới sắc bén hơn. Kiểm duyệt bãi bỏ. Ngòi bút ông "tung hoành", chuyển từ đề tài xã hội sang đề tài chính trị. Có điều, lúc này, những nhà văn hiện thực trở nên đông đảo, ai cũng có dịp "tung hoành". Ai cũng đả kích không dè dặt đủ các hạng người trong xã hội thực dân phong kiến, đặc biệt là bọn tư sản, quan lại, cường hào. Truyện ngắn của ông tuy tiến bộ, nhưng không hấp dẫn như trước nữa. Nếu như không có Bước đường cùng.

Phải nói ngay rằng, viết tác phẩm này, ông định đưa vào nhiều phong tục tập quán của nông thôn như các cuốn tiểu thuyết phong tục đương thời. Lại nữa, tư tưởng chủ đạo trong Bước đường cùng là tư tưởng cải lương, người nông dân bị áp bức đè nén là vì ngu dốt không được học hành. Và ông cũng "chưa có ý thức tố cáo" gì cả, chỉ là do "tiềm thức” nên ông chọn những cảnh như cảnh lên quan, cảnh thu thuế, đốc thuế, cảnh vay nợ, cảnh ăn khao, cảnh mê tín dị đoan... Nhưng những điều thuộc chủ quan ấy của tác giả không làm cho tác phẩm giảm bớt ý nghĩa. Bước đường cùng vẫn là tác phẩm thành công nhất của ông. Ở đây, ông đã thật sự đồng tình với nhân vật của mình. Ông đã thấy người nông dân bị bóc lột quá đỗi, không nhẫn nhục được nữa, đã vùng dậy. Pha, nhân vật chính trong truyện, cùng với những người cùng số phận, đã đoàn kết với nhau, không cho thợ gặt của tên địa chủ xuống ruộng gặt lúa của mình. Rồi đến khi hắn đưa lính khố xanh về hộ vệ cho bọn thợ gặt cướp lúa của anh, anh đã hăng tiết lên, vơ được một chiếc đòn càn, xông vào Nghị Lại, phang một cái thật mạnh vào đầu:
- Đồ ăn cướp!

Sức phản ứng của người nông dân trong Bước đường cùng mãnh liệt hơn sức phản ứng của người nông dân trong Tắt đèn nhiều. Và cũng tả sự thất bại của người nông dân trước lực lượng còn mạnh của địa chủ, Nguyễn Công Hoan không bi quan như Ngô Tất Tố.

Về cuốn Bước đường cùng, trong hồi ký Đời viết văn của tôi, Nguyễn Công Hoan có viết một đoạn như sau: "Cái sự kiện vùng dậy chưa đúng với thực tế hồi bấy giờ. Tôi suy nghĩ mãi. Vì chưa bao giờ tôi viết cái gì mà lại không đúng với thực tế. Đó là vì tôi đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng trong các sách báo cộng sản hồi bấy giờ". Ông chịu ảnh hưởng của tư tưởng cộng sản trong sách báo, điều ấy đã rõ. Nhưng nói rằng "cái sự kiện "vùng dậy" chưa đúng với thực tế, thì lại chứng tỏ ông hiểu chữ "thực tế" một cách hẹp hòi, và chưa thấy nhiệm vụ của nhà văn. Có thể sự kiện vùng dậy, chưa phổ biến khắp nơi, nhưng nó đã xảy ra nhiều lần nhất là những năm 30-31 trong phong trào xô viết Nghệ Tĩnh, và có tính chất điển hình, hợp với quy luật cuộc sống, có ý nghĩa đối với cách mạng. Nhiệm vụ của nhà văn là phải phản ánh cái thực tế điển hình đó, có lợi cho cách mạng. Đủ biết ảnh hưởng của tư tưởng cộng sản đối với ông lúc bấy giờ chưa lấy gì làm sâu sắc.
Cũng chính vì lẽ đó mà sau khi Cách mạng thành công, ông theo cách mạng, làm việc cho cách mạng, mà cầm bút viết thì lại lúng túng. Những tác phẩm của ông về sau cũng không gây được tiếng vang như mọi người mong mỏi. Ông không chịu tìm hiểu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa một cách nghiêm túc. Ông quan niệm văn học phục vụ chính trị hết sức đơn giản và phiến diện. Cho nên tư liệu về xã hội cũ ông dồn vào các cuốn Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư, Đống rác cũ vô cùng phong phú, nhưng chỉ đáp ứng được sự tò mò của một số độc giả, chứ không đáp ứng được yêu cầu của cách mạng, không đáp ứng được đòi hỏi của Đảng đối với nhà văn. Trong tập hồi ký của mình, ông có cho biết một vài kinh nghiệm sáng tác của ông. Ông nói: "Tôi đã nhìn vào đời hoạt động văn học của tôi mà rút ra một sự thực. Sự thực ấy là sở dĩ tôi đã viết được tiểu thuyết là do tôi có khiếu, có nhiệt tình, và nhất là có sống”. Chính câu nói ấy giải thích vì sao, sau cách mạng ông không có một thành tựu nào đáng kể. Kinh nghiệm của ông là kinh nghiệm của người viết văn thời trước, khi chưa có Đảng, chưa có chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, ai muốn viết gì, viết thế nào thì viết, không cần theo đường lối nào cả.

Ngày nay khác. Có những vấn đề mà nhà văn không thể không biết. Ví dụ như phản ánh thực tế, nhưng là thực tế nào? Hiện thực phê phán khác hiện thực xã hội chủ nghĩa ở chỗ nào? Viết về đời sống cũ như thế nào cho hợp với yêu cầu của thời đại? Nói chuyện dâm loạn thời trước, đến mức độ nào thì có ý nghĩa tố cáo, mức độ nào thì có tác dụng ngược lại? Phản ánh cái xấu của xã hội mới như thế nào? Xây dựng nhân vật tích cực, chính diện ra sao? Vân vân và vân vân. Quả có như ông nói: "Nghề viết văn, không phải do đọc lắm kinh nghiệm và lý luận mà thành thạo được. Muốn thành thạo, trước hết ta phải làm và làm nhiều. Anh muốn biết bơi thì anh phải nhảy xuống nước mà tập. Chỉ đứng trên cạn mà hỏi cách thì thiên vạn cổ anh cũng chẳng biết bơi".


0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉