Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

TÔ HOÀI - Ngòi bút nhà văn Nguyễn Công Hoan, lực lưỡng, dũng khí, lạ lùng


Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.



NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần I: Nguyễn Công Hoan - Nhà văn hiện thực lớn, bậc thầy truyện ngắn trào phúng.


NGÒI BÚT NHÀ VĂN NGUYỄN CÔNG HOAN, LỰC LƯỠNG, DŨNG KHÍ, LẠ LÙNG

TÔ HOÀI


Nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6 tháng 3 năm 1903, mất ngày 6 tháng 6 năm 1977. Thọ 74 tuổi.

Khối lượng sáng tác của Nguyễn Công Hoan thật đồ sộ, từ 1920 - ấy là năm mà người viết lời bạt này mới chào đời, Nguyễn Công Hoan đã sáng tác liên tiếp hơn nửa thế kỷ, đến bây giờ thống kê chưa đầy đủ mà đã tới hơn 30 truyện dài, hơn 200 truyện ngắn và mấy chục bài nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan, khi thiếu thời đã từng ở lâu Hà Nội. Không kể sau này, khi Cách mạng tháng Tám thành công và từ 1954, nhà văn đã sống và làm việc ở thủ đô, từ sơ học đến trung học cậu bé và chàng thanh niên Nguyễn Công Hoan đều đi học, trọ học ở trung tâm thành phố, các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình ngày nay. Không phải ngẫu nhiên, các truyện ngắn, đề tài thành phố của nhà văn đều bắt nguồn từ đời sống Hà Nội ở thời kỳ ấy.

Một gia tài tác phẩm lớn lao của Nguyễn Công Hoan mà thời gian sống và ảnh hưởng của nhà văn phản ánh trong sáng tác đã trải dài cả thế kỷ, là những mốc, những chứng tích, những nguyên vật liệu mắt thấy tai nghe cho những lập luận, kết luận của cả một thời kỳ văn học.

Các tác phẩm Kiếp hồng nhan và tập Xã hội ba đào ký của Nguyễn Công Hoan được in vào đầu thập kỷ 20 - đến nay sắp sang những năm 90, thế mà ngạc nhiên xiết bao - bạn đọc có thể đọc một truyện ngắn trong Kiếp hồng nhan viết ở những năm tháng xa xôi ấy, với truyện ngắn Chiếc xe lam, một trong những sáng tác sau cùng, khi nhà văn vào Sài Gòn giải phóng năm 1975, không hề thấy khoảng cách thời gian ở truyện ngắn Chiếc xe lam với truyện ngắn Sóng vũ môn. Tại sao Nguyễn Công Hoan không lúc nào cũ, trong khi ngày nay bạn đọc khó lòng còn để mắt thêm một lần đọc các tác phẩm văn chương biền ngẫu hay văn chương tín điều, trung hiếu tiết nghĩa, thiện ác đơn giản của giai đoạn văn học quốc ngữ thời kỳ đầu.

Bí quyết ấy có thể cắt nghĩa dễ dàng. Được chắt lọc từ ý nghĩa tư tưởng đời sống xã hội, văn Nguyễn Công Hoan đã sáng tạo bằng tiếng nói hàng ngày của xung quanh. Ở Nguyễn Công Hoan, tả chân, tả thực kia và Nguyễn Công Hoan hiện thực sau này chỉ là rút kinh nghiệm sai đúng hay thiếu sót rồi bổ sung, phát triển tuyệt nhiên không phải trăn trở "lột xác", "nhận đường". Khi cách mạng chuyển giai đoạn, khi đất nước thoát vòng nô lệ, dân tộc được độc lập, tự do thì bút pháp nhà văn càng được tăng lực.

Một khi sáng tác đã là chứng tích, là chất liệu tấm gương phát triển văn học và khi một sáng tác vào cuộc sống đã gợi lên những tác động khác nhau thì bao giờ cũng đem lại những lập luận, những lý giải giúp ích cho nhận định của mỗi giai đoạn văn học. Ở nước ta, hiếm có những cây bút hơn được Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan trong đời văn đã trải những tranh luận quyết liệt. Riêng Nguyễn Công Hoan, một số tác phẩm, ở từng giai đoạn khác nhau đã là mấu cứ cho những tranh cãi gay go nhưng rất cần thiết cho phong trào và lực lượng văn học Việt Nam qua các thời kỳ.

Ít nhất cũng đếm được 4 cuộc quan trọng.

1. Bây giờ các nhà nghiên cứu thường nhắc đến thời kỳ Mặt trận Bình dân 1936 - 1939, cuộc tranh luận của phái văn học Vị nghệ thuật và phái văn học Vị dân sinh mà sau cùng lực lượng văn học Vị dân sinh do một số nhà lý luận phê bình tiến bộ chủ trương đã thắng lợi. Chất liệu để có được cuộc tranh luận mà chân lý nghệ thuật tiến bộ lần đầu tiên đã thắng lợi trên bình diện văn học nước ta, đó là tập truyện ngắn Kép Tư Bền, rồi đến tiểu thuyết Bước đường cùng của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

2. Cuối thời kỳ Bình dân, cuộc tranh luận về thuyết bảo thủ hay tự do trong luân lý gia đình đã thông qua tiểu thuyết Cô giáo Minh và Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Người ta ít nhắc đến cuộc tranh luận này, sự việc đã xảy ra khi sắp có chiến tranh thế giới lần thứ hai, vấn đề bị nhạt hẳn tính chất xã hội. Số người tham gia không rộng khắp các báo ba kỳ, mà chỉ bài của tác giả Cô giáo Minh cùng một số người ủng hộ ở báo Tiểu thuyết thứ bẩy, báo Tin văn với một bên là hai cây bút Tự lực văn đoàn. Rồi cũng không ngã ngũ.


3. Tiểu thuyết Danh tiết và tiểu thuyết Thanh đạm (1942) hai truyện đều được in khi đã bắt đầu chiến tranh thế giới thứ hai, thực dân Pháp đặt lại cơ quan kiểm duyệt từng bài báo, từng trang sách. Bây giờ có một bài đọc sách ngắn khoảng nửa gang tay chữ trên báo Cờ giải phóng, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương, in litô phát hành bí mật, phê bình tư tưởng bảo thủ trong tiểu thuyết Thanh đạm. Rất tiếc khi nước nhà độc lập, các nhà phê bình nghiên cứu văn học vẫn cứ nguyên tinh thần bài đọc sách ngắn ngủi ấy mà nói lại. Tôi không có ý bênh vực sẵn cho tiểu thuyết Thanh đạm. Nhưng, ừ thì tác phẩm ấy có thể chứa đựng tư tưởng bảo thủ, nhưng phải được lý giải rằng bảo thủ thế nào, cái gì không thể chỉ im lặng và lặp lại một bài điểm báo thông thường.

4. Tiểu thuyết Đống rác cũ (Tập I, in 1963) cuốn tiểu thuyết sau cùng của Nguyễn Công Hoan gây dư luận khác nhau. Nhưng trong một tình hình khá là bi hài. Tiểu thuyết này gồm hai tập, Nhà xuất bản Văn học in xong tập I, nhưng cũng chưa phát hành rộng cuộc tranh luận đã tùm lum. Thế là tập II không tiếp tục ra đời. Cho tới nay cũng không mấy bạn đọc biết câu chuyện đầu và đuôi thế nào, chỉ mới đọc các bài báo chê Đống rác cũ tự nhiên chủ nghĩa. Nêu lại vấn đề này, tôi cũng không đơn giản đòi khôi phục giá trị tiểu tuyết Đống rác cũ. Mà chỉ muốn có phê bình, có sự nghiên cứu, phân tích, đánh giá nhiều chiều, nhiều mặt một tác phẩm để tiến tới chân lý được. Hay làm lại một hoạt động văn học bình thường, lành mạnh trong tình hình hiện nay.

Tư tưởng và văn phong Nguyễn Công Hoan, từ sáng tác đầu tiên đến tác phẩm sau cùng, xuyên suốt một nét. Tác phẩm Nguyễn Công Hoan đã tới với người đọc, gây phản ứng và tác động mạnh mẽ đến độ nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra. Một đời viết, tác phẩm chồng lên kể hàng trăm, hàng trăm tác phẩm trải 4 trận phê bình ra trò, mỗi cuộc một nội dung khác nhau đã có thể thấy ngòi bút nhà văn lực lưỡng, dũng khí, lạ lùng.
***
Nhân dịp phát hành tiểu thuyết Một kiếp người, tôi xin chép lại một kỷ niệm của tôi về tiểu thuyết ấy với nhà văn. Tuy câu chuyện nhỏ, cũng thật rõ nét con người, thái độ làm việc, cả đến trang nghiêm túc nhất nhưng lúc nào cũng vui tính của nhà văn.

Bấy giờ vào khoảng 1967.
"Cục địch vận Quân đội nhân dân tổ chức gặp mặt văn nghệ sĩ làm việc sáng tác phục vụ nhiệm vụ địch vận. Các vùng bị tạm chiếm miền Nam đương ngập ngụa sách vở phản động, văn chương đồi truỵ. Ta cần tìm cách thổi luồng gió mới vào. Các anh ấy đề nghị chúng tôi viết những truyện - viết theo lối sách chưởng, tình báo, lãng mạn đương thịnh hành, nhưng nội dung lành mạnh, có tính chiến đấu. Và ký tên khác. Để in công khai trong thành hoặc in ngoài chiến khu, đem lồng bìa giả, bí mật đưa vào các đô thị." Chưa ai làm gì thì anh Nguyễn Công Hoan đã xong một tiểu thuyết trên một trăm trang bản thảo. Hồi kháng chiến chống Pháp anh đã viết một truyện theo yêu cầu như thế do Quân đội in, quyển tiểu thuyết tên là Xổng cũi, ký tên tác giả Nguyễn Văn Lung, (anh cắt nghĩa Lung là lung tung thiên ấy mà).
"Tôi đọc quyển tiểu thuyết vừa ráo tay của anh rồi nói:
- Nhưng đoạn anh tả tình yêu chưa được.
- Sao?
- Anh cho trai gái Sài Gòn bây giờ còn viết thư tình như thư tình trong truyện của anh từ hồi "min nớp xăng cà cộ". Có cả sợi tơ lòng, đài gương, dấu bèo, nhạn én đổi thay, tháng ngày thấm thoát."
Anh vỗ đùi, cười to:
- Ờ nhỉ, cái việc ấy lâu nay mình không có thực tế. Hỏng!
Anh bằng lòng với nhận xét ấy của tôi và tự giải thích theo cách hài hước riêng. Rồi anh bỏ cả cuốn tiểu thuyết. Không phải là việc dễ dàng đâu.
Một số nhà văn khác trạc tuổi anh bấy giờ, còn có chủ trương viết biền ngẫu lối cổ như vậy. Nhưng chịu nghe, anh Nguyễn Công Hoan vẫn trẻ trung như thường.

Ít lâu sau, Nguyễn Công Hoan viết hẳn lại cuốn tiểu thuyết ấy. Chính là cuốn tiểu thuyết có hôm nay trên tay bạn đọc. Thoạt đầu Nguyễn Công Hoan lấy tên là Nếu không có anh. Nhưng anh bảo tiểu thuyết này còn đưa bên địch vận xem, nếu chưa được và cần sửa nữa, anh cũng sẽ sửa và có ký tên "lung tung thiên" cũng chẳng sao, miễn là tác phẩm của anh đến được với bạn đọc cần thiết nhất của anh.

(Lời nói đầu in trong tiểu thuyết Một kiếp người (tên của tác giả Nếu không có anh) NXB Hà Nội, Hà Nội, 1989)




0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉