Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

VIỆN VĂN HỌC - Sáng tác và tác phẩm của Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng



Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần I: Nguyễn Công Hoan - Nhà văn hiện thực lớn, bậc thầy truyện ngắn trào phúng.


SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN TRƯỚC CÁCH MẠNG

VIỆN VĂN HỌC


Về văn xuôi hiện thực, người được độc giả miền Nam đọc nhiều trong thời kỳ này là Hồ Biểu Chánh. Xét cho kỹ, khuynh hướng của tác giả này khá phức tạp. Trong một số tác phẩm, Hồ Biểu Chánh có phê phán những kẻ giàu sang cậy thế áp bức nhân dân lao động.
Một mặt khác ông cũng tỏ ra hiểu biết sinh hoạt của thợ thuyền, nông dân, dân nghèo ít nhiều. Nhưng ông ta cho rằng trong tầng lớp nào cũng có kẻ xấu người tốt. Cho nên ông ta mô tả nhiều bác nông dân như những kẻ cục cằn, nhiều chị nông dân như những người đĩ thoã. Những đức tính của nhân dân lao động mà ông ta ca ngợi lại có màu sắc phong kiến: nhân, hiếu, tiết, nghĩa. Trên cơ sở đó, ông ta giải quyết các vấn đề xảy ra trong quan hệ giữa mọi hạng người, phần nhiều giải quyết ổn thoả, câu chuyện kết thúc một cách "có hậu", "giáo dục" một thứ luân lý cũ không thích hợp với hoàn cảnh đấu tranh gay gắt đương thời.

Do đó, truyện của Hồ Biểu Chánh tuy có một số yếu tố hiện thực, nhưng có nhiều yếu tố bảo thủ. Lời văn của ông ta giản dị, đại chúng, nhưng nhiều khi cẩu thả, dễ dãi. 
Nhà văn hiện thực tiêu biểu trong thời kỳ này là Nguyễn Công Hoan. Ông bước vào làng văn từ những năm 20. Đến năm 1931, ông bắt đầu nổi tiếng. Bước sang thời kỳ Mặt trận Dân chủ, ông đã là một trong mấy nhà văn được chú ý nhiều nhất. Những nhà lý luận văn học theo chủ nghĩa Mác như Hải Triều đã dựa vào phần thành công trong sáng tác của ông giao chiến với phái Nghệ thuật vị nghệ thuật. Vì vậy, mặc dầu đại bộ phận tác phẩm của ông được xuất bản thành sách từ 1935 đến 1943 (nhiều tác phẩm được đăng báo trước đó, sau mới in thành sách hay một loại sách dưới danh nghĩa "tạp chí" là Phổ thông bán nguyệt san).

...Phần tiến bộ, có giá trị hiện thực cao trong sáng tác trước Cách mạng của Nguyễn Công Hoan là phần chủ yếu. Chúng tôi sẽ đi sâu vào phần này. (Trong các tác phẩm phức tạp, cũng có yếu tố hiện thực).

Ông sở trường về cách mô tả tư cách hèn hạ, đê tiện hết chỗ nói của bọn quan lại sâu mọt, bọn nha lại, bọn hãnh tiến giàu có sang trọng và khinh người. Trong Ông chủ (1934), bọn phong kiến đã bị vạch trần là những kẻ dâm ô. Hai thằng khốn nạn (1934), một mặt nêu lên cảnh thương tâm của người nghèo gặp năm đói phải gánh con đi bán, mặt khác nêu lên tư cách của một "quan nghị" mua đứa bé trả ba hào nhưng lại trừ hai xu vì thấy lưng đứa bé có nhiều nốt ruồi. Trong Báo hiếu: trả nghĩa mẹ, một tên trọc phú khinh rẻ bà mẹ là người sống một cách nghèo nàn ở thôn quê, làm cho bà mẹ phải chết; nhưng đến khi mẹ chết thì hắn lại làm ma linh đình. Xuất giá tòng phu là một truyện ngắn nêu bật tư cách đốn mạt của hạng người hiến vợ cho chủ để leo lên bậc thang danh lợi. Mất cắp cái ví (trong tập Kép Tư Bền) nói lên một khía cạnh khác trong tư cách đểu cáng của hạng người phong lưu: khinh rẻ bà con họ hàng đến nhờ vả mình.

Bọn quan lại lũng lạm một cách bẩn thỉu bị vạch mặt trong các truyện ngắn Đồng hào có ma (1937), Thịt người chết (1938).

Bọn đế quốc thực dân cũng bị nhà văn công kích ít nhiều trong các truyện như Người vợ lẽ bạn tôi (1939). Những thói hư tật xấu của tư sản và tiểu tư sản thành thị, mặt trái của lối sống tư sản, lối sống "tân thời" cũng bị nhà văn đả kích đích đáng: xu hướng "theo mới" một cách kệch cỡm, lố bịch (Chồng cô Kếu tân thời viết năm 1933); xu hướng mất gốc, sống theo lối "đầm" trở nên người vô tình bạc nghĩa của một số ít phụ nữ (Thế là mợ nó đi Tây trong Kép Tư Bền); xu hướng hiếu danh của bọn con nhà giàu và tư cách xâu xa của một loại nhà báo (Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ báo trong Kép Tư Bền); thói chim chuột lăng nhăng của một số thanh niên thành thị (Anh hùng tương ngộ trong Sóng vũ môn); tính ham mê truyện trinh thám, (Cái lò gạch bí mật, 1936),... Tác phẩm của Nguyễn Công Hoan nói chung là một bức tranh khá phong phú về cái xá hội nhố nhăng đương thời.

Nhà văn tuy nổi tiếng là người giỏi trào phúng, nhưng lại cũng ưa nói những chuyện thương cảm, buồn giận, phẫn uất. Người ta không thể cười được khi đọc những truyện ngắn như Kép Tư Bền, hoặc đọc nhiều trang trong Bước đường cùng.



Nhân vật tích cực trong nhiều truyện của Nguyễn Công Hoan, hạng người mà ông chú ý đề cao ca ngợi, phần nhiều là trí thức, tiểu trí thức xuất thân nghèo hèn, hoặc có một địa vị hèn kém (Tắt lửa lòng, Tấm lòng vàng). Những người này vừa có học, có chí khí nghị lực, lại biết thương người, ăn ở có tình nghĩa, muốn làm việc có ích cho đời. Đây không phải là những kẻ khuếch khoác kiểu Lộc trong Nửa chừng xuân hoặc những kẻ anh hùng rơm như Dũng, trong Đoạn tuyệt. Những nhân vật ấy của Nguyễn Công Hoan có tính chất chân thực tiêu biểu cho tiểu tư sản tốt mà chúng ta vẫn thấy trong xã hội cũ. Nhưng họ không phải là những người đóng góp phần tích cực nhất cho việc cải tạo xã hội, nên khi tác giả ca ngợi họ thì chúng ta đọc lại vẫn thấy hơi nhạt nhẽo.
Trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng, một số truyện ngắn và cuốn tiểu thuyết Bước đường cùng là những tác phẩm có giá trị cao nhất.

Nhà văn vốn là người có hiểu Cách mạng ít nhiều. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, ông đã được một số đảng viên cộng sản tuyên truyền ít nhiều về chủ nghĩa cộng sản. "Càng gần gũi anh em chính trị phạm cũ, tôi càng hiểu chủ nghĩa cộng sản là nhân đạo, đấu tranh giai cấp chính là để giải phóng cho đất nước, cho quảng đại nhân dân" (Thời kỳ Mặt trận Bình dân, tôi đã chịu ảnh hưởng Đảng. Tập san Nghiên cứu văn học, 1-1960). Cuốn sách được viết đúng vào lúc phong trào lên cao nhất trong thời kỳ 1936-1939, tức là năm 1938.

Chủ đề của Bước đường cùng là quá trình phá sản của một nông dân bị địa chủ dựa vào đế quốc quan lại, thi hành nhiều thủ đoạn thâm độc để chiếm đoạt ruộng nương, ở Bước đường cùng cả một hệ thống người từ tên địa chủ Nghị Lại đến viên quan huyện, thừa phái, nho, lính lệ, cường hào, nghĩa là bọn người xưa nay vẫn dựa vào nhau mà đè đầu cưỡi cổ nông dân, đều được tác giả chú ý mô tả. Bọn công chức Pháp như Tây đoan cũng được nhà văn phác hoạ qua mấy nét để nêu lên tính chất tàn nhẫn của chúng. Kẻ có nhiều thế lực thì bóp nặn nhân dân nhiều, và có cái "phong cách đểu cáng" riêng của "quan trên". Bọn có ít thế lực thì dựa dẫm vào quan trên mà kiếm chác miếng thịt, cút rượu. Chúng cũng có cái tư cách đê tiện của bọn vũ phu hống hách, nạt nộ người, đấm đá người, lần từng đồng hào trong khố rách của người dân cày có việc đến cửa công. Địa chủ Nghị Lại được tác giả kể rõ lai lịch từ đầu. "Vì lăn lộn trong xã hội phồn hoa sớm thế, nên ông sớm học được đủ các ngón, mà ngón nào cũng rất tinh"; "Ông chỉ chửi lại cha mẹ có hai lượt, vì ngày xưa, ông ở nhà rất ít để phụng dưỡng song thân"... Từ cái tường cắm tua tủa "những mảnh chai sáng nhoáng" "như lưỡi lê của đội quân canh", đến cái nhà, cái buồng, cái cách bày biện trang hoàng trong phòng khách của hắn đều vẽ ra tính chất con người hắn: trên tường là bức tranh khiêu dâm kiểu "Tàu"; góc nhà là một pho tượng khiêu dâm kiểu "Tây"; nhưng ở gậm giường phòng khách thì "một mùi tanh tanh ở trong gậm xông ra. Nó là mùi han đồng của những đỉnh, những đèn, những mâm, những nồi, xếp la liệt dưới sập". Đó hẳn là của ăn cướp được của nông dân bằng cách này, cách khác, tích luỹ lại! Cái kẻ vừa ngu xuẩn lại vừa láu lỉnh, vừa ốm yếu nghiện ngập lại vừa dâm dục, vừa có một ngôn ngữ hạ tiện lại biết mềm mỏng khúm núm khi cần thiết, vừa giàu nứt đố đổ vách lại vừa keo kiệt bẩn thỉu, cái kẻ ấy đã dùng nhiều mưu mô như xui nguyên giục bị, lợi dụng sự dốt nát của nông dân, nhân những khi người nông dân phải nộp sưu cao thuế nặng, phải phạt vạ, chứa đám, để cho vay nợ lãi, chiếm đoạt ruộng nương của nông dân, làm cho người nông dân không tài nào sống nổi.

Thêm vào những cái ách đó, bọn lý dịch lại còn phù thu lạm bổ, lợi dụng hủ tục khiến nông dân phải kiệt quệ... Mỗi trang trong cuốn sách là một niềm uất ức khiến người đọc phải nghẹt thở. Người đọc rất dễ hiểu tại sao anh Pha từ một người hiền lành, nhẫn nhục, dần dần uất quá phải vùng dậy đấu tranh, dù chỉ mới biết đấu tranh một cách tự phát, một cách tuyệt vọng. Ngoài một vài chỗ còn sơ lược, tính chất phong phú của cuốn sách, việc mô tả sắc nét nhiều nhân vật, việc dẫn dắt các tình huống một cách biện chứng, tác dụng gây căm thù sâu sắc và kích động đấu tranh của tác phẩm làm cho Bước đường cùng đã vượt khỏi ít nhiều giới hạn của chủ nghĩa hiện thực phê phán và đi gần tới chủ nghĩa hiện thực cách mạng.

(Trích Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945. NXB Văn học, H. 1964).





0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉