Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.
NHÂN KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY SINH NHÀ VĂN LỚN NGUYỄN CÔNG HOAN (1903-1993)
MỘT NHÂN CÁCH, MỘT SỰ NGHIỆP
VÀ NHỮNG BÀI HỌC LỚN
N hà văn lớn Nguyễn Công Hoan, vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam, sinh năm 1903, đến nay vừa tròn 90 năm. Trong năm 1993 này, nhiều hoạt động kỷ niệm nhà văn đã được các cơ quan văn học, báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình thực hiện. Và, mới đây, ngày 5-11-1993, lễ chính thức kỷ niệm nhà văn Nguyễn Công Hoan đã được Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học, Uỷ ban Nhân dân và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Hưng, Trường viết văn Nguyễn Du phối hợp tổ chức trọng thể.
Từ sáng 5-11, đông đảo các nhà văn thuộc nhiều thế hệ, các nhà nghiên cứu phê bình văn học, các cán bộ giảng dậy và học viên (khoá 5) trường viết văn Nguyễn Du đã tề tựu tại Hội trường mới xây dựng của trường viết văn Nguyễn Du.
Về phía các cơ quan tổ chức buổi lễ, có mặt: nhà văn Vũ Tú Nam - Tổng thứ ký - và các đồng chí uỷ viên Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam;
nhà nghiên cứu Phong Mê - Viện trưởng Viện Văn học;
đồng chí Vũ Dong - Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Hải Hưng;
Đồng chí Phạm Vĩnh Cư - Hiệu phó Trường viết văn Nguyễn Du.
Về phía các vị khách, có các đồng chí: đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng Trần Độ, và đồng chí Trương Quang Được - Uỷ viên Trung ương Đảng. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan...
Đại diện của các nhà xuất bản, các báo chí, phát thanh, truyền hình, Tổng công ty phát hành sách cũng có mặt.
Tới dự lễ kỷ niệm với tư cách đại diện thân quyến nhà văn Nguyễn Công Hoan có: ông bà Lê Văn Lương - em ruột nhà văn, ông bà Hà Ngọc Tiết - em ruột nhà văn, ông bà Nguyễn Tài - con trai và con dâu nhà văn, ông bà Trần Diệp và Lê Minh - con rể và con gái nhà văn, cùng các cháu nội, ngoại của nhà văn.
Chương trình kỷ niệm nhà văn Nguyễn Công Hoan gồm hai phần:
buổi sáng - lễ kỷ niệm chính thức;
buổi chiều - viếng mộ và thăm quê hương nhà văn ở Xuân Cầu, Nghĩa Trụ - huyện Mỹ Văn, Hải Hưng.
Dưới đây, chúng tôi xin trân trọng trích giới thiệu các ý kiến phát biểu trong lễ kỷ niệm.
V.N.
Để đọc, xin nhấp chuột vào phần muốn xem.
VŨ TÚ NAM - Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam
N hà văn Nguyễn Công Hoan đã để lại cho giới cầm bút chúng ta nhiều bài học lớn. Suốt quá trình sống và làm việc, ông đã từng đồng thời là nhà văn, nhà giáo, nhà báo và là một con người đôn hậu, khiêm tốn và tận tuỵ.
Thật đáng khâm phục tài năng, nghị lực và sức làm việc của Nguyễn Công Hoan. Trong năm 1937, ông cho ra bốn đầu sách: Những cảnh khốn nạn, Tấm lòng vàng, Tình khuyển mã, Một công trình vĩ đại. Năm 1938, ba đầu sách: Đào kép mới, Tơ vương, Bước đường cùng. Năm 1939, ba đầu sách: Lá ngọc cành vàng, Sóng vũ môn, Người vợ lẽ bạn tôi. Năm 1940, ba đầu sách: Ông chủ bút, Nợ nần, Những cảnh khốn nạn (tập II). Năm 1943, ba đầu sách: Lệ Dung, Thanh đạm, Nghịch cảnh. Năm 1944, bốn đầu sách: Ông chủ - bà chủ, Bơ vơ, Cô làm công, Danh tiết...
Phải là một người tâm huyết lắm với cuộc sống và văn chương mới có được cường độ lao động như ông. Ông có ý thức chính trị rất sớm, từ 1936 chịu ảnh hưởng trực tiếp của Đảng Cộng sản Đông Dương và sau này ông trở thành một nhà văn Cộng sản.
57 năm cầm bút, Nguyễn Công Hoan đã để lại cho dân tộc ta những di sản vô giá. Tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Lưu Trọng Lư đã từng đánh giá về ông:
"Một cây bút khai sơn phá thạch cho nền văn xuôi trào phúng Việt Nam". Thanh Tịnh thì nhận xét:
"Nguyễn Công Hoan là một nhà văn châm biếm có biệt tài, nhưng lại mang tâm hồn thơ đôn hậu trữ tình".
Năm 1963, kỷ niệm 60 năm ngày sinh Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài viết:
"Nếu ta nhầm từ cái hồi mà lời văn bổng trầm khóc đứng khóc ngồi đến thời kỳ văn chương sạch sẽ kiểu Tự Lực, thì lực lưỡng như một tay đô vật không có địch thủ, từ Kiếp hồng nhan tới nay, truyện ngắn, truyện dài Nguyễn Công Hoan sừng sững tạo thành một thế Tam Đảo Ba Vì hùng vĩ, vượt qua hai thời kỳ, tiến vào Cách mạng tháng Tám...".
Hôm nay, kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, chúng ta có thể mượn lời đánh giá của Tô Hoài để tưởng nhớ và học tập nhà văn Nguyễn Công Hoan kính mến.
VŨ TÚ NAM
Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam
Nhà văn TRẦN ĐỘ
T ôi cứ nghĩ rằng: làm sao cuộc đời tôi lại có cái hạnh phúc lớn là có một thời gian được làm việc, được là bạn với một nhà văn lớn như thế. Nguyễn Công Hoan hơn tôi hai chục tuổi, nhưng trong khi làm việc, tôi thấy ông đối xử như những người đồng lứa, không có gì phân biệt.
Tôi nhớ có một chuyến đi công tác cùng Nguyễn Công Hoan; tôi có ý định làm thân với ông và hỏi ông: "Anh có kinh nghiệm viết văn gì, xin anh truyền lại cho tôi với" . Thấy tôi hỏi nghiêm túc quá, ông ấy phá ra cười, cười mãi rồi mới bảo: "Có gì đâu, cứ bịa giỏi là được".
Và ông ấy thêm: "Nhưng phải bịa như thật!" Thực ra nói như vậy nghĩa là người viết văn phải có đầu óc tưởng tượng rất lớn, chứ không phải cứ bê nguyên si những điều mình quan sát được vào văn. Một bài học khác mà ông truyền lại... tôi định giữ bí mật, nhưng hôm nay trong không khí thân mật, tôi xin nói lại.
Cái kinh nghiệm thứ hai mà ông truyền cho tôi, tôi xin dịch lại cho dễ hiểu và cho đỡ bất tiện, là: Muốn viết văn thì phải có tình yêu. Ông bảo:
"Tớ yêu nhiều lắm...".
Tôi thấy Nguyễn Công Hoan là người rất vui, ông sống hồn hậu, trung thực.
Ông nhìn bất cứ cái gì cũng tìm thấy chuyện buồn cười. Văn tài của ông đã nhiều người đánh giá. Tôi không thể nói gì hơn. Tôi thấy đúng là Nguyễn Công Hoan có một vị trí rất lớn trong văn học Việt Nam, cả về tác phẩm lẫn nhân cách. Quí nhất ở Nguyễn Công Hoan là ông làm việc gì cũng tận tuỵ. Nguyễn Công Hoan là một hình ảnh mà tôi muốn học tập suốt đời. Tôi luôn tự nhận là một người học trò của Nguyễn Công Hoan và coi đó là một điều vinh dự đối với tôi.
Nhà văn TRẦN ĐỘ
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
T ôi thấy Nguyễn Công Hoan là một nhà văn lớn. Có lần anh Hoan tự nói mình là một người bi quan. Nhưng tôi thấy anh là một con người bi quan mà tin tưởng. Anh Hoan châm biếm, trào phúng, mà rất nghiêm chỉnh.
Cái quý nhất ở Nguyễn Công Hoan là con người có tâm huyết, có bản lĩnh. Anh Hoan vừa có tâm vừa có tầm. Anh đã đặt cơ sở cho nền văn xuôi và văn học hiện thực phê phán nước ta, Tôi cũng rất quí nhà văn Nguyễn Công Hoan về mặt ngôn ngữ. Ngôn ngữ của anh rất dễ hiểu. Anh đã làm giàu ngôn ngữ Việt Nam.
Từ rất sớm, Nguyễn Công Hoan đã thấy con đường chính nghĩa để đi tới một xã hội tốt đẹp, tới tương lai của dân tộc ta. Anh là người không viết theo chiều gió, mà viết theo lý tưởng của mình, có nghị lực, có lòng dũng cảm.
Là một người có tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp cách mạng, anh Hoan đã tham gia vệ quốc quân, viết báo vệ quốc quân. Anh Hoan từng chủ trì một lớp học, dạy văn hoá cho 53 chiến sĩ nam và 2 chiến sĩ nữ mà trình độ của họ không đồng đều. Thú thực tôi không hình dung nổi anh Hoan dạy những người này như thế nào. Anh Hoan bảo: Anh đã dạy cho người ta biết những điều người ta cần, để từ đó đi vào cuộc sống chiến đấu.
Tuy chỉ là một thời gian ngắn làm việc với lớp học đó, nhưng anh Hoan đã thể hiện tất cả nhiệt tình của mình. Hôm nay, tôi muốn nói lên lời cảm ơn của quân đội đối với anh.
Chung lại, tôi thấy vai trò của anh Hoan rất lớn.
Chúng ta nên làm cho sự nghiệp của anh Hoan đi sâu vào đời sống hơn nữa. Sự nghiệp của anh Hoan sẽ còn mãi mãi.
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
Nhà thơ VŨ CAO
N hững năm trước Cách mạng tháng Tám, thế hệ thanh niên chúng tôi đọc một cách say mê những tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, trước hết để giải trí. Nhưng rồi, những số phận, những nhân vật, những tư tưởng, tình cảm mới mẻ cứ thấm dần vào tâm trí chúng tôi, hoà nhập vào tình cảm và nhận thức của chúng tôi. Bên cạnh tiếng vang của phong trào cách mạng lúc đó, tác phẩm của Nguyễn Công Hoan và một số nhà văn tiến bộ khác đã góp phần cổ vũ chúng tôi, giúp chúng tôi hiểu dần dần cái ý nghĩa chân chính nhất của văn học. Ý nghĩa chân chính ấy, cho đến bây giờ vẫn chưa hề mất đi, và cần phải mở rộng, đào sâu thêm cho phù hợp với yêu cầu đổi mới sau này.
Có lần tôi hỏi:
"Tôi đọc, tôi thấy anh viết rất dễ dàng và thoải mái. Có đúng thế không anh?" Ông cười và bảo:
"Thế cậu tưởng mỗi khi mình viết mình không nghĩ gì à! Cái gì cũng phải nghĩ, nghĩ rồi mới viết, vừa viết vừa nghĩ, viết xong lại nghĩ. Có điều muốn viết thì phải cầm lấy bút, chứ cứ ngồi mà nghĩ mãi thì cũng chẳng viết được gì". Có lẽ đấy cũng là một điểm trong cách làm việc của ông. Ngoài ra, gặp ông bao giờ cũng được nghe những câu nói đùa lý thú. Sự hóm hỉnh, tính lạc quan của ông cũng được thể hiện trong tác phẩm của ông.
Nhà thơ VŨ CAO
Nhà thơ TẾ HANH
K hi anh Hoan làm Chủ tịch Hội thì tôi tham gia thường vụ, do đó có điều kiện gặp gỡ, bàn bạc, công tác với anh. Đọc anh, tôi thấy Nguyễn Công Hoan là một tài năng trời cho.
Làm việc với anh, thấy anh vui tính, mặc dầu văn anh nói những chuyện chua chát ở đời. Có những cái rất khó nhưng khi anh nói ra thì rất dễ hiểu, dễ nhớ. Tôi kể một kỷ niệm. Trong thường vụ Hội, công tác đối ngoại trước do anh Nguyễn Xuân Sanh phụ trách;
sau anh Sanh bàn giao cho anh Hoan; rồi sau, anh Hoan lại giao cho tôi.
Khi giao việc, anh Hoan bảo:
"Ông Sanh giao việc cho mình một ngày mới hết, mình chỉ nói với cậu một phút thôi. Đối ngoại là việc rất khó, nhưng cũng rất dễ. Vì những nhà văn nước ngoài họ đến rồi họ lại đi. Để họ nói nhiều, còn ông nói ít thôi. Khi người ta đi rồi, nếu họ viết thư cho ông thì ông hãy trả lời" . Thật giản dị.
Nhà thơ TẾ HANH
Phó tiến sĩ MAI HƯƠNG
N guyễn Công Hoan khởi bút khi ông 17 tuổi, ấy là năm 1920. Vậy là, khi tôi chào đời, ông đã có 30 năm cầm bút. Khi tôi có điều kiện tiếp cận và hiểu được văn chương, ông đã có ngót nửa thế kỷ gắn bó với Văn học. Và khi tôi chập chững vào nghề nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã ở chặng cuối của con đường sáng tạo bền bỉ, dẻo dai suốt trên nửa thế kỷ với một sự nghiệp vừa độc đáo, vừa đồ sộ gồm 300 truyện ngắn và trên 30 tập tiểu
thuyết, truyện dài.
Viết, đối với Nguyễn Công Hoan trước hết là sự trang trải với cuộc đời và số phận của những con người mà trái tim nhậy cảm của ông, tấm lòng nhân ái, biết đau đời của ông, tình yêu thương đồng loại sâu xa nơi ông, đã khiến ông phải vì nó mà đa mang. Viết với ông, dường như một cách sống, để ông gửi gấm những yêu thương hay căm giận, bênh vực, bảo vệ hay phê phán, đả phá, chở che, san sẻ hay bóc trần, tố cáo...
văn là đời, ít thấy và hầu như không thấy qua trang văn những dấu tích riêng của cuộc đời ông, ông lặn mình, quên mình đi giữa thế giới những con người mà ông yêu thương.
Cũng chính vì thế, ngòi bút Nguyễn Công Hoan cũng chỉ tố cáo, đả phá những gì từng đè nén chà đạp lên những con người xung quanh ông, chưa bao giờ ông tố cáo, bênh vực cho chính mình, dẫu cuộc đời ông đầy những gian truân và lận đận...
Biết vượt lên cái tầm thường để sống cao, sống đẹp. Biết quên mình đi để vì người.
Biết vượt trên nỗi đau của riêng mình để đau nỗi đau của đồng loại... Phải vì thế mà Nguyễn Công Hoan sớm thành nhà văn và đã là một nhà văn lớn, một tài năng lớn.
Phó tiến sĩ MAI HƯƠNG
Trích thư của Giáo sư TRẦN VĂN GIÀU
T ôi biết Nguyễn Công Hoan qua Hải Triều. Xin trích một đoạn của sách: "Thành công của chủ nghĩa Mác - Lênin - Tư tưởng Hồ Chí Minh" (730 trang, xuất bản 20 tháng 3 năm 1993 tại t/p Hồ Chí Minh), trích trang 426, chương VI, mục "Đấu tranh tư tưởng trên mặt trận văn nghệ".
... Cuộc đấu tranh ngắn ngủi giữa Hải Triều và Thiếu Sơn tuy đã được nhiều người chú ý nhưng chưa gây thành phong trào đấu tranh trên báo chí. Phong trào đấu tranh trên báo chí bắt đầu sau khi tập sách "Kép Tư Bền” của Nguyễn Công Hoan được Hải Triều giới thiệu, được nhiều nhà phê bình văn học xem như một lời tuyên chiến nữa của phe nghệ thuật vị
nhân sinh đối với khuynh hướng nghệ thuật vị nghệ thuật.
Từ nay theo Hải Triều - mà cũng đúng như vậy trong thực tế - tình thế thay đổi, có triệu chứng rõ rệt của một hiện tượng văn học mới ở đó văn nghệ coi vị nhân sinh là phương châm.
Tác phẩm Kép Tư Bền theo Hải Triều, có tính chất khai mở kỷ nguyên, (il faut souligner cette phrase - G).
"Nay tôi có thể tự đắc mà nói rằng: có rồi, có rồi, ông cứ xem Kép Tư Bền đi. Cái chủ trương nghệ thuật vị nhân sinh của tôi ngày nay đã biểu hiện bằng những bức tranh rất linh hoạt dưới ngòi bút tài tình của nhà văn sĩ Nguyễn Công Hoan mà người ta đã tặng cho cái tên hay hay là nhà văn của hạng người khốn nạn".
Mượn lời của một độc giả, Hải Triều nhận định tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan là gần với người hơn tiểu thuyết của Khái Hưng, và mượn lời một nhà phê bình văn học Hải Triều kết luận.
"Với Khái Hưng là cái thế giới đang tàn, mà với Nguyễn Công Hoan thì là cái thế giới đang nhóm dậy".
Trích thư của Giáo sư TRẦN VĂN GIÀU
Nhà lý luận phê bình PHONG LÊ
C húng tôi là những đọc hậu sinh trung thành và chuyên cần của nền văn chương quốc ngữ, chúng tôi càng quí trọng một trong những người đặt nền móng đầu tiên là Nguyễn Công Hoan. Cũng chính ông là người tiếp tục cần mẫn lần lượt leo lên nhiều tầng giàn giáo của công trường văn xuôi quốc ngữ Việt Nam. Một công trường thật sự là đông đúc, nhưng những bậc thợ cả trong số đó như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Khái Hưng, Tô Hoài, Nguyên Hồng... thì quả chưa phải là nhiều. Còn chưa nhiều nên mới quí.
Và càng quí khi tất cả họ, khi trong con số ít ỏi ấy ở họ, lại là những chân dung rất khác nhau, những gương mặt hoàn toàn không lẫn vào nhau. Nghĩ về Nguyễn Công Hoan tôi luôn luôn nhớ đến một tiếng cười riêng, tiếng cười Nguyễn Công Hoan, tiếng cười gây cười, lập tức làm ta bật cười, cười không cản được, cười to lên hoặc tủm tỉm, nhưng rồi ngay sau đó là một vị chát, có lúc như nghẹn đắng, có lúc làm cay nơi mắt ta.
Ngẫm ra thật là "sợ" cho ngữ ngôn, cho văn tự, cho chữ nghĩa Nguyễn Công Hoan.
Nhà lý luận phê bình PHONG LÊ
VŨ DONG (Chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Hưng)
V ới sự nghiệp văn học vĩ đại, Nguyễn Công Hoan đã làm giàu có thêm truyền thống văn hiến của quê hương Hải Hưng và của đất nước. Chúng tôi cùng các đồng chí làm việc trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, văn hoá giáo dục và đào tạo sẽ tiếp nhận những hiểu biết thêm về nhà văn Nguyễn Công Hoan trong dịp kỷ niệm rất có ý nghĩ này
để rồi sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát huy hơn nữa những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của những tác phẩm văn học của ông trong việc bồi dưỡng nhận thức, tình cảm, nhân cách con người mới, nhất là trong việc giáo dục đào tạo thế hệ trẻ.
VŨ DONG
(Chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Hưng)
PGS PHẠM VĨNH CƯ
N guyễn Công Hoan nổi tiếng bởi nghệ thuật trào phúng, nghệ thuật châm biếm hết sức sắc sảo. về mặt này chưa mấy ai cạnh tranh được với ông trong nền văn xuôi nước ta.
Nhưng tiếng cười yêu đời của Nguyễn Công Hoan tuyệt nhiên không mang tính phá phách, tính hư vô chủ nghĩa. Nó bắt nguồn cảm hứng từ một lý tưởng nhà văn sâu sắc, và kiên định và thấm đượm nhuần nhuyễn chất trữ tình.
Chính sự kết hợp tinh tế chất châm biếm với chất trữ tình ấy tạo nên cái duyên riêng, cái thi vị khó diễn tả của ngòi bút Nguyễn Công Hoan, có sức hướng dẫn lớn đối với bạn đọc trong nước và ngoài nước. Một sự kết hợp độc đáo như
thế không dễ đạt được ngay ở các nền văn học phát triển trên thế giới.
PGS PHẠM VĨNH CƯ
NGUYỄN TÀI (Con trai thứ của nhà văn Nguyễn Công Hoan)
Đ ầu mùa hè năm 1977. Cha tôi vào nằm bệnh viện; ban đầu chỉ tưởng là bệnh thông thường; lúc đó tôi công tác ở Bộ Nội vụ, rất bận, chỉ có thể thăm Cha vào các ngày nghỉ.
Bỗng một chiều, tôi được báo là Cha tôi phải đưa vào phòng cấp cứu; tôi đã thu xếp vào ngay. Suốt đêm hôm đó ngồi cạnh Cha trên giường bệnh, khi đó Ông đã bắt đầu hôn mê, tôi thấy nét mặt của Cha tôi sao mà hồn nhiên thế, sao mà hiền từ thế! Lần đầu tiên trong đời và cũng là lần cuối trong đời, tôi được ngắm nhìn Cha tôi lâu như thế. Biết bao kỷ niệm thân thương hiện ra, từ thời tôi còn thơ ấu đến khi ra ngoài đời và dần dần trưởng thành; tôi thấynhư tìm ra một sự thật: Các con của Cha, người đã mất trước Cha, người còn sống, người theo bước chân của Cha, người làm nghề khác, trong con đường đi của từng người, đều có phần ảnh hưởng tâm hồn và tính cách của Cha và Mẹ, hình ảnh của Cha luôn luôn sâu đậm trong tâm trí của các con, cháu trong gia đình.
Từ cơn hôn mê, Cha tôi đã ra đi thanh thản.
Từ sau ngày 6-6-1977, tất cả những chuyện vui hay đau buồn xảy ra đối với gia đình tôi, cũng như đối với ngoài xã hội, đã không chút gì ảnh hưởng đến sự yên nghỉ của Cha tôi.
Riêng về cuộc đời văn của Cha tôi, cho đến nay sách của Người vẫn đến tay bạn đọc, không chỉ là tái bản, mà có một số xuất bản lần đầu, thông qua Tổng Công ty phát hành sách và các Nhà xuất bản như: Văn học, Hội Nhà văn, Trường viết văn Nguyễn Du, Thanh niên, NXB Hà Nội, NXB TP Hồ Chí Minh; và chuyển thể từ tiểu thuyết thành phim ảnh.
Trong dịp đúng ngày sinh của Ông, 6-3 năm nay, các báo chí trong Nam ngoài Bắc, đài Tiếng nói Việt Nam đã có những bài viết hoặc dành số riêng để nhớ về Ông.
Nhân dịp này, xin cho tôi thay mặt gia đình cám ơn các cơ quan xuất bản, các cơ quan thông tin đại chúng về những tình cảm chân thành đối với đời văn của Cha chúng tôi.
Trước khi nhường lời, xin cho phép tôi trình bày rằng Mẹ tôi do sức khoẻ, đã không thể đến dự buổi lễ kỷ niệm hôm nay, được tổ chức tại Trường viết văn Nguyễn Du. Chiều hôm qua, đại diện Hội Nhà văn, Trường viết văn Nguyễn Du, cơ quan Truyền hình đã đến thăm Mẹ tôi tại nhà. Mẹ tôi đã ngỏ lời cảm tạ.
Đối với lễ kỷ niệm hôm nay, cũng xin cho tôi thay mặt gia đình cám ơn Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học, Trường viết văn Nguyễn Du, Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Hội Văn nghệ tỉnh Hải Hưng quê nhà, Ban tổ chức buổi lễ kỷ niệm; cám ơn các Bác, các Anh, các Chị, bạn văn hoặc bạn đọc của Cha chúng tôi, cùng các bạn bè thân quen; đã biểu lộ sự trân trọng đối với đời văn của Cha chúng tôi, cũng như tình cảm yêu thương quí mến đối với Cha chúng tôi; tuy hôm nay Người vắng mặt. Tôi xin cám ơn về tất cả những lời tốt đẹp đã dành cho Cha chúng tôi.
NGUYỄN TÀI
(Con trai thứ của nhà văn Nguyễn Công Hoan)
(Văn nghệ 46-13-XI-1993)
0 comments:
Đăng nhận xét
[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉