Ads 468x60px

.

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

Lá ngọc cành vàng: Áng văn phê phán những luân lý lỗi thời


Lá ngọc cành vàng:
Áng văn phê phán những luân lý lỗi thời

Loan Phương


Lá ngọc cành vàng được sáng tác năm 1934, đây là tiểu thuyết đầu tiên sau hơn một thập kỷ chỉ viết truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Tác phẩm xoay quanh mối tình bi thương giữa con gái nhà quan và chàng thanh niên nghèo, họ khát khao được yêu nhưng bị lễ giáo phong kiến ngăn cản.

Tuy vỏn vẹn mười sáu chương nhưng cuốn sách vẫn làm bật lên nỗi niềm của những người trẻ, đồng thời phơi bày bộ mặt tàn ác của xã hội phong kiến. Nhà văn theo đó góp sức vào cuộc đấu tranh đòi quyền lợi, đẩy lùi tư tưởng “lá ngọc cành vàng phải bày nơi chung đỉnh”.


Mục lục
  1. Nguyễn Công Hoan và những áng văn phê phán
  2. Hai thế giới trong Lá ngọc cành vàng
  3. Khi hạnh phúc con người bị rơi vào cảnh bức ép
  4. Đánh giá của giới chuyên môn và công chúng về Lá ngọc cành vàng
Nguyễn Công Hoan là nhà văn phê phán hiện thực xã hội




Nguyễn Công Hoan và những áng văn phê phán

Nguyễn Công Hoan sinh năm 1903 tại Hưng Yên và mất năm 1977 tại Hà Nội. Ông là nhà báo và nhà văn Việt Nam, nổi tiếng với những tác phẩm hiện thực phê phán xã hội cũng như đạo đức con người trước Cách mạng Tháng Tám.

Do được tiếp xúc với nhiều câu thơ, câu đối, giai thoại có tính trào lộng và châm biếm tầng lớp quan lại từ nhỏ nên tác phẩm của ông thường xoay quanh chủ đề này. Nhờ đó, Nguyễn Công Hoan đứng vào hàng ngũ những cây bút tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán, bên cạnh một số tên tuổi như Tam Lang, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao.

Trước khi gắn bó mật thiết với văn chương, ông từng theo học Cao đẳng Sư phạm và đi dạy ở nhiều nơi . Tuy nhiên, ông vẫn đánh dấu sự nghiệp trong khoảng thời gian đó với tuyển tập truyện ngắn Kiếp hồng nhan.
Nói đến Nguyễn Công Hoan trước hết là nói đến một bậc thầy truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại. Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đa dạng, phong phú như một “bách khoa thư”, một “tấn trò đời” mà đặc trưng là xã hội phong kiến của thực dân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan có nhiều nét gần với truyện cười dân gian, tiếp thu được truyền thống lạc quan của nhân dân muốn dùng tiếng cười như một “vũ khí của người mạnh” để tống tiễn cái lạc hậu, cái xấu xa vào dĩ vãng…
– Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch Việt Nam
Tuy nổi tiếng với kho tàng truyện ngắn đồ sộ nhưng trong năm thập niên sáng tác, Nguyễn Công Hoan vẫn để lại ấn tượng với truyện dài và tiểu thuyết. Mỗi thời khắc của lịch sử và xã hội đều được ông tái hiện, mang đến góc nhìn đa dạng mà không kém phần sâu sắc.

Lá ngọc cành vàng là đại diện cho các tác phẩm trên, tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời của Nga, một tiểu thư con nhà quan lại. Xuất thân danh giá nhưng cô lại trót yêu Chi, chàng thanh niên nghèo có học thức và chí hướng rõ ràng.

Thế nhưng, xã hội ngày ấy còn mang nặng tư tưởng phân biệt giai cấp nên cả hai không thể đến bên nhau. Dưới con mắt của bậc cao quý, Chi không xứng với Nga, anh chỉ là hạng đê hèn “mình rơm chất cỏ”.

Là tiểu thuyết đầu tay nhưng Nguyễn Công Hoan vẫn cho thấy bút pháp tài hoa, khéo léo phơi bày sự thật của những kẻ chỉ biết “môn đăng hộ đối” mà nhẫn tâm tước bỏ quyền mưu cầu hạnh phúc của con người.
Tiểu thuyết đầu tay Lá ngọc cành vàng



Hai thế giới trong Lá ngọc cành vàng

Ngay từ những trang sách đầu tiên, Nguyễn Công Hoan đã làm nổi bật trạng thái giàu nghèo trong xã hội Việt Nam ngày đó. Những người nhiều tiền, cậy quyền cậy thế luôn cho mình là đúng, coi việc dân chúng đứng ra bảo vệ và phục tùng là điều đương nhiên.

Sự phân biệt giai cấp ấy không chỉ xuất phát từ giới quý tộc, quan lại mà còn ăn sâu vào tiềm thức của người dân nghèo. Họ coi mình là bề dưới, bản thân phải nhẫn nhịn thì cuộc sống và gia đình mới được yên lành, thuận tiện làm ăn.

Trong lần Nga rời phủ để ra ngoài ngắm phố xá thì bị chó đuổi, chỉ thiếu chút nữa thì bị nó cắn. Tuy cô bảo toàn được thân thể nhưng người cứu giúp là Chi lại mất một cái liễn, thậm chí về nhà còn bị mẹ quở trách.

Là người hiểu chuyện lại đem lòng mến mộ Chi, Nga cho người mang tiền sang đền cho mẹ con nhà họ nhưng khi nghe danh con quan thì liền từ chối. Ông bà Phủ nghe được chuyện, không khen sự dũng cảm của anh lấy một câu mà còn lên tiếng dạy bảo, hăm doạ căng xác.
Nàng cố nói khéo, cốt tỏ tấm lòng hào hiệp của Chi cho cha mẹ biết.
Nghe xong, bà Phủ bảo:
– Ừ, nó dám lấy đền! Việc gì con phải như thế. Chúng nó như chỗ đầy tớ mà.
Ông Phủ cau mặt nhìn con, hách dịch nói:
– Nó lấy thì căng xác nó ra!
– Lá ngọc cành vàng
Ngược lại với Nga, gia đình Chi chỉ có chõng tre để mâm xôi chè, cái cột treo áo the dài và mũ trắng. Thảm hơn thế, bức vách nhà anh còn bị thủng, góc tường thì tuỳ ý cho bọn nhện giăng dây trang hoàng, khung cảnh bày trước mặt chỉ có hai từ nghèo đói.

Mặc dù gia cảnh bần hàn, không xa hoa đài các nhưng Chi vẫn được mẹ cho ăn học đàng hoàng, thậm chí còn dốc tiền mua sách dù trên vai phải gánh khoản nợ do con gái để lại.

Dẫu nuôi được đứa con trai tài giỏi, chăm ngoan học hành trên thành phố nhưng bác Đồ Sơn vẫn bị coi như kẻ ăn mày, số mệnh rẻ rúng. Trái ngược với ông bà Phủ ngồi xe ô tô, chỉ cần nghe đến tên là phải kính nể và khiếp sợ.

Nguyễn Công Hoan mang đến cho độc giả hình ảnh chân thực của xã hội ngày đó, những con người nơi đáy xã hội sẽ mãi quanh quẩn trong sự rách nát và giới quý tộc thì mãi ngẩng đầu, ngang nhiên dẫm đạp lên nỗ lực và ý chí của họ.
Hình ảnh đối lập trong Lá ngọc cành vàng



Khi hạnh phúc con người bị rơi vào cảnh bức ép

Từ nghệ thuật tương phản, Nguyễn Công Hoan dần phơi bày sự bảo thủ của những người “ăn trên ngồi trốc”. Họ chỉ biết đến danh lợi và phú quý, không màng đến hạnh phúc cá nhân, bức ép kẻ yếu vào đường cùng.

Trong hoàn cảnh ấy, đau thương nhất vẫn là Nga, đại tiểu thư nhà ông quan Phủ họ Lê. Bị ảnh hưởng bởi giáo điều của cha nhưng cô có phần tân tiến hơn, dám yêu một người có địa vị xã hội thấp và không ngần ngại bày tỏ.

Ban đầu, Nga cho rằng hoàn cảnh gia đình Chi không xứng với mình, một kẻ dân hèn làm sao có thể xứng đôi với tiểu thư quyền quý. Thế nhưng, sau lần được anh cứu thì mọi chuyện đã khác, chàng trai nghèo cứ vậy quẩn quanh trong tâm trí của cô.
Nga vờ quay lại, để nhìn qua mặt kính nhựa sau lưng: Vừa thấy Chi giơ cả hai chân lên trời, khiến người Khách phải cười, dúm cả hai mắt; Nga cũng không nhịn cười được.
– Lá ngọc cành vàng
Hình ảnh Chi còn phản chiếu trên gương mặt của Nga, khi nhìn thấy anh thì nét buồn rầu nơi cô bỗng chốc được thay thế bằng nụ cười. Tiếc thay, sự mến mộ của tiểu thư nhà ông Phủ lại bị ngăn cản bởi “bức tường” cha mẹ.

Hai người tuy là bậc trưởng bối nhưng lại có thành kiến với dân nghèo, khi biết Chi đi học được “ăn lương” thì chỉ nghĩ do gia đình khó khăn chứ không màng đến nỗ lực phấn đấu, vượt lên hoàn cảnh của anh.

Chi ý thức rõ điều đó nên nhiều lần lảng tránh Nga, thậm chí còn mong tiểu thư giữ khoảng cách. Tuy nhiên, việc đó vô tình khiến cô hoài suy nghĩ về những lời bản thân đã nói, khó lòng chấp nhận sự thật là anh đã từ chối.

Cái bóng danh gia vọng tộc quá lớn, tư tưởng cha mẹ không còn hợp thời khiến tâm lý Nga bị xao động. Chỉ cần nghĩ đến những dòng chữ nghiêm huấn, cô cảm tưởng bản thân đang bị bao phủ bởi xấu hổ và tủi nhục.

Lâu dần tích tụ thành bệnh, Nga từ một tiểu thư ôn nhu, dịu hiền và vui vẻ trở thành kẻ hay cãi nhau, thở dài một mình. Trong học tập, cô không còn chăm chỉ mà trở nên lười biếng, đôi khi còn đối đầu với giám thị.

Khi tạm nghỉ ở trường, bệnh của cô không hề thuyên giảm mà còn nặng hơn, hay nói luyên thuyên và đánh đập các em. Lúc người lớn bàn chuyện, Nga nhiều lần nói chen vào, trống không và xấc xược.

Cô cũng nhắc đến Chi nhiều lần, lúc thì ngoan ngoãn nói chuyện, khi lại chạy quanh tìm kiếm hình dáng và đôi lần réo tên chửi. Điều này vô tình giúp ông Tham, chú của Nga phán đoán nguyên nhân bệnh điên.
…Có bệnh thì phải uống thuốc. Mà con Nga không chịu uống, thì có mà trời chữa. Cho nên tôi tưởng cứ thằng Chi vào thăm, dỗ dành cho uống thuốc, tự khắc nó khỏi dần. Chính Đốc tờ người ta bảo rằng chỉ cần cho thằng Chi đi lại nói chuyện nói trò, tự khắc hay bằng trăm bằng nghìn thuốc. Nghĩa là con Nga được giải uất, khắc khỏi.
– Lá ngọc cành vàng
Nga biến thành người điên sau khi tình cảm với Chi không thành
Đây cũng là chi tiết được Nguyễn Công Hoan làm nổi bật, tạo sự tương phản giữa suy nghĩ hiện đại với tư tưởng bảo thủ. Một bên đồng tình, chấp thuận kết nối hạnh phúc cho đôi trẻ nhưng phía còn lại thì khác, thà hy sinh con cái để bảo vệ cái danh “gia đình văn hoá”.

Mặc dù ông Phủ nổi giận lôi đình, thiếu chút nữa là dùng gia quy để đánh phạt nhưng thương cháu, chú Tham vẫn cố tình hẹn Chi đến nhà thăm Nga. Chàng trai ấy đã giữ lòng can đảm mà đến gặp người con gái khốn khổ, bất chấp bản thân có thể gặp chuyện chẳng lành.

Nhờ đó, bệnh tình của Nga tiến triển tốt hơn so với trước, cô dần tỉnh táo và tính tình cũng dịu bớt. Cũng trong thời gian này, tình cảm được Chi chôn giấu dần nảy mầm, cả hai trao cho nhau thứ quan trọng nhất của đời người.

Sau khi khỏi bệnh, Nga trở về với dáng vẻ của một cô tiểu thư nhu mì và nết na. Tuy nhiên, ông Phủ lại không coi việc con mình tỉnh lại là nhờ công Chi mà cho rằng phước của tổ tiên, thậm chí còn buông lời trách móc chú Tham.
Ông Phủ tin rằng Nga khỏi, là vì phúc ấm của ông cha để lại. Cho nên ông thường đắc chí bảo ông Tham:

– Nhờ tổ ấm, cháu nó được lành mạnh. Nếu nghe chú, có phải tai tiếng biết bao nhiêu không?
– Lá ngọc cành vàng
Dẫu vun vén cho cháu gái nhưng chú Tham cũng khó lòng giữ mãi bí mật, khúc ngoặt được tạo ra vào thời điểm Nga hạnh phúc nhất. Niềm vui của cô không thể sánh bằng danh tiếng gia tộc, ông Phủ thậm chí cửa đóng then cài và sắp xếp một mối duyên khác.

Thế nhưng, nhà quan vẫn không có hỷ sự nào diễn ra, hôn nhân đăng đối về gia thế theo đó mà bất thành. Tuy nhiên, cách xây dựng tình huống của Nguyễn Công Hoan lại khiến độc giả cảm thấy chua xót thay vì vui mừng.
Ông Phủ cũng nhìn bà, rồi chớp mắt mấy cái. Đoạn vẫn lạnh lùng, ông ung dung đứng dậy vừa vào buồng Nga, vừa thốt ra một tiếng thở dài ở tận đáy lòng sắt đá:

– Thôi được, càng đỡ nhục!…
– Lá ngọc cành vàng
Nhà văn mang đến cho độc giả những trải nghiệm xót xa lẫn phẫn uất, người đời vì tôn thờ luân lý cũ mà tước quyền hạnh phúc của cá nhân, quy chụp và đổ lỗi dù đó là mưu cầu cơ bản trong cuộc sống.

Nguyễn Công Hoan đã phơi bày hiện thực xã hội Việt Nam nửa đầy thế kỷ XX qua Lá ngọc cành vàng, réo lên hồi chuông về tư tưởng sai lệch của một bộ phận quý tộc.

Lá ngọc cành vàng phê phán những bất công xã hội


Tình cảm đôi lứa nảy mầm trong Lá ngọc cành vàng



Đánh giá của giới chuyên môn và công chúng về Lá ngọc cành vàng

Nhờ sự tài tình trong văn chương, Nguyễn Công Hoan đã khắc họa phần nào khó khăn của thế hệ trước như vấn nạn phân biệt giai cấp, sự trắc trở trong tình yêu. Từ đó, độc giả dần đồng cảm với số phận con người và thấu hiểu cuộc sống thời kì phong kiến.
Lá ngọc cành vàng là một trong những truyện hay nhất của nhà văn Nguyễn Công Hoan.
– Nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan
Dù là tiểu thuyết đầu tay nhưng Lá ngọc cành vàng vẫn được giới chuyên môn đánh giá là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Công Hoan, tái hiện chân thực khung cảnh và tư tưởng người dân chỉ trong 142 trang.

Điều này không chỉ được nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan công nhận mà đông đảo công chúng cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với phong cách của ông. Họ cảm nhận được không khí của những năm tháng đó, thấu hiểu nỗi đau bị coi thường của người dân nghèo.
“Nguyễn Công Hoan có lối viết sách gần gũi với Nông Dân việt nam. Quyển này nói về tự do yêu đương ở thời của ông là có vẻ dữ dội lắm. Phân biệt giàu nghèo thì thời nào cũng có, cãi cha cãi mẹ thì thời đó tội hơi bị khó tha.”
– Phan Thanh Binh
Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Công Hoan nổi tiếng là nhà văn hiện thực phê phán, ông đi ngược số đông để làm bật lên bức tranh u tối ngày ấy. Nhờ đó, độc giả thấy được những hình ảnh đối lập, sự lạnh lùng của một bộ phận quý tộc trước mạng sống con người.
Ngôn ngữ và cách viết chuyện của Nguyễn Công Hoan rất khác so với cách viết hiện giờ, mang theo sự trần trụi, hiện thực đầy phũ phàng. Tự diễn biến câu chuyện cũng có thể nói lên quan điểm, cách nhìn và sự châm biếm của ông đối với xã hội phong kiến.
– Goodreads
Không chỉ là áng văn phản ánh sự bất công của xã hội, Lá ngọc cành vàng còn phê phán những giáo điều như đặt nặng nề nếp gia quy, môn đăng hộ đối. Điều đó khiến hạnh phúc con người, đặc biệt là dân nghèo bị phụ thuộc và phải tuân theo kẻ có quyền thế.

Loan Phương



0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉