Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2022

Nhà văn của nhân phẩm và hạnh phúc con người*


VĨNH BIỆT NHÀ VĂN LÊ MINH

Văn nghệ




Nhà văn Lê Minh tên thật là Nguyễn Thị Tài Hồng, sinh ngày 29/10/1928, quê quán Xuân Cầu, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, bà từng tham gia hoạt động bí mật tại Thái Bình (1942). Sau Cách mạng, bà tham gia vận động công nhân ở Hà Nội, làm Phó ban Công vận tỉnh Nam Định. Ngày 19/12/1946, bà là người trực tiếp tham gia chiến đấu tại khu ga Hàng Cỏ, sau đó là người phụ trách tờ báo hàng ngày của Quận VI. Nhà văn Lê Minh cũng từng tham gia công tác tại Thường vụ huyện uỷ Thanh Trì, Đảng đoàn Sở Văn hoá Thông tin Liên khu I sau là khu Việt Bắc, Ủy viên Ban Phụ vận Trung ương Đảng. Sau 1954, bà chuyển sang hoạt động văn học, làm biên tập văn xuôi các báo Văn Học, Văn, Văn nghệ, Tạp chí Tác Phẩm Mới; là Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Viết văn Nguyễn Du, Ủy viên Hội đồng Văn học công nhân, Trưởng Ban Văn hoá - Văn nghệ báo Nhân Dân, Giám đốc Quỹ Văn hoá Việt Nam của Bộ Văn hoá.

Các tác phẩm đã xuất bản:
Truyện ngắn: Cu Dũng (1959); Anh công dân mới (1962); Lớp học (1964); Ngày mai sắp đến (1969); Con mèo rét (1974); Ô cửa sổ (1974); Má (1976); Ngôi sao đỏ (1976); Đốm hoa tím (1980); Lẵng hạt ngọc (1984); Cái tát (1990); Săn đuổi một tia chớp (1993); Nắng (1998); Trăng lên (2004).

Truyện dài, tiểu thuyết: Chị Tư Già (1966); Cô giáo trường Pa Nù (1969); Người chị - Nguyễn Thị Minh Khai (1976); Tiếng gió (1976); Hạt chò chỉ (1978); Người thợ máy Tôn Đức Thắng (1981); Khúc hát vườn trầu (1982); Rừng đước (1992); Hòn đảo một mình (1984); Hồi (1995);

Ký, tạp văn: Mẻ gang đầu (1965); Mà sao đó là cuộc đời mình (1996); Ngọn lửa ấm (2003); Người đàn bà cầm bút (2004); Cánh buồm nhỏ (2007).

Nghiên cứu: Chân dung văn học (chủ biên, 1992); Nguyễn Công Hoan, nhà văn hiện thực lớn (1993); Chân dung nữ văn nghệ sĩ Việt Nam (chủ biên, 1995); Văn hoá nghệ thuật và phụ nữ Việt Nam (1989); Văn hoá gia đình Việt Nam (1992); Hai mươi năm một chặng đường phát triển của phụ nữ Việt Nam (1996); Gia đình và người phụ nữ (2000); Gia đình của cả hai người (2003); Tuyển truyện ngắn (2011); Chép được ở ngoài đời (truyện ngắn, 2012).

Nhà văn Lê Minh từng đạt Giải nhất Cuộc thi ký của Hội Nhà văn Việt Nam 1962 với tác phẩm Kỷ niệm về Khu Đông; Giải nhất Cuộc thi Truyện ngắn của Hội Nhà văn Việt Nam 1969 với truyện Nắng; Giải A Giải thưởng 5 năm Văn học đề tài công nhân (1980-1984) với tiểu thuyết Hòn đảo một mình; Giải A 5 năm Văn học đề tài công nhân (1991-1995) với tiểu thuyết Hồi; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.

Vì tuổi cao sức yếu, nhà văn Lê Minh đã từ trần vào hồi 17h15 ngày 11/6/2021 (tức mùng 2/5 năm Tân Sửu), hưởng thọ 94 tuổi. Tang lễ nhà văn đã được tổ chức vào 9h30 ngày 17/6/2021 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào 10h30 cùng ngày, sau đó an táng tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, Ba Vì, Hà Nội.

Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, bạn bè, đồng ngiệp và độc giả của nhà văn.

Văn nghệ




Trích Điếu văn nhà văn Lê Minh do nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chấp bút, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trình bày tại lễ tang sáng 17/6/2021

Sự ra đi của nhà văn Lê Minh để lại cho con cháu, gia tộc và tất cả chúng ta lòng tiếc thương vô hạn người cán bộ cách mạng lão thành của Đảng, nhà văn xuất sắc của nền Văn học đương đại Việt Nam.

Sinh ra trong một gia đình tri thức, có tuyền thống yêu nước tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Thân sinh của bà là nhà văn lão thành Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Chú ruột của bà là đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Người anh ruột của bà là nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Tài. Người anh cả của bà là đồng chí Nguyễn Tài Khoái, Thường vụ tỉnh ủy Thái Bình, liệt sĩ chống Pháp.

Thừa hưởng một truyền thống vẻ vang như thế, nên từ thuở nhỏ bà đã sớm có ý thức về lòng yêu nước và tham gia hoạt động bí mật từ năm 14 tuổi trong Hội Phụ nữ phản đế tại thị xã Thái Bình (1942). Sau Cách mạng tháng Tám, bà tham gia công tác vận động công nhân tại Hà Nội và Nam Định (Phó ban Công vận Tỉnh ủy Nam Định). Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bà là cán bộ tình nguyện ở lại trực tiếp tham gia chiến đấu tại khu ga Hàng Cỏ trong “60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô”; đồng thời phụ trách tờ báo hàng ngày Mê Linh kháng chiến của Quận VI - Hà Nội, tham gia Thường vụ Huyện uỷ Thanh Trì, thuộc Tỉnh ủy Hà Đông. Sau đó, bà lần lượt đảm nhận các chức vụ Ủy viên Đảng Đoàn Văn hóa - Thông tin Liên khu I, sau đổi là Khu Việt Bắc, Ủy viên Ban Phụ vận Trung ương, Ủy viên Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, khóa I. Sau năm 1954, bà lần lượt tham gia biên tập viên các báo: Văn Học, Văn, Văn nghệ, Tạp chí Tác Phẩm Mới; Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Báo Nhân Dân; Giám đốc Quỹ Văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Ủy viên Hội đồng Văn học công nhân; Phó Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường viết văn Nguyễn Du Khóa I. Trong các công việc được giao, công việc nào bà cũng tận tâm tận lực hoàn thành, để lại ấn tượng tốt đẹp trong đồng nghiệp và tín nghiệm cao của cộng tác viên.

Dấn thân vào sự nghiệp cách mạng với tâm huyết và trách nhiệm của một Đảng viên cũng chính là sự chuẩn bị công phu và tích lũy vốn sống lâu dài để sáng tác. Với hơn 30 tác phẩm đủ các thể loại bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu, nhà văn Lê Minh là nhà văn đầu đàn của các nhà văn nữ. Xây dựng thành công nhiều nhân vật phụ nữ sống động, tiêu biểu để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc trong nhiều tác phẩm. Đó là các tiểu thuyết Chị Tư già (1966), Cô giáo trường Pa Nù (1969), Người chị - Nguyễn Thị Minh Khai (1976), Hồi (1995)… Hình ảnh người cán bộ phụ nữ trong các tác phẩm đó chính là sự hóa thân của tác giả, là sự ký thác biết bao nhiêu tin yêu, hi sinh và phấn đấu từ sự trải nghiệm của chính người viết. Đó chính là công lao và cống hiến quan trọng nhất của nhà văn Lê Minh cho văn học đương đại Việt Nam.

Vì từng trải cuộc đời, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nên viết về các nhân vật cán bộ cách mạng là sở trường của nhà văn Lê Minh. Đó là các tập truyện ngắn  (1976) Ngôi sao đỏ (1976), Hòn đảo một mình (1984) và đặc biệt là truyện dài Người thợ máy Tôn Đức Thắng (1981). Trong những năm đấu tranh để thống nhất đất nước, biết bao nhiêu bạn đọc đủ các thế hệ đã từng đọc Người thợ máy Tôn Đức Thắng với tình cảm hướng về miền Nam ruột thịt, chia lửa với miền Nam, dốc sức cho miền Nam hướng về ngày thống nhất đất nước. Đây là một trong những tác phẩm quan trọng nhất làm nên tên tuổi của nhà văn Lê Minh.

Tâm huyết với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, ngoài sáng tác, nhà văn Lê Minh còn dành rất nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu về phụ nữ và gia đình. Bà đã hoàn thành một loạt tác phẩm với vốn hiểu biết sâu rộng và một trí tuệ uyên sâu, có giá trị khoa học sâu sắc. Đó là các tác phẩm: Chân dung nữ văn nghệ sĩ Việt Nam (chủ biên, 1995), Văn hoá nghệ thuật và phụ nữ Việt Nam (1984), Văn hoá gia đình Việt Nam (1992), Hai mươi năm một chặng đường phát triển của Phụ nữ Việt Nam (2000), Gia đình và người phụ nữ (2000), Gia đình của hai người (2003). Với độ dài của thời gian và sự kiểm nghiệm của đời sống, chúng ta thấy những vấn đề đặt ra trong các công trình nghiên cứu của bà có giá trị tổng kết rất sớm và có giá trị dự báo rất cao, đóng góp xứng đáng vào việc bảo toàn và phát huy các giá trị gia đình trong tổng thể văn hoá Việt Nam.

Với 94 tuổi đời, 75 tuổi Đảng, nhà văn Lê Minh đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp giải phóng phụ nữ, sự nghiệp phát triển văn học vì nhân phẩm và hạnh phúc con người. Bà còn có công lao to lớn trong việc chăm sóc, bồi dưỡng đội ngũ kế cận cho nền văn học hiện đại Việt Nam; để lại một tấm gương mẫu mực và rất mực trong sáng của một Đảng viên lão thành, một cán bộ tiêu biểu đầy nhiệt huyết về vận động phụ nữ, một nhà văn xuất sắc với nhiều tác phẩm có giá trị lâu dài trở thành hành trang tinh thần của hàng triệu bạn đọc Việt Nam.

Nhớ đến nhà văn Lê Minh chúng ta nhớ một người vợ hiền thục, đảm đang, một bà mẹ đức độ hết lòng chăm lo hạnh phúc cho con cháu. Với những cống hiến bền bỉ trong hoạt động cách mạng và sáng tạo văn học, nhà văn Lê Minh đã được trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước. Bà đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Nhà văn Lê Minh mất đi nhưng cuộc đời và sự nghiệp của bà vẫn còn mãi, xứng đáng là niềm tự hào của gia tộc họ Nguyễn Xuân Cầu…

______

* Tiêu đề do tòa soạn đặt.

Nguồn Văn nghệ số 26/2021




0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉