Ads 468x60px

.

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

“Vua tàu thủy Bắc Kì” Bạch Thái Bưởi qua con mắt nhà văn Nguyễn Công Hoan


“Vua tàu thủy Bắc Kì” Bạch Thái Bưởi qua con mắt nhà văn Nguyễn Công Hoan

Nguyên Phong
(sưu tầm và giới thiệu)


LTS:
Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông được coi là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Di sản nghệ thuật của Nguyễn Công Hoan có hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài và nhiều tiểu luận văn học với nhiều tác phẩm đã trở thành kinh điển của nền văn học hiện thực Việt Nam như: Người ngựa – ngựa người, Kép Tư Bền, Bước đường cùng, Đống rác cũ,… Cuốn sách “Nhớ gì ghi nấy” của Nguyễn Công Hoan được viết từ năm ông lên tuổi 70 và đến những năm cuối đời. Nhà xuất bản Tác phẩm mới đã tổng kết, những nội dung chính ông nêu trong cuốn sách gồm 3 nội dung chính:
1. Những việc xảy ra trong đại gia đình mà nhà văn có lẽ muốn cho con cháu biết.
2. Một số nhân vật (những tên Tây thực dân, quan lại, địa chủ, tư sản mại bản) mà tác giả nghe biết và ghi lại.
3. Những điều tai nghe mắt thấy phần nhiều vào đầu thế kỷ này khi nhà văn đương tuổi thanh niên. Đó là những ghi chép về Hà Nội, những nơi nhà văn đã ở, làm việc và đi qua.
Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã dành nhiều trang sách nói về doanh nhân, “vua tàu thủy Bắc Kì” Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932), người hơn ông 26 tuổi và là một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất vào thời bấy giờ. Những trang viết của Nguyễn Công Hoan về Bạch Thái Bưởi là sự “nhớ và ghi”, là những thông tin dữ liệu lịch sử qua lăng kính của một nhà văn cùng thời với Bạch Thái Bưởi, trong đó có nhiều trang viết khen và cũng nhiều trang viết chê. Điều đó cũng phản ánh một thái độ, tinh thần rất khách quan, khoa học của Nguyễn Công Hoan khi viết về doanh nhân Bạch Thái Bưởi.

Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam xin trích một số đoạn trong cuốn sách nói về “Vua tàu thủy Bắc Kì” Bạch Thái Bưởi của nhà văn Nguyễn Công Hoan với mong muốn cung cấp thêm cho độc giả tư liệu về một nhân vật đặc biệt của ngành đóng tàu Việt Nam này.
Chân dung Bạch Thái Bưởi trên Nam Phong tạp chí


Hải Phòng có ông Nguyễn Hữu Thu, chủ tàu thủy. Ông này vừa làm nghị viên dân biểu, vừa làm Hội trưởng Hội Trí tri là danh nhân ở cảng. Người ta còn gọi ông là ông Thông Vôi. Thông, chắc là chức thông ngôn. Vôi, vì có dạo trong cơm tù, ông hòa vôi vào với gạo để thổi cho cơm nở. Thông Vôi thành tên không phải để chế nhạo, mà để gọi thường. Ông Thu cũng nhận cái tên nhân dân đặt cho mình, không ngượng ngịu, không xấu hổ.
*
Ông Thu thông gia với Bạch Thái Bưởi, một nhà triệu phú hồi đó, nối nghiệp về nghề buôn tàu thủy. Là thông gia vì hai người cùng giàu và cùng ở Hải Phòng. Nhưng hai người là địch thủ của nhau trong việc buôn bán cạnh tranh ghê gớm với nhau. Song, do là thông gia, ông Bưởi và ông Thu lại vẫn vay tiền lẫn của nhau. Không đến thăm nhau được, thì gọi điện hỏi thăm sức khỏe của nhau.

Một lần ông Thu gọi điện hỏi thăm sức khỏe của ông Bưởi, ông này trả lời: "Khổ quá, tôi đang lo món nợ cụ đến hạn mà không xoay đâu để trả đúng hẹn, nên đương ốm đây, cụ ạ".

Ông Thu chết, ông Bưởi biết giờ đưa đám, nhưng phải bảo thư kí rằng gần đến giờ thì nhắc. Đến giờ thư kí nhắc, ông Bưởi mải làm cho xong một việc. Làm xong, vội vàng mặc quần áo chỉnh tề, để ra xe đến nhà ông Thu.
Lúc ấy đám tang đã đi được một quãng.
*
(25-26) …

Bạch Thái Bưởi còn gọi là Kí Bưởi, vì có làm kí rượu (bán rượu cho côn ti độc quyền Phông Ten). Có người nói hồi ông mới buôn tàu, thì công ti với bà phán Thái. Vì vậy, mới đặt hai tên là TháiBưởi. Còn họ Bạch nghĩa là trắng, là không lấy họ riêng của ai. Ở tàu thủy, thường cắm cờ màu vàng, viền đỏ, có bốn chữ Bạch Thái công ti.

Ông này là tư sản dân tộc, có tài buôn bán, nhưng cũng có tài đi lừa.

Ngày nay, có một cuốn sách viết về tư sản Việt Nam, nói rằng ông Bưởi bị tư bản đế quốc chèn ép nên phá sản. Mình ngạc nhiên, cho là điều này mình không rõ, nên đến hỏi tác giả là ông Bưởi bị tư sản đế quốc chèn ép như nào, tác giả không trả lời được cụ thể. Mình thì biết về ông Bưởi khác kia. Thì ra ông tác giả này máy móc, theo quy luật đã viết trong các sách khác mà gán cho ông Bưởi bị nạn chèn ép. Song sự thực lại không phải như thế, nên ông tác giả không trả lời được câu hỏi của mình.

Những chuyện mà mình được nghe về ông Bưởi rất nhiều. Triệu phú hồi này rất hiếm, cho nên chuyện về ông Bưởi không mấy người không biết. Bạch Thái Bưởi lập nghiệp từ việc có tiểu bài bán rượu lẻ của công ti độc quyền Phông Ten, sau được lĩnh trưng bán rượu một tỉnh (Kí Bưởi là kí rượu tên là Bưởi).

Năm đặt đường xe lửa Nam Định – Thanh Hóa, ông thầu làm tà vẹt cho hãng xe lửa. Tà vẹt là khúc gỗ ngang để đặt đường sắt lên trên. Ông đặt mua tà vẹt của dân theo kích thước và giá cả mà đôi bên đã thỏa thuận. Nhưng không rõ mánh khóe về kích thước thế nào, hoặc dùng thước khi đo tà vẹt thế nào mà lúc dân giao tà vẹt cho ông thì không đúng kích thước đã quy định. Ông không lấy, trả lại người làm. Thế thì họ dùng tà vẹt làm gì, nên lại phải bán rẻ cho ông.

Thế là ông lãi được rất nhiều.

Những người làm tàu với ông Bưởi nói rằng không một ai dính dáng đến tiền nong với ông mà không bị lừa. Ông lừa từ một vài trăm, cho đến một vài hào. Ông có thầy cãi riêng. Tháng nào tòa án cũng phải xử một vài vụ kiện ông về tội ông đi lừa. Ông quỵt tiền thuê nhà hàng trăm, và lừa cả những người hàng nước, thuê đất trên bờ sông, bến tàu của ông, mỗi tháng 1 - 2 đồng. Hình như bệnh của ông là bệnh đi lừa. Tháng nào không lừa được ai thì ông không yên lòng. Thành thử bao nhiêu những người vào công ty buôn tàu với ông buổi đầu đều bị ông lừa suốt lượt. Rút cục, gọi là Bạch Thái công ti mà chẳng còn ai được chia lãi với ông.

Ông buôn tàu, mới đầu có vài chiếc nhỏ, như chiếc Yên Bái, mua lại của cô Tư Hồng (con me Tây đầu tiên ở Việt Nam). Sau, phát tài ông có tàu chạy Hà Nội - Nam Định, Hà Nội – Hải Phòng, Nam Định – Hải Phòng, Hà Nội – Tuyên Quang, Hải Phòng – Kiến An, Nam Định – Lạc Quần,… Ông lại đóng được chiếc tàu chạy biển, vào Bến Thủy, lấy tên là Bình Chuẩn.

Ở Bắc Kì, ông có tàu đi khắp các sông, cho nên ngày ấy Phạm Quỳnh chủ báo Nam Phong được ông thuê viết bài đăng báo để quảng cáo cho Công ti Bạch Thái đã tâng bốc ông là Vua Sông để so với các vua dầu hỏa, vua sắt ở bên Mĩ. Về việc này, ông thuê Phạm Quỳnh 500đ. Nhưng rồi chỉ trả có 300đ, nói rằng vì bài viết không đủ.

Việc này làm Lê Văn Phúc sượng mặt với Phạm Quỳnh. Lê Văn Phúc là chủ nhà in, in báo Nam Phong, đồng thời cũng là một trong năm người sáng lập báo Nam Phong. Phúc là em vợ hay em rể của Bưởi, mới đứng ra giới thiệu Bưởi với Quỳnh nên Quỳnh mới viết bài này. Ngày trước nhà in Lê Văn Phúc (16 Hàng Hài) cũng gọi là nhà in Kí Bưởi. Vậy Bạch Thái Bưởi cũng đã có thời kì mở nhà in, sau mới nhường nhà in cho Phúc.
Tàu Kí Bưởi ganh nhau với tàu hiệu. Tàu hiệu là tàu của chủ Hoa kiều. Nhưng do người Việt Nam mình giầu tinh thần dân tộc nên đi tàu Kí Bưởi. Tàu hiệu chỉ còn lấy việc chở hàng là chính. Việc này cũng dễ hiểu, vì hàng họ từ Trung Quốc sang ta, đổ ở Hải Phòng, nên các hiệu Hoa kiều ở Hải Phòng tải đi các nơi bằng tàu của người nước họ, chứ không bằng tàu Kí Bưởi.

Ngoài tàu Kí Bưởi và tàu hiệu, còn có tàu của Pháp, gọi là tàu Tây điếc và Tây cao, đi các sông, lại không sống bằng chở hàng và chở khách, mà sống bằng chở thư Bưu điện, nhưng được trợ cấp rất nhiều. Cần nhớ rằng, hồi Kí Bưởi mới có tàu chở khách, ông có đặt ở mỗi tàu một thùng quyên tiền. Không chuyến nào thùng quyên tiền không có tiền. Có lần có cả một tờ giấy 20đ.

Vì cạnh tranh với tàu hiệu về việc lấy khách nên thỉnh thoảng hai bên ganh nhau. Ganh nhau về chạy nhanh, ganh nhau về hạ giá vé. Từ Hà Nội đi Nam Định, khách hạng thường trả 1 hào. Hạng thường là hạng ngồi ở hai bên rìa. Vì ở giữa tầu là buồng rộng, có cửa đóng để che gió, gọi là sa lông, khách trả ba hào. Hai bên rìa thì có thể gió mưa hắt vào. Tàu hiệu không có sa lông, khách thuê chiếu nằm ngổn ngang trên sàn, bất cứ chỗ nào. Cạnh tranh thì sa lông không hạ giá. Nhưng hạng thường thì hạ giá. Khi thấy tàu Kí Bưởi hạ xuống 1 hào thì tàu hiệu cũng hạ theo. Rồi tàu Kí Bưởi không hạ thêm, mà biếu mỗi người khách một gói chè đáng giá 1 xu. Được ít lâu, hình như hai bên cùng thiệt hại, mới điều đình với nhau thế nào đó, nên giá lại như cũ.

Ngày hội đền Kiếp Bạc, Kí Bưởi cho tàu chở khách từ Hải Dương đi Kiếp Bạc để tranh khách với tàu hiệu. Bên tàu hiệu mất khách, mới hạ giá vé. Nhưng bên Kí Bưởi cũng hạ theo. Sau bên tàu hiệu quay quắt, mới nghĩ ra kế là thuê người làng ỉa bậy ở bến tàu Kí Bưởi. Qủa nhiên khách thấy bẩn, thì tàu Kí Bưởi có bớt khách. Nhưng Kí Bưởi nghĩ ngay cách đối phó. Ông mới thuê người dọn cứt là người làng ấy. Người làng với nhau thì khuyên bảo hoặc dọa nạt được những người ỉa bậy. Bên Kí Bưởi từ đó được sạch sẽ.

Hai tàu còn ganh nhau đến trêu tức nhau, rồi sinh ra thù hằn nhau.

Tàu Kí Bưởi tốt, chạy nhanh, nên mặc cho tàu hiệu nhổ neo trước. Đến lúc tàu Kí Bưởi đuổi kịp thì hành khách đứng ra mạn tàu để xem, cũng lấy làm khoái, nên được người ba toong, tức là người bẻ lái, xui là vỗ tay lên, cho bên tàu hiệu xấu hổ.

...

Kí Bưởi là người rất cương quyết, cứng rắn.

Người ta kể rằng con trai thứ tư của ông là Bạch Thái Tư được ông cho sang Pháp học. Ba người con lớn là Toán, Tòng, Đào không nối được nghiệp của ông, vì chúng chơi bời, kém nhân cách, nên ông chỉ mong về Tư. Một hôm đương làm việc, ông nhận được tờ điện báo, báo tin Tư chết. Xem xong, ông cho tờ điện báo vào ngăn kéo, tiếp tục làm việc cho đến lúc hết giờ.

Nhưng ông lại rất mê tín. Ông tin một người thầy bói ở Nam Định. Thấy nói tháng nào ông cũng nhờ bói xem tháng ấy, ông làm ăn thế nào. Cái ngày tàu ông bị đắm nhiều, chỉ còn chiếc Tự Đức là tốt, thì thầy bói xem quẻ nói rằng tàu Tự Đức đến hôm ấy, hôm nọ cũng sẽ bị đắm. Ông tức lắm, mới đánh điện, bắt tàu Tự Đức trở về Nam Định ngay. Và trước ngày thầy bói nói bị đắm, thì ông bắt đóng cọc xung quanh, lấy dây xích sắt và chão cột chặt tàu với cọc cho thật chắc chắn. Nhưng sáng hôm sau, có tin báo cho ông, biết là tàu Tự Đức đắm. Thì ra vì nó bị cột chặt quá, khi nước thủy triều dâng lên, nó không nổi rềnh lên được, nước mới ùa vào cả tàu.

Thầy bói còn nói ông giầu thế nhưng lúc chết sẽ không còn mảnh bát mà ăn. Ý nói nghèo rồi chết đói.

Việc ông bán tất cả tàu của ông cho hãng Sauvage (Xô Va) của Pháp không phải vì ông bị tư bản đế quốc chèn như cuốn sách đã quá sách vở, mà là vì ông đã nhìn rất xa. Dạo ấy ở Bắc Kì lác đác có phong trào ô tô buýt chở khách. Ông mới nhìn ngay thấy tương lai của ông. Tàu của ông chỉ ăn về chở khách, mà khách sẽ đi ô tô buýt vừa nhanh vừa rẻ. Ông mới đùn cái chết cho hãng Xô Va. Hãng này mua tất cả tàu của ông, trả cho ông một món trước, rồi sau trả dần mỗi tháng là 500đ. Tức là để chống lại số mệnh mà thầy bói đoán. Với món tiền này, ông đổi nghề ra Bí chợ, khai mỏ than. (27-37)

Bạch Thái Bưởi có điểm tốt là đã dùng Bùi Như Uyên, một người Đông du về nước nhưng bị lộ, và nuôi con thứ hai cụ Thượng Hiền là Nguyễn Thượng Khoa, cho sang Pháp học với Bạch Thái Tư. Nguyễn Thượng Khoa hiện ở bên Pháp, không về nước. (Tr.522)

….

Bài viết trích dẫn từ cuốn sách: “Nhớ gì ghi nấy” của Nguyễn Công Hoan, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1998, 770 trang.



Nguyên Phong
(sưu tầm và giới thiệu)






Tàu (sà lúp- chaloupe) Phi Hổ - một trong những phương tiện thuộc đội tàu thủy vận chuyển của doanh nhân Bạch Thái Bưởi


Một ma-két quảng cáo của hãng vận tải Bạch Thái Bưởi trên báo chí thời Pháp thuộc năm 1924


Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Các nhà văn được miêu tả như thế nào?


Các nhà văn được miêu tả như thế nào?

Vương Trí Nhàn


Xuân Diệu từng có hai câu thơ được nhiều người nhắc nhở:

Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ.

Trong nhiều truyện ngắn, Nam Cao cay đắng kể lại tình thế bất lực và nông nổi dễ bị bắt nạt của người cầm bút.

Văn sĩ An Nam khổ như chó – Nguyễn Vỹ đã nói huỵch toẹt ra như vậy trong bài Gửi Trương Tửu.

Trong văn chương Việt Nam thế kỷ XX vậy là có cả một mạch sáng tác, ở đó, các nhà văn viết về chính mình. So với văn học trung đại, nay là lúc chẳng những chủ đề này được khai thác thường xuyên, mà có một điều quan trọng hơn, những ảo tưởng vốn gắn liền với văn nhân xưa được khắc phục. Sự sáng tạo được kéo xuống phàm trần. Ở đó, một mặt vẫn có cái vẻ thiêng liêng, song mặt khác, nó cũng hiện ra với tất cả cái vẻ lam lũ, vất vả vốn có. Cái tinh thần hiện đại đã chi phối các nhà văn trong việc nhìn nhận con người nói chung tới đây lại tiếp tục gây ảnh hưởng.

Những sự quá đà và những điều chính

Nếu trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, cùng lúc thấy sự ngự trị của cả hai khuynh hướng là lý tưởng hoá đời sống (thường gọi là chủ nghĩa lãng mạn) và cực tả những mặt đen tối của đời sống (thường được mệnh danh là chủ nghĩa hiện thực) thì trong các sáng tác viết về nghề văn, hai khuynh hướng đó cũng đã có mặt.

Khi hình dung lại cuộc đời cầm bút của mình, Vũ Bằng gọi đó là Bốn mươi năm nói láo. Nhiều chuyện bất hảo của người làm nghề được ông kể lại rành rọt trong cuốn hồi ký: nào kéo bè, kéo cánh công kích nhau; nào lúc vội, cần có bài liền tán “vung xích chó”, và thi nhau nói dóc v.v…

Trong Đời viết văn của tôi, Nguyễn Công Hoan cũng cho thấy là nhiều lúc, ông xem giới văn chương như một cái chợ; và kể lại rằng, trước 1945, có những cây bút khiến người ta ghê sợ “như sợ hủi”.

Có điều, nên xem đây chỉ là một nửa sự thực. Ngay trong các hồi ký nói trên, các tác giả cũng đã trình bày ra một nửa sự thực khác: Vũ Bằng sau một đời lăn lộn với giới báo chí và văn chương vẫn hết sức tha thiết với nghề và ao ước nếu được làm người lần nữa, thì vẫn chọn nghề cầm bút. Nguyễn Công Hoan cũng cảm động ghi nhận trong hồi ký những kỷ niệm đẹp trong đời sáng tác, và tự thấy rằng đã hết lòng với sứ mạng của mình. Nên biết thêm là Nguyễn Công Hoan không chỉ là tác giả của những thiên truyện như Cái Tết của các nhà đại văn hào hoặc Cái lò gạch bí mật chế giễu sự ngây thơ của các đồng nghiệp, mà chính ông đã để thì giờ viết hẳn một cuốn tiểu thuyết như Trên đường sự nghiệp, trong đó, hình ảnh những người viết văn hiện ra hết sức lãng mạn.

Trong khi đó, một cái nhìn phải chăng hơn, mà cũng là cận nhân tình hơn, ưu ái hơn đối với giới sáng tác là tinh thần chính toát ra qua các thiên truyện như Mực mài nước mắt của Lan Khai, Những đứa con hoang của Nguyễn Tuân v.v…


Giữa mơ ước và hiện thực

Muốn tìm hiểu hình ảnh các nhà văn qua các trang sách được viết trong nền văn học cách mạng từ sau 1945, trước tiên, nên chú ý đến một sự thực có liên quan đến thể loại được sử dụng.

Một mặt, để có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước, mọi người cầm bút lúc này đều hiểu rằng phải có ý thức phấn đấu để trở thành những ngòi bút cao quý. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các bài phát biểu mang tính cách chính luận thường xuyên xuất hiện trên báo chí.

Mặt khác, khi đi vào miêu tả bản thân giới cầm bút như những người lao động bình thường, thì người ta cũng có chủ ý phác hoạ hình ảnh của đồng nghiệp với tất cả vẻ sinh động vốn có của đời sống.

Hiện nay, chưa ai đứng ra sưu tầm đầy đủ các sáng tác loại này (tức là các thiên truyện, trong đó, người viết văn trở thành nhân vật trung tâm), song chỉ căn cứ vào một vài cuốn sách đã in, cũng đã có được những ví dụ chứng minh cho tinh thần nói trên. Chẳng hạn, đây là một tập sách mới in ra năm 2000 mang tên Truyện ngắn chọn lọc viết về các nhà văn.

Ở đây, người ta có thể bắt gặp Người kể chuyện thuê của Nguyễn Khải, Ghen của Ngô Văn Phú, Nạn văn chương của Nguyễn Phan Hách, Tình vờ của Phạm Dũng v.v… Truyện thì kể lại những ảo tưởng của người làm nghề, truyện thì phác hoạ cuộc sống nhếch nhác và những bươn chải kiếm ăn của họ. Đùa có, thật có, mơ màng đấy mà ứa nước mắt đấy!

Xin nhắc lại rằng, cả hai phương diện nói ở đây (mơ tưởng cao đẹp và thực tế hàng ngày lầm lũi như mọi người) gộp lại mới làm nên bộ mặt thực của các chủ thể sáng tạo hiện nay.



Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn – (st)





Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Nhà văn Việt Nam đầu tiên viết những mánh lới ma mãnh trong vấn đề “huy động vốn” là ai ?


Nhà văn Việt Nam đầu tiên viết những mánh lới ma mãnh trong vấn đề “huy động vốn” là ai ?

Lê Minh Quốc


Đó là nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977). Từ thập niên 1930, ông đã viết truyện ngắn Bạc đẻ đăng hai kỳ trên Tiểu thuyết thứ bảy: Ông Cửu Ấu ở trọ nhà ông Trưởng Sắc có hành tung rất khả nghi, xài tiền như nước, thường hay vắng nhà.
“Song hễ ở nhà thì ông ta hay mượn chiếc chậu thau đồng lên buồng làm gì, để hàng hai ba tiếng đồng hồ, rồi khi dùng xong thì tự tay đem ra ao, lấy trấu và cát đánh cho thực sáng rồi mới đem trả. Ông ta có một tính khác người thường, là hễ ở nhà, thì không thích cho ai lên buồng riêng của mình. Có một lần ông đã mắng đứa đày tớ vô ý trước khi mở cửa vào, không đánh tiếng hoặc gõ cửa. Nhưng khi ông đi vắng thì tha hồ, ai vào cũng được, tuy đồ đạc, quần áo ông để bừa bãi, mà có một lần ông Trưởng sợ quá, cái va li của ông Cửu, trong để rặt những đồng bạc, mà ông quên không khóa”.
Rồi trong một lần chè chén say sưa, ông Cửu “vô tình” cho ông Trưởng biết là mình đang nắm giữ “công nghệ” làm cho bạc đẻ thêm nhiều, cứ một đồng thì đẻ ra một đồng! Mà bạc nó cũng ở cữ nên ông phải đi xa khi nó thụ thai, nếu ở gần thì bạc tịt lại, không đẻ được gì cả. Nghe “nhỏ to tâm sự” như thế, ông Trưởng nổi máu tham, đưa tiền cho ông Cửu làm cho bạc đẻ và đúng như vậy. “Tiếng lành đồn xa”. Sau đó, cả làng đều biết chuyện và ùn ùn đưa tiền cho ông Cửu.
“Cả làng, từ ông già cho chí trẻ con, ai cũng tấp nập rủ nhau đến nhà ông Trưởng để đưa bạc đi đẻ. Thôi thì có bao nhiêu bạc giấy, hào, xu, họ đổi thành bạc đồng và đánh cho thật bóng nhoáng. Ông Cửu mỏi tay biên sổ trong hai ngày, vì từ thằng khố dây trong làng, cũng cố cầm cố bán chác đồ đạc trong nhà để kiếm vài đồng bạc trắng. Ông chánh Bá, giầu nhất tổng, đưa đẻ hẳn năm trăm, mà còn tiếc vì vội quá, không kịp bán nốt mấy chục mẫu ruộng, ông lý Thới, ông lý Sang, ông phó Ung, ông cả Sích, vân vân, và những nhà có máu mặt, đều cùng nhau đưa hàng trăm; còn hạng đưa hàng chục, hàng đồng, thì tên biên vừa đen kịt hai mươi trang giấy. Khi cộng sổ, ông Cửu phải lắc đầu lè lưỡi nói với ông Trưởng:
- Sáu nghìn bảy trăm sáu mươi tư đồng, chà! Có lẽ tôi phải lánh đến bảy tám hôm chắc!
Ông Trưởng cười gượng:
- Chúng tôi chỉ dám phiền ông có lượt này nữa thôi đấy ông chịu khó vậy.
- Vâng, tôi có dám phàn nàn đâu!
Vừa xẩm tối, mọi người đã chen chân nhau vào nhà ông Trưởng để được xem phép lạ. Nhưng họ có được trông thấy gì đâu, vì phải đứng cả ở ngoài sân, mà ông Cửu thì ở tận trong buồng để làm việc. Hàng năm sáu giờ đồng hồ sau, bỗng ông Trưởng, vẻ mặt quan trọng như ông tướng chạy ra hè hô lớn:
- Bây giờ ai phải về nhà nấy để bạc dưỡng thai. Cấm không ai được dòm, vì nếu có hơi người lạ thì bạc tiểu sản, biến ra bùn mất cả. Ai không tuân lệnh mà làm hỏng mẻ này thì phải đền sáu nghìn bảy trăm sáu mươi tư đồng, một thành hai!
Mọi người thấy câu nói đều sợ thiệt đến của riêng, bèn kéo ồ cả ra về. Độ năm phút sau, sân nhà vắng vẻ, ông Cửu đi dò la chung quanh hàng rào, rồi một mình khênh bạc ra vườn, lúi húi làm nốt công việc.
Lúc chôn xong thì vừa hai giờ sáng, ông Cửu mệt nhoài, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhưng theo phép, ông phải lánh xa chỗ bạc dưỡng thai, nên ông vội vã khăn áo ra đi, và dặn lại ông Trưởng:
- Bốn giờ kém năm sáng thứ bảy sau, tôi sẽ trở lại. Trong chín hôm tôi không có đây, ông phải cấm không cho ai lai vãng ra vườn nhé!”
Thế là sau khi cầm gọn một số tiền lớn, ông Cửu... biến luôn!

Rõ ràng cái mánh này vẫn còn được các “đại gia” ngày nay áp dụng nhưng tinh vi hơn bội phần. Đó là các trường hợp tiêu biểu như Lâm Cẩu, Nguyễn Văn Mười Hai, Huỳnh Là v.v... đã huy động vốn trong nhân dân để kinh doanh với chiêu bài trả lãi suất cao hơn ngân hàng gấp nhiều lần, nhưng thật ra họ chỉ lấy tiền... người trước trả cho người sau! Đến khi đồng loạt các con nợ đến rút lại tiền mà các “đại gia” đã huy động thì... “bể mánh” là lẽ tất nhiên!
Và thêm một điều thú vị khác của truyện ngắn này, là khi ta liên hệ với hai vụ lừa đảo có “tầm vóc” xuyên lục địa vừa mới xẩy ra gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 3.1998, hai tên tội phạm quốc tịch Camơrun đã dùng “chiêu bài” rất hấp dẫn... “biến giấy trắng thành đô la”! Chúng đã lừa và “ẵm” trót lọt của ông Trần Chính Hưng - một doanh nhân người Hoa ngụ tại quận 5 là 100.000 USD.

Tương tự như vậy, vào ngày 15.7.2003, hai đối tượng tội phạm khác cũng quốc tịch Camơrun là Lata và Simo đã tìm đến ông Long - một Việt kiều đang làm ăn tại Việt Nam. Sau khi giả vờ trao đổi về một số phương thức để hợp tác kinh doanh thì chúng tiết lộ với ông Long rằng, chúng có một số lượng ngoại tệ rất lớn ở nước ngoài đã đưa vào Việt Nam. Do số tiền lên đến hàng triệu USD nên không thể đưa vào một cách hợp pháp, vì vậy, chúng phải ngụy trang bằng cách nhuộm trắng toàn bộ số đô la trên giống như những tờ giấy trắng và đóng thành một “kiện hàng”. Tuy nhiên, hiện chúng không đủ tiền mua một hóa chất đặc biệt để “tẩy rửa” toàn bộ “kiện hàng” này thành đô la. Nếu ông Long đồng ý cho chúng mượn tiền, thì sẽ được “trả công” 50% trong tổng ngoại tệ mà chúng đang có! Lời đề nghị quả là hấp dẫn. Để đưa “con mồi” vào tròng, chúng đã dẫn ông Long lên một khách sạn để tận mắt chứng kiến... “công nghệ chế biến đô la”! Qua một màn phù phép, chúng đã tặng không cho ông Long 5 USD xài chơi! Tin thật, ông Long đã cho chúng mượn trước 30.000 USD, nhưng với tinh thần cảnh giác nên cùng lúc ông đã bí mật báo cho công an. Lúc 16 giờ ngày 17.7.2003, tại một địa điểm trên đường Nguyễn Đình Chiểu - nhà riêng của ông Long, hai tên tội phạm này đã thao tác “tẩy rửa” 200.000 USD nhuộm trắng thành đô la thật.
Loại hóa chất mà chúng sử dụng thật ra rất đơn giản - sau này theo giám định của Bộ Công an - chúng hòa tan iốt, tức loại thuốc sát trùng rất rẻ tiền, có bán tại các nhà thuốc tây trong cồn ở nồng độ cao để trở thành dung dịch có màu nâu đen. Khi thả những giấy trắng được cắt bằng kích cỡ của tờ đô la thì chúng cũng “nhanh tay lẹ mắt” thả luôn vào tờ đô la thật. Tất nhiên cả thẩy đều bị nhuộm nâu đen. Xong, chúng vớt những tờ đô la thật bỏ vào trong xô nước có pha sẵn xà phòng, thì những tờ giấy bạc này trở lại sắc màu như cũ. Trò ảo thuật đã khiến người ngoài cuộc tưởng hóa chất đã tẩy rửa những tờ giấy bạc bị nhuộm trắng thành đô la thật. Quá trình thao tác này nhanh đến mức dù tận mắt chứng kiến, nhưng khó ai có thể phát hiện ra trò đánh tráo này. Khi Lata và Simo xếp từng tờ đô la “bàn giao” cho ông Long thì cũng là lúc công an ập vào bắt quả tang và giám định toàn bộ số tiền trên là... tiền giả!

Thì ra, với truyện ngắn “Bạc đẻ” nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng đã “dự báo” một cách tài tình những thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm quốc tế trong thời đại mà chúng ta đang sống.



Lê Minh Quốc





PDF

Nghề làm xe tay


Nghề làm xe tay

Lê Minh Quốc


Người phu kéo xe do nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc vẽ
(báo Le Paria số 5 ra ngày 1.8.1922).


Có lẽ Tú Xương là nhà thơ trước nhất đưa chất liệu thực tế vào thơ: “Ông chồng thương đến cái xe tay”. Trước kia các quan nước ta thường đi ngựa, đi võng hay đi cáng. Sau Đốc lý Hà Nội Bonnal mua được bên Nhật Bản hai cái xe tay, một biếu quan Tổng đốc, một để dùng. Về sau, năm 1884, ông tham tá nhà Đoan là Ulysse Leneveu dù hưu trí, nhưng chưa vội về cố hương mà ở lại Hà Nội để kinh doanh. Ông sang Hồng Kông mua được 6 chiếc xe tay, vừa để cho thuê, vừa mướn thợ Việt Nam căn cứ vào mẫu mã có sẵn để sản xuất thêm. Mãi đến ngày 24.3.1887, ông Leneveu mới có được hơn 100 chiếc xe để cho thuê. Từ đó những người thợ của ta đã làm xe cho ông Leneveu cũng bắt đầu sản xuất loại xe này, hầu hết xe tay dùng bánh sắt. Chỉ có quan tuần vũ, quan tây mới dùng loại xe bánh cao su- mà người lính kéo thường mặc áo “kép nẹp”, đầu đội “nón gù”, đi chân không. Rồi mãi đến năm 1932 mới có tập phóng sự Tôi kéo xe của nhà báo trứ danh Tam Lang (Vũ Đình Chí) ra đời - mở đầu cho thể loại viết phóng sự ở Việt Nam. Nhân đây, ta đọc lại một đoạn ngắn trong tập phóng sự này. Một người “cựu binh” trình bày “kỹ thuật” kéo xe cho người mới vào nghề:
“- Kéo xe cũng là một nghề. Đã đành cầm đến cái tay gỗ thì ai cũng kéo, ai cũng đi, nhưng phải kéo làm sao, đi làm sao cho đỡ vất vả.
Tôi chắc bác chạy một cuốc xong, thể nào bác cũng phải thở dốc một hồi, lúc mới buông hai chiếc tay xe ra. Thế là không biết kéo rồi, người kéo thạo tuy cũng thở, nhưng không phải thở dốc ra như thế.
Làm cái nghề chạy quanh năm suốt ngày này, người đã không thể nhớn lên được, cứ cọc dần đi, nếu không biết chạy mà lần nào cũng thở hồng hộc như bò thì phổi mình phải yếu dần đi, rồi đến mắc ho mắc xuyễn. Ăn đã chẳng có gì béo bổ, ở cũng ở chui ở rúc, lại còn dãi gió dầm mưa, phơi sương phơi nắng, đến đá cũng phải ốm, đừng nói là người. Nhưng giời đã đầy vào kiếp ấy, cũng chẳng chống lại được với giời! Biết giữ được phần nào, hãy cứ hay phần ấy.
Nói đến đấy, chẳng biết cảm động thế nào mà anh Tư nhỏm dậy, cầm tích nước, tu thẳng một hơi.
Bây giờ thì anh ta ngồi, nhón chiếc kẹo bỏ vào mồm, nhai rau ráu rồi lại nói:
- Cầm hai chiếc tay xe lên, phải liệu xem khách ngồi chiều nào, định trước cho cân rồi hãy chạy. Người ta ngồi ngả vào đệm dựa, thì phải cầm dài, ngồi giữa đệm thì cầm giữa càng; ngồi tì đệm tai (hai cái đệm con để tựa khuỷu tay) thì cầm ngắn.
Trước khi chạy, phải dún càng xe lấy mực rồi hãy bước. Cầm tay xe, không nên cầm tay dài tay ngắn, vì lúc chạy ngoắt đường này sang đường khác, đà xe đang mạnh, mình giữ không vững, xe phải lật nghiêng.
Không nên ăn no, phải thắt chặt dây lưng; thắt lưng không chặt thì ruột vặn từ rốn đưa lên; ngon miệng ăn no thì bụng xóc. Lúc chạy, phải mím môi lại, chỉ được thở đằng mũi, đừng thở đằng miệng. Cầm hơi như thế, sức bao giờ cũng mạnh; hễ há hốc luôn miệng mà thở là thấy mệt liền. Giữ như thế cho đến lúc thật tức hơi thì há mồm thở phào ra một cái thật mạnh rồi lại phải mím miệng lại liền; lấy hơi vào, phải thở luôn bằng mũi. Xe dừng lại, khách xuống rồi, bấy giờ tha hồ thở, nhưng không nên ngồi nghỉ ngay. Phải bước một mà đi cho chân khỏi chồn, lúc thuận chân hãy ngồi nghỉ lại. Quạt cho ráo mồ hôi rồi hãy uống nước; uống nước vội vã chẳng đỡ khát, lại thêm mồ hôi...’’
Bài học vỡ lòng ấy, anh Tư giảng giải cho tôi nghe làm nhiều đoạn, nhiều hồi.
Mỗi điếu thuốc là một cái chấm xuống dòng. Mỗi chiếc kẹo là một cái chấm phẩy!”.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan có viết truyện ngắn “Người ngựa ngựa người” mà nhân vật chính cũng là người kéo xe... Riêng thi sĩ Tản Đà có viết “hài đàm” tựa Cái đòn cán và anh phu xe đọc thấy chua chát trong cái buổi giao thời thuở ấy:
“Có một anh phu xe nguyên ngày trước là phu cáng chuyển nghề. Từ ngày đi làm xe, anh ta hay học đòi nói năng kiểu mới. Một hôm anh ta định đem đòn cáng chẻ thành củi và nói rằng:
“Trước ta làm cùng mày thì hai đứa chỉ khiêng được một người mà cũng ì ạch. Giờ ta làm xe , một mình kéo được hai ba người mà lại chạy nhanh. Thế là văn minh, tiến bộ hơn”.
Đòn gánh liền đáp:
“Trước cùng tôi anh chỉ phải khiêng một nửa người. Bây giờ anh phải mang nặng gấp 4, 6 lần. Vậy mà đời sống và phẩm giá của anh chẳng hơn gì trước. Vậy thì văn minh, tiến bộ là phải, nhưng nên tiến lên làm người ngồi xe, và đừng làm người kéo xe”:
Đời thế anh ơi, thế cũng khoe,
Hết trò phu cáng lại phu xe!
Văn minh chừng mấy ki-lô mét?
Tiến bộ như anh nghĩ chán phè.


Lê Minh Quốc

Cảnh phu kéo xe tay trước khách sạn Morin (Đà Nẵng) năm 1900.

Cảnh phu xe trước khách sạn Métrpole (Hà Nội) trong thập niên 1920.


PDF