Ads 468x60px

.

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

GIỚI THIỆU SÁCH - “Nhớ gì ghi nấy” của Nhà văn Nguyễn Công Hoan - Ký ức về Hà Nội đầu thế kỷ XX


GIỚI THIỆU SÁCH
“Nhớ gì ghi nấy” của Nhà văn Nguyễn Công Hoan
- Ký ức về Hà Nội đầu thế kỷ XX

Phòng Địa chí


Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977), quê ở làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Ông là người đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng cho dòng văn xuôi hiện thực phê phán Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ cầm bút ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam hơn 300 truyện ngắn, hơn 20 tiểu thuyết và nhiều ông trình nghiên cứu văn học có giá trị. Nhiều tác phẩm và truyện ngắn của ông đã được chuyển thể sang sân khấu và điện ảnh. Ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên. Năm 1996 ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học.

Trong những bản thảo của nhà văn để lại, có một tập 7 quyển vở nhỏ ghi chép từ năm 1970 cho tới trước ghi mất về những điều trải qua, tai nghe mắt thấy trong đời lên tới 600 đoạn ghi chép. Lần in năm 1978, nhà xuất bản Tác phẩm mới chỉ chọn in một số đoạn trong tập bản thảo của nhà văn lấy tên “Nhớ và ghi” gồm 132 trang. Theo Nhà xuất bản, những điều ghi chép của ông chia làm 3 loại:
1. Những việc xảy ra trong đại gia đình mà nhà văn có lẽ muốn cho con cháu biết.
2. Một số nhân vật (những tên Tây thực dân, quan lại, địa chủ, tư sản mại
bản) mà tác giả nghe biết và ghi lại.
3. Những điều tai nghe mắt thấy phần nhiều vào đầu thế kỷ này khi nhà văn đương tuổi thanh niên. Đó là những ghi chép về Hà Nội, những nơi nhà văn đã ở, làm việc và đi qua.

​Năm 1993, nhà xuất bản Hà Nội chọn tiếp những đoạn chưa công bố và xếp những sự việc theo một mạch trong những tiêu đề mà nhà xuất bản đặt tên, để giúp bạn đọc dễ theo dõi như: Vua quan ta Toàn quyền tây; Những chí sĩ yêu nước; Nghề làm sách báo; Buôn bán kinh doanh; Phố phường kẻ chợ. Lần in này gồm 173 trang mang tên “Nhớ về một thưở (Nhớ gì ghi nấy)”.

​Năm 1998, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in bản đầy đủ tập bản thảo với độ dày 770 trang và mang tên “Nhớ gì ghi nấy”.

​Ngoài ra, Nhà xuất bản Trẻ - Thành phố Hồ Chí Minh năm 2004 chọn những trang viết ông dành riêng để nhớ về Hà Nội xưa cũ vào những thập niên đầu của thế kỷ XX với tên sách “Nhớ và ghi về Hà Nội” gồm 263 trang.

Qua những trang sách, có thể nhận thấy sự hồn nhiên, tinh nghịch, phá vỡ quy tắc của cậu học sinh trường Bưởi Hà Nội khi chưa đầy mười tuổi.

Mặt khác, từ nhỏ, Nguyễn Công Hoan đã quen với nhân tình thế thái người phường phố, thành thạo sự đời, và chả coi cái gì làm quan trọng. Thành thử, tuy không bao giờ phải trực tiếp đả động tới chuyện Hà Nội, nhưng trong cái nhìn của ông, chất Hà Nội rất rõ. Toàn bộ đời sống của Hà Nội thời nửa thuộc địa nửa phong kiến đã hiện lên rõ nét: các phương tiện giao thông đương thời; các trường học; nghề in, các nhà in và tình hình xuất bản; nghề ảnh; các rạp hát và chiếu phim; các hội; chuyện buôn bán; chuyện cô đầu…

Số lượng các nhân vật được đề cập đến trong tác phẩm là khá lớn từ Toàn quyền Pháp đến vua quan ta, những tay tư sản Pháp hay tư sản người Việt, các chủ nhà in, các nhà văn, nhà thơ đương thời, các nghệ sĩ… cho đến thằng ăn cắp, người đi đòi nợ thuê.

Nhà văn dành một số trang để nói về doanh nhân Bạch Thái Bưởi, luật sư Phan Văn Trường, dịch tả ở Hà Nội hè năm 1914, chuyện năm 1918 đường Cổ Ngư (Thanh niên) vẫn thắp đèn dầu hỏa, nạn vỡ đê Gia Lâm các năm từ 1924 đến 1926, tên một số đường phố thời người Pháp cai trị, hội Khai Trí Tiến Đức, hiệu mũ Hai Chinh, trang phục thời kỳ này… Qua tác phẩm, bạn đọc biết rạp chiếu bóng đầu tiên của Hà Nội là rạp ở phố Hàng Quạt. Rồi đến rạp Pathé Frères ở miếng đất sát đền Bà Kiệu, sau đó là rạp Palace ở Tràng Tiền giá vé đắt hơn vì sang hơn. Vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam "Chén thuốc độc" do Vũ Đình Long, chủ nhà in, nhà xuất bản Tân Dân và nhiều tờ báo có tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ viết và đăng trên tạp chí "Hữu thanh" năm 1921. Hồi Nguyễn Công Hoan còn đi học, phố Hàng Giấy còn là phố cô đầu, các cô đầu sau mới chuyển xuống phố Khâm Thiên. Phố Phùng Hưng, nhà số 25 chuyên cho thuê nhà làm đám cưới những đôi vợ chồng mà chồng người quê vợ người Hà Nội, chuyện nghĩa trang Hợp Thiện… Chuyện về Hà Nội của tác giả trong tác phẩm còn rất nhiều và không thể kể hết trong khuôn khổ một bài giới thiệu.

Những bản in mà chúng tôi giới thiệu ở trên hiện đang có tại:
Thư viện Hà Nội
- 47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm
- 2B Quang Trung, Hà Đông

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Tài liệu tham khảo:
1. Nhà văn Việt Nam hôm nay với Hà Nội: Kể chuyện đời sống văn học / Vương Trí Nhàn. - H.: Nxb. Hà Nội, 1986. -177tr.; 19cm
2. Nhà văn Việt Nam hiện đại. - H.: Hội nhà văn, 1997. - 809tr ; 25cm



Không gian đô thị và cảm quan hiện thực trong truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan


Không gian đô thị và cảm quan hiện thực trong truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan

Nguyễn Thị Thanh Tâm
Trường Cao đẳng Hải Dương



Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Không chỉ là “cái lò gạch cũ”!


Không chỉ là “cái lò gạch cũ”!

Nguyễn Thanh Tú


Nam Cao đưa đến bản thảo “Cái lò gạch cũ”, nhà xuất bản bèn đổi tên, có thể còn có một lý do sau: nhà văn Nguyễn Công Hoan trước đó vừa cho in một truyện “đình đám” có tên “Cái lò gạch bí mật”. Hẳn nhiên có lý vì dù thế nào cái tiêu đề tác phẩm na ná nhau, nhất là lúc bấy giờ Nam Cao chưa có tên tuổi gì, trong khi đó tác giả Nguyễn Công Hoan đã rất ấn tượng với độc giả!

Với phong cách trào phúng đặc sắc, nhất là một cách kể rất “hóm”, truyện “Cái lò gạch bí mật” ra đời là một cách nhại truyện trinh thám đang được ưa chuộng như một “mốt” thời thượng lúc bấy giờ. Nhân vật chính tên Trinh (cũng là lối nhại “trinh thám”) vì đọc quá nhiều truyện điều tra mà mắc bệnh hoang tưởng, nhìn cái gì cũng ra “hình sự” cả.

Hôm ấy “điều tra” một vụ “giết người” Trinh yêu cầu ba người bạn nữa, trong đó có “tôi” – người kể chuyện, đi “thi hành công vụ”. Theo hiệu lệnh của Trinh, đang đêm họ bí mật đi ra cánh đồng rồi cả bốn trèo lên bốn góc cái lò gạch cũ. Đây là cái nhìn và suy nghĩ của “tôi” trước khi “bắt quả tang”, một vụ án, theo Trinh là vụ “giết người ghê gớm”, có thể nổi tiếng nhất nhì xứ Bắc Kỳ về độ nguy hiểm:
“Trông bốn thằng chồm chỗm, đen ngòm, ngồi trên bốn góc thành tường cũng đen ngòm, tôi nghĩ ngay đến cái xe đám ma. Mà cũng may, nghĩ vậy, tôi tự nhiên thấy phấn chấn trong lòng. Vì nếu cảnh này giống cái xe đám ma thì sao chả có một cái xác chết. Cái xác chết ấy bao giờ cũng ở giữa xe. Thế vị chi là thằng giết người chốc nữa nó chui vào giữa lò. Thế thì nó chết. Chúng tôi sống!”…
“Nó” chui vào thật! “Nó” loay hoay. “Nó” ngồi xuống. Chưa thấy hiệu lệnh… Chắc là Trinh, “trưởng toán điều tra” muốn “cất mẻ vó” to hơn! Nhưng rồi “nó” đứng dậy. “Nó” ra cửa lò. Một hiệu lệnh vang lên… Hẳn nhiên là tên “giết người” đã chạy mất vì các “điều tra viên” không “chuyên nghiệp” lại không “ăn khớp” với nhau. Cả bốn chỉ còn “nước” tìm “tang vật”. Rồi cũng tìm thấy:
“Theo ngón tay trỏ, ngọn đèn bấm của Trinh to ra một tia lửa sáng như ban ngày. Tang vật đó to bằng vành khăn đàn bà, cuộn khoanh lù lù trên mặt đất thành một bãi, đầu hình búp măng, màu vàng, mà đích là có hơi ngạt…!!!”…
Vì là truyện “nhại” nên nó phải tìm đến phương tiện cái tục để gây cười, để châm biếm, mỉa mai. Ai cũng hiểu cái “tang vật” kia là gì… Bạn đọc được mẻ cười. Còn các nhà văn “trinh thám” thì được bữa… tím mặt…

Cái lò gạch ấy nay đi vào dĩ vãng rồi. Nhưng chỉ chừng hai ba chục năm trở về trước thì vẫn thấy hiện hữu ở nhiều nơi, thường là vùng đồng bằng, giữa cánh đồng lúa. Vì nơi đó mới có đất sét để làm gạch, phơi gạch, khi đốt không ảnh hưởng đến dân cư…

Đó là những lò gạch thủ công được xây kín, thường có một cửa ra vào để đưa gạch, bên trên có mái che. Thế là những lò gạch cũ thành địa điểm “lý tưởng” để người ta cần làm những việc “kín đáo”. Kết truyện “Chí Phèo” là chi tiết Thị Nở “thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua…” để dành cho bạn đọc “liên tưởng”: Thị lại sẽ ra nơi ấy rồi đẻ một “Chí Phèo con”… Cái vòng luẩn quẩn lại tiếp diễn nếu người ta không thay đổi được hoàn toàn cái môi trường tha hóa phi nhân tính của chủ nghĩa thực dân nửa phong kiến kia!

Cái lò gạch tất nhiên để sản xuất gạch, ở đây là loại gạch đỏ xây dựng, quen thuộc với bất cứ người dân nào trong thời buổi đô thị hóa đang diễn ra chóng mặt. Loại gạch này được làm từ đất sét nung. Theo lịch sử ngành xây dựng thì gạch đã được loài người sử dụng khoảng 7.500 năm trước Công nguyên, dành cho các công trình xây dựng có tuổi thọ hàng ngàn năm. Đất sét được đào lên, tưới nước, nhồi (giáo) nhuyễn rồi đưa vào khuôn thành viên (gạch mộc) phơi thật khô rồi xếp vào lò. Ngày trước nhiên liệu để đốt là củi, rơm rạ, sau là than đá trộn với bùn. Lò được đốt liên tục hàng tuần liền cho đến khi gạch “chín”, chuyển sang màu đỏ hoặc nâu sẫm. Lò được tắt đến khi nguội thì dỡ gạch, dỡ sớm gạch dễ vỡ vì giòn. Là nguyên liệu chính để xây nhà nên thời hiện đại viên gạch được chuyển nghĩa sang tu từ ẩn dụ ví người nào đó có công lao hoặc công việc gì đó quan trọng mang tính tiền đề, tiên phong thì được gọi là “một viên gạch đặt nền móng”…
Một cái lò gạch cũ!


Là một chứng nhân văn hóa “biết nói” bền bỉ với thời gian, xem viên gạch nhà khoa học khảo cổ sẽ hình dung ra được phần nào “bộ mặt” của thời đó!

Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (tập 32, số 1S, 2016) có đăng bài báo “Về vấn đề tồn tại của quốc gia Đại Cồ Việt thế kỷ X-XI” của nhà nghiên cứu Nga Polyakov Alexey Borisovich (Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcova). Căn cứ vào chứng cứ khảo cổ học tại Hoa Lư, thủ đô của các triều Đinh, Tiền Lê, Hậu Lý là các viên gạch “có màu đỏ, độ nung cao, nhiều viên có chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch xây thành quân đội nước Đại Việt – NTT) được in nổi vào gạch ướt sau khi đóng khuôn… Kích thước 30cm X 16cm X 4cm… được xác định là gạch của thời Đinh”. Dựa trên căn cứ này bài báo rút ra kết luận quan trọng: quốc hiệu Đại Việt đã có từ thế kỷ X. Vấn đề còn đợi sự thẩm định của giới sử học, từ góc nhìn văn hóa, bài viết chỉ xin khẳng định mỗi viên gạch càng xa trong quá khứ càng là những mã văn hóa rất quý giá.

Không chỉ là hòn đất nung mà mỗi viên gạch có khi giá trị tương đương với vàng (tính theo trọng lượng). Đấy là trường hợp “gạch vàng” để lát nền ở Tử Cấm Thành. Thậm chí giới nghiên cứu khoa học xây dựng còn cho rằng gạch lát sàn trong Tử Cấm Thành có giá trị hơn vàng bởi để có loại gạch này cần đến 720 ngày, qua nhiều công đoạn cực kỳ phức tạp, tinh vi. Được làm từ lò gạch ở làng Lục Mộ (Tô Châu) vì đất ở đây chất lượng đặc biệt tốt, có điểm kỳ lạ đặc trưng là âm thanh phát ra khi gõ vào gạch giống như âm thanh phát ra khi gõ vào vàng hay đá quý. Thế nên gọi là “kim chuyên” (gạch vàng).
Tử Cấm Thành - cung điện xa hoa xây bằng "gạch vàng"!


Riêng công đoạn xử lý đất phải đủ 7 quy trình: đào, vận chuyển, phơi khô, đập đất, nhào trộn, mài và sàng. Đất được loại bỏ “tạp chất”, loại bỏ hết bọt khí, cho vào khuôn đã tạo sẵn, phơi khô trong 7 tháng liên tiếp rồi mới nung. Dùng rơm rạ và trấu để loại bỏ hết hơi ẩm trong đất rồi dùng củi đốt tiếp một tháng, sau cùng, dùng cành thông đốt tiếp 40 ngày. Gạch ra lò có bề mặt sáng bóng, trơn nhẵn, có khả năng thấm nước cao nên mùa hè rất mát, tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái. Nếu đặt hoa quả trên nền gạch này sẽ tươi rất lâu, ăn sẽ ngon và mát hơn…

Trên bề mặt những viên gạch ấy luôn được khắc dấu của phủ Tô Châu và ghi rõ niên hiệu của từng thời kỳ như Vĩnh Lạc, Chính Đức, Càn Long!

Văn hóa kiến trúc đền đài Việt Nam góp với thế giới kỳ quan Tháp Chăm có từ thế kỷ XI – XII. Ngoài độ điêu luyện về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, sự hài hoà trong tiếp biến phong cách nghệ thuật Chămpa và Khmer, sự độc đáo của chất liệu xây dựng là những viên gạch Chăm kỳ lạ. Cũng làm từ đất sét nhưng bí ẩn đến mức ngày nay vẫn chưa rõ đó gạch mộc hay gạch nung. Chỉ biết ngoài đất sét còn biểu hiện của sự gia thêm vỏ trấu, vỏ sò, vỏ ốc…

Tại sao có vỏ trấu? Vì khi nung (nếu có) thì vỏ trấu cháy đi để lại những lỗ rỗng, dễ thoát nước nhưng vẫn đủ độ chắc. Nếu là gạch nung thì các công đoạn như thế nào để có những viên gạch thật sự quý hơn vàng này vẫn còn là những câu hỏi. Tìm ra dấu vết của những “lò gạch cũ” là việc rất cần thiết. Nhưng người ta đã khảo sát, khảo cổ dưới mặt đất, trong văn bản cổ xưa, trong truyền thuyết dân gian… vẫn chưa tìm ra manh mối. Cũng chỉ biết trong những viên gạch Chăm có nhiều bã thực vật và thành phần silic cao hơn gạch thông thường ngày nay. Rất đặc biệt là những viên gạch bị rơi ngoài cấu trúc của tháp, dù không còn nằm trong cơ chế rút nước tổng thể nhưng do cấu tạo đặc biệt nên không bị mục.

Đã rất nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành trên thế giới ở các chuyên ngành xây dựng, kiến trúc, vật liệu… từ cổ điển đến hiện đại cũng chưa trả lời được những viên gạch tháp Chăm dán chặt vào nhau theo cơ chế gì vì giữa chúng không có mạch vôi vữa. Thậm chí có một phỏng đoán người xưa xếp gạch mộc thành hình như tháp hiện nay, xây một cái lò gạch khổng lồ bao quanh rồi… đốt theo quy trình đặc biệt. Sau đó phá bỏ cái vỏ lò để giữ lại cái lõi!!!

Còn biết bao những giả thuyết khác. Còn bạn, xin mời có ý kiến!?

Nguyễn Thanh Tú





Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

80 năm truyện ngắn 'Thịt người chết'!


80 năm truyện ngắn 'Thịt người chết'!

Bùi Hoàng Tám


Hiện trường vụ tai nạn khiến em Y. tử vong
(Ảnh: Phạm Diện/Báo Thanh niên)


Dư luận tuần qua dậy sóng xung quanh câu chuyện một cháu bé 12 tuổi đi xe máy cán qua dây cáp quang bị trượt té, đúng lúc bị một xe tải chạy cùng chiều va chạm dẫn đến tử vong.
Sau đó, người thân của em đã liên tục xin đi xin lại các loại giấy tờ xác nhận của cơ quan công an, bệnh viện… nhằm làm thủ tục chứng tử cho nạn nhân. Thế nhưng 11 ngày sau (7/12 - 18/12), gia đình vẫn bị cán bộ phường Tân Phước Khánh (TX Tân Uyên, Bình Dương) từ chối. Lý do, "giấy tờ làm tầm bậy, tầm bạ", "công an xác nhận nội dung không đúng".

Cứ tưởng “quá tam ba bận”, nhưng ở đây thì đến lần thứ tư, sau khi lo đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu đến cho cán bộ phụ trách, người thân của nạn nhân xấu số vẫn tay trắng đi về.

Thậm chí đến sáng 19/12, khi phóng viên tìm đến để tìm hiểu vụ việc thì ông Chủ tịch UBND phường này vẫn khẳng định cán bộ của phường làm đúng theo quy định. Phóng viên phải dẫn quy định pháp luật ra thì lãnh đạo phường mới thừa nhận cấp dưới của mình "thiếu sót" và mong được "thông cảm".

Khi thông tin được đăng tải, nhiều ý kiến cho rằng nguyên do gia đình em bị gây khó khăn, người chết 12 ngày không xin được giấy chứng tử để đem đi chôn là bởi thiếu cái thủ tục… “đầu tiên”.

Những ý kiến này, làm nhớ lại một truyện ngắn của nhà văn trào phúng xuất sắc Nguyễn Công Hoan cách đây hơn 80 năm (1938) có tên “Thịt người chết”.

Truyện kể về anh nông dân có tên là Xích vì “vô học, ngu dốt” nên đã không biết chọn cho mình cách chết và giờ chết.

Xích chết một cách đầy “bí ẩn” ở chính cái ao sen nhà mình mùa hoa nở sau một bữa nhậu say lúy túy ở sân đình và vào ngày thứ 7.

Thế là cả một đám quan lại từ hương lý, chánh tổng đến quan phụ mẫu trên phủ huyện bu quanh cái xác ấy như một lũ kền kền.

Đau đớn thay, cái xác chết ấy cứ ngày một trương phềnh lên, tỏa mùi nồng nặc trong sự lăn lộn, van xin của gia đình tang quyến.

Câu chuyện vừa bi hài, vừa cay đắng qua ngòi bút thiên tài của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã có đoạn kết, ông Cửu (bố Xích) bằng lòng khấn quan bảy mươi đồng mới được đem xác con đi chôn:
“Và một giờ sau, lũ ruồi, lũ nhặng, lũ cá, lũ quạ, tiếc ngẩn ngơ. Chúng nó biết đâu rằng quan huyện tư pháp đã tranh mất món mồi ngon của chúng”.
Hi vọng rằng câu chuyện của 80 năm trước không tái hiện ở Tân Phước Khánh.

Bùi Hoàng Tám



Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Nghề làm báo - thủa ban đầu


Nghề làm báo - thủa ban đầu

Vương Trí Nhàn blog


Về mặt số lượng mà xét, giờ đây không mấy ai còn phải tỏ ý phàn nàn: Báo ở ta đang ra nhiều đến mức cả những bạn đọc có nhiều thời giờ cũng than phiền là không sức đâu đọc hết. Thế nhưng cái sự đã như là thừa ấy một phần cũng lại là do chất lượng. Giả sử thế giới có một bảng xếp hạng, hẳn có thể đoán là tay nghề của các nhà báo ở ta, cũng như bóng đá mà hàng ngày chúng ta vẫn xem, chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn.

Điều này hoàn toàn là có thể hiểu được nếu biết rằng nghề báo mới chỉ du nhập vào xã hội VN từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XIX sau đó trở thành một hoạt động bình thường trong xã hội từ nửa đầu thế kỷ XX, và ngay từ thời ấy nhiều người làm nghề đã tỏ ý chưa thoả mãn với trình độ của các đồng nghiệp. Trở lại với nghề làm báo thời tiền chiến có lẽ cũng là một dịp tốt để chúng ta nhận chân trình độ báo chí hôm nay.

Dẫu rằng nghề làm báo vốn từ Tây phương truyền sang, song những người đứng ra viết báo đầu tiên lại ở xứ ta (rõ nhất là ở Hà Nội) lại là các cụ đồ nho biết chữ Tàu. Nói gì thì nói các cụ cũng có một căn bản văn hoá nào đó. Chữ quốc ngữ lại dễ học với mọi người. Các cụ tìm thấy trong việc làm báo một điều kiện tốt để thực hiện cái chí đã hấp thụ từ đạo thánh hiền “nhất ngôn khả dĩ hưng bang”, nói nôm na như con người ngày nay tức báo chí có thể là một công cụ tốt để đóng góp cho xã hội và trước tiên là giáo dục quần chúng.

Bên cạnh những tờ báo do chính quyền thuộc địa lập ra thì báo chí Việt Nam ban đầu chủ yếu đã là báo chí tư nhân hoặc mang danh những hội ái hữu nọ kia nhưng thực chất là do tư nhân thao túng. Người đứng ra xin phép mở toà báo không chỉ muốn làm một công vịệc có tính cách khai hoá (tên một tờ báo do Bạch Thái Bưởi chủ trương), mà còn muốn xem báo chí là một cơ quan kinh doanh có lãi. Trong hoàn cảnh ấy, họ giữ tư cách những ông chủ, còn ký giả thì là kẻ làm thuê. “Chủ báo quan niệm rằng ký giả là người làm công, ngày hai buổi đến toà soạn để viết xã luận đưa tin tức trám cho đầy các cột báo”. Đấy là ghi nhận của Hoàng Tích Chu, một người có công lớn trong việc hiện đại hoá báo chí. Nguyễn Công Hoan trong Đời viết văn của tôi kể lại một chuyện khá vui:

Những người thực thi việc làm báo cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Tiếp tục cái ý bảo họ là kẻ làm thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi, Hoàng Tích Chu nói thêm “Những người làm công nói trên tìm ở đâu ra? Đa số là những nho sĩ nghèo và dốt, những người kiến thức nông cạn nhưng muốn loè thiên hạ với những câu văn hoa bóng bảy”. Câu khái quát xanh rờn ấy, như chúng ta nói bây giờ, có cái cơ sở thực tế của nó. Bởi sự thực là người có gan sang tận Pháp để học nghề như ký giả họ Hoàng, số đó đếm chưa đầy năm đầu ngón tay. Còn lại toàn vừa làm vừa học, đại khái trông vào các tờ báo viết bằng tiếng Pháp mà học theo. Tin thế giới thì dịch theo bản tin yết ở nhà bưu điện. Tin trong nước toàn việc vặt nào là quan chức thuyên chuyển, vợ chồng đánh ghen, toà án xử rượu lậu... Bên cạnh những tin tức hổ lốn ấy là những bài thơ phú cuối mùa đặc giọng thù tạc hoặc những bài xã luận đại cà sa, không ai muốn đọc.

Để hình dung ra công việc hàng ngày của một người làm báo, không gì bằng đọc lại các hồi ký viết về Tản Đà lúc làm An nam tạp chí. Tạp chí lay lắt chết đi sống lại mấy lần. Mà ngay lúc đang sống nó cũng ốm rề ốm rệt. Toà soạn chỉ có một mình Tản Đà, ông vừa viết bài vừa đi nhà in vừa thu tiền bán báo. Mà lại rất thích tiếp khách. Gặp người tương đắc, ông có thể sai mấy cậu nhỏ đi mua đồ nhắm về khề khà chén rượu nói chuyện với khách hàng buổi. Cái cảm giác về thời gian đang trôi - điều cần nhất với nhà báo - thì Tản Đà chẳng coi ra gì. Chẳng bao lâu đã tới cái ngày Xuân Diệu về sau còn nhớ mãi: ở Quy Nhơn tác giả Thơ thơ mỏi mắt trông đợi mà mãi chẳng thấy báo ra và càng ngóng càng thấy vô vọng. An nam tạp chí cũng yểu mệnh như người chủ trì của nó vậy.
Hình ảnh nhà báo trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan

Trong khi hướng cặp mắt quan sát người đời tác giả Bước đường cùng không quên dừng lại ở giới báo chí. Ông có hai thiên truyện khá sắc sảo đó là Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ báoÔng chủ báo chẳng bằng lòng.

Truyện trên tố cáo cái lý do mỹ miều mà nhiều nhà giàu đương thời xông vào làm báo, đó là tính hiếu danh. Chẳng những không quan tâm tới sứ mệnh của ngòi bút mà cả đến cái thực chất của báo chí họ cũng không hiểu gì cả. Ngày họ đảm đương cái chức danh chủ báo là ngày họ nhận ra mình bị lừa: Bài vở kém cỏi, người viết xoàng xĩnh, báo ế. Cách duy nhất để họ thoát ra khỏi cảnh phá sản là đi lừa những anh háo danh và kém hiểu biết như mình hôm qua để thay mình chèo lái.

Còn truyện dưới thì tố cáo cái mánh khoé xoay tiền của giới làm báo. Họ sẵn sảng đánh quả tù mù đưa tin theo lối nhỏ giọt bôi ra trong nhiều số, cốt để câu khách. Ai không làm thế bị coi như tay nghề kém cỏi.

Trong khi công kích bọn người lừa đảo mọi kẻ giàu sang phú quý đang phất lên, một số ký giả lại biến thành một kẻ làm tiền, lo bán được báo với bất cứ giá nào, chứ chẳng có gì gọi là tâm huyết với trách nhiệm cả.


Và trong một mẩu chuyện vui của Vũ Trọng Phụng

Trong các tiểu thuyết của nhà văn này như Giông tố, Vỡ đê... người ta đã loáng thoáng nhận ra hình ảnh của kẻ làm báo với sứ mệnh điều tra sự thật từ đó đóng góp vào việc làm sáng rõ hình ảnh một xã hội vốn nhiều bóng tối. Song là một ngòi bút hoài nghi, Vũ Trọng Phụng không quên đặt một dấu hỏi khá to trước tư cách người làm nghề viết báo đương thời. Sao mày không vỡ nắp ơi là tên một bài viết trên báo Loa 1934 (mới được sưu tầm và in lại trong tập Vẽ nhọ bôi hề in ra năm 2000). Để nói về tài đổi trắng thay đen của người cầm bút, họ Vũ dùng bút pháp thậm xưng kể chuyện một nhà báo kiếm ăn quanh một người chết. Ban đầu anh ta dựng chuyện người kia bị bức tử để tống tiền. Không được anh ta đánh bài chuồn bằng cách kể rằng hồn người chết vừa báo mộng cho biết người ấy tự tử vì một cớ vớ vẩn khác. Mọi chuyện được giải quyết gọn ghẽ tới mức viên tri huyện có liên quan xem xong phải thì thào “Này, sang năm về hưu tôi cũng muốn mở báo. Vậy thế nào ngài cũng về giúp việc cho tôi nhé !”.


Trên cái nền chung của một nghề nghiệp

Trước 1945, trong hoàn cảnh một nước thuộc địa, ở VN đã có đại học, song các trí thức trẻ sau khi học xong mấy trường như trường luật trường thuốc phần nhiều gia nhập vào đội ngũ quan lại hoặc công chức cao cấp lương cao bổng hậu, nhường việc làm văn làm báo cho các loại trí thức lơp dưới. Nhà văn đồng thời là nhà báo Vũ Bằng có lần nhận xét báo chí thời ông là một thứ nghề không thày không trường, cốt biết học lỏm bắt chước là được. Thành thử, nếu như số phận của những người làm nghề ở đây có phần giống với số phận những người làm ở các ngành nghề thủ công như làm tranh dân gian, thêu ren, in ấn, làm đồ gốm, hoặc các đèo kép trong mấy gánh hát rong... thì cũng là chuyện tự nhiên. Còn cần cho mọi người thì còn tồn tại. Rât nhiều người có tài có năng khiếu. Song nhìn chung thì vẫn là cách làm cách nghĩ manh mún luộm thuộm và không ai đủ khả năng đưa nghề nghiệp lên mức hoàn thiện của một ngành công nghiệp hiện đại như người ta vẫn thấy ở các nước phát triển.


Vương Trí Nhàn blog





Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2024

Nghĩ về những người giầu ở Việt Nam hôm nay


Nghĩ về những đại gia hôm nay

Vương Trí Nhàn
Nhân bài viết Cọp, gấu và đại gia

TT - Một người ăn mày trong cơn đói phải tranh ăn với con chó của một gã nhà giàu, lỡ tay đánh gãy hai chiếc răng của con chó. Gã nhà giàu nọ lên ôtô phóng đuổi theo người ăn mày với ý nghĩ:
- À, mày đánh gãy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng!


Thiên truyện mang tên Răng con chó của nhà tư sản mà tôi vừa tóm tắt được Nguyễn Công Hoan viết đúng 80 năm trước (1929). Thú thật lần đầu đọc lên tôi hơi ngờ ngợ, liệu có người ác, vô lương tâm, coi con chó hơn cả sinh mệnh của đồng loại? Nhưng rồi thực tế cho tôi biết là có một hạng người như thế với cách cư xử như thế. Dân ta gọi họ là trọc phú. Sau khi giàu lên họ coi cuộc đời chỉ còn ý nghĩa ở sự hưởng thụ và càng ngông nghênh thách thức với đời càng thích. Hơn thế nữa - như Nguyễn Công Hoan đã nói trong truyện ngắn trên - đó là những con người càn rỡ, những nhân cách kỳ dị, bề ngoài lên mặt với đời nhưng cuộc sống nội tâm lại cực kỳ nghèo nàn, nhạt nhẽo.

Trên báo chí ta gần đây, hình ảnh những đại gia cũng bắt đầu xuất hiện. Và ta lại thấy ở không ít đại gia hôm nay những nét của đám trọc phú xưa. Đúng là trong các đại gia gần đây không ít người có chất hãnh tiến, khinh thế ngạo vật, trơ tráo tàn nhẫn. Họ gợi lại hình ảnh đám giàu xổi đã thành một bộ phận đáng ghét hằn lên trong tâm lý cộng đồng Việt bao đời nay mà văn học đã ghi nhận.

Song tôi không nghĩ rằng tất cả họ đều là trọc phú.

Thông minh sáng láng, khao khát tự khẳng định, quyết đoán dám làm cả những việc động trời, họ nhiều phen gợi cho tôi niềm kính phục.

Nhiều khi cách sống, cách nghĩ, tư thế khai phá sáng tạo của họ đã đánh thức tinh thần năng động của xã hội và mở ra lối thoát cho những tình thế bế tắc.


Nhiều phen họ đã phải lấy cái xấu để vượt lên sự trì trệ. Cuộc vật lộn hằng ngày quá quyết liệt tước đi gần hết của họ cả những niềm vui hồn nhiên lẫn những giây phút hướng thượng cao đẹp.

Nhìn một cách bao quát, tôi chỉ thấy tiếc. Nếu được sự dắt dẫn của trí tuệ, lẽ ra họ có thể tìm được những định hướng khác. Tài năng và sức lực của họ sẽ được huy động để trở nên có ích hơn cho cộng đồng, và như vậy tên tuổi họ còn có khả năng ở lại với tương lai, với lịch sử, chứ không phải chỉ được truyền tụng kèm theo bao lời chê trách như hiện nay.

Huy Thọ có nhắc tới cách sống và tồn tại của nhiều đại gia nước ngoài Warren Buffett, Bill Gates, Morita Akio (cha đẻ Sony). Tôi đọc trong đây một sự gợi ý để suy nghĩ về lý do đang có quá nhiều mặt hư hỏng ở các đại gia VN hôm nay. Một thời gian dài, đất nước trong thế cô lập, và giá trị duy nhât được đề cao là những gì có ích cho chinh chiến. Luẩn quẩn trong cuộc sống tù đọng, doanh nhân VN, cũng như anh như tôi lúc ấy, tìm cách đánh bóng tên tuổi qua cách chơi trội so với chung quanh, và lấy việc học đòi bắt chước được sự phá phách cuồng loạn của thiên hạ làm niềm tự hào. Hoàn cảnh hôm qua đã quy định cho con người như thế, ta nên hiểu cho nhau. Nhưng trong hoàn cảnh hội nhập , nếu cứ diễn mãi nếp sống của đám chúa đất, và do đó nêu tấm gương xấu cho lớp trẻ, thì đó lại là điều đáng trách, đúng hơn là có tội.

Vương Trí Nhàn


Đã in ở Tuổi Trẻ - 14/09/2009
(có bổ sung thêm đoạn cuối)






Thứ Hai, 3 tháng 6, 2024

Thử bàn về hát bội


Thử bàn về hát bội

Lê Minh Quốc


Tự dưng chiều nay lại nhớ đến ông bạn già - nhà thơ Phạm Thiên Thư. Đã lâu, chừng hơn mươi năm trước đang thất tình thất điên bát đảo, lên bờ xuống ruộng, trần ai khoai củ, tóm lại là đang buồn nên lúc ấy thường vác xác lên nhà ông tìm nơi tâm tình.

Có những lúc ông an ủi bằng cách đưa ra chừng dăm quyển vở học trò chép đầy thơ. “Q đọc đi”. Bèn đọc. Những bài thơ này, ông chép tay như nét chữ học trò. Rõ ràng. Dễ đọc. Gió chiều lồng lộng. Đường vắng. Quán cà phê Hoa Vàng.
“Rằng, xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau”.
Tên quán là lấy theo câu thơ của chính ông.


Nhớ Phạm Thiên Thư

Thời điểm này, Phạm Thiên Thư đã “lậm” sâu vào phương pháp dưỡng sinh với tên gọi “phathata” do ông sáng lập. Đại khái, ông chủ trương:
“Luôn biết mình dốt
Để gọt tính kiêu
Để yêu như mới
Để cởi mối hiềm
Để thêm tinh tiến”.
Và cũng vì say mê cuồng nhiệt, trung thành với phương châm này, ông đã viết nhiều bài thơ tứ tuyệt. Mỗi lần ghé chơi, ông thường đưa ra cho đọc. Sau đó, dần dà y ít lui tới. Tại sao thế? Đơn giản chỉ vì vết thương lòng đã lành, đã có thể vi vu trăng hoa tình ái với cảm hứng yêu đời dào dạt, yêu người da diết nên y đã… quên béng ông bạn già.

Thế đấy. Có những nơi khi rầu rầu tâm sự, buồn buồn sương khói ta thường tìm đến; ngoặt một cái, lúc giông gió đã qua, biển đã yên, sóng đã lặng, ô hô, ta lại chẳng thèm nhớ đến nữa. Tệ đến thế là cùng.

Chẳng sao. Vẫn còn có cách “sửa sai”, ấy là bằng mọi cách lục lọi lại tập sách Từ điển cười Tiếu liệu pháp của Phạm Thiên Thư - bao gồm những bài thơ mà ngày ấy, y đã từng đọc. Nay, đọc một lèo và cảm thấy khoái! Trên cõi đời, nếu được cười một cách sảng khoái, còn gì thú bằng? Ngược lại, đã cười mà cười gượng gạo đành lòng, cam chịu nhưng tỏ ra vui vẻ thì còn gì là cười?

Sực nhớ, trong một truyện ngắn nọ, nhà văn Nguyễn Công Hoan kể lại có anh chàng dân đen được quan trên cử đi trừ bọn cướp. Với lòng quả cảm, nghĩa hiệp anh ta đã khám phá ra ổ trộm, nhờ đó, làng xóm bình yên. Sự thành công này rực rỡ đến độ cô vợ anh… phải góa chồng. Tất nhiên, quan lớn hứa thưởng công, đền bù công lao xứng đáng cho một người bỏ mạng vì việc làng, việc nước.

Cũng an ủi phần nào, vì sau khi chồng chết gia đình ngày càng túng quẫn, kiệt quệ. Chờ đợi mãi, dăm ba tháng sau, mừng quá chị nhận tờ sức của ông lý trưởng. Mời đi nhận tiền thưởng? Không, mời nhận cái bằng… truy tặng cửu phẩm bá hộ! Ấy là ngậm cười chăng?

Nếu người khác chỉ viết làm dăm ba bài thơ trào phúng để cười cho đỡ buồn, ông Phạm Thiên Thư đã làm hẳn một cuốn sách dày trên 1.000 trang. Nội lực sáng tạo và lao động bền bỉ về cái cười cỡ này, thiệt đáng nể. Thế thì cười là gì?

Để trả lời, chỉ có thể viết luôn một quyển sách, chẳng hạn trước kia, bác sĩ Dương Tấn Tươi có viết quyển Cười (nguyên nhân và thực chất) in năm 1968, dày 370 trang, nay cũng thuộc loại quý hiếm mà chơi sách cũ săn lùng dữ lắm.

Thế nào là cười? Trước mắt, ta hãy lấy định nghĩa ngắn gọn của Việt Nam tự điển do Hội Khai trí tiến đức khởi thảo năm 1931: “Nhách môi, há miệng lộ sự vui vẻ hay ý tứ gì ra”.

Trước đó nữa, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Ấy là cách hả miệng, nhích mép, hoặc có tiếng hoặc không có tiếng, tỏ ra mình vui vẻ hay có ý gì. Cũng có nghĩa là chê bai: Nó cười tôi”.

Có lẽ, “định nghĩa” chuẩn nhất về cười, theo y, thuộc về ông Rabelais - một nhân vật đồ sộ của thời Phục hưng: “Thay vì bàn đến khóc, tốt hơn là viết về cười, vì cười là đặc tính của con người”. Đúng thế, không con vật biết nào biết cười, chỉ có con người.

Tuy nhiên, y biết có một con bò cũng biết cười là khi nó được… xuất hiện trên bao mỳ pho mát Pháp. Hình ảnh ngộ nghĩnh, vui tươi, dễ gây thiện cảm. Con bò đó cười thế nào?

Chắc chắn không phải là kiểu cười mà ông Phạm Thiên Thư đã miêu tả:
“Tức quá gằn lên một tiếng cười
Cười như ngầm dọa: “Biết tay” thôi
Cười ông - có lúc ông cười lại
Cười lại là bay chết bỏ đời!”.
Cười này là cười gằn.


Nhớ qua hát bội

Đã lâu, lâu lắm rồi, có đọc bài thơ tứ tuyệt xưa lắc xưa lơ, xét ra là một lối cười xỏ xiên thâm trầm, ý vị, nay chép lại cho vui. Vui là tốt rồi, được thế đã là may, còn hơn phải chìm đắm trong lo âu sầu não. Bài thơ này của ông thi sĩ Lãng Ba.

Thơ rằng:
“Sân khấu hẹp hòi múa hát vang
Ăn lương bầu gánh sợ ông làng
Làm vua làm tướng chi chi đó
Thì cũng do “nhưng” núp dựa màn”.
Xét về câu chữ, rõ ràng tác giả là người miền Nam. Thử hỏi, câu cuối có từ “nhưng”, vậy nghĩa là gì? Ta bàn sau. Dám nói rằng, ông làng là cách gọi chung về ông tổ hát bội. Nhiều từ điển và sách vở xưa nay đã giải thích rành rành. Liệu chừng có đúng? Không hẳn đâu.

Một khi nói chắc nịch như thế ắt có người cãi. Dứt khoát sẽ cãi lại cho bằng được. Tránh cãi cọ lôi thôi, chi bằng hãy nghe chuyên gia hàng đầu nghiên cứu nghệ thuật hát bội là GS Hoàng Châu Ký giải thích:
“Ông làng là những tượng nhỏ được thờ với các vị tổ trong những gánh hát bội ngày xưa. Trên bàn thờ tổ có một cái tráp gỗ sơn đỏ, có cửa mở đóng, bên trong có mười tượng gỗ nhỏ, đầu bịt khăn đỏ, mình mặc áo lục, là tượng các vị tổ của nghề hát bội. Trước mười tượng này lại có hai tượng khác cũng khăn áo như vậy nhưng đứng hai bên chiếc ngai, đó là hai ông làng hát bội”
(Tự điển nghệ thuật hát bộ Việt Nam, Nguyễn Lộc chủ biên - Nxb KHXH Hà Nội - 1998, tr.448).
Rõ ràng ông làng chỉ được thờ chung chứ không phải ông tổ hát bội. Thế nhưng xưa nay người ta vẫn gọi và xếp chung vào hàng ông tổ, xét ra thiệt… éo le! Mà cũng phải thôi, theo truyền thuyết ông làng vốn là hai hoàng tử trẻ con, hỉ mũi chưa sạch, mặt búng ra sữa, còn ham chơi và cực kỳ mê hát bội.

Một hôm dù đang ốm nhưng cả hai vẫn trốn đi xem hát, núp một chỗ không ai nhìn thấy, bị cảm lạnh rồi chết. Đáng khen là sau đó, hai ông hoàng này luôn phù hộ cho các gánh hát bội nói chung nên từ đó về sau, đào kép đã thờ họ cùng với ông tổ. Từ “ông hoàng”, trải qua năm tháng đã dần dần nói trại thành “ông làng”.

Do còn trẻ con nên hai ông hoàng này… khoái mùi thơm của trái thị, vì lẽ đó, ngày xưa người ta kiêng kỵ đem trái thị vào giàn hát/ rạp hát là vậy, vì rằng, mùi thơm của trái thị khiến hai ông hoàng xao nhãng mà quên giúp đỡ cho đào kép.

Nhân đây xin nói luôn, theo ghi chép của nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Huy về tượng ông làng:
“Thường được đẽo bằng gỗ vông, lớn bằng bắp tay, gặp những tích tuồng có vai người mẹ sinh con, người ta đưa ông làng ra đóng bé sơ sinh, chứ không mượn trẻ con thật đóng tuồng”.
Khi bàn về ông làng, y nhớ đến bài Vịnh hát bội Quảng Nam, nhà thơ Tú Quỳ viết:
“Nhỏ mà không học lớn làm ngang
Trống đánh ba hồi đã thấy quan
Ra rạp ngồi trên ba đứa hiệu
Vào buồng đứng dưới cặp ông làng”.
Về ông làng, ta đã biết, còn “ba đứa hiệu” là quân chạy hiệu, tức lính cầm cờ, sai đâu chạy đó, thuộc hạng lóc cóc leng keng. Sự đời cũng oái oăm thiệt, cũng vì câu thơ “Ra rạp ngồi trên ba đứa hiệu” mà ông Tú Quỳ mang họa vào thân.

Hiệu là tên của anh hùng Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887) - lãnh tụ xuất sắc của phong trào Nghĩa Hội chống Pháp ở Quảng Nam. Có giai thoại, ông Hiệu đã sai lính về làng bắt Tú Quỳ lên hỏi tội vì câu thơ xách mé đó, nhưng rồi vì tiếc tài của một người giỏi chữ nên ông tha cho. Về sau, Tú Quỳ còn có dăm ba bài vè, văn tế chế giễu cuộc kháng chiến của nghĩa quân Cần vương.

Nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân bình luận:
“Ở thời điểm này, ta chỉ có thể khép Tú Quỳ vào hạng người lạc hậu, bảo thủ và ông đã bị các nhà trí thức tiến bộ thời ấy khinh thường”
(Thơ văn Tú Quỳ - Nxb Văn hóa thông tin - 208, tr.256).
Đây chính là lý do khiến người đương thời không muốn nhắc đến Tú Quỳ nữa, về sau thơ văn của ông mai một dần, nay ít ai biết đến.

Thế thì, vấn đề đặt ra ở đây là gì?

Với người cầm bút, ngoài cái tài/ tài năng còn là quan điểm, thế đứng, cách nhìn, sự lựa chọn, thái độ của họ về thời cuộc, về thời đại họ đang sống. Bằng không, văn chương chữ nghĩa dù tài hoa, dù hay bằng trời đi nữa, có là gì chăng?

Thì đấy, chỉ đơn cử một hai thí dụ, ai dám bảo thơ văn của Tôn Thọ Tường không gấm thêu? Ai dám bảo kiến văn của Lê Tắc không giỏi? Thế nhưng đương thời, thời sau thiên hạ đã nhìn nhận họ bằng cái nhìn thế nào? “Rằng hay thì thật là hay”.

Hóa ra, bản lĩnh sống, tư cách sống, thái độ sống của người cầm bút cũng quan trọng không kém gì tài năng trời cho, đúng không nào? Xét ra, cái nghề sống bằng chữ nghĩa nhọc nhằn và nặng nề lắm.

Một người thợ làm xong cái bàn, cái ghế, cái tủ… sau khi bàn giao hoặc bán đi là xong. Nhẹ nhàng phủi tay. Không phải bận tâm gì nữa. Nhưng người cầm bút lại khác, rất khác. Với những gì đã viết, đã công bố dù một dòng, một chữ dẫu sau này đã chìm sâu dưới ba tấc đất, họ vẫn còn phải chịu trách nhiệm lấy nó.

Hãy quay trở lại với câu thơ của Lãng Ba vừa nêu trên: “Thì cũng do “nhưng” núp dựa màn”. Dám chắc rằng, chẳng mấy ai có thể giải thích được từ “nhưng”. Nó vô nghĩa? Nó sai moras. Nghĩ thế, bèn lật từ điển tra cứu xem sao.

May quá, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Nhưng hát bội: Người thuộc tuồng làm thầy hát bội, thầy tuồng”. Vậy suy ra, “nhưng” cũng là “thầy tuồng”? Liệu chừng có đúng? Không hẳn đâu.

Một khi nói chắc nịch như thế ắt có người cãi. Dứt khoát sẽ cãi lại cho bằng được. Tránh cãi cọ lôi thôi, chi bằng hãy nghe chuyên gia hàng đầu nghiên cứu nghệ thuật hát bội là Tuần Lý Nguyễn Khắc Dụng giải thích:
“Trong gánh hát bội, thầy tuồng là nhân vật quan trọng, cai quản nội bộ. Thầy tuồng là người thông chữ nho, biết đặt tuồng mới, soạn tuồng xưa, tập tuồng, sắp xếp cho có đầu đuôi, thứ lớp. Trong ban hát, ai cũng kính nể ông thầy tuồng”.
Nói nôm na, thầy tuồng chính là soạn giả và kiêm luôn cả đạo diễn.
“Nhân vật thứ hai, kế tiếp thầy tuồng là chú nhưng, chuyên việc nhắc tuồng cho diễn viên còn non nớt. Chú nhưng là một kép già lão luyện, thuộc hầu hết các tuồng thầy”
(Hát bội - Nam Chi tùng thư XB năm 1970 - tr.326).
Rõ ràng, “nhưng” chỉ là người nhắc tuồng.
“Làm vua làm tướng chi chi đó
Thì cũng do “nhưng” núp dựa màn”
. Câu thơ vọng lên tiếng cười xỏ xiên, châm biếm. Đọc xong, khiến ta lại nhớ đến… nghệ thuật chơi múa rối nước. Với con rối, mọi cử động của nó là do người chơi, núp phía sau điều khiển.

Thật ra, thời buổi nào cũng có hạng người cầm bút chẳng khác gì con rối. Chữ nghĩa múa may quay cuồng những tưởng tâm huyết lắm, những tưởng đau đời lắm nhưng chỉ là cái loa phát thanh cho “nhưng” núp dựa màn, giấu mặt ở phía sau. Hạng cầm bút này, gọi là gì?

Y không biết, chỉ biết văn hào Lỗ Tấn gọi loại người thuộc “nhị hoa diện”, nói nôm na là “anh hề nhì”.

Khác với hề kiểu cũ ở chỗ:
“Anh ta là trí thức. Anh ta biết chỗ dựa của mình là núi băng, nhất định không bền lâu, tương lai mình còn phải xu phụ người khác, cho nên được nuôi nấng, chia sẻ oai thừa, anh ta cũng phải giả vờ làm như mình không phải cùng một phường với tên công tử đó”
(Lỗ Tấn tạp văn, bản dịch của Trương Chính - Nxb VHTT - 2003, tr.511-512).
Có bàn luận gì thêm không?

Dạ, đã đủ rồi ạ.

Lê Minh Quốc