Ads 468x60px

.

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

GIỚI THIỆU SÁCH - “Nhớ gì ghi nấy” của Nhà văn Nguyễn Công Hoan - Ký ức về Hà Nội đầu thế kỷ XX


GIỚI THIỆU SÁCH
“Nhớ gì ghi nấy” của Nhà văn Nguyễn Công Hoan
- Ký ức về Hà Nội đầu thế kỷ XX

Phòng Địa chí


Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977), quê ở làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Ông là người đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng cho dòng văn xuôi hiện thực phê phán Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ cầm bút ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam hơn 300 truyện ngắn, hơn 20 tiểu thuyết và nhiều ông trình nghiên cứu văn học có giá trị. Nhiều tác phẩm và truyện ngắn của ông đã được chuyển thể sang sân khấu và điện ảnh. Ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên. Năm 1996 ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học.

Trong những bản thảo của nhà văn để lại, có một tập 7 quyển vở nhỏ ghi chép từ năm 1970 cho tới trước ghi mất về những điều trải qua, tai nghe mắt thấy trong đời lên tới 600 đoạn ghi chép. Lần in năm 1978, nhà xuất bản Tác phẩm mới chỉ chọn in một số đoạn trong tập bản thảo của nhà văn lấy tên “Nhớ và ghi” gồm 132 trang. Theo Nhà xuất bản, những điều ghi chép của ông chia làm 3 loại:
1. Những việc xảy ra trong đại gia đình mà nhà văn có lẽ muốn cho con cháu biết.
2. Một số nhân vật (những tên Tây thực dân, quan lại, địa chủ, tư sản mại
bản) mà tác giả nghe biết và ghi lại.
3. Những điều tai nghe mắt thấy phần nhiều vào đầu thế kỷ này khi nhà văn đương tuổi thanh niên. Đó là những ghi chép về Hà Nội, những nơi nhà văn đã ở, làm việc và đi qua.

​Năm 1993, nhà xuất bản Hà Nội chọn tiếp những đoạn chưa công bố và xếp những sự việc theo một mạch trong những tiêu đề mà nhà xuất bản đặt tên, để giúp bạn đọc dễ theo dõi như: Vua quan ta Toàn quyền tây; Những chí sĩ yêu nước; Nghề làm sách báo; Buôn bán kinh doanh; Phố phường kẻ chợ. Lần in này gồm 173 trang mang tên “Nhớ về một thưở (Nhớ gì ghi nấy)”.

​Năm 1998, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in bản đầy đủ tập bản thảo với độ dày 770 trang và mang tên “Nhớ gì ghi nấy”.

​Ngoài ra, Nhà xuất bản Trẻ - Thành phố Hồ Chí Minh năm 2004 chọn những trang viết ông dành riêng để nhớ về Hà Nội xưa cũ vào những thập niên đầu của thế kỷ XX với tên sách “Nhớ và ghi về Hà Nội” gồm 263 trang.

Qua những trang sách, có thể nhận thấy sự hồn nhiên, tinh nghịch, phá vỡ quy tắc của cậu học sinh trường Bưởi Hà Nội khi chưa đầy mười tuổi.

Mặt khác, từ nhỏ, Nguyễn Công Hoan đã quen với nhân tình thế thái người phường phố, thành thạo sự đời, và chả coi cái gì làm quan trọng. Thành thử, tuy không bao giờ phải trực tiếp đả động tới chuyện Hà Nội, nhưng trong cái nhìn của ông, chất Hà Nội rất rõ. Toàn bộ đời sống của Hà Nội thời nửa thuộc địa nửa phong kiến đã hiện lên rõ nét: các phương tiện giao thông đương thời; các trường học; nghề in, các nhà in và tình hình xuất bản; nghề ảnh; các rạp hát và chiếu phim; các hội; chuyện buôn bán; chuyện cô đầu…

Số lượng các nhân vật được đề cập đến trong tác phẩm là khá lớn từ Toàn quyền Pháp đến vua quan ta, những tay tư sản Pháp hay tư sản người Việt, các chủ nhà in, các nhà văn, nhà thơ đương thời, các nghệ sĩ… cho đến thằng ăn cắp, người đi đòi nợ thuê.

Nhà văn dành một số trang để nói về doanh nhân Bạch Thái Bưởi, luật sư Phan Văn Trường, dịch tả ở Hà Nội hè năm 1914, chuyện năm 1918 đường Cổ Ngư (Thanh niên) vẫn thắp đèn dầu hỏa, nạn vỡ đê Gia Lâm các năm từ 1924 đến 1926, tên một số đường phố thời người Pháp cai trị, hội Khai Trí Tiến Đức, hiệu mũ Hai Chinh, trang phục thời kỳ này… Qua tác phẩm, bạn đọc biết rạp chiếu bóng đầu tiên của Hà Nội là rạp ở phố Hàng Quạt. Rồi đến rạp Pathé Frères ở miếng đất sát đền Bà Kiệu, sau đó là rạp Palace ở Tràng Tiền giá vé đắt hơn vì sang hơn. Vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam "Chén thuốc độc" do Vũ Đình Long, chủ nhà in, nhà xuất bản Tân Dân và nhiều tờ báo có tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ viết và đăng trên tạp chí "Hữu thanh" năm 1921. Hồi Nguyễn Công Hoan còn đi học, phố Hàng Giấy còn là phố cô đầu, các cô đầu sau mới chuyển xuống phố Khâm Thiên. Phố Phùng Hưng, nhà số 25 chuyên cho thuê nhà làm đám cưới những đôi vợ chồng mà chồng người quê vợ người Hà Nội, chuyện nghĩa trang Hợp Thiện… Chuyện về Hà Nội của tác giả trong tác phẩm còn rất nhiều và không thể kể hết trong khuôn khổ một bài giới thiệu.

Những bản in mà chúng tôi giới thiệu ở trên hiện đang có tại:
Thư viện Hà Nội
- 47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm
- 2B Quang Trung, Hà Đông

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Tài liệu tham khảo:
1. Nhà văn Việt Nam hôm nay với Hà Nội: Kể chuyện đời sống văn học / Vương Trí Nhàn. - H.: Nxb. Hà Nội, 1986. -177tr.; 19cm
2. Nhà văn Việt Nam hiện đại. - H.: Hội nhà văn, 1997. - 809tr ; 25cm



0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉