Ads 468x60px

.

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Phương pháp tra tấn "Lộn mề gà"


Phương pháp tra tấn "Lộn mề gà"

Hội Sử Học Dân Lập Việt Nam


Xuất hiện dưới thời Pháp thuộc, từng được miêu tả trong truyện ngắn "Thằng ăn cướp" của nhà văn Nguyễn Công Hoan, đây là một phương pháp tra tấn khá đơn giản và dễ làm, gây đau đớn rất lớn cho phạm nhân

Đầu tiên phạm nhân sẽ bị ép nằm sấp xuống phản, chân duỗi thẳng, cơ thể phạm nhân sẽ bị giữ chặt làm cho không động đậy được. Hai tay sẽ bị đặt ép sát vào hai bên hông, người tra tấn sẽ từ từ nâng hai cánh tay phạm nhân lên theo phương thẳng đứng từ từ cho đến khi vuông góc 90 độ so với cơ thể, ép vào hai bên đầu. Có thể đi kèm trước khi tra tấn là một trận đòn đấm đá cực đau.


Đòn tra tấn này sẽ làm cho cơ ngực phạm nhân bị siết chặt, chèn ép lồng ngực khiến cho ngạt thở, kèm theo sẽ bị đau cơ dữ dội. Thực hiện trong thời gian dài có thể khiến nạn nhân thổ huyết, ngất. Nếu tra tấn quá tay có thể làm trật khớp vai.

Lộn mề gà được dùng rất phổ biến trong nhà tù thời Pháp thuộc, từ tội phạm cứng đầu, cho đến tù chính trị. Nó còn được kết hợp với các biện pháp khác như đi tàu bay, đi tàu ngầm, treo dây,... tạo lên một chuỗi tra tấn liên hoàn, khủng bố tinh thần phạm nhân

Nguồn:
- Truyện ngắn "Thằng ăn cướp" Nguyễn Công Hoan.
- Hồi kí Bùi Công Trừng.
- Những kí ức của Đồng chí Đỗ Mười.


Nhà tù Hoả Lò, một trong những nhà tù khét tiếng của Thực Dân Pháp


Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Vì sao người Việt xưa đi chân đất (không mang giày dép)?


Vì sao người Việt xưa đi chân đất
(không mang giày dép)?

Chuyện Xưa


Nếu xem lại những hình chụp người Việt (người Pháp gọi là Annamite) thời cuối thế kỷ 19 hoặc nửa đầu thế kỷ 20, có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc là hầu hết “dân thường” đều đi chân đất (không mang giày dép).

Có phải do thời điểm đó giày dép quá mắc tiền nên người dân nghèo không có điều kiện để mua? Điều đó cũng có thể đúng, nhưng lý do cốt yếu là trước khi Pháp tới chiếm Việt Nam, người Việt dưới chế độ quân chủ bị cấm mang giày, vì đó là đặc quyền của vua quan thời đó.

Theo ghi chép của bác sĩ người Pháp Baurac năm 1894, điều này được ghi rõ như sau:
Người An Nam thường không đi giày, và trước khi người Pháp tới Nam kỳ, giày bị cấm hoàn toàn với dân thường. Lễ nghi của người An Nam không cho phép người ta đi giày xuất hiện trước kẻ bề trên; phải để dép ở cửa và đi chân trần. Thói quen này có từ thời thơ ấu, khiến lòng bàn chân ai nấy đều chai sạn, đến mức người An Nam có thể đi trên đá và xuyên qua các cánh rừng đầy bụi rậm và bụi gai mà không hề đau đớn.
Sau khi Pháp chiếm toàn bộ Nam kỳ (1867), sau đó là toàn bộ Trung kỳ và Bắc kỳ, nhiều điều luật được ban hành dưới chế độ phong kiến được xóa bỏ, trong đó việc cấm người dân thường mang dép dĩ nhiên cũng được gỡ bỏ.

Trong một thời gian rất dài, người mang giày và người đi chân đất cũng là thể hiện sự khác biệt về giai cấp trong chế độ phong kiến.

Tuy nhiên do thói quen lâu đời đã ăn sâu vào lối sống của người dân, nên dù không còn bị cấm nữa nhưng vẫn còn nhiều người ái ngại mang giày dép, và việc đi chân đất vẫn còn kéo dài qua quá nửa thế kỷ 20. Thậm chí sang tới thập niên 1970-1980, trong các hình cũ sau đây vẫn thấy có nhiều người dân lao động đi chân đất.

Theo ghi chép của bác sĩ Baurac (có nhắc tới bên trên), thì dần dần người Việt cũng quen với việc mang giày dép để nhìn tươm tất hơn:
“Từ một vài năm nay, những người khá giả và nhiều người An Nam khác, chẳng hạn như thông ngôn, thư ký của Đổng lý Nội vụ… nhất là ở Sài Gòn đã mang tất và giày Âu châu; phụ nữ thuộc tầng lớp khá giả vẫn mang giày Trung Hoa”.
chuyenxua.net biên soạn

Quan mang giày còn người hầu đi chân không



Các bà trong Cung đi ra xem đua thuyền trên sông Hương thời vua Khải Định (12-1924). Các bà này có lẽ là người hầu (cung nữ), tất cả đều phải đi chân trần, giống như lính của triều Nguyễn, chỉ quan mới được đi giầy hay hài.


Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Tổ nghề đóng giày


NGUYỄN THỜI TRUNG, PHẠM THUẦN CHINH, PHẠM ĐỨC CHÍNH, NGUYỄN SĨ BÂN -
Tổ nghề đóng giày

Trong "Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt"
Lê Minh Quốc

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Xưng hô trong giao tiếp vợ chồng nông dân người việt


Xưng hô trong giao tiếp vợ chồng nông dân
người việt

(Trên cứ liệu một số tác phẩm văn học giai đoạn 1930 - 1945)

KHUẤT THỊ LAN
(ThS; Đại học Sư phạm II, Hà Nội)

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

Triết lí tiếng Việt trong một thành ngữ “phi lô gích”


Triết lí tiếng Việt trong
"thượng cẳng chân hạ cẳng tay"

GS TS Nguyễn Đức Dân


Tôi thường nghe nhiều lời bình (và cả một số bài viết) về những hiện tượng “phi lí”, “thiếu lô gích” ở tiếng Việt. Trong số này có thành ngữ (TN) thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Chân thấp tay cao, sao lại là thượng cẳng chân? Có giáo sư giải thích rằng chân đá hất lên cao, tay đập xuống nên mới nói vậy. Và cũng có bài viết theo như thế. Bạn có thể hỏi cắc cớ thế chân đạp, tay thụi có phải là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay không? Cái “phi lí” của TN này mạnh đến nỗi hai nhà nghiên cứu văn học dân gian NL và LVĐ trong quyển từ điển Thành ngữ tiếng Việt (1978, nxb KHXH) được đánh giá cao, khi trích dẫn TN này cũng đã sửa lại cho nó “lô gích” hơn (?): “Bà cai Hách không dám hé răng nửa lời, vì cai Hách là kẻ phàm phu, chỉ biết có thượng cẳng tay, hạ cẳng chân (Vũ Trọng Phụng, Giông Tố)”. Quyển Từ điển thành ngữ Việt Nam (1993, nxb VH) của một nhóm tác giả thuộc Viện NNH cũng dùng lại lời trích dẫn đã bị sửa lại này. (Hay những tư tưởng sai thì gặp nhau?) Thật ra nhà văn họ Vũ viết “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” (GT, chương 27). Tôi tâm đắc câu cái gì hợp lí thì tồn tại của triết gia người Đức G.W. Leibniz và đi tìm cái lí cho những cách nói có vẻ “phi lí” nhưng vẫn được dùng rất bình thường này.
Trước hết, mời các bạn quan sát và trả lời những câu hỏi sau:
Trong vở Thị Màu lên chùa, người mõ “chiềng làng chiềng chạ, thượng hạ, Tây Đông, con gái phú ông là Thị Màu không chồng mà chửa…” Vì sao lời trình thượng hạ, Tây Đông là lời trình tới cả làng?
Tô Hoài viết “Họ buôn ghê lắm, thượng vàng hạ cám. Từ cái bát ăn đến sợi tơ bóng, tơ mờ của Nhật nhà cậu vẫn làm đấy…” (Mười năm) Vì sao buôn thượng vàng hạ cám được hiểu là buôn đủ mọi thứ?
Nghĩa của câu “Làm trai cho đáng nên trai // Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên” là “tài trai là đi tới nơi nào liền đưa lại yên bình cho nơi đó” Vì sao xuống Đông lên Đoài được hiểu là đi khắp nơi?
Vì sao “đầu đuôi câu chuyện” được hiểu là “toàn bộ câu chuyện”?
Và một bài thơ tứ tuyệt châm biếm:
“Khen ai khéo khéo tạc con voi
Có đủ cả đầu đủ cả đuôi
Chỉ có cái kia là chẳng thấy
Hay là thầy Lý bớt đi rồi?”
Vì sao chỉ cần “có đủ cả đầu đủ cả đuôi” là thành con voi? Thiếu những bộ phận khác chỉ là chuyện vặt, không ăn nhằm gì. Người ta nhắc tới “cái kia” cốt châm biếm thầy Lý hay bớt xén, ăn bẩn của dân. Vậy thôi.
Tục ngữ “Con vua vua dấu, con châu chấu châu chấu yêu” có nghĩa “Mọi sinh vật đều yêu con cái mình.” Vì sao cặp từ vua-châu chấu được hiểu là mọi sinh vật? Còn “Chuyện bậy bạ của quan chức X chỉ một hôm là trong Nam ngoài Bắc đều biết” có nghĩa “…chỉ một hôm cả nước đều biết.” Vì sao cặp từ Nam-Bắc lại là cả nước?
Chúng ta qui nạp: các cặp từ thượng - hạ, đầu - đuôi, Đông- Đoài, Nam – Bắc, vua – châu chấu, …giống nhau ở chỗ đều trỏ hai cực của một chỉnh thể và chung nghĩa “tất cả”. Vậy đã rõ: Người Việt có triết lí lấy hai cực để biểu trưng tổng thể và tạo ra nghĩa tất cả. Chúng ta nêu vài ví dụ:
Đất nước hình chữ S có hai cực Bắc – Nam, nên câu “Từ Bắc chí Nam người ta đều làm thế” có nghĩa “Cả nước đều làm thế”.
Theo chiều thẳng đứng có hai cực trên – dưới, nên câu “Trên dưới một lòng” được hiểu là “Mọi người đều một lòng”.
Theo phương mặt trời mọc lặn có hai cực Đông – Tây (Đoài là phương Tây), nên “chuyện Đông, chuyện Tây” là chuyện đủ mọi nơi trong thiên hạ. Còn “xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên” có nghĩa là “đi đến nơi nào là dẹp yên loạn lạc nơi đó”.
Theo trục thời gian có hai cực xưa – nay, trước – sau nên “Lệ làng này xưa nay là vậy” có nghĩa là “Mọi thời, lệ làng này là vậy”. Còn “Trước sau vẫn vậy” nghĩa là “luôn luôn vậy”.
Theo phương nhìn thẳng có hai cực trước – sau nên “Trước sau nào thấy bóng người” nghĩa là “không thấy một ai quanh ta”. Còn “Mắt trước mắt sau” là “để ý tới mọi phương” (và chuẩn bị chuồn).
Nghĩa của “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” được hình thành thế nào?
TN này có hai cặp từ (thượng, hạ) và (cẳng chân, cẳng tay). Cặp (thượng, hạ) trỏ tổng thể. Còn cẳng chân, cẳng tay là những bộ phận cơ bắp nên trỏ hành động đánh đập (giới ngôn ngữ học gọi là biểu trưng hành động đánh đập). Trong truyện ngắn Một bữa no đòn, Nguyễn Công Hoan đã viết
“Chửi. Kêu. Đấm. Đá. Thụi. Bịch. Cẳng chân. Cẳng tay.”
Ghép hai phần nghĩa này lại, sẽ được nghĩa của TN trên: Về tổng thể là những hành động đánh đập vũ phu. Khi định nghĩa TN này nhiều người chua thêm đó thường là hành động của đàn ông đối với vợ con. Đáng buồn là tôi phải bỏ chi tiết này cho “phù hợp” với nạn bạo lực học đường, nhất là kiểu đánh hội đồng có nhiều nữ sinh cũng thượng cẳng chân hạ cẳng tay như ai, ngày càng phát triển ở ta hiện nay.

Nhiều TN có nghĩa được hình thành từ những cặp từ biểu trưng và chúng ta dễ dàng giải thích nghĩa của chúng. Ví dụ:
(Những mảnh ruộng, mảnh vải… ) đầu thừa đuôi thẹo. TN này có hai cặp (đầu, đuôi) và ( thừa, thẹo). Đầu đuôi trỏ tổng thể, còn ( thừa, thẹo) trỏ những thứ không ra gì. Vậy đó là “Những mảnh ruộng, mảnh vải… nhìn chung (về tổng thể) không ra gì” (Bọn) đầu trộm đuôi cướp. TN này có hai cặp (đầu, đuôi) và (trộm, cướp). Cặp (trộm, cướp) trỏ hạng lưu manh. Vậy “nhìn chung, đó là bọn lưu manh.”
(Họ buôn ghê lắm,) thượng vàng hạ cám. TN này có hai cặp đều trỏ hai cực: (thượng, hạ) và (vàng, cám). Trong các thứ đồ vật, của cải, vàng là thứ quí nhất xếp ở cực cao nhất, còn cám là thứ không ra gì (có câu có mà ăn cám! ) nên xếp ở cực cuối. Do vậy (vàng, cám) trỏ tổng thể các thứ đồ vật, của cải. Vậy là họ buôn đủ mọi thứ.
5. Trong nhiều ngôn ngữ khác, rất ít cách nói lấy hai cực trỏ tổng thể.
Cách nói từ đầu đến cuối cũng gặp trong tiếng Nga (s nachala do kontsa), tiếng Pháp (depuis le premier jusqu’au dernier) và phổ biến nhất là TN lấy chữ đầu và chữ cuối của bộ chữ cái La tinh hoặc Hy Lạp: (A) from A to Z; (P) depuis A jusqu’à Z; (N) ot al’fy do omeghi. Người Việt dễ dàng tiếp nhận TN “Từ A đến Z” để làm mới lạ thêm cách diễn đạt từ đầu đến cuối của mình.
Ki tô giáo lấy chữ đầu (A) và cuối (V) trong bộ chữ cái Hy Lạp và vẽ hai chữ này lồng lên nhau để tạo ra biểu trưng “tổng thể” về thế giới, về nhận thức, về thời gian, về không gian. Ta là Alpha và Oméga - đó là Chúa Ki Tô.
Trong bài viết ngắn này tôi cố gắng nói có đầu có đuôi để minh oanh cho một thành ngữ mà không ít người cho đến nay vẫn tưởng là vô lí, thiếu lô gích.
Tp HCM, 21.3.2010
dữ liệu: của ông Lê Công Lý

GS Trương Chính là người rất cẩn thận với chữ nghĩa. Khi dịch truyện ngắn Con Phốc con của nhà văn Ba Kim (Trung Quốc), GS có dùng câu “Ông không thừa nhận, nên bị đánh đập, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, rồi roi vọt, gậy gộc…” → "Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" đồng đẳng với “đánh đập” (động từ). Trong truyện ngắn Cái bướm tung tăng của Đoàn Ngọc Khánh: “Không thỏa dục thỏa ý là uất tức gây sự, là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay liền” (ngữ động từ). Trong truyện ngắn Trẻ con không được ăn thịt chó của Nam Cao: “Nó cục như chó vậy. Ương với nó, nó thượng cẳng chân, hạ cẳng tay là thường” (ngữ động từ). Trong cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, GS Nguyễn Lân cũng xác định nghĩa của "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" là “đánh đập không thương xót” (ngữ động từ)..
(bài đăng trên tạp chí Ngôn Ngữ, số 6 năm 2010)

GS TS Nguyễn Đức Dân



Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Tiểu thuyết Lá Ngọc Cành Vàng: Câu chuyện MÔN ĐĂNG HỘ ĐỐI ! | Nguyễn Công Hoan


Tiểu thuyết Lá Ngọc Cành Vàng: Câu chuyện MÔN ĐĂNG HỘ ĐỐI ! | Nguyễn Công Hoan

Anh Kiệt Đọc Sách



Nhà tưởng niệm Nhà văn Nguyễn Công Hoan - HienMB


Nhà tưởng niệm Nhà văn Nguyễn Công Hoan

HienMB



Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Truyện ngắn “Kép tư bền” của Nguyễn Công Hoan


Truyện ngắn “Kép tư bền” của Nguyễn Công Hoan

Trần Đăng Suyền


Nhà văn bậc thầy Nguyễn Công Hoan viết thiên truyện ngắn xuất sắc “Kép Tư Bền” trong thời gian ông bị đau mắt.


Nhà văn Nguyễn Công Hoan


Trong Đời viết văn của tôi, nhà văn cho biết: “Có đề tài lúc chập tối, tôi bứt rứt, bực bội, đắn đo, không biết có nên thức mà viết hay không. Tôi mà liều, mắt bị sưng rất nặng. Nhưng chờ cho đến ngày khỏi mới viết, thì câu chuyện nó nguội, hóa thiu, hóa thối ra mất thôi. Thế là tôi quyết định viết” (Nguyễn Công Hoan, Đời viết văn của tôi, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1994, tr. 270).

Nguyễn Công Hoan đã lẳng lặng dậy và rón rén đến bên bàn viết. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu vặn nhỏ (vì phải giấu vợ), nhà văn vừa viết, vừa lau mắt. Ông đã đầy đọa đôi mắt ốm yếu của mình từ mười giờ tối đến năm giờ sáng ngày 27/3/1933 để viết cho bằng xong truyện Kép Tư Bền.

Nguyễn Công Hoan là nhà văn đặc biệt nhạy cảm trước những cảnh ngộ, tình huống có tính chất trào phúng. Trong thiên truyện Kép Tư Bền, ông đã phát hiện ra mâu thuẫn hết sức trớ trêu của anh Tư Bền: anh ta buộc phải cười (vì phải đóng vai hề) vào đúng cái lúc đáng ra anh phải khóc (người cha của anh sắp chết).

Kết cấu của truyện ngắn Kép Tư Bền được tổ chức theo trình tự thời gian. Nhà văn đã dẫn dắt câu chuyện theo chiều hướng mỗi lúc lại càng bộc lộ rõ hơn mâu thuẫn có tính chất trào phúng, thời gian càng kéo dài lại càng làm nổi bật hơn cảnh ngộ bi thảm của anh kép Tư Bền. Con mắt sắc sảo, thấm đượm nhân tình của ông đã nhìn thấy, đằng sau cái vở hài kịch vui vẻ, ồn ào đang diễn ra trên sân khấu, là cả một tấn bi kịch thê thảm thực sự của một con người. Ngòi bút truyện ngắn bậc thầy của ông đã làm hiện hiện lên trước mắt người đọc “sự tương phản gay gắt” giữa cảnh ngộ bi thảm, tâm trạng đau xót của kép Tư Bền với nội dung vui nhộn, bông lơn, cười cợt của cái vai hề mà anh cực chẳng đã phải biểu diễn trên sân khấu.

Cùng với thủ pháp tương phản, trong truyện ngắn Kép Tư Bền, Nguyễn Công Hoan còn sử dụng thành công thủ pháp “tăng cấp”. Tăng cấp trong việc miêu tả nội dung vai diễn của của kép Tư Bền mỗi lúc lại càng rôm rả, “nhiều cái vui trò” hơn. Tăng cấp trong việc thể hiện sự cổ vũ, hoan nghênh, tán thưởng của khán giả càng lúc lại càng cuồng nhiệt hơn. Tăng cấp trong việc đưa tin bệnh tình người cha kép Tư Bền mỗi lúc một một nguy kịch hơn. Lúc kép Tư Bền từ nhà đi đến rạp Kịch trường thì cha anh “sắp chết”, “đã thấy nguy lắm rồi”.

Đến hồi thứ hai, khi Tư Bền đang phệnh phạo trên sân khấu thì cha anh đã “nguy hơn ban nãy. Đã cấm khẩu rồi!”. Hết hồi hai, lúc đang ngồi thừ người trong phòng trò thì Tư Bền lại nhận được tin “cha anh đã mê đặc, chân tay đã lạnh cả rồi”. Buổi biểu diễn vừa kết thúc, Tư Bền đang trong tâm trạng rối bời thì một bạn hát chạy đến nói: Cha anh đã “hỏng từ nãy mất rồi”. Mỗi một lời thông báo về bệnh tình của người cha kép Tư Bền lại thêm từ “rồi” ở cuối như những tín hiệu báo trước, trong cuộc chạy đua nước rút với tử thần, kép Tư Bền lúc nào cũng chậm hơn.

Để tô đậm tâm trạng nóng lòng, sốt ruột của kép Tư Bền, Nguyễn Công Hoan đã miêu tả dòng thời gian của vở diễn trôi chảy thật nặng nề, chậm chạp. Đó là dòng thời gian tâm trạng. Cảnh đầu diễn ra đối với anh Tư Bền, “sao mà lâu thế!”. Cảnh thứ hai, cũng “lâu như cảnh đầu, mãi mới hết”. Cái cảnh cuối cùng, “anh cho là lâu tới, thì khán giả cho là chóng quá”. Đến lúc sắp hạ màn, kép Tư Bền cúi chào, thì “cả rạp vỗ tay đôm đốp thật dài”.

Anh tưởng phen này đã “hết nợ”, có thể về để kịp nhìn mặt cha trước khi ông trút hơi thở cuối cùng, thì ở chỗ ghế hạng nhất, tiếng kêu “Bis! Bis!” lại nổi lên. Anh Tư Bền, cực chẳng đã, “lại phải giấu bộ mặt rầu rầu” để “vui vẻ diễn lại đoạn cuối một lần nữa”. Rồi đến khi bài kèn chào nổi lên, cái màn từ từ buông xuống, kép Tư Bền vẫn chưa được buông tha. Anh vẫn bị đầy đọa, hành hạ tiếp bằng những cái bắt tay, những lời khen ngợi, những bó hoa, làm cho anh “ruột càng như thiêu như đốt”.

Qua truyện ngắn Kép Tư Bền, Nguyễn Công Hoan đã thể hiện sự cảm thông với nỗi niềm, tâm sự của một con người buộc phải làm trò cười trong hoàn cảnh đáng khóc. Nhà văn đã nhìn thấy những biểu hiện tinh tế trong tâm hồn kép Tư Bền và miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật “mỗi lúc một thêm rầu rĩ, xót xa, cay đắng”.

Ở nhà, cha kép Tư Bền “đương dở chứng khò khè, chỉ chờ từng phút để thở một hơi nữa là hết nợ” thì trong buồng trò, anh cũng “đương nẫu ruột nhầu gan”. Anh “ngồi ủ rũ trước cái gương, bụng thì rối beng, mặt thì nhăn nhó, nhưng tay vẫn phải sờ vào hộp phấn để đánh mặt, quệt vào đĩa mực để bôi nhọ cái mồm…”.

Trình diễn xong cảnh đầu, đến cảnh thứ hai, cái vẻ “lo âu” của kép Tư Bền “nó hiện ra ở trước mặt”. Đến khi nhận được tin cha đã mê đặc, kép Tư Bền “ứa hai hàng nước mắt”, không sao kìm nổi nỗi đau thương đã “khóc nức khóc nở”. Khi bị đẩy ra sân khấu tiếp tục làm trò, anh “vừa thắt dải áo, vừa sụt sịt mếu máo”.

Chứng kiến cảnh anh kép hát buộc phải diễn trò, người kể chuyện đưa ra nhận xét: “Cái cảnh thương tâm của anh Tư Bền đi đôi với cái bông lơn, cứ diễn ra mãi, mỗi chốc lại càng thương tâm hơn lên”. Thủ pháp tăng cấp vừa có tác dụng tô đậm thêm cảnh ngộ bi thảm của nhân vật, vừa tạo ra trong tác phẩm một không khí căng thẳng, hồi hội, đầy kịch tính. Tác phẩm được kết thúc vào đúng cái lúc tâm trạng của kép Tư Bền tột cũng bi thảm, đau đớn, tạo nên một dư vị thật ngậm ngùi, chua chát cho người đọc.

Trong truyện ngắn Kép Tư Bền, cũng nhờ thủ pháp tương phản mà Nguyễn Công Hoan đã lột trần cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa của ông chủ rạp Kịch trường. Con mắt sắc sảo của nhà văn đã nhìn thấu tim đen của hắn. Để buộc kép Tư Bền phải nhận lời đóng vai chính cho vở Ông nghị ba phải, hắn đã dùng mọi mánh khóe, thủ đoạn, từ dọa nạt đến ân cần thăm hỏi người cha của anh, từ dỗ dành, phỉnh nịnh đến trói buộc anh bằng giấy giao kèo… Thật là nhẫn tâm khi hắn biết cha kép Tư Bền đang ốm sắp chết mà vẫn cố tình “đẩy anh ra sân khấu” để anh “lại phải hò, hét, ngâm, cười, múa, nhảy, để mua gượng lấy những tràng vỗ tay”.

Nguyễn Công Hoan đã bóc trần lớp sơn bên ngoài hào nhoáng của một bộ phận thuộc tầng lớp ông chủ, những kẻ giả nhân giả nghĩa, nhân danh nghệ thuật mà thực chất là lợi dụng nghệ thuật, chà đạp lên cả lương tâm, đạo lí, cả tình cảm thiêng liêng của con người, coi đồng tiền là trên hết. Qua Kép Tư Bền, Nguyễn Công Hoan đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc của mình trước tình cảnh một nghệ sĩ “tính thích tự do” nhưng vì nghèo túng mà phải bán rẻ tự do, trở thành kẻ lệ thuộc vào túi tiền của những ông chủ. Cảm hứng hài kịch ở đây đã nhường chỗ cho cảm hứng bi kịch, trào lên niềm xót thương chân thành của nhà văn trước tình cảnh thê thảm của người nghệ sĩ nghèo trong xã hội cũ.

Viết xong truyện ngắn Kép Tư Bền, mắt Nguyễn Công Hoan đau nặng thêm, nhưng nhà văn cảm thấy “rất khoan khoái, nhẹ nhõm”. Thiên truyện xuất sắc này cùng với 14 truyện ngắn khác được in trong tập truyện Kép Tư Bền (1935). Cuốn sách đã được 18 tờ báo lớn nhỏ khắp Trung, Nam, Bắc đăng bài khen ngợi. Nhà sách Hương Giang ở Huế đã mở một cuộc trưng cầu ý kiến các bạn đọc để xem cuốn sách nào được hoan nghênh. Kết quả là Kép Tư Bền được xếp lên đầu. Tập truyện ngắn đầu tay này của Nguyễn Công Hoan cũng là một trong những nhân tố làm bùng nổ cuộc tranh luận gay gắt giữa hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.


Trần Đăng Suyền

Tác phẩm "Kép Tư Bền"