Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Khuôn mặt tham nhũng trong tiểu thuyết “BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG” của nhà văn NGUYỄN CÔNG HOAN - Hàn Tân


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Hàn Tân

Khuôn mặt tham nhũng trong tiểu thuyết “BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG” của nhà văn NGUYỄN CÔNG HOAN

Hàn Tân


Đúng là sức mạnh của văn chương không thua vũ khí. Ngòi bút của Nguyễn Công Hoan như những phát súng bắn vào đầu bọn gian ác, vạch trần bọn tham ô, tham nhũng, sâu dân mọt nước.


Bước đường cùng là tiểu thuyết của nhà văn Việt Nam - Nguyễn Công Hoan (1). “Pha, một nông dân nghèo, bị Trương Thi – người hàng xóm không tốt – bỏ bã rượu vào ruộng rồi báo Tây đoan về bắt. Nhưng Thi bỏ lầm vào ruộng của Nghị Lại, một địa chủ lớn trong vùng. Pha thóat nạn. Nghị lại xúi Trương Thi kiện Pha, rồi lại xúi Pha kiện Trương Thi, hứa cho cả hai người vay tiền lo kiện và nói lót với quan huyện cho cả hai ! Pha lên huyện hầu kiện, bị lính lệ hạch sách , đánh đấm, cướp giật, lại bị quan ra lệnh tống giam vì không mang tiền “lễ”. Đến khi vợ đem tiền đến, anh mới được tha về. Nghị Lại đến dụ dỗ, Pha lại phải vay thêm lão hai chục để “tạ quan” ! Bá Tân, người anh vợ có chữ nghĩa của Pha, bàn với Pha tìm cách trả kỳ được món nợ của Nghị Lại; nhưng lão đã có chủ ý, nhất định chưa nhận. Vụ thuế đến, lính cơ về làng, tróc nã, bắt trói, cùm kẹp; quan huyện về đốc thuế, đem lính vào từng nhà, cướp trâu vơ vét đồ đạc, tiền bạc…! Sau vụ thuế, nhiều gia đình nông dân khánh kiệt, trong khi bọn Nghị Lại và bọn kỳ hào kiếm hàng trăm. Vợ chồng Pha phải đến làm thuê cho Nghị Lại, vất vả quần quật mà cơm độn cà thiu không đủ no. Chị Pha về ốm nặng, Pha lại phải đến vay thóc Nghị Lại để ăn. Vợ anh vẫn ốm, không có tiền mua thuốc, chỉ uống mấy thứ lá linh tinh, rồi lễ bái, chạy mồ… Anh Pha phải đến phục dịch nhà Nghị Lại, rồi bị đòn, bị đuổi oan ức. Nước sông lên to, Pha và hàng trăm nông dân phải đi hộ đê, trong khi vợ con nhịn đói. Rồi nạn dịch tả. Chị Pha chỉ vì không chịu tiêm chủng, đã chết về dịch. Đã thế, Pha còn bị “làng” bắt vạ vì cho rằng anh “hỗn xược với thần” để làng bị dịch! Đứa con của anh cũng chết nốt, chỉ còn anh trơ trọi, túng đói. Đau buồn, uất ức, anh càng thấm thía tình trạng bất công ở đời. Hòa, anh ruột Pha, làm thợ ở xa về làng thăm em. Hòa giải thích cho Pha về nguyên nhân nỗi khổ và bảo anh: dân cày phải hợp sức nhau lại đạp đổ “cái chế độ thối mục ở hương thôn” hiện nay thì mới sống được. Giữa lúc đó, Nghị Lại gọi Pha đến đòi nợ. Tính theo lệ vay nhà lão thì cả gốc lẫn lãi, Pha phải gán tám sào ruộng lúa đang chín của anh. Trước dã tâm cướp ruộng, cướp lúa của Nghị Lại, Dự một người anh em họ, bàn với Pha và Trương Thi, San – là những người cùng sắp bị Nghị Lại cướp ruộng vì không trả được nợ – họp nhau đối phó. Họ quyết định cùng hợp sức gặt lúa cho nhau, không để lão cướp lúa. Họ đã gặt cho Thi và San trót lọt. Nhưng hôm sau, Nghị lại cho lính kèm thợ gặt đến gặt cướp lúa trên ruộng của Pha; khi anh chạy đến, Nghị Lại trỏ lính quây bắt. Vớ được chiếc đòn càn, anh phang mạnh vào đầu lão, kêu to: ”Đồ ăn cướp!”. Bọn lính trói gô Pha lại, khiêng anh đi…” (2)

“Bước đường cùng” đánh dấu đỉnh cao về tư tưởng của Nguyễn Công Hoan và là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Ý nghĩa tiến bộ của nó từng được báo chí Cách mạng khi đó khẳng định biểu dương. Một số Hội ái hữu công nhân đã đưa tác phẩm lên sân khấu. Chính quyền thực dân Pháp vội vã cấm lưu hành lần lượt trên toàn cõi Đông Dương.

Trong “ Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951”, Chủ Tịch Hồ Chí Minh có viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Từ những năm 1930, Nguyễn Công Hoan đã xứng đáng đứng trong mặt trận trên. Ngòi bút của ông luôn mài dũa để trở thành vũ khí sắc bén để sát hại những tên hại dân bán nước như tên quan huyện trong “Bước đường cùng”.

Thời thuộc Pháp, nơi công đường được trang trí như chỗ Diêm vương xử án : “… đằng sau, đằng trước, bên phải, bên trái, còn bày la liệt những thứ khiến người yếu bóng vía phải rùng mình: thanh quất, súng lục, súng trường, gươm, giáo, bát xà mâu, kích, v.v… rặt những thứ quệt vào thằng dân nào là thằng ấy đủ chết mất ngáp” ( 3). Chỗ quan huyện xử việc đặc sệt không khí đàn áp người, cảnh tượng ác ôn lạnh người…

Còn hình dáng quan huyện thì sao? “Quan phụ mẫu là một người có nhiều cái đặc biệt. Đứng trước ngài, ta có cảm tưởng hỗn xược như ta lại phải ăn một mâm cỗ đầy ăm ắp những thịt mỡ khi ta đã no nê. Nghĩa là ta phát ngấy về sự phì nộn của ngài” (4). Nếu đi vào từng chi tiết tỉ mỉ, chúng ta quan sát khuôn mặt của ngài: “Ngài cúi mặt xuống, cả tấm thịt trên quai hàm bị cổ áo là cứng nó đùn lên, nó vẽ nên một nét răn, chia hai má ra làm hai khu đều nhau, khu nào cũng phinh phính và nung núc những thịt. Cái tấm má ấy đầy đặn đến nỗi giá chỉ một mũi ghim nhỏ lỡ đụng vào, là chỗ có thể làm chảy ra hàng lít nước nhờn nhờn mà ta quen gọi là mỡ.” (5). Nguyễn Công Hoan bậc thầy về cường điệu hóa, tả mặt người quan huyện, ta tưởng như mặt lợn.. Nó “ phinh phính”, “nung núc” (như mặt lợn) và tưởng tượng trên mặt phì nộn ấy có “hàng lít nứơc nhờn nhờn”. Đúng là khuôn mặt “ngồi mát ăn bát vàng” của bọn quan lại tay sai thời thuộc Pháp.

“Trông lên mặt sắt đen sì” (Kiều – Nguyễn Du)

Ở đây không phải là quan thời phong kiến xa xưa mà quan thời nửa phong kiến, nửa thực dân, nên “ lông mi ngày rậm mà vòng lên, đối với đôi mắt ngài hùm hụp cong xuống. Từ thái dương, đến má, đến xung quanh miệng ngài, người ta tưởng mặt ngài làm bằng sắt vì nó đen đen. Nhưng không, màu ấy chỉ là di tích bộ râu quai nón mà sáng nay ngài quên chưa cạo” (6)

Đúng là sức mạnh của văn chương không thua vũ khí. Ngòi bút của Nguyễn Công Hoan như những phát súng bắn vào đầu bọn gian ác, vạch trần bọn tham ô, tham nhũng, sâu dân mọt nước.

Tác phẩm ra đời trên 70 năm, nhưng không lỗi thời. Ngày nào nạn tham nhũng còn hoành hành trên đất nước ta thì tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan vẫn còn có giá trị hiện thức lớn.

Đất nước đã thật sự được độc lập, tự do, hội nhập tòan cầu, đang tiến bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng bọn tham nhũng vẫn lộng hành thì “BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG” là “máy chém”, là “phát súng” sẽ tiêu diệt nhiều cái đầu có khuôn mặt “phinh phính”, “nung cúc” như quan huyện trong tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan./.




15/5/2009 HÀN TÂN


(1):P.T.B.N.S số 23 – 16/7/1938-(Theo Vũ Ngọc Phan, NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI, NXB THĂNG LONG, SÀI GÒN, 1960, trang 1052)

(2): TỰ ĐIỂN VĂN HỌC TẬP 1, NXB KHOA HỌC XÃ HỘI, Hà Nội, 1983.

(3), (4), (5), (6): trích, BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG, Nguyễn Công Hoan, NXB Đồng Nai, 2000, trang 56-57.











0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉