Ads 468x60px

.

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Nhớ Gì Ghi Nấy

Nhớ Gì Ghi Nấy



Tác giả: Nguyễn Công Hoan.
Nhà xuất bản: Nxb Trẻ
Ngày xuất bản: 2003
Hình thức: Bìa cứng
Số trang: 560
Kích thước: 14x20 cm
Trọng lượng: 900 gram










Trích

Nhớ Gì Ghi Nấy

Nguyễn Công Hoan


Lời mở đầu

Định làm việc này từ lâu, gọi là Nhớ Gì Ghi Nấy. Nhưng hễ sực nhớ được việc, cảnh, người cũ (mà ngày trước chưa đưa vào các truyện ngắn truyện dài), thì lại không ghi. Vì cho là chỉ phải viết có dăm mươi dòng, mà cũng phải đi tìm giấy bút thì ngại. Cho nên lại để cái sực nhớ thoảng qua đi. Từ hôm nay, quyết làm việc này. Và nhất định có những việc viết hai lần. Những sự kiện in vào óc lúc tuổi trẻ thì nhớ được lâu. Những việc làm lúc tuổi già thì dễ quên -
(Lời mở đầu của Nhớ gì viết nấy)


Phở

1913…trọ số 8 hàng Hài…thỉnh thoảng, tối được ăn phở (hàng phở rong). Mỗi bát 2 xu (có bát 3xu, 5 xu)... người bán phở phải mua hai hào tem thuế mỗi ngày. Tính ra mỗi năm là 73 đồng.


Phố "cửa"

Phố Cửa Đông thời Pháp
Phố Phùng Hưng, quãng từ Cửa Đông đến Ngõ Trạm xưa là bãi cỏ hoang rất vắng… Quanh và trong doanh trại phố Cửa Đông cũng có nhiều nhà kiểu thuộc địa như vậy (nhà tầng dưới xây cuốn, mái lợp tôn)… Ngày trước, ngoài trường Trí Trí, còn nhiều trường tiểu học mở lớp không mất tiền…như trường Hàng Vôi (Nguyễn Du ngày nay) và trường Cửa  Đông (nay không còn, vào đất của nhà 3 tầng, số 2 phố Cửa Đông)… Một là cứ đến thứ hai đầu tháng, thì xem lính Tây rước đèn. Đám rước đi từ Trại (phố Cửa Đông)… Muốn toàn thắng, nghĩa là không bị chửi, thì mình nhằm đúng thằng Tây đang thổi kèn mà ném. Một là thằng Tây không biết chửi tiếng ta. Hai là chẳng lẽ mồm nó đương thổi kèn để thổi, nó dám bỏ ra để chửi?

Vườn hoa Cửa Nam
Trước có tượng bà đầm xòe. Nó là một người đàn bà, ở đầu xòe ra những tia thẳng (ánh hào quang), tượng trưng cho quyền cai trị… Ta nói đùa với nhau rằng: Ông Pon-be chim bà đầm xòe. Nhưng ông Lê Lợi đứng giữa (tượng ở đền vua Lê), chống gươm, nhìn thấy nên bà đầm xòe phải chốn đi.


Tóc đuôi gà

Trước kia con gái lên ba, lên bốn thì đầu cạo trọc, nhưng để một cái “cút” ở phía trước. Từ mười sáu tuổi trở đi, thì vấn khăn. Tức rẽ giữa trán rồi trải sang hai bên mới vấn khăn ra ngoài, quấn chặt cho thật lẳn. Khăn chít một vòng quanh đầu. Nên tóc ít hoặc ngắn thì phải độn thêm cho vành khăn khỏi bé. Hoặc độn bằng món tóc khác, hoặc bằng vải quấn chặt. Chỗ tóc thừa ở đầu khăn, khi chít thì rủ xuống vai, gọi là đuôi gà. Đuôi gà làm cho người đẹp thêm và để người ngoài biết mình là “tóc tốt”, khoẻ mạnh. “Một thương bỏ tóc đuôi gà”. Nếu tóc ngắn, không có đuôi gà thì các cô mượn tóc ngoài để nối vào tóc mình, làm “đuôi gà giả”.


Việc hạ tượng Paul Bert

Sau ngày phát-xít Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương 9/3/1945, người Việt Nam được cử làm Đốc lý Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai, tổ chức hạ cái tượng "quốc sỉ" ấy. Trong những người đi xem có một ông già là Mỹ Ký. Thuở bé, hôm dựng tượng Paul Bert, ông Mỹ Ký có đi xem. Hôm nay hạ tượng, ông lại đi xem. Ông sướng quá ôm mặt khóc nức nở.
...
Tượng Pôn-be bằng đồng hun, tay phải cầm chiếc cờ của nước Pháp, tay trái giơ về phía sau, năm ngón xòe ra… Cạnh chân nó là một người Việt Nam mặc áo cộc, đội khăn chít, chân giẫm đất, ngồi xổm, nghểng mặt lên nhìn cái bàn tay, như cái vẻ cầu khẩn. Ở giáng điệu thằng cướp nước thì như cái vẻ: “cứ yên tâm đã có ta”


Về số bậc và con đường lên Đền Hùng

Năm 1913, mình có lên Đền Hùng. Từ dưới lên đến Đền Thượng chưa xây bậc nên rất khó đi.
Một bà phú thương ở Hà Nội là bà Nghĩa Lợi đã cung tiến để xây bậc gạch, nên đường dễ đi.
Những người thợ cao hứng vì thừa xi măng xây đường nên họ lấy luôn cả xi măng để lấp vào các gốc cây cổ thụ cạnh con đường.


NHỮNG CHI TIẾT VỀ BÁC HỒ

Đôi dép của Bác có từ khi nào?
Dép lốp ta mới làm sau ngày Tây nhảy dù lên Việt Bắc năm 1947. Chúng tải ô tô lên đó rồi vứt lốp cũ lại. Ta lấy lốp làm dép. Từ đó mới có dép cao su. Trư­ớc ngày này, Hồ Chủ tịch đi dép cao su trắng, hiệu con hổ. Trước kháng chiến, Người thư­ờng dùng giày Tầu đi trong nhà ở Phủ Chủ tịch. Viết và vẽ Người trước năm này mà lận dép lốp, là không đúng.

Từ "Bác" gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ ?
Cán bộ gần Hồ Chủ tịch gọi Người là Bác từ năm 1948. Sau ngày hoà bình, nhân dân ta mới gọi Người là Bác. Trước đó, vẫn gọi Người là Cụ, Cụ Hồ. Ng­ười tự xư­ng trong các bản viết cho thiếu nhi là Già Hồ.

Viết những mẩu chuyện về Hồ Chủ tịch trước năm 1948 mà cán bộ gọi Hồ Chủ tịch là Bác và Người xưng với cán bộ là Bác, là không đúng với lịch sử.

Về sự thông minh, trí tuệ, tài xử trí của Bác Hồ
Ngày 6/1/1946, Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta. Nhiều thế lực phản động, thù địch chống phá ta. Chúng tổ chức biểu tình tại số nhà 80 - Quán Thánh, Hà Nội. Chúng không ứng cử.

Ông Trần Huy Liệu cáu lắm, chủ tr­ương trị chúng. Cụ Hồ bảo:

- Kệ nó, thế nào nó không xin được có ghế trong Quốc hội?

Trần Huy Liệu:

- Đời nào!

Cụ Hồ:

- Nào, tôi đánh cược với chú?

Trần Huy Liệu:

- Vâng.

Quả nhiên, bọn Việt Quốc xin 50 ghế và Việt cách 20 ghế (không phải bầu).

Cụ Hồ hỏi Liệu:

- Nào, chú đã thua cuộc chưa?

Trần Huy Liệu:

- Vâng, xin chịu thua. Bởi vì tôi không ngờ là chúng nó bần tiện đến thế...

Chính phủ Liên Hiệp của ta thành lập năm 1946. Hồ Chủ tịch đã tập hợp đ­ược cả những thế lực thân Pháp như­: Trư­ơng Đình Tri, cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế, thân Tưởng như­ Nguyễn Hải Thần, cử làm Phó Chủ tịch nước, Nguyễn Tư­ờng Tam- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyễn Tường Long- Bộ trư­ởng Bộ Kinh tế...

Sau khi bọn thân Tưởng chuồn sang Trung Quốc, trong phiên họp Quốc hội, một đại biểu chất vấn Chính phủ rằng: "Ta như­ lửa, chúng như n­ước, sao lại đặt chúng cạnh nhau?

Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ trả lời:

- Đúng, ta như­ lửa, chúng nh­ư nư­ớc. Nếu biết đặt n­ước lên trên lửa, thì nước sôi, uống lành!...

(...)
Cũng năm 1946, trùm thực dân hiếu chiến Pháp là Đác-giăng-li-ơ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh ra vịnh Hạ Long hội đàm trên tàu. Chúng điều động nhiều lực l­ượng hải quân túc trực ở tàu hòng diễu võ giư­ơng oai. Tại buồng khách d­ưới tàu, chúng mời Cụ ngồi giữa, còn chúng ngồi xung quanh.

Đác-giăng-li-ơ châm chọc, đùa bằng câu nói bóng tiếng Pháp.

- Thư­a chủ tịch, Chủ tịch bị đóng khung! (Vous êtes encadre monsieur le Presidentr!)

Nghĩa đen của từ "encadre" là đóng khung, ý là ngồi ở giữa nhưng cũng có nghĩa là bị bao vây.

Nhanh trí, Cụ Hồ đáp lại bằng tiếng Pháp:

- Xem tranh ngư­ời ta ngắm cái khung hay bức hoạ?

Từ ngắm trong tiếng Pháp còn có nghĩa bóng là chiêm ngưỡng vì quý phục.

(...)
Bác Hồ ư­a đối thoại, khuyến khích đối thoại và trực tiếp trả lời đối thoại.

Trong một hội nghị, Người bảo anh em viết câu hỏi vào giấy để tự mình sắp xếp, trả lời.

Các câu hỏi đư­ợc đư­a lên. Người cầm một tờ giấy có câu hỏi, đọc từng tiếng: "Th­ưa Bác, bao giờ Đảng ta ra công khai?"

Bác đọc lại rõ ràng một lần nữa rồi nhìn mọi ng­ười, hỏi:

- Chú nào hỏi câu này?

Không ai giơ tay. Bác bảo:

- Không có chú nào hỏi, sao lại có giấy này?

Sợ quá, một cán bộ, bất đắc dĩ giơ tay, nhận là mình viết.

Bác hỏi:

- Tên chú là gì? Công tác ở đâu?

Ngư­ời cán bộ xư­ng danh và đơn vị, Bác nói:

- Thế bây giờ Bác trả lời chú nhé.

Cả hội trường im thin thít. Bác nói to, dằn từng tiếng:

- Bao giờ Đảng ta không cần bí mật nữa thì ra công khai.

Chờ mọi ngư­ời cư­ời xong, Bác lại hỏi:

- Có hiểu không?

Cả hội trư­ờng lại bò ra c­ười

Thấy ng­ười hỏi lừng lững ngồi xuống, cả hội trư­ờng lại càng cư­ời rũ hồi lâu. Bác cũng cư­ời...


Nhà hát Lớn Hà Nội

Hàng năm, vào cuối mùa thu sang mùa đông, thường có những đoàn kịch từ Pháp sang. Gọi là mùa sân khấu (Saison théâtrale). Thiết kế trong nhà hát không cần có quạt- gió quạt có thể làm lạc tiếng nói trên sân khấu. Kiến trúc ngồi đan nhau, nghe cũng rõ, trông cũng rõ. Hai ban công áp sát sân khấu thì một dành riêng cho thống sứ Bắc Kỳ, một dành cho đốc lý Hà Nội. Hai buồng ngay dưới ban công dành cho phóng viên. Phóng viên có thẻ, cứ vào, không phải vé.

Lần đầu tiên mình (tức Nguyễn Công Hoan) được vào Nhà hát là năm 1917, để lĩnh phần thưởng. Phần thưởng danh dự của học sinh trường Tây, trường Đầm, trường nữ sinh Đồng Khánh và trường Bưởi đều lĩnh ở đây.

Năm 1919, các nhà trí thức mới diễn kịch Molière Bệnh tưởng. Tài tử sắm vai toàn du học ở Pháp về. Năm sau, sinh viên Cao đẳng Sư phạm lại diễn Trưởng giả học làm sang cũng của Molière. Cả hai buổi đều ở Nhà hát Lớn.

Chèo vắng tiếng ở Hà Nội thời gian khá lâu. Vào khoảng năm 1942 – 1943, Hội cứu tế thuê gánh hát Kép Thịnh diễn tại Nhà hát Lớn. Thấy nhiều ông đứng tuổi, ngồi hạng nhất, khi nghe tiếng trống rung và tiếng hát thì gục đầu xuống và nhắm mắt lại. Rõ ràng là dáng điệu của người khoái chí, nhớ lại gì và nghĩ những gì.


Trích Nhớ Gì Ghi Nấy, - Nxb Hội Nhà văn 1998


0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉