Ads 468x60px

.

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Nguyễn Công Hoan, Hộ đê


Trích truyện dài Thanh đạm. Tên bài do người chọn tạm đặt.


Chỉ huy đắp đê, chỉ huy giữ cho đê khỏi vỡ, tưởng làm quan ở ta xưa kia còn có trách nhiệm nào cơ bản hơn, lớn lao hơn.

Quan mà ra quan, như khi nước chưa bị chiếm, thì nhất định không coi thường cái trách nhiệm ấy như tên cẩu quan thời Pháp thuộc của Phạm Duy Tốn (xem "Sống chết mặc bay").

Trong buổi thịnh trị của thời quân chủ, quan nếu không thương dân được như con, thì chắc chắn đa số cũng thương dân được như cháu. Không "dân chi phụ mẫu", cũng "dân chi thúc bá"!

Cái hình ảnh đáng kính của bậc cha mẹ, chú bác dân được lưu truyền đến Nguyễn Công Hoan, thành ra bài văn nhiệt liệt sau đây.

(Thu Tứ)


Nguyễn Công Hoan, Hộ đê



[...]
Nói đoạn, ông mặc áo tơi, đội nón, bước chân ra ngoài mưa. Giọt nước to bắn rát cả mặt. Ngọn gió vu vu thổi bạt cả hơi. Nhưng ông cứ hăng hái. Nha lại Mĩ Hào phải theo sau. Ðến chỗ đông phu phen, ông dừng lại, nhìn họ một lát, rồi nói to:

- Các phu phen, hãy ngừng tay lại, nghe ta nói!

Mọi người im phăng phắc.

- Các anh phải cố giữ cho vững khúc đê này. Giời này còn mưa. Mà có khi bão to hơn nữa. Mà gió to, mưa to, ấy mới là nguy hiểm. Nhưng hãy quay cả lại, nhìn phía ruộng kia. Lúa má xanh tốt thế, mà không biết chừng bị ngập lúc nào đó! Song, không những lúa má bị ngập mà thôi đâu, nhà cửa các anh, của cải các anh, cả phần mộ tổ tiên các anh, không biết có được vững bền không đấy! Lúa má, nhà cửa, của cải, phần mộ có còn, cũng là do các anh có hết lòng hay không. Hai cánh tay các anh bây giờ mới là vật đáng quý, các anh phải lấy hết gân sức, dấn một hôm, hai hôm, để cứu lấy những thức quý hóa. Các anh không gắng dùng hết sức của hai cánh tay trong một, hai ngày này để giữ vững đê, thì các anh phải gắng sức gấp mười trong mươi, mười lăm năm, mới lại được như hiện giờ. Giời mưa, lại bão. Các anh làm việc vất vả. Ta biết công cho các anh lắm. Ta là quan, tuy không có phần nào thiệt hại chung với các anh đâu, nhưng không đành tâm trông thấy các anh khó nhọc. Ta khuyên các anh nên mặc gió, mặc mưa. Ðây này, ta không muốn hưởng sung sướng hơn các anh đâu!

Nói đoạn, ông bỏ nón, cởi áo tơi, và tụt guốc ra, đưa cho người lính theo hầu, rồi vừa xắn áo vừa tiếp:

- Ta cũng chịu một phần khổ với các anh.

Ai nấy kêu la rầm rĩ:

- Không, xin quan lớn đừng thế!!

Quan Huyện nói to một lát đã thấy rát cổ. Gió lại làm bạt tiếng đi, nên ông phải nói to hơn:

- Thôi, các anh đừng nhìn ta nữa, lại bắt đầu làm việc đi. Lát nữa, sẽ có ba trăm người đến họp sức với các anh. Khúc đê này không vỡ được! Các anh phải tin thế!
Mọi người phấn khởi, rất hăng hái.

Chánh tổng ái ngại cho quan, nhăn nhó nói:

- Xin rước quan lớn mặc áo và đội nón.

Quan Huyện lắc đầu:

- Không, hãy cứu được khúc đê này đã.

Rồi ông bảo lý dịch đứng ốp phu:

- Các thầy nên thương con em. Phải ngọt ngào cho chúng nó vui lòng làm việc. Các thầy vứt cả roi mây đi. Tôi nghe nói ai đánh đập một tên phu nào, sẽ thẳng tay trừng trị.

Nước mưa thấm qua ba lần áo, quan Huyện đã thấy lạnh. Khăn và tóc ông đẫm những nước. Mặt ông xám ngoẹt. Ðứng trước gió, ông lạnh run lên. Nhưng nhìn lũ dân reo hò vui vẻ, ông đi đi lại lại, quên cả mưa bão.



Càng mưa. Càng gió. Gió ào ào. Mưa ào ào. Tạo hóa như muốn thỏa cơn thịnh nộ. Gió giật từng cơn rít trong cây. Luồng tây bắc thổi lại, đè dí thân cây xuống. Các cành cây trụi lá như cuồng dại, đánh vào nhau cuống quýt. Những hạt mưa như thi nhau chạy hết tốc lực về phía đông nam. Rồi cây gãy, mái tốc. Ngói tung lên từng mảng, bay đi xa, rơi xuống, vỡ loảng xoảng. Rồi cây đổ, nhà đổ. Hạt mưa mau làm mờ cả những nơi gần. Nước sông chảy cuồn cuộn, mỗi lúc một lên cao. Sóng lăn đi, quật vào mạn đê, vỡ tung ra đánh ầm. Trời như căm người kiên tâm. Nước như giận con đê còn đứng vững. Trời, nước hợp sức nhau để tàn phá. Thỉnh thoảng, năm sáu làn sóng dồn dập, lăn xả vào sườn đê. Nếu không có con trạch be thì đã nhẩy xổ được sang đến đồng rồi.

Nhưng, theo gương quan Huyện, bọn phu vẫn bình tĩnh, vui vẻ làm việc. Hôm nay, năm sáu trăm người đứng ở giữa nước, vì trên là nước, dưới là nước, xung quanh cũng là nước, không một ai đội nón. Vì đội để làm gì? Nón có che được mưa này đâu! Ðể trên đầu, chỉ tổ bận tay phải giữ, vì quai nào lại được với sức gió! Họ như không để ý đến bão, đến mưa. Họ vẫn nhanh nhẹn lấy mai xắn đất, chuyên tay nhau những tảng lớn, để phụ vào con trạch cho to thêm. Dân mỗi làng một quãng đê. Họ thi nhau làm, xem bọn nào tất lực. Họ vẫn đùa nhau, vẫn cười vui vẻ. Từ quan, cho đến Chánh phó tổng, Chánh phó lý, ai nấy ướt như chuột lột, quần áo dán sát vào thân, môi thâm sịt, rét run lẩy bẩy, nhưng không ai nói đến chuyện mưa, chuyện gió, không ai cầm một cái roi vọt để thị uy. Ai cũng ngọt ngào, dù cần phải gióng giả con em làm việc. Họ nghiệm từ hôm qua, là làm những việc không công như đi phu đắp đê, hễ người cầm đầu mà ngọt ngào thì ai cũng tất lực, tất lực hơn mọi ngày phải trừng phạt bằng cách chôn chân hay cách đánh đập. Họ thấy lần này, phu phen và vật liệu, lấy dễ dàng hơn, dù mọi lần, công việc không vất vả bằng. Không có một người nào trốn. Không có một cây tre nào bị thải. Ai nấy đều vui lòng vâng mệnh quan mà chịu nhọc nhằn. Lý dịch không phải nài ép, bắt bớ ai, mà trong khi làm, không phải dọa dẫm, đe nẹt gì. Cây roi mây, lời quát tháo, không phải những thứ đắc dụng nữa.

- Nhà tôi dễ tốc hết mái!

Một người chợt nói thế. Người khác đáp:

- Nhà tôi tất đổ rồi!

Lại người khác nói:

- Nhà tôi cũng chẳng vững vàng gì!

- Nhưng tôi kệ thây, đã có đàn bà, trẻ con ở nhà.

Một giọng thân mật trả lời:

- Phải, mình giúp tay vào cứu lấy đê, nó mà vỡ thì mấy trăm, mấy nghìn nhà đều đổ sụp, dù là những nhà vững nhất.

Người ta quay lại, thì té ra là quan Huyện Văn Lâm. Quan Huyện mỉm cười. Và thấy có mặt ông, họ lễ phép, ngượng nghịu, nên ông nói luôn:

- Các anh có thấy bao giờ bão to như năm nay không?

- Dạ, lậy quan lớn, cái trận bão năm Thìn cũng to, đổ cả đình làng Vàng.

Một người khác bẩm:

- Bẩm, từ sáng đến giờ vẫn gió tây bắc.

Quan Huyện gật:

- Phải, từ đầu giờ Mão, bây giờ cuối giờ Thìn rồi.

- Thế thì, lậy quan lớn, bão năm Thìn chỉ gió mạnh hơn trận này, nhưng không lâu bằng.

- Vậy ra trận này tai hại hơn à?

- Dạ. Rồi lát nữa, gió xoay chiều mà lại mạnh và lâu như thế này, thì cây cối, nhà cửa nào đứng vững được!

- Tôi mong cho gió chóng đổi, chứ như bây giờ, thì chả cần sóng đánh vào đê, chỉ gió cũng có thể làm đổ đê được.

- Lậy quan lớn, liệu có khỏi lụt được không ạ?

- Các anh làm việc tận tâm như thế này thì dù mưa, dù bão to nữa cũng không hề gì. Tôi nói gió làm đổ đê là nói chơi, chứ Trời, Phật, Thánh, Thần nào nỡ phụ công các anh! Chỉ có là gió tây bắc còn dai, ta còn vất vả mà thôi. Chứ nếu không hy vọng gì, tôi đã chả bắt các anh phải khó nhọc!

Một người đáp:

- Bẩm, khó nhọc thì có khó nhọc, nhưng mà chúng con chưa thấy bao giờ lại vui vẻ như thế này.

Quả vậy. Trông mặt họ, ai cũng biết là họ kiên chí và tận tâm. Họ cặm cụi làm việc. Chưa lúc nào họ uể oải. Từ đầu đến chân, ai nấy đất bùn như trát, tuy mưa dội xuống, nhưng không trôi đi được. Quan Huyện cũng lấm hết, Ông xắn quần đến đầu gối, chân đi đất, tay chống gậy cho đỡ trơn ngã. Ông đến chỗ nọ chỗ kia, nói chuyện với bọn này bọn khác. Ông rất vui lòng, vì gần dân, ông rõ ràng họ sợ ông nhưng vẫn yêu ông, mà cả sợ lẫn yêu là do thật bụng cả.

Bỗng người ta reo lên:

- A, gió đã đổi!

Ai nấy ngấc cổ lên nhìn. Ngọn cây bây giờ đã ngả về phía đông. Và hình như sức gió đã hơi yếu. Tuy vậy, cây nào cây nấy vẫn gục xuống, đứng lên, có vẻ khốn nạn như lậy lục vì bị đau đớn.

Quan Huyện cho bắc loa gọi:

- Quan truyền gió đã đổi và yếu, đê có thể vững được, cho anh em nghỉ tay một lát.

Tiếng loa đi xa nhưng bị mưa ào ào, không mấy người nghe rõ. Song từ miệng nọ truyền sang miệng kia, chỉ trong một loáng, phu ngừng làm việc. Cán mai chổng ngược lên trời. Quang, thúng nghiêng ngả. Họ khum hai bàn tay vào nhau, hứng lấy nước, rửa mặt. Rồi sẵn mưa rào dội xuống, họ kỳ cọ chân tay, mình mẩy. Họ pha trò, tiếng cười vang dội khắp mọi nơi. Nhưng bỗng tiếng cười to hơn, vì giữa lúc họ đương tắm mưa thì nguồn nước tự nhiên ấy ngớt đi. Thành thử họ lại bôi bùn thêm khắp mình.

Một người ngửa lên trời, giục:

- Mưa nữa đi, người ta đang tắm dở dang!

Lại những hồi cười dòn tan. Người nọ nhìn người kia, chế nhạo nhau bằng những lời ý vị.

Bỗng khu làng nào, thấy Phó lý ấy đến. Tay hắn cầm nón úp lại, nhưng không che lên đầu, mà trong nón lại có khói bay ra. Bọn phu bảo nhau:

- Chắc quan truyền lại bắt đầu làm.

Rồi họ đố nhau:

- Ðố ai biết thầy Phó cầm gì?

Người đoán thế này, kẻ đoán thế nọ, nhưng không đúng. Vì sự thực không ai ngờ đến. Khi Phó lý đến gần, mới nói:

- Nào ai hút thuốc thì lại, quan phát lửa cho đây.

Họ nhìn mồi rơm che nón, nhưng chợt nghĩ ra, lại cười ồ:

- Ai cũng thèm hút, nhưng chỉ phải một nỗi, là giời tẩm cả thuốc bằng nước mưa mất rồi.

- Có sẵn đây, quan thưởng mỗi làng một bánh, tha hồ hút. Quan bảo hết lại có.

- Thuốc lào ở đâu mà quý hóa thế?

- Quan vừa bảo cụ Chánh cho quan mua đấy.

Bọn phu xúm cả lại, quây quanh chiếc điếu cầy. Anh nọ thổi lửa, nhờ mấy người đứng che gió, rồi ghé điếu xuống dưới nón, ngửa cổ lên rít một hơi dài, rồi đưa anh kia đã chìa tay đón sẵn.

- Ban nãy mải làm việc, không ai nhắc đến hút thuốc nhỉ!

- May mà quên, chứ thèm thì làm thế nào?

- Ðành chịu!

Thuốc ngon quá! Có anh nghiện nặng mà đã nhịn lâu, hút một hơi thực dài, rồi nuốt chửng cả khói vào ngực, một lát, mới mắt lờ đờ, há rộng miệng, thở ra. Có anh hút đến lần thứ hai cho bõ cái khổ phải nhịn từ sáng.

- Nghỉ được đến bao giờ, hở thầy?

- Bây giờ, ai có cơm lấy ra mà ăn, đến Ngọ lại bắt đầu làm.

- Quan truyền thế?

- Phải.

- Thầy liệu cái gió này rồi có mạnh và lâu như buổi sáng không?

- Không thể biết trước được, nhưng quan bảo hiện giờ gió thổi theo dọc đê, thế là vững, không sợ sóng, dù nước lên to đã có con trạch, không cần. Nên bây giờ, nhân lúc ngớt này mà nghỉ ngơi, ăn uống.

Dân phu tản mỗi người một nơi. Họ đến chỗ để lương thực. Họ có cơm và muối vừng, hoặc tôm rang, gói trong mo. Nhưng cả cơm lẫn thức ăn đều ướt đẫm. Họ bốc cơm chấm vào đồ ăn. Cơm của họ đỏ và rời rạc, nguội lạnh, lại ướt át. Nhưng họ ăn ngon lành lắm. Những người có thức ăn khác nhau, hợp lại một bọn, cùng hưởng với nhau. Vừa ăn, họ vừa nói chuyện về đê, về bão. Họ hỏi Phó lý:

- Không biết liệu làng ta có nhiều nhà đổ không?

- Thôi, quan bảo đừng lo nghĩ gì đến việc ấy vội. Ðáng lẽ các anh phải ở đây ba hôm, nhưng vì suốt ngày hôm nay vất vả, quan đã cho đi bắt bọn khác để thay rồi. Chiều nay, bọn mới đến, ta được về, tha hồ mà chữa nhà.

Họ mừng quá, hỏi lại để đỡ ngờ vực:

- Thật à? Quan truyền thế à?

- Quan đã cho trát đi rồi.

Họ vỗ tay reo lên, báo cho nhau tin mừng. Họ nhìn qua cánh đồng trắng xóa những nước, về tới làng họ:

- Quan... nhân đức quá. Ngài thương dân như con...

Phó lý gật đầu:

- Cái đó đã hẳn.



______________________
Trích truyện dài Thanh đạm. Tên bài do người chọn tạm đặt.

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉