Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Cái nạn ô-tô (2)


Mời bạn đọc theo dõi bộ ba truyện ngắn:
1. Cái nạn ô-tô (1)
2. Cái nạn ô-tô (2)
3. Cái nạn ô-tô (3)


Minh họa: Nghe kể chuyện hay

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Bích Thuận | 2. Cô Vân | 3. L&H



Mời đọc Bản đánh máy


Cái nạn ô-tô (2)

Nguyễn Công Hoan


Tuy rằng chỉ làm có Chánh tổng, nhưng ông Năng có cả ô tô. Tuy rằng có cả ô tô, nhưng ông Năng lại không dùng bao giờ. Bởi lẽ rất dễ hiểu, là ông chỉ làm có Chánh tổng. Ông nể quan Huyện Nguyên và lấy lại, chứ biết rằng quanh năm, ông chẳng hay đi đâu. Vả công việc của ông có gì là cần. Loanh quanh trong mấy làng thông nhau bằng những đường đất hẹp gồ ghề, ông cho là đi bộ thì nhanh hơn, và cố nhiên, không có gì để thiệt hại. Mà nghênh ngang cái xe ô tô, rồi tiền thuê sốp phơ, tiền mua dầu xăng, mỗi tháng lại đèo thêm vài chục bạc nữa, thì chết!

Cho nên, từ ngày có xe, ông chỉ cùng vợ con đi thử có mỗi một lượt, gọi là cho biết đủ mùi phú quý. Còn thì ông gửi ở một nhà quen trên phố huyện.

Ông vẫn dạm bán nó để lấy tiền làm việc khác. Nhưng vì người ta cứ bắt chẹt mà dìm giá, nên ông cứ phải làm như không cần bán. Phải, tội gì? Nếu thiệt độ một trăm, hay dăm chục, thì thôi, ông cũng coi như món tiền tạ thêm cái công tác thành của quan cho ông. Nhưng đằng này, họ chỉ nhất định trả có ba trăm, và chê bủng chê beo là nó hỏng những cái gỉ cái gì, nghĩa là họ biết ông ù cạc về khoa ô tô, nên cứ cố hết sức lòe cho ông tin rằng ba trăm còn là đắt.

Thực ra, cái ô tô ấy chạy còn tốt. Sở dĩ quan Huyện Nguyên bán đi, vì ngài được thăng Tri phủ, lại giữ chức Thương tá, nên ít việc, ngài không dùng đến nữa.

Cái lần ông Chánh Năng đi thử với vợ con, thì xe ông chạy khỏe lắm. Nó còn kêu rất to. To đến nỗi không cần còi, người đi đường cũng phải nghe tiếng mà giạt sang hai bên. Đằng sau, bụi bay mù trời. Xòe bàn tay ra ngoài, ông thấy gió bạt đi. Vả xe ấy, nước sơn còn bền, bóng kền còn nhoáng. Mà anh tài của quan cầm lái hộ, khen mãi ông Chánh chưa chơi ô tô bao giờ, nhưng rất sành, vì xe này quan đã bán hớ. Và ông cứ việc tha hồ dùng, vài năm nữa bán đi còn được lãi, chán vạn người muốn mua.

Kể thì ông Chánh Năng được khen cũng sướng, và cũng tạm quên nỗi túng thiếu trong gia đình.

Thực vậy, tranh nhau làm Chánh tổng, ông đã phải chạy chọt đến vài nghìn. Rồi từ ngày được nên danh nên giá, ông những tưởng xúc được của dân, để vớt vát lại chỗ thiệt thòi. Ngờ đâu, sự ấy chỉ là mộng tưởng. Mà quanh năm, những dịp phải giao thiệp ở chỗ quan nha, làm ông cứ thêm tốn kém. Cái cơ nghiệp trước kia có đến vạn, nay nó cứ mòn dần. Lại gặp mấy năm trời làm lụt loạt, đói kém, nên chẳng những ông không trông mong gì được về ruộng nương, mà còn bị tai hại đèo vào nữa. Lắm lúc cần đến tiền tiêu, ông rất bực dọc, không biết sờ mó vào đâu.

Quan Huyện Nguyên, khi sắp đứng dậy, cần bán xe, thì ngài cứ nhất định không tin rằng ông Chánh Năng túng. Ngài ngọt ngào dỗ dành, giảng mãi cho ông Chánh hiểu ích lợi của ô tô. Ngài lại bảo nếu không sẵn tiền, thì ngài cho chịu, muốn bao giờ nộp cũng được.

Cho nên ông nể quá. Ý quan thầy đã muốn, kẻ thuộc hạ từ chối thế nào cho đành lòng. Vả nay ngài đi thương tá tỉnh khác, nhưng biết đâu, mai kia, ngài sẽ lại không về thương tá, hoặc bố chánh, hoặc tuần phủ tỉnh nhà? Thì sự làm vừa lòng quan, có đi đâu mà thiệt?

Bởi vậy, ông cố dấn một lần nữa để chiều lòng thầy. Ông vay lãi năm trăm, để được tiếng khen, và được quan vỗ vai, vui vẻ cảm ơn mãi.

*
*    *

Quan Huyện mới, chưa có ô tô. Ngài mới ra làm quan. Và mới trọng nhậm huyện này là huyện thứ nhất.

Đã có lần ngài đến xem xe của ông Chánh Năng, và mua dầu, vặn máy lấy đi thử. Tin ấy làm cho ông Chánh khấp khởi mừng thầm. Nhưng sau bặt đi, chẳng thấy ngài hỏi han giá cả gì nữa.

Ông Chánh hỏi dò mới biết ngài định dùng xe nhỏ hơn kia. Chứ xe này bốn chỗ ngồi, rộng quá, không được tiện. Vả ngài muốn mua xe mới nguyên, vì đâu bà Huyện là con nhà giàu. Ngài còn đương xui bà thúc cụ nhạc cho cái ô tô kiểu đít vịt. Tuy vậy, ngài cũng khen xe của ông Chánh Năng còn tốt, và bảo, với cái giá năm trăm, không đến nỗi là hớ lắm.

Thấy câu chuyện không ăn thua đâu vào đâu, ông Năng lấy làm buồn. Nhưng ông cố làm mặt thản nhiên, để bọn khác dòm dỏ mua xe đỡ được dịp dìm thêm giá xuống lần nữa.

Nhiều lúc, trong gia đình, đồng tiền bị thiếu, ông thấy chiếc ô tô ấy thật là thừa. Nhưng biết làm thế nào?

*
*    *

Một hôm, có người lính huyện về đưa ông Chánh Năng phong thư. Phong thư của quan. Người ấy nói:

- Ngài muốn dùng xe của thầy.

Ông Chánh mừng rỡ, vội vàng bóc ra:

Ngày 6 Décembre 1938

Thầy Chánh,

Trong khi chờ mua được ô tô mới, tôi hãy mượn tạm cái xe của thầy ít lâu để dùng về việc quan. Vậy thầy đừng từ chối, vì xe của thầy để không cũng thế.

Quan Tri huyện
Lê Thăng     

Đọc xong, ông Chánh Năng thở dài, quên cả rét. Trán ông lấm tấm mồ hôi.

Trước mặt người lính, ông lắc đầu ngầm một cái, cố nhịn hơi thở dài cho kín đáo, rồi trả lời:

- Cậu về bẩm quan rằng tôi xin lĩnh ý nhé.

Và khi cậu lệ đã ra về, ông Chánh đọc lại mấy dòng của đấng có quyền. Ngẫm nghĩ cái giọng nói hách dịch, bắt buộc, chẳng được một lời cảm ơn cho nhã nhặn, ông tặc lưỡi, bỏ bức thư vào túi, lên giường, cuộn chăn đi ngủ.

*
*    *

Từ hôm sau, xe ô tô của ông Chánh Năng lại được ra vào nơi ăn chốn nằm cũ. Ngày ngày, nó lại được một quý nhân thẻ bài trước ngực, ngồi nhấp nhổm ở đệm sau. Nó lại chạy hộc khói ra, kêu phành phạch rầm trời, tung bụi đường lên như mây, và quát tháo bằng những hồi còi hồng hộc như tiếng thú dữ.

Nhưng từ hôm đó, chủ nó cũng nhận được rất nhiều hân hạnh.

Quan Huyện, vì muốn cảm ơn người thuộc hạ tử tế, đã vui lòng cho mình mượn xe, nên động có việc qua nhà người ấy, ngài lại không quên vào chơi.

Và mỗi tháng, ngài vào chơi như thế đến hai ba lượt.

Lần đầu tiên, ngài đi có một mình, và ngồi chơi qua loa có chốc lát, nên chủ nhân chỉ kịp pha có ấm nước chè Tàu.

Được quan hạ cố đến nhà, mà chỉ tốn chừng hai đồng xu, ông Chánh Năng lấy làm hả hê lắm. Ông tự cải chính mãi những ý kiến có trong đầu óc bấy nay, và phục quan này lịch thiệp, chẳng kém gì quan trước. Mà ở đời, ông cho là không thể lấy lời lẽ viết trong thư để suy xét cách cư xử của người ta được.

Lần thứ hai, được rỗi rãi hơn, quan đi xem nhà cửa, vườn tược của ông Chánh. Thấy cây cam nặng trĩu những quả chín đỏ, ngài giơ tay bứt một quả, bóc ra, và ăn rất tự nhiên. Ngài khen mãi giống cam quý và nhờ ông Chánh chiết cho một cành. Cảm về cách cử chỉ giản dị, tự nhiên của một vị phụ mẫu dân, ông Chánh khâm phục quan này ít kiểu cách hơn quan trước. Rồi ông sai chọn năm chục quả vừa chín tới, xếp vào cái thúng, bỏ lên ô tô để biếu ngài.

Lần thứ ba, khi đã thân hơn, quan bảo ông Chánh làm cơm chiều, cho cả lính tráng theo hầu ăn nữa. Vì ngài đi tuần đêm trong tháng củ mật, xơi ở đâu cũng lỡ bữa. Gà, ngỗng, vịt, chạy tán loạn, kêu quang quác, nhưng rồi cũng chết "nhăn răng" cả ra. Bữa cơm hôm đó thật là linh đình. Quanh mâm cơm quan, bốn chiếc đèn cầy vặn rõ to, chiếu sáng rực. Kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng, y như ngày ông Chánh ăn khao. Quan khảnh ăn. Thịt thà, đồ nấu còn thừa mứa.

Lần thứ tư, quan đi tuần, lại tạt vào thăm ông Chánh. Chẳng để ngài phải bảo, ông Chánh biết ý, sai ngay đầy tớ nhốt những giống vật cần dùng lại, rồi gọi người đến làm cơm giúp. Lại một bữa cỗ linh đình, quan, nha, lính cơ, lính lệ, tài xế, người nhà, cả thảy vừa một tá miệng ăn như tằm ăn rỗi.

Lần thứ năm, họ cũng ăn, cũng uống, và lại thêm ngủ đêm ở nhà ông Chánh, vì trời đổ mưa phùn, không đi tuần được. Cố nhiên chủ nhân phải bày cuộc vui. Bàn tổ tôm, tiền của ai người ấy đánh đã đành, ông Chánh còn phải kiếm một hộp thuốc phiện - mà thuốc phiện mua bằng giá mới - để bàn đèn rong đêm, cho quan ôm một cô đầu trẻ mà nằm cho dễ... thức.

Sự hân hạnh của ông Chánh Năng đã trở nên sự ân hận lớn.

Rồi sáng hôm sau, lúc quan ra về, ngài còn dặn:

- Những lốp xe của thầy mòn quá rồi. Để tôi sắm bốn chiếc mới, kẻo đi hại xe.

- Dạ.

Nhưng quan mua dùng, mà ông Năng phải trả tiền như thường. Bởi cái lẽ rất dễ hiểu là ông là chủ xe.

Rồi lần thứ sáu, quan nha lính tráng lại đi tuần, và cứ quen mùi, lấy nhà ông Chánh Năng làm chỗ đỗ. Ăn uống, hát xướng, hút xách và bài bạc.

Ông Chánh đã thấy sợ sự tiếp quan khách. Nhưng không ai được trông thấy lúc ông nhăn nhó.

Và lần thứ bảy, sự lo lắng phải đón quan vào nhà còn đem cho ông một tin sét đánh nữa: Xe ô tô của ông chết ở giữa đường. Nếu không thay máy mới, không thể dùng được.

Ông Chánh Năng choáng người, thú thực với quan rằng không có tiền chữa chạy. Thì may quá, quan bảo:

- Được, và lại chủ nhật này tôi cũng có xe mới rồi, và từ nay đến tết, chẳng phải đi tuần nữa. Vậy tôi trả lại thầy, thầy cho người đẩy nó về nhé.

*
*    *

Chắc rằng quan Huyện thấy ông Chánh Năng, chỉ vì có cái xe cho ngài mượn, mà ít lâu nay bị thiệt đơn thiệt kép, nên ngài cũng ái ngại. Ngài mới nghĩ cách đền bù sự tốn kém cho "khổ" chủ.

Thì ngài đã đền bù bằng cách rất chu đáo thật.

Một hôm, ngài sai người về nhà ông Chánh Năng, tặng ông một cuộn giấy, là bức phóng đại ảnh ngài.

Ông Chánh mở tấm ảnh, giải ra chiếu, chặn bốn góc, rồi ngắm nghía. Quan Huyện mặc phẩm phục, mặt mũi ngài phương phi, trông thật đẹp. Nhưng đến cái nó làm ông vui sướng nhất, là mấy dòng chữ, tự tay quan ông nắn nót viết, đề ở phía dưới tấm ảnh:

Tặng thầy Chánh tổng Nguyễn Văn Năng, người giúp việc rất đắc lực và bạn rất thân của tôi.

Quan Tri huyện
Lê Thăng     

Ông Chánh Năng ngâm đi ngâm lại mãi câu này. Nhưng bỗng ông giật mình, vì sực nhớ ra một điều.

Ông xoạc bàn tay ra, đo bức ảnh: Bề ngang hai gang rưỡi, bề dọc ba gang.

Thôi bỏ đời rồi! Thì ra cái nạn ô tô nó còn ám ảnh mãi đến bây giờ chưa hết. Ông còn phải vay tiền để đóng một cái khung bằng gỗ gụ cho xứng với tấm hình đẹp, rồi lại phải cắt một miếng kính lớn, để rồi mà treo ảnh quan ở giữa buồng khách. Kẻo ngài trọng nhậm ở hạt này còn lâu.


1938


Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Tổng tập văn học Việt Nam - Tập 28 - Trung tâm KHXH NV Quốc gia -2000



Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời bạn đọc theo dõi bộ ba truyện ngắn:
1. Cái nạn ô-tô (1)
2. Cái nạn ô-tô (2)
3. Cái nạn ô-tô (3)

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉