Ads 468x60px

.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan




Nguyễn Công Hoan là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam.

Ông sinh ngày 6 tháng 3 năm 1903 tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, Hưng Yên,
mất ngày 6 tháng 6 năm 1977 tại Hà Nội.


Các bạn có thể đọc tại đây (lấy trên Internet)
- Các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan,
- Các bài viết về Nguyễn Công Hoan.

Mời xem: Bách Khoa Toàn Thư mở - Wikipedia
♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣


Video: Nhà văn Nguyễn Công Hoan (Thực hiện: Trí Dũng, Ngọc Oanh, Huy Hoàng, Thúy Lành, Thùy Trang, Tuấn Anh - Trang thông tin điện tử Đài Phát thanh & Truyền hình Hưng Yên)

Featured Posts

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2025

NGỮ VĂN 11 - LUYỆN ĐỌC TÁC PHẨM "TÌNH XƯA" - (Trích "Tắt lửa lòng" Chương 12 - Nguyễn Công Hoan)


NGỮ VĂN 11 -
LUYỆN ĐỌC TÁC PHẨM "TÌNH XƯA" -
(Trích "Tắt lửa lòng" Chương 12 - Nguyễn Công Hoan)

Tài liệu Văn chương trình mới -
Cô Sương Mai


Tắt lửa lòng là một tiểu thuyết lãng mạn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1933. Truyện kể về cuộc tình lãng mạn, bi ai giữa chàng học trò nghèo tên Điệp và cô gái cùng quê tên Lan, tại làng Văn Ngoại, khu vực chợ Gỏi thuộc vùng Hải Dương xưa, thời kỳ Nguyễn Công Hoan đang dạy học ở đó. Trích đoạn "Tình xưa" thuộc chương 12 của tiểu thuyết. Cùng luyện đọc phần trích ấn tượng này nhé!



Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2025

'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu


'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan
được thắp lại trên sân khấu

Phạm Tuấn
Tắt lửa lòng’ của nhà văn Nguyễn Công Hoan sau 90 năm xuất hiện trên sân khấu cải lương lại được đưa lên sân khấu kịch nói vào dịp Tết Ất Tỵ.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977).


Tắt lửa lòng là tiểu thuyết nổi tiếng bậc nhất của nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977). “Tắt lửa lòng” được in ấn lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1933, và chỉ hai năm sau được soạn giả Trần Hữu Trang (1906-1966) chuyển thể thành vở cải lương “Lan và Điệp” trên sân khấu Sài Gòn.

Sự gặp gỡ giữa hai tài năng lớn Nguyễn Công Hoan và Trần Hữu Trang đã giúp hai nhân vật trong tác phẩm Lan và Điệp chưa bao giờ “tắt lửa lòng” đối với giới mộ điệu. Câu chuyện lãng mạn và bi thương của chàng học trò nghèo Điệp và cô gái cùng quê Lan ở vùng chợ Gỏi ngoại ô Hải Dương rời khỏi 19 chương sách của nhà văn Nguyễn Công Hoan để có hình bóng thân thuộc qua kịch bản cải lương của soạn giả Trần Hữu Trang.

Nhờ sức lan tỏa của sân khấu, một số nhân vật khác trong “Tắt lửa lòng” như Khoa, Danh, Duyên, Vũ, Thúy Liễu… cũng gây được xúc cảm sâu xa cho công chúng rộng rãi. Cho nên, dù nhà văn Nguyễn Công Hoan có nhiều tác phẩm ưng ý như “Bước đường cùng”, “Kép Tư Bền”, “Đống rác cũ”, “Hỗn canh hỗn cư”, “Tranh tối tranh sáng”… thì “Tắt lửa lòng” vẫn có chỗ đứng riêng biệt.

Trên hành trình từ “Tắt lửa lòng” đến “Lan và Điệp”, tác phẩm đã trở thành cảm hứng sáng tạo cho các loại hình nghệ thuật khác. Ví dụ, có cả thảy 3 ca khúc “Chuyện tình Lan và Điệp” của Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng mà phổ biến nhất phải kể đến những câu hát “Tôi kể người nghe, đời Lan và Điệp, một chuyện tình cay đắng. Lúc tuổi còn thơ tôi vẫn thường mộng mơ đem viết thành bài ca”.

Vở cải lương “Lan và Điệp” suốt 9 thập niên qua đã được dàn dựng ở hàng chục đoàn nghệ thuật trên cả nước. Hai bộ phim được sản xuất dựa theo “Lan và Điệp” là bộ phim “Tình Lan và Điệp” của đạo diễn Lê Dân ra mắt năm 1972 và bộ phim “Lan và Điệp” của đạo diễn Trần Vũ – Nguyễn Hữu Luyện ra mắt năm 1990.

Tết Ất Tỵ 2025, tác phẩm “Tắt lửa lòng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan được Sân Khấu Kịch Hoàng Thái Thanh giới thiệu đến khán giả TP.HCM với tên gọi “Tóc mai sợi vắn sợi dài”. Đạo diễn Thành Hội dựa theo kịch bản của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã thiết kế một không gian mới cho Lan và Điệp đến gần giới trẻ hôm nay.

Tuân thủ cấu trúc và tình tiết của “Tắt lửa lòng”, vở kịch nói “Tóc mai sợi vắn sợi dài” có sự góp mặt nhiều diễn viên triển vọng như Hoàng Vân Anh, Kỳ Thảo, Đoàn Minh Tài… Vở kịch ca ngợi giá trị truyền thống tốt đẹp mà người Việt Nam lưu giữ ngàn đời, đó là tình yêu thương, sự cảm thông, lòng nhân ái, nghĩa quân tử, đạo vợ chồng…

Vở kịch nói “Tóc mai sợi vắn sợi dài” mượn ý tưởng thể hiện từ ca dao
“Tóc mai sợi vắn sợi dài
lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”
mà nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) từng viết thành ca khúc cùng tên, chất chứa tâm sự “Lòng vẫn thương người em tuổi thơ, lòng vẫn nhớ tình duyên ngày xưa, bao nhiêu thiên trường ca, không qua câu mẹ hò”.


Phạm Tuấn

Một cảnh trong vở kịch nói "Tóc mai sợi vắn sợi dài".






THÔNG CÁO BÁO CHÍ -
TÓC MAI SỢI VẮN SỢI DÀI

Thành Hội, Ái Như, Đoàn Minh Tài, Ngọc Duyên, Hoàng Vân Anh,
Nguyễn Long, Thế Hải, Kỳ Thảo, Hứa Mạnh Dũng, Hoài Nguyên, Bá Phong

NT


Tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh
Đạo diễn: Thành Hội
Phó đạo diễn: Công Hiển
Âm nhạc: Phạm Duy - Duy Thoán
Thực hiện cảnh trí: Nhóm Rambo Min
Nhiếp ảnh: Phạm Natao
Graphic: Trần Thiện
Creative: Công Hiển

Chàng trai nghèo tên Trọng tình cờ gặp lại ông Nhơn, một người bạn cũ của cha mình. Trọng ngỡ như gặp được quý nhân nhưng không ngờ cuộc gặp gỡ đã mở ra những cánh cổng bí mật và cạm bẫy đen tối vốn đã được giấu kín suốt nhiều năm.



LÀM SỐNG LẠI TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN
Những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan vốn in sâu trong lòng độc giả yêu văn học Việt Nam. Bằng sự đồng cảm sâu sắc và niềm ấp ủ được mang đến những vở kịch mang đậm dấu ấn văn hoá dân tộc, Hoàng Thái Thanh đã quyết định làm sống lại tác phẩm "Tắt lửa lòng" thông qua vở diễn "Tóc mai sợi vắn sợi dài". Không chỉ đơn thuần là tái hiện nội dung, vở kịch được đặt trong bối cảnh, hơi thở mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt và thông điệp của nguyên tác. Những giá trị trong vở diễn không chỉ thuộc về quá khứ, nên Hoàng Thái Thanh dàn dựng tác phẩm tiêu biểu này với mong muốn mang lại một góc nhìn mới về một câu chuyện tình vốn dĩ đã quá dễ dàng bị rập khuôn trong tâm tưởng khán giả yêu văn nghệ. Bản dựng của Hoàng Thái Thanh đặt ra những ngã rẽ mà ở đó, tất cả các nhân vật đều có cơ hội quyết định cuộc đời mình sẽ đi về đâu chứ không còn phó mặc cho số phận.


KHÔNG PHẢI CÂU CHUYỆN LAN VÀ ĐIỆP
Tuy cùng được cảm tác từ tác phẩm "Tắt lửa lòng" của nhà văn Nguyễn Công Hoan nhưng vở kịch "Tóc mai sợi vắn sợi dài" và tuồng cải lương "Lan và Điệp" lại hoàn toàn khác nhau về nội dung. Ở vở kịch "Tóc mai sợi vắn sợi dài" của Hoàng Thái Thanh, nhân vật Trọng và Loan đều độc lập và quyết đoán hơn trong việc chọn lựa đường đi cho cuộc đời mình. Khi xem vở kịch, khán giả hoàn toàn không nhận thấy sự tương đồng giữa 2 tác phẩm sân khấu. Vậy nên, tuyệt nhiên không có tình tiết nhân vật nữ chính cạo đầu đi tu vì quá đau khổ.


Vở diễn TÓC MAI SỢI VẮN SỢI DÀI sẽ bắt đầu công diễn vào Mùng 1 Tết Âm Lịch tức ngày 29 tháng 1 năm 2025 và kéo dài đến hết mùa diễn.



Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2025

Thiết kế chương trình sân khấu hóa tác phẩm “Cụ Chánh Bá mất giày” của Nguyễn Công Hoan cho học sinh trung học phổ thông (nghiên cứu từ Lí thuyết giễu nhại)


Thiết kế chương trình sân khấu hóa tác phẩm
“Cụ Chánh Bá mất giày” của Nguyễn Công Hoan
cho học sinh trung học phổ thông
(nghiên cứu từ Lí thuyết giễu nhại)


Lê Hải Anh+, Vũ Thị Ngọc Hân, Nguyễn Thị Lan Anh
Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội
Liên hệ ● Email: lehaianh@vnu.edu.vn


Từ khóa: Giễu nhại, sân khấu hóa, tác phẩm văn học, Cụ Chánh Bá mất giày, Nguyễn Công Hoan.

Tóm tắt
Phương pháp sân khâu hóa tác phẩm văn học là một phương pháp hiệu quả nhằm tăng cường kiến thức về văn học và ngôn ngữ, kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và phát huy được sở trường của học sinh. Bài viết nghiên cứu thiết kế một chương trình sân khấu hóa truyện ngắn Cụ Chánh Bá mất giày của Nguyễn Công Hoan trên cơ sở ứng dụng lí thuyết giễu nhại. Thiết kế chương trình sân khấu hóa trong dạy học tác phẩm văn học cho học sinh THPT là hoạt động không mới, nhưng để triển khai thành công, cần có những nghiên cứu sâu về bản chất, quy luật thể loại, về các kĩ thuật cơ bản, về những khó khăn và thuận lợi trong thực tế. Bài viết này sẽ được mở rộng, đầu tư hơn sau khi đưa vào thực nghiệm, đánh giá, cân nhắc các khả năng tiếp theo.

Keywords
sarcasm, theatricalization, literature works, “Cụ Chánh Bá mất giày”, Nguyen Cong Hoan.

ABSTRACT The method of expanding literary tasks is an effective method to increase literary and linguistic knowledge, skills of applying knowledge into practice, meeting interests, needs and development. The article researches and designs a brief theatricalization program of the short story Uncle Ba by Nguyen Cong Hoan on the basis of application of sarcasm theory. Designing a theatricalization program in teaching for high school students is not a new activity, but for successful implementation, it is necessary to have people who study the quality, the laws of the genre, the techniques, and the difficulties and advantages in practice. This study will be further researched after piloting.

1. Mở đầu
Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Bộ GD-ĐT, 2018) đã xây dựng hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học thành Chuyên đề học tập bắt buộc cho lớp 10 THPT (tr 64-65). Điều đó một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc triển khai các phương pháp dạy học tích cực trong dạy và học môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
Lựa chọn tác phẩm để thực hiện sân khấu hóa là một yếu tố quan trọng đem lại thành công cho hoạt động này. Những tác phẩm phù hợp với quy luật sân khấu mới có thể đưa ra dàn dựng, chủ yếu tập trung ở tác phẩm tự sự. Những tác phẩm chứa đựng sắc thái bi/hài rõ rệt rất thích hợp cho hoạt động sân khấu hóa.
Trong văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX, Nguyễn Công Hoan là nhà văn có vị trí quan trọng. Các tác phẩm của ông thường được dàn dựng trên các sân khấu kịch, trong điện ảnh. Một trong những yếu tố làm nên nét đặc sắc trong truyện của Nguyễn Công Hoan là tính giễu nhại. Khai thác yếu tố này sẽ giúp người đọc, người nghiên cứu, người dàn dựng hiểu được đặc điểm phong cách nghệ thuật Nguyễn Công Hoan một cách tập trung nhất.
Với quan điểm đó, bài báo chọn đề tài “Thiết kế chương trình sân khấu hóa tác phẩm Cụ Chánh Bá mất giày của Nguyễn Công Hoan cho học sinh THPT - nghiên cứu từ lí thuyết giễu nhại ” (Tác phẩm được lấy từ “Nguyễn Công Hoan - Truyện ngắn chọn lọc”, tr 86 (Nguyễn Anh Vũ, 2020)) và triển khai thực nghiệm để rút ra những kiến thức, kĩ năng cần thiết cho việc thực hiện trong thực tế giảng dạy.

2. Kết quả nghiên cứu
2.1. Cơ sở lí luận
2.1.1. Thủ pháp giễu nhại và giễu nhại trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan
Giễu nhại (parody) với tư cách là một thủ pháp bắt chước một cách quá lố một văn bản khác đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa dân gian, gắn liền với các trò diễn dân gian. Giễu nhại là một vấn đề đã được chú trọng trong nghiên cứu nghệ thuật. Hầu hết các nghiên cứu có liên quan đều sử dụng lí thuyết của M. Bakhtin về văn hóa trào tiếu dân gian cùng lễ hội carnival như là lí thuyết chung về cái giễu nhại.
Giễu nhại là một khái niệm chưa có cách hiểu thống nhất. Theo M. Bakhtin, giễu nhại là nói bằng giọng của kẻ khác nhưng đưa vào đó một khuynh hướng nghĩa đối lập hẳn với khuynh hướng nghĩa của lời người đó. Theo Hutcheon,
“giễu nhại là một dạng thức bắt chước, nhưng sự bắt chước được đặc trưng bởi sự mai mỉa, không luôn luôn phải làm tổn hại tới các văn bản bị nhại. Nhại là một trong những hình thức chính của sự phản tư hiện đại. Là một hình thức của diễn ngôn liên nghệ thuật” (Phạm Thị Thu, 2016, tr 7).
Nhưng dù hiểu theo cách nào thì giễu nhại cũng có hai yếu tố chính: nhại và giễu - tức bắt chước và châm biếm. Hai yếu tố đó sẽ tạo nên chất trào tiếu cho tác phẩm.
“Như vậy, mô hình chung của nhại là hình thức tạo ra một A’ giống với A (A là cái có trước, cái đã có trong suy nghĩ, tiềm thức của cộng đồng) về hình thức bên ngoài, về một đặc điểm hay một cấu trúc nổi bật. Đồng thời, A không đồng nhất với A’ ở một vài sắc thái ý nghĩa, có thể là trái ngược. Hay nói cách khác, nhại là một trò chơi hai cấu trúc. Trong văn học, tác giả sáng tạo nên một hình thái cấu trúc này dựa trên một hình thái cấu trúc khác. Chúng lồng ghép vào nhau để tạo nên một thực thể chứa đựng sự mâu thuẫn. Nhại để mà giễu, giễu xuất phát từ nhại. Giễu nhại mang tính bản thể luận, nó đặt nghi vấn với bản chất của hiện tượng và trở thành sự phản quy phạm” (Nguyễn Thị Kim Thiện, 2012, tr 1).
Những tên tuổi tiêu biểu cho khuynh hướng văn chương parody thời Phục Hưng là Rabelais, Cervantes, trong văn học hiện đại là James Joyce và Franz Kafka. Trong văn học viết Việt Nam có Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp,…
Nguyễn Công Hoan là một trong những cây bút truyện ngắn bậc thầy của văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX. Truyện ngắn của ông mang nhiều sắc thái thẩm mĩ nhưng kết tinh tài năng ở truyện trào phúng. Năng khiếu trào phúng của Nguyễn Công Hoan trước hết là do cá tính ưa khôi hài, sau nữa khi trưởng thành, chứng kiến sự đảo lộn các giá trị sống trong xã hội đương thời, bằng tài năng văn chương, Nguyễn Công Hoan đã sáng tạo nên những thiên truyện ngắn bất hủ. Tiếng cười trong truyện Nguyễn Công Hoan không chỉ mang giá trị thời sự mà còn chứa đựng nhiều giá trị phổ quát. Sáng tác của Nguyễn Công Hoan được nhận định vừa có cái thông minh của bản thân, vừa có cái sâu sắc của văn học cổ, có cả cái khỏe lẫn cái thô của văn học dân gian. Nhận xét trên đã chỉ ra một đặc điểm quan trọng trong nghệ thuật trào phúng Nguyễn Công Hoan: chất giễu nhại. M. Bakhtin đã nhắc đến điểm này như một đặc điểm quan trọng của tiếng cười hội hè dân gian, tiếng cười ấy nhằm vào đối tượng giễu nhại và cả những người cười. Nhân dân không loại trừ mình khỏi chỉnh thể thế giới luôn luôn chuyển biến. Nhân dân không bao giờ hoàn bị, cũng phải chết đi để sống lại và đổi mới. Đây là một trong những nét khác biệt cơ bản của tiếng cười hội hè dân gian so với tiếng cười trào phúng thuần túy của thời mới. M. Bakhtin cũng cho rằng, “trong văn phỏng nhại không thể có sự hòa hợp của các giọng”, “luôn có những tranh luận ngầm” (M. Bakhtin, 1998, tr 207-208). Chất giễu nhại trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan biểu hiện trước hết ở các đối tượng giễu nhại. Những nhân vật quen thuộc trong truyện cười dân gian như quan lại, lính tráng, sư sãi, đám thanh niên nam nữ hư hỏng, đám dân lao động nhiều tật xấu… được nhại lại trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan với một diện mạo khác, một tính chất xã hội khác, trong một tâm thế sáng tạo khác. Cái nhìn của Nguyễn Công Hoan là cái nhìn bi quan về đời sống. Trong tâm thế “coi thường tất cả. Tất cả đối với tôi như một trò đùa”, nhà văn đã mỉa mai, châm biếm, đả kích sâu cay những hiện tượng đời sống nhố nhăng bỉ ổi, những dạng hình méo mó của con người, thậm chí các bi kịch cũng trở thành trò cười ra nước mắt.
Biểu hiện tiếp theo là các thủ pháp giễu nhại đặc sắc của Nguyễn Công Hoan. Ông nhại hình tượng, nhại ngôn ngữ, nhại giọng điệu; sử dụng phép phóng đại, cường điệu hóa, phép tương phản, tỉnh lược và bỏ lửng rất thành công. Người đọc gặp ở các truyện ngắn bóng dáng tiếng cười dân gian và cá tính sáng tạo độc đáo của nhà văn trào phúng bậc thầy Nguyễn Công Hoan.

2.1.2. Sân khấu hóa tác phẩm văn học
Sân khấu hóa tác phẩm văn học là một hoạt động trải nghiệm sáng tạo quen thuộc trong các nhà trường. Xuất phát từ đặc thù của môn Ngữ văn: vừa là môn học công cụ vừa là môn nghệ thuật, hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học giúp khắc sâu kiến thức văn bản, phát triển các năng lực quan trọng cho học sinh: năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mĩ, năng lực sáng tạo… Ngoài ra, hoạt động này còn giúp phát triển các kĩ năng tổ chức, kĩ năng hoạt động nhóm, kĩ năng giao tiếp và hợp tác, kĩ năng giải quyết vấn đề…
Quá trình sân khấu hóa một tác phẩm văn học đòi hỏi những hiểu biết cơ bản về nghệ thuật sân khấu, kĩ thuật chuyển thể kịch bản, diễn xuất và sản xuất chương trình. Những hiểu biết và kĩ năng này cần được đào tạo một cách bài bản, được thực nghiệm và đánh giá nghiêm túc trong đào tạo sư phạm.
Trong bài báo này, người nghiên cứu xác định truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan tính kịch thể hiện rất rõ, nên khi nghiên cứu tác phẩm để sân khấu hóa cần phải có những hiểu biết tổng quan về đặc trưng của kịch, về tính hành động, về yêu cầu có sân khấu, khán giả, tính ước lệ, phải có trình diễn… (dẫn theo Nguyễn Văn Trung, 2019, tr 128-129) để xây dựng kịch bản và các công việc khác phù hợp với tác phẩm được chọn.

2.1.3. Tổng quan về truyện ngắn Cụ Chánh Bá mất giày nhìn từ thủ pháp giễu nhại
a. Tình huống truyện: Kiểu tình huống trào phúng được xây dựng trên sự đối lập giữa hiện tượng và bản chất. Từ sự kiện cụ Chánh Bá đi ăn cỗ ở một nhà nọ, bị mất đôi giày, thực chất là âm mưu của cụ để chủ nhà phải đền cụ đôi giày mới, tác giả vạch ra bản chất của các nhân vật trong truyện.
b. Cốt truyện: Cụ Chánh Bá có đôi giày cũ đã sắp nát nhưng không muốn mua giày mới. Cụ nghĩ ra một mưu, nhân dịp được mời đi ăn cỗ, cụ quyết định lập mưu lừa chủ nhà để họ phải đền mình đôi giày mới. Cụ sai người hầu lén vứt đôi giày xuống ao; khi phát hiện việc mất giày của cụ Chánh Bá, chủ nhà sợ quá hỏi anh đầy tớ, anh này tả một đôi giày mới đắt tiền, chủ nhà vội tìm cách mua về, lén đặt dưới chỗ ngồi của cụ Chánh Bá. Tan cuộc, cụ Chánh Bá có đôi giày mới đi về.
c. Ý nghĩa của truyện: Truyện ngắn châm biếm, đả kích nhân vật cụ Chánh Bá - một viên quan có quyền thế, địa vị cao trong xã hội. Cụ Chánh Bá vốn được người dân nể sợ, trọng vọng, quỵ lụy vì “xưa nay cụ dữ như con hùm, khét tiếng trong hàng tổng là quyền hành, hách dịch, thét ra lửa”, “xưa nay cụ chúa ghét những thói gian giảo”, và nhất là “lỡ ra có sơ suất hay thất thố, thì thà cụ cứ mắng chửi ngay cho thì lại phúc. Đằng này, cụ cứ im rồi để bụng. Thế là mất làm ăn”. Bởi thế, cụ “quá bộ đến xơi rượu” cho, tức là cụ “thương nhà này thế nào” rồi. Nhưng con người bề ngoài đầy quyền lực, đức cao vọng trọng đó lại có tư cách nhem nhuốc, đê tiện. Là ông chủ, cụ chánh bóp nặn cả kẻ hầu người hạ trong nhà. “Anh đầy tớ lo lắm, nếu anh bẩm cụ mua giày mới, thì khổ anh. Vì cụ cứ ừ, nhưng không đưa tiền. Nếu không có giày cho cụ, thì cụ đánh đòn vì tội kiệt”. Nhưng sự đê tiện bày ra rõ nhất qua việc cụ lập mưu lừa chủ nhà để kiếm đôi giày mới (không phải bỏ tiền mua). Lợi dụng sự nể trọng, quỵ lụy của chủ nhà để phi tang đôi giày cũ. Đánh vào nỗi sợ, sự đớn hèn trước quyền thế của chủ nhà để lấy không đôi giày mới. Truyện bày ra một màn kịch đậm chất trào phúng, bộc lộ sự căm ghét, khinh bỉ tột độ của nhà văn Nguyễn Công Hoan đối với giới quan lại thực dân nửa phong kiến. Tác giả đã bóc trần bản chất của những kẻ có quyền thế trong xã hội. Dưới ngòi bút sắc sảo của ông, chúng hiện ra như những chân dung trào phúng vừa nực cười vừa đáng khinh, đáng ghét.
d. Thủ pháp giễu nhại trong truyện ngắn Cụ Chánh Bá mất giày
- Giễu nhại ở cấp độ nhân vật
+ Nhân vật chính: Cụ Chánh Bá

Nhại hình tượng viên chức Tây: vì cụ có chân Sơ học yếu lược. Sơ học yếu lược (Primare Eslementaire) là loại bằng cấp cho học sinh lớp Sơ đẳng trong hệ thống giáo dục phổ thông Pháp - Việt. Bằng này chưa đủ để ra làm việc cho chính quyền. Vì vậy, đối với cụ Chánh Bá, nó có tính chất trang trí, “lòe” thiên hạ. Nhưng cái bằng đó được cụ Chánh coi là một “chân”, tức là một chức vụ. Chức vụ ảo này có tác dụng “đổi ngạch Bá hộ sang ngạch Văn giai”, tức là từ kẻ phú hào sang giới văn nhân. Điều đó khiến cụ thay đổi lối hành xử “cụ hiền lành hơn trước một chút. Giá cụ có biết rằng cụ mất giày, thì cũng mặc kệ cho nhà chủ tự xử trí”.

Nhại nhân vật keo kiệt: Bản chất của nhân vật được bộc lộ qua sự kiện cố ý để mất giày, buộc chủ nhà phải đền. Nguyễn Công Hoan đã nhại mô típ nhân vật keo kiệt trong văn học dân gian. Sự keo kiệt thể hiện qua các cấp độ: dùng đôi giày cũ đến mức sắp nát ra nhưng không chịu mua đôi mới; muốn có giày mới nhưng đẩy trách nhiệm cho đầy tớ, là kẻ nghèo hèn hầu hạ trong nhà; lập mưu lừa hàng xóm để kiếm đôi giày mới. Cấp độ cuối tạo ra tình huống trào phúng đặc sắc của truyện.

Nhại nhân vật quan phong kiến: Mâu thuẫn phát sinh giữa địa vị xã hội (bậc phụ mẫu chi dân, oai vệ, quyền thế) với tư cách xấu xa (keo kiệt, thủ đoạn, đê tiện, lừa đảo để kiếm một thứ nhỏ nhặt là đôi giày mới).
Hình thức nhại được sử dụng để thể hiện thái độ ác cảm, cảm hứng đả phá giới quan lại biến chất trong xã hội thực dân. Kẻ có tiền, có quyền thực chất là những tên hề mạt hạng trên một sân khấu hài rẻ tiền. Với bọn chúng, mọi giá trị sống đều là trò lừa đảo, bịp bợm mà chúng sẵn sàng diễn không chút ngượng ngùng.
+ Hai nhân vật phụ: anh đầy tớ và người chủ nhà
Nguyễn Công Hoan nhại mô típ nhân vật bình dân của văn học dân gian. Chúng ta đã biết đến những tác phẩm trào phúng dân gian trong đó đối tượng bị châm biếm, giễu cợt chính là những thói tật của giới bình dân. Nguyễn Công Hoan không tấn công vào những tật xấu trong sinh hoạt, ông đả phá những tính cách đã trở thành căn tính bám rễ vào truyền thống văn hóa của người Việt: tâm lí sợ hãi, đớn hèn, thói nhu nhược trước quyền, tiền. Sự hèn đớn nhu nhược khiến cho anh đầy tớ mặc nhiên chấp nhận làm đồng phạm cho trò lừa đảo bẩn thỉu của cụ Chánh Bá; sự hèn đớn nhu nhược khiến vợ chồng chủ nhà sợ mất hồn trước viễn cảnh bị cụ Chánh Bá trả thù. Tất yếu, họ rơi vào bẫy của cụ. Nhục nhã và nực cười ở chỗ, họ tưởng mình nhanh trí, khôn ngoan thoát khỏi tình thế nguy nan nhưng thực chất họ là con rối bị cụ giật dây. Nỗi hoảng sợ của họ nằm trong toan tính của cụ, họ là kẻ bị cụ cười nhạo thầm.


Nguyễn Công Hoan vạch ra cái căn tính đó, chua chát nhìn vào cái thói tật khiến con người tự biến mình thành nô lệ, chấp nhận cúi đầu làm nô lệ đến chết. Hiện thực đó chính là nỗi bi quan sâu sắc ẩn sau tiếng cười Nguyễn Công Hoan.
Từ những phân tích trên, có thể nhận xét: Đối tượng giễu nhại trong truyện ngắn này không phải là những cá nhân mà là hệ thống quan lại và người dân trong mối quan hệ đặc thù. Từ mối liên kết đó, nổi lên đặc tính/tính chất của hiện thực xã hội Việt Nam thời kì Nguyễn Công Hoan.

- Giễu nhại ở cấp độ ngôn ngữ
+ Giễu nhại trong trần thuật
Trần thuật trong truyện Cụ Chánh Bá mất giày mang giọng giễu nhại rất độc đáo.
Nhại ngôn ngữ sinh hoạt: dùng các từ đệm, từ đưa đẩy tạo giọng kể lể, rườm rà, ề à “phải hiểu rằng…”, “chứ như…”, “chứ lại…”, “ừ thì”, “có chết không”, “ấy thế mà”; dùng nhiều câu nghi vấn, cảm thán để thể hiện cảm xúc; dùng thành ngữ; tách câu, chêm xen… Chẳng hạn đoạn văn sau:
“Phải hiểu rằng cụ Chánh Bá có thương nhà này thế nào, cụ mới quá bộ đến xơi rượu, chứ như nhà khác, dễ mà mời nổi cụ đấy hẳn? cụ lại không mắng cho vô số, chứ lại thèm đi à? ấy thế mà mới chập tối, họ đã để ngay đứa nào nó xà lọn mất đôi giày mới của cụ, có chết không! ừ thì đông người thì đông chứ, nhà có việc, nhà nào chả có nhiều kẻ ra vào! nhưng cụ ngồi chơi tận trên nhà trên thăm thẳm, thì còn kẻ gian nào dám lẻn vào đó? vả riêng mình cụ ngồi ở sập giữa, thì còn ai ngờ đi lẫn được giày? chẳng qua là lỗi tại chủ nhà không biết trông nom cẩn thận người nhà người cửa, trong khi chúng hầu hạ mà thôi! mà đứa nào lấy đôi giày ấy cũng to gan thực! hỗn với ai thì hỗn, chứ sao được hỗn ngay của cụ Chánh Bá! thực là vuốt râu hùm!”
Nhại ngôn ngữ khoa học:
“mà cụ thét ra lửa thực, thì cháy tiệt cả nhà, còn gì nữa? mà nhà nước thấy cụ có phép lạ, thì đã gửi toách cụ sang Tây từ đời nào, để viện hàn lâm khoa học, các ông bounvier, caulery, gravier, joubin, marchal, mesnin khảo cứu”.
Nhại ngôn ngữ giáo điều truyền thống:
“Đến nơi, nhà chủ đón chào rất trân trọng. Họ mời cụ lên nhà trên, hầu hạ kính cẩn, sợ hãi. lại còn sợ không quen tính cụ xưa nay ra sao, nên cứ phải thì thào hỏi dò cậu người nhà từng tí. và nhờ cậu luôn luôn đứng cạnh cụ, xem thiếu thức gì, thì cứ việc sai bảo tự nhiên”.
Nhại ngôn ngữ hiện đại:
“Câu cáu gắt khí lạ, các ngài nhỉ! Giá chúng mình làm nũng vợ, hay bắt nạt em gái, thì dùng câu nói ấy được đấy. Nhưng bắt đền người nhà thì kém logic lắm”!
Việc nhại nhiều phong cách ngôn ngữ tạo ra lối trần thuật tự nhiên, sinh động; giúp làm nổi bật các điểm nhìn khác nhau.
+ Giễu nhại trong ngôn ngữ nhân vật
Kiểu ngôn ngữ xóa mất vị thế, làm cho nhân vật trở thành bằng vai phải lứa:
“Tao bực lắm! làm thế nào bây giờ?… Tao không thể đi đôi giày được nữa. Kệ chúng bay! Muốn làm thế nào thì làm!”.
Lời nói nhại lối dằn dỗi, ăn vạ của trẻ con. Xét từ vị thế của người nói, phát ngôn trên làm bật ra tiếng cười.
Kiểu ngôn ngữ phi logicmày làm tao xấu hổ về đôi giày (của tao)”. Lời nói thể hiện thói vô lí của người nói.
Kiểu ngôn ngữ mập mờ
“ớ! không phải... dạ! bẩm phải đấy ạ.”
Lời nói bị tỉnh lược các thành phần ý quan trọng. Nó mang tính ám chỉ, ngầm hiểu, tránh cho hai vai giao tiếp phải chịu trách nhiệm cho nội dung phát ngôn.
- Giễu nhại ở cấp độ chi tiết
Các chi tiết quan trọng nhất của truyện được xây dựng bằng thủ pháp phóng đại để làm nổi bật các mâu thuẫn trào phúng. Các chi tiết quan trọng nhất của truyện như: miêu tả đôi giày cũ, cụ chánh lau giày, đối thoại của cụ chánh với anh đầy tớ, cảnh chủ nhà phát hiện mất đôi giày, cảnh tìm giày, đoạn kết… đều được vẽ bằng ngòi bút cường điệu, phóng đại để tô đậm cái hài ở nhân vật, sự kiện.
Chi tiết trào phúng trong truyện đảm bảo được cả hai yêu cầu: tăng cấp trào phúng từ thấp đến cao và đảm bảo tính như thật. Tác giả đã phóng đại chi tiết trào phúng đến một mức độ phù hợp để sự kiện “thật hơn cả sự thật” (Trần Đăng Suyền và Nguyễn Văn Long, 2008, tr 238). Chẳng hạn, đoạn kết của truyện là đỉnh của chuỗi sự kiện, đồng thời là điểm bùng nổ tiếng cười. Nhà văn đã dừng lại, đặc tả, cận cảnh từng chi tiết nhỏ, từ động tác “quàng cái khăn vào cánh tay, rồi lấy đóm soi đôi giày dưới đất” của cụ Chánh; hình ảnh đôi giày mới tinh dưới gầm sập; chi tiết “cụ hiểu ý, liếc mắt nhìn nhà chủ, nhưng cụ lại thấy nhà chủ cũng nhìn trộm cụ, thì cụ lại phải soi đóm xuống lần nữa” và đậm đặc ở hai câu thoại đầy ẩn ý cuối cùng.
Kết quả khảo sát các biểu hiện của thủ pháp giễu nhại trong truyện ngắn Cụ Chánh Bá mất giày sẽ được sử dụng làm căn cứ để thiết kế chương trình sân khấu hóa tác phẩm văn học. Chương trình phải đảm bảo giữ được tính chất giễu nhại trong kịch bản và diễn xuất; khâu đánh giá cũng phải dựa trên yêu cầu này.

2.2. Thiết kế chương trình sân khấu hóa truyện ngắn Cụ Chánh Bá mất giày, vận dụng thủ pháp giễu nhại
2.2.1. Biên soạn kịch bản
a. Xác định các chi tiết quan trọng ở văn bản truyện
- Tả đôi giày từ “phải nói rằng nó xấu…thì oan gia” (giọng đọc hoặc anh đầy tớ nói với chị bếp);
- Cụ Chánh Bá lau chùi đôi giày để đi ăn cỗ, cụ phát khùng lên.
- Đoạn thoại của cụ Chánh Bá và anh đầy tớ từ “đội khăn, đi hầu tao…” đến “đỡ lo đôi chút”;
- Chủ nhà chào đón trân trọng, xếp cụ riêng một mâm ở trên;
- Anh đầy tớ trộm giày, đem ném xuống ao;
- Chủ nhà ngồi hút thuốc với cụ Chánh Bá, phát hiện mất đôi giày, sợ quá;
- Đoạn thoại của chủ nhà với anh đầy tớ từ “cậu có cất không? đến “hay tôi lên trình cụ xem nhé”;
- Vợ chồng chủ nhà tìm giày, than thở với nhau, sai người đi mua giày mới;
- Đoạn kết.
b. Những lời thoại cần giữ lại
Truyện ngắn có ít thoại, các lời thoại đều đặc sắc, nên giữ toàn bộ.
c. Dựng phân cảnh
- Cảnh 1: anh đầy tớ nói chuyện với chị bếp
Nội dung: Tả đôi giày cũ của cụ Chánh Bá; Than thở vì bị cụ bắt phải vá, sửa, làm sạch; Cười giễu cụ/đôi giày.
- Cảnh 2: cụ Chánh Bá và anh đầy tớ
Nội dung: Cụ Chánh Bá nhổ nước bọt, lau giày, thấy nó quá nát, cụ nghĩ ngợi; Gọi anh đầy tớ trách mắng; Bày mưu cho anh đầy tớ (chỉ nói thầm).
- Cảnh 3: phi tang đôi giày cũ
Nội dung: Chủ nhà đón, mời cụ chánh ngồi một mình ở mâm trên; Nhờ anh đầy tớ hầu hạ cụ; Chủ nhà đi ra, cụ chánh ra hiệu, anh đầy tớ lén nhặt đôi giày mang ra ao ném; Đầy tớ quay lại thì thào báo cụ (gài đoạn “giá cao đoán… còn gì”); Chủ nhà vào, ngồi hút thuốc lào cùng cụ, phát hiện mất đôi giày.
- Cảnh 4: tìm giày
Nội dung: Vợ chồng chủ nhà soi tìm giày, than thở với nhau; Chủ nhà hỏi thăm anh đầy tớ; Đầy tớ tả đôi giày mới; Chủ nhà sai người hầu đi mua giày (gài đoạn “vì lỡ ra có sơ suất…mất làm ăn”; Vợ chồng chủ nhà nghi hoặc, nói chuyện với nhau rồi gạt đi.
- Cảnh 5: kết
Nội dung: Cụ Chánh Bá chào mọi người ra về; Cụ soi tìm giày; Đoạn thoại “ớ không phải… phải đấy ạ”.

2.2.2. Viết kịch bản chi tiết
a. Xây dựng hệ thống nhân vật
- Sử dụng các nhân vật có sẵn trong văn bản văn học: cụ Chánh Bá, anh đầy tớ, chủ nhà.
- Thêm nhân vật mới: vợ chủ nhà, một số khách ngồi chơi tổ tôm cùng cụ chánh, chị bếp nhà cụ Chánh.
b. Dựa vào các chi tiết mang tính giễu nhại, viết thành lời thoại của các nhân vật.
Lời thoại trong kịch có tính hành động. Diễn biến của vở kịch sẽ được lời thoại định hướng và dẫn dắt. Cách viết như sau:
* Đưa những câu thoại quan trọng ở văn bản truyện vào kịch bản sân khấu.
* Viết lời thoại mới: chuyển từ ngôn ngữ tự sự trong văn bản truyện thành ngôn ngữ hành động trong kịch bản sân khấu.
Mẫu: Cảnh 1: đối thoại giữa anh đầy tớ và chị bếp
Anh đầy tớ cầm đôi giày cũ trên tay, ngắm nghía, vẻ mặt chán nản. Chị bếp vào
Chị bếp: làm gì thế?
Anh đầy tớ: chị nhìn đôi giày của cụ này, chẳng biết cụ mua từ Khải Định mấy niên đến bây giờ, đóng lại đế là lần thứ bốn, mà nó vẫn hoàn không đế. Mũi thì nứt rạn và vá nhiều nơi. Cái cá đã đóng thêm lượt nữa, nhưng nó vẫn thủng. Lượt da thì ải và bật dây gần hết.
Chị bếp: chú gọi thợ đóng lại cho cụ
Anh đầy tớ: bọn thợ khâu giày phải trốn như chạch, vì lỡ ra không nhẹ tay mà chọc mạnh cái dùi vào, là nó toạc ra - vì tất nó toạc ra - thì oan gia.
Chị bếp: hôm nay cụ đi đâu?
Anh đầy tớ: người ta mời cụ đi ăn cỗ, cụ bảo tôi đánh giày chi mới, sạch. Mà đôi giày thế này, tôi biết làm thế nào…
Có tiếng cụ Chánh phía ngoài.
Chị bếp: cụ ra kìa, tôi xuống bếp kẻo cụ mắng cho thì khốn.
Chị bếp ra.
c. Mở rộng nghĩa
Lớp nghĩa chính của truyện tập trung ở việc giễu nhại nhân vật cụ Chánh Bá. Trong kịch, do tính độc lập về thể loại, do nhu cầu làm phong phú nội dung kịch bản, có thể mở thêm lớp nghĩa thứ hai: giễu nhại sự đớn hèn, sợ quyền thế của những người bình dân. Lớp nghĩa này được biểu hiện qua lời thoại mới trong một số phân cảnh cụ thể.

2.2.3. Sản xuất chương trình sân khấu
a. Chọn diễn viên
Khâu này bắt buộc phải qua casting. Diễn viên phải đạt yêu cầu về: hình thể, sự phù hợp với nhân vật, khả năng nhập vai, chất giọng, sự ham thích diễn xuất.
b. Tập kịch
- Diễn viên phải học thuộc thoại, nhập tâm và nhập vai.
- Diễn viên nắm được các vị trí diễn xuất, các hành động có tính ước lệ sân khấu.
- Diễn viên sử dụng thành thạo các đạo cụ, thuộc tiến trình, thuộc tín hiệu âm nhạc.
c. Hậu cần
Thiết kế sân khấu (phông cảnh, đạo cụ); Thiết kế trang phục; Thiết kế âm nhạc, tiếng động, hiệu ứng, kĩ xảo…; Người nhắc vở.
d.Trình diễn
e. Tổng kết, rút kinh nghiệm

3. Kết luận
Quá trình sân khấu hóa truyện ngắn Cụ Chánh Bá mất giày của Nguyễn Công Hoan từ lí thuyết giễu nhại là một nghiên cứu mang tính sơ khai của chúng tôi trong việc ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực. Đây là hoạt động không mới, nhưng để triển khai thành công, cần có những nghiên cứu sâu về bản chất, quy luật thể loại, về các kĩ thuật cơ bản, về những khó khăn và thuận lợi trong thực tế. Bài báo này sẽ được mở rộng, đầu tư hơn sau khi đưa vào thực nghiệm, đánh giá, cân nhắc các khả năng tiếp theo.

Lời cảm ơn: Nhóm tác giả cảm ơn sự tài trợ của Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội qua đề tài “Từ lí thuyết giễu nhại (parody), thiết kế chương trình sân khấu hóa tác phẩm văn học (ứng dụng thực nghiệm tác phẩm Cụ Chánh Bá mất giày của Nguyễn Công Hoan”, mã số QS.NH.20.04.

Tài liệu tham khảo
- Bộ GD-ĐT (2018). Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018).
- Đỗ Ngọc Thống (2018). Hướng dẫn dạy học môn Ngữ văn Trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới. NXB Đại học sư phạm.
- Hà Nhật Thăng, Lê Tiến Hùng (1995). Tổ chức hoạt động giáo dục. NXB Giáo dục.
- M. Baktin (1998). Những vấn đề thi pháp Doxtoiepxki. NXB Giáo dục.
- Margaret A. Rose (1993). Parody: Ancient, modern and post - modern. Cambridge University Press.
- Nguyễn Anh Vũ (2020). Nguyễn Công Hoan - Truyện ngắn chọn lọc. NXB Văn học.
- Nguyễn Thị Kim Thiện (2012). Giễu nhại trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Báo Văn hóa Nghệ An, tháng 11/2012.
- Nguyễn Thị Liên (2016). Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường phổ thông. NXB Giáo dục Việt Nam.
- Nguyễn Văn Trung (2019). Lược khảo văn học II - Ngôn ngữ văn chương và kịch. NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phạm Duy Khuê (2009). Lí luận sân khấu hóa. NXB Sân khấu.
- Phạm Thị Thu (2016). Parody/nhại trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Luận án tiến sĩ chuyên ngành Ngữ văn, mã số 62220102-2016. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Simon Dentith (2000). Parody - The New Critical Idiom. Routledge.
- Trần Đăng Suyền, Nguyễn Văn Long (2008). Giáo trình văn học Việt Nam hiện đại tập I. NXB Đại học Sư phạm.

Article History
Received: 17/01/2020
Accepted: 25/01/2020
Published: 05/02/2021




PDF


Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2025

Ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao


Ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao

Phạm Sỹ Cường
Chuyên mục
GIỚI THIỆU LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHXH&NV
Tóm tắt
Luận án tiến sĩ ngữ văn

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 62 22 01 21
Luận án gồm 4 chương.
Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu và khái quát về ngôn ngữ đối thoại
trong văn học hiện thực phê phán Việt Nam
Chương 2: Ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác Nguyễn Công Hoan
Chương 3: Ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác Vũ Trọng Phụng
Chương 4: Ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác Nam Cao
(TV. giới thiệu)


Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao là ba đại diện xuất sắc, tiêu biểu cho ba giai đoạn phát triển của chủ nghĩa hiện thực Việt Nam. Sáng tác của ba tác giả lớn này có giá trị, đóng góp lớn lao trên nhiều phương diện đối với nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Từ phương diện ngôn ngữ đối thoại, ba nhà văn đã tạo nên một hành trình sáng tạo vô cùng thú vị và ý nghĩa. Mỗi người, từ quan niệm riêng, cái nhìn và tài năng của mình, đã tổ chức ngôn ngữ đối thoại để đem đến cho chủ nghĩa hiện thực những trang văn phong phú, đa dạng và đặc sắc. Soi chiếu tác phẩm của ba nhà văn tiêu biểu từ góc độ ngôn ngữ đối thoại, những nội dung được phân tích, làm rõ trong đề tài luận án tiến sĩ Ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao của NCS. Phạm Sỹ Cường phản ánh một cách hệ thống về những đặc sắc ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác của họ.
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình nghiên cứu, thư mục tham khảo, Luận án gồm 4 chương.

Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu và khái quát về ngôn ngữ đối thoại trong văn học hiện thực phê phán Việt Nam
Ngôn ngữ đối thoại là một phương diện quan trọng của ngôn ngữ nghệ thuật, gắn liền với phong cách nghệ thuật của nhà văn, góp phần làm nên thành tựu của một trào lưu văn học, nhất là văn học hiện thực phê phán. Thông qua ngôn ngữ đối thoại, nhà văn xây dựng nhân vật, phản ánh thực tại và bộc lộ thái độ, tư tưởng của mình. Các nhà văn hiện thực, do nguyên tắc thẩm mỹ riêng, lấy hiện thực trực tiếp làm đối tượng miêu tả, cắt nghĩa, đã sử dụng ngôn ngữ đối thoại vô cùng hiệu quả. Ngôn ngữ đối thoại, vì thế, không chỉ là mối quan tâm của người sáng tác, mà còn được độc giả và các nhà nghiên cứu, phê bình chú tâm một cách đặc biệt.
Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu hướng đến ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác của ba cây bút lớn Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao nhưng phần lớn chỉ dừng lại trong phạm vi hẹp của từng công trình nghiên cứu. Đặt ba tác giả vào quá trình phát triển của trào lưu văn học hiện thực phê phán, Luận án tập trung nghiên cứu ngôn ngữ đối thoại ở nhiều cấp độ khác nhau; phân tích, làm rõ những đặc sắc ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác của ba nhà văn này; qua đó tìm ra sự nhất quán giữa quan niệm về cuộc đời, con người và cách tổ chức ngôn ngữ đối thoại của mỗi nhà văn trong tác phẩm, góp phần làm nên phong cách độc đáo của bản thân nhà văn và trào lưu hiện thực.

Chương 2: Ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Công Hoan là cây bút hiện thực với phong cách trào phúng. Ông đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho trào lưu hiện thực chủ nghĩa nói riêng, nền văn xuôi hiện đại nói chung. Quan niệm cuộc đời là một tấn bi hài kịch đã khiến nhà văn triển khai các truyện ngắn như những vở kịch bằng văn xuôi. Mỗi truyện ngắn của nhà văn giống như những hoạt cảnh chèo, những màn sân khấu, những vở kịch truyền thống ngắn gọn, sống động và hiệu quả. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan vì thế được sử dụng với tần số dày đặc, tạo nên những hiệu quả nghệ thuật rất riêng. Hoàn cảnh của nhân vật được thể hiện tự nhiên, sắc nét. Tính cách nhân vật được khắc họa, nhất là những nhân vật có tính chất phản diện. Thông qua đối thoại, nhà văn khắc họa chân dung nhân vật, thể hiện hoàn cảnh của nhân vật và thúc đẩy cốt truyện, gia tăng kịch tính.
Trong số 103 truyện ngắn Nguyễn Công Hoan được khảo sát, có tới 98 truyện có sử dụng ngôn ngữ đối thoại. Trong đó có tới 54 truyện ngắn có 10 lượt thoại trở lên trong một trang truyện, thậm chí có tới 5 truyện ngắn mà mỗi trang truyện có từ 20 lượt thoại trở lên: Nhân tình tôi (21 lượt/trang), tiếp đến là Oẳn tà roằn (20 lượt/trang), Cái ví ấy của ai (21 lượt/trang), Cái lò gạch bí mật (24 lượt/trang). Tác phẩm có số lượt thoại nhiều nhất là Cái lò gạch bí mật (174 lượt thoại), tiếp đến là Oẳn tà roằn (91 lượt thoại), Samandji II (83 lượt thoại) và Sóng vũ môn (82 lượt thoại). Nhìn từ góc độ đoạn thoại, phổ biến nhất là truyện có 3 đoạn thoại giống như vở kịch 3 màn (có 30 truyện ngắn ở dạng này). Tiếp đó là 20 truyện ngắn có 2 đoạn thoại. Ngược lại, những truyện có 8 hoặc 10 đoạn thoại chỉ dừng lại ở con số 1 (Cái lò gạch bí mật). Bên cạnh đó có 35 truyện kết thúc bằng lời thoại của nhân vật. Nhiều trang truyện chỉ có 2 đến 3 lời dẫn thoại, còn lại là những đối thoại liên tiếp của các nhân vật.
Với ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, Nguyễn Công Hoan đã góp phần đem đến một luồng sinh khí, một sức mạnh biểu đạt mới cho văn học Việt Nam, tạo nên được tiếng cười hài hước, trào phúng thú vị nhưng cũng vô cùng thấm thía, cảm động. Ngôn ngữ đối thoại trở thành linh hồn trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, tạo nên sự tự nhiên, bất ngờ, hấp dẫn.

Chương 3: Ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng được học giả nước ngoài đánh giá là nhà văn đứng ngang tầm với bất kỳ nhà văn vĩ đại nào của thế giới. Những tiểu thuyết, phóng sự, truyện ngắn… của nhà văn yểu mệnh này đã sống tiếp cuộc đời của người cha đẻ tinh thần của mình.
Xuất phát từ cái nhìn cuộc đời đảo điên, “vô nghĩa lý” và con người xấu xa, tha hóa đến tận cùng, Vũ Trọng Phụng đã tổ chức ngôn ngữ đối thoại vô cùng đặc sắc trong các tác phẩm tiểu thuyết (bao gồm tiểu thuyết hiện thực nghiêm ngặt và tiểu thuyết trào phúng) và phóng sự. Nhà văn đã dùng ngôn ngữ đối thoại không phải chỉ để khắc họa chân dung nhân vật mà còn nhằm cung cấp thông tin, lộn mặt trái nhân vật, mà phần lớn là những nhân vật đa diện, phức tạp, nhất là những nhân vật diễn trò, có tầm cỡ, có tác động mạnh mẽ tới xã hội tư sản thành thị trong công cuộc Âu hóa. Điều thú vị là, nhà văn đã thể hiện ngôn ngữ đám đông như hình ảnh thu nhỏ của xã hội với tất cả sự ồn ào, bát nháo, hỗn tạp. Đám đông xuất hiện ở tất cả các thể loại: truyện ngắn, kịch, phóng sự và tiểu thuyết, đó là đám đông nông dân (Vỡ đê), thị dân (Số đỏ), có khi là những nhà báo, thậm chí là những con nghiện, gái điếm (Giông tố), con bạc (Cạm bẫy người)…

Thông qua ngôn ngữ đối thoại, Vũ Trọng Phụng phát hiện và thể hiện hiện thực với tất cả sự bộn bề, đảo điên, náo loạn của nó. Ở mỗi thể loại sở trường, Vũ Trọng Phụng lại có cách tổ chức ngôn ngữ đối thoại để chúng phát huy sức mạnh riêng. Điều này góp phần làm cho văn xuôi hiện thực không chỉ hấp dẫn mà còn phong phú, có hiệu quả nghệ thuật cao hơn.
Vũ Trọng Phụng là người trải sức và thành công ở nhiều thể loại nhất. Ngôn ngữ đối thoại góp phần làm nên nét đặc sắc ở cả tiểu thuyết hiện thực nghiêm ngặt (Giông tố, Vỡ đê, Trúng số độc đắc), tiểu thuyết hiện thực trào phúng (Số đỏ) và phóng sự (Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thày cơm cô, Lục xì). Đối thoại của đám đông trong tiểu thuyết trào phúng của nhà văn này cũng độc đáo không kém, có tới 25 lần đa thoại xuất hiện trong Số đỏ; Giông tố: 23, Vỡ đê: 17, Trúng số độc đắc: 12. Mỗi lần có đối thoại của đám đông là một lần độc giả lại được cười, lại được thấy bao nhiêu lớp lang hiện thực, bao nhiêu tính cách của những hạng người được phô bày.
Ý thức đối thoại và cả tinh thần sẵn sàng đối đầu của Vũ Trọng Phụng là rất rõ ràng, rất quyết liệt. Ông xông xáo vào những đề tài nóng, nguy hiểm, nhạy cảm để rồi bị cả đối tượng bị phanh phui lẫn độc giả hiểu lầm, công kích, thậm chí trả thù nhưng ông vẫn không chút e dè. Vũ Trọng Phụng không chỉ sáng tác như một nhà văn mà còn bút chiến, luận chiến như một nhà nghiên cứu, phê bình, một nhà hoạt động xã hội. Sự nhiệt huyết, sôi sục của Vũ Trọng Phụng đã được chuyển hóa vào ngôn ngữ đối thoại của nhân vật hết sức thành công. So với Nguyễn Công Hoan, ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác Vũ Trọng Phụng có màu sắc riêng, linh hoạt, hiện đại hơn.

Chương 4: Ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác Nam Cao
Cầm bút khi chủ nghĩa hiện thực bắt đầu có dấu hiệu thoái trào nhưng Nam Cao lại khiến cho trào lưu này có được những thành tựu vượt bậc. Nhà văn coi trọng “cảm giác và tư tưởng”, quan tâm đến quá trình tha hóa của nhân vật nhưng không mất niềm tin vào con người, bởi vậy ông đã tổ chức ngôn ngữ đối thoại với một chiều sâu đặc biệt. Với Nam Cao, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật có thể không nhiều nhưng tính đối thoại trong tác phẩm của ông lại rất cao. Ngôn ngữ đối thoại thể hiện cá tính nhân vật, chủ yếu ở phương diện tâm lý. Ông đã sử dụng ngôn ngữ đối thoại để tạo nên ngôn ngữ độc thoại nội tâm khơi sâu vào con người “cảm giác và tư tưởng”. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật đã hòa phối cùng ngôn ngữ trần thuật để tạo ra ngôn ngữ nửa trực tiếp, thể hiện chiều sâu của hiện thực và chiều sâu tâm lý, tầm cao tư tưởng của con người.
Từ cánh đồng Đại Hoàng nhọc nhằn đến những trường tư ngột ngạt, lay lắt, “ông giáo quèn”, nhà văn nghèo Nam Cao đã chứng kiến biết bao nhiêu kiếp sống cơ cực, bế tắc. Nhà văn đã hình thành cho mình một “đôi mắt”, một cách nhìn riêng về con người và cuộc đời. Ông luôn quan tâm đến những cảm giác và cảm xúc, tâm tư của nhân vật. Nhà văn lặn sâu vào đời sống nội tâm con người để lắng nghe, thấu hiểu, đối thoại… Ông nhận ra con người gần gũi, đời thường bị bầm dập vì miếng cơm, vì mưu sinh, vì mưu mô. Nhưng nhà văn cũng luôn hướng tới con người biết nghĩ suy, trọng tư tưởng, ông tin vào con người, ngay cả khi họ đã trượt dài xuống cái kiếp lưu manh và dốc tha hóa. Ông hy vọng vào ánh sáng của chân trời mới, dù còn rất xa.
Từ quan niệm sâu sắc ấy về con người, Nam Cao đã sử dụng ngôn ngữ đối thoại để tiếp tục hành trình “cố mà hiểu” con người, hiểu thấu họ bằng tình thương và niềm tin. Nhà văn đã tổ chức ngôn ngữ đối thoại để khắc họa nhân vật với chiều sâu tâm lý, con người với cá tính. So với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao có thể không sử dụng ngôn ngữ đối thoại của nhân vật với tần suất lớn nhưng ngôn ngữ đối thoại trong truyện của ông gắn bó chặt chẽ với tính đa thanh, phức điệu. Với ông, đối thoại không dừng lại ở ngôn ngữ trực tiếp của nhân vật mà tham gia rất nhiều, rất sâu vào độc thoại nội tâm, tham gia vào ngôn ngữ nửa trực tiếp. Chính vì vậy, nhà văn không chỉ phản ánh được hiện thực ở nhiều góc nhìn, nhiều giọng điệu, ông còn tạo ra cuộc đối thoại với các tư tưởng, với thời đại của mình.
Bên cạnh những độc thoại nội tâm giữa những lời thoại của nhân vật tham gia đối thoại, độc thoại nội tâm của người không tham gia vào cuộc thoại nhưng lại vô tình hay hữu ý lắng nghe được cuộc thoại rồi suy tư, trăn trở, đối thoại âm thầm đã khiến cho văn chương của Nam Cao thêm mới mẻ, linh hoạt. Một loạt những truyện ngắn như Chí Phèo, Dì Hảo, Nửa đêm, Một bữa no, Một chuyện xú vơ nia, Điếu văn, Giăng sáng, Mua nhà… đã xuất hiện dạng độc thoại nội tâm này. Nam Cao lại dùng độc thoại nội tâm để hướng nội, tạo độ lắng. Khi ấy, cả nhân vật và độc giả chìm vào suy tư, chiêm nghiệm. Sâu xa hơn, Nam Cao muốn tạo tính đa thanh, ngay cả khi tác phẩm khép lại, có tới 18/39 truyện ngắn của ông khép lại bằng độc thoại nội tâm.

Nghiên cứu những đặc sắc ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong sáng tác Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao, Luận án không chỉ tìm ra những nét riêng trong ngôn ngữ đối thoại của mỗi nhà văn, mà còn thấy được sự vận động, phát triển về ngôn ngữ đối thoại trong sáng tác của ba tác giả này. Những trang văn của Nguyễn Công Hoan khiến người ta bật cười khoái trá, của Vũ Trọng Phụng truyền cho độc giả cảm giác sôi sục, căm uất, còn của Nam Cao lại lắng xuống với bao nhiêu suy tưởng, day dứt, ám ảnh, buồn nhưng vẫn mang bao nhiêu hy vọng… Ở một góc độ khác, có thể nói không đọc ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan sẽ không thấy được cuộc đời với tất cả sự thô tục; không đọc ngôn ngữ đối thoại trong tiểu thuyết và phóng sự Vũ Trọng Phụng sẽ không thấy hết được cái bề bộn, lố lăng, phức tạp, đảo điên của cuộc sống; không đọc ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn Nam Cao sẽ không thấy được những bi kịch tinh thần, chiều sâu của đời sống nội tâm và tầm cao của tư tưởng con người.

Luận án được bảo vệ thành công tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp trường, họp tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2017.

TV.
giới thiệu



Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2025

Nghe đọc Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Công Hoan - Radio Huyền Học (Radio Kể Truyện)


Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Công Hoan

Tuyển chọn & Diễn đọc: Radio Huyền Học


Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: Radio Kể Truyện





Radio Kể Truyện

Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan - Quan điểm xã hội, luân lí


Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan -
Quan điểm xã hội, luân lí



Quan điểm xã hội của Nguyễn Công Hoan (NCH)

Được thể hiện rõ nét qua cách ông nhìn nhận và phản ánh hiện thực cuộc sống trong các tác phẩm của mình. Dưới đây là những khía cạnh chính trong quan điểm xã hội của NCH:
  • Sự đối chọi giữa người giàu và người nghèo: NCH luôn nhìn nhận hiện thực qua lăng kính giàu nghèo, với các tác phẩm xoay quanh sự xung đột giữa hai tầng lớp này. Ông coi đây là "cái cốt" của hầu hết các truyện ngắn và truyện dài của mình.
    • NCH đứng về phía người nghèo khổ, thậm chí bênh vực họ ngay cả khi họ phạmtội. Ví dụ, trong các truyện ngắn như Thằng ăn cắp, Bữa no... đòn, Thế cho nó chừa, ông đều cố gắng bào chữa và thanh minh cho những người nghèo. Ngược lại, NCH vạch trần bản chất xấu xa, tham lam của bọn nhà giàu qua các nhân vật như Thằng Quýt hay Thằng ăn cướp.
  • Đả kích các tầng lớp áp bức: NCH không ngần ngại đả kích bọn thực dân, quan lại, tư sản, địa chủ, cường hào và lính tráng, đặc biệt là hai tội: cậy quyền thế ức hiếp và tham lam vô độ. Ông miêu tả bọn chúng đều "to béo" vì ăn bẩn. Các truyện ngắn của NCH thường xoay quanh những mánh khóe ăn bẩn của bọn quan lại cường hào, nhưng không hề trùng lặp.
    • Quan điểm giàu nghèo của NCH dần được mài sắc và có xu hướng tiến tới quan điểm giai cấp trong bối cảnh xã hội thuận lợi như thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quan điểm của ông vẫn chưa hoàn toàn là quan điểm giai cấp chính xác.
  • Lập trường không hoàn toàn đứng về phía người nghèo: Mặc dù luôn đứng về phía người nghèo, NCH không phải lúc nào cũng đứng trên lập trường của họ. Trong một số trường hợp, ông đã phóng đại những khía cạnh tiêu cực như sự nhếch nhác và bẩn thỉu của họ.
  • Phản ánh sự tha hóa đạo đức xã hội: NCH căm ghét và khinh bỉ xã hội thực dân, bọn quan lại và những "nhố nhăng, quái thai" của xã hội mới đã giày xéo lên các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Ông lên án mạnh mẽ những quan lại hãnh tiến vô liêm sỉ và những người chạy theo lối sống Âu hóa một cách nhố nhăng.
  • Xung đột thế hệ và giới tính: Các tác phẩm của NCH thường thể hiện sự xung đột giữa hai thế hệ (già và trẻ), hai giới tính (nam và nữ), và giữa vợ cả và vợ lẽ. Ông thường đứng về phía người già, nam giới và vợ cả để phê phán những nhân vật khác, đặc biệt là phụ nữ và người trẻ.
  • Nhân vật diễn trò trong các tác phẩm của NCH thường là nữ giới, người trẻ và vợ lẽ, thể hiện quan điểm luân lý đạo đức bị chi phối bởi tư tưởng phong kiến bảo thủ và cái nhìn thành kiến với phụ nữ.
Tóm lại, quan điểm xã hội của NCH thể hiện sự phê phán sâu sắc đối với xã hội bất công và những tầng lớp áp bức, đồng thời bộc lộ một số hạn chế trong cách nhìn nhận về người nghèo và phụ nữ. Tuy nhiên, sự phản ánh chân thực về sự đối lập giàu nghèo và sự tha hóa đạo đức đã làm nên giá trị đặc biệt trong các tác phẩm của ông.



Quan điểm luân lí của Nguyễn Công Hoan (NCH)

Được thể hiện qua sự căm ghét, khinh bỉ xã hội thực dân và những "nhố nhăng, quái thai" của xã hội mới. Những điều này đã giày xéo lên truyền thống đạo đức của dân tộc. Dưới đây là các khía cạnh chính trong quan điểm luân lí của NCH:
  • Đả kích sự suy đồi đạo đức: NCH lên án mạnh mẽ bọn quan lại hãnh tiến vô liêm sỉ và những người chạy theo lối sống Âu hóa một cách nhố nhăng. Ông coi đây là sự lăng nhục đối với các giá trị đạo đức và văn hóa cổ truyền của dân tộc.
  • Mâu thuẫn trong quan điểm về phụ nữ: Quan điểm luân lí của NCH về phụ nữ, hôn nhân và gia đình bị chi phối mạnh mẽ bởi tư tưởng phong kiến bảo thủ. Ông thường có cái nhìn thành kiến và ác cảm với phụ nữ, điều này thể hiện qua các nhân vật trong các tác phẩm như Cô Kếu gái tân thời, Cô giáo Minh, Thanh đạm, và Danh tiết.
  • Xung đột thế hệ và giới tính: Các tác phẩm của NCH thường thể hiện xung đột giữa các thế hệ (già và trẻ), giới tính (nam và nữ), và giữa vợ cả và vợ lẽ. Ông thường đứng về phía người già, nam giới và vợ cả để phê phán, trong khi nhân vật diễn trò thường là nữ giới, người trẻ và vợ lẽ. Điều này cho thấy quan điểm luân lí của NCH còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng phong kiến.
  • Tính trào phúng và mỉa mai: NCH sử dụng sự chế giễu, mỉa mai, châm biếm và đả kích để lên án những cái xấu, cái ác của bọn quan lại, tư sản, cường hào ác bá và thanh niên nam nữ hư hỏng đua đòi theo lối sống Âu hóa.
Tóm lại, quan điểm luân lí của NCH vừa thể hiện sự bảo vệ các giá trị đạo đức truyền thống, vừa bộc lộ những hạn chế do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, đặc biệt trong cách nhìn nhận về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Quan điểm này được thể hiện qua các mâu thuẫn, xung đột trong các tác phẩm của ông, và thường bị mỉa mai, châm biếm để làm nổi bật sự giả dối và suy đồi của xã hội đương thời.



Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan (NCH)

Là một phần quan trọng trong sự nghiệp văn học của ông, thể hiện rõ phong cách nghệ thuật độc đáo và quan điểm sâu sắc về xã hội. Dưới đây là phân tích chi tiết về truyện ngắn của NCH:

1. Quá trình sáng tác:
  • Giai đoạn 1929-1935: NCH bắt đầu viết truyện ngắn từ đầu những năm 20, nhưng đến năm 1929 mới được chú ý. Tập truyện Kép Tư Bền (1929-1935) đã gây tiếng vang lớn và tạo ra cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật giữa Hải Triều và Hoài Thanh. Giai đoạn này, NCH tập trung làm nổi bật sự xung đột giữa người giàu và người nghèo, phơi bày sự bất công, thối nát của xã hội.
    • Ông vạch trần bộ mặt tàn ác, đểu cáng của những kẻ giàu có, có tiền, có quyền. Ví dụ, trong truyện Răng con chó của nhà tư sản, NCH miêu tả sự đối lập giữa người ăn mày và con chó trong việc tranh giành miếng ăn.
    • NCH cũng thể hiện tình cảnh khốn cùng của người dân nghèo thành thị như phu xe, ăn mày, lưu manh, gái điếm, con sen, thằng quýt. Các truyện ngắn tiêu biểu như Thằng ăn cắp, Được chuyến khách, Thanh! Dạ!, Ngựa người và người ngựa, Kép Tư Bền.
    • Tuy nhiên, ở giai đoạn này, tầm bao quát hiện thực của NCH còn hạn chế, chủ yếu phản ánh đời sống ở thành thị và mới chỉ phê phán nhà giàu trên phương diện đạo đức. Thái độ của ông đối với người nghèo và phụ nữ chưa thực sự trân trọng.
  • Giai đoạn 1936-1939: Đây là giai đoạn truyện ngắn của NCH đạt đến đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật.
  • Giai đoạn 1940-1945: Đây là giai đoạn sa sút của NCH. Hoàn cảnh xã hội ngột ngạt khiến nhà văn không còn kiên định lập trường của chủ nghĩa hiện thực.

2. Phong cách nghệ thuật:
  • Cái nhìn mới mẻ, độc đáo: NCH nhìn đời như một sân khấu hài kịch, một tấn trò hề lố lăng, giả dối.
  • Phát hiện mâu thuẫn và tạo tình huống trào phúng:
    • NCH nhạy bén với các loại mâu thuẫn và thường tạo ra các tình huống hài hước.
    • Mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng. Ví dụ, Báo hiếu: trả nghĩa cha, Đồng hào có ma.
    • Mâu thuẫn giữa mục đích ý nghĩa và bản chất. Ví dụ, Tinh thần thể dục.
    • Mâu thuẫn giữa hy vọng và thất vọng, niềm tin và nỗi buồn. Ví dụ, Ngựa người và người ngựa.
    • Mâu thuẫn giữa phúc và họa. Ví dụ, Hé! Hé! Hé!.
    • Mâu thuẫn nguyên nhân - kết quả. Ví dụ, Thằng ăn cắp.
    • Các mâu thuẫn, xung đột này tạo nên chất kịch trong truyện ngắn của NCH.
  • Thủ pháp cường điệu, phóng đại: NCH thường phóng đại cái xấu xa của con người, tạo nên những bức chân dung biếm họa. Ông sử dụng lối cường điệu để làm biến chất sự vật, vật hóa tả người, tô đậm phần "con" lấn át phần "người".
  • Nghệ thuật kể chuyện: Cốt truyện li kì, hấp dẫn và giàu tính kịch. NCH ít chú ý đến tính cách, tâm lý nhân vật mà tập trung vào việc dẫn dắt tình tiết sao cho mâu thuẫn trào phúng bật ra ở cuối tác phẩm. Ông thường đánh lạc hướng người đọc khỏi cái đích thật sự của câu chuyện.
  • Ngôn ngữ đậm chất trào phúng:
    • Ngôn ngữ quần chúng được chọn lọc, nâng cao, đậm chất ca dao, tục ngữ.
    • Ngôn ngữ giản dị, giàu hình ảnh, so sánh, ví von.
    • Mỗi loại nhân vật có sắc thái ngôn ngữ riêng.
    • Câu văn thường mang mâu thuẫn hài hước bên trong.
    • Sử dụng từ Hán Việt và từ thuần Việt để tạo tiếng cười.
    • Dùng từ trang trọng để chỉ những việc không trang trọng.
    • Nói vòng để tạo liên tưởng thú vị.
    • Câu văn ngắn gọn, lặp lại cú pháp để tăng kịch tính.
    • Lời văn mang tính nhại (parody).
Tóm lại, truyện ngắn của NCH không chỉ phản ánh hiện thực xã hội một cách chân thực mà còn thể hiện tài năng nghệ thuật độc đáo của ông. Qua các mâu thuẫn, tình huống trào phúng, ngôn ngữ đa dạng và thủ pháp phóng đại, NCH đã tạo nên một phong cách truyện ngắn trào phúng đặc sắc, có giá trị phê phán sâu sắc đối với xã hội đương thời.



Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Công Hoan (NCH) trong truyện ngắn

Rất đặc sắc, thể hiện qua nhiều khía cạnh độc đáo. Dưới đây là phân tích chi tiết về phong cách nghệ thuật của ông:

1. Cái nhìn mới mẻ, độc đáo:
  • NCH nhìn nhận cuộc đời như một sân khấu hài kịch, một tấn trò hề lố lăng và giả dối. Ông thấy "cái gì cũng là giả dối, lừa bịp, đáng khôi hài".
  • Trong khi Nam Cao nhìn cuộc đời là sự "chết mòn" và Vũ Trọng Phụng thấy đời "vô nghĩa lí, xã hội khốn nạn", NCH lại tiếp cận hiện thực với góc độ hài hước, châm biếm.

2. Phát hiện mâu thuẫn và tạo tình huống trào phúng:
  • NCH rất nhạy bén với các loại mâu thuẫn và thường tạo ra các tình huống hài hước, oái oăm.
  • Ông tập trung khai thác các mâu thuẫn như:
    • Mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng: Ví dụ, truyện Báo hiếu: trả nghĩa cha có vẻ bề ngoài là chí hiếu nhưng thực chất lại bất hiếu. Hoặc như Đồng hào có ma có vỏ ngoài oai vệ nhưng bên trong lại là lưu manh.
    • Mâu thuẫn giữa mục đích ý nghĩa và bản chất: Ví dụ, truyện Tinh thần thể dục có mục đích bề ngoài tốt đẹp nhưng thực chất lại gây ra tai họa cho người dân.
    • Mâu thuẫn giữa hy vọng và thất vọng, niềm tin và nỗi buồn: Ví dụ, Ngựa người và người ngựa thể hiện tình thế oái oăm khi cả hai nhân vật đều mong có khách nhưng cuối cùng lại thất vọng.
    • Mâu thuẫn giữa phúc và họa: Ví dụ, các truyện như Hé! Hé! Hé!.
    • Mâu thuẫn nguyên nhân – kết quả: Ví dụ, Thằng ăn cắp khi nguyên nhân nhỏ (ăn quỵt hai xu bún riêu) lại dẫn đến kết quả nghiêm trọng (bị đánh đập dã man).
  • Các mâu thuẫn và xung đột này tạo nên chất kịch trong truyện ngắn của NCH. Mỗi truyện của NCH có thể được xem như một vở kịch ngắn với sự đối lập và mâu thuẫn được sử dụng như nguyên tắc để xây dựng mối quan hệ giữa các nhân vật và tình tiết.

3. Thủ pháp cường điệu, phóng đại:
  • NCH thường phóng đại cái xấu xa của con người để tạo ra những bức chân dung biếm họa.
  • Ông sử dụng lối cường điệu để làm biến chất sự vật. Ví dụ, miêu tả bà phủ với hình ảnh "bánh giầy đám cưới" ở giữa có "quả chuối ngự""hai múi cà chua".
  • NCH sử dụng nguyên tắc "vật hóa tả người", biến các nhân vật phản diện thành lố bịch, kệch cỡm, làm nổi bật phần "con" lấn át phần "người". Ví dụ, miêu tả nhân vật trong truyện Phành phạch như "một đống hai ba cái chăn bông cuộn lại".

4. Nghệ thuật kể chuyện:
  • Cốt truyện của NCH thường li kì, hấp dẫn và giàu tính kịch.
  • Ông tập trung vào việc dẫn dắt tình tiết sao cho mâu thuẫn trào phúng bật ra một cách bất ngờ ở cuối tác phẩm, đôi khi hy sinh tính hợp lý trong diễn biến tâm lý nhân vật để tăng kịch tính.
  • NCH thường sử dụng thủ thuật đánh lạc hướng người đọc khỏi mục đích thật sự của câu chuyện.
  • Ông hay dùng một nhân vật đóng vai người trong cuộc hay người chứng kiến, thường là người thật thà, ngớ ngẩn nhưng lại mang cái hóm hỉnh, ranh mãnh của nhà văn. Ví dụ như nhân vật Bắc trong Oằn tà rroằn.
  • Trong truyện Hai cái bụng, NCH mô tả hai đoạn tách biệt, không liên quan gì đến nhau, nhưng khi đọc xong cả truyện, người đọc thấy được sự đối lập và mỉa mai. Phần đầu mô tả tình cảnh đói rách của thằng bé ăn mày, phần sau là hình ảnh một bà béo phì "cổ rụt, má chảy, bụng xệ".

5. Ngôn ngữ đậm chất trào phúng:
  • Ngôn ngữ của NCH được chọn lọc từ ngôn ngữ quần chúng, mang đậm chất ca dao, tục ngữ.
  • Ông sử dụng ngôn ngữ giản dị, giàu hình ảnh, so sánh, ví von để tạo sự liên tưởng thú vị cho người đọc.
  • Mỗi loại nhân vật trong tác phẩm của NCH đều có sắc thái ngôn ngữ riêng.
  • Câu văn thường mang mâu thuẫn hài hước bên trong. Ví dụ: "Nàng vì quá nhẹ dạ, nên phải nặng lòng..." trong Oằn tà rroằn.
  • NCH sử dụng từ Hán Việt và từ thuần Việt để tạo tiếng cười. Ví dụ: "quan huyện tư pháp... cùng trịnh trọng làm việc và cùng trịnh trọng khạc nhổ".
  • Ông thường dùng từ trang trọng để chỉ những việc không trang trọng.
  • NCH sử dụng lối nói vòng để tạo liên tưởng thú vị cho người đọc. Ví dụ: "Tang vật đó to bằng vành khăn đàn bà, cuộn quanh lù lù trên mặt đất thành một bãi, đầu hình búp măng, màu vàng, mà đứt đuôi là có hơi ngạt, thôi thối" trong Cái lò gạch bí mật.
  • Câu văn thường ngắn gọn, lặp lại cú pháp để tăng kịch tính. Ví dụ: "Chửi. Kêu. Đấm. Đá. Thụi. Bịch... Như mưa vào đầu..." trong Bữa no... đòn.
  • Lời văn của NCH thường mang tính nhại (parody). Ông nhại văn hành chính, công vụ (Tinh thần thể dục, Chính sách thân dân), văn báo chí (Một tấm gương sáng), văn cáo phó (Báo hiếu: trả nghĩa mẹ), văn trữ tình lãng mạn (Thế là mợ nó đi tây), văn trinh thám (Cái lò gạch bí mật), giọng hát tuồng (Đào kép mới), giọng tiểu thư (Nỗi lòng ai tỏ) và giọng con buôn (Hé! Hé! Hé!).
Tóm lại, phong cách nghệ thuật của NCH trong truyện ngắn là sự kết hợp giữa cái nhìn độc đáo về cuộc đời, khả năng phát hiện mâu thuẫn và tạo tình huống trào phúng, thủ pháp cường điệu, phóng đại, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn và ngôn ngữ giàu chất trào phúng. Ông đã tạo nên một phong cách truyện ngắn trào phúng đặc sắc, mang đậm dấu ấn cá nhân và có giá trị phê phán sâu sắc đối với xã hội đương thời.




Nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Công Hoan (NCH) trong truyện ngắn

Thể hiện qua nhiều khía cạnh độc đáo. Dưới đây là phân tích chi tiết về nghệ thuật kể chuyện của ông:
  • Cốt truyện li kì và hấp dẫn: NCH rất tài hoa trong việc tổ chức cốt truyện, thường tạo ra những tình huống bất ngờ và giàu tính kịch. Ông ít chú ý đến việc xây dựng tính cách nhân vật và tâm lý phức tạp, mà tập trung vào việc dẫn dắt tình tiết để mâu thuẫn trào phúng và tình huống hài hước bật ra một cách đột ngột ở cuối tác phẩm.
  • Hy sinh tính hợp lý để tăng kịch tính: Nhiều khi, để cốt truyện thêm phần li kì và hấp dẫn, NCH sẵn sàng bỏ qua tính hợp lý và chân thực trong diễn biến tâm lý của nhân vật. Điều này giúp tạo ra những cú twist bất ngờ, làm tăng hiệu quả trào phúng của câu chuyện.
  • Thủ thuật đánh lạc hướng: NCH thường sử dụng thủ thuật đánh lạc hướng người đọc khỏi mục đích thực sự của câu chuyện. Ông thường dùng một nhân vật đóng vai người trong cuộc hoặc người chứng kiến, thường là người thật thà, ngớ ngẩn, nhưng lại mang sự hóm hỉnh và ranh mãnh của nhà văn.
  • Sử dụng các đoạn tách biệt: Trong một số truyện, NCH mô tả các đoạn tách biệt, không liên quan đến nhau, nhưng khi đọc xong cả truyện, người đọc sẽ thấy được sự đối lập và mỉa mai sâu sắc.
    • Ví dụ, trong truyện Hai cái bụng, NCH mô tả hai đoạn tách biệt: một bên là tình cảnh đói rách của thằng bé ăn mày, một bên là hình ảnh bà béo phì. Hai đoạn này không có sự liên kết trực tiếp, nhưng khi đọc xong, người đọc thấy rõ sự đối lập giữa hai hạng người trong xã hội: người ăn không hết và người không có gì để ăn. Câu kết của hai đoạn cũng tạo nên sự đối lập và mỉa mai sâu sắc: "nó chỉ thèm được ăn" (đứa bé) và "bà ấy chỉ thèm ăn được" (bà béo phì).
  • Tạo ra tình huống trào phúng: NCH rất nhạy bén trong việc phát hiện các mâu thuẫn và tạo ra các tình huống trào phúng độc đáo.
    • Ông khai thác các mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng, mục đích và bản chất, hy vọng và thất vọng, phúc và họa, nguyên nhân và kết quả.
    • Ví dụ, truyện Thằng ăn cắp mâu thuẫn giữa nguyên nhân nhỏ (ăn quỵt hai xu bún riêu) và kết quả lớn (bị đánh đập dã man).
    • Các mâu thuẫn và xung đột này tạo nên chất kịch trong truyện ngắn của NCH. Mỗi truyện của ông có thể được xem như một vở kịch ngắn, với sự đối lập và mâu thuẫn được sử dụng như một nguyên tắc để xây dựng mối quan hệ giữa các nhân vật và tình tiết.
  • Kết thúc bất ngờ: NCH thường kết thúc truyện một cách bất ngờ, tạo ra tiếng cười và sự suy ngẫm cho người đọc.
    • Tình huống hài hước thường bật ra ở cuối tác phẩm một cách đột ngột, gây ấn tượng mạnh.
Tóm lại, nghệ thuật kể chuyện của NCH là sự kết hợp giữa cốt truyện li kì, tình huống trào phúng độc đáo, thủ thuật đánh lạc hướng, và cách xây dựng các đoạn tách biệt. Ông đã tạo ra những truyện ngắn hấp dẫn, giàu tính kịch, và mang đậm dấu ấn cá nhân.