Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

NGUYỄN THỊ NAM - Đọc lại "Thanh đạm"



Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần II: Tác phẩm của Nguyễn Công Hoan - Những thành công và đóng góp.


ĐỌC LẠI THANH ĐẠM

NGUYỄN THỊ NAM


Thanh đạm là cuốn tiểu thuyết gần năm trăm trang của Nguyễn Công Hoan được viết năm 1942. Đọc THANH ĐẠM chúng ta sẽ bắt gặp một Nguyễn Công Hoan không giống như ta đã từng thấy Ông trong nhiều tiểu thuyết hoặc truyện ngắn khác.

Nhân vật chính là ông huyện Lê Sĩ Cư xuất thân học trò nghèo, văn hay chữ tốt, đỗ đạt cao, được bổ làm quan huyện (như chức vị Chủ tịch UBND huyện ngày nay). Ông huyện Cư là hình mẫu đẹp của một bậc cai trị dân. Và như Nguyễn Công Hoan đã viết trong ĐỜI VIẾT VĂN CỦA TÔI: "Cuốn THANH ĐẠM chia làm hai phần đều nhau. Phần trên là đời làm quan của vai chủ động, phần dưới là đời dậy học".

Là một viên quan, ông huyện Cư hết lòng vì dân. Ông từng đã lặn lội rét mướt mưa gió cùng dân phu hộ đê. Ông từng tìm cách cải thiện cuộc sống của những người dân vùng lũ lụt, tìm cách dậy thêm nghề phụ cho dân kiếm thêm thu nhập. Dân chúng từng đã bảo nhau:
"Ngài bảo, thấy nhân dân khổ, ngài không nỡ sung sướng một mình". Ông dậy nghề cho bọn tù để chúng có công ăn việc làm khi về đời, theo dõi và giúp đỡ những kẻ tù tội đã hoàn lương. Ông hiền từ không muốn ốp dân phu bằng roi vọt như người ta vẫn làm. Ông nhân hậu trong việc phá án, thận trọng và mưu mẹo minh mẫn tránh việc đánh đập tra khảo. Ông làm việc tận tuỵ và giữ gìn từng hành vi của mình. "Ông kính trọng tục lệ trong dân nhưng không muốn sự xa xỉ ăn chơi. Ông không dự hội hè vì nghĩ như vậy tức là xui ngầm dân làm trái ý ông. Rồi vì ông về, họ lại đón rước tốn kém và có khi bọn đàn anh bầy vẽ ra, lợi dụng".

Nghĩ như vậy thì ông huyện Cư quả có lý và Nguyễn Công Hoan thật giàu kinh nghiệm.
Ở làng có người nghèo chết, không gọi được đủ người khiêng (vì chắc chắn tang chủ không có gì để đãi họ), huyện Cư ăn mặc chỉnh tề đến đưa tang, ghé vai khiêng đòn. Lẽ nào dân chúng lại để bậc phụ mẫu phải làm thế. Họ đến xin ông để họ khiêng đòn. Quan kết luận:
"Cho nên bao giờ người đàn anh cũng phải làm gương tốt cho con em, dù có thiệt thân, không nên kỳ quản".

Huyện Cư không phải là tham quan. Ông sống thanh bạch. Khi mẹ ông qua đời, mọi người về làng phúng viếng mới phát hiện ra rằng: "Có một điều ai nấy đều ngạc nhiên là không ngờ nhà quan phụ mẫu họ, thanh bạch quá. Họ tưởng tượng nhà ông phải rộng chừng non mẫu, quây tường kín, có cổng gạch đi vào, và trong, nào nhà thờ, nhà tiền tế, nhà cầu, nhà ngang, sân lát gạch Bát. Ngờ đâu chỉ mấy gian nhà tranh với cái sân đất và khu vườn hẹp, đến nỗi có bọn đi đông, phải ngồi xít lại với nhau mới đủ chỗ. "Ông cũng không tham quyền nên đã hai lần từ chối sự cất nhắc: một lần thăng chức, một lần chiếu vời ra làm quan sau khi đã từ quan về cư tang mẹ. Tác giả yêu quý nhân vật của mình trọn vẹn đến cả việc miêu tả vẻ ngoài của huyện Cư. "Người ông phương phi nhưng là cái đẫy đà thanh tú của con người phúc phậu". "Ta có thể thấy trong dáng điệu của ông, tất cả một ông quan. Một ông quan, nghĩa là một hạng người thiêng liêng, một hạng người trên hẳn những người phàm thường, chỉ kém bậc thần thánh một chút..."

Và đã có một quan niệm đẹp như thế về ông quan, nên Nguyễn Công Hoan đã đặt nhân vật chính của mình trong một thế giới "vua sáng, tôi hiền". Mối quan hệ của huyện Cư với các chức sắc trong huyện, vừa kính vừa nhường, quý mến nhau. Ông từ chối sự thăng thưởng, từ chối thông gia với quan trên, nhưng các vị ấy không lấy thế làm mếch lòng. Đấng vua trên cửu trùng biết đến ông quan giỏi và thanh liêm vời ra làm quan sau khi hết tang, viên quan nhỏ ấy từ chối, cũng không làm vua bực tức. Một không khí thuận hoà từ trên xuống dưới.

Và như vậy trong khi vẽ nên hình mẫu lý tưởng về một viên quan, Nguyễn Công Hoan cũng đồng thời xây dựng một môi trường đẹp chốn quan trường. Ông quan này khuyến khích sự học, mở mang dân trí, dân đức, giúp đỡ học trò nghèo có chí vươn lên. Thậm chí với những kẻ lạc đường, ông cũng đem lòng cứu giúp, tạo công ăn việc làm...

Trong mối quan hệ hẹp hơn của quan huyện là gia đình. Nguyễn Công Hoan cũng viết theo cùng một đích. Huyện Cư thanh đạm vì có người mẹ trọng nghĩa, luôn dậy con những điều tốt, sống thanh bạch. Những tư tưởng tốt, đạo đức hay của huyện Cư được vợ con ông tán đồng và làm theo. Vợ quan đầu huyện nhưng bà vẫn hay lam hay làm, cửi canh chợ búa.

Bà tán thành cách lựa chọn của chồng, không tham địa vị chốn quan trường mà dành sức dậy học trò, giúp đỡ dân cư nơi làng xóm. Bà đã có lần nói với ông: "Dù ông làm đến Tổng đốc ngay bây giờ tôi không bỏ được cái khung cửi, cái gánh làng. Vả lại dù sau này ông bổ gần hay xa, tôi cũng xin ở lại để trông nom nhà cửa và dậy trẻ con, đàn bà trong làng ít nghề". Con gái lớn của họ được bố dậy chữ, mẹ dậy cách làm ăn, cũng biết quý trọng tài năng và vui theo quyết định của bố mẹ, từ chối những đám sang trọng, nhận lời lấy anh trò nghèo, học giỏi... Cả một gia đình lớn sống đầm ấm, trong sạch.

Những điều tốt, những việc tốt được truyền bảo từ đời cha sang đời con như trong nhà ông huyện Cư là cách Nguyễn Công Hoan đề cao giáo dục gia đình, đề cao văn hoá gia đình Việt Nam được truyền nối, và truyền nối từ Mẹ.

Mặc dù Nguyễn Công Hoan có chia ra hai giai đoạn cuộc đời của "nhân vật chủ động" trong cuốn tiểu thuyết của mình, nhưng nhìn xuyên suốt thì chính là ông đã "trình bày cái tư tưởng của nhà nho ta ngày xưa. Ngày xưa nhà nho học để đi thi. Thi đỗ thì tất được nhà vua cho làm. Nhưng làm quan không phải là nguyện vọng của nhà nho có đạo đức chân chính.

Nguyện vọng của nhà nho có đạo đức chân chính là nhân việc làm quan mà đem tài trí đức độ để phụng sự, mở mang dân trí, dân đức, dân sinh. Nhưng vì làm quan là nắm vận mệnh của nhân dân trong hạt, nên nhà nho có đạo đức chân chính bao giờ cũng áy náy rằng mình không làm tròn nhiệm vụ của người làm cha mẹ. Ba đức chính: THANH, THẬN, CẦN, nếu thiếu sót thì người làm quan coi như phạm tội..." (trích ĐỜI VIẾT VĂN CỦA TÔI).

Khi xây dựng hình tượng quan huyện nhà nho chân chính giữa một gia đình và môi trường làm việc rất lý tưởng, tác phẩm THANH ĐẠM của Nguyễn Công Hoan gần gụi với chủ nghĩa lãng mạn. Nhưng trong cái lãng mạn bao trùm ấy lại là chất hiện thực.

Trước hết, hai nhân vật quan trọng là huyện Cư và bà mẹ ông được lấy từ nguyên mẫu là những người thân của nhà văn: "Vai chủ động truyện, tôi tả na ná giống bác tôi. Mẹ vai chủ động giống hệt bà tôi. Gia đình ấy chính là gia đình tôi" (ĐVVCT). Cũng trong tập hồi ký đã dẫn, Nguyễn Công Hoan viết rằng: "Sống ở trong quan trường lâu năm, tôi tự hào là biết rõ hơn ai hết về cách sinh hoạt cổ và những nghi lễ cổ... tôi lại am hiểu lối sống giản dị của gia đình quan lại nhà nho, và sự liên hệ giữa các nhà khoa bảng. Cho nên cuốn THANH ĐẠM cũng là một phóng sự tiểu thuyết, tôi chiếu lại một số phim mà độc giả thời nay không có dịp nhìn kỹ thấy nữa". Theo những "bộ phim" của Nguyễn Công Hoan, người ta biết được về cảnh bình văn nơi Văn Miếu, ở lớp học, những lễ nghi lịch sự trong các mối quan hệ giữa những người trí thức và các gia đình gia giáo, cách cư xử, cách ăn mặc, cách tổ chức ở huyện đường (với những danh từ như "cai việc", "lính nhà chè", "đội lệ"...) quả thật đã chỉ còn trong truyện của Ông. Người đời nay cũng thấy được người đời trước tôn trọng chức vụ như thế nào ở những trang tả hộ đê, tả ngày I Tết với lễ khai bút, khai ấn được tổ chức trang nghiêm mà không hình thức, thấy được người đời trước đã có nền nếp hiếu học như thế nào, kính yêu thầy dạy của mình ra sao. (Thầy mất, học trò để tang, khi cụ Cử chết, ông huyện hỏi: "Cụ có đông học trò không?“ Người nhà trả lời: "Lạy quan lớn, Cụ con có đến ba trăm khăn trắng"). Ngay việc cô Vy thường xấu hổ ngượng nghịu khi gặp những chàng trai cùng lứa, khi nghe người thân bàn tán về chuyện hôn nhân của mình cũng là nét hiện thực của một nền văn hoá gia đình Việt Nam mà người phụ nữ lấy chữ đức làm gốc.

Rõ ràng những khát khao mà Nguyễn Công Hoan xây dựng lên trong THANH ĐẠM đã có ở cuộc Sống xã hội nước ta, nếu nhìn từ thời xa xưa khi tìm lại di sản văn hoá dân tộc để truyền nối và phát triển. Như Ông đã bộc bạch trong ĐVVCT: "Viết THANH ĐẠM là để chửi rủa quan trường thời Pháp thuộc một cách kín đáo". Tại sao Ông phải vòng vèo như vậy?
Xin được trình dẫn dưới đây:
"Vốn tôi thích đả kích quan trường. Ít lâu nay, quan trường càng tệ hại. Nếu các sách báo không vạch mạch bọn mọt dân hại nước, tức là dư luận cứ để vậy cho họ tự do hoành hành. Tôi phải làm cái việc phơi bầy tội ác của họ. Nhưng nếu công kích thẳng quan trường như từ trước đến giờ tôi vẫn làm, tất kiểm duyệt xoá hết sách của tôi. Tôi viết phí công. Tôi cần thay đổi chiến thuật. Chiến thuật mới mà tôi cho là rất không khéo, thế nào kiểm duyệt cũng mắc mưu, là tôi công kích quan trường một cách gián tiếp. Cách công kích gián tiếp quan trường thời Pháp thuộc, không gì tốt hơn là nêu một số đức tính của quan trường xưa, trước thời Pháp thuộc. Nếu được như vậy, tất độc giả yêu quan ngày xưa, thì so sánh với quan ngày nay, họ sẽ khinh ghét, kinh tởm bọn đỉa đói. Thế là tự độc giả làm cái việc công kích quan trường hiện đại" (ĐVVCT. T.200).

Có nhiều cách để tiếp cận mục tiêu. Đi đường vòng, hiệu quả có thể không mạnh bằng đi đường thẳng nhưng dù sao mũi tên cũng tới được đích. THANH ĐẠM đã đạt được ý muốn của nhà văn. Và hình ảnh môi trường quan lại trong sạch không bị ô nhiễm, hình ảnh những chuẩn mực đạo đức, tình cảm mà Nguyễn Công Hoan đã dành công sức và tình cảm trau chuốt chẳng là để khẳng định vai trò của trí thức ở mọi thời đại, luôn luôn phải là tấm gương phản chiếu những tinh hoa của văn hoá dân tộc, và người giữ trọng trách cai trị, phải biết quên mình vì nhân dân, cuộc sống đời thanh đạm, đem trí tuệ đến mọi cuộc đời, đem nghề nghiệp đến cho dân được ấm no hạnh phúc, kể cả với những kẻ lầm lẫn.

Tiểu thuyết THANH ĐẠM đến nay vẫn mang giá trị riêng. Hà Nội, tháng 5-2001




0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉