Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Hồi ức về nhà văn Nguyễn Công Hoan


Hồi ức về nhà văn Nguyễn Công Hoan

PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh

Ba chữ "Nguyễn Công Hoan" đã đi vào ký ức tôi từ hồi nhỏ. Ngày còn là học sinh cấp I, bọn chúng tôi đã truyền nhau đọc cuốn Tấm lòng vàng. Sách nhàu nát, tả tơi, thiếu hàng mấy trang, mò từng đoạn chữ, nhưng tôi vẫn rất thích và cứ tưởng tượng ông Nguyễn Công Hoan là thầy giáo Chính, người đã giúp anh học trò nghèo, tên là Đức, mỗi tháng ba đồng để anh này học thành tài.

Ấn tượng ấy, mấy chục năm sau, khi gặp bác Hoan, tôi nói chuyện đó.

Thú vị thay! Đấy là sự thật. Bác Hoan kể rằng hồi báo Cậu ấm đặt viết, bác nghĩ: phải viết cái gì có ý nghĩa giáo dục tốt cho trẻ con. Thế là bác nghĩ tới một chuyện thật: bác đã giúp cho một học trò nghèo, mỗi tháng ba đồng, liền năm tháng để thi xong được cái bằng xéc-ti-fi-ca. Sau anh ta làm việc ở sở Địa chính Hải Dương, đi đường gặp bác mà không chào. Bác liền lật ngược câu chuyện và viết ra truyện ấy. Thì ra, một ông thầy, một nhà văn chân chính, bao giờ cũng đặt trách nhiệm cần phải giáo dục cho con em mình lòng thủy chung, nhân hậu.

Lần đầu tiên, tôi được tiếp xúc với bác Hoan là mùa hè năm 1968. Lúc ấy, bác còn ở 66 phố Hàng Bông thợ nhuộm. Tôi đến nhờ bác xem lại cho bản tiểu sử của bác, do một đồng chí trong Viện Văn học đến Hội nhà văn chép và đánh máy. Bác xem rất kỹ, sửa chữa đôi chỗ cho thật chính xác. Bác nói chuyện rất vui và cũng dí dỏm như bác viết. Tôi hỏi mượn bác một số truyện mà các thư viện không có, vì tôi nghĩ: tác giả thì hẳn còn giữ được. Bác trả lời không có. Tôi nói ngay: Cháu giữ sách cẩn thận, không dám làm mất đâu bác ạ. Tôi có đâu mà sợ mất.

Đúng như anh Tô Hoài nhận xét: Bác Hoan "vốn nhẹ nhàng, không châm bập với tác phẩm". Chẳng thế, bác kể rằng: năm 1932, 1933, có người bạn túng quá, đến vay tiền, bác không có, liền đưa cho mấy truyện ngắn đem in. Sách in thành những quyển nhỏ, trông rất bẩn. Sau có người bạn khác nhắn bác là không nên coi rẻ tác phẩm như thế. Bác còn bảo: "Từ năm 1920 đến năm 1955, tôi không nghĩ tôi là nhà văn. Ngay khi soạn sách cho Ban tu thư Bộ giáo dục, tôi cũng nhận soạn sử". Bác nói vui: "Mãi năm 1956 khi đi Ấn Độ, anh Xuân Diệu bảo tôi là nhà văn hiện thực phê phán, tôi mới biết đấy!"

Năm 1974, một đồng chí ở Viện Đông phương học Tiệp Khắc sang ta, nghiên cứu về Nguyễn Công Hoan. Đồng chí đó đề nghị cho gặp nhà văn. Biết tin ấy, bác đến Viện Văn học, đề nghị Viện cử tôi đi cùng với bác. Tôi nói: Cháu đã gặp đồng chí ấy rồi. Thôi, chị cứ đi với tôi. Khi đồng chí Tiệp Khắc hỏi bác về tính chất trào phúng của truyện, bác chỉ vào tôi và bảo: Tôi chỉ biết sáng tác. Tôi không tự nghiên cứu về tôi. Các bà, các ông nghiên cứu này hiểu tôi hơn tôi đấy! Rồi bác cười vang.

Đồng chí bạn cũng cười theo mãi.

Một lần, khi cần cuốn Tranh tối tranh sáng, tôi nói với bác, giọng khôi hài một chút: Bác cho cháu mượn cuốn Tranh tối tranh sáng. Cuốn này hẳn bác có, vì lúc này bác đã biết bác là nhà văn rồi! Bác cười: Quyển này tôi cũng không có thật. Tại lúc ấy tôi chưa có tủ sách. Tôi buồn cười mà không dám cười. Nghĩ một tí, bác bảo: Thôi được, để xem thư viện Hội nhà văn có, tôi mượn hộ. Đúng như bác hứa, hai ngày sau, tôi có sách đọc. Năm 1969, nhân tìm thấy truyện Ông chủ, một tác phẩm hav về vấn đề nông dân của bác mà chưa ai nói tới, tôi viết một bài trên Tạp chí Văn học. Trước khi viết, tôi đem ra trao đổi, bác bảo "Tôi chỉ nhớ truyện ấy viết về địa chủ, còn truyện nó thế nào, tôi quên mất". Tôi kể lại truyện, bác lắng nghe. Khi bài đánh máy xong, tôi đưa lại xin bác góp ý kiến.

Sau đó, viết bài nào về sáng tác của bác, tôi cũng đưa đến để bác đọc, trước khi đăng báo. Có lần vui chuyện, bác nói: Trước kia, tôi rất ít đọc những bài phê bình, hoặc chỉ đọc một vài bài, vì họ viết giống nhau lắm! Sực nhớ ra, bác nói tiếp: À lại có những anh chỉ xào xáo ý kiến người khác, rồi viết lại bằng văn của mình Cổ chứ! Tôi còn cho rằng cách góp ý kiến tập thể bây giờ nhiều khi chưa "tập thể" tý nào đâu. Cứ từng người đọc, rồi góp ý theo chủ quan của mình, không đưa ra tập thể bàn bạc. Thành ra, nếu người viết thiếu bản lĩnh thì bài mình sẽ thành cái xe thồ, thồ ý kiến người khác.

Bác tròn mắt, vẻ làm mặt nghiêm trọng: Thế mới nguy chứ! Rồi bác cười rất to, thú vị. Ý kiến này bác viết trong Đời viết văn của tôi rồi, nhưng nghe bác nói lại, tôi vẫn thấy hay hay. Một lần, bác làm tôi giật thót người. Nét mặt bác nghiêm chỉnh, lại làm vẻ sợ sệt, bác nói: Nhiều lúc, tôi rất sợ mấy ông phê bình. Tôi chờ đợi. Bác yên lặng vài giây rồi giải thích: Các ông ấy chỉ đọc truyện của người ta một lần rồi cứ tán bừa đi, nên nhiều khi hiểu sai cả.

Tôi biết bác rất thẳng nên hỏi ngay: Bác có thấy cháu đọc truyện nào của bác như thế không ạ? Hiểu sai thì cũng có thể, nhưng không bao giờ đọc một lần, cháu đã dám viết. Bác cười: Tôi nói mấy ông phê bình ấy cơ mà! Thấy sách ra là vội viết để có bài ngay. Tất nhiên, không phải tất cả làm như thế. Tôi có bảo những người nghiên cứu đâu. Anh nghiên cứu nó phải đọc kỹ. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Bác còn nói thêm: Tuy nhiên, cả phê bình lẫn nghiên cứu, nhiều khi cũng tìm ra được những cái hay mà người sáng tác có khi không tự biết. Bởi có những cái nó bật ra từ trong tiềm thức, nhà văn cứ viết chứ không ý thức được sâu sắc vấn đề đó. Trước kia, ông Hoài Thanh nói thế, tôi bảo "vô lý", nhưng bây giờ xét ra thấy đúng.

Bác hay chú ý những chi tiết sai, nhất là những chi tiết buồn cười.

Bác nói: "Có một quyển sách lại viết là tôi sinh năm 1908, thì ra tôi mới có 12 tuổi đã viết sách được. Vô lý thế chứ!". Được gặp bác luôn, và hiểu bác hơn, tôi càng thấy viết về bác phải thận trọng. Bác không thuộc kiểu chỉ thích khen, thích tán dương. Bác nói rất thẳng, nhưng đối xử hòa nhã, không hề một chút kiêu kỳ, trịnh thượng, mặc dầu bác là một nhà văn lão thành, thế giới biết tiếng. Thực vậy, mỗi lần bác có sách ra, bác đều đem cho tôi. Khi viết xong cuốn Đời viết văn của tôi, bác cũng cho tôi đọc và bảo: "Có ý gì cứ góp". Khi Nhà xuất bản Văn học in hai tập Truyện ngắn chọn lọc năm 1973-1974, bác cũng trao đổi, bàn bạc với tôi để đưa thêm vào mấy truyện tốt. Có những truyện, hai bác cháu cùng vào Thư viện Quốc gia đọc và chọn lựa.

Thấy bác tính tình dễ dãi, lại hiểu rộng, biết nhiều, nhớ lâu và hay nói chuyện về văn học trước Cách mạng, nhiều cái đọc sách báo cũng không biết được, tôi hay đến thăm bác. Gặp bác, tôi học tập được nhiều, lại được biết cả một số tình hình trong "làng văn". Chẳng thế, khi nào sắp đi vắng, và đi trong bao lâu, bác cũng báo cho tôi biết. Cái lần dọn nhà đến khu Trung Tự, bác cũng gọi điện báo cho tôi biết ngay.

Bác nói: "Anh em nghiên cứu trẻ chịu khó, nhưng thiếu tài liệu cũ. Sống vào thời ấy, thì dễ hơn". Từ ý nghĩ ấy, bác thường giúp cho tôi bằng cách kể lại những sự kiện, những vấn đề, gợi lại không khí văn học cũ. Có lần, bác mượn hộ tập An Nam tạp chí năm 1931-1932 ở Thư viện Hội nhà văn. Bác còn đánh dấu những bài hay, nên đọc. Khi tôi trả lại, bác hỏi tôi có nhận xét gì khi đọc các lối văn thời đó. Rồi bác phân tích cho tôi hiểu thêm.

Tôi tranh thủ hỏi bác về hoàn cành viết của từng truyện dài, truyện ngắn và mục đích, tâm trạng bác gửi gắm trong đó. Bác kể cho tôi nghe rất kỹ. Bác nhấn mạnh những chi tiết, sự kiện mà bác biết chắc tôi không hiểu.

Ví như: Từ ngày Vi Văn Định làm Tổng đốc mới có chức quản lộ. Quản lộ giữ gìn đường xá trong làng, chỉ ở Hà Đông mới có. Đặt chức quản lộ, quản mục là thủ đoạn của bọn quan lại để ăn tiền những người ra làm chức ấy (nhân nói về hai truyện Công dụng của cái miệng, Người thứ ba). Hoặc viết Chuyện con mèo là để trêu chọc bọn học quan đứng đầu tỉnh mà bác làm giáo học phải ở dưới quyền, lại để tặng đích danh tên kiểm học Phạm Xuân Độ, V. V

Bác nói say sưa, tôi cũng nghe chăm chú.

Có hôm đến hết cả giờ làm việc, bác mới giật mình:  "À, chị phải về thổi cơm nhỉ?". Bác bảo: – Cứ nói chuyện thế này, tôi lại nhớ ra được nhiều cái hay đáo để. Tôi cứ đọc sách báo cũ có gì hay hoặc chưa hiểu cũng đem ra trao đổi với bác. Bác rất nhiệt tình giúp đỡ tôi. Tất cả 5 bài tôi viết về bác đăng trên Tạp chí Văn học, tôi đều nhờ bác đọc trước. Khi viết xong chuyên đề Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, tôi đưa ngay lại để bác đọc. Bác góp ý cẩn thận v.v… nhưng bác không hề sửa chữa một câu nào, một chữ nào thuộc về khen chê truyện của bác, thỉnh thoảng có phát biểu ý kiến về vấn đề này, bác cũng rất dè dặt, vì bác cho rằng: "Đây là suy nghĩ của người nghiên cứu".

Từ ngày tôi hay đến thăm, bác cũng trên 60 tuổi rồi, thế mà lần nào đến cũng thấy bác đọc hoặc viết, hoặc chữa, hoặc ghi chép… Bác viết truyện, hồi ký, viết báo, viết cho đài phát thanh, cộng tác viên của Viện Ngôn ngữ trong việc làm từ điển… thế mà truyện mới, báo mới, bác vẫn đọc đều. Bác mừng khi thấy anh chị em nào viết được cuốn sách hay. Bác chú ý nhất là các cây bút trẻ, các cây bút phụ nữ. Thấy ai có dấu hiệu chững lại là bác phàn nàn, băn khoăn, ai viết có sai sót thì bác tiếc. Xưa kia, bác rất sắc sảo trong việc phát hiện những cái xấu, những con người xấu của xã hội cũ, nhưng nầy thì bác lại thường nói: – Quái, sao anh em người ta kêu anh X quá, mà tôi nhìn ai thì chỉ nhìn thấy mặt tốt của người ta nhiều hơn.

Bác nói đến những người sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học bao giờ cũng thân ái, mến thương. Đối với bác Hoan, mọi việc cần rõ ràng, đúng ra đúng, sai ra sai. Thấy cái sai mà không nói, không sửa thì không chịu đuợc, bực bội trong lòng. Bác đã có những lần gửi thư cho Đài phát thanh góp ý về việc dùng một số chữ chưa chính xác, chẳng hạn, đài nói: "Đợt gió mùa Đông bắc bổ sung". Bác bảo: chữ "bổ sung" không được v.v… Bác nhờ tôi nhắn với Viện Ngôn ngữ là: dù làm xong Từ điển vẫn cần họp cộng tác viên lại để rút kinh nghiệm, vì còn những chữ sai hoặc giảng chưa rõ, như chữ "bánh vẽ", chẳng hạn. Bác bảo tôi mấy lần: Này, tôi không nói đùa đâu, người Việt nhưng vẫn cần phải học tiếng Việt. Khổ quá có người "hóc búa" thì cứ nói là "hắc búa".

Có lần bác bảo: Người ta cứ nói Thạch Lam là con vợ lẽ. Cần xem lại, vì bố Nhất Linh người Quảng Nam, làm việc ở Lào, như thế là nghèo, ông ta có lấy vợ lẽ được không? Sau ngày giải phóng miền Nam, được đọc một số tài liệu về Nhất Linh, tôi thấy điều bác nhớ và lập luận là đúng. Lần khác, đang nói chuyện, bác chợt nhớ ra: "À, trong quyển Đất làng, cô Tú "phong" cho nhân vật Liên là liệt sĩ là không đúng đâu đấy! Tôi đã đi hỏi kỹ rồi: "Liệt sĩ phải là người hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ chiến đấu cơ".

Không những trong văn chuơng, ngay trong cuộc sống, bác thấy gì sai cũng muốn sửa ngay, cải chính ngay.

Có lần, tôi kể với bác là tôi đi lao động xã hội chủ nghĩa ở công trường Thủ Lệ, thấv có nơi người ta thuê người đi lao động thay, bác liền hỏi ngay người ấy ở phố nào, khu nào. Tôi cảm thấy xấu hổ, vì không lưu tâm lắm chuyện ấy. Mỗi khi có chuyện gì, nhất là đi đâu về, bác thường kể cho tôi nghe. Nào chuvện đi Liên Xô, bất ngờ bác được trả tiền nhuận bút. Nhiều quá, bác chẳng biết tiêu gì cho hết, liền mời những anh em Việt Nam ở bên ấy, để biếu mỗi người một ít v.v… Nào đi miền Nam có nhiều chuyện lạ. Bác nói: Tôi ghét nhất có những anh vào Nam, thấy một số hàng của đế quốc thì cứ tối mắt lại, kêu ca phàn nàn về miền Bắc, không thấy ta nghèo, nhưng ta có quyền tự hào…

Bác hay vui đùa, nhưng tính rất cẩn thận, nghiêm túc. Mỗi lần tôi đến bao giờ bác cũng nhắc khóa xe. Bác bảo: "Như thế ngồi nói chuyện nó yên tâm". Bác đã hẹn giờ là phải rất đúng. Có lần, bác dặn tôi sáng hôm sau 9 rưỡi thì đến, tôi nghe không kỹ, thành ra bỏ mất cái đuôi "rưỡi" đi. Hôm sau đúng 9 giờ, tôi có mặt. Bác bảo ngay: Cứ không đúng giờ thế này thì nguy quá! Tôi đang còn làm nốt việc này. Chị ngồi chơi, chờ tôi một tý vậy.

Có những cái, bác cẩn thận hơi quá, nhưng rất đáng mến! Tôi nhớ, một hôm về cuối năm, trời rét, thế mà bác cũng đến, bảo là nhờ tôi một việc. Có gì đâu, Tạp chí Văn học mời họp cộng tác viên cuối năm. Giấy mời có đề nghị phát biểu ý kiến. Với người khác không đi, hoặc đi mà không phát biểu là thường. Nhưng với bác thì nó thế nào ấy, vì giấy mời đã ghi thế. Bác cười, bảo tôi: Chị nói hộ với tòa soạn là sáng mai tôi không đi họp. Sao bác không đi được ạ? Tôi hỏi bác tẩn mẩn như vậy vì rất ít khi bác vắng mặt trong các cuộc họp mà Viện đã mời.

Bác ngần ngừ, lúng túng: Cứ nói là buổi sáng tôi không có xe đạp, vì các cháu nó lấy xe đi học. Tôi bật cười: – Bác ơi! Lý do ấy cháu nghe không ổn rồi! Nghĩ đi nghĩ lại, bác bảo: Thôi, hay chị cứ nói hộ là tôi không đi họp vì… chẳng có lý do gì cả. Tôi ngại phát biểu ý kiến quá! Bác nói nhỏ và cười rồi vội vã về ngay. Cuộc đời bác đã trải biết bao sóng gió, gian nan, đau xót, nhưng bác đã chịu đựng, đã vươn lên, vượt lên, không ngừng, không mỏi.

Tất nhiên bác cũng được hưởng nhiều vinh dự, trong đó có vinh dự lớn nhất, mà rất hiếm nhà văn có được: Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng nhất cho bác vì "đã có nhiều công lao đóng góp cho nền văn học Việt Nam". Vui, bác cười, buồn, bác cũng cười. Ngay cả nhũng lúc đau yếu, bác vẫn lạc quan. Hôm vào bệnh viện đợt trước, hồi giữa tháng 5, bác sút đi 7 cân, da xanh (vốn da dẻ bác vẫn hồng hào), giọng nói thì run run và đang sốt, nhưng thấy tôi vào thăm, bác vẫn nói chuyện vui vẻ: chuyện bệnh tật, chuyện văn chương…

Bác nói: Tôi bị cái bệnh này (bệnh đi đái đường) cứ như anh bị "án treo". Bệnh tạm ngừng, rồi trở lại lúc nào không biết. Ăn uống cũng phiền phức lắm!
Bác Nguyễn Công Hoan ơi! Có phải vốn con người quen tự do, vùng vẫy, bác đã không chịu đựng được cái "án treo", đành lòng bỏ cả Hội nhà văn để về – nói theo danh từ của bác – Hội nhà… Văn Điển cùng với bác Tú Mỡ. Nhà thơ sẽ phải họa trả nợ bác bài thơ, mà trước kia, vì vội đi, chưa trả được. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, bác đã để lại cho đời hàng vạn trang sách đầy tâm huyết, đã để lại những dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm trí mọi người. Và cốt cách, tấm lòng, sự nghiệp sáng tác của bác vẫn sáng mãi trên những trang văn học sử Việt Nam.






0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉