Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan trong THƯ MỤC NHÀ XUẤT BẢN TÂN DÂN






Giai đoạn trước 1945 và nhất là từ khoảng 1930 đến 1945 được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là giai đoạn hoàng kim của văn học Việt Nam. Xét về thời gian chỉ hơn một thập kỷ nhưng xét về tốc độ phát triển thì văn học Việt Nam đã tiến xa hàng trăm năm để hòa vào quỹ đạo thế giới hiện đại.
[...]
Nhóm Tân Dân với Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu, Tao Đàn, Truyền bá và hai tủ sách Tủ sách Tao Đàn, Tủ sách Những tác phẩm hay hoạt động rất mạnh từ giữa thập niên 30 đến đầu những năm 40 của thế kỉ XX. Trên các tờ báo và tạp chí đó hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng đã ra đời và cũng là một mảnh đất tốt ươm tạo cho nhiều tài năng văn chương đương thời.
[...]
Vũ Đức Hoan -
GIỚI THIỆU VỀ BLOG NHÀ XUẤT BẢN TÂN DÂN,
Thứ Bảy, ngày 19 tháng 3 năm 2011,
Blog NXB Tân Dân http://nxbtandan.blogspot.com


(Trích) BẢNG TRA CỨU TÁC GIẢ - TÁC PHẨM NHÓM TÂN DÂN*

Vũ Đức Hoan


*Đây chưa phải là toàn bộ danh sách tác giả - tác phẩm nhóm Tân Dân
Vũ Đức Hoan 12:49 20 tháng 6, 2012
NXB Tân Dân: Đây chỉ là danh sách tạm thời. Do tư liệu bị tản mát và di sản của NXB Tân Dân để lại cũng rất lớn nên tôi chưa có điều kiện để thống kê một cách đầy đủ nhất. Bản danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm Blog NXB Tân Dân!
Một vài quy ước viết tắt:
TTTB = Tiểu thuyết thứ bảy,
TĐ = Tạp chí Tao Đàn, IH = Báo Ích Hữu,
TB = Báo Truyền Bá;
PTBNS = Phổ thông bán nguyệt san,
NTPH = Tủ sách những tác phẩm hay;
TSTĐ = Tủ sách Tao Đàn


(THEO BẢNG CHỮ CÁI ABC)
TÁC GIẢ 68 - Nguyễn Công Hoan


1. Godautre, truyện ngắn, TTTB, số 21, 23, 24, 26, 27 (1934)
2. Trái tim với khúc ruột, truyện ngắn, TTTB, số 23 (1934)
3. Dưới bóng mặt trời, truyện ngắn, TTTB, số 24 (1934)
4. Anh có vợ chưa, truyện ngắn, TTTB, số 25 (1934)
5. Bữa no đòn, truyện ngắn, TTTB, số 26 (1934)
6. Cho tròn bổn phận, truyện ngắn, TTTB, số 30 (1934)
7. Rửa thù, truyện ngắn, TTTB, số 32, 33, 34, 35, 37 (1935)
8. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay, truyện ngắn, TTTB, số 34 (1935)
9. Tôi mong Tết, truyện ngắn, TTTB, số 36 (1935)
10. Bốp! Bốp! Be he, truyện ngắn, TTTB, số 36 (1935)
11. Lá ngọc cành vàng, tiểu thuyết, TTTB số 38 (1935), PTBNS số 34 (1939)
12. Một bài tính đố, truyện ngắn, TTTB số 61 (1935)
13. Một cái chương trình quyết thực hành, truyện ngắn, số 61 (1935)
14. Bà chủ, tiểu thuyết, TTTB số 71, 72, 73, 74, 75, 76, 77 (1935)
15. Ông chủ, tiểu thuyết, TTTB số 53 (1935)
16. Nguội điện, truyện ngắn, TTTB số 72 (1935)
17. Nhân tài, truyện ngắn, TTTB số 73 (1935)
18. Truyện không tên, truyện ngắn, TTTB số 75 (1935)
19. Samandji, truyện ngắn, TTTB số 76 (1935)
20. Truyện “dầu – giấm”, truyện ngắn, số 78 (1935)
21. Cô giáo Minh, tiểu thuyết, TTTB, số 79, 80, 83, 84, 85, 86, 90, 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99, 100, 101 (1936)
22. Từ “Đoạn tuyệt” đến “Cô giáo Minh”, tranh luận văn học, TTTB, số 92 (1936
23. Từ Đoạn tuyệt đến Cô giáo Minh cùng ông Khái Hưng, tranh luận văn học, TTTB số 96 (1936), Ích Hữu số 4 (17/3/ 1936)
24. Cùng ông Khái Hưng, tranh luận văn học, TTTB số 96 (1936)
25. Lối trích văn của Phong Hóa, tranh luận văn học, TTTB số 97 (1936)
26. Nỗi lòng ai tỏ, truyện ngắn, TTTB, số 97 (1936)
27. Bơ vơ, tiểu thuyết, TTTB số 101, 102, 103, 104, 105... (1936)
28. Tôi trả lời các bạn làng văn, truyện ngắn, TTTB số 13 (1934)
29. Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ bảo, truyện ngắn, TTTB số 1 (1934)
30. Kép Tư Bền, tập truyện ngắn, TTTB 1/6/1935
31. Tắt lửa lòng, tiểu thuyết, PTBNS số 1 (1936)
32. Hai thằng khốn nạn, tập truyện ngắn, PTBNS số 5 (1937)
33. Tấm lòng vàng, tiểu thuyết, PTBNS số 8 (1937)
34. Đào kép mới, tập truyện ngắn, PTBNS số 13 (1937)
35. Tơ vương, tiểu thuyết, PTBNS số 18 (1938)
36. Bước đường cùng, tiểu thuyết, PTBNS số 23 (1938)
37. Sóng vũ môn, tập truyện ngắn, PTBNS số 26 (1938)
38. Người vợ lẽ bạn tôi, tập truyện ngắn, PTBNS số 48 (1939)
39. Những cảnh khốn nạn, tiểu thuyết (gồm 2 tập: tập 1 Tay trắng trắng tay, PTBNS số 55; tập 2 Chiếc nhẫn vàng, PTBNS số 58) năm 1940.
40. Ông chủ báo, tập truyện ngắn, PTBNS số 61 (1940)
41. Nợ nần, tiểu thuyết, PTBNS số 68 (1940)
42. Trên đường sự nghiệp, tiểu thuyết, 3 tập, PTBNS số 94, 95, 96 (1940)
43. Phần thưởng danh dự, tiểu thuyết, TB số 2 (1941)
44. Chuyện ma, TB số 5 (1941)
45. Nhà triệu phú thọt, TB số 13 (1942)
46. Ma biên, TB số 24 (1942)
47. Đứa con khôn ngoan, TB số 38 (1942)
48. Tấm lòng vàng I, II, kịch, TB số 51, 52 (1942)
49. Tôi mơ thấy bà, truyện ngắn, IH số 1 (1936)
50. Năm mới, truyện ngắn, IH số 50-51 (1937)
51. Chiếc quan tài II, truyện ngắn, TTTB số 180 (1937)
52. Tản Đà, họa sĩ, phê bình, Tao Đàn đặc biệt về Tản Đà
53. Ông Tản Đà đi bàn việc để tái bản An Nam tạp chí, phê bình, Tao Đàn đặc biệt về Tản Đà
54. Ông soát vé xe lửa vởi thi sĩ Tản Đà, phê bình, Tao Đàn đặc biệt về Tản Đà.
55. Thiền Hoa, truyện ngắn, TTTB số 269 (29/7/1939)
56. Giòi, truyện ngắn, TTTB số 187
57. Ngậm cười, truyện ngắn, TTTB số 188
58. Vẫn còn trịch thượng, truyện ngắn, TTTB số 199




THƯ MỤC NHÀ XUẤT BẢN TÂN DÂN


TIỂU THUYẾT THỨ BẢY
1. Kép Tư Bền, truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan (1er Juin 1935 - 150 p.)
2. Phi châu yên thủy sầu thành lục, Nguyễn-Đỗ-Mục dịch (1935 - 13 fasc. 215 p.)
3. Cô giáo Minh, truyện dài của Nguyễn-Công-Hoan (1936 - 219 p.)

PHỔ-THÔNG BÁN-NGUYỆT-SAN (1936-1945)

  1. Số 1. ...... Tắt lửa lòng của Nguyễn Công-Hoan (1er Décembre 1936 ; 0$25)
  2. Số 5. ...... Hai thằng khốn-nạn của Nguyễn Công-Hoan (1er Avril 1937 - 166 p. ? ; 0$25)
  3. Số 8. ...... Tấm lòng vàng, giáo-dục tiểu-thuyết của Nguyễn-Công-Hoan (1er Juillet 1937 - 136 p. ; 0$25)
  4. Số 13. ..... Đào kép mới của Nguyễn Công-Hoan (1er Décembre 1937 - 172 p. ; 0$25)
  5. Số 18. ..... Tơ-vương, tiểu-thuyết của Nguyễn-Công-Hoan (1er Mai 1938 ; 0$25)
  6. Số 23. ..... Bước đường cùng, tiểu-thuyết của Nguyễn-Công-Hoan (bị cấm) (Bìa trắng, 1er Octobre 1938 ; 0$25)
  7. Số 26. ..... Sóng vũ-môn của Nguyễn-Công-Hoan (1er Décembre 1938 ; 0$25)
  8. Số 34. ..... Lá ngọc cành vàng của Nguyễn Công-Hoan (1er Mai 1939 ; 0$25)
  9. Số 48. ..... Người vợ lẽ bạn tôi, tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (1er Décembre 1939 - 154 p. ; 0$25)
  10. Số 55. ..... Tay trắng, trắng tay, tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (16 Mars 1940 - 160 p. ; 0$25)
  11. Số 58. ..... Chiếc nhẫn vàng, tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (1er Mai 1940 - 160 p. ?)
  12. Số 61. ..... Ông chủ báo, tiểu-thuyết của Nguyễn Công Hoan (16 Juin 1940 - 152 p.)
  13. Số 68. ..... Nợ nần, tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (1er Octobre 1940 - 160 p. ? ; 0$30)
  14. Số 94. ..... Trên đường sự-nghiệp I. tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (1er Nobembre 1941 - 132 p. ; 0$30)
  15. Số 95. ..... Trên đường sự-nghiệp II. tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (16 Nobembre 1941 - p. 119-250 ; 0$30)
  16. Số 96. ..... Trên đường sự-nghiệp III. tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (1er Décembre 1941 - p. 233-352 ; 0$30)

TRUYỀN BÁ
  1. Số 2. ....... Phần thưởng danh dự, giáo-dục tiểu-thuyết của Nguyễn Công-Hoan (25-9-41)
  2. Số 5. ....... Chuyện ma của Nguyễn Công-Hoan (6-11-41 - 36 p. ; 0$10)
  3. Số 13. ..... Nhà triệu phú thọt của Nguyễn Công-Hoan (1-1-42 ; 0$10)
  4. Số 24. ..... Ma biên của Nguyễn Công-Hoan (26-3-42 ; 0$10)
  5. Số 38. ..... Đứa con đã khôn ngoan của Nguyễn Công-Hoan (2-7-42 - 30 p.)
  6. Số 51. ..... Tấm lòng vàng I. kịch của Ng. Công-Hoan (1er-10-42 - 30 p. ; 0$15)
  7. Số 52. ..... Tấm lòng vàng II. kịch của Ng. Công-Hoan (8-10-42 - 30 p. ; 0$15)



1934-Tiểu Thuyết Thứ Bảy
  1. No 21 (20-26 Oct. 34 - 38 p.) - Godautre của Nguyễn-Công-Hoan
  2. No 23 (3-9 Nov. 34 - 38 p.) - Godautre VIII của Nguyễn-Công-Hoan
  3. No 24 (10-16 Nov. 34 - 38 p.) - Dưới bóng mặt trời của Nguyễn-Công-Hoan
  4. No 25 (17-23 Nov. 34 - 38 p.) - Anh có vợ chưa ?, truyện ngắn của Nguyễn-Công-Hoan
  5. No 26 (24-40 Nov. 34 - 38 p.) - Bữa no... đòn của Nguyễn-Công-Hoan
  6. No 26 (24-40 Nov. 34 - 38 p.) - Godautre X của Nguyễn-Công-Hoan
  7. No 27 (1er Décembre 1934 - 42 p.) - Godautre XI của Nguyễn-Công-Hoan
  8. No 30 (22 Décembre 1934 - 42 p.) - Cho tròn bổn phận, truyện ngắn của Nguyễn-công-Hoan
  9. No 32 (5 Janvier 1935 - 42 p.) - Rửa thù của Nguyễn-công-Hoan
  10. No 33 (12 Janvier 1935 - 42 p.) - Rửa thù II của Nguyễn-công-Hoan
  11. No 34 (19 Janvier 1935 - 42 p.) - Đoạn-trường ai có qua cầu mới hay của Nguyễn-công-Hoan
  12. No 34 (19 Janvier 1935 - 42 p.) - Rửa thù III của Nguyễn-công-Hoan
  13. No 35 (26 Janvier 1935 - 42 p.) - Rửa thù IV của Nguyễn-công-Hoan
  14. No 36 (2 Février 1935 - 42 p.) - Tôi mong Tết của Nguyễn-công-Hoan
  15. No 36 (2 Février 1935 - 42 p.) - Bốp! Bốp! Be-he!..., truyện vui của Nguyễn-công-Hoan
  16. No 37 (9 Février 1935 - 42 p.) - Rửa thù V (hết) của Nguyễn-công-Hoan
  17. No 38 (16 Février 1935 - 42 p.) - Lá ngọc cành vàng của Nguyễn-công-Hoan
  18. No 61 (27 Juillet 1935 - 42 p.) - Một bài tính đố của Nguyễn-công-Hoan
  19. No 71 (5 Oct. 1935 - 42 p.) - Bà chủ, xã-hội tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  20. No 72 (12 Oct. 1935 - 42 p.) - Nguội điện của Nguyễn-công-Hoan
  21. No 73 (19 Oct. 1935 - 42 p.) - Nhân-tài, truyện ngắn của Nguyễn-công-Hoan
  22. No 73 (19 Oct. 1935 - 42 p.) - Bà chủ, xã-hội tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  23. No 74 (26 Oct. 1935 - 42 p.) - Bà chủ, xã-hội tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  24. No 75 (2 Nov. 1935 - 42 p.) - Truyện không tên của Nguyễn-công-Hoan
  25. No 75 (2 Nov. 1935 - 42 p.) - Bà chủ, xã-hội tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  26. No 76 (9 Nov. 1935 - 42 p.) - Samandji của Nguyễn-công-Hoan
  27. No 76 (9 Nov. 1935 - 42 p.) - Bà chủ, xã-hội tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  28. No 77 (16 Nov. 1935 - 42 p.) - Bà chủ, xã-hội tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  29. No 78 (23 Nov. 1935 - 42 p.) - Truyện « dầu giấm » của Nguyễn-công-Hoan
  30. No 79 (30 Nov. 1935 - 42 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  31. No 80 (7 Déc. 1935 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  32. No 83 (28 Déc. 1935 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  33. No 84 (4 Janv. 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  34. No 85 (11 Janv. 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  35. No 86 (18 Janv. 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  36. No 90 (15 Février 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  37. No 92 (29 Février 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  38. No 93 (7 Mars 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  39. No 94 (14 Mars 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  40. No 95 (14 Mars 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  41. No 96 (28 Mars 1936 - 48 p.) - Cô giáo-Minh, xã-hội trường-thiên tiểu-thuyết của Nguyễn-công-Hoan
  42. No 96 (28 Mars 1936 - 48 p.) - Cùng ông Khái-Hưng của Nguyễn-công-Hoan

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Hai bữa cỗ



Minh họa: QUYNH HOA RADIO

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Quỳnh Hoa 2. Cô Vân 3. Chiến Hữu Audio

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
3 kênh 3 video



Mời đọc Bản đánh máy

Hai bữa cỗ


Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Tôi có một ông bạn. Ông ấy có hai vợ. Hai bà, mỗi bà một vẻ. Bà Cả thì già, gầy, và do thế, trông như móm. Bà Hai thì trẻ, béo, và do thế, còn bền xuân tình. Song bà Cả có con trai. Bà Hai, tuy chẳng đẻ đái gì, nhưng được cái giầu. Bên hợm con, bên hợm của, cũng như bên tám lạng, bên nửa cân, nên cả hai bà cùng được ông coi ngang nhau, không hơn không kém. Chứ làm thế nào? Yêu bà Hai quá, ông sợ bà Cả bỏ, mất cả người nối dõi tông đường. Nể bà Cả quá, ông sợ bà Hai đi, mất cả mấy chiếc nhà gạch. Mà biết đâu, nếu không đến nỗi thế, tất ông bị cắm sừng một cách lặng lẽ lên đầu.

Song, may cho ông hai bà cùng biết điều, và cùng muốn giữ giá cho ông. Ông làm Tham tá. Thì quan Tham ở tỉnh nhỏ, cũng to lắm, chứ vừa à. Cho nên hai bà không để ông tai tiếng là có hai vợ ghen nhau bao giờ. Cái đó cũng do hai bà ở riêng hai nhà, ít khi gặp nhau. Mà ông thì mỗi bữa ăn với một bà. Buổi sáng, ông sum họp với bà Cả. Buổi chiều, ông thù tạc với bà Hai. Thế là ông khôn khéo lắm, vì cơm xong, ông ngủ ngay đấy.

Bà cả biết mình sức vóc và tuổi tác đáng phải về hưu, nên cũng ngơ chỗ sơ khoáng chức vụ ấy đi cho ông.

Sở dĩ tôi kể lể rềnh rang ra như vậy, vì có một hôm, chúng tôi, tức là bạn ông Tham, ở vào một trường hợp rất khó xử.

Hôm ấy là ngày giỗ cụ ông sinh ra ông Tham.

Hai ngày trước, chúng tôi nhận giấy mời đến ăn cỗ. Mà cả hai bà cùng muốn làm "khổ chủ", vì cả hai bà cùng mời. Bà Cả buổi sáng, bà Hai buổi chiều.

Chúng tôi không biết nên nhận lời bà nào, từ chối bà nào. Thì may quá, lúc anh em đương bàn tính băn khoăn bỗng ông Tham đến chơi. Sau một vài câu chuyện lơ mơ, ông vào đầu đề chúng tôi mới hiểu mục đích ông là đi vận động tất cả mọi người nên vì lạc thú gia đình ông, mà dự cả hai bữa cỗ.

*
*     *

Mười một giờ trưa hôm ấy, chúng tôi kéo nhau đến nhà bà Cả.

Thực là một sự hân hạnh lớn cho bà. Bà cảm động suýt ứa nước mắt. Bà vồn vã, chạy ra đón chào, và gióng giả đầy tớ ra hầu hạ. Bà làm như người chị, săn sóc đến từng em một.

- Lạnh lắm nhỉ. Các bác để tôi bảo nó đốt lò sưởi nhé. Tôi bận tíu tít từ sáng, ở dưới bếp, nên không biết cả rét.

Rồi bà nói chuyện nhà, chuyện cửa, khoe những việc đại lượng với đầy tớ, việc đầy đặn với bạn hữu.

- Ấy thế mà, bà nói, nhà tôi vô tâm lắm, các bác ạ. Các bác xem, nhà tôi có trông nom gì đến gia đình đâu. Thôi bao nhiêu công việc nặng nề, nhà tôi phó mặc cả cho tôi. Giá tôi như người khác, dễ lắm lúc đến uất lên mà chết mất.

Chúng tôi an ủi:

- Vâng, đàn ông chúng tôi thật đoảng. Ai có hạnh phúc được bà nội trợ đảm đang như ông Tham nhà thực là sung sướng.

Ý chừng bà hề hả, nên tiếp:

- Đấy, rồi các bác xem. Các bác sơi cơm với tôi bữa này, để so sánh với bữa chiều xem sao. Tôi chắc rằng một trời một vực.

Rồi giọng mát mẻ, bà nói:

- Cái sang, hẳn đằng ấy sang hơn, vì họ lắm tiền, mượn được bếp tây, bếp khách. Nhưng tôi chẳng biết ngon lành sạch sẽ thì ở đâu hơn.

Chúng tôi bấm nhau, rồi một người đáp:

- Vâng, cái đó cố nhiên, chúng tôi nhận lời bà Hai chẳng qua là nể ông Tham nhà.

Bà cười sung sướng:

- Tôi đoán có sai đâu!

- Bao giờ chúng tôi coi bà Hai như bà được.

- Ồ, cái trò vợ lẽ con thêm ấy mà.

Cơm bưng lên. Thật là thịnh soạn. Không một món nào cao quý mà ở mâm ấy thiếu.

Bà Cả bắc ghế ngồi cạnh, rót rượu ra cốc rồi mời chúng tôi ăn từng món và khoe:

- Mực này đúng là mực Bắc Hải đây ạ. Chả ngày ấy nhà tôi có làm ơn cho một người khách, người ấy mới tạ thứ mực này chứ mua ở hiệu, có khi ta bị mực giả. Mời các bác nếm bát long tu xem.

Bà lấy thìa xúc tiếp từng người. Chúng tôi tấm tắc khen:

- Vâng, quả ngon quá. Đồ ăn quý mà người nấu xoàng cũng mất giá trị.

Bà cười:

- Thế các bác cứ thích lấy vợ đẹp đi. Đẹp người mà không đẹp nết, đẹp người mà không khéo léo chân tay, thì đẹp làm gì. Cô Hai nó nhà tôi chả đẹp đáo để à!

Rồi bà thở dài:

- Đẹp! Ngần ấy tuổi đầu còn đòi cạo răng. Sao mà không biết dơ. Các bác tính giầu tiền giầu của làm quái gì. Có của mà chẳng có con thì của để cho ai. Giầu mà kiệt, mà ăn ở không biết điều, thì giầu làm gì?

- Vâng, chính thế.

- Hạng ấy họ hợm lắm đấy, các bác ạ. Rồi chiều hôm nay các bác mới rõ cái rởm. Tôi ngồi nói với hắn chỉ độ năm phút là thấy bực mình rồi.

- Vâng, cả tỉnh này ai không phục bà.

- Thế thì người đời cũng có tinh mắt lắm chứ. Tôi sống ở đời mà không có đời biết cho thì tôi sống làm gì. Những lúc nguồn cơn chồng con thì nghĩ uất chết đi được.

- Thưa bà, bao giờ trời cũng có mắt, không phụ con người tử tế đâu.

- Có các bác đến chơi nói chuyện ngày hôm nay, tôi thật hả lòng.

Rồi từ đó đến lúc chúng tôi ra về, bà Cả còn nói bao nhiêu chuyện nữa. Mà những câu đáp của chúng tôi chỉ vun vào có một mục đích, là làm cho bà bằng lòng, bởi vì bà là chủ cái mâm cơm ngon lành chúng tôi đương quét sạch sành sanh.

*
*     *

Đến chiều, chúng tôi đến đằng bà Hai.

Chúng tôi lại được tiếp không kém vẻ long trọng:

- Các bác sơi bữa cơm này để so sánh xem bữa nào đáng tiền.

- Vâng, chúng tôi nể bà Cả quá mới gượng nhận lời, thật ra chúng tôi vẫn để bụng ăn bữa này.

Bà Hai cười ha hả:

- Có thế chứ. Tôi đoán có sai đâu. Hắn thì tiền đâu mà làm được cỗ cho nên hồn. Chả bõ mời lại để khách cười cho thối óc!

Bà sai đầy tớ bưng mâm, và mở thứ rượu nho thượng hảo hạng. Mùi đồ nấu đồ xào thơm tho sông lên, làm chúng tôi chảy nước rãi.

- Những món ăn tàu này là tay người bếp tầu làm đây. Hẳn các bác lấy làm khó chịu, vì bát bóng toàn bóng chứ không có tí độn nào đấy nhỉ.

- Thưa thế mới đúng lối ăn tầu.

- Nhưng món bóng ban sáng có nhiều độn chắc ngon hơn.

- Ngon sao được bằng thế này.

Bà hể hả cười, cái cười đắc thắng, rồi tiếp:

- Tôi tính nhiều tiền nhiều của lắm lúc cũng sướng. Thôi tha hồ, muốn sao được vậy. Muốn mời khách ăn cho trân trọng, mà hà tiện đồng tiền thì sao được miếng ngon.

- Vâng.

- Tôi đã bảo hắn, đừng dở dói ra mời mọc. Hắn có nghe đâu. Đấy, hẳn các bác đã thấy rõ bữa nào đáng ăn bữa nào không đáng ăn rồi.

- Vâng, chẳng phải nhìn thấy hai bữa cỗ, chúng tôi mới rõ.

- Mà xưa nay hắn có giao thiệp với ai. Giá các bác không nể nhà tôi, chắc các bác chả nhận lời hắn đâu nhỉ.

- Vâng, chính thế, chúng tôi nể ông Tham nhà quá.

- Người ta ở đời cần phải nhã nhặn, chứ cứ cậy là bà Tham Cả, thì bà Tham Cả đã giết được ai? Tôi chẳng cả với lẽ gì. Người nào cũng là bà Tham, chứ ai kém ai. May được nhà tôi khéo sử, chứ ngữ ấy thì ai nể. Lúc nào cũng khoằm khoặm cái mặt.

- Vâng.

- Mà chẳng biết đối với đứa ăn đứa ở thế nào để chúng nó kêu tệ.

- Vâng quyết rằng thế.

- Cứ lấy nê có con với nhà tôi. Các bác tính tôi còn trẻ, còn đẻ chán.

- Vâng, có người mãi mới đẻ, mà lúc đẻ thì sòn sòn năm một.

- Nhiều người thế chứ.

- Vâng.

Cũng như buổi sáng, chúng tôi phải đóng vai nịnh thần thủ động để lấy lòng người mời mình ăn. Mà bà Hai thì mỗi lúc lại tin và quý chúng tôi hơn. Đến nỗi bà nói:

- Trước tôi cứ tưởng các bác theo thói cổ, trọng cả khinh lẽ, giờ mới hiểu rằng các bác thực biết người.

- Vâng.

- Ấy, ở đời, chỉ hả hê được có lúc người đời biết cho mà thôi. Chứ cứ những nỗi chồng bạc bẽo, tôi tưởng muốn chết quách đi cho rồi.

Câu chuyện cứ một điệu như thế, kéo cho đến lúc chúng tôi buồn ngủ. Mà khi chúng tôi cáo từ, bà Hai còn nằng nặc mời ở lại và phàn nàn thì giờ chạy quá nhanh.

Nhưng khi ra khỏi nhà, chúng tôi thấy hình như thoát nạn, và cầu trời cho ông bạn tham biện chúng tôi đừng tham nữa mà lấy đến cô vợ thứ ba.


Nguyễn Công Hoan

Đăng trên Tiểu Thuyết thứ bảy, số 292, ngày 6 tháng 1 năm 1940.



Mời đọc Bản chụp dạng ảnh

Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 292, 6 Tháng Một 1940

Vừa láo vừa bướng



Minh họa: Tiểu Thuyết Thứ Bảy

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân 2. Chiến Hữu

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
2 Kênh 2 Video

Mời đọc Bản đánh máy

Vừa láo vừa bướng


Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Tôi đến trường, thấy các bạn đồng nghiệp đã gần đông đủ cả. Sáng nay, hình như có việc gì quan trọng đương bàn tán thì phải. Các ông giáo súm quanh ông hiệu trưởng. Ông này thì có vẻ băn khoăn.

Tôi vội rảo bước tới, và thoạt nghe, tôi hiểu ngay là câu chuyện hôm nọ, câu chuyện nộp đơn thi sơ học Pháp-Việt. Độ ấy đã gần hết tháng Avril. Ông Sinh, giậy lớp nhất, quả quyết với ông hiệu trưởng:

- Đích là nó không đỗ sơ học yếu lược. Từ năm kia, ta đã sơ ý cho nó lên lớp nhì. 

Ông Mạnh, giậy lớp nhì năm thứ nhất, cau mặt, chống chế:

- Việc đó, tôi biết đâu. Tôi thấy hôm khai trường, ông Thận dẫn học trò được lên lớp vào buồng tôi, tôi yên chí chúng nó đỗ cả.

Ông hiệu trưởng cau mặt:

- Đành vậy, nhưng rồi khi phát bằng, ông cũng nên soát lại cẩn thận xem có đứa nào thiếu giấy má gì không. Nhưng lỗi đó ở ông Thận hơn, vì giậy lớp ba, ông phải biết học trò thi sơ học, đứa nào đỗ, đứa nào trượt.

Ông Mạnh nhìn ông Thận:

- Kìa, ông trả lời đi!

Ông Thận cười, lên tiếng:

- Học trò thi đỗ hay không, cái đó thầy giáo không thể lấy gì làm chứng để biết đích sác. Vì mãi tận gần tết nó mới được lĩnh bằng. Vả lại kỳ thi, tôi không được dự, mà tờ yết tên thí sinh trúng tuyển dán trên bảng độ mươi phút là bị có người bóc đi ngay. Cho nên hôm sau vào lớp, tôi hỏi học trò, ai đỗ ai hỏng, thì tin ở miệng chúng nó mà thôi. Thằng Vũ nhận là đỗ, thì tôi yên chí là nó đỗ.

Ông hiệu trưởng quay lại ông Sinh:

- Thế hôm qua nó nói với ông là có đỗ mà không có bằng?

- Vâng.

Ông Mạnh sua tay:

- Vô lý. Nó nói dối. Tôi nghe bạn nó kháo nhau hình như nó không đỗ đâu.

Ông hiệu trưởng gật đầu:

- Được, tôi đã nhờ ông thư ký truy trong sổ thi năm ấy. Ông Thận tặc lưỡi:

- Nếu nó không đỗ sơ học yếu lược, tội nó đáng phải đuổi.

Ông Sinh cười:

- Giữ nó lại ở trường làm gì. Không có bằng ấy, thì về sau nó thi cử gì được nữa.

- Nhưng cứ đuổi và chua vào học bạ cớ nó phải đuổi, để trường khác đừng nhận thằng học trò dối trá ấy.

Ông hiệu trưởng quay lại:

- Thằng Vũ này học hành và hạnh kiểm ra thế nào?

Ông Sinh gật gù:

- Kể nó vào hạng trung bình, nhưng dễ thường nó cũng hay dối dá thật.

Ông Thận thêm vào:

- Ồ, thằng ấy láu ra mặt, phải đuổi là đáng đời.

Vừa lúc ấy, ông Thìn thư ký kiểm học đi vội vàng từ buồng giấy tới;

- Tôi tìm lại rồi, vẫn không thấy tên nó.

Ông hiệu trưởng gặng:

- Hay nó đỗ năm trước?

- Nếu nó đỗ năm trước thì nó phải lên lớp nhì năm trước chứ! Tôi giở cả sổ sách mấy năm, chẳng thấy đứa nào tên là Vũ cả.

Ông hiệu trưởng châm thuốc lá hỏi ông Mạnh:

- Ông vừa bảo bạn nó nói là nó thi không đỗ.

- Vâng.

Ông Sinh bực mình:

- Thế thì thằng ấy láo thật.

Ông hiệu trưởng quay lại ông thư ký:

- Nhờ ông xem kỹ lại, hoặc nó không đỗ ở hội đồng thi đây, nhưng đỗ ở nơi khác chăng

- Tôi tìm cẩn thận lắm rồi. Tôi lục các sổ sách ngay từ tuần lễ trước, khi ông Sinh dục học trò lấy đủ giấy má, thì thằng Vũ đã đến hỏi tôi. Tôi lại tìm khắp cả các hội đồng thi trong tỉnh, và rất kỹ. Mà hôm nay tra lại nữa là lần thứ hai.

Ông hiệu trưởng ra ý nghĩ ngợi;

- Việc này cũng lỗi ở ta, vì ta sơ xuất mà nhận vào trường một đứa không đỗ đã ba năm nay mà ta không biết...

Ông Sinh ngắt lời:

- Nhưng ta cho nó học nữa cũng vô ích. Tôi tưởng đuổi nó là phải, vì nó đáng tội.

- Đành vậy, song ta đuổi nó vì tội gì?

- Tội nó nói dối.

- Nếu nó nói dối, sao bây giờ ta mới biết. Vậy lỗi cả ở ta. Lỡ đến tai nha học chính, lúc ấy ta trả lời thế nào cho trôi được.

Ông Quang từ nãy vẫn đứng yên, mới cau mặt, và ra giáng thành thạo, lầu nhầu:

- Làm hiệu trưởng mà tống cổ một thằng học trò nhép cũng phải đắn đo. Nó là kẻ dưới, khép nó tội gì không được! Tôi tưởng ông cứ biên phăng vào học bạ nó là lười và hạnh kiểm xấu!

Ông hiệu trưởng nhìn ông Sinh để hỏi ý, ông này lắc đầu:

- Nhưng bài ngày thường và bài thi nó khá. Nó lại không bị phạt về hạnh kiểm bao giờ.

- Ồ cứ biên là lười và hư thì đã làm sao! Ai biết đâu! Dễ nó dám đi kiện hắn.

.............................................................

Ông hiệu trưởng trầm ngâm, rồi dặn:

- Ông Sinh ạ, chốc nữa ông giảng cho nó tin là nó có tội vì không có bằng mà dám lên lớp. Như vậy, để nó chịu là nó đáng phải đuổi. Song ông bảo rằng nhà trường nhân nhượng, không muốn ghi cớ xấu ấy vào học bạ mà đuổi nó để nó sẽ bị hại suốt đời. Nên ông khuyên nó xin thôi học. Như thế nó sẽ được êm thấm hơn.

Ông Sinh cười ha hả:

- Kế ấy thật hay, êm thấm cả cho nhà trường nữa.

Mọi người cười ồ, hình như được nhẹ nhõm, vì vừa giải quyết xong một vấn đề khó khăn.

*
*      *

Nhưng hôm ấy, Vũ không đi học. Nó viết giấy cho thầy giáo, xin phép nghỉ ba ngày để lên Hà Nội, hỏi cha mẹ xem có cất bằng của nó không.

Thế là việc bài trừ một tên học trò gian dảo đành phải chờ hôm khác.

Ông Quang vẫn cương quyết:

- Cứ tống cổ phăng nó đi là xong! Có từ đây lên Hà Nội nó cũng xin phép ba ngày. Nó chả lười là gì. Ông Sinh bênh học trò, mà ông hiệu trưởng quá nhu nhược! Phải tay tôi, tôi không cần bàn tán lôi thôi.

*
*      *

Ba hôm sau, ông Sinh mách ông hiệu trưởng:

- Ông ạ, sáng nay thằng Vũ có đến trường, nhưng vì thấy bạn bè nó mách rằng sẽ phải đuổi, nên nó không dám vào lớp.

Ông Quang đắc chí:

- Thế thì đuổi nó về tội nghỉ không xin phép.

- Nó lại có xin phép để đi nhà thương và thầy thuốc biên là sốt.

Ông Quang bĩu môi, lắc đầu:

- Thằng này chí trá thật, suy những việc này thì biết quả nó có tội, nên nó sợ. Oắt con mà đã cáo già rồi!

*
*      *

Sáng hôm sau, ông hiệu trưởng vò đầu vò tai phàn nàn với chúng tôi:

- Vừa có giấy nha học chính hỏi về việc bằng thằng Vũ.

Nói đoạn, ông đưa bức thư đánh máy cho mọi người, rồi nói:

- Khó nghĩ quá, nó cứ quả quyết là có đỗ, và chưa được bằng:

Ông Quang trợn mắt:

- Thằng Vũ dám lên tận học chính? Ranh con gớm thật!

Ông Thận lắc đầu:

- Không, đây chắc là thầy nó.

........................................................

Ông hiệu trưởng tặc lưỡi:

- Nếu nó không đỗ thật thì nha học chính chỉ biết đổ lỗi cho mình chứ biết đâu đến nó.

Ông Sinh bàn:

- Hay là nhờ ông Thìn tìm kỹ lại lần nữa xem. Nó quả quyết rằng đỗ, và cha nó dám làm đơn nói là nó đỗ, thì ngộ ông Thìn sơ ý không viết bằng cho nó chăng.

- Ông Thìn tìm hai lượt rồi mà.

- Đành vậy, nhưng vì có giấy này, thì nhờ ông ấy lục soát kỹ lại nữa, rồi ta sẽ kiếm cách trả lời sau.

*
*      *

Giờ ra chơi hôm ấy, ông Thìn đi nhanh như chạy, từ buồng giấy đến trường. Thấy mặt ông hớn hở, chúng tôi biết ngay là có một tin gì mừng. Ông nhoẻn miệng cười bằng cái cười hơi nhạt:

- Nó có đỗ, nó có đỗ thực. Tờ danh sách biên tên nó không biết ai xếp lẫn trong tập biên bản, nên hai lần tôi không tìm ra.

Ông hiệu trưởng vui sướng:

- Ồ! Thế chứ lị!

*
*      *

Nếu câu chuyện mất bằng này có đến đây là hết, thì nó không đáng kể. Nhưng vì nó đã làm sôi nổi không khí nhà trường trong ngót một tuần lễ, nên rồi chúng tôi bàn đi tán lại, định đổ lỗi cho Vũ đã đánh mất bằng. Ông Quang, ông Sinh ông Thận, ông Thìn tức lắm. Nhất là ông Quang. Ông bảo ông Sinh gọi ngay "thẳng oắt con mà đã cáo già" ấy đến để ông xem mặt. Ông hỏi Vũ vài câu về chuyện dám viết lên nha học chính, rồi trừng mắt:

- Mày không biết sợ ai cả!

Ông Thận nhíu lông mi:

- Như vậy, mày hỗn láo lắm!

Ông Sinh hầm hầm, trỏ tay:

- Mày đi học mà dám bướng bỉnh!

Ông Quang sỉ vả:

- Mày vừa láo vừa bướng, liệu hồn!

Rồi ai nấy mỗi người một câu, xâu xúm lại thằng "ranh con", riếc móc mãi nó là láo và bướng.

Vũ cúi mặt, không dám đáp. Nó rơm rớm nước mắt:

Có lẽ nó không hiểu làm thế nào để vừa khỏi mang tiếng là bướng và láo, vừa khỏi thất học, tai hại một đời.





Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 289, 16 Tháng Mười Hai 1939

Cái nạn ô-tô (3)



Minh họa: Tiểu thuyết thứ bảy

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. L&H

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
1 kênh 1 video


Mời đọc Bản đánh máy

Cái nạn ô-tô (3)

Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Người bán vé xếp cho tôi một chỗ ngồi ở dãy ghế thứ hai, cạnh một bà. Tôi ngần ngừ, mãi mới nhận cái hân hạnh ấy. Làm thế nào được. Hàng trên và hàng dưới, ghế nào cũng chẵn bốn người. Mà mỗi hàng ghế trong xe ô-tô đã ấn định là bốn chỗ. Chẳng phải tôi cuồng dại, không ưa ngồi cạnh đàn bà. Song, vì đi xe ô-tô hàng lâu năm, nên tôi thấy rằng có khi ngồi cạnh đàn bà là một sự gỡ gạc, mà cũng có khi ngồi cạnh đàn bà là một cái nạn.

Bà láng giềng tôi ước ngoài bốn mươi. Cái tuổi ấy là cái tuổi bị thải. Gia dĩ bà lại béo. Cả người bà là một đống thịt có thể làm bẹp những díp bánh xe cứng nhất. Bà phóm phém nhai trầu, thỉnh thoảng đặt hộp bạc xuống đệm, chống tay, thò đầu qua mặt tôi để ghé miệng ra ngoài, nhổ toẹt một bãi đỏ ngòm vào đường nhựa. Luôn luôn bà dục xe chạy, vì nhất định bà bảo là đến giờ rồi.

Bỗng một chiếc xe cao su ở đằng xa chạy lại, đặt khách xuống cạnh ô-tô.

Một bà ra giáng vội vàng, đến gần người bán vé, nhờ xếp cho một chỗ.

Người làm xe chối từ, song, vì bà khách chỉ đi có một quãng gần, lại chịu trả tiền suốt chuyến nên được chở.

Người bán vé nhìn vào trong xe, lấy nghĩa chữ đồng bào nói ngọt với khách dãy ghế tôi để bà mới đến nhờ tạm một chỗ.

Thế là tôi ngồi giữa, hai bà hai bên. Mà bà mới lên này trông chừng cũng không thể cho ai gỡ gạc tiền vé được.

Xe chạy.

Lúc bấy giờ vào khoảng giữa trưa. Hành khách đi ô-tô ca toàn hạng phong lưu, nên ai cũng nhớ giấc ngủ sau bữa cơm vừa làm nặng dạ dày.

Xe bon chạy, nhẹ như bay. Tiếng nói thưa dần. Nhiều người đã gật gù ngủ. Tôi mơ màng, thiu thiu buồn...

Bỗng một tiếng nói ở cạnh tai làm tôi sực tỉnh:

- Quái, tôi trông bà quen lắm, hình như tôi đã gặp bà năm ngoái trong nhà quan phủ Tảo.

Bà ngồi bên trái tôi nói thế, thì bà ngồi bên phải đáp:

- Vâng, tôi cũng ngợ quá, mà không dám hỏi. Thưa bà, có phải hồi năm ngoái bà về chơi quan phủ, đi xe với cụ Thượng Trần không ạ?

- Vâng.

- Ồ, bẩm thế, kìa bà lớn!

- Thế tôi ngồi gần bà lớn mà không biết.

Hai chuỗi cười mừng nhau thực giòn và thực to chui vào tai tôi như muốn xé màng trống.

Mấy người ngồi ghế trước đỏ ngầu mắt quay lại nhìn. Nhưng hai bà vẫn vui vẻ, nói rất to để trò chuyện:

- Bẩm thế quan lớn nhà vẫn ở Hà Nam?

- Vâng, cảm ơn bà lớn, nhà tôi vẫn ở Hà Nam. Bẩm còn quan lớn nhà?

Bà này chép miệng, lắc đầu: 

- Cuối năm vừa rồi trượt cái bố chánh, tức cả mình. Nhà nước không công bình ra sao, chứ nhà tôi, làm việc quan thực là cần mẫn, đê điều thì vững, cướp trộm thì không, sân vận động cũng có, mà rất năng đi lại các quan trên, thế mà không biết vì lẽ gì lại không được thăng. Thế quan lớn nhà thăng bao giờ ạ?

- Thưa bà lớn, nhà tôi mới được thăng kỳ xuân thủ năm kia.

- Ồ, quý hóa nhỉ. Mời bà lớn xơi trầu.

Hai bà im một lát, rồi bà bên trái lại cất giọng the thé:

- Bẩm bà lớn đi đâu thế ạ?

- Thưa tôi mới xuống chơi với cậu chánh án nó, chả là cậu cháu sắp cho cháu cả nó đi Tây học mà. Cậu cháu cứ giữ mãi, nhưng tôi nóng ruột quá. Bây giờ về thăm chú huyện cháu, rồi lên thăm bà Bố Tín trên Hà Nội. Thế bà lớn đi đâu?

- À, chả anh phủ tôi yếu, tôi lên thăm.

- Bây giờ quan phủ đã vô sự chưa ạ?

- Cảm ơn bà lớn, cũng đã ăn được.

- À, quan phủ nhà dễ là rể cụ Thiếu Nguyễn đấy nhỉ.

- Vâng, chị chúng tôi là con gái thứ hai cụ Thiếu.

- Bẩm thế cụ Thiếu được mấy các ông các bà ạ? 

- Thưa bà lớn dễ nhiều lắm; tôi chỉ nhớ chị phủ tôi là bà Thương Minh, rồi em chị tôi vừa mới lấy ông huyện Toán năm ngoái.

- Bẩm thế các ông con giai của cụ chưa ông nào ra làm quan ạ?

- Có, cậu con cả mới đỗ cử nhân luật, cũng sắp thi tri huyện.

- Ồ, hạng ấy thì thi thế nào mà chả đỗ.

- Bẩm vâng. À, bà phủ Tảo có phải là em quan Tuần Bích không nhỉ.

- Vâng. Là em con nhà chú. Chứ anh ruột bà phủ làm có tri huyện, nhưng mất sớm.

- Hoài của! Thế quan huyện có con giai không ạ?

- Có ạ, có một đứa, sắp sửa làm rể quan Bố Sửu.

- Ồ, tôi nghe nói quan bố Sửu vừa bán cái ô-tô, phải không ạ?

- Vâng, ngài bán để ngài mua chiếc mới.

- Xe nhà tôi cũng vậy, nhà tôi cũng mới để lại cho quan kiểm học, độ hai hôm nữa mới lấy xe của quan Chánh Án về, nên bây giờ tôi phải đi xe hàng.

- Thế xe nhà tôi thì tài xế nó đau mắt.

- Thật là một dịp may, tôi được gặp bà lớn.

- Bẩm thế cụ lớn nhà lâu nay vẫn mạnh.

- Cảm ơn bà lớn, cụ nhà tôi vẫn như thường, thỉnh thoảng đổi thời tiết thì hơi khó ở, nhưng cũng qua loa thôi.

- Cụ tôi cũng thế. Các cụ già rồi.

- Nhưng cụ lớn nhà còn mạnh hơn cụ tôi nhiều. Cứ kể vào tuổi các cụ, thì cụ nhà hơn nhất, chứ cụ Thiếu Đồng Xuân, cụ Hiệp Mễ, cụ Án Bắc Xa, cụ thì lòa, cụ thì móm, chả cụ nào được toàn vẹn.

- Ồ, cụ tôi được tẩm bổ nhiều, chứ cứ trận yếu năm kia, chúng tôi đã tưởng nguy. Quan Tuần Dương đến thăm đã phải lắc đầu.

- À, quan Tuần Dương thật là sung sướng đủ điều. Các ông em, ông nào cũng làm quan, nay cô con gái đầu lòng lại sắp lấy kế quan huyện Thạch.

- Vâng, tôi nghe nói đâu cuối năm thì cưới. Có phải bà huyện Thạch trước là con gái cụ Thương Nam Lý không ạ?

- Phải đấy ạ.

- Nếu thế thì có họ với cụ Đốc trong Sủng đấy nhỉ.

- Vâng, thưa bà lớn, họ ấy là đại gia, mà còn đương phát. Mới rồi được thêm một ông đỗ tri huyện tư pháp.

- Với con cụ phủ đỗ bang tá nữa.

- À phải, mà ông Phán Ninh mới được đi Trợ tá ngày đầu năm. Kể nhà tôi cũng hơi có họ với ông Trợ Ninh.

- Bẩm họ thế nào ạ?

- Bà Trợ Ninh chả là cháu của cụ Bố bà tôi mà...

- À, tôi hiểu, thế là đôi cháu dì họ đấy.

- Vâng.

Rồi hình như để nghĩ thêm chuyện, hai bà ngồi yên lặng.

Tôi như được tạm tha. Bỗng bà ngồi bên phải ghé cổ lên ghế trên.

- Bác tài đến Nứa đỗ lại cho tôi xuống nhé.

Lúc ấy tôi có ý nhìn, bao nhiêu hành khách không ai ngủ nữa. Hình như họ bị mất ngủ vì cùng phải nghe chuyện như tôi. Tuy chuyện riêng, xong hai bà có nói bé đâu.

Bà ngồi bên trái hỏi:

- Bẩm bà lớn, thế từ Nứa vào còn độ bao nhiêu nữa ạ?

- Còn độ hơn một cây, nhưng chú huyện cháu có cho lính và xe nhà đi đón.

- Thế bà lớn làm ơn nhớ hộ tôi có lời hỏi thăm quan huyện bà huyện nhé.

- Vâng, cảm ơn bà lớn. Quan lớn tôi cũng có lời hỏi thăm quan Phủ nhà.

- Đa tạ bà lớn. Đến cuối năm quan huyện Thạch cưới vợ, tất bà lớn với tôi lại được gặp nhau.

- Vâng, chắc thế, mà ta còn gặp nhiều chị em nữa.

- Thôi, xin phép bà lớn, đến Nứa rồi. Lạy bà lớn.

- Lạy bà lớn ạ.

Xe đỗ. Hai bà từ biệt nhau, nhìn nhau ra ý bịn rịn.

Rồi xe chạy.

Hành khách được yên. Nhưng không ai ngủ lại được. Duy có bà lớn buồn tình vì mất bạn. Bà ngồi im một lúc rồi gật gà gật gưỡng, tự do ngả cả đầu lên vai tôi làm một giấc ngon...






Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 286, 25 Tháng Mười Một 1939

Chừa thuốc phiện


Mời đọc các truyện ngắn về "làng bẹp":
1. Giết nhau - 1933
2. Mưu làng bẹp - 1938
3. Chừa thuốc phiện - 1939


Minh họa: Tiểu thuyết thứ bảy

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Chiến Hữu

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
2 Kênh 3 Video

Mời đọc Bản đánh máy



Chừa thuốc phiện


Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Lần này, San lại định chừa hẳn. Anh quả quyết, bảo vợ:
- Tôi chỉ hút hết tuần lễ này. Từ thứ hai sau tôi nhất định thôi.

Vợ San bĩu môi:

- Lậy Phật! Bộ cậu mà chừa được.

San thở dài:

- Thế nào cũng phải chừa. Thuốc phiện càng ngày càng cao, mà rồi còn cao nữa. Nếu tôi không bỏ thì lấy tiền đâu mà hút!

Người thiếu phụ mỉm cười:

- Câu ấy cậu đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tôi nghe nhẵn cả tai.

San ôn tồn nói:

- Mợ phải hiểu mới được. Lần đầu tôi không chừa nổi, là tại tôi, vì dạo ấy tôi yên trí thuốc còn rẻ. Nhưng lần thứ hai, hẳn là tại mợ. Giá mợ cứ mặc kệ cho thuốc phiện nó vật tôi, thì không, mợ lại thương hại tôi, bắt tôi hút. Chính tôi định kiên gan kia mà!

- Ai trông thấy cậu nằm sóng soài như cái xác chết, không ăn không nói mà cầm lòng cho đậu được!

- Thuộc phiện không thể làm cho người chừa chết được. Nó chỉ làm khổ lúc bữa mình hút. Nhưng nhịn được qua lúc ấy thì thôi, không khó chịu lắm nữa. Chứ nếu tôi cứ đa mang mãi, thì quyết không những tôi chết, mà cả đến mợ cũng chết đói theo!

- Cậu đừng nói trạng. Thế lần thứ tư thì tại ai?

San cười:

- Tại tôi. Song không phải không có duyên cớ. Đành rằng người chừa thuốc phiện phải định bụng bỏ, nhưng cần một điều kiện nữa, là người ấy phải hết hi vọng hút mới được.

Thấy vợ im lặng San tiếp:

- Thuộc phiện quả có ma. Ngày trước có anh nghiện, phải ngồi tù, ở trong nhà pha, anh ta nhịn thuốc phiện một cách rất dễ dãi. Đến bữa hút, tuy anh ta cũng thèm cũng hắt sơi, sổ mũi, song đành phải nhịn, chứ biết làm thế nào. Rồi một ngày, hai ngày, đến một tuần lễ, anh ta quen hẳn đi. Anh ta mừng thầm không ngờ ở tù lại là một hạnh phúc. Vì chắc khi được mãn hạn, anh ta phải béo tốt ra, và rồi không phải lo cơm đen thì chắc có thể làm giầu được. Ấy thế mà, lạ quá, đến ngày được tha, anh ta ra về, vừa bước chân khỏi cửa nhà pha, là anh ta ngã gục xuống, không đi được nữa. Bởi vì anh ta bị thuốc phiện vật liền.

- Phải, anh ta chắc từ nay lại có hi vọng trở về với ả Phù Dung.

- Cho nên mợ phải làm thế nào cho tôi cũng hết hi vọng hút mới được.

- Cái đó chả khó. Nhưng lần này cậu lấy thuốc chừa ở đâu?

- Có người anh em mách tôi cụ lang Ban. Cụ ấy chữa cho ông Bách, ông Hường đều công hiệu cả. Người ta bỏ được, thì tôi cũng bỏ được.

Từ tối hôm ấy, San được vợ cho hút gấp đôi. Hút cho thỏa chí đi, rồi mà chừa, chừa hẳn.

*
*    *

Cụ lang Ban đến nơi, cả nhà chiều chuộng, kính cẩn. Thật là một vị phúc tinh. San gãi tai nói:

- Con mà bỏ được thuốc phiện phen này, thì ơn cụ thật là trời bể. Thày mẹ con mất cả rồi, con xin cụ cho con tôn cụ làm nghĩa phụ, để con được có người mà trả nghĩa sau này.

Cụ lang mỉm cười:

- Ông cứ tin ở tôi. Miễn là ông thực bụng chừa thì rất dễ.

- Con chả thực bụng, sao lần này con dám mời cụ. Nếu con cứ đeo đẳng điếu thuốc điếu sái mãi vào, thì rồi khổ thân.

Vợ San chắp tay thưa:

- Lạy cụ, cụ cứu nhà con tức là cụ cứu cả gia đình này. Nhà con cố mời cụ là do nhà con tin cụ lắm. Con chỉ tiếc không được hân hạnh biết cụ sớm, thành thử mấy lần trước, nhà con chừa phí công toi.

- Được, bà cứ yên lòng, theo thuốc tôi, thế nào ông nhà cũng bỏ được.

San cảm động:

- Dạ, thật là cụ cải tử hoàn sinh cho gia đình con.

- Không dám.

- Mà con thật dày phúc lắm mới gặp được cụ.

- Thế ông định chừa từ hôm nay đấy chứ.

- Dạ.

Bữa cơm thết cụ lang hôm đó thật linh đình. San bắc ghế cạnh sập để ngồi tiếp. Vì thành kính, anh không dám ngồi ngang.

Vợ anh, sau khi nghe theo lời thầy thuốc, cất kỹ bàn đèn vào trong đáy hòm, thì cũng lên đứng cạnh đó để hầu chuyện. Cụ lang nói:

- Chừa bằng thuốc dễ hơn chừa bộ. Tuy có nhiều người bỏ bộ cũng có thể được, song rồi nó sinh ra đến lắm chứng bệnh. Có người kiên gan, đã thôi được đến mười năm, mà rồi lại phải hút, vì tự nhiên da bụng dầy ra, nằm nghiêng bên phải, tưởng chừng cả cái bụng nặng nề nó vật cả về bên phải, mà nằm nghiêng bên trái, thì cái bụng nó vật theo cả về bên trái.

Vợ San lắc đầu, kinh hãi:

- Bẩm thế dùng thuốc của cụ có sẩy ra sự gì không ạ.

San lườm vợ, cho là vô ý, và cau mặt nói:

- Thuốc của cụ là thánh dược. Nếu không, sao ông Bách, ông Hưởng nghiện nặng và lâu như thế còn bỏ được.

Cụ lang gật gù:

- Mà hai ông ấy lại rất non gan. Cứ kể ra từ xưa đến nay, tôi chữa cho mười người thì đậu bẩy. Đến bây giờ ông nào cũng béo tốt, giầu có. Các ông ấy bây giờ đâm ra ghét thuốc phiện lạ lùng. Có một lần tôi thử mời một ông đã chừa được bẩy năm hút lại một điếu xem sao, vì tôi muốn biết thuốc tôi hiệu nghiệm thế nào. Tôi ép mãi, nhất định ông ta không hút. Đến khi tôi cam đoan rằng hễ nghiện lại thì tôi chữa đền, ông ấy mới bất đắc dĩ cầm lấy dọc tẩu. Tôi nhận thấy hình như ông ấy kinh tởm lắm. Ông ấy lấy vạt áo chùi mãi đầu tẩu, rồi mới ghé mớm môi vào, kéo xong một hơi, mẹ ơi, ông ấy ho mãi, rồi khạc, rồi nhổ, rồi nôn, rồi nằm soài ra như người chết. Tôi phải vội vàng cho thuốc rã, ông ấy mới tỉnh lại. Hỏi thì ông ấy nói vì nể quá mới hút, và khi ngậm dọc tẩu vào, ông ấy ghê ghê thế nào ấy. Hút xong, ông ấy say đứ đừ, cứ muốn nôn ọe cho ra hết hơi khói. Thế là tự nhiên mê man đi.

San mừng rỡ, nói:

- Dễ lại sợ thuốc phiện hơn người chưa hút bao giờ đấy!

Cụ lang gật:

- Chính thế.

- Thật là thuốc tiên. Con nhờ cụ, mà không chừa được, thì con chỉ đáng làm giống chó.

*
*    *

Bỗng San bắt đầu ngồi thừ. Đến bữa hút mọi tối rồi. Anh như chán nản, không buồn nói chuyện với cụ lang nữa.

Anh hắt sơi. Mồ hôi đã lấm tấm ở vai và ở cổ. Anh ngáp. Và mỏi lắm. Và lại hắt sơi. Và lại ngáp. Anh hắt sơi liền liền. Và ngáp tưởng chừng rách mép. Biết không thể ngồi tiếp khách được, anh đành thất lễ, nói:

- Xin phép cụ cho con đi nằm, kẻo con mệt lắm.

Cụ lang gật đầu:

- Mời ông cứ tùy tiện.

Trước khi vào buồng, anh dặn vợ dọn chỗ cho khách đi nghỉ:

- Tôi không thể ngồi lâu được, vậy mợ phải đối với cụ cho chu đáo, lễ phép kẻo cụ giận bỏ về thì khổ tôi, khổ cả gia đình đấy.

- Được, cậu cứ yên lòng.

Anh đóng cửa lại, nằm sóng soài trên giường.

Nửa giờ sau, anh thở dài rền rĩ, rồi gượng ngồi giậy. Hai mắt anh ngây dại đứng sững ở giữa buồng, nhìn chăm chắm bộ ghế ngựa sơn quang dầu kê ở góc tường: chỗ ấy mọi khi anh vẫn nằm hưởng thú đi mây về gió. Hình như anh thèm thuồng nhớ nhung lắm. Một lát, anh luống cuống ngó vào trong tủ trè. Nhưng vật thân yêu là cái diện tẩu mà anh định tìm, xưa nay vẫn bày trong đó, không còn ở đấy nữa. Anh cúi ngó xuống gầm ghế. Chai dầu ai cũng cất đi mất rồi. Anh dơ cao cánh tay sờ trên mặt tủ áo. Bàn đèn không giấu ở chỗ ấy. Thất vọng, anh thở dài và không đủ sức lại giường, anh nằm vật thẳng cẳng trên ghế ngựa. Áo anh ướt đẫm mồ hôi. Bây giờ anh không ngáp, không hắt hơi được nữa.

Bỗng anh sờ soạng sung quanh rồi úp sấp mặt dí mũi xuống ghế. Hít được hơi dầu, hơi sái cho đầy lồng xương ngực, anh được khoan khoái lắm.

Rồi tự nhiên anh ngồi nhổm dậy, gọi:

- Mợ ơi!

Vợ anh vội chạy vào. Anh hổn hển hỏi:

- Mợ cất cả bàn đèn đi rồi à?

- Phải. Cậu thấy thế nào?

San nhăn nhó:

- Khó chịu lắm.

Rồi cúi xuống, anh để tay vào cái chân mễ:

- Còn cái tiêm đây, sao không cất đi!

Chị San ái ngại:

- Cậu mê hay tỉnh thế?

Anh nhăn mặt để ợ, nói:

- Không biết có chừa được không, tôi thấy khổ quá rồi.

- Cụ lang bảo buổi đầu thế nào cũng khó chịu lắm. Nhưng cậu nên cứ kiên gan.

San cau mặt, không đáp. Anh chỉ tặc lưỡi. Hình như trong câu nói của vợ, anh thấy có một vài tiếng bất như ý vậy. Một lát, anh giật nẩy mình, rú lên:

- Ối giời ôi, lạy ông, ông tha cho tôi! 

Rồi anh đứng dậy, giơ tay như để đỡ đòn túi bụi và van lơn:

- Lạy ông, ông lang ông ấy sui tôi bỏ, chứ tôi có định bỏ đâu. Ông tha cho tôi.

Rồi anh khóc lóc, đập đầu xuống sàn gạch.

Chị San chạy lại đỡ, gọi:

- Cậu! Cậu! Cậu tỉnh chưa? Làm gì thế?

San mở mắt, nhìn vợ, lóp ngóp đứng dậy. Bất đồ anh hùng hổ chạy lại tủ trè, giơ thẳng cánh đập nắm tay vào mặt kính. Mảnh thủy tinh vỡ vụn ra. Anh ẩy lọ độc bình suýt rơi xuống đất. Cả cụ lang lẫn lũ đầy tớ chạy cả vào buồng. Họ tưởng San còn đập phá lung tung. Vợ anh cuống queo, níu lại:

- Cậu, cậu làm gì thế?

 Anh đáp:

- Bà cứ để yên, tôi đánh chết nó mới nghe.

Rồi nắm cổ tay vợ, anh hiền lành vê vê cố dương mắt nhìn, và nói một mình:

- Ồ, ai đánh sái mà quánh thế này.

Chị San sợ hãi, đập vào trán chồng, gọi:

- Cậu ơi!

- Ơi.

- Cậu mê hay tỉnh?

- Tỉnh.

- Tôi đây mà.

- Biết rồi, mợ ạ, tôi phải hút mới được.

Chị San nhăn nhó, thở dài:

- Đã kiên gan thì nên cứ kiên gan. Gặp cụ lang hay thì hãy thử xem sao.

San cau mặt, tặc lưỡi, chứ không đáp. Cụ lang tiến lại gần, lau đôi mắt kính, nhìn San sám ngoẹt, an ủi:

- Ông cứ cố đi nhé. Không việc gì đâu mà sợ. San hiểu, đáp:

- Thế bao giờ cụ cho con hút?

- Ông chừa kia mà.

- Vâng, nhưng con khổ lắm, cụ ạ.

Cụ lang nghiêm sắc mặt:

- Khổ thì chịu vậy.

San lườm thầy thuốc, rồi nó nhỏ với vợ:

- Cụ lang ác lắm. Còn mợ, mợ nỡ về hùa với cụ lang để làm tội tôi à?

Dứt lời, anh giậm mạnh chân xuống gạch cho đỡ uất ức.

Không ai trả lời cả. Anh lại nằn nì:

- Cho tôi xin bàn đèn, tôi lạy mợ, tôi van mợ. Mợ để tôi hút thì tôi xin làm con mợ.

- Nhảm nào!

- Tôi nói thật đấy. Không cho tôi hút thì tôi quật hết đồ đạc bây giờ.

Cụ lang lại nghiêm trang, trách:

- Đừng dọa. Bà chớ sợ, đã có tôi.

San cau mặt. Rồi bỗng anh vùng dậy, nhẩy lên ngồi ghế ngựa nói to:

- Để tôi hút, không tôi chết mất. Mợ! Lấy trả tôi bàn đèn đây.

Vợ anh sợ hãi:

- Tôi có cất đâu!

- Thế thì chó cất à?

Anh đập chân tay rầm rầm, trỏ vợ, quát:

- Muốn sống thì bưng bàn đèn ra đây.

Chị San run như rẽ, nhìn cụ lang để cầu cứu. Cụ lang giõng giạc gọi:

- Ông phán!

San không đáp, nhưng anh nghiến răng kèn kẹt. Sợ anh thất thố, vợ anh thỏ thẻ:

- Cậu, cụ lang gọi kìa!

San ngọt ngào:

- Cụ bảo nhà tôi trả tôi bàn đèn.

- Tôi không cho ông hút. Ông chừa kia mà.

San nhăn nhó:

- Vâng, nhưng tôi không chừa nữa.

Thấy cụ lang lắc đầu, anh phát cáu, nói:

- Cụ phải cho tôi hút. Mợ phải trả tôi bàn đèn. Tôi không chừa nữa.

Chị San thở dài. Cụ lang ôn tồn khuyên:

- Ông nên kiên tâm.

San hơi gắt:

- Tôi không kiên tâm được.

Nói đoạn, anh nằm, vắt tay lên trán, dằn vặt hai cẳng.

Bỗng anh ngồi nhổm dậy, quát:

- Mợ khăng khăng giữ bàn đèn của tôi phải không?

Chị bực mình, đáp :

- Cậu hỏi cậu ấy, hỏi cụ lang ấy.

San trợn mắt:

- Không việc gì đến cụ lang. Cụ ấy không có phép cấm tôi hút.

- Đừng nói nhảm!

Bỗng San cúi xuống gầm, vớ được chiếc guốc, hùng hổ sông lại vợ:

- Mày có cho ông hút thì mày bảo. Ông chửi bố đứa nào giấu bàn đèn của ông bây giờ.

Dứt lời, anh phang vào mặt vợ một cái, rồi túm lấy áo. Cụ lang sông vào can. Nhưng anh đánh vợ anh túi bụi, rồi tiện tay, và hăng tiết, anh nắm cả tóc nghĩa phụ, dằn xuống:

- Tôi nhờ ông à? Việc đếch gì đến ông. Liệu xác!

Rồi miệng chửi vợ, tay đánh ông lang, anh làm rầm rầm, gầm thét như con sư tử bị tên. Buồng ngủ biến thành bãi chiến trường. Đồ đạc vỡ loảng xoảng. Áo rách soàn soạt. Bọn đầy tớ hết hồn, ù té chạy nhốn nháo.

Kết cục, cuộc chừa thuốc phiện lần thứ tư là: ngay nửa giờ sau, vợ San trả chồng bàn đèn và anh được hút, phải hút gấp đôi mọi bữa cho đỡ mệt.



Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 284, 11 Tháng Mười Một 1939


Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 284, 11 Tháng Mười Một 1939

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Quả mít



Minh họa: Tiểu thuyết thứ bảy

Mời đọc Bản đánh máy

Quả mít

Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)

Đã mấy tháng nay, một hôm dạo quanh phía frong hàng rào huyện, bỗng bà lớn mừng rú như người bắt được của. Bà lớn dừng lại, gọi lính rối rít. Ở đằng sau trại lệ, tức là chỗ bà lớn đứng, giáp ngay với rặng trông-trà có một cây mít của nhà hàng xóm. Cây mít ấy rất sai, và, thích quá, nhu nhú ở thân cây, có một quả mọc chồi qua mắt rào sang phía huyện.

Bà lớn ngắm nghía quả mít xỉnh xình xinh to vừa bằng nắm tay trẻ con. Rồi lúc tên lính chạy ra, bà lớn chẳng dấu diếm gì sự nghĩ ngợi nó đương làm bà vui sướng. Bà trỏ tay, nói:

- Quả này mọc thế này, thì bên kia nó không trông thấy đâu, nhỉ mày nhỉ?

Anh lính chắp tay, ngó nghiêng để ướm nhìn, rồi đáp:

- Dạ.

Bà lớn tươi tỉnh, gật đầu.

- Ừ, thân cây thì to, mà quả thì mọc lấp thế này kia mà.

- Dạ.

Rồi cũng ngó nghiêng đề ướm nhìn, bà lớn lại hỏi:

- Mày thử nghĩ xem, liệu nó có trông thấy được không nhỉ?

Anh lính soa hai bàn tay vào nhau, đáp:

- Bẩm không ạ.

- Ừ, tao cũng chắc thế, gốc nó mọc áp ngay vào hàng rào thế này kia mà.

Rồi ngẫm nghĩ một lát, bà lớn đắc trí cười:

- À, thế ra có chịu khó tìm tòi cũng có hơn, thế là được lợi quả mít.

Anh lính mỉm cười:

- Dạ.

Bỗng bà lớn hỏi:

- Cây ấy của nhà đứa nào thế, mày.

- Bầm bà lớn, nhà Tư Húi ạ.

- Mít mật hay mít dai, mày có biết không?

- Bầm mít mật, ngon nhất phố huyện đấy ạ.

Bà lớn sung sướng cười:

- Ồ, thế thì tốt lắm. Mày gọi cai việc ra đây cho tao.

Anh lính nhanh nhẩu chạy vào, và một lát theo bác cai ra chỗ bà lớn đứng. Bà lớn trỏ tay, dặn:

- Anh cai tôi súy quả mít này đây nhé. Anh phải bắt lính tráng trông nom cần thận, hễ mất, tôi cứ anh đấy.

Bác cai ngơ ngác, hỏi:

- Bẩm đây là cây của nhà Tư Húi.

Bà lớn cau mặt:

- Nói khẽ chứ khỉ! Đành vậy, nhưng bên nhà nó không trông thấy. Mà quả mọc sang địa phận mình thì mình có phép lấy chứ lị.

- Bầm con sợ đến lúc quả chín, nó sang chặt, thì con biết bảo nó thế nào.

Bà lớn nhíu đôi mi, mắng:

- Anh ngu lắm. Anh thử nghĩ xem nó thò dao vào đằng nào mà chặt được?

- Bẩm con tưởng nó sang bên trại chứ.

Bà lớn gắt:

- Vậy anh phải bảo lính cơ, cấm không cho nó vào huyện nữa. Mà bổn phận anh coi trại lệ, anh không ngăn được nó bén mảng vào đây hay sao?

Bác cai gãi tai, toan đáp, nhưng bà lớn đã chặn họng: 

- Ấy tôi đã súy quả này rồi đấy, để tôi về trình với quan ông. Mà tôi phân vua giao cho anh trông coi, có cả thằng này biết đấy nhé.

Nói đoạn, bà lớn lại dạo bước đi, đi để nếu có một thứ hoa quả nào - hay cả con gà con qué nào nữa, biết đâu - của nhà dân vô phúc tơ mơ sang địa phận nhà quan thì bà lớn súy trước.

*
*     *

Quả mít ấy to dần. Hôm được hân hạnh lọt vào mắt xanh của bà lớn, thì nó mới bằng nắm tay trẻ con. Dần dần, nó to bằng nắm tay người lớn. Rồi dần dần nữa nó to bằng nắm tay ông hộ pháp trên chùa. Gai nó đã lớn và bớt xanh. Nó đã đến tuần cập kê. Độ dăm hôm, bà lớn - và có khi cả quan lớn nữa - lại đến thăm một lượt. Mà cái chỗ quý nhân hay đề gót tới, thì tất nhiên nó phải sạch sẽ hơn. Do sự thỉnh thoảng được nhìn thấy mặt hoa da phấn, nên cây cỏ nơi này tránh được nỗi hàng ngày nhận những vật rắn vật lỏng làm khổ mũi của bộ phận thô tục đen đủi của lũ lính lũ dân. Bởi vì quan ông đã ra lệnh cho cai việc cấm phóng uế phía đằng sau trại.

Mỗi lần bà lớn đi thăm quả mít của bà lớn về, thì quan lớn lại vui vẻ hỏi:

- Đã cắt về được chưa?

Rồi quan lớn lau đôi mắt kính, tỏ vẻ lo lắng, nói:

- Cứ cắt rồi đóng cọc mà phơi ở sân nhà, chứ không, lỡ có đứa nào tham tâm, nó ăn cắp mất thì hoài.

Bà lớn đỏng đảnh, đáp:

- Sao ông dở thế, đứa nào dám ăn cắp quả của mình đã nhận!

*
*     *

Thế mà có đứa dám ăn cắp. Đứa ấy dám ăn cắp chẳng phải nó trêu hay thù bà lớn, nhưng vì nó đói. 

Có một thẳng dân đen bị quan bắt giam trong trại từ sáng về tội... (tội quái gì không được). Thằng khốn nạn không được ai cho ăn. Nó đã đói, mà những thứ nó chứa trong dạ giầy từ sớm cứ bị bộ máy tiêu hóa tốt của nó đẩy xuống, nên nó phải xin bác cai cho phép đi làm sự cần dùng.

Nhưng bác cai trỏ tít ra tận bờ ao, và dặn:

- Có đi thì ra đẳng kia, chứ đấy có quả mít của bà lớn, bà lớn ra thăm luôn, mày làm bần lối đi thì chớ chết.

Thằng dân thấy nói có quả mít thì lập tức nó nghĩ ngay đến việc bất chính. Nó phải soáy đề ăn cho đỡ lòng.

Cho nên khi được ra ngoài, đến đầu trại, nó liếc về phía cây mít. Thấy một quả rất có vẻ khiêu khích, nó mừng thầm. Dạ giầy bảo tức là Trời bảo.

Vì vậy, chờ cho đêm khuya, nó kêu đau bụng đề lại xin được phép ra ngoài. Và lần này, nó lẩn ngay về sau trại, chẳng đắn đo gì hơn, dơ ngay bàn tay thô lỗ ra bẻ quả mít đương hơ hớ, rồi dận chân lên để bửa ra. Song, ác hại thay múi mít vẫn còn xanh, nó ăn chát lè, không sao nuốt được. Nó đành vất đấy, và về trại.


*
*     *

Việc mất mít, đáng lẽ nhà Tư Húi phải chửi rủa rầm rï lên mới phải, nhưng đằng này không. Sáng hôm sau, theo lệ thường, bà lớn đi thăm quả của bà lớn, thì khi thấy mít bị bửa ra, vứt lỏng chỏng trên mặt đất, thì bà lớn choáng người như đứa con có hiếu nhận được giây thép báo cha chết. Bà lớn lặng đi đến một phút, rồi thét:

- Cai việc đâu! Đứa nào lấy mất quả mít của tao rồi.

Cai việc chạy vội ra sợ sám mặt, không biết đáp sao. Bà lớn nhẩy lên chồm chồm như điên cuồng:

- Tao thì bẩm với quan ông cách cổ mày đi. Làm cai mà coi quả mít không nồi, thì giặc đến huyện, chúng bay làm thế nào. Chính chúng bay lấy của bà! Đồ ăn cắp, đồ khốn nạn!

Rồi không thể đứng lâu trước những mảnh mít mỉa mai nó cứ nhăn răng ra cười nhạo, bà lớn phải về vội nhà tư, và gọi cai việc đi theo. Bà còn phải hành tội vì chưa thỏa cơn giận. Bà ngồi trên ghế, nhìn bác cai bằng đôi mắt long sồng sộc, đập bàn, gắt:

- Đồ chó, đồ đểu, nó đã mùi vần gì mà chúng bay cũng tham tâm vặt xanh vặt chín nó. Nó có bận đến mả ông mả cha mày hay không. Mày làm thế mà không sợ phải tội lòi mắt ra à. Thà rằng tao không súy trước nó, ừ thì thôi, đứa nào ăn thì ăn, tao không dữ, nhưng nó là hạng mít mật, ngon nhất huyện, cả quan ông lẫn tao cũng thích ăn, thế mà chúng mày dám hỗn. Ra quân này đồ ba que thực.

Chờ bà lớn nói một hồi, cai việc mới dám thưa: 

- Bẩm lậy bà lớn, quả chúng con không dám bẻ. 

Bà lớn lại nổi tam bành, the thé quát:

- Không phải chúng bay thì là chó. Mày còn già mồm cãi à. Công tao để dành, trông nom từng ấy ngày. Này, tao bảo, có khôn hồn thì đền tao đồng bạc, không thì tao nói với quan ông tống cổ cả lũ.

- Lậy bà lớn thương cho, của bà lớn giao, chúng con không giám tắt mắt. Chúng con vẫn trông nom cẩn thận.

- Cẩn thận mà mất! Mày đừng láo! Ra "Bạc là dân, bất nhân là lính" thực. Bà mặc kệ mày, không đền không xong với bà.

- Lậy bà lớn, thực oan con quá.

- Thế đêm qua những đứa nào canh, đem mà trẻ sác chúng nó ra.

- Bẩm có tên Trí, tên Toại, tên Lương, nhưng mà...

- Thế thì mày với ba đứa kia, mỗi đứa góp hai hào rưỡi đền tao. Quả mít ấy lại không đáng đồng bạc à.

*
*     *

Lậy van hết lời mà bà lớn nhất định cương quyết, bác cai phải nhận đền cho yên việc.

Nhưng may làm sao, hôm ấy lại là ngày phiên chợ, có bán nhiều mít. Cho nên bác cai bảo vợ ra mặc cả mua lấy một quả, của nhà Tư Húi vừa to vừa chín, lại vừa rẻ có ba hào.

Anh em mừng thầm, vì phải góp mỗi người có gần tám xu, rồi cai việc khênh mít vào sân nhà tư trình bà lớn.

Ý chừng bà lớn rất vừa lòng.

- Lậy bà lớn, quả này chính ở cây nhà Tư Húi. 

Bà lớn gật gù, ngồi sổm xuống, lăn đi lăn lại, hít mãi mùi thơm, rồi sau hết, thấy chỉ có phần lợi, bà lớn tươi tỉnh gật đầu:

- Được.

Bác cai sung-sướng chắp tay nói:

- Dạ.

Bỗng bà lớn sực nghĩ ra một điều thiệt, bèn hỏi:

- Đích mày mua của nhà Tư Húi?

- Dạ, con không dám kêu man.

- Được, rồi tao cho hỏi, bao nhiêu tiền, mày nói cho đúng. Hễ không phải thì chớ chết.

Muốn tỏ sự ngay thực cai việc thưa:

- Bầm ba hào ạ.

Nhưng bất đồ bà lớn quắc mắt nhìn bác cai, khiến bác này luống cuống, không hiểu. Nhưng bà lớn làm ngay cho bác hiểu bằng câu hỏi rất chơn chu:

- Đâu, thế còn của tao bẩy hào nữa đâu?

- Dạ, lậy bà lớn, con tưởng...

- Tưởng thế nào tưởng thế, tao bắt đền đúng đồng bạc kia mà. Muốn sống muốn tốt thì đưa nốt bầy hào đây.


Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 276, 16 Tháng Chín 1939


Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 276, 16 Tháng Chín 1939

Một đám cưới



Minh họa: Tiểu thuyết thứ bảy

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Khởi Nguyên | 2. L&H | 3. Chiến Hữu Audio


Mời đọc Bản đánh máy


Một đám cưới

Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Hôm nay là ngày đón dâu.
Suốt từ buổi sáng, cô Châu hí hửng.
Phải, cô không hí hửng sao được. Cha mẹ cô - cụ lớn ông và cụ lớn bà - chả vui vẻ là gì. Lúc nào hai cụ cũng cười khanh khách, cười giòn tan. Hai cụ hởi dạ lắm. Hai cụ đã kén được rể xứng đáng. Hai cụ thật hết lòng thương yêu con.

[...... Ty Kiểm duyệt Pháp xóa-----]

Cô tiếc không gọi thợ chụp tấm ảnh làm kỷ niệm. Quanh đầu, cái khăn vành dây to nếp, xếp đến hai mươi vòng. Trên mình, cô mặc áo gấm thêu chữ Thọ, dài, để hở hai ống quần nguyệt bạch viền đăng ten. Cô lận đôi giày văn hài, thêu chim phượng xòe cánh và nghểnh cổ.

Cô đã đánh phấn mất đến mấy giờ đồng hồ. Khéo lạ. Hai gò má ửng hồng làm tôn màu nhung của đôi mắt long lanh. Vòng ngọc dát kim cương làm nổi màu da cổ trắng ngần, có lỏa tỏa mấy sợi tóc óng nuột, và đen nhánh.

Chốc nữa, lúc họ nhà trai đến, cô còn đánh phấn lại và bôi thêm nước hoa nữa kia. Cô sẽ gài vào khuy áo một đóa hoa hồng bạch lớn, tết bằng nhung trắng.

Mặt cô không non đâu. Trang điểm xong, cô ra vẻ người lớn ngay. Nhất là cử chỉ cô lại đường hoàng, đố ai dám bảo cô mới có mười bảy tuổi.

Cô lên nhà trên. Cô xuống nhà dưới. Cô đi tung tăng khắp các nơi, tìm những chỗ đông người để cố buột ra một lời hớ hênh. Để cô được chế giễu. Chế giễu, lúc này, chỉ làm cô sung sướng thêm. Cô nhoẻn miệng cười tươi như hoa thắm, lộ bộ răng ngà, để cười và vờ thẹn thò. Cô lấy hai tay bịt mặt rồi rúc rích, cắm cổ chạy. Và chạy đến một chỗ khác, để nói một lời nữa, cũng hớ hênh.

Cô chẳng có ý gì nhớ nhà. Thời buổi văn minh, cô cần gì bắt chước các nàng dâu cổ, đến ngày cưới, cứ ủ rũ trong buồng, không dám thò mặt ra đến ngoài, mà thút thít khóc, thương cha nhớ mẹ, hoặc lo lắng sao cho tròn bổn phận làm dâu. Cô không nghĩ thế. Bổn phận, đến đâu hay đến đó. Và nếu cô nhớ hai cụ, thì sẵn xe của chồng, cô bảo tài xế nó đánh về. Chỉ một loáng là tới.

Cô hơi bất mãn một chút, là hôm nay cô xinh đẹp thế này, lộng lẫy thế này, vui vẻ thế này, mà không có có một "con" bạn nào trông thấy hoặc tưởng tượng được. Chúng nó, hiện giờ này, còn phải chúi chết trong địa ngục trên phố Đồng Khánh, tức là lớp học, chúi cả bao nhiêu tinh thần vào hai tai hai mắt mà nghe bà giáo Gégler nhồi sọ bài hóa học và nhìn bà làm thí nghiệm.

Chẳng biết lát nữa đoàn xe đưa dâu có qua trường học hay không. Giá có, cô hãnh diện biết là ngần nào!

Song, từ nay, cô so sánh địa vị cô với địa vị các bạn học làm gì. Chúng nó còn khổ, còn khổ hơn một năm nữa. Thi Cao đẳng tiểu học có đỗ chúng nó mới gọi là tạm thoát nạn.

Chỉ cô là thần tiên. Đang học năm thứ ba, cô xin thôi học về lấy chồng. Mà lấy một tấm chồng giàu có, sang có.

*
*     *

Vụt tin báo họ nhà trai sắp đến.

Cô Châu trống ngực nổi mạnh, chạy vào buồng riêng, trang điểm thêm.

Đoàn ô tô hòm kính lần lượt tới, qua cổng dinh, đỗ trước công đường và nhà khách. Công đường hôm nay đã thành một buồng lớn, trang hoàng rất lịch sự.

Người hàng phố kéo nhau đứng đầy cả ở cổng để nhìn vào.

Thật là một rừng gấm vóc và huy chương hiện ra trong đám sương mù khói pháo.

Này là một cụ, mặt mũi phương phi, khăn xếp nhiễu tam giang, áo gấm thêu rồng, hai gọng kính đồi mồi ép rẹp hai vầng tóc mai hoa râm loăn xoăn bên thái dương.

Này là một cụ nữa, râu tóc bạc phơ, nhưng đôi mắt còn sáng quắc cố uốn thẳng cái lưng gù, ra vẻ tráng kiện, cho thêm vẻ oai vệ chiếc mề đay trên ngực gấm cổ đồng.

Này là một bà béo tốt, núng nính, tuy đã già, nhưng má còn trắng những phấn, môi còn đỏ những son. Bà mặc chiếc áo gấm huyền hoa nhỏ và chiếc quần nhiễu điều, tay cầm hộp trầu bạc.

Này là một ông râu đen mà rậm, ngực đầy những huy chương chói lọi.

[...... Ty Kiểm duyệt Pháp xóa-----]

Này là một ông, bụng to, lưng tròn, trông lẫm liệt, cử chỉ đường bệ, lúc nào cũng long lanh đôi mắt kính trắng nhìn ngang nhìn ngửa.

Này là một bà, đã đứng tuổi, bé loắt choắt trong tấm áo thêu chỉ bạc, khoác chiếc măng tô nhung đen, lấy gương trong ví tay để sửa lại vành tóc cho ngay ngắn.

Còn nhiều nữa. Còn nhiều nữa. Kể sao cho hết cách ăn mặc của đủ từng ấy người.

Lúc ấy cô Châu đứng trong buồng, hé cửa chớp dòm.

Và tìm.

Cô hồi hộp. Cô chú ý vào một người. Cô ngắm người ấy từ chân cho tới đầu.

Cô mỉm cười, vui vẻ lắm. Người ấy, tức là chú rể. Người ấy sẽ là chồng cô. Người ấy từ nay sánh vai kề má với cô. Người ấy rồi đây làm cho đời cô được sung sướng vì địa vị của người ấy.

Người ấy, đang từ từ bước vào kia.

Dáng dấp người ấy thật oai vệ.

Ai còn chê được.

Người ấy đi đôi giày ban mới. Mỗi bước chân, ống quần là cứng lại khoe đường chỉ thâm thêu bên chiếc tất tơ mỡ gà. Người ấy mặc chiếc gấm lam may rất vừa vặn và đội khăn nhiễu tây đen nhánh và bóng nhoáng. Người ấy, nào kém ai, cũng có bốn chiếc mề đay trên ngực.

Mặt người ấy mới cạo. Song tuy mới cạo, mà ở quanh mép và từ thái dương đến cằm vẫn còn hơi rõ vết chân râu như bôi chì. Má người ấy nung núc những thịt, nước da sạm và bóng. Người ấy khỏe mạnh, vì to lớn. Không trách lắm con.

Người ấy đã có bốn con, con lớn hiện học năm thứ hai lớp Trung học.

Người ấy mới góa vợ năm ngoái.

1939






Mời đọc Bản chụp dạng ảnh

Cảm nhận về tác phẩm Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan


Cảm nhận về tác phẩm Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan

Học Tốt Ngữ Văn


Đề bài: Cảm nhận về tác phẩm Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan
Bài làm

Danh tiết





Mời nghe đọc
Mời nghe đọc MP3 tại Internet Archive
Diễn đọc: 1. Thái Hoàng Phi (Trọn bộ) | 2. Cô Vân | 3-6. Thái Hoàng Phi (P 1-4)
TỦ SÁCH TINH HOA của Thái Hoàng Phi - Diễn đọc: Thái Hoàng Phi




Danh tiết

Nguyễn Công Hoan


Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
NXB Đời Mới, 1944 - 230 trang.
Mời xem và lấy về bản PDF




Danh tiết

Nguyễn Công Hoan

Có trong: Tiểu Thuyết Nguyễn Công Hoan -
(NXB Thanh Niên 2004 - Nguyễn Công Hoan - 623 Trang)



Nguyễn Công Hoan là nhà văn tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Trong suốt cuộc đời của mình, Nguyễn Công Hoan đã để lại một di sản nghệ thuật với hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài và nhiều tiểu luận văn học. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung tiểu thuyết "danh tiết" nổi tiếng qua phần 2 cuốn sách.



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF



Mời xem và lấy về PDF (Trang 457-)



Powered by Issuu
Publish for Free




Tham khảo: Các bài viết liên quan
2. Mời đọc Bản đánh máy
Mời đọc Bản đánh máy
Z9:› gốc cây đề gần đầu làng, Thúy đứng lại, đặt gánh hàng xuống đất. Vào chỗ có bóng râm, nàng thấy mát hẳn đi. Gió hiu hiu. Lá đề phần phật đập vào nhau kêu lạch tạch. Nàng quay lại, nhìn khúc đường vừa qua. Ánh nắng chói, làm đất trắng xóa. Cổ mọc ở hai bên lối đi như khát nước đều lả xuống hoặc vàng như cháy. Thúy lấy nón quạt cho ráo mề hôi. Nàng thổi bụi trên khúc rễ cây trôi trên mặt đất, rồi ngồi nghỉ. Nàng mệt lắm. Nhìn quãng đường về, còn những một thôi dài nữa mới tốt làng, nàng ngại. Nàng về chợ hôm nay, thế này là muộn. Là vì nàng chờ mãi không thấy vú già đến dọn hàng và gánh hộ nàng. Vú tuy đã có tuổi, nhưng sức lực bằng mấy nàng còn là con gái. Mọi ngày, cứ vào lúc mặt trời xế một lát đã thấy vú ra, gìục nàng xếp hàng vào tay nải. Lám bận đông khách, nàng muốn nấn ná ở lại ít lâu, cũng miễn cưỡng phải thu dọn mà về. Nàng tuy là con chủ nhà, nhưng không nghe vú không được. Vì vú rất lắm việc. Vú đi đón hàng, về còn phải thổi cơm chiều, rồi cho lợn ăn. Thu xếp vừa xong các việc lặt vặt, thì tối sập. Nàng muốn tránh cho vú việc đi đón mình. Nàng đã thử một hôm, gánh hàng cả buổi về chợ nữa. Nhưng hôm 460 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP sau mình mấy đau ê ẩm, phải nghỉ ở nhà. Ông bà Đầ - tức là cha mẹ nàng - cứ mắng mãi nàng quá tham công tiếc việc. Và từ lần sau. nàng không thể không chờ vú được. Nhưng hôm nay, nàng đã đợi vú lâu lắm. Đến lúc chợ gần vấn người, bất đắc di nàng mới phải về một mình. Nàng chắc chỉ phải gánh độ một lát, thì gặp vú ngay. Nhưng đến tận lúc này mà vẫn chẳng thấy gì, nàng mới phải ngạc nhiên. Nàng không rõ tại sao hôm nay lại kháe ngày thường làm vậy. Nắng vẫn chang chang. Trên trời xanh ngắt, thỉnh thoảng mới có một làn mây trắng móng lững lồ trôi. Nhưng được ngôi dưới bóng râm, lại có gió mát, nên Thúy khoan khoái lắm. Nàng lầm nhẩm tính toán hàng họ xem hôm nay lãi lờ ra sao. Bỗng ở phía xa, có hai người đội nón và mặc quần áo thâm ởi lại. Nàng chỉ biết là hai người đàn ông, nhưng không rõ là quen hay lạ. Song dù sao, nàng cũng không thể rấn ngồi ở đây để chờ vú già. Chỗ này vắng vẻ. Nàng là con gái, phải giữ gìn ý tứ. Gặp người quen đã đành, lõ phải người Ìạ, họ giở thói bờm xơm, chẳng lẽ nàng đối phó thế nào. Vả quen hay lạ, mà dù là những người đứng đắn chăng nữa, họ thấy một người con gái ngồi một mình ở chỗ quạnh quẽ này, chắc chẳng nói ra miệng, họ cũng phải lấy làm lạ mà bàn tân cùng nhau. Rồi khi biết nàng là con ông bà đồ Lục ở Phương Bá, ắt người ta tìm để giảng cái lẽ tại sao nàng ngòi ở gốc đề như có vẻ chờ đợi ai. Sự thịƒc chỉ có một, nhưng sự không thực thì có đến trăm nghìn. Mà sự thực chỉ là nàng chờ vú già ra gánh hàng hà, tất không a1 DANH TIẾT 461 nghĩ ra. Họ sẽ đoán liều đoán lĩnh đến trăm nghìn cớ khác. Và biết đâu trong trăm nghìn có không đúng sự thực ấy, lại không có lấy một có - hay một thôi - không chính đáng. Chỉ một cớ ấy đủ gây thành tiếng thì thào. Mà do thế, câu chuyện xuyên tạc, tr nhiên người ta bị mang tai mang tiếng một cách rất oan uống. Nàng là con gái, tốt hơn hết là tránh những địp có thể gây nên dư luận. Bởi vậy, nàng vội vàng đội nón, xếp lại dây quang, và ghé vai vào đòn gánh. Nàng quay nhìn hai người. Họ còn xa lắm. Nàng chưa nhận ra những ai. Chắc họ cũng chưa rõ nàng. Nàng cố rảo cẳng. Đòn gánh mềm làm hai bọc hàng nặng rún rấy theo đà chân bước. Ra khỏi bóng râm, nàng lại thấy cái nóng thiêu người ban nãy. Nhưng nàng đành phải xông pha. Cái tiếng trong sạch của một người con gái con nhà gìa thế là cần hơn nhất. Thật vậy, tuy nàng chỉ là con một ông đề, nhưng ông nàng đã đỗ tú tài, và trong các cụ nhà nàng đã có một vị đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức bố chánh tỉnh Quảng Bình đời Minh Mệnh. Nhà nàng tuy thanh bạch, nhưng vẫn được trọng nhất làng. Anh em nàng học hành giỏi, tất rồi cũng đỗ đạt, và làm nên. Vả làm thân con gái của một nhà nho. muốn giữ nền nếp, không khó khăn gì. Ông bà Đề chỉ dạy nàng có bốn tiếng nhưng thực ra chỉ có hai. là đức hạnh và đâm đang. Nàng đã không phụ công giáo dục của cha mẹ. Nàng đứng đắn và buôn bán thạo. Cho nên với cái than sắc, cái 462 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP đoan trang trời cho nàng, trong họ ngoài làng, nhiều người đã đoán già rằng thế nào nàng cũng sẽ là một bậc mệnh phụ. Thật vậy, Thúy là một cô gái đẹp nhất làng Phương BÁ. Nước da nàng trắng và mịn. Ánh nắng như cũng nể công tạo hóa mà chừa nàng ra, không nố nhuộm mặt nàng ra màu ngăm ngắm. Đôi mắt và hàm răng nàng đen lay láy., Cái miệng nhỏ rất. hợp với cải mũi dọc dừa trên khuôn mặt trái xoan. Cả một tấm thân nhỏ nhắn ấy rất ăn nhịp với tiếng nói, mỗi khi cất lên, nó trong như tiếng chuông, nó gọn như tiếng phách, nố mềm mại như tiếng sáo, nó quyến rũ như tiếng đàn bầu. Nói tóm lại, tất cả nàng là một khúc nhạc nhịp nhàng, là một bài thơ tuyệt tÁc của một thi bá lúc eao hứng nhất. Song, bởi có nhan sắc ấy, nên lẽ cố nhiên nàng không được mạnh mẽ như người ta. Cho nên mới đi chưa được trăm bước, nàng đã lại thấy mệt ngay. Nàng vừa mới được nghỉ dưới gốc đề, nhưng chưa lại sức. Nàng quay nhìn phía sau, hai người tuy vấn còn xa. nhưng không đám chậm bước. Thì may quá, vú già đã từ cổng làng đi ra. Thúy mừng rõ, đứng lại, đặt hàng xuống đất. Nàng quay mặt về chiều gió, vẫy tay gọi: - Mau lên, vú ơi, sao hôm nay muộn thế? Vú già đi mau đến, tra lồi: - Tại nhà có khách, tôi phải làm cơm. Thấy không can thiệp đến mình, Thúy than nhiên, đáp: - Thế à, tôi không biết, cứ chờ mãi vú. DANH TIẾT 463 Vú già cười:- Tôi cũng chờ mãi cô. thấy chưa đến nhà, bà mới sai tôi đi đón. - Tôi mệt quá, tưởng không lê nổi gánh hàng. Thúy mìm cười. Vú già ghé vai vào đòn gánh, vừa chạy phăng phẳng, vừa nói chuyện: - Hôm nay nhà có khách, eô ạ. Thấy vú nhấc lại câu chuyện không liên can đến mình, Thúy không trả lời. Bởi vì vừa được thanh thơi, nhẹ nhõm, nàng muớn yên lặng để tính toán nốt tiển nong. Vú già tiêp: - Khách lại ăn cơm, cô ạ. Bất đắc di. Thúy phải đáp cho xong chuyện: - Thế à'! Rồi nàng lại vấn vơ với những con số trong óc. Nhưng vú già nhìn. Thuý, và cười cá vẻ ranh mãnh: - Hắn cô nóng ruột lắm. - Nóng ruột lắm. - Tãi biết, cô nóng ruột là phai, mong về phải không? Thúy thấy vú có ý chế nhạo mình, nên cau mặt: - Vú này sắp hóa đại chắc. Tôi khổ vì vú hôm nay đấy. - Tôi cũng khổ vì cô hôm nay đấy. Thúy hiểu ý. Xưa nay, vú không nói đùa bao giờ, nay tự nhiên vú vui vẻ, bảo là khổ vì mình, lại khoe mấy lần là nhà có khách. Nàng đoán đây, tức lại có một đám nào đến xem mặt nàng. Bỗng thèn thẹn, lảng chuyện: - Hòm nay hàng họ khá, vú ạ. 464 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Khá là phải! - Rồi vú cười sằng sặc. Càng hiểu thêm mình đoán không sa, Thúy càng thẹn và càng không dám nghiêm khác vải vú. Nàng vốn không ưa những thói trẻ con, nhất là đối với người ăn người ở, nàng càng giữ đứng đắn. Nhưng lần này, tự nhiên nàng lại sợ vú già. Nàng sợ vú làm nàng ngượng nghịu nữa. Mà vú có thể đùa với nàng, nào phải lỗi tại vú. Chỉ do vú khoái trí vì nàng. Bỏi vậy, nàng lại đánh trống lãng: - Tháng tám rồi mà vẫn còn nắng quá. Vú không bắt lời, nói: - Cậu ta là học trò cụ Cử Nho Quan, cô ạ. Thấy vú nói rõ, Thúy nghiêm mặt, mắng: - Tôi không trẻ con! Vú già lại cười: - Tôi có trẻ con đâu. Tôi nói chuyện eho cõ biết đấy chứ! Thúy lại nói sẵng: - Tôi không nói chuyện Ấy. Vú già vẫn cười: - Rồi cô không nói chuyện cũng không được, chuyện nó cứ đến. Thấy vú càng trêu ghẹo mình, Thúy bèn ngọt ngào để vú quên câu chuvện làm nàng thẹn thò đi. Nàng núi: - À, vú nhỉ, lần trước, cái hà mặc áo đổi vai mua chịu mười vuông nát của tôi là bà gì ấy nhĩ? - Bà TưN. DANH TIẾT 465 - Hôm nay bà ta giả tiền rồi, lại mua thêm tấm vải nữa. Quả nhiên vú già không đả động đến khách khứa, bèn nói: - Bà ta ở dưới cuối tổng, vẫn là người tử tế. Bà ấy tháo vát đáo để. Hai người vào qua cổng làng. Đường đi đã có nhiều chỗ có bóng rầm mát. Thúy ngả nón ra cầm ở tay: - Sung sướng quả! Bất đề vú già lại được nhịp để quay về chuyện nói đở: - Cô lại chả sung sướng thì ai sung sướng! Tôi nghe loáng thoáng trên nhà nói chuyện, cậu ta học giỏi lắm. Không muốn nghe thêm, Thúy vờ bảo vú: - Vú gánh hàng về trước, tôi tạt vào bà ba Nghệ đòi món nợ, rồi tôi về sau nhé. Nói đoạn, nàng rễ vào trong xóm. Kỳ thực, nàng có định đòi nợ đâu. Nàng không muốn đi cùng vú nó cứ ranh mãnh định chế nàng. Song, nàng không khối nghĩ ngợi. Đi một mình trong ngõ vắng vẽ, nàng nghĩ đến bọn khách ở nhà ngày hôm nay. Nàng tuy chưa biết là al, nhưng cứ vú nói là học trò cụ Cử Nho Quan. học giỏi, thì nàng đoán ra rồi. Vào cũ tháng năm, bà Đã đã cho nàng biết có một đám là học trò cạ Cử đến xem mặt nàng. Gọi là xem mặt, nhưng sự thực chỉ là để cha mẹ nàng xem mặt chàng. chứ nàng đi chợ vắng cũng như hỏm nay. Nàng không biết 466 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP người đã đành, nhưng cũng không biết tên nữa, vì mẹ nàng quên tên, và nàng thì không bao giờ dám hỏi cha, hoặc nhờ mẹ hỏi lại cha. Bởi vì gả chồng cho nàng là quyền của cha mẹ nàng chữ không phải quyền nàng. Cho nên biết tên hay biết mặt, nàng không được lợi gì hơn. Thân gái như hạt mưa sa. Tương lai nàng là ở trong tay cha mẹ nàng. Cha mẹ nàng có bổn phận gây dựng cho nàng, lẽ cố nhiên nàng hoàn toàn tin cha mẹ, và nghe lời cha mẹ. Cha mẹ kén rể, chứ nàng không có phép kén chồng. Nàng hàng ngày đi chợ, thỉnh thoảng có gặp học trò cu Cử, và một, đôi khi có những người táo bạo vào hàng nàng mua. Nàng biết họ vờ vĩnh, đến để thử thách hoặc định chòng ghẹo nàng. Vậy thì người đến hỏi nàng ngày tháng năm, ắt đã rõ mặt nàng lắm rồi. Và người hôm nay đến làm bận vú già suốt buổi, chẳng qua cũng lại là người ấy. Nàng nhớ rằng tối hôm ấy, bà Đề có bảo nàng: - Nó là người học giỏi ở trường cụ cử, con nhà gia thế ở làng Đông Đạo, với nhà ta cũng là đăng đối, nhưng thày u còn phải xem xét kỹ lưỡng, chưa dám nhận lời. Nàng nghe nhưng không đáp. Bà Đồ chỉ báo cho nàng biết. tin ấy, chứ không hỏi ý kiến nàng. Việc của nàng, chẳng lẽ bà không cho nàng rõ một tí. Ông Đề thì tuyệt nhiên không nói gì với nàng cả. Và ông có cần nói làm gì. Ông là bậc cha mẹ. Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Bao giờ cha mẹ chẳng tìm chỗ xứng đáng để đặt con. Để vú già đi một lát lâu, Thúy mới ở trong ngõ ra đường cái để về nhà. DANH TIẾT 467 Đến công. nàng lắng lặng đi thẳng xuống bếp. Qua sân, nàng ngả nón che về phía nhà trên. Nàng muốn giấu tmặt. Nhưng vú già cười: - Người ta về từ bao giờ rỗi còn gì. Lúc ấy Thúy mới dám tự do. Nàng hỏi: - Ông đâu? - Ông xơi rượu xong thì nằm ngủ. - Bà đâu? - Tôi cha biết. Bà Đề ở trong vườn, đáp ra: - U đây, Thúy mới về đấy à? Hàng họ có khá không, mày? Nhưng tối hôm ấy, ông bà Đề không nói cho Thúy nghe về bọn khách lúc ban ngày. Mà rồi nàng cũng bận việc nọ việc kia, cũng quên đi mất. Sự thực, dù nàng có nghĩ đến cũng không đám hỏi. Quyền gả bán nàng là ở cha mẹ, nàng không được dự bàn. Ông bà không cân hỏi ý kiến nàng. Vả dù có biết tên tuổi người hỏi nàng, nàng cũng không thể biết mặt người ta ra làm sao. Học trò oe¡ Cử Nho Quan rất nhiều, thỉnh thoảng nàng có gặp đấy, nhưng biết thế nào được là nàng sẽ nưng khăn sửa túi cho ai. VẢ lại, tình cờ có gặp người Ấy, và có người bảo cho nàng biêt, thì nàng phải tìm đường mà trốn tránh ngay. nếu không thì thẹn chết. Lở lại gặp vào lúc không thể trốn tránh vào đâu 468 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP được, thì nàng đành vậy, nhưng phải cúi gầm mặt xuống, không đám nhìn lên. Hóm sau, Thúy dậy sớm, cơm nước xong, lại đi chợ như mọi ngày. Lúc ấy, nàng mới nhớ đến bọn khách hôm trước, bèn bảo vú già: - Chốc nữa, vú đi đón tôi sơm sớm một tí nhé. Bà Đồ mỉm cười: - Được, không phải đặn, tại hôm qua vú bận chút việc ở nhà. Bà không nói rõ là bận việc gì, mà Thúy cũng không muốn biết là bọn khách nào. Nàng muốn thảnh thơi, để tâm trí vào công việc làm ăn. Ít lâu nay hàng họ bán chạy, nên nàng rất ham mê buôn bán. Nàng giúp đỡ được cha mẹ sự chi tiêu hàng ngày. DANH TIẾT 469 lì( 4:: cho đến tháng Giêng năm sau, bà Đồ mới nói cho Thúy biết. việc trăm năm của nàng. Ngày hôm ấy đi chợ về, Thúy biết ở nhà, cha mẹ hiện có một việc gì bàn tán với nhau, và xem chừng hể hả lắm. Nguyên mọi ngày, bao giờ thấy nàng về đến cổng, bà cũng hói thăm ngay hàng họ thế nào. Thúy và vú già cất gánh vào trong buếng, thì xuống bếp làm cơm, nhưng bà đã nhật mớ rau, hoặc cọ nổi, hoặc xé cua hộ rồi. Lần này, bưởc chân về đến nhà, Thúy tưởng mẹ đi vắng. Vì bà không có ở dưới bếp, và không thây công việc bếp nước được sửa soạn sẵn sàng. Thì ra bà ở nhà trên, đỏ nói chuyện với ông. Thoáng nghe một câu, Thúy đoán cha mẹ bàn việc nhân duyên của mình, nên nàng vội vã lánh xa. Quá nhiên đến tối, khi quạt màn xong. hai mẹ eon đi nằm, bà Đồ mới hỏi: - Thế nào? Hôm nay hàng họ ra sao? - Cũng khá, u ạ. Con chi tiếc mớ vai của bà Tư Ni, không mua được. Nhưng những chuyện ấy không là chuyện bà Đề định 470 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP nói và định nghe, bà chỉ dùng làm câu mở đầu để vào đề mà thôi. Bà thở dài: - Mày buân bán đang lãi lờ thế mà bên kia người ta xIn cưới! Bà dùng tiếng "bên kia", tưởng chừng như con bà đã biết rõ là người nào như bà rồi vậy. Thúy không đáp. Nàng vơ lấy hai tay đập vào nhau, như để đánh muỗi vậy. Nàng thẹn thò, nhưng may lúc ấy trong buềng không thấp đèn, nên không ngượng nghịu. Bà Đồ lại thả dài: - Thôi thì mày cñng đến tuổi về nhà người ta chứ có bé bóng gì, thày u giữ thế nào được mãi. Thúy nghẹn ngào. Tự nhiên nàng thấy thương cha mẹ thiếu người đỏ đần. Nàng nén hơi, để thử dài một tiếng khẽ. Bà Đồ nói: - Được cái nó cùng là eon nhà gia thế, thày u đã xem xét kỹ lưỡng. Nó học giỏi, mà lại có nết. Thày u cũng chỉ chuộng đám học trò, cốt được đứa hiền lành ngoan ngoãn, biết theo đức mà ăn ở, còn ngày sau có đỗ đạt, làm nên gì hay không, là nhờ đ phúc ấm đôi bên. Thúy vẫn yên. Bà Đồ tiếp: - Nhà ta thanh bạch, người ta cũng chị chuộng người, chứ nếu cốt lây vợ giầu thì vùng này thiếu gì người. Rồi bà tặc lưỡi: - Chẳng qua là cái duyên cái số. Nếu cứ ý tao thì ngày tháng năm năm ngoái, tao đã bằng lòng đám con ông Thông Sứng bên Đông Đạo, tên là thằng Hạnh, vì nó học DANH TIẾT 471 giỏi có tiếng ở trường cụ Cử Nho Quan. Nhưng thày hỏi ra, thì tuy nó tên Hạnh, nhưng hạnh kiểm kém, nên thày không bằng lòng. Mấy lần ông Thông sang khẩn khoản, thày đã gần xiêu lòng, nhưng thày lấy ngày sinh tháng đẻ của thằng Hạnh để tính tử vi, thì thấy gia đình ấy phúc đức cũng kém lắm. Thày có giảng cho tao ngbe những sao gì sao gì, nhưng tao không nhớ. Thì đến ngày tháng chín, ông Bát Tiên làng Thượng nhờ người đến đạm mày cho con ông ấy, tên là Chính. Thăng Chính này cũng là họe trò cụ Củ Nho Quan hay chữ không kém gì thằng Hạnh. Thày u bằng lòng gả mày cho thằng Chính. Thằng này học giỏi, có đức hạnh hơn thằng kia. Nội vùng Nho Quan, ai cũng khen. Nhà nó không thanh bạch như nhà ta. Cụ thân sinh ra ông Bát làm Tri huyện, vậy là ở chỗ cế gia cả. Vậy nhà này hơn nhà ông Thông ở cái là nhà ông Thông không al đã đạt gì, mới có ông ta có chân nhị trường rồi đi thông lại, chứ tổ tiên về bên hào. đất chỉ có thể phát phú chứ không phát quý. Bà Đồ yên một lát để xem Thúy có hỏi gì không. Nhưng thấy con vẫn yên lặng, bà mới nói: - Thày đã sang bên Thượng xem nhà cửa ông Bát, thày bằng lòng lắm. Tuy không ruộng sâu trâu nái, nhà ngói cây mít, nhưng cả họ Trần quây quần vào một khu, mà nhà nào cũng có vượng khí, nên thày thích lắm. Như thế là họ người ta phúc lắm. Thày lấy tử vi thằng Chính, và ở lại một hôm để ra đồng, nói thác là muốn tìm cho người quen một ngói đất, nhưng kỳ thực cốt xem mô mả bên Ấy ra sao, thì thấy rằng mộ ông cụ tam đại được. Cho 472 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP nên thày cá bụng mừng, về bao u, hễ người ta có nói lần nữa, thì nhất định bằng lòng, và từ chối đám con ông Thông Sứng. Thúy lúng túng đáp: - Vâng. - Thằng Chính nó đã sang bên nhà ta, thày u đã biết mặt. Nó không đui què mẻ sứt gì đâu, con đừng sợ. Bà cưỡi vui sướng, rỗi tiếp: - Ú chi chuộng nó là đứa học giỏi, trông mặt mũi phúc hậu, lại là con nhà dòng dõi. Thúy lại ấp úng: - Vâng. - Nhà ông Bát cấy mươi mẫu ruộng. Ruộng bên ấy cũng như bên ta, vậy kể thì không là bậc có, nhưng không phải vào hạng nghèo. Vậy con làm dâu nhà ấy là xứng đáng lắm. Bà Bát trông người thật thà dễ dãi, chứ không thớ lợ ý tứ như ngươi khác. Nhưng dù sao, người ta cũng là mẹ chẳng. Ông bà ấy có thằng Chính là lớn, còn ba đứa con nhỏ nữa, hai giai một gái, chúng nó đều có vẻ hiển lành. Đi làm dâu mà được mẹ chồng dễ dãi. chị chồng không có, em chẳng còn bé, là may mắn lắm. Vậy con về bên ấy, phải ăn đ cho phải đạo, trước là được tiếng khen, sau nữa để làm gương cho người khác. Thúy mỉm cười. Nàng dám mỉm cười vì chấc trong bóng tối, mẹ nàng không trông rõ. Nàng rất bằng lòng người mà mẹ nàng vừa nói. Cả gia đình người ấy cũng không có gì đáng phàn nàn. Nàng nhớ kỹ mấy tiếng cần: DANH TIẾT 473 Chính, con ông bà Bát Tiên trên làng Thượng. Nàng sẽ là vợ Chính, sẽ về làm dâu tận trên làng Thượng. Nàng chỉ ngại cái xa nhà. Từ Thượng đến Phương Bá, phải đi thuyền mất gần nửa ngày. Có lối đi tất bờ ruộng, nhưng phải qua cái lạch, cần đò ngang. Nàng biết vậy, vì đã có lần bán hàng cho một người làng Thượng; người ta nói chuyện thế. Thấy Thúy không hỏi han câu nào, lại chẳng trả lời gì, bà Đồ gọi: - Thúy, mày ngủ đấy à? Thúy lại mỉm cười trong tối, đáp: - Thưa u. không. Bà Đề cười: - Ù,u cứ tưởng mày ngủ thì lạ quá. Hay mày nghĩ ngợi điều gì? Thúy đáp: - Không, con có nghĩ ngợi gì đầu. - Ừ, thế là phải, con gái lớn, bố mẹ gả chồng, tìm được nơi xứng đáng thì bằng lòng cho người ta. Phận làm con, cha mẹ đặt đâu phải ngồi đấy. Sơ bà Đồ tưởng mình đấn đo, nên Thúy đáp: - Vâng. - Thày u đã xem xét kỹ lưỡng, so sánh những đảm người ta hói xin mày, chỉ có đám này hơn cả. - Vâng. - Đến hai mươi này, người ta xin ởi cái vấn danh. Rồi 414 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP rằm tháng sau, người ta xin cưới. Vậy mày đi nốt buổi chợ ngày mai, rồi nghỉ, thu xếp tiền nong, đòi những món nợ lặt vặt. kếo sang bên ấy, rồi lâu mới lại về được. - Vâng. - Mày có điều gì đặn đò thày u không? - Thưa không. - Mày có điều gì nói không? - Nói ecá1 gì ạ? - Nói về việc nhân đuyên mày, chứ nói cái gì. - Không ạ. - Thế là phải, nhà ta có phúc. con biết nghe lời cha mẹ. Còn như dẫn cưới, thày u tuỳ người ta, có nhiều mày được nhiều, có Ít mày được ít, chứ không thách thức gì. Thày u chỉ cốt lấy người. Chứ vẽ vời lắm, lỡ người ta không lo được, phải đi vay, thì mày lại nai lưng ra làm để giả. Như vậy, thày u chả được gì, lại để khổ cho mày. Rồi bà thở đài: - Người ta gả chồng cho con, thì còn được lờ lãi, chứ thày u chỉ bị thiệt. Song, bà tặc lưởi: - Thế cũng phải, biết con mình có hay hớm gì không, lỡ về nhà người ta chả biết làm ăn, rồi mỗi chốc người ta lại lôi ra người ta kể. Nhưng bà lại nói: - Ông bà Bát chẳng phải người thế. Òng bà ấy phúc hậu. nhà ấy là nhà nền nếp. Thày u chỉ khuyên mày một DANH TIẾT 475 điều là ăn ở cho phải đạo. Một câu nhịn là chín câu lành, đối với ai cũng vậy. Nghĩa là đừng để người ta nói đến cha mẹ, tổ tiên. Thúy cảm động, đáp: - Vâng. Thấy đã hơi khuya, vả không có gì nói thêm, bà Đồ yên lặng một lát, rồi bà ngáp: - Mày có gì muốn hồi hay muốn nói nữa không? Thúy thẹn thò, đáp: - Không ạ. - Ù, thế thì ngủ đi. Bà Đồ nằm yên một lát, đã thấy ngáy đều đều. Còn Thúy thì thỉnh thoảng lại cựa. Nàng không nghĩ sao được. Nhưng nàng nghĩ mà không dám nói ra. Nàng muốn biết mặt người tên là Chính. Nàng muốn biết nhà chàng thế nào. Nhưng không thể. Không thể biết những điều ấy, thì nàng không cần biết những điều phụ, mà những điều phụ này rất nhiều. Hiện nay hoang mang, nàng chưa nghĩ được gì. Song, nàng rất hài lòng vì được tấm chẳng xứng đáng. Một người mà cha nàng đã biết mặt, biết số, biết nhà cửa, lại biết cả mồ mả tổ tiên, người ấy đã được cha mẹ tưrng cho nàng được ký thác cả một đời, thì nàng rất mừng. 476 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP mị #:: vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dềm pha. Kể ra bên nhà xin cưới ngay như thế rất. phải. Trong bến anh em ta ở đây, anh là người sung sướng nhất! Chính mìm cười: - Vậy ra, anh Quý ạ, anh vẫn chưa hiểu bụng tôi. Quý rặt mỗi thuốc lào vào điếu, nhìn Chính. Thân bĩu môi: - Những thằng con trai, thằng nào cũng vậy, lấy được vợ đẹp, thích mê, nhưng vẫn còn làm bộ. Quý vừa kéo hơi thuốc, vừa gật lia ha, vừa nhìn Hạnh. Nhưng Chính rầu rầu nét mặt: - Tôi nói các anh chưa hiểu bụng tôi là đúng lắm. Hẳn ba anh đã nhận thấy là mấy hôm nay tôi kém vui. Thân đáp: - Có, cái ấy có. Anh kém vui, là anh Ìo lắng ăn ở sao cho xứng đáng với cái nhan sắc của người bạn trăm năm của anh. Chính lắc đầu: - Không phải. Tôi kém vui, vì anh Hạnh. Lúc bấy giờ Hạnh mới lên tiếng: DANH TIẾT 477 - Anh lại làm tôi khó hiểu anh hơn. Sao anh lại bảo tại tôi? Tôi với việc anh cưới vợ của anh. có liên can gì đến nhau? Chính ngậm ngùi: - Điều ấy anh giấu tôi, nhưng tôi đã tự tìm ra. Tôi hỏi thực anh nhé. Có phải anh đã hỏi con ông bà Đồ Phương Bá và bị bền ấy từ chối không? Hạnh đỏ mặt, gẬt: - Phải, nhưng tôi có giấu ai đâu, anh dùng tiếng giấu không đất. Tôi hãy hỏi ba anh, có anh nào hỏi tôi về việc tôi với con ông đề Phương Bá không? Ba người yên lặng. - Vậy nếu có hỏi, mà tôi không nói hoặc tôi nói đối, mới là tôi giấu chứ. Đằng này các anh không hỏi thì sao anh Chính lại bảo là tôi giấu? Chỉ có là tôi không nói chuyện ấy cho các anh nghe, bởi vì một người con trai như chúng ta, thấy chỗ nào xứng đáng thì hỏi, bị từ chối là thường. Lại có khi đến hai ba đám nhận gả, mà ta gạt những đám ta thấy kém, cũng là thường. Cho nên tôi cho việc ông đồ Phương Bá không gả con cho tôi là việc thường, kể làm gì cho các anh nghe. Cả ba người cùng cười. Hạnh nói xong, đắc chí, hút một hơi thuốc dài. Quý nói: - Anh Hạnh có lý. Chính tôi đây. bị từ chối đến năm lần, rồi mới kết hôn với nhà tôi bây giờ. Thân gật gù: - Cho nên gọi là duyên số thực đúng. Như tôi đây, 478 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀ N TẬP không ngờ đâu lại làm bạn với nhà tôi, vì thật là một, người xứ Đông, một người xứ Đoài, tưởng không đời thuở nào gặp nhau, thế mà chỉ tình cờ mọt chuyến thuyền hai cụ làm quen nhau, đồng ý nhau, rỗi hứa dâu gia với nhau. Thật nực cười. Chúng tôi đến hôm cưới nhau, còn chưa biết. mặt nhau. Hạnh nói: - Chưa biết mặt nhau là thường. Cô Thuý, tôi chắc cũng chưa biết mặt anh Chính. Chính cười: - Phải, chỉ mình ranh mãnh mới biết. mặt họ, chứ họ có để ý đến mình bao giờ đâu. Rồi nghiêm trang, chàng tiếp: - Hôm nay tôi nhờ chủ nhân mổ gà dọn rượu cho anh em ta, là tôi muốn làm một, bữa chén tạm ly biệt các anh nửa tháng, về cưới vọ. Thân và Quý cười ha hả: - Đấy mới là anh giấu chúng tôi. Thảo nào. tôi thấy bà Lý giết gà, hỏi bà không nói, lại bảo hỏi thày Chính thì rõ. Chính đáp: - Là tại tôi dặn, muốn ba anh ngạc nhiên về bữa cơm chiều nay một chút, Rồi chàng quay về phía Hạnh: - Anh Hạnh ạ. thày u tôi hỏi con ông bà Đồ lúc nào tôi khóng biết. Một hôm, thày tôi bảo tôi sửa soạn sang bên Phương Bá, nói là thăm ông Đề là chỗ bạn thân. Ái ngờ để DANH TIẾT 479 cho ông bà Đề xem mặt, mà thày tôi với ông Đồ chỉ là quen nhau xoàng. Rồi một hôm thày tôi đắt tôi đi chợ, vào hàng cô Thúy mua vải. Mãi đến khi ông bà Đồ nhận lời, thày tôi mới nói rõ cho tôi nghe. Hạnh cười: - Thế là anh sung sướng hơn tôi. Bên thày tôi nhờ người nói đi nói lại đến mấy tháng cũng không xong. Chẳng qua là đuyên số thật. Đoạn phá lên cười một cách vui vẻ. Chính nói: - Nếu tôi biết bên ấy từ chối anh. thì tôi quyết nói với thày tôi hỏi đám khác. Hạnh cau mặt: - Anh này mới lạ chứ! Chính nghiêm trang: - Thực vậy. Tôi có thể coi tình bạn bè nặng hơn nghĩa vợ chồng. Thân thấy câu chuyện hay hay, nói xen vào: - Anh Chính tốt bung với anh em, nhưng như thế cũng gọi là dở hơi. Chính cười: - Bây giờ đã chót thì phải chét. Hạnh nói: - Nếu chỉ vì tôi trọ học với anh một nhà, mà anh bỏ ]ö cuộc trăm năm với người xứng đáng. thì anh Thân gọi là đở hơi thật đúng, Tôi đã nói, một người con trai thấy chỗ 480 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP nào xứng đáng thì hỏi, cũng như cha mẹ người con gái, thấy đám nào đăng đối thì ga. Đó là thường tình. Tôi có phải vì bị từ chối mà buồn và oán người ta, thù người con trai khác được nhận lời đâu. Trái lại, tôi thấy anh sắp kết hôn với cô Thuý, tôi lại mừng, mừng vì chính cô ấy về sửa túi nưng khăn cho một người trong bọn anh em mình, mừng vì anh lấy được một người có nhan sắc, có đức hạnh, lại mừng vì cô Thúy được một người chồng xứng đáng. Chính cảm động, nhìn bạn. Thân gật gù: - Thế mới biết lòng đại lượng không thể tìm đ đâu ngoài đám học trò. Tôi nghe chuyện từ nãy đến giờ, được hiểu thêm hai anh mà thêm phục. Anh Chính vì lấy người từ chối anh Hạnh nên không vui, anh Hạnh thấy người từ chối mình được kết hôn với chỗ xứng đáng lại mừng. Hạnh vu1 sướng: - Phải, kết hôn với chỗ xứng đáng hơn. Chính nhún: - Sao anh lại gọi là hơn? - Thì hai ta, người ta từ tôi và nhận anh, tất người ta coi anh hơn tôi. Đó là hiển nhiên anh hơn chứ gì. Chính cười: - Vị tất đã hơn. Quý nói: - Rể ra cứ công bình mà nói, trường ta, hai anh sức học ngang nhau, nhưng về bên đức, thì anh Hạnh hơi kém. Đó là tôi nhắc lại lài Thày, chứ tôi không phải tự ý suy xét thế. DANH TIẾT 481 Hạnh đáp: - Điều ấy ai cũng phải công nhận. Thường Thày vẫn khuyên báo tôi nên trồng gương anh Chính mà ăn ở. Tôi vì phục anh Chính và muốn noi anh Chính, nên mới nói với ông bà Lý đến trọ đây với các anh. Trước là được chỗ gần để học tập, hai là có những bạn giỏi để theo đồi, ba là được luôn luôn ở gần anh Chính để sửa sang tính nết. Chính dơm đớm nước mắt, ngắt lời bạn: - Anh Hạnh. xin anh đừng nói thêm nữa, anh làm tôi khác, tôi bắt đền. Hạnh cũng cảm động: - Không, tôi nói thực đấy. Chúng ta đây là những học trò đứng đắn, người nào cũng ngoài hai mươi tuổi cả rồi, tức là hạng biết nghĩ. Những điều tôi vừa nói, là do ở tận trong lòng tôi, chứ không phải lời khách sáo. Quý đương nhìn lũ chim bổ câu mổ hạt ở ngoài sân, bỗng quay lại Hạnh: - Anh mới đến đây ở với chúng tôi hơn một tháng. chắc anh chưa được rõ tạ) sao anh Thân với tôi coi anh Chính như anh, và nhận làm em. Là chúng tôi cũng cùng một ý như anh, lấy anh Chính làm gương. Chúng tôi trọ nhà ông bà Lý đây ba năm nay, chúng tôi càng không muốn rời anh Chính. Chúng tôi tưởng tượng giá anh Chính đi trọ chỗ khác, thì chúng tôi cũng theo đi. Chính vò tờ giấy lau vệt nước trên mặt bàn cho đởđ ngượng. nhũn nhặn nói: - Ba anh quá khen. Các anh quên rằng ở với các anh, 489 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP tôi được lợi nhiều à? Học thày chẳng tây học bạn. Hạnh vớ lấy cái điếu: - Cho nên Thày bảo tôi, tôi nghe ngay. Tôi vốn phục thiện. Mà xin nói thực là chỉ tại tôi biết việc hỏi cô Thúy chắc chắn là hỏng, tôi mới xin lại trọ với các anh. Mà sao tôi biết là chắc chấn hỏng, là do tôi thấy anh Chính cũng hỏi, thì thể nào tôi cũng thua. Chính ngậm ngùi nhìn bạn: - Đó, tôi kém vui là vì thế, nếu không có tôi, chắc cuộc nhân duyên của anh thành. Hạnh lác đầu: - Chả chắc. Rồi chàng tặc lưỡi: - Chà, tại số hết. Anh nên tìn ở sế. Tin ở số thì không còn điều gì đáng buồn, đáng oán, đáng giận eä. Con đỏ bưng mâm cơm lên, nói: - Mời các thày xơi cơm. Chính bàn với bạn: - Bốn chúng ta cùng xuống dưới nhà, thỉnh chủ nhân cùng ăn cho vui. Con đỏ đáp: - Thưa cáe thày, ông bà Lý đã vô phép rồi. Chính ngấc mắt nhìn: - Thực à? Ông Lý ăn bao giờ? - Thưa, ban nãy a. Ông tôi phải ra đình họp việc làng. DANH TIẾT 483 - Chị mua cho anh em tôi nửa chai rượu nhé. Hôm nay chúng tôi muốn mượn chén để mua vui. Thân hỏi: - Nhưng dù chủ nhân ăn rỗi, mà mình thành tâm, thì cũng cứ xuống mời, khi nào người ta từ chối hãy hay. Quý khen: - Phải. Anh Chính với anh Hạnh xuống mời, tôi còn có việc phải lau chén để rót rượu. Chính và Hạnh vừa khăn áo xong, thì ông Lý đã lên nhà học, xoa hai tay vào nhau: - Mài bốn thày xơi rượu. - Ông ngồi với anh em chúng tôi cho vui. - Quả là tôi đã vô phép bốn thày rồi. Đoạn ông nhìn Chính: - Để vài hôm nữa, tôi xỉn về mừng việc vui của thày, tha hồ chè cbén. Bây giờ tôi phải vội đi đằng này. Chính mỉm cười: Vâng, ông đã hứa với tôi từ hôm nọ. Nói đoạn, ông Lý chào bốn người học trò rồi ra. Một lát, con đồ mang rượu về. Quý đùa; - Tôi phải tập uống rượu, nay mai đi ăn cỗ cưới, không biết chén người ta cười cho. Hạnh gật: - Có lẽ trong bốn anh em ta, chỉ minh tôi là biết uống. Chính khoe: 484 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Tôi nữa. Tôi được hai chén. Hạnh vỗ đùi: - Thế thì kém tôi, tôi được những ba chén. Thân vừa rót rượu, vừa nói: - Không biết ai sinh ra cái uống rượu, thật là thần tiên. Chúng ta là môn đệ Thày mà khòng học được nết rượu của Thày, thật đáng xấu hổ. Chính cười: - Rượu bên làng tôi nấu ngon có tiếng, Thày vẫn thích. Hôm qua tôi mời Thày sang ăn cưới tôi, Thày nói đùa vằng: Anh cho thày một vò rượu còn hơn bắt thày phải đi đường nhọc nhằn. Thân hỏi: - Nhưng Thày có đi chứ? - Có. Chú tôi hôm nay sang tận đây mời Thày, Thày đã nhận lời. Lát nữa chú tôi cũng đên đây, mời cả ông bà Lý và ba anh. Hạnh trế mắt: - Chết, việc vu1 mừng của anh, anh bảo sang, chúng tôi phải nghe lời, sao anh lại phải nhồ ông chú đến mời cho thêm phiền. - Các anh là chỗ bạn thân, tục bên tôi mời thế mới là trân trọng. Tôi nhờ ba anh đi phù rể. Xin ba anh chớ chối từ. Quý đáp: - Anh làm hân hạnh cho chúng tôi nhiều quá. - Tôi ăn với các anh bữa nay, rồi lâu mới lại được họp mặt. DANH TIẾT 485 Thân ngắt lời: - Họp mặt ở nhà trọ này, họp mặt ở trường, chứ còn họp mặt ở nhà anh, thì mai kia chúng tôi về ăn cưới kia mà. Chính đắc chí. rũ ra cười: - Ừ nhỉ. thếl à tôi đã chếnh choáng rỗi đó. Mới thấy hơi men đã say. Bốn anh em nhắp rượu và cầm đũa. Chính nói tiếp: - Các anh sang bên tôi trước một hôm, đón dâu xong, sáng hôm sau về với Thày. - Thày sang hôm nào, chúng tôi cũng đi hầu Thày hôm ây. - Thày sang trước một hôm. Thân cầm chén, giơ lên, nói: - Bốn chúng ta cùng cạn cả chén này để mừng anh Chính ởi. Cá bọn cùng uống một hơi. Họ không biết uống, nên nhăn mặt, khà một tiếng. Quý vớ lấy thùng cơm: - Ảnh nào uống nữa thì uống, chớ bắt chước tôi mà hèn. Nói đoạn, chàng xới cơm vào bát, rồi rót rượu đầy chén cho ba bạn. Chính thấy các bạn, nhất là Hạnh, đối với mình có vẻ thành thực, âu yếm, lấy làm vui sướng lắm. 486 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP 1V 41:y hôm nay, nhà ông bát Tiên làng Thượng tấp nập những khách. Làng, giáp, họ, bạn, cả đàn ông lẫn đàn bà, người ta đến ăn cỗ mỗi bữa có đến dăm chục miệng. Pháo đốt những tràng dài. Tiếng đàn, tiếng phách, tiếng hát véo von của cô đầu hòa với tiếng cười vang dậy của khách khứa. Ban đêm, dưới ngọn đèn ba dây, người ta đánh tổ tôm với những nét mặt trầm tĩnh, hoặc quanh ba khay thuốc phiện, người ta quây quần bàn tán cạnh ngọn đèn dầu lạc leo lét, hưởng những làn khói đượm thơm tho: - Ông bà Bát tên là Tiên rất xứng với tên. Được nàng dâu ấy, thật sung sướng. Mối nào mà giỏi thế. Cậu Chính được vợ đẹp và hiển, giời quả có mắt. Giai anh hùng, gái thuyền quyên, phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng. - Thôi, cũng là xứng đáng. Một bên là học trò giỏi, có đức hạnh, một bên là con gái đảm, có nhan sắc. Nhà người ta vượng có khác, kén được dâu hiển. Rồi thấy Chính đi qua, người ta gọi: - Cậu Chính đấy à? Cá làng cả họ mừng cho cậu. Chính dừng lại, mỉm cười. Biết là câu phỉnh phả, nhưng chàng cũng vui sướng lắm: - Cảm ơn các cụ, các ông. - Đám cưới cậu, ông bà làm to cũng đáng, mất. trăm mất nghìn mà được một người, chúng tôi mong thế không DANH TIẾT 487 được đấy câu ạ. Đám cưới cậu còn nhiều câu đối mừng hơn đám cưới cậu ca nhà quan Phủ. Sợ đứng lâu mất thì giờ, Chính chỉ mỉm cười mà không đáp. Thật vậy, chàng đương đở bận. Nhân không thấy ai nói thêm câu nào, chàng vội len lén đi thẳng. Chàng vào buồng riêng đóng lại chiếc mắc áo ra chỗ khác. Buồng này ngày mai, sẽ đón người vợ mới của chàng, cho nên chàng trông nom từng ly từng tý. Buầng ấy là một góc cái lẫm thóc, ở mé sân bên trái, về phía trong nhà khách. Nó rộng vừa vặn để kê cái giường ngủ, bộ ghế ngựa ngêi chơi, và chiếc bàn nhỏ, để đèn, cháp trâu, ống nhổ và bộ ấm chén. Ông Bát chọn chỗ cho con ở thật khéo. Một là nó riêng biệt hẳn ra một nơi hẻo lánh ở khu nhà, lợi cho vợ chẳng mới còn thẹn thò, e lệ. Hai là để chỗ chứa thóc khỏi quá hẻo lánh, từ nay có người ở ngay cạnh trông nom. Cho nên ông chát vách ngăn riêng lãm thóc để làm buồng. Chính lấy làm vừa lòng về chỗ ở riêng của mình lắm. Chàng cầm kìm nhổ đanh để lấy mắc áo, rồi đóng ra chỗ khác cho gần giường ngủ hơn. Vả chế trước khâng được kín đáo, bất tiện cho một người nàng đâu mới, cần phải giữ gìn ý tứ. Chàng lấy dây đo lại xem những đanh mắc màn đã đều nhau chưa. Chàng kê lại chiếc yên để mai đặt hòm cô đâu, sau chiếc màn hoa đào mới, cùng sẽ đem sang với chăn, chiếu, gối, cũng vừa mới sắm. Bống bà Bát vào. Bà mỉm cười: - Thế nào, anh còn muốn lấy thêm gì vào nữa hay không? 488 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Chính bấi rối, đáp: - Thưa đẻ, không. - Vày xong xuôi cả rồi chứ? - Vâng. - Thế thì đi mà ngủ sớm, mài các anh ấy lên nhà thờ năm cho tĩnh. Mai tan canh đã phải đi rồi, kẻo muộn. Bà Bát dùng tiếng các anh ấy để chỉ bọn bạn họe cùng trọ với Chính một nhà bền Nho Quan. Quý, Hạnh và Thân mới tới đây lúc ban chiều cùng với cụ Cử. Họ đi phù rể. Chính nó! với mẹ: - Để các anh ấy nghe hát một lát, ngủ bây giờ khí sớm. Rễi bà vén áo, ngồi trên ghế ngựa, khẽ hỏi Chính: - Này, anh ạ, từ chiều cứ bận, đẻ chưa kịp hỏi chuyện anh, có phải cái nhà anh hai mắt xếch tên là Hạnh phải không? - Vâng, sao đẻ biết? - Đẻ trông ba người, thấy mặt mũi anh mắt xếch, đề đoán ngay ra chắc anh này bị ông bà Đồ từ chối. Nói đoạn, bà đắc chí, tiếp: - Hai anh kia hiền lành. - Vâng, đề đoán đúng. Ở nhà trọ, chí có anh Hạnh là khác tính, chúng con không thích mấy. - Anh ta là người mới đến trọ đấy nhỉ? - Vâng, sao đẻ biêt? - Chả một lần anh nói chuyện với thày đẻ là gì. Chính nghĩ một lát, rêi đáp: DANH TIẾT 489 - À phải, vâng. - Kể ra anh ta cũng quân tử, hỏi vợ không đắt. rồi mà nhận lời đi phù rể. - Vâng, con bất đắc đi mới mời anh ấy, và anh ấy cũng bất đắc đi mới nhận lời. Đề tính, chăng lẽ con mời anh Thân và anh Quý đi phù rể, lại không mời anh ấy, và chẳng lẽ hai anh kia nhận lời, anh ấy lại chối từ. - Con xử thế rất phải, mà anh Hạnh nhàn lời cũng rất nhà nhặn. Ở đời nhiều sự giao thiệp tuy bất đắc di nhưng mà cần. Con không mời, sợ anh ấy túi thân, hoặc chạnh lòng. Anh Ay chối từ, sợ mang tiếng là nhỏ nhen. - Vâng, con mời thêm anh ấy chẳng thiệt gì, mà anh ấy nhận lời cũng chẳng mất gì. Bà Bát gật gù, hà vứt miếng bả trầu ra sân, rồi hỏi: - À, thế con xem anh Hạnh đối với việc cưới của con ra lam sao? - Không thấy tô ý gì ca. - Sao con không nhờ hai anh kia đồ hộ. - Có, nhưng anh ta kín đáo lắm. Thấy anh ta đến cùng trọ, con hơi ngạc nhiên, cho là anh ta không biết con sắp làm rể ông bà Đề. Nhưng hỏi ra, thì anh ta có biết. Nhưng anh ta nói, làm giai, hỏi vợ bị người ta không ga là sự thường. Bà Bát khen: - Thế thi bụng dạ khá đấy. Sao trước kia. con cứ kêu là anh ta kém đức hạnh? - Cái kém đức hạnh thì có, chứ không không. Không 490 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP phải vì con nghì ky mà con bịa đặt va như vậy. Chính cụ Cử và cả anh em ở trường cũng nhận thấy thế. Bà Bát gật đầu: - Có lẽ, cho nên ông bà Đã mới không gã con cho, - Nhưng từ ngày anh ta đến ở chung với ba chúng con, anh ta đã thay đổi nhiều, bót kiêu ngạo, tuyệt nhiên không có những ngón xỏ xiên, lừa lật. - Phải, mình ăn ở đứng đắn, tử tế, tự khắc người ta phải bắt chước. - Vâng, chúng con cảm hóa được một người nên lấy làm thích lắm. Bỗng nghe tiếng chân người đi ngoài sân, bà Bát quay ra, hỏi: - Ai thế? Có tiếng đáp: - Bấm cháu. - Hỏi gì? - Thưa, cháu xin đi bắt lợn. - Độ đầu trống ba bắt cũng vừa. Này, tôi bảo. Rồi bà đứng đậy, nói với Chính: - Cồn bận đến trưa ngày kia mới văn khách. Anh rủ các anh ấy đi ngủ đi. Đẻ còn vần vật suốt đêm nay. Đoạn, bà ra sân. Chính đứng lại, ngắm nghía căn buồng với các đồ đạc. Chàng có vẻ nghĩ ngợi. Rồi chàng cầm đèn đi ra, đóng cửa buồng, khóa trái lại. DANH TIẾT 491 V 41: ngoài điểm đổ hồi tan canh. Bà Bát lên nhà thờ gọi Chính: - Sáng rồi, gọi các anh dậy, ăn cơm rồi sắm sửa đi kẻo muộn. Chính ngồi nhốm dậy. Tuy đêm chàng ngủ rất ít, nhưng không mệt nhọc mấy. Óc chàng lúc nào cũng tỉnh táo, vì luôn luôn luẩn quần nghĩ. Chàng không nghĩ sao được. Còn gì sung sướng hơn người con trai sắp kết hôn với một người con gái vừa ý. Chàng mừng và mong chóng sáng. Chàng cũng nghĩ đến bốn phận sau này, bổn phận làm chồng, bổn phận làm rể, rồi đến bổn phận làm cha. Chàng tính đến cách sinh nhai khi cha mẹ già yếu. Chàng phải học hành, đỗ đạt, để sau ngày làm rang rở họ hàng. Chàng lo. Nỗi mừng, nỗi lo đã làm chàng mất ngủ mấy đêm nay. Gia dĩ từ sáng hôm kia, ở Nho Quan về, chàng phải tiếp khách, lên nhà trên, xuống nhà dưới, đi lại quần quật, không lúc nào rảnh. Vậy mà óc làm việc, chân tay làm việc, song, chàng vẫn khoan khoái, tỉnh táo như thường. Chàng ra hiên nhìn trời. Sao trên không lấp lánh như những hạt bạc đính trên tấm nhung đen. Trời hôm nay có vẻ tươi sáng, tạnh nắng. Chính trông xuống bếp: dưới những ngọn đèn treo tỏa ra một thứ ánh 492 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP sáng vàng, người nhà vẫn yên lặng làm việc cơm nước một cách tấp nập. Chàng cảm động thấy a1 nấy bận rộn vì mình. Chàng súc miệng, rửa mặt, rồi vào đánh thức các bạn. Một lát sau, bốn mầm cỗ bưng lên nhà khách. Ông Bát mời e\ì Cử và bọn học trò đi uống rượu với bọn họ hàng dì cuộc đón đâu. Vì ngái ngủ, vả bữa cơm này chỉ là để điểm tâm thôi, nên mọi người ăn chiếu lệ. Người ta chỉ uống dăm ba chén rượu lấy sức hoặc một hai bát cơm khỏi mệt mà thôi. Và để đi sớm cho được việc. Trời đã tang tảng. Một thứ ánh sáng xanh lờ mồ đã gần soi rõ các cảnh vật. Ông Bát sai tuần đốt bốn ngọn đuốc đứng chờ ở sân. Khi mọi người đã khăn áo chỉnh tế và lễ vật đã sắp sẵn, ông mới lên nhà khách, sai đốt bánh pháo, rồi gãi tai nói: - Các cụ, các ông, các bà đã có lòng yêu tôi và thương đến cháu, vậy xin ra thuyền kẻo muộn. Chính vui sướng theo các bạn, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Đám đón đâu thong thả đi đầu làng, rồi theo đường khuyến nông nhỏ, ra bến Nứa. Sáng rõ dân. Mặt trời xuân hiện lên, ấm áp và long lanh. Giọt sương trên đầu có tốe ra những màu của kim cương. Chính đội chiếc nón đứa chóp bạc mới, cố đi đ giữa đường cho khỏi ướt mờ mũi giảy Gia Định mới và khỏi lấm bít tất trắng. Chàng nhìn những thửa ruộng của cha chàng trong màu. Những luống cải hoa lý đứng thẳng thắn DANH TIẾT 493 trên nền đất xám. Những hàng khoai lá tím xen lẫn với lá xanh già. Đám cưới theo con đường quanh co. vừa đi vừa chuyện ồn ào. Cụ Cử được mọi người kính trọng nhất vì tuổi tác, vì học thức, nên nói nhiều nhất. Cịị giảng về địa lý khi thấy một ngôi má đẹp, cụ giảng về địa dư và lịch sử khi có một ngọn núi phớt tím hiện ra ở phía chân trời. Vì vậy, đi đã khá lâu, nhưng không a! thấy mệt. Người ta yên lặng nghe, và lễ phép trả lời bằng tiếng "dạ". Thỉnh thoảng, cụ lại dừng ở một gốc đa để đọc và bình phẩm đôi câu đối khắc trên cột vôi của một cái miếu, hoặc để ngắm nghía cách kiến trúc sơ sài nhưng chắc chấn của một cái cầu gạch cạnh đường. Vì đi thong thả, nên đến bến Nứa, mặt trời lên đã khá cao. Mười lầm người chia nhau xuống ba chiếc thuyền có che mui thấp. Các ông bà già xếp chỗ năm nghỉ. Bọn trai trẻ, kế ngồi trong khoang, người đứng ngoài mũi, ai nấy yên trí theo dòng nước chảy nó đưa đi, không nóng ruột. Thuyền xuôi, lại có bốn tay chèo lực lưỡng, nên trôi băng băng. Chính thấy ngắm cảnh bây giờ là làm một việc vô ích. Cánh này đối với chàng không lạ. Và dù có lạ, rồi chàng còn phải đi về lối này cho đến ngày đầu bạc lưng còng thì bao giờ hưởng phong cảnh không được. Chàng bèn xìn lễi các bạn, chui vào trong khoang, cởi khăn, cởi áo, đi nằm, nhắm mắt lại. Chàng muốn nhân lúc rỗi, được chợp ngủ một tí. Cả ngày hôm nay, chàng còn phải bận rộn, và rổi tất phải thức cho đến khuya. Rồi đến khuya, chàng đã được ngủ đâu, chàng còn tiếp vợ mới. Nghĩ vậy, chàng thấy 494 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP lòng rạo rực. Vậy chàng cần phải ngả lưng, dù không ngủ được, thì lan man nghĩ, để ngắm cái cảnh của tương lai, của hạnh phúc, cồn thú hơn cái cảnh của tạo hóa. Thuyền rập rểnh như ru, Chính ngủ được. Khi đến đầu làng Phương Bá, sắp tới bến, Hạnh mới gọi chàng dậy, Chính mim cười. Có lẽ chàng đã ngượng với mọi người vì giấc ngủ quá ngây thơ. Chàng lấy vạt con áo chùi mắt và lau mặt, rồi soi gương để đội khăn mặc áo cho chỉnh tế. Chàng đứng dậy, ra đằng mũi vặn mình và bẻ khục tay. Đầu làng Phương Bá, với cái cầu gạch xây vông lên, Với cây sì uốn éo trên bở ao bán nguyệt, rủ bộ rễ xuống làn nước trong xanh như món tóc của người gật đầu, những thức ấy đối với chàng không lạ mắt. Chàng còn nhớ như in trong óc, ngày năm ngoái, chàng sang nhà ông Đồ với cha chàng. Chàng thuộc cá đường vào nhà vợ, dù đường ấy ngoắt ngoéo. Thuyền vào bờ, mọi người lên cạn. Dân làng đã để ra xem rất đông để ngắm chài rể. Vượt qua đến hàng trăm đám chăng dây, bọn đón dâu mới đến đầu ngõ nhà ông Đồ. Bỗng một tràng pháo dài nổ. Mọi người theo phía có làn khói xanh thơm để đi vào. Nhà ông Đồ tuy nhỏ, hẹp, nhựng ai cùng khen là ngăn nắp và có vượng khí. Ông bà Đỏ ra tận cổng đón họ nhà trai. Ông vái dài cạ Cử mặc áo thụng xanh cảm hương đi đầu. Ông mỉrn cười chào những người quen ông sẵn, hoặc nghiêm trang chào những người chưa quen. DANH TIẾT 495 Ông mời quan viên vào nhà và vul vẻ nói: - Nhà cháu thì thanh bạch, lại được ông bà Bát bên Ấy thương yêu, chẳng quản nghèo hèn, nhận làm thông gia, chúng cháu thật sung sướng quá. Cu Cử bước lên thềm, nói: - Ông quá nhún nhường, hai bên cùng là thế gia, thật đôi trẻ xứng quá, tô1 rất mừng. Ông Bát mời khách đàn ông ngồi trên dãy phản kê bên trái giường thờ và khách đàn bà ngồi trên dãy phản kê bên phải. Ông nhờ ông Phó Lung là em ruột tiếp khách đàn ông, và bà Tư Tích tiếp khách đàn bà. Ông bà phải chạy đi chạy lại, và xuống bếp gióng giả người nhà sửa soạn cỗ bàn. Người nhà ông hầu hạ nhanh nhẹn và lễ phép. Toàn là trai trong họ đến làm giúp cả. Nước chè tầu ngào ngạt bốc hơi thơm, ông Đồ gãi tan mời mọi người giải khát. Bà Đầ hưng bốn đĩa trầu đặt tren bốn phản. Ai thấy ông bà mặt mũi phúc hậu, cử chỉ dễ dãi. cũng đoán được là cô con gái tất biết ăn ở đầy đặn, và âu yếm họ hàng. Một lát, mârn cơm đây ắp những đề ăn bưng lên, đặt trên bàn thờ. Ông Đồ mặc áo thung, vào lễ và khấn gia tiên. Mọi người đứng cả dậy, yên lặng. LỄ xong, ông nói với các cụ: - Xin phép các eụ cho chú rể vào lễ. Ông lang Minh bân nhà trai, tức là trưởng ho. goi: 496 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Cau cả đâu? Chính đã chữ ở hè. Chàng thong thả tiến vào chiếu, đứng ngay ngắn, và lậy bốn lậy thong thả. Đoạn, ông lang nói với ông bà Đồ: - Xin rước ông bà ngỗi, cho cháu được mừng tuổi. Ông Đề chắp tay, lễ phép đáp: - Thôi ạ, để xin miễn, chúng tôi còn trẻ trung, xin các cụ tha cho chúng tôi được sống lâu. Nhưng ông lang không nghe, cứ kéo tay ông Đề ngồi xuống phản, và sai giải chiếu. Ông lại hất hàm làm hiệu cho Chính. Ông Đồ cuống quýt, vừa lấc đầu, vừa kéo tay ra: - Tôi không dâm nhận lễ đâu. Cháu còn bé đại, được về làm dâu bên ông bà Bát tôi, tôi đã mừng lắm rồi. Để cậu ca mừng tuổi ông bà Bát là đủ. Ông lang càng năn nì: - Tứ chi phụ mẫu, xin ông bà cho cháu được trọn đao làm con. Nhưng ông Đồ đã giật tay thoát. Ông chạy vội ra ngoài h›ên, đứng với mọi người; - Đành vậy, nhưng chú rể lễ gia tiên la đủ rồi. Rồi ông mồi: - Xin rước các cụ, các ông. các bà giải tọa. Bà Đồ híc ấy mới ở trong buồng bước ra nhà ngoài. Ban nãy, bà cũng đi trốn. Bà đưa ông một gới bọc nhiễu đỏ, rồi đứng cạnh ông. Ông Đồ đặt gói vào cái đĩa, nói: DANH TIẾT 497 - Trình các cụ, các ông, các bà, thật cũng là duyên số cháu mà giời se về làm dâu bên ông bà Bát, gọi là thế, chúng tôi có cái này, thật là cây nhà lá vườn, mừng cho hai con. Ai nấy đều chú ý nhìn cái gói. Cụ Cử gọi: - Anh Chính đâu, ông bà chao, bác lĩnh đi. Chính giơ hai tay cầm, và vái cha mẹ vợ một cái. Ông Đồ mỉm cười: - Câu mở ra, thật là cây nhà lá vườn. Chính ngượng nghịu, mở tấm khăn nhiễu ra. Mọi người yên lặng, để chà. Thì ra trong là một tờ hoa tiên màu cánh trấu, viết một bài thơ tứ tuyệt bằng nét mực đen lay láy. Những người biết chữ châu đầu vào xem. Cụ Cử khen: - Ông Đồ làm cái gì cũng có ý nhị. Đoạn, cụ bảo Chính: - Anh đọc cả nhà nghe. Chính thẹn đỏ mặt. Chàng đã nhìn bốn câu thơ của ông nhạc, và đã phục là tài tình, nhưng không dám cất lên tiếng. Cụ Cử hiểu ý, nhìn Quý: - Anh đọc hộ anh ãy vậy, bằng ngần ấy tuổi rồi mà còn thẹn thò. Quý dạ, lên tiếng ngâm. Cụ Cử gật gù, nức nở khen: - Hay' Hay! 498 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Rồi cụ giảng cho các bà đàn bà đương tò mò muốn hiểu nghĩa: - Tôi nói qua loa để các bà hiểu, bài thơ là ông Đồ mừng chú rể, ông mong chú rể thành đạt để nối nghiệp ông cha, ông lại khiêm tốn, nói là không biết. con ông có xứng đáng làm vợ một người hiển sĩ hay không. Kể nghĩa đen thì thế, nhưng lời thơ bóng bảy, và còn cái hay thì không thể nói rõ được. Phải hiểu thở mới chịu là bài này hay. Ông Đồ sung sướng, mỉm cười. Cụ Cử nói với Chính: - Tôi bẹn cho chú rể nắm hôm phải họa lại. Chính chắp tay: - Dạ. Cã bưng lên. Hai họ vui về ăn với nhau. Câu chuyện thù tiến không đến nỗi nhạt nhẽo. Bà Đô không ăn với khách. Bà ăn rồi. Giồ này, bà ở buồng nhà dưới ngỗi với con gái. Bà dịu đàng, nói: - Nhà người ta là nhà phúc hậu, mày nên ăn ở thế nào cho phải đạo, đừng để mang tiếng bố mẹ, con ạ. Thúy cúi mặt xuống, đó hoe mắt, hai má hồng hồng. Từ nãy, nàng ngồi cạnh phản, một chân co lên để tựa cằm, một chân thõng xuống xỏ vào chiếc đép cong bóng nhoáng. Hôm nay nàng đẹp bội phần, bởi vì hồm nay nàng mới hết sức làm dáng. Nàng mặc áo băng thầm ra ngoài áo lụa đỏ. Trên hò áo. nhóng nhánh một tràng kim. Từ lúc mặc chiếc quần lĩnh mới, nàng ít đi lại, vì nghe tiếng sột soạt, nàng phát ngượng với chị em. Và lại, từ lúc họ nhà trai tối, nàng thụt vào trang buồng. không dám ra nữa. Ai chế thế nào, DANH TIẾT 499 nàng cũng chỉ vul sướng mà cười, chứ không dọa khóc như mọi khi. Nàng trắng, lại vận bộ đề thâm, làm tăng thêm Về ngọc. Bà Đồ thấy cái phút phân ly tới dần, nên không muốn bỏ sót những lời khuyên con: - Mày ở) lấy chồng, thày u nhớ, nhưng thày u mừng cho mày được nương tựa nơi xứng đáng. Rồi bà thở đài: - Cho nên cốt nhất là bao giờ cũng phải nghĩ đến mẹ cha ở nhà, đừng để người ta nói đến. Thúy cảm động quá, sụt sịt khóc. Nàng vớ cái tráp trầu phủ khăn hoa đào để tựa tay, khẽ đáp: - Vâng. - U khuyên mày thì khuyên đã nhiều rồi, chẳng qua hôm nay u chỉ nhắc lại những điều u nhớ, chứ ruột u bây giờ cũng rối như mớ bòng bong. Nói đoạn, bà lấy vạt áo chùi mắt. Một lát, Kim, chị họ Thuý, mở mành ra, hót hải vào nói: - Cụ Cử đã xin rước dâu đấy, cụ chỉ sợ tối. Bà Đồ đáp: - Chị xem bóng nắng đến đâu rồi? - Thưa, đứng bóng rồi. Chú cho hỏi em cháu đã sắm sửa xong chưa? Bà Đồ thở dài, đứng dậy: - Cho tôi còn đôi hồi với nó một vài câu đã chứ. 500 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Đoạn, bà ngậm ngời lên nhà trên. Kim trêu Thuý: - Chú rể ăn cảnh giả quá, thằng Cán nó bảo chỉ ăn có hai bát, về phải dạy báo người ta ăn uống thế nào chứ! Thúy đương rầu rầu, nên cau mặt, gắt: - Gớm, cái nhà chị này, trẻ con mãI! Kim ranh mãnh cười: - Phải, cô có chồng thì cô người lớn, ai cô cũng khinh là trẻ con. Thúy vớ được Kim, đấm thùm thụp vào lưng chị: - Đấn lượt chị thì a1 chế ehi! Nhưng bà Đồ đã lại vào. Bà tưởng Thúy vui vẻ, nên mìm cười, lắc đầu: - Chỉ có mình nhớ nó, chứ đố nó có nhớ mình! Rồi bà hỏi Kìm: - Các cô phù đâu đâu cả rồi? Em đáp: - Để cháu goi chị Cúc. - Các chị sắm sửa xong cả rồi chứ? - Vâng. Bà Đồ thân mật nhìn Kim: - Em thì bỡ ngỡ, có chị thạo, chị đưa em đi lễ, hoặc có gì thì bảo em nhé. Chị Cúc tiếng thế mà không bằng chị đâu. Kim nhanh nhầu, đáp: DANH TIẾT 501 - Vâng. Bà Đề mỉm cười: - Chóng rồi thím làm mối cho. Đến lượt Kim thẹn thò, và Thúy được nhìn chị bằng đôi mắt chế nhạo. Nàng khòng nói. Vì nàng không muốn nói. Nàng chỉ muốn yên lặng. hưởng nốt những giây phút âu yếm bên cạnh mẹ, đưới cái mái nhà thân yêu. Bung nàng nao nao. Nàng khóc. Nước mắt nàng rất nhiều nghĩa. Nàng khóc sướt mướt. Nàng gục đầu vào vai bà Đồ mà nứe nở. 509 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP VI ZÐaa lúc lặn mặt trời, đám cưới cập bến Nứa, và sẩm tối thì tới đầu làng. Thấy nhiều người để ra xem quá, Kìm và Cúc vội vàng ấn Thúy đi giữa. và lấy nón che mặt nàng. Vì nón rộng, nên Thúy đố ngượng nghịu. Nàng cúi gầm xuống, đưa tay cho hai cô phù dâu đắt. Bỗng một tràng pháo nổ rất lâu. Bọn đàn bà con gái phải đứng dừng lại, chờ một lát. Kim và Cúc đưa Thúy qua cổng xây vào sân gạch, rồi đến buồng. Thúy bước qua hoá lò than hồng, nón mới ngà ra. Nàng thấy cái buồng xinh xắn và kê dọn rất gọn mắt. Nàng ngồi xuống tấm ghế ngựa, khẽ bảo Kim: - Chị đóng hệ hai cánh cửa lại, kếo ở ngoài người ta nhìn vào. Chị để cải đèn ra chỗ khuất nữa. Cúc đứng dậy, thò cổ dòm ra ngoài, rồi khép cửa: - Nhà cũng khá rộng, không ngờ vừa tối mịt mới đến nơi. Kñm hỏi: - Các cô có mệt không? Thúy gật: - Em không quen ởđì thuyền, chóng cả mặt. DANH TIẾT 503 Cúc nói: - Mọi khi quen đi nhanh, lần này phải đi thong thả. khó chịu quá. Rải cô tiếp: - Chú rể này cũng khá đứng đắn, không sấn số vào cô dâu để xem mặt. Kim cười: - Chốc nữa tha hồ xem mặt nhau, họ cần gì... Thúy mim cười, lườm Kim: - Chị chi được cái thế. Cúc hỏi: - Chú rể trông đầy đặn đấy, xứng đôi lắm, Thúy tự nhiên thấy hồi hộp. Nàng chưa biết mặt chồng, những từ nọ đến nay, thấy ai cũng khen, nên lấy làm sung sướng lắm. Bỗng bà Ba Hảo, là dì Thuý, mở cửa đánh kẹt. Thúy giật mình, ngẩng lên. Bà Ba hớn hở nói: - Â, ra buồng ở đây. Hai cô phù dâu sắm sửa cho cô dâu, rồi dẫn lên lễ nhà thờ với tế td hông đi. Kim dưa Thúy cái gương tròn nhỏ vẫn bỏ trong túi, Thúy làm ra bộ không cần, đáp: - Thôi, tối rồi, ai trông thấy cái mặt ngoáo mà sợ. Thúy theo Kim và Cúc. Nàng lại nhìn xuống đất, và đi thong thả. Bà Ba đưa ba cô lên nhà trên. Thúy bước chân vào 504 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP chiếu, ngồi ngay ngăn. Kim và cúc xếp lại vạt áo cho cô dâu, rồi Thúy lễ. Nàng biết lúc này bao nhiêu mắt đều tràng trọc nhìn nàng. Nàng thẹn quá. Lễ xong, trộm liếc thấy lế nhố những người trước mặt. nàng cuống queo đứng dậy, rồi cúi gầm mặt, nàng lẩn vào sau cột để lấp ánh sáng đèn. Bỗng Kim kéo tay Thúy. Nàng chỉ còn như cái máy. Nàng theo Kim ra sân và biết là để tế tơ hồng. Bàn thờ bày giữa sân, có hai ngọn nến lớn chiếu sáng. Thúy Ìlen vào giữa bọn Kim, Cúc và các bà bên họ nhà gái. Nàng khỏng đâm nhìn aI. Nàng lại cẩm động nữa. Lúc này là lúc ông Tø bà Nguyệt se nàng lấy Chính, làm chứng cuộc hôn nhân của nàng. Bà Ba ấy nàng đi, khẽ bảo: - Vào lễ. Nàng lại theo im và Cúc đất đến gần chiếu. Nàng thấy có tiếng nói to: - Xin để cô đâu ngải chiếu dưới, chú rễ đứng chiếu trên. Nàng không nhận được chiếu nào trên, chiếu nào dưới. cứ theo tay Kim: Ngồi xuống. Nàng vén áo, run run, ngấi xếp bằng tròn. Cùng như lần trước, Cúc xếp các vạt áo hộ nàng cho gọn gàng, vôi nàng thấy tiếng bao: - Lễ đi. Nàng chấp tav, thong tha cúi đầu bốn lượt, DANH TIẾT 505 Rồi đứng đậy vái, nàng xỏ chân vào dép và thong thả đi. Một tràng pháa đài bắn tung tia lửa, nổ liên thanh, Kim dắt nàng đi nhanh. Nàng vẫn thấy cạnh mình tiếng nói òn ào, biết, là người ta xem nàng đông lắm. Hết sân, nàng vào đến buồng. Nàng nhìn hai chị, mỉm cười một cách bạo dạn, như đã trút được một gánh nặng: Cúc nói: - Cô đâu lễ khéo đấy. Km gật: - Kể cô dâu này cũng bạo. Laic tế tơ hồng, tòi đứng ngoài mà trống ngực thòm thòm. Thúy lại mim cười: - Lại cứ vẽ ra cô dâu với chú rể lễ với nhau. Kim đứng dậy. ngó ra sản, rêi quay lại nói: - Ông bà nhạc không nhận lễ mừng tuôi của chú rể, nên bố mẹ chồng cũng miễn mừng tuổi cho cô dâu. Đáng lẽ Thúy còn phải lễ sứt trán. Thúy sực nhớ ra, sung sướng, đấp: - nhỉ, không có lại thẹn đến chết. May các chị đi nhanh quá. Cúc cười: - Chúng tôi có phải lấy đáng dấp đâu mà phải chậm. Thúy lườm yêu: - Rồi đến lượt mình đấy, cho mà hết nói thánh. Một lát. một mâm cơm bưng vào, có một cỗ con gái trạc 506 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP tuổi cô đâu theo sau. Cô ấy được cắt vào để tiếp khách. Cô xích mâm cho chính giữa phản, đặt cây đèn xuống gần. rồi mời: - Mời chị cả với hai cô xơi rượu. Km khẽ đáp: - Vâng. Đoạn, cùng Thúy và Cúc vén áo ngồi ngay ngắn. Lan nhìn Thuý, tự giới thiệu: - Em tên là Lan, là em họ anh cả em đây. Rồi so đũa, rót rượu vào bốn chén, để bốn góc mâm, trong khi ấy, Cúc đặt bốn chiếc bát tầu cạnh đũa, và mỉm Cười. nói: - Chị em chúng tôi lại không biết uðng rượu. Lan nhanh nhấu vừa đứng dậy, vừa nói: - Vâng, thì xìn ấn cơm. Lan xới bốn bát, và gắp đồ ăn đầy tú ụ để tiếp khách. Thúy không đói chút nào. Cứ kể nàng không ăn bữa này cũng được. Nàng thấy trong bụng đầy đầy, và có người lạ bên nhà chồng, nàng càng phải giữ ý tứ. Nàng nhấm nhấp gọi là, và hất một bát, nàng xin vô phép. Lan giằng bát nàng để xới, nhưng nhất định nàng giấu biệt đi. Lan nói: - Hay em tiếp chị không khéo, chị xơi ít? Dịu dàng, Thúy mỉm cười, đáp: - Không ạ, tôi no thật, DANH TIẾT 5017 Kim đùa: - Cô dâu làm khách. Càn chúng ta ăn cho no. Lan cũng cười: - Vàng, chị tôi trừng đấy ạ. Thúy không đáp, đứng dậy. Người nhà đã bưng thau, chén nước và ống tăm vào. Nàng rửa mặt, rồi ngồi trên giường, xỉa răng và uống nước. Nàng không để ý đến những câu chuyện của Lan nói với hai chị. Nàng vẩn vơ nghĩ. Nàng nghĩ đến cha mẹ ô nhà, hiện giờ này đương nhắc nhỏm đến nàng. Ông bà mong cho chóng đến mai, để đợi bọn đưa dâu về, hỏi chuyện đám cưới. Văng vắng, nàng còn như nghe thấy những điều dặn dò của mẹ, và mường tượng nàng còn như trông thấy nét mặt băn khoăn của bà. Bỗng nàng nước mắt chạy quanh. Sực nhớ ra, nàng ngối lánh vào chỗ khuất. đèn và lấy vạt áo chùi lệ. Nàng muốn không nghĩ ngợi nữa, bèn đứng dậy, ra phía bàn, mở tráp tròn, lấy miếng trầu để ăn. Nhưng Lan nói: - Ấy, còn mời chị xơi đồ nước nữa kia mà. Lễ phép, Thúy đáp: - Tôi vô phép rồi ạ. Nàng nhai trầu, mắt nhìn xuống đất, thính thoảng thở dài một tiếng khẽ. Một lát, ba cô con gái ăn cơm xong. Mâm bưng đi, người nhà đặt khay bánh trái vào. Lan cế mời Thuý, 508 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP nhưng Thúy nhất định từ châi. Kìm nếm các thứ bánh, khen lấy khen đề. Cô này vẫn khéo mềm khéo miệng. Xỉa răng, uỏng nước xong, Lan làm hết phàản sự, bèn ch ra... Kim và Cúc cũng cho là hết phản sự phù dâu. bèn bấm nhau. Từ giờ này trở đi, đã có chú rể tiếp Thuý, hai cô ngồi đây mãi. bất tiện. Kim vở ra cửa đứng, nói: - Ăn cơm xong mà cứ ngầi một chỗ không tiêu được. Rồi cô gọi: - Cúc ạ, ra đây mà xem. Cúc theo Kim. Hai người rỉ tai nhau, rồi quay vào, nói với Thuý: - Chúng tói lên nhà trên một lát nhé. Thúy hiểu ngay là hai chị bỏ mình, bèn luống cuống đáp: - Khóng, không đi đâu cã. - Không, một tí thôi mà. - Đì đâu làm gì mới được chứ?! - Ngồi một chỗ tù căng, cho chúng tỏi đi một lát. Nói đoạn, cứ đi. Thúy còn nghe thấy Kim và Cúc rúc rích cười với nhau. Ở lại một mình trong buông. nàng cảm động lắm. Nàng vặn nhỏ đèn, rón rén ra khép hai cánh cửa, rỗi DANH TIẾT ñ09 thở dài. Nàng ngồi trên giường, tựa cầm vào hai đầu gối, lồng rất xao xuyên. + * + Ở trên nhà, Chính đã phải giữ gìn lắm mà không nãi. Chàng có dám uống rượu đâu. Chàng không biết uông và rất, sợ say. Chàng vốn không chịu được cái hơi nồng nàn của những người mát đó bừng nói chuyện trước mặt chàng, cho nên chàng khóng muốn chốc nữa đem hơi rượu sặc sụa vào buẩng vợ mới. Và chàng muốn tỉnh táo, tỉnh thần mình mãn để nói chuyện với người yêu. Vậy mà họ hàng và bạn bè ép chàng uống: - Chú rể không uống thì chúng tôi cũng không uống. Ông Bát xin hộ chàng: - Cải gì chứ rượu thì thật cháu chỉ một hớp đã đỗ mặt. Xin cho cháu ăn cơm. đã có anh 'Pư cháu tiếp các ngài. Nhưng người ta không nghe. Bởi vậy. Chính bất đắc đĩ phải nhấp chén luôn luôn. Song, chàng đè đặt, chỉ nâng chén rượu đến miệng lấy lưỡi nhấp tí một, khi thấy hơi chếnh choáng, chàng gọi cơm, nhưng người Anh họ chàng ngồi cạnh, nhìn vào chén chàng nói to: - Chú chưa ăn cơm được. Mới hết mật nửa rượu. Rồi người ấy rót đây, nói: - Ra chú khôn thật, chúng tôi hết ha, bến chén rồi. Nam vô tửu như kỳ vô phong, làm tài giai không biết uống 510 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP rượu thì vợ nó cười cho, chú ạ. Mọi người ồn ào, người anh họ lạ! nói: - Ít ra, bữa nay chú cũng phải uống ba chén. Chú bị thím ấy cười, tôi cũng xấu hổ lây. Có thân, tôi mới dạy chú uống. Tiếng cười lại vang dậy, người ta nói đùa: - Phải, không là anh em thân, ai dạy cái ngoan ngoãn như uống rượu làm gì. - Thật thế, rồi anh dạy chú đủ ngón, cả đánh trống cô đầu nữa. Lại có tiếng cười. Chính nhếch mép: - Tôi chỉ uống hết chén này thôi đấy. - À, phải rồi, chú định uống mau, ăn mau, rồi bổ khách khứa ở đây để vào hú bí với vợ, phải không? Tiếng cười lại rầm rầm, làm lấp cả giọng hát cô đầu, tiếng phách và tiếng trống ở gian bên kia, mâm các cụ. Chính thẹn đó mặt, đáp: - Ai muốn chế thế nào thì chết Nói đoạn, chàng nhấc chén lên miệng, ngửa cổ, hớp cả rượu, nuốt. đánh ực. Chàng nhăn mặt, khà một tiếng. Người ta khen rầm rĩ: - Giỏi quát Giỏi quá rồi! Có người nói: - Giỏi thì uống luôn chén nữa cho tôi phục. DANH TIẾT 51] Nhưng Chính giấu chén, và cố giằng lấy thùng cdm. Chàng ăn ba bát, rồi đứng dậy. Uống nước xong, chàng gặp ông Bát ở hè. Ông bảo: - Anh chạy đì chạy lại, xem có mâm nào thiếu gì thì gọi lấy nhé. - Vâng. - Thỉnh thoảng bóc bánh pháo đốt cho vui nhà nhé. - Vâng. Chính lại vội vàng đi qua các mâm để phục dịch. Đến đâu, người ta cũng đùa chàng bằng câu ý nhị: - Chú rễ mừng nên ăn ít. - Anh ấy ăn bữa này đói, để bụng ăn với vợ cho được nhiều. - Chỉ vội vào với cô dâu thôi, còn suốt đêm nay kia mà. Chàng thẹn lắm, nhưng chỉ cười, chứ không nghĩ câu châm chọc lại. Bữa cỗ kéo đài lâu quá. Mãi gần sang trống hai mới thật xong. Họ hàng nhà trai, những người không biết. chơi gì, hoặc cho là ở lại vô ích, hoặc quá nhọc mệt, đều ai về nhà nấy. Họ hàng nhà gái, nhất là các bà, đều kiếm chỗ ngã lưng. Từ trống bai trở đi, trên nhà thờ cế bàn đèn thuốc phiện, và nhà dưới, một chỗ hát cô đầu và hai bàn tổ tôm. Vì thiếu giường tươm tất cho bọn đàn ông ngủ nên ông Bát tổ chức cuộc đánh bài để tiêu thì giờ. Một bàn tổ tôm có thể làm mất ngủ ít ra bảy tám người là ít, kể cả bọn 519 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬ P công ty và bọn chảu ria. Đánh tổ tôm, người ta thức khêng mỏi mệt, lại tỉnh táo, hoạt động là đằng khác. Rồi khi tan, người ta có thể nằm rúm rum với nhau, vật vạ ở chiếu nào cũng được, không cần màn, không cản chăn. Bởi vì lúc ấy đã gần hết đêm, có nằm cũng là tạm bợ cho đố mỏi lưng, để chờ sáng. Vả những người thích bài bạc không eần chỗ ngủ hợp ý mình. Muốn được nằm tử tế, có chăn, có màn, thì đừng họp tổ tôm, đi ngủ ngay từ chập tối. Vày nếu chỗ ngủ không được như ý là lỗi ở người đánh bạc, không phải lỗi chủ nhân. Bởi thế, ông Bát lập ra những hai bàn tổ tôm. Hạnh và Thân, mỗi người phải ngồi một chân. Thân và Quý công ty với nhau. Hạnh rủ Chính chung phần, nhưng Chính chối từ. Hạnh mỉm cười, chế: - Ảnh chỉ mong ởi ngủ, còn bụng đạ nào để vào chỗ đánh bài! Thân gật đầu: - Anh Hạnh nói đúng. Đáng lẽ anh Chính ngồi một chân mới phai, chỉ tại anh ây nóng ruột, nên mới định bồ anh em mình. Quý tiếp: - Chúng ta có công đi phù rế, phải khó nhọc suốt ngày, mà anh ấy nở có mới nới cũ! Chính cười nhạt. nói khẽ với Thân: - Tôi không công tv với anh Hạnh, vì anh ấy có nhiều tiền rồi. Hạnh nghe tiếng, đáp: DANH TIẾT 513 - Chơi vui chốc lát, chứ ăn trăm ăn nghìn gì. Công lạc, anh ạ. Chính chiều bạn, gật đầu; - Được, tôi công ty với anh. Chàng bắc ghế ngồi cạnh Hạnh, nói: - Anh lên bài trước, nếu thắng thì thôi, bằng bại thì tôi thay anh ra trận tiền. Hạnh cầm phần bài, gài phu vào với nhau, rồi bàn bạc với Chính nước ăn, quân đánh. Bài Hạnh không đen, nhưng cũng không đỏ, nên hội đầu hòa. Đến hội thứ bai, vì tham ván ù to, Hạnh không chờ hai tiếng, lại chờ một quân hết, nên đánh để nhà dưới ù. Rồi ngươi Ấy ùò thông luôn ba ván, ván sau là thông chi chỉ tôm. Hạnh bị cả làng kêu là tham, và nhận thấy bài mình xấu hẳn đi nên phải đối tay: - Anh ra cầm quân, chắc anh đỏ, vì anh đương khoan khoái. Thân đùa: - Ảnh Chính đánh thế nào cũng thua, vì bụng anh đương rối beng chứ không khoan khoái. Sang canh ba rồi, còn gì là đêm! Chính cười, đáp: - Được, rồi anh xem. Phen này các anh không còn một mảnh giáp. Chàng ngỏi lên giường, chỗ Hạnh. Hạnh xuống ghế, mách nước. 514 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Lúc ấy ngoà! sân đã thưa người đi lại. Đầy tớ, ai phục dịch bàn tổ tôm thì thức, còn đi ngủ cả. Họ đã nhọc mệt suốt mấy ngày. Đêm khuya thật vắng vẻ, lặng lẽ. Trong bàn tổ tôm ai nấy mái đăm đăm, đôi mắt nhìn quân bài, lúc nào cũng trầm ngâm nghĩ ngợi. Người ta chỉ nói để xướng quân đánh, hỏi xem bốc quân gì, hoặc bàn bạc khế với nhau. Thỉnh thoảng mới có những tiếng cười đắc ý về ăn quân bài cao, hoặc vỗ đùi xuýt xoa tiếc nước bốc. Mỗi khi có người hạ ù, lúc ấy mới hởi ồn ào. Người lật nọc lên, phân trần bài mình đen, chỉ ù cắp tráp, hoặc than thở, tiếc bày thế nọ, đánh thế kia, đến nỗi nhà dưới được ăn ngon. Họa hoằn lắm mới có những trận cười to và đài. Chính thính thoảng cùng được ù một ván suông. Nhưng bên cạnh, Hạnh cứ ngáp vặt. Thấy vậy, chàng chân ngán, không bàn với bạn nữa, nói: Anh để tôi đánh một mình. Hạnh gật đầu: - Phải, càng bàn càng khó đánh. Quả nhiên ván ấy chàng được ù tôm, và ván sau ù thông lèo. Chàng phấn khởi, vui vẻ lắm. Hạnh đứng dậy, nói: - Tôi ngồi cạnh anh chỉ tổ hại cho công ty. Đoạn. Hạnh ra hà, đi bách bộ. Chính cầm bài mật mình, được tự do hành động, nên thấy rất đễ chịu. Lại được lúc vận đỏ tới, chàng lình tay lạ. DANH TIẾT - 515 Chàng phá phỗng rất trúng và chờ những quân lên rất đễ dàng. Bởi vậy, chàng ù luôn, và gõ gần hòa hội thứ hai. Hội thứ ba, chàng vẫn ù nhiều, không những không phã! góp, lại lấy được tiền về. Lúc ấy, chàng mới nhớ đến bạn mà từ nãy mê đánh, chàng quên bật đi mất. Chàng nhìn khắp nhà, không thấy Hạnh. Chàng gọi, không thấy bạn thưa. Chàng bèn nói: - Đã chui vào chỗ nào đi ngủ rồi. Nhưng chàng nghĩ ngay ra là đã hớ mà lớ lời như vậy. Vì nếu biết bạn đi ngủ, bổn phận chàng phải kiếm chăn, kiếm màn. Hôm nay nhà đông khách, những thức ấy nhường cá cho đàn bà và họ nhà gái. Song, nước bài cần tính toán làm chàng quên băn khoăn về Hạnh. Được ván bài tốt, chàng vui thích lắm. Chàng gọi phỗng ngũ vặn có kèm quân ông cụ và lật quân thất sách úp đưới chiếu, chỉ chức đánh đi. Mọi người nhìn chàng. ra dáng hiểu ý, nói: - Đã chờ rồi, đánh nhanh thế. Chính gật gà, lại gài quân ông cụ vào hai quân bài và mài xuống giường, hồi hộp khấn: - Ông cụ khôn thiêng bất cho tôi quân này. Rồi chàng trống ngực, để ý đến những cây bốc. Bỗng người ta xướng: - Chì chỉ! 516 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Chính rú lên, vật ngửa ba quân cứu vạn, bát sách với ông cụ ra giữa chiếu, yầm rộ nói: - Chủ Rồi vừa hạ bài, vừa cười, vừa khoe: - Có ngũ văn phải có-chỉ chi. Chỉ có phẫng ấy cốt tử. Bảy tám cái đầu châu cả vào nhìn bài Chính. Chính sung sưởng: - Chi nấy! Chàng yên một lát cho làng khám bài, rồi cười ha hả, hỏi: - Xong chưa? Người ta đáp: - Được rồi. Chàng xóa bài đi, nói: - Thế mà để anh Hạnh cảm, thì chân này thua đấy. Rồi ngẩng lên, tự đắc, chàng nhìn mọi người. Bỗng thấy Hạnh, chàng khoe: - Thật đen tại người. Anh đã chịu tôi chưa? Hạnh gật đầu, cười: - Tôi phục anh lắm. - Tỏi tưởng anh đi ngủ. Thấy bạn không đáp. chàng vừa lên bài, vừa nói: - Hết ván này lại đến lượt anh cầm. Chân này quyết không thua nữa. Hạnh từ chối: DANH TIẾT 517 - Thôi, anh cứ cầm, đương đỏ. - Không, mỗi người đánh một lúc, nếu anh đen thì tôi lại vào cm quân. - Không, anh cứ cầm. Rồi muốn Chính không thể nhường cho mình được, Hạnh sang đứng bên cạnh Thân. Nhưng chỉ nhìn bài mà không bàn bạc gì cá. Hình như chàng không để ý đến bài người khác vậy. Hội thứ ba, Chính được nhiều quá. Hội thứ tư chỉ ù loáng thoáng, song, rặt tòm lèo, nên hòa. Gần hết hội ấy, Thân nói: - Xong hội này xin thôi, canh tư đã lâu rồi. Hạnh đáp: - Làm hội nưa cho vừa tan canh. Hôm qua thày đặn tan canh thì ra thuyền. Thân nhăn mặt, lắc đầu: - Thức khuya quá, tôi không quen. Hạnh cười: - Mấy khi đã có cuộc vui để mà thức. Mai xuống thuyền tha hồ ngủ. Một người đương thua cay, nói: - Phải, đánh hội nữa cho măn canh mãn võ. Thấy Thân không đáp. Hạnh thân mật, nói khẽ: - Được, một hội nữa thôi. Hết hội thứ tư, quả nhiên Thân không đứng đậy nổi. 518 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Hội thứ năm được vài ván, thì sang canh. Bọn người nhà đi ngủ từ chập tối đã lục tục đậy để làm cỗ điểm tâm tiễn khách và họ hàng nhà gái. Ngoài sân, tiếng gót chân đã nên thình thịch và tiếng nó! đã xòn xao. Chính chợt nghĩ đến Thúy chờ mình từ chập tối. Chàng muốn lên xuống buồng để chuyện trò với nàng. Chàng sợ nàng không hiểu vì lš gì chàng lại thờ ở với tối tân hôn. Chàng nhìn sang phía Thân, gọt: - Anh Hạnh' Hạnh nhìn chàng, đáp: - Anh gọi gì? Chàng sợ bạn đã hiểu ý mình, nên khẽ nói: - Lại đây cho vui. Nhưng Hạnh lắc đầu. Chàng không thể đùn việc cho ai được, đành phải cầm lấy bài. Nhưng chàng nóng ruột lạ. Đêm sắp hết rồi. Chờ cho xong cuộc tổ tôm, còn gì là thì gid. Chàng lại gọi Hạnh: - Ảnh Hạnh đánh một lát cho vụi. Hạnh vẫn lắc đầu. thoái thác: - Tôi đen. - Nhưng tôi hết hỏi đỏ rồi. - Thôi, còn hãi này nữa. thua thế nào được. Thấy Hạnh cử đứng ỳ cạnh Thân không nhúc nhích, Chính không đám tỏ ý khó chịu. Chàng đâm đánh liều. Chàng ra rặt quân tốt cho nhà dưới ăn để chóng hù. ĐANH TIẾT 519 May sao, hội ấy làng à nhiều ván to, nên chừng giữa trống năm thì tàn cuộc. Hai chân thua nhiều chèo kéo đánh nữa. Hạnh cũng nằn nì vào, nhưng không thành. Thân nói: - Mê man, thày mắng chết. Đám tổ tôm tan. Người nhà dọn đẹp, lấy phất trần quết giường. Chính vờ vịt sai bảo người nhà vài việc. Chàng định lúc không ai để ý đến mình, thì lên đi, xuống buồng với vợ. Nhưng Hạnh đã đến gần: - Thế nào, chia lãi đi chứ? Chính sực nghĩ ra đến việc mất thì giờ ấy. Chàng bèn móc túi, đưa cả tiền cho bạn: - Anh cầm ca. Tôi đánh hộ anh, chứ chung chạ quái gì. - Không, đã giao hẹn là chung thì phải phân minh. Chính không muốn đứng lâu, bèn chia đôi số tiền được, rồi nói: - Các anh đi nằm một tý, kẻo mệt. Thân vuôn vai, ngấp, nói: - Buền ngủ, đánh mất cả hứng. Quý hỏi: - Nằm đâu? Thân trỏ cái phản: - Nằm ngay đây cho tiện. Nói đoạn, Quý rủ Hạnh: 590 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Nào, ta ngả lưng một tí, nhức cá đầu. Nhưng Hạnh đỏ đùa đỡ thật, hỏi Chính: - Anh cũng ngủ đây với tôi chứ? Chính cười, không đáp. Chàng không muốn đáp bổn tiếng “được". Sợ bỡn thành thật thì tai hại. Quý bảo: - Thôi, mặc chúng tôi ở đây, cho phép anh Chính ngủ đâu thì ngủ. Hạnh nắm tay Chính: - Anh ngủ đây. Thân cau mắt: - Thôi, đừng đùa nữa, phải tội. Hạnh vẫn nói: - Chăng lẽ anh bỏ chúng tôi. Rồi tiếp: - À, anh Chính ạ, cái ông ban nãy ngồi cuối cánh ta, tên là gì ấy nhÏ? - Là ông ba Phụng, chú họ tôi. - Ông ấy nhã nhặn lắm. Không ò, mà không cáu kỉnh. Người như thế tốt. nết lắm. Thấy bạn nói chuyện phiếm, Chính nóng ruột quá, nhưng không lẽ làm thế nào. Trên giường, Thân đã ngáy. Quý gọi: - Anh Hạnh! - ỚI? - bại đây tôi nói thẳm. có câu chuyện hay lắm. DANH TIẾT 521 Hạnh lại gần Qúy. Cho là dịp tốt để lãng, Chính bàn xuống hè, rồi vờ đẳng hắng một tiếng. Chàng quay lại, thấy Hạnh đương cúi xuống nói chuyện với Quý, bèn đi rảo cẳng. Bỗng có tiếng Hạnh gọi: - Anh Chính! Nhưng chàng lờ như không nghe thấy. Chàng nhìn trước nhìn sau, rềi len lén về phía lẫm thóc. Đến cửa buồng, trống ngực đánh thình thình. Chàng lấy hết can đảm, khẽ mở một cánh cửa. Chàng bước chân vào, run lên. Chàng thắp đèn lên cho sáng, vặn nhỏ ngọn lại, rồi rón rén đến cạnh giường. Trống ngực càng đánh mạnh. Chàng càng run. Chàng giơ tay vén màn. Thúy đương ngủ, bỗng mở bừng mắt ra. Chính mê hồn, bao nhiêu câu định hỏi quên hết. Nhưng chàng thấy Thúy nhìn chàng, mỉm cười: - Chết chửa, lại vào, có ra tiếp các bác ấy hay không, gần sáng rồi. Chính mim cười, vến áo ngồi cạnh giường, toan nói. Nhưng Thúy nhắm mắt lại, hắt tay: - Thôi, đi ra đì, ai lại thế, người ta cười chết. Lúc ấy Chính mới để ý đến hai câu nói. Chàng rất ngạc nhiên và nghi ngờ. Chàng lừng lững ra sân, khẽ khép cửa. 592 NGUYỄN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Vvm Đáng hôm sau, Chính tiễn họ nhà gái và khách khứa đến tận đầu làng mới quay về. Bây giờ chàng mới được rỗi rãi để suy nghĩ kỹ về hai câu đầu tiên của vợ chàng nói với chàng. Chàng không hiểu lúc bấy giờ tại sao chàng không ngỗi rốn lại cạnh nàng để hỏi cho rõ ý nghĩa của những câu nói Ấy. Có lẽ chàng ca thẹn, vá lại lời khuyên của vợ cũng có lý. Bạn bè chàng nằm tạm bợ ở phản tổ tôm để chờ sáng, cũng chẳng còn bao lâu nữa. Đáng lẽ chàng nên tiếp họ, hoặc chờ họ đều thiu thiu ngủ cả, rồi có lấn đi hãy hay, Đăng này Hạnh lại tỉnh như con sáo, và đang hỏi chuyện chàng. Hẳn các bạn không ở địa vị chàng là người rể mới, nên không hiểu tâm lý chàng chỉ mong cho chóng được vào buồng trò chuyện với tân nhân. Hoặc có khi họ cũng hiểu - vì ai còn lạ cái tâm lý ấy - nhưng đã chót thức để vui chơi với nhau gần đến sáng rêi, thì cho là chàng cũng có thể hy sinh chút thì giờ còn chẳng mấy ấy để tiếp họ. Rồi khi khách khứa đâu về đấy, chàng sẽ được tha hề tự do với vợ chàng. Nhưng sao câu đầu của Thúy lại là: - "Chết chửa, lại vào..." DANH TIẾT 523 Chàng nghĩ kỹ xem có đúng những tiếng ấy hay không. Đúng lắm. Vậy sao nàng lại bảo "lại vào", và mở đầu bằng hai tiếng "chết chửa". Bống bà Bát gọi: - Ảnh Ca! Chính giật mình. Thì ra chàng đã về tới cổng nhà. Bà Bát bao: - Ảnh thức suốt đêm tiếp khách, chắc mệt lắm. Vậy đi nằm một tí. Dọn đẹp đã có họ hàng phục dịch. Chính vừa ngắp vừa đáp: - Vâng. Chàng không biết nên lên ngả lưng trên nhà thờ hay vào buồng vợ. Vào buồng vợ! Chắc nàng lại bảo chàng không nên, và ban ngày ban mặt, chàng khỏòng dấm táo bạo thế. Rồi đến khi ở trong ấy ra, mười mắt nhìn một, người ta chê cười là chàng mê vợ và có lẽ cũng kêu vợ chàng là không biết khuyên bảo chồng. Chàng lên nhà thờ, tung chăn ra nằm. Nhưng chàng không thể không nghĩ nốt những điều ban nãy được. Chàng là đàn ông, còn cả theẹn, huống là vợ chàng, cô đâu mới. Chàng nhớ lúc bước chân vào buồng, trống ngực đánh thình thình và cá trong mình rung động, đến nỗi bao nhiêu câu định nói, vì cảm động, đến nổi quên hết. Vậy đáng lẽ chính chàng phải nói câu đầu tiên với vợ, thì lại là nàng nói với chàng một cách rất bạo đạn, như thể quen nhau không phải! lần đầu vậy. Nàng lại mỉm cười một cách âu yếm nữa. Chàng đã từng nghe chuyện những người 524 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP mới cưới nói lúc ban đầu vào buồng vợ. Có khi người vợ thẹn thò đến nỗi chồng hỏi ba bốn câu không dám trả lời. Mà có trả lời cũng chỉ đám nói khẽ và nhát gừng. Vậy mà vợ chàng đã nói liền hai câu đài, như nói với người quen thuộc sẵn. "Chết chứa, lại vào..." Chàng đã vào lúc nào đâu mà vợ chàng bảo là "lại vào", và sao nàng mở đầu bằng hai tiếng "chết chửa” để tỏ nỗi sợ hãi. Nàng sợ gì” Hẳn nàng sợ người ngoài cười khi trông thấy chàng "lại vào". Phải, đúng thế. Câu thứ hai nàng chả bảo "người ta cười chết" là gì. Nàng nói: "Ai lại thế, người ta cười chết!" Vậy thì cố nhiên người ta không cười người rễ mới vào buồng với vợ, ai chả thế. "Ai chả thế, người ta cười thế nào được!“ Đáng lẽ nàng nghĩ câu ấy mới phải, mà nàng lại nói câu “Ai lại thế, người ta cười chết!" Người ta cười được, chỉ khi nào người rể lẻn vào với vợ nhiều lần trong một đêm. Nghĩ đến chỗ ấy, Chính khó chịu lắm. Chàng cựa, nằm quay mặt vào tường, nhắm mắt lại. Chàng quyết rồi sẽ hỏi vợ cho ra nghĩa hai câu nói này. Có thể nào có một người khác dâm vào nói chuyện với vợ chàng trước chàng hay không? Và người đó là ai? Chàng không thể mà cũng không nỡ tự trả lời câu hỏi oái oăm ấy, vì chàng không rõ vợ chàng có biết mặt chàng hay không. Chính thở đài, xếp lại chăn cho kín chân, rỗi ngâm nghĩ lại những buổi chàng giáp mặt nàng trước khi cưới. Tất cả ba lượt. Lần đầu tiên. cố nhiên nàng không để ý đến DANH TIẾT 595 chàng, vì chàng không định hỏi nàng làm vợ. Lần ấy ở đầu chợ Nứa, chàng nhìn nàng cũng như đã nhìn trăm nghìn cô con gái bán hàng khác. Vậy cố nhiên nàng cũng không để ý đến chàng, vì ở chợ có biết bao nhiêu học trò đi sắm sửa giấy bút và các thứ cần dùng. Thấy nàng có nhan sắc, chàng cũng chỉ tò mò biết qua loa nàng là con ông Đề làng Phương Bá mà thôi. Đến lần thứ hai, khi cha mẹ chàng định hỏi nàng cho chàng, thì cha chàng mới dắt vào hàng nàng, mà bảo tên là Thuý, và khen là nết na, ngoan ngoãn. Thì chàng vô tình, cũng xem thứ nọ, mặc câ thứ kia, chàng thấy tiếng nói dịu dàng, và khi nói thì cái miệng tươi, lộ hàm răng đen nhánh. Như vậy, chàng đã rõ mặt nàng, ắt nàng cũng rõ chàng lắm. Lại còn lần thứ ba nữa. Chàng cùng dăm ba anh em rủ nhau đi chợ mua giấy bút. anh em tỉnh nghịch, gọi tên chàng luôn miệng, khiến nàng thẹn đỏ mặt, cứ cúi gầm xuống. Không những hai lần Ấy, còn ngày hôm qua, biết bao địp nàng đã phải gặp chàng. Vậy thì thế nào nàng cũng đã biết mặt chàng. Cho nên không thể lần này nàng lại tiếp một người không phải là chàng. Nàng có tiếng là chín chắn, nếu xảy ra như thế, tất nàng đã hô hoán lên để bắt quả tang đứa mình người dạ thú toan hãm hại một đời danh tiết của nàng rồi. Hay nàng có ngoại tình trước khi kết hôn với chàng, và vừa rồi đã chuyện trồ với người củ? Không có thể. Nàng đứng đắn có tiếng. Vả nếu có phải thế, thì nàng càng phải giấu giếm, chứ sao lại buột miệng ra câu ấy. Vả câu ấy nói với người yêu cũ nếu hắn lại vào với nàng lần thứ hai 526 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP trong một đêm, chứ không phải nói với chồng vào với vợ lần ấy là lần thứ nhất. Hai câu ấy quả là hai câu chân thật nói bằng giọng âu yếm của một người vợ biết. giữ gìn tiếng tăm cho chồng. Hay nàng đã nói trong lúc chiêm bao? Phải, có lẽ lắm. Chính trước ngày cưới, chàng đã nằm mê thấy hai lần. Chàng chỉ buồn cười một mình, không đám nói chuyện với ai. Một lần chàng thấy đi đón dâu, người ta bắt chàng mặc áo thụng, lễ vung xít. cá vào chỗ cô dâu đứng, và chàng không rõ ai là vợ, chỉ thấy mấy người con gái đứng bưng miệng cười. Một lần chàng tưởng như cười đã lâu, vợ chàng gánh hàng ở chợ về, đưa chàng trăm giấy lệnh và mỉm cười rủ chàng cùng ăn cùi dừa bánh đa. Nàng lại nói đùa: "Chồng đánh chẳng chửa, vẫn giữ cái còi dừa bánh đa". Rồi láng nhăng thế nào, chàng mở bừng mắt ra. Vậy suy ta ra người, nàng không thể kháng nghĩ đến chàng và đến ngày cưới. Mà đã nghĩ. tất có thể chiêm bao. Thế thì chắc lúc chập tối, nàng chờ và mong chàng lắm. Nhưng vì đi đường mệt, nên thiêm thiếp ngủ đi, và mê thấy chàng vào chuyện trò với nàng, rồi chàng ra. Hắn nàng không lạ gì là chàng phải tiếp khách, nhất là mấy người bạn học đi phù rể. Cho nên khi chợt mở mắt. thấy chàng trước mặt, thì nàng bàng hoàng, tưởng giấc chiêm bao là sự thực nên mới nói hai câu có vẻ đột ngột ấy. Phải, trước khi nói câu sau, nàng chả nhấm mắt lại là gì. Thế là nàng đã dở tĩnh dở mê, tưởng chiêm bao là thực và tưởng thực vẫn là chiếm bao. Sở đi lúc chàng vào, đứng trước nàng, mà nàng mở trừng ngay mắt dậy, là do trời DANH TIẾT 527 cho người con gái một linh tính để giữ gìn trinh tiết, dù ngủ say đến đâu, mà khi có hơi người lạ đến gần, cũng sực tỉnh ngay được để chống cự nếu là một sự toan bậy bạ. Bởi thế nàng đã tỉnh ngay được, và khi biết là chồng thì mỉm cười và yên tâm, mới nói ra một câu dở tỉnh dở mê. Suy xét được đến như thế, Chính sung sướng lắm. Chàng mim cười một mình. Một xuýt không nghĩ ngợi kỹ lưỡng, chàng đã gieo vào trong đầu óc một mối nghi ngờ oan uổng cho một người vô tội. Chàng rung cẳng chân, khoan khoái lắm. Chàng sẽ được một chuyện để chế vợ, làm cho vợ phải bật cười, mất thẹn. Chàng nghĩ đến cuộc vui vầy tối nay. Chàng mong chóng hết ngày. Chàng nhớ lại giờ này hôm qua, chàng đương thiu thìu ngủ ở dưới thuyền. Chàng tưởng tượng đến nét mặt tươi tỉnh, đến dáng điệu xinh đẹp của vợ. Rồi thiêm thiếp, chàng ngủ được một giấc dài, cho đến khi có người đánh thức đậy ăn cơm. 528 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP VNI OET-. hôm ấy, không còn ai ngăn trở nên Chính vào . buồng sớm lắm. Lúc ấy Thúy quay mặt vào trong, đương soạn hòm. Nàng mặc áo nâu non, và chiếc quần nái. Trông nàng xinh xắn, chàng rạo rực cả người. - Làm gì đấy? Chính mỉm cười hỏi vậy, thì Thúy giật mình quay ra, nàng lưống cuông, nhưng cũng mỉm cưỡi và nói: - Gớm, vừa chập tối đã vào, ngộ thày u gọi thì sao? - Thày u đi ngủ cả rồi. - Thế trên nhà không còn a1 thức nữa à? Chính không đáp. Vì chàng thấy là chàng háo hức quá thực. Cha mẹ chàng mới nói dạo là ngủ sớm, chứ chưa đi nằm, và trên nhà cũng còn nhiều người thức. Thúy giát lại đuôi gà, nói khẽ: - Để tôi đão qua lên nhà một tí. kẻo thày u thấy đi ngủ sớm, lại kêu. Mấy tôi cũng chưa rửa chân. Đoạn, nàng cúi xuống gần chân chàng. lấy đôi guốc dưới gậm giường. rồi ra sân. Chính ngồi xuống, nhìn theo, vui sướng quá. Chàng đã thấy pháng phất quanh mình một cái mùi thơm thơm, mùi này chỉ khi nào chàng quá DANH TIẾT 559 gần một người con gái mới ngửi thấy. Vậy cái mùi mà hiện chàng thấy đây, là cái mùi thân yêu của một người đẹp, người đẹp ấy lại là vợ chàng. Chàng nghĩ lại mấy tiếng "chết chửa, lại vào” mà bật cười. Chàng thấy vợ chàng giữ gìn ý tứ quá cẩn thận. Chàng vào buồng sớm, nàng e cha mẹ mắng, và sợ nhà có người thức. Tiếng nàng trong như tiếng chuông. - "Gớm, vừa chập tối đã vào, ngộ thày u gọi thì sao?" Nhắc lại câu ấy, bỗng chàng lại suy nghĩ. Nàng đã ăn nói bạo dạn. Nhất là khi cúi xuống lấy đôi guốc, lại quá bạo dạn nữa. Sự bạo dạn không phải của một người con gái khi gặp chồng lần đầu tiên. Người ấy phải rụt đè, e lệ hơn mới phải. Nàng làm như đã quen với chồng lắm rồi. Chàng là đàn ông, mà vào đến đây còn không giữ nổi cảm động, huống chì là đàn bà con gái. Chính cau mặt, hơi khó chịu. Nhưng không muốn có những sự nghĩ ngợi vô lý nó làm mất vui, chàng đứng dậy, lấy tráp trầu, đặt vào lòng, chọn một miếng rất ngon, bỏ vào miệng, nhai ngon lành lắm. Chàng cầm chiếc ống vôi bạc, ngắm nghía mãi. Chàng lách móng tay, lật miếng kính, xếp lại cái lót giấy trang kim cho ngay ngắn. Màu đồng lóng lánh dưới ánh đèn. Chàng nhìn cái mắc áo, trên treo mấy chiếc áo dài. Chàng đến tận nơi, gí mũi vào để ngửi mùi đặc biệt của vợ. Rồi chàng ra phía bàn, bày biện lại cái tráp, cái ống nhổ, cái đèn, cho ngay ngắn, gọn gàng. Thỉnh thoảng, chàng nhìn ra sân. 530 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Chàng mong vợ chàng quá. Chàng nóng ruột. thở dài, Nhưng những ý nghĩ ngờ về sự bạo dạn của vợ, chàng cố xua đuổi, mà nó vẫn luẩn quần trong óc, mỗi khi chàng ngồi không. Chàng bèn ra hè đứng, thì một lát, vợ chàng rón rén guốc ở sân. Chàng hồi hộp, vào buồng trước. Thúy vừa bước chân vào đã nhìn thấy Chính: - Chắc nóng ruột lắm đấy. Chính sung sướng, gật đầu: - Nóng ruột. - Đáng lẽ tôi còn ở trên ấy, nhưng thấy anh đứng cửa, nên biết hiệu, phải bỏ cả công việc. Lời nói bạo dạn và thân mật ấy lại gợi môi nghị ngở của Chính. Song, chàng tươi vu1 ngay: - Thế thì ngoan. Rồi run run, chàng bảo: - Tôi đóng cửa lại nhé, mình bố màn đi. Thúy không đáp, ngoan ngoãn, lấy chiếc quạt để dưới chiếu đâu giường, phẩy mạnh cho hết muỗi, rêi giất màn lại. Nàng cổi áo, vắt ở mắc, trong khi ấy, Chính vặn nhỏ ngọn đèn, rồi hai vợ chồng đi nằm. Thúy nói: - Đêm qua tôi ngủ một. mình lại tắt đèn, thành ra sợ sợ là! Chính cười: - Có trẻ con mới hay sợ hão huyền chứ. DANH TIẾT 531 Rồi chàng hỏi tiếp: - Thế sao lại tắt đèn đi? - Tôi có tắt đâu! Tự nhiên nó tắt lúc nào. thành thứ tôi vừa ng vừa thấp thôm. Mãi lần sau anh vào, cố đèn sáng, tôi mới được ngủ yên. Chính hơi cau mặt về câu nói ấy. Cái chuyện mà chàng định chế nhạo cho nàng cười bây giờ lại không thể để cười được nữa. Chàng hỏi: - Đêm qua, mình có chiêm bao thấy gì không? - Không. Tỏi mệt, thành ra lơ mơ ngủ không giấc nào say, nhưng chẳng nằm mê nằm mộng thấy gì cả. Bỗng Chính thở dài. Thúy hồi:, - Đao? Chàng giấu: - Kháng. Và lúc chàng không khỏi không tò mò, nên hỏi: - Tại làm sao hồi canh năm tôi vào đây, mình lại bảo tới thể? - Thế chả phải ä? Các bác ấy sắp về, thì phải tiếp chứ. - Ai chả biết là phải, nhưng lén vào một tí kẻo mình mong. - Mong thì có mong, nhưng ai lại vào luôn thế. Chính nghe câu ấy, cố nhịn thổ dài, hỏi: - Luôn là thế nào? - Chứ }ại không là luôn. Các bác ấy mà biết, không cười cho Ấy à. 532 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Thảo nào, mình hảo "lại vào". - Chứ không là lại vào à? Vừa vào lúc trống tư, trống năm lạ) vào! Chính giật mình, cố nhịn thở dài. Chàng lặng đi, không nói được nữa. Thì ra chàng đã nghi ngờ đúng, bèn vờ hỏi: - Lúc tôi vào hồi trống tư, sao không báo tôi thắp đèn lên cho? - Theẹn chết lên ấy! Rồi nàng tiếp: - À, chỗ sứt chỉ hôm qua, tôi khâu rồi đây này. Chính bâng khuâng, đáp: -Ừ. Nàng vẫn nói một cách ngoan ngoãn. - Thật đấy mà, sử mà xem. Chính không biết chỗ sứt chỉ nào. Thúy bèn cầm tay chàng, đặt vào phía lưng áo, và nói: - Đấy. Chính đáp: -Ừ. Chàng đã quá nghĩ ngợi. Đó là sự thực mất rồi. Chàng đắn do, không biết có nên nói rõ cho vợ biết rằng đêm qua chàng chỉ vào với nàng có lúc trống năm thôi hay không. Nhưng người vào trước chàng là a1? Sao Thúy lại tiếp? Hai câu hỏi ấy làm chàng quên phút là hiện đương nằm DANH TIẾT 533 lần đầu tiên với vợ mới. Chàng bất giác thở đài. Thúy hỏi: - Anh làm sao thế2 Chính lại thở dài, nói dối: - Tôi hơi đau bụng, cho tôi nằm yên một lát. Thúy ngồi dậy, xuống đất, mở hòm lấy lọ đầu. Nàng xoa vào mũi, hai thái đương và hụng cho chồng, và lo lắng, hỏi: - Đã đỡ chưa? - Chưa, nhưng cho tôi nằm yên, tỷ khắc khỏi. Nói đoạn, chàng vắt cánh tay lên trán. Thúy ghép chăn cho chồng kỹ lưỡng, rồi khẽ nằm xuống, ìm lặng. Và Chính vấn vở nghĩ. Chàng biết là vợ chàng đã bị lừa. Người ấy đã vào buông chàng, tắt đèn đi, hay nhân lúc đèn tắt thì vào? Rỗi tự nhiên, chàng hỏi: - Thế chập tối hôm qua, sao mình lại tắt đèn đi? Cho chồng hỏi câu chuyện vui, Thúy cười: - Anh khỏi rồi à? - Chưa thực khỏi. - Sao bảo nằm yên, lại hỏi? - À, buổn thì hỏi thế. Vậy ai tắt đèn? - Lúc anh vào, tôi thấy đèn đã tắt, vậy không anh thì a1, còn tang lờ! Nói đoạn, nàng cười rúc rích. Nhưng Chính không cười. Chàng còn đương bị một cơn giông tố nó làm đào giạt 534 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÄN TÂP cả lòng. Thúy nói: - Hay anh uống một tí dầu nhé? Chính lắc đảu: - Khóng cần. Thôi. đừng nói chuyện vội. Để chàng nghĩ. Đích nàng đã bị lừa. Vậy ai đã lừa nàng? Máu nóng trong người chàng như sôi lên sùng sục. Chàng quay mặt ra, mỡ mát nhìn Thúy. Nàng cũng nhìn chàng, mỉm cười. Thấy nét mặt. ngây thở, dịu dàng, xuýt chàng ứa nước mắt. Chàng thương nàng quá. Tâm sự chàng, chỉ một mình chàng hiểu. Nàng không có tội. Nhưng nếu chàng nói rõ cho nàng biết là nàng bị lừa, ắt tấn bi kịch diễn ra, khủng khiếp không thể tưởng tượng được. Một duyên vợ chẳng và một đời người còn hay mất là ở chàng. Bông hai dòng nước mắt chảy ra, từ từ rỏ xuống thái dương chàng. Nàng băn khoăn, ngồi đậy, hỏi: - Anh đau đến thế ư? Nhưng Chính thở dài, lác đầu, rồi giơ hai cánh tay quàng vào cổ vợ, kéo đầu nàng cho cái má phinh phính sát vào miệng chàng. Chàng hón nàng một cách âu yếm, rồi lại thở dài, nói: - Tôi khỏi rồi, mình đừng lo lắng nữa. Hễ biết đại lượng để thương nhau thì trăm việc cũng vứt đi. Thúy không thể hiểu rõ được câu nói sâu xa ấy, nàng sung sướng quá, ứa nước mắt... DANH TIẾT 535 IX ẤÄÏ(¡ nón sáu, Chính sang Nho Quan để dị học. Nhưng vừa bước chân tới nhà trọ, Thân đã cho biết ngay một tin: - Hoài của, anh không sang hôm qua để tiễn anh Hạnh. Chính than nhiên. chỉ cười lạt: - Anh Hạnh đi đâu mà tiễn? - Anh ấy thôi học rồi, về nhà làm ruộng. Quý tỏ ý tiếc: - Anh ấy đương tấn tới, lại thôi học nửa chừng, anh nghe tin ấy lại cười được à? - Mà nhà lại khá. Chính trầm ngâm, không nói không rằng. Là vì chàng đoán chắc Hạnh đã lừa Thúy đêm tân hôn. nay sợ chàng, nên phải lánh mặt mà bỏ học. Trong mười hôm gần vợ, Chính đã lấy đại lượng mà thương nàng vô tội, nên nhất định không nghĩ ngợi gì, và nhất là không tìm xem kẻ phản chàng là ai. Nhưng có mấy lần, nàng đã vô tình hỏi chàng vài câu, và do những mẩu chuyện có tính eách tố giác ấy, chàng đã biết kẻ thù là Hạnh. Lần thứ nhất, nàng nắm bàn tay chàng, rỗi sờ sờ 536 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP vào ngón tay út tay phải để tìm, rồi bỗng hỏi: - Cái nốt cơm của anh đâu rồi? Chàng đáp: - Lm gì có nốt cơm nào. Thì nàng ngạc nhiên, hao: - Rõ ràng tôi thấy nó thây lấy ở chỗ này. Vừa nói, nàng vừa trỏ vào đầu đốt thứ hai. rối lại hỏi: - Hay là tay bên kia? Rồi nàng lại nhìn, nhưng cũng không thấy. Bỏi vậy, chàng để ý cố nhớ xean ai có nốt cơm ở ngón út bên tay phải. Chàng đã đoán là Hạnh, vì nhiều lần, Hạnh phàn nàn với anh em là có nốt cơm, hề cắt đi nó lại mọc. Và chính chàng đã mách Hạnh cách chữa, là lấy thoi vàng rắc đường của đám ma, sát vào nết cơm, rồi giắt lỏng léo vào cạp quần. Thị nhiên nốt ấy bay đi lúc nào không biết. Song, Hạnh vẫn chưa có địp gặp dám ma. Vậy cố nhiên nốt cöm ấy vẫn còn, và Thúy đã sờ thấy. Hôm ấy chàng nghĩ ngợi lùng lắm, và thổ dài luôn luôn, khiến vợ không hiểu trong bụng chàng hậm hực điều gì. Hạnh đã thèm muốn sắc đẹp của nàng, nên nhân tối đầu chàng đổ cảm bài tổ tôm, chấc rằng không thể xuống với vợ nên mới lén đi. Chàng cố nhớ kỹ lại đêm ấy. Chàng đã công ty với Hạnh, và Hạnh chỉ ngồi có hơn một hội đầu, rêi nhường bài cho chàng. Lúc mải, chàng không để ý đến Hạnh, nhưng nhớ rằng có một hie không trông thấy Hạnh, không rõ lâu hav chóng. Rầi khi tan tổ tôm, Hạnh cứ giữ chàng bằng những câu hỏi phiếm, không quan hệ, hẳn DANH TIẾT 537 Hạnh cế khâng cho chàng được gặp Thúy đêm ấy. Suy xét được như thế, nên chàng hỏi Thuý: - Trước khi cưới, mình có biết mặt tôi không? Tưởng là câu hỏi tình tứ, Thúy đáp: - Tôi có biết mặt ngang mũi dọc anh thế nào đâu. Thẹn chết, ai dám nhìn. Chỉ đàn ông là bạo dạn, xông xáo ghê quá. Chính gật gù, cắn môi, mắt nhìn xuống, Thúy hải: - Anh hỏi làm gì câu ấy mà hỏi luôn thế. Chính vờ mìÌm cười: - Những bao giờ mà là luôn? - Thì ngay tối đầu tiên đã hỏi câu ấy rỏi kia mà. Chính chợt hiểu thêm. Thúy tiếp: - Ù, buồn cười quá, trước ngày cưới, tôi chửa biết mặt anh, lúc anh vào, đèn lại tắt, thành ra cũng chẳng rõ anh thế nào. Chỉ thấy người ta khen là đây đặn phúc hậu, thì cũng hay rằng thế. Chính cười: - Nhưng rỗi lúc vào lần thứ hai. tôi chả thắp đèn là gì? Thúy gật đầu: - Tôi ch1 thoáng nhìn. Như vậy, chàng đã đoán đúng là Hạnh lập tâm gian nên mới ở trọ học cùng nhà với chàng. Hèn nào Hạnh eố thân với chàng để được mời về nhà ấn cưới. Một lần nữa, nhân bàn về những thói quen nực cười 538 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀ N TẬP của người ta khi nói chuyện, Chính bảo: - Có người được câu gì đắc chí, thì nói xong, liếm ngay môi một cái. Có người quen miệng vâng, có người hỏi người khác xong cũng vâng liền, đại khái: "Thưa bà, bà được mấy cháu ạ, vâng ạ. Hoặc người khác hỏi: "Năm nay bác cấy mấy mẫu?", thì người ấy đáp: "Vâng, được năm mẫu, vâng". Thúy bật cười: - Còn anh, thì từ ngay lấy vụ. đã chừa được cái tiếng "nọ kia”. Chính không hiểu. hải: - Nọ kia thế nào? - Đại khái: "Cá ngày đi lễ nọ kia. miệt quá... Thôi, tôi lên nhà để đánh bài nọ kía với các bác ấy". Chính càng ngạc nhiên: - Tôi nói những câu ấy? Thúy lại cười, nói đùa: - Chứ dễ người hàng xóm hẳn? Sực nghĩ đến Hạnh hay nói tiếng "nọ kia", chàng im lặng. Thúy vẫn vui vẻ: - Lại có bà ở chợ chỉ hay nói tiếng "răng thì là” và “một sự". Bà ấy nói: "Tao về thì mày phải có một sự rằng thì là an ủi chứ". Ngày trước, tôi hay nói tiếng "ấy". Thôi cơm, lại bảo "ấy cơm". Một câu tôi nói đến mấy tiếng "ầy". Nhưng ùu tôi mắng mãi, nay đã bỏ được rồi. Thấy Chính có về buồn bã, Thúy hỏi: - Hình như anh só điều gì trong lồng? DANH TIẾT 539 Chính liền làm vui, lắc đầu: - Chả có điều gì cả. Và chàng vẫn âu yếm nàng như thường. Chàng định công việc nhà xong xuôi, thì sang Nho Quan, chàng sẽ để ý xem Hạnh đối với chàng ra sao. Chàng thâm thù với Hạnh. Chàng đã nghĩ đến cách đốn phó với con người phân bạn. Chàng có thể lấy chứng cớ do vợ chàng nói ra, để đem Hạnh lên quan nhờ ngài lấy pháp luật trừng trị. Nhưng nghĩ kỹ, chàng cho là làm cách ấy không được. Vĩ trước hết, chàng phải nói rõ cho nàng biết là đã vô tình mà mất trinh với Hạnh. Thế mà nói tin ấy ra, tức là chàng gây bao tấn thảm kịch. Vợ chàng sẽ không chịu được nhục nhã, có khi đến tự tử, mà nếu khóng tự hủy tấm thân, cũng xấu hỏ, ân hận, mà héo hon dần, đến chết. Hoặc không thể suốt. đời chịu tiếng xấu xa, nàng tự lìa chồng, và đây uyên tự nhiên sẽ đứt. Vã lại. câu chuyện đã vỡ lở, rồi chính chàng cũng chịu một phần tai tiếng. Người ta sẽ kế chuyện này cho nhau nghe, rồi thêu dệt, đồn đại những điều rất bực mình. Chàng có thể trả thù Hạnh bằng cách khác, là lấy vẽ lực cho Hạnh một bài học. Chàng sức vóc không mấy, nhưng khỏe khắn hơn Hạnh. Chàng không đánh chết củng làm cho kẻ thà đến phải què quặt, đui mù, hoặc đem một tật gì suốt đời trên mặt. Nhưng chàng không thể ác như thế. Và lại, dù chỉ riêng chàng trừng trị Hạnh giữa phỏ hẻo lánh, vắng vẻ, nhưng hễ Hạnh đeo thương tích, tức thì câu chuyện võ lở, những tấn kịch tham đạm chàng vừa nghĩ tới, sẽ theo nhau xảy ra. 540 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Chàng muốn trả thù Hạnh mà vấn giữ kín được chuyện. Nhưng không thể. Đã có sự trả thù, tất không thể kín chuyện. Vậy chỉ còn một cách là chàng đã đại lượng để thương yêu vợ, thì cũng có thể đại lượng với kẻ thù. Ai làm điều ác, đã có trời trừng phạt. Biết đâu vì việc Hạnh phản chàng, hắn lại không bị ảnh hưởng xấu dàn dân cho đến khi hỏng cả một đời. Nghĩ đến thế, cho nên khi Chính nghe thấy Thân và Quý nói tin Hạnh đã bö bọc về làm ruộng, chàng đã cho ngay là hắn bắt đầu chịu sự trừng phạt của trời. Chàng hỏi: - Anh ấy có nói tại sao thôi học về làm ruộng không? Thân đáp: - Anh ấy không nói, nhưng xem ý hình như tự anh ấy muốn thế. - Sao các anh không khuyên anh ấy nên cố học đến khoa thi? - Có, nhưng anh ấy không nghe. Chúng tôi tiếc giá có anh, anh bảo tất. được, vì anh ấy mọi ngày vẫn phục và tin anh. Chính lắc đầu: - Mọi ngày thế, nhưng từ nay trở đi khác. Các bạn không ai để ý đến câu ấy, nên Quý nói: -Chúng tôi có lưu anh ấy ở lại chờ anh rỗi hãy về, nhưng anh ấy không nghe. Chính gật gù: - Thế là phải. - Tại sao? DANH TIẾT 541 Vẫn gật gù, Chính thong thả đáp, gần lộ ý kín trong thâm tâm: - Gặp tôi, anh ấy thêm khó xử ra. Song Quý và Thân hiểu ra cách khác, nên nói: - Anh Chính nghĩ phải, nếu anh ấy chờ anh, rồi anh khuyên can, anh ấy nể, lại không thôi học nữa, mà ý anh ấy thì nhất. định về làm ruộng. Thấy Chính đăm đăm nhìn ra xa, Quý nói đùa: - Anh này nhớ vợ! Chính cười lạt để giấu sự căm hờn: - Phải, sao không bâng khuâng được, nhất là tới đây, tôi thấy thiếu anh Hạnh. Thân đáp: - Phải, chúng ta ở với nhau đương vui. Anh ấy thôi học, thật là đột. ngột. Muốn dò Hạnh thêm, Chính hỏi: - Anh Hạnh có nói chuyện riêng gì về tôi với các anh không? Thân láa đầu: Không. - Anh ấy có bình phẩm gì nhà tôi không? - Không, anh ấy chỉ bảo anh sung sướng, được vợ có nhan sắc lại có đức hạnh. Chính cười, hỏi: - Mai, tôi muốn về thăm anh Hạnh, các anh nghĩ sao? 542 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Anh lại nghỉ thêm hôm nữa à? - Tôi định xin phép Thày. Quý nói: . - Anh chờ chúng tôi cùng đi cho vun. - Chờ đến bao giờ? Tôi muốn gặp anh ấy ngay. - Cuối tháng này, nhà Thày có ky, chắc anh Hạnh sang lễ, ta sẽ gặp. - Nhưng gặp thế, không quý bằng ta sang chơi tận nhà. Thân nghĩ ra một dịp, nói: - Được rồi, ngày kia có quan về làng, chắc Thày bận tiếp, cho chúng ta nghĩ học. Quý vui thích, cướp Ìơi: - Phai, ta nhân hôm ấy cùng đi. Chính đáp: - Vậy tôi chờ các anh đến ngày kia. Thân hỏi: - Chúng ta đột nhiên sang thăm anh ấy, các anh thử tưởng tượng xem gặp ta, anh ấy thế nào nhỉ? Quý đáp: - Chãc anh ấy mừng. Nhưng Chính đúng đỉnh: - Chưa chắc. Là vì chàng quyết Hạnh sợ. Hạnh có làm tội ác. nay gặp chàng, chắc Hạnh tưởng chàng đến để gây chuyện lôi thôi. DANH TIẾT 543 Quả nhiên, đến hôm Chính, Thân và Quý đến chơi với Hạnh, ba người hỏi thăm người làng, biết đích là Hạnh có nhà, nhưng vào đến cổng, gọi người ra coi chó, thì người này nói là Hạnh vừa về bên quê ngoại buöi sáng. Riêng Chính hiểu là Hạnh nói đối, vì không muốn giáp mặt chàng. 544 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP X 3Ð:„ nhà eụ Cử có ky, Hạnh không sang. Lễ và ăn cỗ xong, Chính nhân được nghỉ học, nên về quê. Thúy thấy chàng về, thì mừng rỡ lắm. Nàng chạy ra chợ, mua thịt về làm cơm cho chàng ăn. Bà Bát thấy con đâu nhanh nhấu, nói với chàng: - Kể nó ăn ở khá, thày u cũng mừng. - Nhà con đã bắt đầu đi chợ chưa? - Rồi, và xem chừng cũng đắt hàng. À. ông Đồ hôm nọ có sang chơi với thày. - Vâng. Ông Bát phàn nàn: - Đáng lẽ mình phải sang chơi bên ấy trước, đâu gia nền đi lại với nhau cho thân mật. Thế mà thày cứ hết việc nọ đến việc kia, bận mãi. Chính đáp: - Rằm tháng sau bên ấy có giỗ, thầy u sang chơi. - Thế à. Anh cũng xin nghỉ để về chứ. - Vâng. Nhưng con chỉ sợ nghỉ học nhiều quá. Bà Bát gật đầu: - Phải, rể mới, nên đi đủ các ky lạp trong năm đầu cho phải đạo. Đã đành nghĩ học thì tiếc, nhưng biết làm thế nào! DANH TIẾT 545 Ông Bát biểu đồng tình: - U nó nói phải, vả lại, có sợ kém anh kém em, thì anh có ba người bạn cùng trọ một nhà, nhờ người ta giảng lại cho. Chợt nghĩ đến Hạnh, Chính nói: - Còn có hai người trọ cùng nhà. Một người đã thôi học. Ông Bát hỏi: - Ai thôi học? - Thưa, anh Hạnh. Bà Bát nhớ ra, gật đầu: - À, Hạnh. u nhớ mặt người ấy rồi. Ông Bát thấy cái tên quen quen, nghĩ mãi không ra: - Hạnh, quái, là một người trong bọn đi phù rể ấy nhỉ? Chính đáp: - Vâng. Ông Bát vẫn nghĩ: - Quái, mặt mũ anh thế nào Ấy nhĩ? Bà Bát nhắc: - - Là cái anh ngày trước đã hỏi chị Cả nhà này mà ông bà Đồ Phương Bá không gã ấy mà. Ông Bát nhớ ra: - Â. phải rồi, thì ra chị Cả nhà này tốt số, nếu không... Chợt thấy Thúy đi qua ngoài hè, ông không nói tiếp nữa. Nhưng Thúy đã nghe rõ cha mẹ và chồng đương có câu chuyện gì đụng chạm đên mình. Nàng tò mò muốn biết, nhưng không dám hỏi, cũng không dám đứng lại 546 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẠ P nghe. Nàng phai xuống bếp làm cơm cho chồng ăn. Bởi vậy, tối hôm ấy, nàng hỏi ngay Chính: - Ban nãy, thày u nói chuyện gì với anh về tôi thế? Chính ngơ ngác đáp: - Không, lúc nào? - Cái lúc tôi ở chợ về ấy mà. - À, thày u khen mình. - Không phải. - Chỉ có chuyện ấy thỏi. - Còn nữa, anh giấu tôi. Chính cố nghĩ kỹ. Chàng đã không nhớ ra, vì Thúy hỏi không đúng. Giá nàng hỏi: "Thày u nói chuyện gì với anh về Hạnh thế", tức thì chàng hiểu ngay. Thực thế, ông bà Bát có nói gì về nàng nữa đâu. Tưỡng là chồng giấu, Thúy có vẻ không bằng lòng: - Rõ ràng tôi nghe thây thày bảo tôi tất số thế nào ấy mà lại. Chính rù ra cười: - À, tại tôi nói về anh Hạnh bỏ học. Thúy sửng sết: - Hạnh nào? - Hạnh con ông Thông Sứng ây mà. Thúy hỏi dồn: - Anh ta bỏ học rồi à? Chính gạt đầu. Thúy thơ đài: - Người ấy học giỏi, tại sao bỏ học? DANH TIẾT B547 - Nào ai biết. được! - Thế sao thày bảo tỏi tốt số? - bà vì nếu thày u bên nhà bằng lòng gả mình cho anh Hạnh, thì bây giờ anh Ấy bỏ học, chữ không như tôi, vẫn đi học như thường. Cho nên mình tết số, được ]à vợ học trà. Thấy hai tiếng học trò, Thúy nhạo để đùa chồng: - Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm, chứ quý gì! Tưởng chừng như vợ so sánh mình với Hạnh, Chính hơi bực mình. Nhưng chàng không nó! gì. Thúy hỏi: - Kể ra hỏ học như thế cũng tiếc nhỉ. Ngày trước, ông Thông Sứng nhà người đến hỏi tôi, xuýt nữa thày u gà đày. Chính lạnh lùng, hỏi: - Sao không gä? Thúy nhìn chồng, mìm cười: - Duyên số ở giời, biết tại sao! Chính không muốn nhắc lâu đến chuyện Hạnh, nên hỏi lắng: - Thế nào, minh đi chợ, hàng họ ra sao? - Tôi chưa quen khách, nhưng bán cũng được. Chưa biết tìm câu gì để nói tiếp, Chính đương nghĩ. thì Thúy đã thở đài: - Tôi nghe thấy tin những người đương học đỡ dang mà bỏ, lại tiếc công cho người ta. Chính thấy vợ lại nhắc đến Hạnh, thì không vui. Chàng yên lặng. Chàng nghĩ đến mối hiểm riêng. Nhưng 548 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Thúy không hiểu, lại nói: - Sao anh không khuyên bảo anh ta? Chính cau mặt: - Kẻ nói Thấy chồng khác ý, nên Thúy trách: - Bạn bè với nhau. lại cứ gọi người ta là nó. - Chẳng lẽ lại gợi là ông? Không muốn trái ý chồng, Thúy cười. Nàng nhịn, vì một câu nhịn là chín câu lành. Nàng vẫn thường thấy ở nhiều gia đình, một khi người chồng đã nóng, nếu người vợ không biết lựa lời hoặc nhịn, thì câu chuyện chẳng ra sao cũng có thể gây nên sự bất hòa. Rồi nói sẵng quen miệng, vợ chồng sinh ra cãi nhau luôn, mất cả vui vẻ đi. Nàng biết chính người đàn bà mới gây được hạnh phúc trong gia đình. Mà một nhà thịnh vượng hay đổi bại, cũng do có người đàn bà tốt hay xấu. Những nếp luân lý ấy, nàng đã được cha mẹ dạy bảo luôn luôn. Choø rên nàng phải ấn ở cho ra người dâu hiển, vợ thảo. Chồng nàng ởi học trọ xa, thỉnh thoảng mới về thăm nhà, thì những lúc gần, nàng phải hất sức làm cho chàng vui vẻ, và lúc vắng chàng. nàng phai hết sức làm cho cha mẹ chàng bằng lòng. Thanh danh cha mẹ đẻ ra nàng, hạnh phúc của gia đình nhà chẳng, lúc nào nàng cũng nghĩ tới, nghĩ tới để làm yên tâm người đi xa, để người đi xa được yên tâm mà dùi mài kinh sử. DANH TIẾT 549 xI %› thì khoa Mão, Chính vào phúc hạch bị hồng tuột. Chàng buồn lắm, và nhân cạ Cử Nho Quan tạ thế, nên chàng ở nhà, không tìm thày nào nhập môn nữa. Thúy đã sinh với chàng một đứa con trai. Mấy tháng đẻ xong, vì yếu sức nên nàng nghỉ chợ, nhưng nay đã được như cũ. nàng lại nghĩ đến công việc buôn bán. Chính thấy vợ siêng năng và nhất là ăn ở cá họ được lòng, nên rất vui vẻ. Bởi vậy, nhiều lúc trông thấy vợ nhan sắc, con kháu khỉnh, hoặc khi cảm động về những củ chỉ đáng khen của nàng, thì cái việc phản bạn của Hạnh gây ra đêm tân hôn lại đến ám ảnh chàng. Nhưng chàng càng thương vợ bao nhiêu, càng muốn xua đuổi cái tư tưởng buồn phiền đi bấy nhiêu. Bởi vậy, chàng rất hài lòng là đã chịu chôn cái tâm sự xuống đáy lòng, để một mình khi nào chợt nhớ đến thì đau khổ chốc lát, rồi tìm cách quên ngay đi. Chàng đã đền vợ bằng sự im lặng đại lượng. Nếu ngày Ấy, không nghĩ kỹ, chàng làm cho ra việc, thì hạnh phúc chàng không được hưởng, mà chắc chắn là mấy gia đình bị tan tành. Sự đau khổ chỉ giết nổi người yếu linh hồn, tức là vợ chàng. Chứ với chàng, nó chỉ thoảng qua, khóng thể hại chàng được. Rồi chàng quên đi ấy là chàng đã thắng. Cho nên những lúc chợt nhớ đến việc ấy, chàng tìm cách xua đuổi nó đi, và càng vui vẻ sự đại lượng của mình, B50 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Một hôm trởơi mưa, Thúy nghì chợ. Nhưng vì tính hay lam, để vên chân tay không được, nàng bèn mặc áo tới và đội nón, định ra vườn sau nhà, cuốc đất tròng rau. Thấy vợ tham công việc, Chính can: - Thôi, chẳng lẽ quanh năm "ăn chòng nửa bữa, ngủ chòng nứa đêm", không được ngày nào nghỉ ngơi trọn vẹn, hôm nay nhân mưa, ở nhà với chồng với con, thì nên hưởng cho nó sự thánh thơi. Thúy mm cười; - Tôi khỏng làm thì ông bà phải mó tay vào, cũng thế, Tự nhiên, Chính ngượng về sự yếu ớt của con người gọ1 là học trò. Chàng hỏi: - Độ này không bận việc gì, tôi cũng buôn, để mai tôi làm cho. Vận động cho khoe người. - Tôi cứ bận đi chợ, khi về, thải bữa cơm chiều An xong là tòi, thành thử chẳng giúp ông bà về sự trông nom cửa nhà được. Tôi định cuốc xong vườn thì phát bờ giâu và xem có chỗ nào không kín thì rào lại. - Đáng lẽ những việc ấy, tôi phải nghĩ đến. Thôi được u nó Xem còn những gì nên làm thì bao tôi, từ mai, tôi khỏng ngồi rồi nữa. Nhàn cư vi bất thiện. - Không, thày nó đã có việc học rồi. Chỉ nên để tâm vào sự học, ngoài ra, đã có tôi sắn sóc việc nhà. - Nhưng từ ngày thị hỏng, tôi chán học lắm. - Thày né nghỉ một dạo là phải, ba năm nữa mới lại có khoa thị, học còn kịp chân, vội gì. DANH TIẾT 551 Thấy câu chuyện nồng nàn, Thúy bỏ nón và cối Áo tơi ra. Chính đùa: - Phải đấy, thế mới là xuất giá tòng phu. Thúy mỉm cười, đi với chẳng vào huồng. Nàng đổ đứa con đương ngủ ở tay chồng. rồi nói: - Nhà ạ. Tôi có câu chuyện cứ định nói mãi. Chính âu yếm hỏi: - Chuyện gì? - Bác Lý Tư nhờ tôi nói với nhà bảo giùm thằng cháu nhà bác ấy học. kiếm dăm ba chữ. Chính nghĩ ngợi một lát. rồi đáp: - Cũng không mắt công gì, nhưng dạy một đứa thì buồn chết, mà lại mất việc của mình. - Rồi người ta biết, người ta xin cho con nhập môn khối. - Phải, được độ mươi đứa thì tôi chịu khó ngồi bảo vậy, nếu không, thà để thì giờ học hành cho mình còn hơn. Nhưng thày cần ít tuổi, biết người ta có tìn không. - Tuôi thì làm gì, cốt ở đức độ. - Vậy nhà cứ báo bác Lý kiếm lấy mươi đứa, tôi vớ lòng cho. có việc để bận hàng ngày. cũng vui. Khỏi mang tiếng nằm nhà bế con hầu vợ. Thúy lườm: - Việc gì mang tiếng. - Cứ nằm dài ăn nhờ vợ thì mang tiếng hẳn chư Ì¡. Thúy không bằng lòng: 552 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Ai nói như thế thì mắng vào mặt người ta ấy. Ông bà có ruộng cấy, trâu cầy, thày nó thì văn bài sách vở, chứ có như ai đâu mà phải nhờ ai. Chỉ có tôi nhờ ông bà với thày nó thì có. Chính cười: - Là tôi nói đùa thế. - Tôi không bằng lòng đùa thế đâu. Lỡ người ngoài - nghe thấy, lại bảo tôi kể lể. Thằng bé giật mình, thức dậy, nhăn mặt khóc. Thúy vạch vú cho con bú, höi: - Mọi ngày tôi đi vắng, con khóc nhà làm thế nào? - Đã có bà dỗ, nếu nó đói, bà mớm cơm. Thằng bé giø cẳng chân mũm mĩm khoèo vào mặt mẹ. Thúy nắm lấy, hôn hít và nựng nịu: - Chứ thày chả được việc gì, nhỉ cu nhỉ! Thằng bé cười tít mất, vừa bú vừa thò tay sang vú bên kia để sờ. Chiều hôm ấy, Thúy đến nhà bác Lý. Nàng nhờ bác tìm thêm trẻ để chẳng dạy học. Nàng muốn chàng bận bịu hơn là ngôi không. Chính nàng rất sợ tiếng mà người ta để cho chồng, là ăn hại vợ. Nàng tránh tiếng cho chồng, tức là nàng cũng giữ cá cho nàng. Bởi vì khi một người vợ có chồng bị mỉa mai là ăn nhờ thì người vợ ấy đễ bị người ta đổ cho là hợm. Một câu nói thường không làm sao, nhưng kẻ xấu bụng có thể giảng ra ý nghĩa thế nào cũng được. Bởi vậy, chẳng bao lâu. nhà Chính đã có nhiều trẻ lui tới, và ngày nào tiếng học cũng ồn ào cả buổi sáng. DANH TIẾT 882 XxIL Ấ:„ năm sau, Thân đến chơi nhà Chính. Lúc bấy giờ Chính đã là chủ gia đình rồi, vì ông bà Bát đã lần lượt quy tiên. Chàng đẻ thêm một đứa con gái năm ấy lên hai. Khoa sau chàng có đi thi, nhưng không đỗ. Thân cũng vậy, và hiện nay ngồi bảo trẻ ở làng bên cạnh. Cho nên hai người thường có dịp gặp nhau luôn. Thấy bạn chồng đến chơi, lần nào Thúy cũng quý hoá, và thỉnh thoảng có ra tiếp chuyện. Thân được tiếp đãi thân mật, nên yêu cầu Chính để Thúy và các con cùng ăn một mâm cho đ8 phiền. Bữa hôm ấy, lại thấy đọn thịt gà, nên Thân nói đùa: - Tôi sang chơi hai báe luôn, mà lần nào cũng thịnh soạn, làm tôi nghĩ ngợi, và không dám đi lại luôn đâu. Chính cười: - Có gì, gặp nhau, ta nên bày vẽ ra để uống chén rượu nói chuyện cho đỡ buồn. Thúy cười: - Mới có lần trưác với lần này, nhà không còn gì ăn. töi mới mổ gà, bác đã kêu là thịnh soạn. Thân đáp: 554 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Anh em gặp nhau, có dưa ăn đưa, có muối ăn muôi, cốt. câu chuyện cho vui vẻ là được rồi. Chính cất. chén mời bạn. Thân sực nghỉ ra, nói: - À, bác ạ, tôi vừa gặp bác Hạnh. Chính làng: - Rượu hôm nay ngon đấy chứ. Bác xơi ởi. Nhưng thấy bạn chồng nói đến một người xưa đã hỏi mình, nên tò mò, Thúy ngấc mắt lên: - Bác Hạnh ngày xưa ở trọ với báo, với nhà tôi đấy nhỉ? - Vâng. Chính không muốn nghe chuyện Hạnh để nhớ đến việc cũ, nên lại lắng: - Nước mắm này u nó mua ở đâu, khí cứng. - Cũng vẫn nước mắm mọi khi. Rồi nàng cười với Thân: - Nhà tôi chả để ý gì đến ăn uống cả, gặp thế nào hay thế. Thân nói: : - Tôi có đứng lại nói chuyện với bác ấy, nhưng mời vào nhà, không vào. Chính muốn lãng nữa, song chưa nghĩ ra được câu nói, nên nhại vợ: - Gặp thế nào hav thết Thúy thấy chồng khỏng tiếp bạn, lại cứ nói mình, nân sợ Thân phật ý, bèn nhìn Thân, cười: - Nói trộm bóng các cháu, ngày xưa bác ấy đã hỏi tỏi, DANH TIẾT 555 nhưng bên nhà không gả. Thân gật đầu: - Vâng. - Hôm cưới, bác ấy cá đi phù rể với bác đấy nhĩ? Chính như bị một phát đạn bất ngờ. Chàng muốn không ai nhắc đến Hạnh nữa, nhưng vì cảm xúc quá, không nghĩ được câu nói để đánh trống lấp. Chàng bèn đứng dậy: - Tôi ra vườn bứt thêm mấy cái lá chanh. Chàng cho là Thân nói về Hạnh chỉ cho chàng nghe, nhưng nav chàng không có đấy nữa, ắt Thân phải kể chuyện khác với Thúy. Chàng đứng cạnh cây chanh rõ lâu, rỗi vào, cố làm mặt vụi vẻ: - Chẳng còn lá nào ăn được. Nhưng cả bạn lẫn vợ đều không để ý đến câu nói của chàng, vì Thúy chép miệng, thở dài, trả lời Thân: - Vâng, thưa bác, ngày còn mồ ma ông bà nội chău. ông bà cháu cứ bảo tôi tết số lấy được nhà tôi. Biết là hai người vẫn đương nói chuyện Hạnh, nhưng Chính không thể làm thế nào để khỏi nghe được, thì Thúy ngậm ngùi nét mặt, nhìn chỏng: - Này, thày nó ạ, bác vừa nói, bác Hạnh đến đáng thương. Chính yên lặng, uống một hớp rượu. Muốn cho Chính biết là vừa rồi mình chỉ nói về Hạnh. nên Thân gật đầu: 556 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Để tôi nói rõ lại hai bác cùng nghe. Tôi gặp bác Hạnh, xuýt không nhận ra, vì bác Ấy gầy gò, và ăn mặc tiểu tụy quá. Tôi không ngờ là bác ấy, mà bác ấy không nhìn tôi, nên đáng lẽ tôi khâng hỏi. Cho là câu chuyện lý thú, Thân hút điếu thuốc, rôi kể nốt: - Như bác hay tôi, mặt mũi không khác xưa, thì làm gì bác ấy không nhận ra. Song, tôi chấc bác ấy không hỏi trước để xem mình có hỏi bác ấy hay không. Bác ấy tưởng mình nay đã đỗ đạt, làm nên ông gì, mà bác ấy nghèo hèn, nên thử xem mình có phú địch giao không. Vì vậy, tuy không chắc là bác ấy, mà tôi cũng cứ gọi. Không phải chẳng sao, mà nếu phải mình đã mang tiếng khinh bạn cũ, và lại được biết tin bạn nữa. Thấy Chính yên lặng, Thúy nói hộ chồng: - Bác xử thế rất chu đáo. - Tôi gọi, bác ấy dừng lại, và có ý ngượng nghịu. Thúy nói với chồng: - Bác Ấy đáng thương lắm kìa, thày nó ạ. Thân gật đầu: - Đáng thương thật. Từ khi bỏ học, anh ta về nhà làm ruộng, nhưng vì chơi bời, nên bán trác đi hết. Rồi khi gần khánh kiệt, anh ta cầm nết cái nhà, lên vùng Hưng Hóa ở nhờ nhà người cô họ. Rồi có người rủ sang Tuyên Quang buôn bán, anh ta bị lừa một mẻ hết sạch, lại đeo thêm chứng sốt rét ngã nước nữa. Chính gật gù, vì thấy Hạnh đã đáng những hình phạt ấy. DANH TIẾT 557 : Ấy, trong năm sáu năm nhì Rồi chàng tiếp: - Giá hắn không thôi học, biết đâu không đỗ đạt, sung sướng, danh giá hơn bọn ta nhiều. Là vì chàng đã nghĩ đến sự bỏ học của Hạnh là do Hạnh không dám giáp mặt người bạn hắn phản, tức là chàng. Thân tiếp: - Anh ta gầy gò, mặt mũi bủng beo. Thúy phần nàn: - Dại quá, tự nhiên thôi học, đến nỗi đem cái khổ vào thân. Chính hỏi: - Thế lúc ấy anh ta đi đâu? - Anh ta bảo về quê bán đứt nhà rồi lại lên Tuyên Quang kiếm chỗ dạy học. Thúy động lòng: - Dạy học ở nhà, thiếu gì người đón. Sao bác ấy nghì quân thế nhỉ. Tuyên Quang nước độc. Thằng bé lớn ngẩn mặt nghe chuyện, hỏi mẹ: - Đâu nước độc, hở u?2 Thúy đùa: - Puyên Quang. mày có lên Tuyên Quang thì lên. Thằng bé thật thà. đấp: - Ö có lần thì lên, con không lên. Thúy cười sàng sặc: - Cá! Tao lên để bụng to bằng cái thúng. 558 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Ý Thúy muốn tả người bị ngã nước, nhưng Chính lại ngh1 đến một người có mang. Chàng cau mặt và tặc lưỡi. Thân hút xong điểu thuốc nữa. nói: - Ảnh ta có hỏi thăm bác đấy. Chính cười lạt. Thân tiếp: - Tôi mời anh ta về chơi nhà, định lưu lại rồi dắt sang chơi với bác, nhưng anh ta hết sức từ chối. Thúy gật đầu: - Kể bác ta sang chơi được cũng hay. Chính cau mặt nhìn vợ, nhưng nàng không trông thấy. Thân đáp: - Vâng, lâu ngày không gập, ôn lại chuyện cũ, côn gì bằng. Nhưng anh ta bảo không thể ở được, vì trót hẹn với vài người cùng đi một chuyến thuyền. Anh ta lúc ấy đương bị cơn sốt. Thúy chép miệng, thở đài: - Khốn nạn! Chính lườm vợ, cế nén cơn giận. Mỗi lúc, chàng lại thấy Thúy như thể tổ cảm tình riêng với người đã phần chàng, nên máu nóng trong người sôi lên sùng sục. Máy lời nói đầu tiên của Thúy đêm hôm cưới lại như vãng vắng bên ta1 chang: "Chết chứa lại vàa..." Lòng nghỉ ngờ vợ lại nổi dậy. Chàng ngờ chàng ngốc đại đến nỗi tin cái tiếng tốt của con gái ông Đồ Phương Bá mà quá đại lượng với nàng chăng, DANH TIẾT 559 Chàng run lên, rót đầy một chén rượu, rồi uống cả. Thân bật cười: - Bác đã uống được nhiều nhỉ. Để khỏi phẫn uất, Chính tặc lưỡi: - Uống nhiều để quên đồi, quên mình, quên hết mọi sự. Thân đáp: - Phải, say rồi, thế là thần tiên. Thúy ăn xong bữa, quệt đũa vào môi và đứng dậy: - Thôi, thày nó mời bác xơi cơm đi, đừng uống quá mà Say. Chính trừng mắt: - Kệ chúng tôi! Thấy chồng khác ý, Thúy làm lành ngay. Nàng mỉm cười, nói với Thân: - Nhà tôi động say, là tôi đến sợ. Chính căm hờn, đay: - Sợ, nếu sợ đã chả thết Nói đoạn, chàng lại rót chén nữa, và uống hết ngay. Thấy tự nhiên chồng gây chuyện với mình, Thúy lảng xuống nhà dưới. Thân xới cơm vào bát hộ Chính, trách khẽ bạn: - Bác gái đức hạnh hiếm có, sao bác lại nỡ thế. Chính quắc mắt nhìn Thân: - Đức hạnh! Tôi ngậm đắng nuốt cay đã bao nhiêu lâu nay, bác có biết đâu. Thấy câu chuyện gay go. Thân cười: - Bác say rồi. Say quá hóa mất ca khôn. 560 NGUYỄN CÔNG HOAN TOÀ N TẬP - Tôi không say, tôi không mất, khôn. Thân ôn tồn: - Này tôi khuyên bác, có chuyện gì thì trước mặt tôi đây, bác đừng làm bác gái ngượng. - Ñó mà biết ngượng à! Rồi mắt đỏ ngầu, chàng nghiến răng, đập tay xuống pản: - Đề đ! Đoạn chàng ôm mặt, hu hu khóc. DANH TIẾT 561 xăm Ởtzy câu chuyện không đâu vào đâu mà bạn gây sự cãi nhau với vợ, nên Thân giận, bỏ về. Chính nằm khóc, không đi tiến. Thúy vừa tủi thẹn, vừa uất ức, vừa thương chồng, nên cũng sụt sịt khóc. Nàng không rõ đã bị chồng phật ý từ lúc nào, và tại sao lại bị giếc móc bằng tiếng quá tàn nhẫn là đề đi. Nhưng nàng không dám can ngăn chồng, vì biết. chàng say, và đương tức với nàng, nên nếu nghe tiếng nàng, ắt chàng như lửa thêm đầu. Muốn êm á, nàng lau nước mắt, lắng lặng dọn mâm bát xuỡng bếp. Nàng muốn chàng ngủ đi. Nàng sẽ lấy vôi bôi vào gan bàn chân, cho chóng giã rượu. Rồi khi trở dậy, hết say rồi, chàng sẽ nghĩ lại và hiểu rằng đã lỗi với bạn và quá với vợ. Nàng gọi con, bảo chúng nó đưa nhau ra chỗ xa mà đùa, cho Chính ngủ được. Nhưng bỗng bà lang Minh vào, thấy Chính nằm một mình trên phản, thì ngạc nhiên hỏi: - Ứ, ngỡ bên này có khách. Thúy vội vàng chạy lên, xua tay, nói: - Nhà cháu say, bà xuống nhà chơi để cho nhà cháu ngủ. 562 NGUYÊN CỎNG HOAN TOÀN TẬP Bà Lang chép miệng: - Liên ông chí đoáng, vyượu say thì đì ngủ, để mặc vợ hầu. Bất đỏ có một tiếng như yên rì: - Bà Lang ơi! Và Chính đã lồm cầm bò đậy. Bà Lang quay lại: - Gi thế anh? Thấy chồng vẫn có sắc mặt giận, Thúy nói thầm: - Nhà cháu vừa gây sự với cháu. Bà liệu mà can nhé. Nhưng Chính đã nghe thấy. Chàng hung hãng: - Tao không gây sự. Tao định hỏi tội mày! Rà Lang chắng hiểu đầu đuôi ra sao, trách Chính: - Gì mà mày với tao thế nào: Nhưng Chính không đáp. trö vào mặt vợ, nghiến răng hỏi: - Mày thương thằng Hạnh lắm, phải không? Bày giờ Thúy mới biết chẳng đã ghen một cách vô lý. Nàng khỏng tức sao được. Nàng cãi: - Tôi thương gì thằng Hạnh? Rồi uất ức. nàng òa lên khóc nức nở. Bà Lang vẫn chưa hiểu chuyện, ôn tồn với Chính: - Gó gì thì vợ chng khe bảo nhau, kẻo người ta cười. Chính gầm lên: - Người ta cười thì mặc người ta. Tôi chỉu nhịn năm sấu năm nay rồi. Thúy lau nước mất. nhìn chồng: - Tôi làm ơi mà thấy nó báo nhìn năm sáu năm này? DANH TIẾT 563 - Mày định hỏi tao à? Mày tai quái vừa chứ. Mày hồi mày thì biết! Thúy cãi: - Hỏi cái gì? Bà Lang can: - Gớm, chị Cả, có im đi không. Anh ấy say, mặc cho anh ấy nói. - Nhưng tức lắm, bà ạ? Chính điền ruột: - Hỏi gì à2 Hỏi xem cái đêm cưới, mày với thằng Hạnh làm những gì. Thúy đồ mặt tía tai, sấn số vào chồng: - Làm gì? Nhưng bà Lang nói át đi: - Anh Cả, có im đi không nào! Say rượu chi ăn nói càn, không biết nốc bao nhiêu mà khổ thế. Rỗi bà kéo Thúy ra ngõ: - Thôi, không dây với nó nữa. 564 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP XIV “uy về nhà bà Lang, vừa đi vừa nức nở. Người làng gặp, họ không hiểu chuyện gì, song đồ là hai vợ chồng cãi nhau. Và chính Thúy cũng không hiểu hơn gì họ. Nàng cho là chàng say rượu, nói liều. Nhưng nói liều gì còn có thể tha thứ, chứ nói để phạm đến danh dự một người đàn bà, mà người đàn bà ấy lại là vợ chàng, thì thật là đáng giận. Câu chuyện đã không có, bỗng chàng tự dưng nói xưng xưng lên. Và lâu nay nàng đã là một người đàn bà, ăn ở với chồng được hai mụn con. Việc cưởi xin kể như chuyện đã cũ kỹ. Vậy mà chàng đặt điều để kể tội nàng đêm tân hồn. Nàng xấu hổ với bà Lang. Nên về đến nhà, nàng bưng mặt, khóc: - Đấy bà xem. nhà cháu ăn nói thế mà nghe được. Bà Lang can: - Thôi, nghì ngợi làm gì. Người ta chấp trách những người khôn ngoan chứ a1 chấp trách hạng say rượu nói cần. - Nhưng củng tùy từng câu hãy nói. - Gớm, mà không biết làm gì lại uống lắm vào thế. - Tại nhà cháu có khách. - Thế khách đâu? DANH TIẾT 565 - Bác ấy giận. bé về rồi. - Ừ, ai chả giận. - Một câu chuyện bịa, nói là từ ngày cưới, thế sao mấy năm nay, vợ chồng ăn ở với nhau không có điều tiếng gì. - Ừ, ai tin được. - Thật thế, nói trộm bóng các cháu, nhà cháu thật hiền lành, thế mà không biết bị ám anh ra sao, hôm nay giở chứng ra thế được. - Những người lành vẫn hay cục. - Cháu có tròng ghẹo gì mà cục. Bà Lang đã têm xong hai miếng trầu, để ở mặt nắp ang đồng, chọn một miếng ngon đưa Thuý, nói: - Thôi, này, chồng giận thì vợ làm lành, nghĩ làm #ì cho thêm bực. Thúy nhổ quết trầu vào góc sân, nói: Lá ẢNH ^ 24 ` 2 “ Z ^Z, ^ˆ - Cháu cứ ở đây với bà, đề xem vắng chấu, mấy bồ con xoay xở ra sao đêm nay. Bà Lang đỗ: - Anh ấy thì đăng giận lắm, nhưng tôi tưởng chị chả nên thế. - Bà tính nhà cháu đô tiếng xấu cho cháu, cháu mặt mũi nào mà về nữa. Nói xong, nàng lại lau nước mắt. Bà Lang ái ngại, chép raiệng: - Vợ chẳng xô xát là thường. Ông Lang nhà tôi ngày 566 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP trước còn khó chiều bằng vạn ày. - Không phải cháu không biết chiều chồng thương con, nhưng cháu về thì xấu hỏ với làng xóm. Bà Lang cau mặt, làm như gắt: - Can gì mà xấu hổ. Anh ấy xấu hồ thì có. Thúy lấy thêm vòi, nói: - Bà cứ mặc cháu. Và cháu vẻ, biết nhà cháu có chứa nữa không, hav cho cháu là đồ hư. - Chà! Bâng bác Đám Tửu đứng ở ngõ, gọ1: - Bà coi chó cho tôi với. Thấy bà Đám có vé tò mò, định theo hỏi hiết chuyện để kể cho làng nước nghe, bà Lang bảo khẽ Thuý: - Vào trong nhà mà đi nằm. Để tôi với bác ấy. Bác Đám đến sân, hồi: - Cả nhà đi vắng à, hở bà? - Phải. cha biết chúng nó chạy đâu ca ấy. - Gớm. người ta đồn đại vợ chẳng bác cả Chính đánh nhau tần loạn mà tôi thấy rác ca tai, tôi phải đến hỏi bà xem sao. Bà Lang cười: - Chỉ tại vợ chiều chẳng, cho chồng uỏng rượu, nên mới cäi nhau, mới mắng cho một chập, kéo vợ về đây. - Thế bác gái đâu? Bà Lang nhìn vào trong nhà. bắt hàm, đáp: DANH TIẾT B67 - Nằm kia. Bác Đảm gọi: - Ra đây nói chuyện, bác! Sao thế? Nhưng Thúy vỡ ngủ, không đáp. Bác Đám ghé tai bà Lang: - Thấy bảo ngoại tình thế nào, lôi thôi lắm kia mà. Bà Lang cười: - Sao mà họ hót lẻo nhanh thế. Tôi có mặt từ đầu chí đuôi, nào có chuyện gì. - Gớm, thế mà họ bịa ra những câu nghe đến khiếp. Bà Lang gạt đi: - Nghe làm quái! gì: - Cháu tức lắm kia, bà ạ. Bà Lang khó chịu: - Đứa nào nói láo, sao bác không tát vào mặt nó mãy + „2 @GA1/: Bác Đám bẽ, têm lấy miếng trâu bỏ vào miệng: - Cho nên cháu muốn biết thực hư. Cháu vào trong bác Ca, thì bác g1a1 ngủ. Bà Lang cười: - Rõ khéo quá. say rồi ngủ. Bác Đám biết. là ngồi thêm vô ích, bèn đứng dậy phủi đũng quần: - Thôi, cháu vô phép bà nhé, cháu bận đi đằng này. Bà TL:ang giấu sự vui ve, vỡ giữ lại: ~ ^* . - xz - Z ~ Z Z 2 - Hãy ngôi chơi một tí để nó về nó đem chén nước nóng đã nào. 568 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Thôi, cháu bận. Bà coi chó cho cháu. Bà Lang tiễn bác đám ra cổng, rồi nhìn theo. Trời đã xâm tối. Nhưng ngoài đường, vẫn còn tụm năm tụm ba. Bà biết là họ đương bàn tán việc vợ chồng Chính. Bà thở đài, quay vào. Thúy ngỏi dậy, vấn lại đầu. nói: - Thôi, cháu đì ngủ đây. Các cô, các chú chưa về, hở bà? - Ngủ đây thì ngủ, nhưng tôi bảo chị nghĩ kỹ lại. - Cháu nghĩ kỹ rồi. Người ta đổ tiếng oan cho cháu, mà cháu lại về, thì nhục quá! Bà Lang bực mình: - Tôi kệ chị. Muốn hay thì được hay, muốn đở thì được Thúy thỏ đài: - Cháu cũng đành! Trời tối mịt. Các con bà Lang về dần. Rêi cống đóng lại. Ai nấy biết chuyện, đều ái ngại cho Thúy. Người bảo Thúy nên đại lượng mã về với con. Người bảo Thúy không nên về. cho Chính biết hối, bận sau chừa rượu chè, ăn nói càn rd. Nhưng giữa trếống canh một, đã có tiếng Chính gọi ngoài ngõ. Bà Lang đang nằm, vội vàng trở dậy thắp đèn, và bảo con ra mở cổng. Bà nói đùa: - Nào xem phen này a1 phải lụy ai nào! Chính bước lên thểm nhà, mặt mũi hiển lành như thường: - Nhà cháu có đây không, bà? DANH TIẾT 569 Bà Lang làm mặt giận: - Anh lại còn vờ phải không, anh không biết ngay từ ngoài ngõ thì anh vào đây làm gì? Anh đi đâu đấy? Chính cười lạt: - Cháu đón nhà cháu về, Lúc ấy. cả nhà bà Lang đều ngồi dậy, duy Thúy vẫn nằm, quay mặt vào vách. Bà Lang càng giận: - Anh đón chị ấy về. Này, cá làng người ta đang chửi cho đây kia kìa) Chính vẫn cười: - Tại cháu say quá, cháu nói gì, châu cũng chả nhớ. Thúy nhốm dậy: - Đấy, bà xem. Là vì nàng hả dạ. Một câu vừa rồi rửa được tiếng oan cho nàng. Chính nhìn vợ: - Thôi, tối đã nói với bà, đi về với cái ĐĨĩ, kẻo nó cứ nhắc nhỏm. Thúy nguấy một cải: - Tôi không về! Bà Lang khuyên giải: - Thôi, anh ấy đã làm lành, chị nên về là phải. Thúy cảm động quá, ôm mặt khóc. Bà Lang nói: - Anh trông đấy. nếc cho lắm vào, đã sướng chưa! - Cháu chịu hết lãi, bà bao nhà cháu hộ. Bà Lang nhìn Thuý, ngọt ngào, đỗ: NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP oe\ xi oe - Chị Ca a, đù chị giận anh ấy đến đâu, nhưng thấy anh ây đi đón, cũng nên hết giận. Vả chị phải nẻ tôi. Thúy vấn lại khăn: - Nềể bà thì cháu về, chứ cháu định mặc mấy bố con đm nay. Bà Lang nở một nụ cười sung sướng: - Thế là phải. Thúy đứng xuống đất, hẳn học nhìn Chính. Chính chào: - Thôi, bà nghị, cháu về. Rồi nhìn vợ, địu dàng nói: - Đị. Thuy gắt: - Cứ đi trước đI. Bà Lang cười: - Giới tối thì cùng đi có được không. ĐI đôi sợ người ta chế là hai vợ chồng hẳn. Chính và Thúy ra về. Rhông ai nói với a1 một lời. Chính còn bẽ lắm. Và Thúy còn giận lắm, Đến nhà, Thúy rửa chân, rỗi quạt màn đi nằm liển. Chính cũng lắng làng nằm bên cạnh. Hai người vẫn không nói chuyện với nhau. Chị thỉnh thoảng có những tiếng thở dài buồn rười rượ, Bằng Chính gai: - Ö nó cóön thức hay ngu? Thúy khỏng đáp, quay mặt vào trong. Biết là vợ chưa DANH TIẾT 571 ngụ. Chính nói: - Chắc u nó giận tôi lắm nhỉ! Thúy thút thít khóc. Chính tiếp: - Chấp làm gì người say! Thúy nói giọng đầy nước mắt: - Phải, một câu nói giết người, lại bảo đừng chấp. Chính thở dài: - Thôi. - Lam tôi đeo nhục suốt đời. - Đàn bà cứ hay nghĩ ngợi hão huyền. - Sao lại hào huyền. thế người ta đổ cho đi ăn cướp, g)€† người, có chịu được không? Chính nói cùng: - Được, - Được! Nhưng tôi không chịu được tiếng bất chính. Chính năm tay vợ, làm lành: - Thôi, tôi xin là hết. Tôi điên rổ. Tôi bối hận lắm. Thúy lại nức nø. Nàng đã đổi lòng giận ra thương: - Mấy năm giời ăn ở với nhau, thế mà chỉ vì mấy chén rượu, mất cả cái hắn hoi đi, - Thôi, tôi xin u nó. U nó còn giàn tôi thì tôi cũng khóc bây gtờ. Thúy lau nước mất. Chính tiếp: - Vợ chồng nên tha thí cho nhau để vợ chồng được hòa. Tôi thể rằng từ này không uống rượu nữa. 579 NGƯYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Thúy đã dịu, đáp: - Năm thì mười họa mới uống, thì cũng nên, nhưng đừng uống như hôm nay nữa. - Tôi xin hứa thế. Thúy hết giận. Nàng ngồi dậy, vơ tráp trầu, ăn một miếng. Chính cũng ngồi dậy, lấy một miếng bỏ vào miệng. Chàng cười: - Người ta lỡ lời, thế mà bỏ đi được. - Chứ khóng à. Tôi định mặc cho bố con loay hoay bữa cơm mail, không khéo thì nhịn đói. Chính vu vẻ đáp: - Thật đấy. - Thằng Cu đâu? - Nó ngủ rỗi, tôi mới đi. - Giá tôi không nóng ruột. hai đứa ở nhà một mình, tôi chưa về đâu. - Tôi đã dọn đẹp, cho chúng nó ngủ, rồi mới đi đón u nó. - Để cho thày nó biết là sẽnh vợ ra thì khổ. Chính gật đầu: - Biết rỏi. Thúy mỉm cười: - Thế thì từ nay ăn có nhai, nói eó nghĩ nhé. - Để rồi tôi nói cho họ hiểu. Thúy thở dài, lắc đầu, nhìn chồng. Nàng đã tươi tỉnh như cũ, bèn hỏi: DANH TIẾT 573 - Nhưng tại sao thày nó lại ngở tôi với thằng Hạnh đêm hôm cưới? - Tôi có ngờ đâu! - Rõ ràng nói thế mà lại. _ Chính vờ: - Thật à? - Không thật, sao có chuyện, nêu không có bà Lang thì lôi thôi to. Chắc người làng cho là tôi nhân tình nhân ngãi với thằng Hạnh. Chính yên lặng. Thúy đùa cho chồng khỏi bẽ: - Hay lại đổ cho tôi phải lòng bác Thân, bị nhà bắt được quả tang. Chính cười: - Có! - Khốn nhưng tự nhiên bác ấy lại bó về. Chính thở đài: - Say rượu, mất cả bạn lẫn vợ. Thúy nghĩ ngợi một lát, rồi hỏi: - Sao nhà lại nói có về ghen tuông hằn học thế? - Tại tôi say thì mát đỏ, chứ làm gì mà ghen. Thúy trầm ngâm. lại hỏi: - Có, ghen thật, ghen từ lúc chưa say kia. Bây giờ tôi mới nhớ ra. Chính thở dài, không đáp. Chàng nằm xuống, vắt tay lên trán, lại thở dài. Thúy nằm bên cạnh, hỏi: 574 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Thày nó nghĩ gì thế? Văn không đáp, Chính chỉ thở dài. Thúy biết chẳng có tàảm sự riêng, bèn lay cánh tay Chính, không cho đặt lên trần nữa: - Hở, thày nõ. cứ nói cho tôi nghe. Chính đáp bằng giọng chán nản: - Thôi, ngủ dì. Biết rằng chồng muốn giấu giếm điều gì, nên nàng càng muốn rõ: - Vợ chồng ăn ở với nhau từng Ấy năm giời, tôi có điều gì giấu thày nó đâu, mà hình như thày nó có sự gì uất ức trong bụng, lại không cho tối biết. Chính lại thở dài, và ứa nước mắt. Thuy đã: - Cứ nói dị, chỉ có thày nó với tôi thôi mà. Chính vẫn thở dài: - Nhưng biết không có ích gì. - Sao lại khủng có ích. Biết để khuyên giải nhau, thế nào là tình nghĩa vợ chồng. - Biết chỉ có hạI. - Dù có hại. tôi cũng hài lòng, vì đố cho thày nó được mỗi nghĩ ngợi. Bỗng Chính lác đầu: - Thôi. tôi không muốn nói. - Vậy thì thày nó không coi Lôi là vợ. oen DANH TIẾT 57 - Nếu tói không coi là vợ, sao có ngày nay. - Thê thì nói dì. - Thôi. chuyện củ, lâu lắm rồi. - Lâu cũng được. ngươi chứa biết vẫn còn là mới. Chính từ từ ngồi dậy. Thúy cũng ngồi theo. Chính âu yếm nhìn vợ: - Nhưng sống đẻ bụng, chết đem đi nhé. - Được. Rồi nấm tay nàng, chàng xích lại gần. đấn đo: - Tõi thì tôi không có bụng nào ngờ ut nó đâu. Thủy giật mình: - Ngờ gì? Chính gật đầu: - Phải bình tĩnh mà nghe mới được. Thằng Hạnh với tôi là kẻ thù không đội giởi chung. - Sao? - Tại tối hôm cưới, nó vào với u nỗ trước tôi. Thúy rú lên một tiếng: - Ối! Nhưng Chính hịt miệng vợ la): - Chớ! Nàng nằm xuống, mềm nhữn cã tay chân. Chính tiếp: - Tôi đã bảo bình tĩnh kia mà. Thúy rên rỉ: - Sao thày nó biết? 576 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬ P Chính vẫn ôn tôn: - Tại mấy câu u nó bảo: "Chết. chửa, lại vào", Rồi u nó hỏi tôi cái nốt cơm, và những tiếng của nó hay nói, tiếng “nọ kia". Nó sợ tôi, phải bỏ học. Vì vậy, nên mỗi lần tôi thấy u nó hỏi săn đón nó, tôi rất bực mình, máu ghen lại nổi lên. Thúy nghẹn ngào, chắp tay lạy chồng. Nhưng Chính đỡ lấy: - U nó không có lỗi gì cả. Thúy thổn thức, gục vào gối: - Tôi không ngờ, sao bây giờ thày nó mới cho tôi biết? Chính cười lạt: - U nó không có lỗi gì cả. Tôi cốt để chúng ta vui vẻ ở với nhau. - Nhưng sao thày nó để yên thằng Hạnh? - Đã có giời trừng phạt nó. Bây giờ nó khổ số, là nó chịu ở tội ác của nó rồi. Thúy rên rỉ. - Tôi không ngờ thày nó gan thế. Đoạn, nàng òm lấy chẳng, khóc sướt mướt. DANH TIẾT B71 xVv Cáng bôm sau, mất Thúy thâm quảng hắn lại. Chính rất ái ngại. Chàng biết đã vô lý mà ghen tuông với vợ, lại vô lý nữa là lơ miệng, nói thực câu chuyện ghen tuông cho vợ nghe. Một sự đau đón có thể chịu đựng một mình trong ngần ấy năm trời, nay bỗng dưng chàng để vợ biết. thực vô tình chàng đã giết nàng. Nàng đoan chính, đức hạnh, ai mà không biết. Nếu nay người ngoài rõ chuyện, người ta chỉ chê cười chàng mà thôi. Chàng nhìn Thuý, buồn rười rượi, đương vạch vú cho eon bú. Nàng ngắm nét mặt ngây thơ của thằng bé. Chàng kháng muốn trong đầu óc nàng có ý nghĩ vấn vơ, bèn hỏi: - Hôm nay, u nó có đi chợ không? Thúy uể oải, lắc đầu: - Tôi thấy váng vất trong người, nên nghỉ buổi nay. Chính khẽ thở dài, nhìn nàng, âu yếm nói bằng giọng đầy hối hận: - Chi tại tôi. Thúy vờ như không hiểu: - Tại gì? - Tại tôi cho u nó nghe câu chuyện không đáng nghe. Thúy mìm miệng cười: 578 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Sao lại không đáng. Thày nó giấu tôi là không phải. - Nói ra để u nó buổn, mất làm ăn. Thúy vẫn cười, cố làm ra tươi tỉnh: - Buồn thì cố nhiên, ai có thể mẫn ngơ được trước cái tội to lớn nhất của đời người con gái. Song, thày nó đã đại lượng, thì tôi không nghĩ ngợi gì đâu. Chính lắc đầu: - U nó giấu tôi. Ủ nó đã thức suốt đêm qua, mắt trũng thâm lại. Thúy càng làm tươi, để chồng tin lời nói mình: - Thức thì có thức, song không thức suốt đêm. Người ta dù ngu dết đến đâu mà nghe một sự phạm đến mình lại không đau đớn được. Cho nên tôi nghì ngợi đã đành. Còn mắt thâm trũng, có lẽ tại ít lâu nay tôi không được mạnh. - Nhưng tại sao nghỉ buổi chợ? - Nghỉ để ở nhà cả ngày với chồng với con. Nói đoạn, nàng hôn con bé con và nhìn chồng bằng đôi mắt rất tình tứ. Chính biết nàng gượng gạo, chỉ thở dài. Chàng hết sức vưi vẻ và chiều chuộng vợ để nàng khuây. Nàng cũng vậy, chỉ lúc nào vắng chồng, ngồi một mình, mới dám buồn rẫu, nghĩ ngợi, và thở dài mạnh. Lúc có mặt chồng, nàng lại phải làm ra đáng vui vẻ, siêng năng công việc làm ăn. Sự thực, nàng đã nuôi một mối thù ở trong lòng. Nàng thà Hạnh, một người hèn nhát, đã lừa bạn, lừa người con gái hắn không hỏi được làm vọ, nhất là người con gái ấy lại DANH TIẾT 579 kết hôn với bạn hắn. Nàng muốn tìm ngay cho được quân khuyến lang để hỏi dò cho biết sự thực và băm vầm mổ xẻ nó ra. Nhưng nàng làm thế nào được? Nàng là đàn bà, yếu đuất. Nàng đã thao thức nhiều đêm. Ban ngày, nàng gượng vui, cười nói với chồng như thưởng, nhưng thực ra, trong tâm can, nàng giấu một mối hờn không ai có thể biết được. Chính nhận thấy nàng gầy đi, và lại hay thở dài. 580 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Xxvi 4t: buổi chiều, sau ngày ky ông Bát, thấy Thúy về chợ muộn hơn mọi ngày, Chính rất nóng ruột. Chàng cho vú già đi đón, và sắp sẵn gạo nước để vú về thổi cơm cho đở muộn. Nhưng chàng không yên tâm, nhất là các bếp nhà hàng xóm, khói đã lên nghi ngút, và tiếng mẹ nựng con, vợ vui về với chẳng, càng làm cho chàng mong Thúy. Thằng bé con chàng thừ mặt ngâi ở bậc cửa. Nó cũng mong mẹ nó. Giờ này là giờ mọi khi nó đã được mẹ nó hỗn hít và cho quà. Bỗng nó nhăn nhó, nói: - U mãi cha về, đói quá. Chính nhìn nó, thương hại, đỗ: - U về bây giờ mà. Rồi chàng âu yếm, nắm lấy tay con: - Đứng dậy, thày dắt đi chơi. - Em không đi chơi, u mãi không về. - Thì đi đón u vậy. Thăng bé vẫn phụng phịu, theo Chính ra cổng. Mặt trời đã lặn hắn. Những thân cây tre theo gió, nghiến vào nhau ken két, trút lá xuống rào rào. Chính thơ thần đưa con đi. Người qua đường chào chàng: - Chào bác, dắt cháu đi đâu thế? DANH TIẾT 581 Nhưng chàng không đám nói thực là mình đi đón vợ, hèn trả lời Ấp úng: - Vâng, tôi đi đằng này. : Đến đâu làng, chàng nhìn hút ra phía đường ở chợ về. Người đã thưa vắng. Vú già cũng không thấy. Bỗng chàng chột dạ. Chàng nghĩ ngay đến chuyện xô xát độ nọ, và những buổi nàng thờ thân, thở dài. Chàng đợi một việc không hay xảy ra cho gia đình chàng. Nhưng chàng mỉm cười ngay: "Nghĩ khôn chẳng nghĩ, lại cứ nghĩ đại". Song Chính không thể tự an ủi được lâu. Đường sá vắng tanh không ngăn chàng đừng lo được. Chàng thể dài ra tiếng, bảo con: - Vệ! - U mãi không về nhỉ! Chính cúi xuống nó, nói: - Đừng nhắc, u nóng ruột. Chắc u bận gì, nên về muộn. Tí nữa u về. - Tí nữa là đến bao giờ, hở thày? Thấy con mong mỗi quá, chàng không đáp, nên bão: - Về, lại đằng bà Rồng hỏi xem thì biết. Chính cùng con đi. Chàng rất lo ngại. Chàng mong nàng hiện giờ đã ở nhà, và sở đi ban nãy chàng không gặp, là vi nàng cùng vú già đã Ìa cà vào chơi nhà a1 trong xóm. Đến nhà bà Rồng, Chính vừa gặp bà này ra ngõ. Chàng hỏi: 582 NGUYỄN CÔNG HOAN TOÀ N TẬP - Bà về chợ bao giờ thế? - Tôi về đã lâu. - U cháu còn ở lại làm gì thế, bà? Bà Rồng ngơ ngác: - Kia, bà ấy về trước tôi kia mà! Chính tái mét mặt: - Tôi chưa thấy đến nhà, bà ạ. - Hay là còn rẽ vào đâu đòi nợ? - Nhưng đến bây giờ chưa về, bà ạ. Nói đoạn, muốn giấu vẻ băn khoăn, chàng chào bà Rồng, rôi về. Trời đã tốt sâm. Màu tro ẩm đạm bao phủ cảnh vật, cũng đặt vào chàng những tư tưởng đen tối. Chàng cùng con rảo căng về nhà. Gần đến ngö, chàng lắng tai nghe. Nhưng trong nhà vẫn im phăng phác. Chàng lắc đầu, thở đài. Chàng thất vọng hẳn. Chàng thân thờ, bảo con: - Con coi nhà, thày xuống bếp thổi cơm cho. - U mãi không về nhỉ. - Ù, nhưng đừng nhắc nhiều, u nóng ruột, mà thày cũng nóng ruột. Chính thối lửa để dóm bếp. Bỗng vú già ở ngõ vào. Thằng bé con reo: - A,u đã về! Chính mừng quýnh, đứng đậy, quay ra: DANH TIẾT 583 - Thật à? Vú già buồn thu: - Chả thấy mợ đâu cá, cậu ạ. Chính trợn tròn hai mắt. Vú già nói: - Tôi đã đến tận chợ. Chính hỏi đồn: - Thế mợ đâu? - Tôi không biết. - Vú tìm những đâu? | - Tôi đến chợ, lúc ấy đã hết người. Không gặp mợ, tôi đã hỏi thăm khắp, nhưng không ai biết. Chính lạnh toát, run run: - Vú thối cơm đi. Em đói rồi. - Vâng. chắc em đói lắm. Chính lên nhà vào giường nằm, vắt tay lên trán, thở dài. Bỗng, ngồi phất dậy, chàng lại xô cửa, vái cái gậy, rồi xuống bếp, nói khẽ với vú già: - Chín cơm, vú với em ăn đi, đừng đợi tôi, tôi đh tìm mự. Vú già nhìn chàng, ái ngại: - Vàng. Rồi vú nói: - Khô, không biết mợ tôi đi đâu thết Chính lên nhà đặn con: - Con xuống bếp với vú, thày phải lại đằng này, Ở nhà ngoan nhé. 584 NGUYÊN CÔ NG HOAN TOÀN TẬP - Vâng, thày tìm u à? - Ừ. Chính ra cổng. Chàng quên cả đói. Trời đã tối mịt. Ánh trăng vàng lấp lánh trên các lá cây. Chàng ra phía đầu làng, rỗi đứng sững lại. Nghĩ ngợi. Chàng nên đi đâu? Cả một khoảng đồng làng mênh mông làm chàng ghê sợ. Chàng biết nàng ở chỗ nào mà tìm? Nàng chưa về nhà, hay không về nữa? Mà nếu không về nữa, thì hiện nay nàng ở chỗ nào trong khoảng mênh mông này? Ở trong nhà, hay dưới đáy nước, hay lủng lắng trên cành cây? Nghĩ vậy, chàng rưng rưng nước mắt. Chàng ráo cắng, bước liều về phía chợ. Chàng cố nhìn xem ở néo xa có cái bóng đen đen nào tiển lại gần không. Đến một cái cây um tùm, chàng ngấng lên nhìn từng eành, Phần thân. nàng có thể thắt cổ. Đến một cái chuôm bên cạnh đường, chàng chọc gậy xuống nước để tìm. Nàng cũng có thể trẫm mình. Nếu nàng chết, chàng hối hận biết ngần nào. Chàng oán bữa rượu ác nghiệt đã làm chàng quá say mất ca khôn, mà đi ghen bóng ghen gió, đến nỗi trong gia đình xay ra sự bất hoà, rỗi mới có ngày nay. Chàng đã tìm tòi hết sức, nhưng không thấy gì. Trãng mọc đã cao. chiếu một thíi ánh sáng bàng bạc và mơ hề. Qua bãi tha ma, chàng thấy những con đom đóm vẽ nhưng gạch lửa xanh trong bóng tối, hoặc lập lòe trong bụi cây, tự nhiên chàng rùng rợn. Chàng không thể quên được cái tìn tưởnglà vợ chàng hiện giờ này đã là người thiên cổ. DANH TIẾT 585 Tìm đến bao giờ? Bỗng chàng đứng sững lại, thơ dài. Chàng muốn quay về. Quay về để khỏi làm một. việc vô ích. Chàng cho là vô ích, vì nếu Thúy đã định lìa gia đình, dù bằng cách nào cũng vậy, thì đêm hôm, một mình chàng cũng không thể tìm nổi. Chàng về, để sáng hôm sau ởi nói chuyện cho họ hàng biết, nhờ người nọ người kia bàn bạc hoặc giúp sức, để xem nên tìm tòi hoặc trình báo ra sao. 586 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀ N TẬP Xxvm ẤS tung Thúy không tự tỉ. Nàng không tự hoại tấm thân một cách vô ích. Nàng phải sống để đối phá với Hạnh. Đã nhiều lần, trước kia, nàng toan liều với chiếc đây lưng hoặc với chén thuốc độc. Nhưng nghĩ kỹ, nàng chỉ thiệt thân, và làm thiệt chồng, thiệt con. Vả như vậy, nàng chỉ một mình đem mối hận xuống suối vàng, và để lại trên dương thế một mối dư luận phân vân. Người quen kẻ thuậc không hiểu nguyên nhân sự quyên sinh của nàng, sẽ bàn tán, làm tủi vong linh nàng, và làm khổ nhục cho chồng nàng. Thà nàng thoaä được chí thì có chết cũng cam làng. Nàng quả quyết sống. Ý đã định sẵn, nên đi buối chợ hôm ấy, nàng không cốt bán hàng. Nàng nhồ người trông hộ, để đi đòi nợ và trả ng. Nhiều người thấy nàng có vẻ hấp tấp, cũng lấy làm ngạc nhiên, song vì nàng vẫn cười nói vụi vẻ như thường, nên không chú ý. Rồi thấy nàng xếp hằng sớm để về, người ta hỏi, thì nàng cười ranh mănh, đáp: - Nhớ thày cháu thì về sớm. Đến nỗi người ta bật cười: DANH TIẾT 587 - Khi, làm như vợ chẳng mới không bằng! Nhưng người ta có nhận thấy đâu những nét buồn nó hiện lờ mỡ trên mặt quả quyết của nàng. Nàng gảnh hàng lên vai, chào mọi người, rồi đi. Nàng cũng về phía đường mọi khi, nhưng đến ngã ba cách chợ xa thì rẽ. Nàng về làng Phương Canh, nhà một người chị họ, nói dối là giận nhau với chồng, nhờ ngủ một đêm. Người chị ái ngại, khuyên can nàng nên về nhà trông nom con, thì nàng nói hôm sau còn muốn ra Hà Nội. Sáng hôm sau, nàng ra Hà Nội, cũng vào ở một nhà quen, bán hàng tấm. Nàng để lại cho bạn cả gánh hàng với một giả rất rẻ. Vì người này vốn ích ký và tham lợi, nên cũng chẳng hỏi xem vì lẽ gì nàng lại hành động lạ lòng làm vậy. Nàng đã qua những đêm nâu ruột. Nàng đã khóc thảm vì thương nhớ chồng con. Nàng tưởng tượng đến buổi chiều hôm đầu tiên bỏ nhà ra đi, Chính ngơ ngác tìm nàng, và con nàng mếu máo nhớ nàng. Những tiếng thở đài thất vọng, những tiếng gào thét thất thanh, tuy nàng không được nghe, nhưng mỗi lúc thanh vắng, nàng như văng vắng rõ được cÄ. Chính đêm nay, nàng thấy quanh hiu nhất. Nàng đã trút được gảnh hàng, tuy nhẹ mình, song những tư tưởng buồn phiền nó làm óc nàng nặng tru. Nhiều lúc nàng gắn hóa ra nhu nhược, muốn quay gót trở về. 588 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Chính là người đại lượng. Chàng đã biết khi nàng thuộc về chàng thì tấm thân nàng đã dơ bản, vậy mà chàng vẫn thương yêu. Vì sự dd bẩn ấy, nàng không phải là thủ phạm. Chàng còn kín đáo đến nỗi không hề than thả với ai, khiến cho trong gia đình vẫn giữ được sự hòa hợp. Thì ra chàng đã khóc thâm trong ngắn ấy năm trời, Và trong ngần ấy năm chàng khóc thầm, để cho nàng được sung sướng. Chàng đã hy sinh quá. Và nàng đã vô tình mà ích ký. Nay tự nhiên câu chuyện võ lở, có lẽ nào nàng giữ được thần nhiên cho đến tuổi già. Nàng không thể tha thứ người từ trước đã làm chàng khóe thầm giận vợ, và từ nay đã làm nàng khóc thầm giận chồng. Nàng không hiểu vì lẽ gì Chính có thể để yên Hạnh, và chỉ bực mình tí chút khi nghe thấy nàng hỏi săn đón về Hạnh. Chắc chỉ vì nàng, vì danh tiết nàng. Vậy ra chồng nàng đã quý nàng quá, đến nỗi đại lượng cả với ké thà. Thế thì nàng không thể phụ bụng chàng. Nàng cũng phải hy sinh. Nàng đi phen này để chuốc lấy khổ, nhưng dù khổ nàng cũng cam lòng, và dò việc làm của nàng không đạt tối mục đích, nàng cũng lây làm há dạ, vì đã hy sinh để trả nghĩa vợ chồng. Có rằng chàng hy sinh thì riêng chàng buôn bã, và tìm được sự vui thú trong tình nghĩa vợ chẳng mà thỉnh thoảng vụt quên được sự buồn bã đi. Nàng hy sinh lần này, không những riêng mình khó, mà chồng nàng, con nàng lại bị thêm một vết thương không thể hàn gắn. Ài ngờ đâu duyên của nàng có đến đây là đứt. Phải, nàng mong gì có ngày gặp chồng con. Một người đàn bà bước chân ra khỏi nhà chồng một cách đột DANH TIẾT ‹ 589 ngột, đã là một lỗi. Dù chồng con có hiểu chăng nữa, dư luận cũng không tha thứ. Huống hồ nàng đi phen này để làm một việc quá sức mình. Những tư tưởng ấy làm cho gan ruột nàng đã nẫu càng thêm nâu. Và nàng lại lo lắng, sợ sệt nữa. Nàng đã phải sống lần lút mấy hôm nay, vì sợ gặp chồng. Ban ngày, nàng không dám đi đâu, mà động đặt mình xuống, nếu không nghĩ ngợi để khóc. thì bên tai lại văng vắng nghe tiếng chồng con than vấn, hoác có thiếp ngủ được, cũng lại mộng m] đến những cảnh thương tâm hoặc rùng rợn. Ở Hà Nội hai hôm, sau khi đã sửa soạn xong các đồ dùng ăn đường và hói thăm đích xác lối đi, nàng theo thuyền bán bát của một người làng Trà Cổ, ngược lên Tuyên Quang. 590 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP tan Ñr› ngày lừa Thuý, Hạnh rất sợ sự gặp mặt Chính. Bởi vậy, chàng vội vàng thôi học, và xa lánh Chính ngay. Chàng lên Tuyên Quang, vì ngày trước cha chàng đã làm việc trên ấy, và hiện nay bác ruột chàng cũng ngồi dạy học ở đó. Chàng nói với cha mẹ là theo học bác, để đến khoa thi sắp tới, bác có học trò đi thi, may mà chàng đỗ, thì làm danh giá cho bác. Tuyên Quang vốn kbông phải nơi xa lạ, nên cha mẹ chàng bằng lòng ngay. Vả bác chàng không có con trai, vẫn xin cha mẹ chàng cho chàng làm con nuôi, để sau này trăm tuổi có người hương khói phụng thà, nên sự chàng xin lên ở Tuyên Quang không có gì là trái ngược. Bởi vậy, chàng được cha mẹ theo ngay ý muốn. Hạnh ở Tuyên Quang được vài tháng thì ốm. Chàng bị ngã nước. Vì vậy, chàng thôi học. Bác chàng muốn chàng về quê, nhưng chàng nhất định không nghe. Bác chàng tưởng chàng trung hậu với mình, nên cảm động lắm, và càng yêu quý chàng. Hạnh ốm nửa năm, gầy gò và xanh xao như tầu lá. Khi khỏi, và đã bình phục, bác chàng mới định dạm vợ cho chàng, đám nào chàng cũng từ chốt. DANH TIẾT 591 Nguyên là được bác chiều chuộng, chàng muốn gì được nấy, và lại bác có của, nên chàng đã bị chúng bạn rủ rê, đâm ra chơi bời, mang tai mang tiếng. Cả tỉnh, ai cũng biết hạnh kiểm chàng. Chàng chỉ giấu một mình bác, nên bác chàng vẫn tưởng chàng hiền lành, ngoan ngoãn như ngày còn ít tuổi. Và bởi biết tĩnh Tuyên chật hẹp, không nhà nào có con gái là không rõ chàng. thì chắc không ai ga con cho chàng, nên thà từ chết bác trước. để làm cao, còn hơn bị người ta từ chối, mất tín nhiệm với bác. Ỏ Tuyên Quang được ba năm, bác chàng tạ thế. Chàng làm chủ cái gia tài tuy không lớn, nhưng cố một nếp nhà gạch ở phố Tam Cờ. và vốn liếng kha khá. Từ đó. chàng tha hồ tự do an chơi, không ai kiểm thúc. Sự trác tảng lại làm chàng ốm mệt trận tưởng chết. Chàng đã gầy lại thém gây, đã xanh lại thêm xanh. Chưa đầy ba mươi tuổi đầu, mà má đã hóp, mắt đã trũng. cử động chân tay một lát đã thở như ông cụ. Chàng về thăm quê một vài lần, nhưng không ở lâu. Cha mẹ chàng thương con, cố giữ ở nhà, định không cho lên chớ nước độc nữa, nhưng chàng không nghe. Chàng vân tránh Chính, song không dám nói ra. Chàng viện những lẽ rất chính đáng về luân lý, về bổn phận đối vửi bác, nên cha mẹ chàng phải dẹp nỗi niềm riêng, không đám gìũ chàng. Cái lần cuối cùng về quê, chàng đã làm cha mẹ họ hàng rất thương hại, vì chàng hốc hác, gày gò quá. Nhưng chàng nói dối là vì quá thương bác, nên lại được mọi người ngợi khen. Có ai khuyên chàng nên dọn về 593 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP quê ở, thì càng hoan nghênh ngay ý kiến hay, nhưng hẹn chờ xong ba năm vun việc, lo xong cất mộ, đem bác được về làng, bấy giờ mới tính đến sự lìa cái tỉnh mà chàng không dây mơ rễ má gì. Ai cũng cho là chàng phải, nên không al g1ữ chàng. Một tốt, có người đến nhà chàng, và hồi một cách ngạc nhiên: - Rìa, tôi tưởng cậu có người ở dưới quê lên chơi? Hạnh cũng ngạc nhiên: - Không, a1 bảo anh thế? - Tại tôi thấy có người hỏi thăm nhà cậu, nói là người ở đưới quê mới lên. Hạnh cau mặt, lẩm bẩm: - Quái nhĩ! Rồi chàng hỏi bạn: - Hay là hói Hạnh nào? - Ở tỉnh này còn mấy Hạnh nữa. - Nhưng sao biết là người dưới quê? - Thì người ta bảo thế. Tôi trỏ nhà, tưởng người ấy đến đây rồi. Nói đoạn. người bạn mïm cười, cái rnïm cười ranh mãnh: - Hay là cậu giầu giếm người ấy ở trong nhà, có gì thì khai thực ra. Hạnh trố mắt nhìn: - Không, ai nói đối làm gì. DANH TIẾT 593 Người bạn lại cười mia: - Nói dối để lấy lợi một mình. - Lợi gì? - Vì người ấy chỉ là người quen với cậu. Người quen gì mà lại là đàn bà, đàn bà đẹp, ở tận dưới quê lên đây tìm nhau. Hạnh sửng sết: - Thật à? - Ai thế? Hạnh nghĩ ngợi: - Lạ thực. Tôi không biết. - Không biết, sao người ta hỏi thấm. Thật là “yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát giang cũng lội, tam thập lục đèo cũng trèo qua" mà! Cậu là người sung sướng nhất trần đời. Hẳn ngày nọ về quê, đã có người đèo bòng với cậu. Hạnh càng nghĩ ngợi: - Quả không. Mặt mũi người ấy ra sao? Trạc tuổi cậu. Đi có một mình. Lại là đàn bà, hay con gái, tôi không rõ, nhưng biết đích là đi có một mình, vai khoác tay nải. Người ấy xinh lắm... Hạnh cười, lắc đầu, bán tín bán nghỉ: - Thế thì tôi chịu, không sao đoán là ai được. Nhưng có một điều tôi nghĩ ra, và chắc chắn là đúng, là anh nói dối tôi. - Tôi không nói dối, tôi có thể thể với cậu được. 594 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Lạ thật! - Một người ở tỉnh khác đến đây. ai cũng phải biết ngay. Vì vậy, cô này đi ngoài đường, không ai không để mắt đến. Tỉnh Tuyên đâu có người xinh xắn như thế. - Anh làm tôi khó chịu hết sức. Hay một người nào nhận vờ là ở dưới quê tôi. - Không, đúng người dưới què, nghe tiếng nói đủ biết. - Thế thì tức nhì. Tôi lại tìm cho ra bây giờ. - Tìm thì biết người ta ở đâu? - Nếu phải người vùng quê tôi, cế nhiên ở tỉnh này không quen ai cá. Vậy tất phải ở trọ các hàng cơm. Vào những chỗ ấy hỏi thăm, thế nào không ra. Người bạn gật đầu: - Phải đấy, hay là cậu với tôi đi tìm. - Nhưng tối quá, tôi ngại. - Các hiệu còn mở cửa ca. Ngoài đường còn nhiều người qua lại, đã khuya đâu. Hạnh ngần ngừ. Người bạn lại chỗ mắc áo, lấy cho Hạnh chiếc khăn và cái áo thâm: - Thôi, đi đi, chịu khó một tí. Nhưng Hạnh vẫn ngờ vực: - Anh chỉ lừa tôi thôi, anh định rủ tôi đi đâu đây chứ gì. Thôi được, tôi chiều anh cũng không hại gì. Hai người ra phố. Đến hàng cơm nào, Hạnh cũng vào tận nơi hỏi thăm, và xông xáo soi đèn khắp các phần, các DANH TIẾT 595 buồng, nhưng không thấy a1 quen cả. Người bạn cau mặt: - Thế này thì lạ quá, chả lẽ người ấy biến đì đân. Có họa là ma! Hạnh cũng bực mình: - Thôi, từ nay anh đừng nói đối tôi điều gì nữa. Tôi đương mệt, thà để tôi ở nhà, được một giấc ngon lành. Nói đoạn, Hạnh về nhà, lòng chán chường. 596 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP XIX Đang hôm sau, bà Ba bên láng giểng sang hỏi Hạnh: - Cậu có bà con gì với người một người đàn bà tên là Thúy hay không? Hạnh lăm đăm nghĩ ngợi, rồi sực nhớ ra, chàng quắc đôi mắt, đáp: - Có, bà hỏi tôi để làm gì? Bà Ba mỉm cười: - Tại tôi thấy cô ta hỏi thăm cậu. Hạnh cảm động, cắn môi dưới, ra ý nghĩ ngợi: - Vâng, hôm qua cũng có người bảo cho tôi biết tin này. - Vậy ra cô ấy vân chưa gặp cậu? - Chưa. Và Hạnh có vẻ lúng túng. Vì chàng ân hận tết hôm qua đã không tất lực tìm cho được Thúy. Chàng hỏi: - Tôi không hiểu cô ta hiện nay ở đâu. - Cũ như cô ấy nói chuyện, thì tốt qua còn ở dưới thuyền, cô ấy chả ngược bằng thuyền mà. Hạnh võ tay xuống bàn: - Ừ nhỉ, còn những chỗ ấy tôi chưa nghĩ ra... ` ^ 4 ^ z x Bà Ba không hiểu, nên nói tiêp: DANH TIẾT 597 - Nhưng hôm nay cô ấy không ở thuyền nữa. Mà quái, hồi thăm nhà cậu, tôi đã trỏ sang bên này, sao cô ấy không vào? Hạnh cũng đương nghĩ ngợi về điều đó. Ca cái hình ảnh Thúy khi còn là còn gái xâm chiếm lấy óc chàng. Chàng thốt nên một tiếng thở dài. Chàng không rõ Thúy tìm chàng làm gì. Và không rõ vì cớ gì nàng lại tìm chàng. Người ấy lấy chồng đã mấy năm nay, được yên vui với cảnh gia đình nhỏ, với chồng hiền lành, với con ngoan ngoãn. Nay bỗng lặn lội lên tận Tuyên Quang, là nơi đường xa dặm thẳm, sơn lâm chướng khí, làm gì? Hay nàng đã gặp một sự thất ý gì làm nàng đau đón, chán cảnh chồng con, đến nỗi thèm muốn người nàng đã từ hôn? Chàng nghĩ đến cái đêm tân hôn của Thuý, chàng đã thầm vụng đóng vai chồng nàng. Hay nàng biết rõ người đã ân á1 với nàng đêm tân hôn là chàng, nên nay nàng tìm đến, trong lúc tâm hồn bị trống trải chăng? Nhưng sao nàng đã tìm đến nhà chàng, lại không vào? Chàng đặt mỗi thuốc lào, hút một hơi thực dài, để giúp sức nghĩ ngợi. Bỗng bà Ba đứng dậy, nói: - Thôi, cậu ngồi chơi nhé, tôi đi về đây. Cậu đã bâng khuâng rồi. Hạnh cười gượng: - Mời bà hãy ngồi chơi, cho tôi hỏi một vài điều. - Thì hồi đi. - Hiện nay cô ta ở đâu, bà có biết không? - Không. 598 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Cô ta nói chuyện lên Tuyên này làm gì? - Tôi không hỏi, nhưng cô ấy nói định lên đây làm ăn. Làm ăn ở Tuyên Quang! Hạnh chắc Thứy nói đối. Nàng từ thuở bé đi các chợ ở nhà quê, có nhiều khách quen, buôn may bán đắt. Thì bỗng dưng, sao bỏ nơi chôn rau cắt rồn mà lên đây. Lên đây để làm án, Hạnh càng không hiểu. Chàng quả quyết phải gặp Thúy. Lạ hơn nữa, sao hỏi thăm đến nhà chàng. nàng lại không vào? Hay nàng ngượng vì chàng ở có một mình? Hay hỏi dò, nàng biết chàng chơi bời lêu lổng, nên không muốn giáp mặt? Nhưng thể nào chàng cũng phải tìm nàng. Gặp nàng, chàng sẽ được vui vầy trong những ngày hiện tại, tâm hồn đương quạnh hiu. Tâm hồn nàng hẳn cũng quạnh hiu chẳng kém. Thì đóa hoa vắng chủ sẽ trong tay chàng, tha hồ chàng hưởng. Một trai chưa vợ, một gái xa chồng, nếu không nghĩ đến nhau, bỗng không tìm đến nhau làm gì! Nàng trọ ở thuyền. Sự gặp gỡ không tốn công phu. Nhưng chàng không thể chậm trễ mà không đi hỏi thăm ngay được. Thuyền trên sông, nay đây mai đó, chàng có thể theo thuyền xuôi về, hoặc nhổ sào chở đến bến khác. Chàng đã rắp tâm định tán tỉnh cho nàng ở đây. đi chợ Tam Cờ. Chàng phải nói tỉnh này để làm ăn buôn bán. Và nếu nàng chưa quen khách, chàng sẽ giúp trong những buổi đầu. Nghĩa là chàng phải hết sức khéo léo để lưu nàng ở Tuyên Quang lâu. Trước mặt người lạ, chàng phải nhàn với nàng là họ hàng, là anh em chẳng hạn. Chàng DANH TIẾT 599 chỉ eết cho nàng ó với chàng mà không ngượng với người ngoài. Rồi một khi may ra. nàng buôn bán lãi lồ, ất nàng không rời tỉnh Tuyên Quang này nữa. Và dù nàng lên đây chỉ là định dọn đường để đem chồng con lên sau, thì chàng cũng được thoả mãn với con người ngọc. Nhưng nếu nàng không có ý ấy, thì biết đâu đóa hoa ấy lại không vĩnh viễn về tav chàng. 600 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP XX, #9. nay, Hạnh gặp Thúy. Nàng ở thuyền thực, đương ăn cơm với bọn lái đà. Thấy nàng luống cuống, ra ý thẹn thò, Hạnh cảm động, nhìn xuống mâm cơm. Đồ ăn, chỉ có rau luộc và tép rang. Chàng lại thấy Thúy gầy và già đi, nên chàng vụt nghĩ ngay đến tối tân hôn, chàng đã lừa Chính, và vào với một người đẹp mà chàng ước muốn. Chàng lấy làm hãnh diện khi nghĩ đến Thúy không lấy được mình đến nãi phải khổ sở. Thúy và vội và vàng cho hết bát, rồi đứng dậy. Hạnh mạnh bạo hỏi: - Bác lên đây từ bao giờ, sao không hỏi thăm đến nhà vợ chồng tôi? Chàng cho câu nói là kín đáo và đứng đắn. Nó kín đáo vì đã gọi Thúy bằng bác. Nó đứng đắn, vì chàng đã thêm được tiếng vợ. Làm như chàng đã có vợ, chỉ là trách người chị mà thôi. Bọn lái đò, ắt hẳn không phải là họ hàng với Thúy, sẽ không ngờ vực gì. Và dù có là họ hàng với Thúy, họ sẽ tưởng chàng là họ hàng nhà chồng nàng. Mà nếu là họ hàng với chồng nàng, họ vẫn có thể tưởng chàng là họ hàng với nàng. DANH TIẾT 601 Thúy hiểu ngay, đáp: - Thưa chú, tôi... Thấy Thúy ấp úng, chàng vội vàng đỡ: - Vậy tôi về bảo nhà tôi đến đây mời bác về đằng nhà. Chàng sung sướng, vì thấy Thúy cũng gọi mình là chú, nghĩa là cùng một lòng gian giảo để che mất người khác. Thúy đáp: - Tôi cũng muốn hỏi thăm lại đằng chú thím, nhưng sợ không ai biết. Một người chân sào già hỏi Thuý: - Là cái ông mà bà vẫn nói chuyện đấy à? Thúy gật: --Phải. Hạnh càng vui vẻ: - Bác chưa hỏi đến người biết, thì sợ không đến được nhà tôi, chứ tôi ở tỉnh này, ai còn lạ. Thuý, đôi mắt nhìn xuống, không đáp. Hạnh nói: - Hay là tiện đây, mời bác về đằng nhà. Chị em, chứ nào phải người xa lạ. À, thưa bác, bác giai và các cháu vẫn bình yên? Thúy động tâm, nhưng cố giữ vẻ tự nhiên, lấy xã giao để đáp: - Cam ơn chú. - Nào, mời bác sắm sửa đi. - Vâng, kể lại đằng chú thím thật tiện. chả hơn trọ 602 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP dưới thuyền này. Vả đến nơi xa Ìạ, có họ hàng vẫn hơn. Người chân sào g]à vừa xÍa răng, vừa nói: - Nhất là bà định đến đây buôn bán? Rồi hắn chép miệng: - Tói như bà, hơi đâu lên đây cho xa xôi. Thúy ngậm ngùi, đáp: - Nhưng ở nhà quanh năm chẳng đủ ăn, ông a. Nói đoạn, nàng đưa chàng chén nước vối, mim cười, mời: - Chú xơi tạm với tôi chén nước. Ở đây nhà chả phải, cửa thì không, đồ dùng thiếu thốn cả. Hạnh giơ tay đỡ chiếc chén, lòng thốn thức. Nhưng người chân sào già pha trò: Phải, nhà chả phải, cửa thì không, vì nó là chiếc thuyền. Mọi người ô lên cười, khiến Hạnh lại giữ được vẻ tự nhiên: - Nhà tôi mà được gặp bác, thì vui thích lắm đấy. Dễ đến bảy tám năm chưa gặp đấy nhỉ. Nào, bác mang theo những gì? Thấy Hạnh giục, Thúy quay mặt vào trong để sửa soạn tay nải. Kỳ thực, nàng giấu mặt căm hờn, có đôi mắt rưng rưng những lệ. Nàng nghĩ đến gia đình tan nát vì quân khuyến lang hiện đang đứng trước mật nàng đây, mà nàng phải cố làm ra dịu dàng. Hạnh nhìn Thúy lúi húi, lại grục: - Bác còn hành lý nhiều nữa không? DANH TIẾT 603 - Thưa không. Sợ Thúy ngượng, Hạnh chữa: - Phải, đi xa, đem hành lý nhiều lềnh kênh, chỉ tổ phải mang xách nặng. Thúy không đáp, thắt lại miệng tay nải. rồi đứng dậy, xỉa tiền cơm trả người chân sào già: - Tôi quấy quả ông mấy hôm, không dám gọi là giả tiền, ông nhận cho thế này, để mua quà cho cháu. Người chân sào mỉm cười: - Tôi chẳng qua là giúp bà, không nhận, bà cho là vô lý, mà nhận, sợ là tham. Nhưng, thôi được, bà đã cho, tôi xin tạ ơn bà. - Không dâm. Hạnh rất nóng ruột với những sự trùng trình. Chàng Vội vàng nói: ` - Ông lái thật tử tế với bác cháu. Rỏi rỗi, ông lên chơi tôi. Thôi, mời bác đi, Thúy xách hành lý, chào mọi người theo Hạnh lên bờ. Nỗi căm hờn lại làm nàng nóng rực người. Nhưng nàng nén tâm ngay, khen Hạnh: - Bác khéo quá. Hạnh cười, quay lại, nói đùa: - Bây giờ mới biết. à? Song, Thúy đứng dừng lại, hồi: - Đi thế này, biết cá tiện không? Hay thôi. 604 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Hạnh vội vàng đáp bằng giọng nần nì: - Sao lại không tiện. Ở đây, ai biết cô là ai! Thúy lườm: - Đã hạ xuống là cô rồi. - Ấy, gọi thế cho tiện. VẢ quen mồm gọi là cô Thúy từ thuở bé mất rồi. — Thúy làm bộ thẹn thà: - Nhà bác có những a1? - Chả có ai ca. - Thế bác gái với các cháu đâu? - Nào đã có a1 là bác gái. Tôi chán đồi, chả muốn lấy a1. Chàng chấc. Thúy cảm động về câu tâm tình ấy lắm, nên tiếp: - Nếu không chán đời, tôi lánh lên đây làm gì! Thúy thở đài. Nhưng Hạnh hiểu cái nghĩa tiếng thở dài ấy theo ý mình, nên sung sướng: - Cô đã đến đây, nếu định buôn bán, thì nên bỏ cả sự nghĩ ngợi đi. Nghĩ ngợi về chồng con, hay nghĩ ngợi về chuyện cũ cũng vậy. Thúy không đáp, Hạnh tiếp: - Đất này là đất làm ăn dễ dàng. Và lại, có tôi quen thuộc nhiều giúp đởỡ cho, cô đừng ngại Thúy khẽ nói: - Vâng, cảm ơn bác. DANH TIẾT 605 Hạnh mỉm cười, nhìn Thúy bằng đôi raắt đấm đuối. Chàng tưởng tượng đến những sự khoái lạc chàng sẽ được hưởng với người ngọc. Trong óc chàng, phần phật diễn ra những cảnh ngày xưa, những ngày chàng còn tập văn cụ Cử Nho Quan, thỉnh thoảng ra chợ sắm giấy bút, qua hàng Thúy. Chàng nhớ đến những câu đùa bổn của các bạn, rồi đến tối tân hôn của nàng mà chàng liều giả làm Chính... Rêi đến ngày nay, nàng hiện lại ở trong tay chàng. Chàng cho số nàng là vợ chàng, nhưng ông Tơ đã chót xe lầm với Chính. Chàng cảm ơn trời có mắt, nay đem trả nàng cho chàng. 606 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP XxXxI OE:: chỉ sợ ở đây không tiện. Bác chưa có vợ, tôi lại là đàn bà đi có một mình. Hạnh cười: - Có gì là không tiện! - Là tôi nói không tiện cho bác. Bác ở đây hàng năm hàng đời. còn mong có vd con, sinh cơ lập nghiệp ở đất này, nên cần phải giữ tiếng tăm. Tôi chẳng qua chỉ là tạm bợ, làm ăn khá thì ở lâu, chả khá lại kiếm nơi khác. Vậy mà bác chứa tôi ở nhà, ai hiểu đâu bụng tốt của bác, aIi hay đâu bác với tôi tiếng chưa quen nhưng cũng là biết nhau từ lâu. Người ta lại dị nghị, đặt ra điều nọ tiếng kia, rồi bác có phải một mình suốt đời, tôi lại ân hận. Thấy Thúy nói có lý, và ra vẻ đứng đắn, Hạnh ngượng nghịu: - Cô thật chí lý. Nhưng mà... - Trước kia, tôi tưởng đằng này bác còn có kế nọ người kia. chả hóa ra bác ở có một mình. Hạnh mim cười: - Chả một mình còn mấy mình. Tôi không định lấy vợ. Nếu tôi định lấy vợ, thì nay có lẽ tôi cũng có con bềng con DANH TIẾT 607 mang, và chắc chấn tôi không gặp cô ngày hôm nay. Thúy làm ra cảm động, thở dài thật não nuột: - Tôi xìn bác chớ nói đến những sự ấy. Bác buồn đã đành, tôi có vui đâu! Hạnh sung sướng: - Tôi cũng đoán ra thế. Mỗi lần về quê, tôi đều hỏi thăm cô, thấy cô làm ăn khá giá, tôi có bụng mừng. - Vậy thì bác đã mừng al ấy, chứ nếu tôi khá, tôi đã cha phải nhự thế này. Nói đoạn, Thúy thở dài. Hạnh ngậm ngài: - Nếu từ trước đến giờ cô làm ăn chưa khá, thì từ nay trở đi cô làm ăn khá, vì vận đến. - Cảm ơn bắc. Hạnh thổ dài: - Tôi cho người ta thế nào là do có số định sẵn cả. Thấy Hạnh kháy chuyện cñ, Thúy vờ gạt đi, nói lắng: - Tỉnh này có đễ thuê nhà không nhỉ? Tôi nhờ bác tìm hộ tôi một chỗ gần chợ cho tiện. - Vâng, nhưng dù đã hay khó, sự thuê nhà cũng không phải nội nhật ngày hôm nay làm xong. Nhưng tôi tưởng cô cứ ở tạm đây, xem sự buôn bán có kết quả hay không. lúc ấy thuê nhà cũng chưa muộn. Thúy nghĩ ngợi một lát, rồi đáp: - Tôi đến nơi xa lạ, đành trông nhờ ở bác. Hạnh gật đầu: 608 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Cái đó cố nhiên, và tôi xin hết lòng. À, từ nãy quên, tôi không hỏi việc nhà. - Việc nhà ai? - Nhà cô. Thúy nhăn mặt: - Việc nhà tôi thì buôn lắm. Tôi không muốn nói, chỉ gợi thêm mối đau lòng. Chẳng thà bác chỉ nên biết tôi từ hôm nay về sau. Hạnh gật gù: - Và cế nhiên là từ ngày cô còn con gái đến hôm vui chữ vu quy. Thúy đay: - Vụn! - Nghe bấy nhiêu lời, dù cô chả nói, tôi cũng hiểu cảnh cô. Thôi thì ta an ủi lân nhau là hơn. Thúy bưng mặt khóc. Hạnh cảm động, xích lại gần, lay vaI, gọi: - Cô Thuý! Thúy ngoan ngoãn, ngãng đầu lên, nhìn Hạnh bằng đôi mắt đô hoe: - Dạ. Tiêng dạ dịu dàng, đây tình tứ, Hạnh rạo rực, toan ôm ngay ngươi ngọc. Nhưng sợ Thúy cự tuyệt, nên tự ngãn được cái cử chỉ sô sàng. Bởi vì chàng nghĩ nàng đã đến đây, đã ở đây, thì chồng hay chầy, nàng cũng thuộc về chàng, vì nàng đã ở trong tay chàng. Chàng có thể bước đài, nhưng DANH TIẾT 609 sợ vấp. Hiện nay, có lẽ nàng còn hoang mang vì nhớ chồng nhớ con, hoặc tủi về thân phận, nhưng chỉ mai, ngày kia, là nàng khuây, nàng sẽ lại vui vẻ như cũ, lúc ấy mới là lúc thuận tiện cho sự yêu đương. Chứ bắt người ta còn đương vơ vấn, là một cách xử sự rất vụng. Cho nên tối hôm ấy, Hạnh nhường Thúy nằm ở giường mình, và chàng đi chơi đến tận khuya, khi về thì ngủ ở nhà ngoài. Thúy đêm ấy có chợp mắt đâu. Nàng đã nhìn rõ Hạnh với bao aự giả hình của con người khốn nạn ấy. Nàng đã tốn rất nhiều nước mắt, khi nghĩ đến một đêm, có lẽ là đêm mai, Hạnh nằm cạnh nàng và kế tâm sự cùng nàng. Nàng sẽ bắt buộc phải nghe, và sẽ khéo léo mà làm chàng mê mệt. Tấm thân đã nhơ nhuốc một lần, dù có nhơ nhuốc đến lần nữa để đạt được ý định, nàng không kỳ quản. Cất tâm hồn trong sạch mà thôi. Nàng còn nhớ đến chồng và con. Chồng nàng có lẽ từ nọ đến nay đã thất vọng, vì tưởng nàng đã ra người thiên cổ. Và chàng sẽ ân hận vì vô cớ xô xát về sự ghen tuông không đáng ấy. Biết đâu việc nàng bỏ nhà ở) lại không làm chàng ốm, ốm vì phải nghĩ, phải đau lòng. Mà dù chẳng ốm, thì cũng mất ăn mất ngủ, thân hình gây xọp. Giá chàng biết nàng đi, mục đích chỉ vì danh tiết của một người đàn bà, nàng đi là vì chàng, ắt chàng sung sướng lắm. Nhưng nàng không dám nói trước sự sung sướng này. Chàng sẽ can ngăn và nàng còn phải đau đón suốt đời, mỗi khi sực nhớ đến tối tân hôn lừa đối. Chàng chả vẫn sẵn lòrg quên việc ấy, và lấy lòng đại lượng ăn ở với nàng, với 610 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬ P kẻ thì là gì. Nàng bỏ nhà ra đi, không nói gì với chàng, nàng cho là một tội. Nhưng tội ấy sẽ được tha thứ, khi chàng được biết kết quả của công việc nàng làm vì chàng. Nếu chàng đã giận nàng, chàng sẽ thương nàng bội phân. Nếu chàng đã ghét nàng, chàng sẽ yêu nàng bội phần. Nhưng nàng thở đài, rưng rưng nước mất. Sự thương yêu ấy quá muộn mãn, chàng chỉ thương yêu một cái bóng, một vết đã qua... DANH TIẾT 611 XXxM Ñ túy đã cho Hạnh bộc bạch nỗi lòng để lấn bước sang tình trường. Nàng thấy con người ấy sì ngốc một, cách rất đáng thương hại. Vì vậy, nàng càng làm chàng phải thèm muốn. Thấy Thúy giữ gìn một cách vò lý, đã mệt lần Hạnh dỗ đành: - Cô đã ở với tôi mấy ngày, dù ai muốn cãi cho cô là trình tiết với chồng cũng không được. - Đành vậy, nhưng người ta sống, nếu không có trời phật, nêu không có lương tâm chứng giám cho thì... Hạnh cướp lời: - Cô nói làm gì trời phật với lương tâm. Những cái ấy là người đời bịa ra để đậm dọa kẻ yếu linh hồn. Nhưng với người đã yêu, thì chí có chữ tình mới là sức mạnh. Chữ tình là trời phật, là lương tâm của kế biết yêu. - Nhưng bác nói đến chữ yêu sớm quá. Hạnh lắc đầu: - Không sớm chút nào. Trải lại, nố quá muộn. Thế cô không biết tôi nặng lòng với cô từ năm tôi còn đi học cụ Cử Nho Quan hay sao? Thúy thỏ dài: 612 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP - Nào al biết được! - Không nặng lòng sao tôi hỏi cô làm vợ. Thúy liếc Hạnh và nhếch mép tủm tỉm cười. Hạnh tiếp: - Mà, tôi nói thật câu này nhé. Thúy làm ra thân mật: - Gì? - Nhưng đừng giận kia! - Không. - Này, Thúy ạ... thôi, chả nói nữa. Thúy hiểu ngay Hạnh sắp nói gì. Hẳn chàng kế lại việc xảy ra trong tối tân hôn. Nên nàng nằn nì: - Gì mà kín đáo thế? Rồi nàng làm mặt giận dữ: - Tôi chúa ghét ai cứ nửa úp nửa mở. Đã không nói thì thôi, chứ thế này thì tức tức là! Nói đoạn, nàng vùng vằng đứng dậy. Hạnh vội vàng kéo tay nàng ngồi xuống. Làn da mát rượi làm chàng ngây ngất. Nàng rút tay ra, nũng nịu: - Thế thì nói đi. - Nhưng tôi cứ sợ Thúy giận. - Không nói tôi mới giận. - Tôi nói nhé. Thúy giữ gìn với tôi không có ích gì đâu mà. - Tôi vẫn biết không có ích, nhưng gái chính chuyên thì một đời chồng, bác ạ. Hạnh cười tít mắt: DANH TIẾT 613 - Thế thì cô không phải là gái chính chuyên, vì trước khi cô biết Chính, cô đã biết một người khác. Thúy ửng hồng hai má: - Bác nói điêu, không sợ ông ù à! Rồi nàng cười sằng sặc. Hạnh cũng cười theo: - Töi không sợ, vì chính tôi biết. Thúy nói đùa để cố gợi cho Hạnh thú thật: - Dễ tôi đã ăn ở với bác chắc! Hạnh cười bà ra: - Chính thế. Mà tôi không nói bịa đâu. Cho nên tôi bảo cô giữ gìn với tôi không có ích. Tôi biết cô trước Chính kia. Thúy biu môi, Hạnh nghiêm nét mặt: - Thực đấy. Thế tôi nói rõ nhé. - Ừ, - Cô có nhớ tối hôm cưới, ai vào với cô khoảng canh tự không? - Nhà tôi chứ ai? Rõ khéo! - Lại không phải nhà cô mới khéo chứi - Thế dễ bác? - Đúng! Thúy vờ sửng sốt: - Bác thật khéo điêu! - Không điêu chút nào. Đây này, nghe nhé. Tôi lừa cho Chính cầm bài, bị giam hãm vào đám tổ tôm, rỗi đánh liều vao với cô. Buổng cô có bày cái giường ở chỗ này, cái bàn ở đây, trên có ngọn đèn, ấm nước. Tôi vào, thổi đèn đi, rổi 614 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP lên giường nằm. Cô tưởng tôi là chổng, cô quay mặt vào trong, tôi lay ba lượt nhưng vẫn vờ ngủ. Tôi mới ghé môi vào má và ôm thế này. Thúy lánh xa, dơm dớm nước mắt: - Thôi chết rỗi! Hạnh sung sướng, hất hàm, hỏi: - Thế là thật hay tôi điêu? - Thôi chết rồi, phải gió cái nhà bác này! Rồi nàng nức nở khóc. Nàng thương cảnh ngộ nàng hiện tại. Nàng sở di phải như thế này, là vì cá1 đêm tai hại ấy. Hạnh đã nói rõ quá, khiến cho nàng xúc động. Trái lại, Hạnh lại cho nước mắt của nàng có một ý nghĩa yêu đương, nên chàng nói: - ... Phái, eô không ngữ tôi vì tình yêu mà liều như thế. Thúy lau nước mặt, thở dài, ngồi thờ thẫn. Hạnh nói: - Cho nên chúng ta có phải là không biết nhau đâu. Bởi thế, tôi mới dám nói là cô giữ gìn với tôi cũng vô ích. Thấy Thúy hần thần, Hạnh hỏi: - Cô giận tôi đấy à? Thúy mỉm cười, lặc đầu: - Không. Tôi cảm động, vì không ngờ. - không ngơ tôi đã yêu cô quá và được Ân ái với cỏ, phải không? Thúy không đáp, Hạnh tiếp: - Cho nên bây giờ cô ở với tôi, có gì là lạ. Có lẽ thế mới là duyên số. DANH TIẾT 615 Thúy thở dài. Hạnh xích lại gần, nắm lấy tay Thúy. Thúy không cự tuyệt. Hạnh làm ra vẻ đứng đắn, lắc đầu, than thở: - Mới đẻ có hai lần, mà cổ tay đã gầy thế này. Thúy tình tứ nhìn Hạnh, rồi vờ thẹn thò: - Tôi không ngờ bác ranh mãnh nhường này. Thế mà ngày xưa, ai cũng khen là đứng đắn. - Ranh mãnh hay đứng đắn cũng phải tùy lúc chứ, những lúc này mà đứng đắn thì chỉ thiệt mà thôi. Nói đoạn, chàng sấn lại gần, ôm lấy lưng Thúy. Thúy đứng đậy để tránh. Nhưng Hạnh như con hổ đói thấy mồi ngon, nên hết sức hăng hái, đến nỗi Thúy phải giãy giụa, và hẹn: - Để đến mai. Hôm nay tôi khó ở. 616 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP XXIII ; #:u sau là một tố! có trăng. Chị Hằng trong như chiếc mâm bạc từ từ tự ngọn núi nhô lên, toá một thú ánh sáng mơ hề. Giữa sân nhà Hạnh, bắc chiếc bàn với hai chiếc ghế, trên bàn bày rượu và thức ăn. Chính Thúy xuống bếp, tự tay nấu nướng. Bởi vì nàng đã hẹn ăn ở với chàng bắt đầu từ hôm nay. Và nàng đã yêu cầu chàng phải làm mâm cơm cúng. Và sau khi cáo gia tiên, thấy trăng đẹp, chàng muốn thưởng bữa rượu cùng người yêu đưới nét cười của Hằng Nga, chàng bèn chờ cho thật tối, mới ăn. Thúy vui vẻ lạ, lúc nào nàng cũng tươi cười, khiến Hạnh sung sướng quá. Chàng ngồi xuống ghế, nói: - Rượu ngon uống với người yêu dưới một canh đẹp, đời người dễ mấy lần được hướng! Thúy nhếch mép: - Nhưng người yêu lại không biết uống rượu. - Không, thế nào mình cũng phải uống với tôi cho đến lúc say. - Em thì một hớp cũng đủ choáng váng. DANH TIẾT 611 - Thì một hớp vậy. Nói đoạn, chàng rót rượu ra hai cốc. Thúy gấp để ăn cho chàng, và mời ăn. Hạnh tê mê, uống từng cốc một: - Mình phải uống, uống cho thật say đi. - Nhưng em say thì không thể đọn đẹp được nữa. - Cần gì, mai đọn, say rồi đi ngủ. Thần tiên cũng chỉ thế mà thôi. Thúy rót cho Hạnh đây cốc: - Uống đi, mình. - Tôi vốn không uống được nhiều, nhưng rượu này cũng được mươi cốc mới say. - Thế thì tốt lắm. Nam vô tửu như kỳ vô phong. Nàng chọn những miếng ngon gắp vào bát cho chàng. Thấy sự chiều chuộng dịu dàng, Hạnh càng như được khuyến khích, chàng đã bừng bừng nóng mặt, nên nốc hết cốc rượu và nói: - Cho tôi uống nhiều vào. - Thúy lại rót. Và Hạnh cứ uống. Hết cốc này đến cốc khác, chẳng mấy chếc Hạnh đã thấy mắt mờ và lưỡi líu: - Người ta nhiều lúc cần quên mình, quên sự thực ở đời. Muốn quên, phi rượu không có gì nữa. Cổ nhân lúc cao hứng thì uống rượu để làm thơ, nhưng tôi chữ nghĩa kém, nếu được như người ta, những lúc này, ít ra cũng được một bài. Cánh tình này, đây thị vị. Thúy nhìn Hạnh, hơi có vẻ thương hại. Chàng lại gid cốc ra cho nàng rót. 618 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Nàng nói: - Mình uống nhiều, say quá. Không nên. - Cốt vậy, uống rượu mà không được say, thà đừng uống. Đàn bà biết đâu cái thú uống rượu mà nói vào. Tôi muốn say mềm. Thúy hỏi: - Người say rượu hay hung hăng, đánh đập vợ con. Tôi chúa sd. - Không phải tất cả những người say rượu đều có tính ấy. Người trầm tĩnh, càng say càng chín. Người nông nổi, càng say càng âm ï. Ai thô bỉ, ai thanh cao, a1 vui, ai buồn, tóm lại, a1 tính tình thế nào, đến lúc say lộ ra cả nguyên hình, dù lúc thường giả đối che đậy kỹ càng. Tôi đây có như cái nhà anh Chính đâu, mượn chén để cà khia với vợ. Thúy giấu sự căm hờn, khẽ gật đầu: - Cho nên tôi bị một lần, phải nhó đến già, bây giờ đâm ra ngờ vực tất ca đàn ông say rượu. Bởi vậy, tôi không muốn cho mình uống nhiều. Hạnh gật đầu: - Đành vậy, nhưng nếu tôi uống luôn, mình hãy nên can ngăn, không cho tôi uống nhiều. Nhưng năm thì mười họa tôi mới uống, thì dù uống nhiều cũng vô hại. Và thỉnh thoảng mới uống, nên uống nhiều cho say. Đã là vợ chồng, mình khuyên tôi là phải, nhưng tôi lại nên giảng mình nghe như thế. Nhưng bỗng Hạnh thấy đau nhoi nhói ở thái dương. DANH TIẾT 619 Chàng nhăn mặt: - Quái. uống rượu, nhức đầu được à! Thúy tái mặt. phải và đứng dậy: - Tôi x1n vô phép. - Mình ăn nhanh thế? Ngồi lại với tôi cho vui. Thúy xích nghiêng cho ánh trăng khỏi chiếu rõ vào mặt. Hạnh ôm đầu: - Nhức lắm. Khó chịu lắm. - Tại mình uống nhiều. - Không phải, mọi khi tôi có thấy thế này đâu! - Nếu có say, đừng uống thêm nữa. Vừa nói, nàng vừa giữ lấy chai rượu. Nhưng Hạnh lắc đầu, chìa cốc ra: - Không, tôi cứ uống, tôi đã bảo đừng ngăn tôi tối nay. Chàng giật lấy chai; nàng gắp đề ăn cho chàng: - Ăn cái này giã rượu. Hạnh cầm bát đã run tay. Và hai mắt chàng đã thiếu hẳn tỉnh thần. Chàng kêu: - Quái, tôi thấy thế nào ấy. Có lẽ tôi sắp mẽ chắc. Chàng thử uống rượu, nhưng thấy chân tay nặng nề. Chàng tựa vào thành bàn, nhìn nàng một cách ngây đại: - Ổ, quái, thế nào ấy thật. Thúy vội vàng đến gần: - Thế nào? - Minh đâu, tôi chả trông thấy gì ca. 620 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Chàng quờ tay ra, run rấy. Nàng đáp: - Tâi đây. Mình làm sao thế? - Khó chịu lắm. Mình cho tôi vào trong nhà. Tôi buồn nôn lắm. Rồi chàng gục xuống, oẹ khan. Thúy sợ hãi. Hạnh gọi: - Mình ơi, cho tôi vào trong nhà. Chàng gid hai cánh tay, quỡ cào, nhưng Thúy không đám gân. Hạnh cố đứng dậy, nhưng vừa nhổm khỏi mặt ghế, chàng đã ngã xuống, và vì ghế để, chàng đồng kềnh ra mặt đất. Thúy cuống queo. Không ngờ liều thuốc độc nàng cho chàng ăn lại công hiệu chóng thế. Nàng nhìn qua hàng rào xem hàng xóm có ai biết không. Hạnh nằm vật, bất tỉnh nhân sự. Mắt vẫn mỏ, nhưng trợn ngược lên, và ở miệng phì phì ra một thứ bọt hăng những mùi rượu. Nhìn kỹ thế, Thúy cố trấn tĩnh để giữ hết can đảm. Nàng lấy hết sức, nắm hai cánh tay Hạnh, và lôi sềnh sệch, như lôi chiếc bễ hàng. Hạnh không biết gì, vẫn hừ hừ rên, vẫn nhăn nhó mặt, và vẫn thỉnh thoảng cố oẹ để nôn ra những chất nó làm chàng khó chịu. Thúy đã lõi Hạnh được vào trong. Nàng không vực lên giường, cứ để kệ nằm ở đất. Nàng lắng lặng dọn dẹp hết đỗ đạc ở sân vào, rồi đóng chặt cửa lại. Nàng thắp đèn, để nhìn Hạnh cho rõ. Lúc ấy chàng vẫn cồn rên rỉ, sùi nhiều bọt mép, và thỉnh thoảng giăy những cơn kinh hồn. DANH TIẾT 621 Không hề sợ hãi, Thúy lấy chân lay lưng chàng. Hạnh chỉ còn là cây thịt, mềm nhũn. Nàng lấy ở trong túi ra gói bột. bổ kếp, rắc vào lỗ mũi Hạnh, nhưng chàng không giãy giụa và cũng không hắt hơi. Thúy yên tâm, vào buồng, lấy ở bọc quần áo ra một lưởi dao thật sắc. Nàng đã sắm thứ khí giới này từ lâu. Nàng rắp tâm một ngày kia, lưỡi dao này nó cứa cổ Hạnh cho nàng được hả lòng. Thì hôm nay, nàng được toại nguyện. Rất mau lẹ, và không chút sợ hãi, nàng quỳ hai gối xuống đất, tay cằm lưỡi thép sắc sáng nhoáng. Nàng nghiến răng, nhắm mắt, cứa mạnh vào cuống họng Hạnh một nhát thật sâu. Chàng rú lên một tiếng phều phào. Bất đồ nàng mìng mình, cũng loạng choạng ngã. Nàng không dám mở mát để nhìn thảm trạng. Nàng hãy tay cho đổ chiếc đèn, trong nhà tối um. Rồi nàng run run, bồ dậy, mặt và áo nàng có nước, có lẽ là máu. Lúc ấy, nàng mới thấy sợ. Nàng khẽ mở cửa ngoài, rồi lui lủi đi, lân dưới mái hiên. Nàng đã phạm tội giết người. Nàng sợ hết thầy cả mọi người. Nàng tưởng chừng như ai cũng biết rõ nàng là kẻ sát nhân, và rình bắt nàng. Nhưng chẳng mấy chốc, nàng đã ra đến ngoài tỉnh. Nàng ngồi nghỉ, thở hổn hển. Nàng nhìn lên mặt trăng. Nàng nghĩ đến Chính và hai con. Không hiểu giờ này, chồng nàng có động tâm không. Nàng bưng mặt khóc. Nàng không thể về với Chính, để nói cho chàng biết là nàng đã rửa được mỗi thù rồi. 622 NGUYÊN CÔNG HOAN TOÀN TẬP Nhưng rỗi sau, sao chàng chẳng biết; Tin Hạnh bị giết ở thành Tuyên chỉ nay mai là đến tai Chính. Và chàng sẽ tha hồ khóc nàng hết nước mắt. Nàng chỉ nghĩ ngợi có bấy nhiêu điều. Giữ này, nàng không thể ngồi ở đây lâu, để chờ sự trả thù cho Hạnh. Nghĩa là nàng không chịu cho người ta bắt nàng, đem đến pháp luật. Dù sao, nàng cũng là một người giết người. Pháp luật có bênh nàng chăng nữa, cũng không thể bảo nàng là vô tội, và thế nào cũng khép án nàng. Nhưng dà có bị hình phạt nhẹ, nàng cũng không muốn. Nàng muôn không ai được coi việc nàng giết Hạnh là một tội. Bởi suy tính thế, nên nàng đã quyết định công việc từ lâu. Nàng đứng dậy, thản nhiên, lách bụi lau, ra phía bở sông. Nàng ngồi xổm xuống một ghềnh đá, và ngắm nghía. Làn nước trong xanh cuồn cuộn chảy róc rách. Thấy chỗ rất tốt, nàng hết sức rướn một cái, nhảy xuống sông. Một tiếng ùm. Nước bắn lên. Bọt đùn trắng ngầu ngầu. Quảng sóng vàng óng ảnh lan rệng ra. Nhưng chỉ một phút sau, mặt nước trong xanh lại róc rách chây để phủ kín một cách vô tình cái tâm sự của con người mệnh bạc.