Ads 468x60px

.

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Thằng Giảng với Đảng



Minh họa: Kho tàng truyện hay

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Phú Thăng


Mời đọc Bản đánh máy

Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"

Thằng Giảng với Đảng

Nguyễn Công Hoan


Ngày Tổng khởi nghĩa năm 45, sau cái buổi sáng thằng Giảng xám như gà cắt tiết, run như cầy sấy, ra nhà Hội đồng cũ, để nộp trả triện cho dân, thì nó lo ngay ngáy. Trong thời gian liếm gót giày đế quốc, nó đã phạm rất nhiều tội lớn với Cách mạng, với nhân dân. Đáng lý nó phải trừng trị nghiêm khắc. Nhưng không rõ tại sao, nó chưa bị bắt bớ gì. Nó nằm im để chờ đợi và nghe ngóng. Một tháng, hai tháng, ba tháng, khi hỏi dò, biết đích là không việc gì, nó sung sướng, ca tụng mãi Chính phủ cụ Hồ khoan hồng.

Ngày trước, hồi Pháp thuộc, thẳng Giảng là đứa lùng bắt Cách mạng dữ dội nhất huyện. Nó đã đưa thằng tuần phủ chó săn, là Cung Đình Vận, đem lính khố xanh về Bờ mác, quây bắt thiếu tướng Chu Văn Tấn. Khi không bắt được, nó đốt cả xóm,  cháy ba mươi mốt nóc nhà. Chính tay nó dơ súng, bắn chết hai anh cán bộ, là Tâm và Tính, rồi bê đầu hai anh ra chợ. Mình hai anh thì nó bắt chôn riêng hai hố xa nhau. Nó bảo để xuống âm phủ, khỏi liên kết với nhau, làm giặc ở dưới ấy.

Nó chúa ghét cộng sản, vì nó thấy các quan trên nhà nó bảo cộng sản là cộng vợ, cộng chồng, cộng tiền, cộng ruộng, vô gia đình, vô Tổ quốc.

Nó bảo cộng sản lên thì nó hết cơ nghiệp. Nó cho cái cơ nghiệp hiện nay, là do nó làm thêm ra nhiều, chứ chả cứ gì do ông cha nó để lại. Nó làm thêm ra bằng cách hà hiếp cả làng để ăn tiền, chiếm ruộng, bóc lột sức lao động của nhân dân. Và, vì tranh nhau gia tài với các em, nó đã phải mấy năm trời, hao tài tốn của để theo kiện. Vì thế, nó nhận cái cơ nghiệp ấy là của nó.

 Cho nên, tuy nó ca tụng Chính phủ khoan hồng, mà nó vẫn sợ. Nó đã mất quyền rồi, nay mai nó mất nốt lợi nữa, thế là hết.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, nó nghe người ta kể chuyện giặc Pháp đến đâu cũng giết người, cướp của, đốt làng và hiếp phụ nữ. Mới đầu nó không tin. Nhưng khi thấy nhiều người nói quá, nó chắc đúng sự thực, thì nó lại không muốn nghe nữa. Bởi vì nó thấy không khác gì ngày xưa, bọn công sứ công sành, tri phủ, tri huyện, và những thằng gọi là ông chủ, là kỳ hào, cũng tàn ác, ăn tiền, chiếm ruộng, không kém. Nhiều đứa còn đem vợ đem con hiến cho Tây để lo công danh.  Thằng nọ nằm với vợ thằng kia. Có đứa khốn nạn hơn, ngủ cả với con dâu, con gái.

Bây giờ giặc đến đâu lập tề, thì y như bọn nhà giàu và kỳ hào cũ ra hàng, và xin làm đầy tớ đắc lực. Những thằng Bảo Đại, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Hữu Trí, và biết bao nhiêu quan lại cũ và địa chủ, đã theo Pháp làm bù nhìn bán nước.

Nó biết bọn ấy táng tận lương tâm, vô liêm sỉ nên nó ngượng. Vì nó cũng là kỳ hào cũ.

Nó ở vùng tự do, nên được nghe nói nhiều về Đảng. Đảng đã lãnh đạo cuộc Cách mạng đánh Pháp đuổi Nhật, giành độc lập cho Tổ quốc. Chưa bao giờ nó thấy một anh cán bộ nào bị đeo tiếng hối lộ và hủ hóa. Phần nhiều được dân yêu, dân tin, dân phục. Chính nó cũng không bới xấu các anh ấy vào đâu được. Bảo các anh ấy cộng vợ, cộng chồng, cộng tiền, cộng ruộng, vô gia đình, vô Tổ quốc, thì không đúng tí nào. Trái lại, chính những thằng đổ tội cho người ta như thế, lại là những thằng đại thủ phạm. Chỉ có mỗi điểm nó chê các anh ấy được, là anh nào cũng ăn và mặc khổ quá. Nó thường nghĩ:

 "Lãnh đạo mà chỉ đem quyền lợi cho người khác, thì đằng này chả dại".

Theo ý nó, lãnh đạo thì trước hết, phải đem quyền lợi cho bản thân. Có như thế, hãy nên vào Đảng. Dạo năm 47, nó vào hội Liên Việt. Nó nghĩ: "Vào thế cho Chính phủ khỏi nghi".

Một đôi khi, nó gặp anh cán bộ ở tỉnh về. Nó đoán chắc anh này phải là đảng viên, vì anh ấy bàn bạc công việc đâu ra đấy. Ở xã, thì những người trong các cơ quan, đoàn thể, toàn là mới học việc, không thông thạo như chúng nó ngày  trước. Hơn nữa, những người này, ngày trước nó vẫn gọi là thằng. Thế mà bây giờ nó phải nể họ. Nó nảy ra ý nghĩ: "Ông mà nắm quyền lãnh đạo ở xã, thì ông bỏ rọ tất cả chúng mày!"

Thế là nó làm thân với anh cán bộ. Nó mời anh ấy đến nhà. Nó khoe đã bỏ ra nhiều tiền để ủng hộ bộ đội, ủng hộ du kích, ủng hộ Bình dân học vụ, vân vân. Nhiều lần nó kể lể tâm sự và tỏ ý rất hối hận những tội lỗi cũ, và muốn làm việc nhiều để phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân.

Chẳng bao lâu, thằng Giảng được vào Đảng.

Vì nó là đảng viên duy nhất ở xã, nên nó họp ghép với chi bộ xã ở bên cạnh. Nó tuyên truyền Đảng, và kết nạp đồng chí.

Đến năm 48, xã nó được sáu người: Chánh hội Khoa, lý Kiện, phó tổng Thiều, phó lý Duy và Cả Tụng, là con hàn Bái.

Chi bộ xã nó được sinh hoạt riêng. Nó được làm bí thư Chi ủy.

Năm 49, Chi bộ thi đua phát triển đảng viên, đã có tới mười tám người, toàn là địa chủ, phú nông, cường hào cũ, những người vào cánh với nó, hoặc anh em, con cháu, dâu, rể bọn ấy.

Thế là vui vẻ.

Dần dần, thằng Giảng thay thế những người trong Ủy ban chính quyền và trong ban Chấp hành các đoàn thể bằng những đảng viên thân thiện với nó.

Nó chỉ giữ chức bí thư Chi bộ, nhưng có quyền làm mưa làm gió trong làng. Nhưng mỗi lần Chi bộ họp, thì thằng Giảng thấy có một sự phiền. Là không có người sửa soạn bàn ghế để ngồi, và khi các đồng chí khát, thì không có nước uống. Vả lại, những buổi họp kéo dài, giá được điểm tâm cái gì cho đỡ đói thì thú hơn.

Vì vậy, nó cần một người phục vụ. Nó nảy ra ý kiến là kết nạp anh Ngân, vì anh ấy là cố nông, cần cù, được nhiều người yêu mến.

*
*      *

Anh Ngân được kết nạp vào Đảng. Anh sung sướng quá.

Hôm làm lễ tổ chức, anh run run, phát biểu ý kiến:

- Tôi vẫn nghe nói Đảng mưu lợi ích cho dân nghèo chúng tôi. Tôi cố tìm đến Đảng. Nay tôi được vào Đảng để phục vụ cho giai cấp cần lao, đem hạnh phúc cho nhân dân, tôi thấy như từ nay trở đi mới được làm người.

Anh quên phứt rằng anh là người duy nhất của giai cấp bị bóc lột ở trong một đoàn thể mà toàn giai cấp bóc lột nó chui vào.

Hôm sau, thằng Giảng giao việc:

- Mày còn trong thời kỳ dự bị, mày phải hết lòng hết sức phục vụ Đảng. Đảng còn phải thử thách mày lâu lâu. Mày mới vào Đảng, công tác chưa biết gì, thì hãy làm việc nhẹ. Mày làm giao thông cho Chi bộ. Khi có họp hành, mày phải bày biện cho đủ chỗ ngồi, quét tước bàn ghế cho khỏi bụi bậm, kiếm cái điếu, cái đóm, mượn ấm chén, đun nước, và nếu cần ăn uống, thì phải mượn bát đĩa, mâm nồi, làm gà, làm chó, nấu nướng cho ngon lành, sạch sẽ, chứ không luộm thuộm được như ở nhà mày đâu. Bây giờ đảng viên rồi. Phải gương mẫu. Bên Nga, bên Tầu, đảng viên dự bị cũng phải thế.

Nghe nói ngần ấy câu, nhất là bị gọi bằng mày, anh Ngân bực mình. Anh đáp:

- Thưa đồng chí...

Không để anh nói nốt, nó dơ tay ngay:

- Trong đảng với nhau, thì gọi nhau là đồng chí. Nhưng đó là trong buổi họp kia. Ngoài ra, mày vẫn là mày, tao vẫn là tao, thế mới giữ được bí mật và kỷ luật của Đảng. Bình đẳng quá, lỡ người ta nghe tiếng, người ta cười cho.

Anh ngơ ngác, không hiểu. Nó tiếp:

- Vả lại mày còn dự bị, chưa được gọi cấp ủy bằng đồng chí.

Anh càng không hiểu.

*
*      *

Buổi họp đầu tiên mà anh được thằng Giảng triệu tập đến, mục đích để làm gì, anh không rõ. Anh chỉ được biết là nó lấy quỹ, đưa cho anh đi mua rượu, kẹo, bánh, thuốc lá, thuốc lào và đôi gà. Nó bảo muối và gạo thì đảng viên tự túc. Còn đồ gia vị như hành, ớt, vân vân, thì đảng viên tự giác tự nguyện xung phong ủng hộ. 

Cả buổi họp, anh ở dưới bếp.

Không rõ chúng nó bàn nhau những gì. Nhìn lên, anh thấy thằng thì ngồi, thẳng thì nằm. Cũng có thằng ngủ. Thỉnh thoảng nó gọi anh châm đóm. Và khuyên bận sau, nên kiếm cái đàn con, thì tư tưởng mới tập trung được vào trọng tâm công tác.

 Anh chẳng hiểu tràng chữ ấy nghĩa là thế nào, nhưng đoán là để thì giờ mà làm chén cho chúng nó.

Anh ức lắm. Vào Đảng thế này thì làm cái gì, phục vụ ai? Nhưng nghĩ đến mình là dự bị, nên anh không dám phản đối.

Khi mâm rượu dọn ra, anh để cả bát đũa phần anh vào. Nhưng cả ban Chi ủy không tán thành cho anh ăn chung, lấy lý do là anh góp ít, và còn phải hầu vặt.

Anh phải chịu.

Anh chú ý nghe câu chuyện chúng nó nói, biết là chúng nó thảo luận việc tạm cấp công điền công thổ. Chúng nó tranh nhau ruộng tốt, không hề đả động gì đến bần cố nông.

 Anh nghĩ:

"Họ thừa ruộng rồi mà còn cứ tranh nhau lấy thêm ruộng, là bất công, là làm mang tiếng Đảng".

Rồi nói:

- Theo ý kiến tôi, công điền công thổ phải cấp cho những người thiếu ruộng cày trước hết.

Thằng Giảng quắc mắt:

- Mày biết gì? Mày muốn chống cấp ủy phỏng?

Anh yên lặng, xuống bếp, vừa đi vừa dằn:

- Mày!

Tối hôm ấy, trước khi giải tán, hội nghị phê bình và tự phê bình để rút kinh nghiệm. Thằng Giảng, làm chủ tịch, phát biểu:

- Tất cả đều ưu điểm, duy có cơm là khuyết điểm. Thứ nhất là thiếu lá chanh. Thứ hai, là nước luộc gà mặn quá. Nguyên nhân là do đồng chí Ngân không chú trọng công tác. Công tác làm bếp cũng là để phục vụ Đảng, vì có thực mới vực được đạo. Như vậy là đồng chí thiếu tinh thần trách nhiệm. Lần đầu, hội nghị hãy tạm phê bình. Lần sau, nếu tái phạm, sẽ đưa đồng chí ra cảnh cáo và có thể khai trừ, vì đồng chí mới là đảng viên dự bị.

 Anh Ngân xin chịu lỗi, hứa sửa chữa, nhưng tức lắm.

Anh chán nản, muốn xin ra Đảng.

Nhưng anh nghĩ:

 "Đảng lãnh đạo kháng chiến cho nước hoàn toàn độc lập, cho dân được sung sướng, không có lẽ đảng viên nào cũng như bọn này, thì ai tin Đảng nữa? Chắc họ láo, dùng Đảng để lấy vây cánh cho dễ áp bức bóc lột nhân dân".

 Anh định hễ gặp anh cán bộ ở trên về thì hỏi.

Nhưng anh lại sợ uy thế chúng nó. Vì anh chưa được tuyên bố chính thức. Rồi anh đắn đo:

"Xin ra Đảng thì thỉnh thoảng không mất cả ngày cơm nhà, đến hầu hạ, đỡ bị họ bắt nạt, khỏi bực mình thêm. Hay là ta giới thiệu nhiều người như ta vào Đảng, để ngăn họ khỏi làm mang tiếng Đảng".

Anh tìm bẩn cố nông tốt, đề nghị với thằng Giảng kết nạp. Nhưng nó mắng:

- Là đảng viên mà không thuộc điều lệ! Dự bị có quyền giới thiệu à? Rồi hôm nào họp Chi bộ đem việc này ra mà kiểm thảo. Quân ngu, vô học có khác, cho vào Đảng chỉ nặng mình!

Anh càng chán nản, càng muốn xin ra Đảng để khỏi bị khai trừ, thì nhục.

Một lần, anh xin ra Đảng thật. Nhưng không được. Nó bảo:

- Ra để lộ bí mật, để phản Đảng à? 

Nhưng chủ ý nó muốn giữ anh là để hầu hạ chúng nó.

Anh như bị mắc vào cạm. Quá thời hạn dự bị đã lâu, anh không dám nhắc nhỏm. Đến mãi hơn một năm, một hôm, nó gọi anh đến để trách:

- Tôi thì lắm công tác, cho nên những việc lặt vặt như việc tuyên bố chính thức cho đảng viên dự bị, tôi quên mất, thế mà đồng chí cứ yên. Như vậy là khuyết điểm, thiếu đảng tính. Tôi phê bình đồng chí điểm đó.

Lần này là lần thứ hai, nó bảo anh thiếu đảng tính. Anh chẳng hiểu đảng tính thế nào. Nó tiếp:

- Kể ra, đồng chí từ khi vào Đảng, cũng nỗ lực công tác. Để rồi hôm nào tôi triệu tập ban Chi ủy, tuyên bố chính thức cho.

*
*      *

Từ ngày cầm quyền lãnh đạo, thằng Giảng hoành hành không coi ai ra gì. Nó hách hơn trước. Nó bắt nạt cả làng. Ai cũng oán nó, nhưng ai cũng sợ nó.

Năm 49, Chính phủ mua thóc định giá. Đáng lẽ nó bán bốn tạ. Nhưng vì giá thóc ở thị trường cao hơn của Chính phủ định, nên nó chỉ bán một tạ. Còn ba tạ nó bắt nhân dân gánh thay.

Về việc mua thóc này, nó lòe dân, bắt bán rất nhiều. Nhưng ai hối lộ, thì nó mua ít. To nhất là món nó cùng thằng Khoa, chủ tịch xã, lấy một nghìn đồng của ông Hội, trung nông, và món hai nghìn đồng của ông Được, bần nông. Hai thằng chia nhau, mỗi đứa một nửa.

Thóc mua về thì tốt, nhưng nó đổi thứ xấu của nó, rồi giao cho dân xay để bộ đội ăn. Nó bắt dân nộp riêng cho nó mỗi tạ là hai cân, nói rằng trừ hao hụt. Trước khi nộp kho, nó trộn sỏi để ăn bớt một trăm bẩy mươi cân gạo. Nó lấy cái hòm gian ở ngoài đình về đựng gạo, rồi chiếm làm của riêng.

Khi Chính phủ trả tiền thóc, nó đổi lấy tất cả giấy trăm đỏ mới, đùn toàn bạc rách cho nhân dân. Nhân dân kêu. Nó bảo đó là lỗi của Chính phủ.

Năm 1951, nó gọi thuế nông nghiệp là thuế tuyệt nghiệp. Khi chỉnh lý, nó thiếu sáu tạ, nhưng nhất định dây dưa, mãi tháng ba năm sau, mới nộp hết. Nó biết nhân dân đem thóc đi nộp thuế bao giờ cũng gánh thừa, nên không lần nào nó đem đủ phần của nó. Thiếu bao nhiêu, nó vay chỗ thóc thừa của nhân dân. Như vậy nó đỡ công gánh. Và khi nhân dân đòi, thì phải đến nhà nó mà lấy. Nó gạt thóc xấu và cân gian để trả. Nhiều người khóc dở mếu dở. Năm 1952, nó kêu hết thóc nộp thuế, để gán cho Ủy ban xã một con trâu đực già và một con lợn nái, bằng giá rất đắt. Để nhẹ thuế, nó sang tên con trai nó hai mẫu năm sào mười hai thước, và cho em ruột nó mượn một mẫu hai sào. Nó lại khai man diện tích và sản lượng. Nó khai man cả nhân khẩu: Nghị định nói rằng ai chết từ ngày 1 tháng 7 trở về cuối năm, thì vẫn được tính nhân khẩu thuế nông nghiệp. Thằng con nó chết từ tháng 6, nhưng nó khai là tháng 7.

Nó không cho vợ nó đi dân công bao giờ. Nó sợ khó nhọc và nguy hiểm. Nó bảo vì Bí thư Chi bộ bận công tác Đảng, nên kể cũng như thoát ly. Thì vợ được kể như chủ gia đình, được miễn dân công. Con nuôi nó cũng được miễn, vì nó bảo là cần vụ và tự vệ cho Bí thư. Sự thực, nó sợ mất việc nhà của nó. Nó xui em ruột nó đi đến nửa đường thì nên cáo ốm mà đòi về. Nhưng anh Năng, cố nông, què chân, thì nó bắt đi. Anh xin ở lại thì nó đưa ra tòa án, xử ba tháng tù, về tội chống kháng chiến.

Ngoài anh Ngân ra, nó nhất định không kết nạp vào Đảng thêm bần cố nông nào, trừ họ hàng và tay sai của nó. Nó bảo Đảng không cần người không có văn hóa, không có gia sản. Cho những hạng khố rách áo ôm, i tờ không biết, vào Đảng, chỉ tổ làm xấu Đảng.

 Đó là những việc cả làng biết. Riêng anh Ngân còn biết nhiều hơn người làng. Anh biết cả hai tội lớn nữa, mà nó bắt anh phải theo kỷ luật Đảng mà giữ bí mật. Nó dọa hễ tiết lộ ra, thì nó khai trừ ngay.

Việc thứ nhất, là vào năm 1951, nó giết một anh bộ đội, để chiếm đoạt một triệu rưỡi bạc, và đốt kho, để vu oan cho anh ta, ăn cắp ba tấn gạo của Chính phủ.

Nguyên một buổi chiều, nó ra đường làng, ngồi chơi ở hàng nước. Một anh bộ đội đi công tác cũng vào nghỉ ở đấy. Anh kêu sốt. Khi anh mở ba lô ra để lấy thuốc, thì nó trông thấy một tập giấy bạc rất dầy. Nó lập tâm lấy. Nó mời anh về nhà. Anh tưởng đó là tình quân dân nhất trí, nên theo nó.

Đêm đến, anh lên cơn rét, đắp chăn, kêu rên, mê mẩn. Nó làm ra bộ săn sóc, trùm chăn kín đầu cho anh. Thế là nó cầm chiếc búa đanh, đánh vào gáy anh một cái thực mạnh.

Cho là anh chết. Nó thay cho anh bộ quần áo nâu, kéo anh ra đến nhà chứa thóc của Chính phủ, rồi gọi anh Ngân đến, làm ra vui vẻ, nói: 

- Đây là thằng ăn trộm thóc công, đã bị trừng phạt xứng đáng. Đồng chí là đảng viên, chắc cũng đồng tình với tôi, là ta phải thẳng tay trừ lưu manh. Tôi không muốn để người ngoài Đảng biết việc này, vì họ không thông chính sách như đồng chí. Vậy đồng chí đến chôn nó hộ tôi. Chôn ngay và chôn ở góc vườn. Mai tôi sẽ báo cáo thành tích của tôi với Huyện ủy.

 Anh Ngân nghi.

Khi ôm xác anh bộ đội, bỗng anh thấy anh này còn ù ớ nói.

Thằng Giảng sợ quá, vội vàng sai anh Ngân đi đào hố. Một mình ở lại, nó bồi thêm cho anh bộ đội một búa nữa, vỡ sọ, lòi óc ra.

Anh Ngân biết rõ mưu mô của nó, nhất định không chôn. Anh đòi báo cáo với Chi bộ. Nhưng nó nói cứng:

- Chi bộ cũng là tôi. Đồng chí muốn chống lại chính sách của Đảng thì đồng chí bảo.

Hơi một tí là nó giơ Đảng với chính sách ra lòe, nên anh Ngân không biết trả lời thế nào được. Anh đành khênh anh bộ đội đi chôn. Nhưng khi đương làm việc, anh lẳng lặng trở lại gần buồng nó, nhìn qua kẽ cửa, anh thấy nó đếm tiền, cạnh đó là chiếc ba lô. Không thể để yên cái thằng khốn nạn nó đang tâm giết một người cầm súng cứu nước, để ăn cắp tiền của Chính phủ. Anh đẩy mạnh cửa, sồng sộc vào, bắt quả tang. Thấy anh, nó giật mình, nhưng giữ ngay được bình tĩnh. Nó phân trần là thằng lưu manh ăn mặc giả bộ đội. Muốn mua chuộc anh, nó cho anh bộ quần áo ka ki. Nhưng anh nhất định không lấy và lập tâm điều tra xem thực hư thế nào, để rồi báo cáo cấp trên. Đến nửa đêm, nó đốt một cái nhà lá cũ của nó vẫn bỏ không. Rồi hôm sau, nó phao tin là cháy mất kho thóc chứa ba tấn gạo của Chính phủ gửi ở đấy. Nó trình Ủy ban chứng nhận.

Mấy hôm sau, thấy có người đi hỏi thăm để tìm tung tích một anh bộ đội mang theo một triệu rưỡi đi, rồi mất tích. Anh Ngân đem việc gian ác của thằng Giảng và tố cáo.

Khi cấp trên về điều tra, thằng Giảng vẫn bình tĩnh như thường, nói là người ta đổ oan cho nó giết bộ đội để chiếm của và chôn ở vườn. Khi người ta khám vườn, đào chỗ chôn anh bộ đội, thì không thấy xác đâu.

Về việc này, ngay hôm đầu, nó kể công là có tên phản động len vào kho gạo của Chính phủ để đốt, bị nó bắt được và đánh chết.

Nhưng sau, sợ anh Ngân tiết lộ bí mật, nên nó khôn ngoan, thủ tiêu xác anh bộ đội đi mất. Nó không dám nói là đánh chết nữa, mà là tên phản động chạy trốn được. Còn việc anh bộ đội mất tích, thì nó không đả động đến, nhưng mắt anh Ngân đã trông thấy sự thực, và nhận rõ trước sau nó nói hai phách khác nhau, vì thế nó sợ anh.

 Nó dọa:

- Tôi với anh cùng là đồng chí. Tôi lại là người giới thiệu anh vào Đảng, nên có trách nhiệm theo dõi, giáo dục anh. Việc tôi làm hôm nọ minh bạch như ban ngày. Pháp luật đã chứng thực rõ ràng. Anh chớ nên có tư tưởng sai lệch về tôi. Từ nay, ai còn xuyên tạc việc ấy ra thế khác, sẽ bị tòa án quân sự trừng trị nghiêm khắc về tội phản tuyên truyền.

 Anh Ngân cố tìm xác anh bộ đội để vạch tội của thằng Giảng, nhưng không sao thấy được. Thế là nó ăn ngon ba tấn gạo và một triệu rưỡi bạc của Chính phủ. 

Việc thứ hai của nó là năm 52, khi ta mở chiến dịch Tây Bắc, thẳng Giảng biết quy luật chiến tranh, đoán thế nào địch cũng nhảy dù một nơi nào đó, hòng phân tán lực lượng của ta, để đỡ đòn cho chiến trường chính. Chắc hẳn nó mong vùng nó được giặc đến, để nó được làm chó ngựa như bọn thằng Bảo Đại, để lấy lại quyền lợi xưa. Nên nó sửa soạn đón giặc. Nó lấy ở trên trần cái ảnh mặt phèn phẹt của thằng bù nhìn, lau chùi cho hết bụi, đóng vào khung kính cẩn thận, rồi cất đi. Nó lại may cờ trắng. Rồi nó họp Chi ủy, phần công nhau đi mua gạo và lợn, để tích trữ ở nhà nó. Anh Ngần hỏi thì nó nói:

- Đây là chiến thuật để cứu dân cứu làng.

Nghĩa là nó chuẩn bị bán nước. May mà thằng Pháp không lên, nên làng nó thoát khỏi tan tành vì bị đốt, cướp, giết, hiếp.

Chỗ gạo ế, bị mốc, nó đem cho dân vay.

Anh Ngân biết nó tấp tểnh làm Việt gian, nhưng sợ nó đổ tội là chống cấp ủy, chống chủ trương của Đảng, nên không dám báo cáo cấp trên. Anh chỉ nghĩ: "Không khi nào Đảng lại hàng giặc. Những thằng này chỉ là những đứa đội lốt đảng viên để làm hại thanh danh Đảng".

Anh thấy cần thiết ở lại Đảng, để cản tay chúng nó lại. Dù anh thân cô thế cô, nhưng nhất định anh phấn đấu.

Năm 53, có sắc lệnh triệt để giảm tô. Thằng Giảng xui bọn chúng dìm đi. Nhưng anh Ngân biết. Anh đi cổ động nông dân, rủ nhau thật đông đến nhà nó, đòi thi hành sắc lệnh.

Nó chịu nhượng bộ.

Từ đó, nó thấy rõ anh Ngân là người nguy hiểm cho nó, nhất là nay mai lại phát động quần chúng. Vì nó am hiểu chủ trương, nên nó bắt đầu ăn mặc rách rưới và kêu túng bấn. Nó cho vợ nó đi xin rau, xin tương, của nhà bần nông. Nó ngọt ngào với mọi người, để tuyên truyền:

- Làng nào chứ làng này thì làm gì có địa chủ mà phát động với phát địa. Đảng vừa quy định tôi là bần nông tích cực.

Đối với anh Ngân, nó dùng thủ đoạn thâm độc hơn. Nó khen anh là tiến bộ, là có triển vọng, phải nhận một công tác khác, hợp với khả năng hơn, cho khỏi phí người.

Thế là nó vận động để anh Ngân được điều đi một công trường tận Lạng Sơn.

Tống anh đi xa, thằng Giảng đỡ được mối lo, một kẻ thù. Nó tiếp tục mơn trớn nông dân. Nó đến từng nhà, nói chuyện:

- Chúng ta thân mật với nhau hàng mấy đời rồi. Có cái gì không nên không phải, thì ta đóng cửa bảo nhau. Chả nên tố cáo nhau ra làm gì. Ta nên giữ lấy đức về sau cho con cháu hưởng. Không nên gây oán gây thù nhau ra làm gì. Chúng ta ăn ở với nhau lâu dài. Cán bộ chỉ về một thời gian rồi lại đi. Vả lại, cán bộ cũng là đảng viên như tôi, chứ xa lạ gì. Tôi tự phê bình trước kia có ít nhiều khuyết điểm. Nhưng trước không phải thì nay phải. Bây giờ tôi là bần nông rồi. Nay mai phát động, chúng ta cùng đấu tranh cho giai cấp chúng ta được sung sướng. Đời tôi cũng đại lao đại khổ, bị áp bức bóc lột rất nhiều. Cho nên từ khi vào Đảng, tôi hết sức bênh vực quyền lợi cho nông dân. Tôi đã hy sinh nhiều quá, nên bây giờ hai bàn tay trắng, bữa nào cũng phải ăn độn, mùa rét không còn chăn mà đắp. Có ít ruộng, tôi bán và cho đi tiệt rồi. Bây giờ thật là vô sản. Nay mai, tôi đề nghị xin công tác thoát ly. Tôi còn mấy cái nhà gạch đó, anh em ai muốn đến ở thì ở. Đồ đạc tôi để lại tuốt, ai muốn dùng, cứ lấy về mà dùng.

*
*      *

Đội công tác phát động quần chúng giảm tô đợt I về xã, dựa vào ban chi ủy để nhờ giới thiệu bần cố nông tốt. Nhưng đội gặp toàn những người không trong sạch. Cho nên, ở nửa tháng rồi, mà không sao phát hiện được tội ác của thằng Giảng. Cũng không tìm ra được thằng địa chủ nào là đầu sỏ.

Là vì thằng Giảng đã khéo cài tay sai để bao vây Đội mắc vào tổ kén. Nhưng đồng chí đội trưởng sáng suốt, sau khi nghiên cứu lịch sử chi bộ xã, đề nghị toàn Đội nhất định chịu đi đường vòng, bỏ rễ cũ, tự lực bắt rễ mới, và đồng thời, gọi đồng chí Ngân về xã.

Đồng chí Ngân về, yêu cầu Đội trấn áp ngay thằng Giảng. Từ đó, nhân dân phấn khởi, tố cáo hết tội ác của nó.

Những thằng địa chủ cường hào, gian ác, phản động, đội lốt đảng viên, lợi dụng danh nghĩa Đảng để bôi nhọ Đảng, đều bị xử trí thích đáng.

Những bần cố nông lịch sử trong sạch, được nhân dân tin yêu, kiên quyết đấu tranh, được bồi dưỡng trong phong trào, thì được kết nạp vào Đảng.

Hôm nghe tòa án nhân dân đặc biệt tuyên bố án thằng Giảng, mấy nghìn người đồng thanh hoan hô và vỗ tay đến mười phút.

Rồi tất cả kêu không ngớt:

- Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

- Hồ Chủ tịch muôn năm!

- Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!


Mời đọc Bản chụp dạng ảnh

Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"


Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF


Mời đọc tại ISSUU





Tham khảo: Các bài viết liên quan

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉