Ads 468x60px

.

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Chị Trân học



Minh họa: Kho tàng truyện hay

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Phú Thăng

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
2 Kênh 3 Video
1. Kho tàng truyện hay | VTC Sách hay - Diễn đọc: NSUT Phú Thăng


Mời đọc Bản đánh máy

Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"

Chị Trân học

Nguyễn Công Hoan


Vì phải đi ở ngay từ năm lên sáu, làm lụng vất vả quá sức, nên cha tôi đã xấu xí lại mắc thêm bệnh suyễn và bệnh tê thấp. Cho mãi đến năm bốn mươi nhăm tuổi, cha tôi mới lấy được vợ. Mẹ tôi lùn và nói ngọng, lại bị bệnh đau bụng kinh niên, nên cũng ế chồng. Sau, hai người cùng ở làm cho thằng địa chủ Ngữ, nên lấy được nhau. Những người ác mồm ác miệng cứ chế là đẹp đôi.

Khi có mang tôi, vì mẹ tôi quặt quẹo luôn, nên không đi ở nữa. Cha tôi lấy số tiền dành dụm được, dựng ngôi nhà nhỏ ở đất của trường làng. Có con xong hai người cùng đi làm thuê để kiếm ăn. Tôi ốm yếu. Lên bảy mà chỉ bằng đứa lên năm. Đáng lẽ vào tuổi tôi thì đã đi ở được, cha mẹ khỏi phải nuôi. Năm ấy, mẹ tôi lại có mang em tôi. Gần đến tháng đẻ, thì vào kỳ thuế. Vì không có tiền nộp, nên cha tôi bị bọn cường hào bắt, đánh đập, cùm kẹp rất đau đớn. Chúng bắt bán ruộng để nộp sưu, nhưng mẹ tôi không bán:

- Giữ được ruộng thì còn sống, bán hết ruộng thì chết đói cả nhà.

Vì vậy mẹ tôi dạm bán tôi cho thằng Đìn, lấy mười hai đồng. Nhưng tôi khóc, nhất định không đến nhà nó. Tôi cho bán tôi thì tôi mất cha mẹ, mà cha mẹ tôi cũng mất tôi. Tôi chỉ bằng lòng đi ở, bán sức trong ít lâu, thì còn có ngày được trở về nhà.

Mẹ tôi đánh tôi, bảo rằng gửi thân vào cửa nhà giàu thì được nó ấm suốt đời, mà ngay bây giờ bố được thoát nạn.

Thấy tôi khóc lóc kêu van thảm thiết, thì ông tôi mắng mẹ tôi:

- Năm nay chúng mày thiếu sưu thì còn có nó để bán, nhưng sang năm, cũng thiếu, thì bán ai. Để nó ở nhà thì nó đỡ đần được việc, học làm học ăn, ngày sau trở nên người. Làm con nuôi nhà giàu, được người ta chiều dưỡng thì hư, bị người ta đầy đọa thì khổ. Nhà ta nghèo, nó chịu đói rét quen rồi. Đẻ con rứt ruột ra, mà nỡ thò tay ký văn tự bán nó, thì thà bóp mũi cho nó chết từ bé. Tao chết đi, chúng mày muốn bán ai thì bán, nhưng tao còn sống, tao không cho chúng mày bán cháu tao.

Thấy mẹ tôi không bán ruộng, ông tôi không bán cháu, bọn cường hào cho là ương bướng, bắt trói hai người, giải đi khắp làng. Bất đắc dĩ, ông tôi phải bán cái nhà ở, lấy tám đồng.

Năm tôi lên chín, đương đi ở cho thằng bá Khôi, thì một hôm cha tôi gọi tôi về lấy chồng. Vì mẹ tôi ốm nặng, nên cha tôi đã nhận lời cho người ta xin cưới.

Tôi giật nẩy mình, chả hiểu đầu đuôi ra làm sao. Nguyên là thấy tôi hiền lành, chăm chỉ, và ngoan ngoãn, con mẹ phó Trát đến hỏi tôi làm lẽ con nó năm ấy  bảy tuổi. Nó đưa tiền cho cha tôi, rồi giục cha tôi cho cưới, để mẹ tôi được thêm một khăn trắng. Thằng bé đã có một vợ cả lên sáu, là con gái thằng lý Tía, nhân tình của con mẹ Trát. Con mẹ này hứa với mẹ tôi là không bắt tôi làm lụng gì, ngày ngày chỉ có việc chơi với chồng và vợ cả, để trông cho chúng nó khỏi nghịch dại. Còn công việc đồng áng, thì nó đã dấm một nơi, cuối năm lấy làm lẽ thứ ba cho con nó. Ấy là chị Sót, mười bảy tuổi, con một bần nông, có nợ nó.

Tôi không bằng lòng, nhất định bảo cha tôi trả của. Cha tôi nằn nì với tôi:

- Tao trót nhận tiền may mặc cho mày, để mua cho mẹ mày quần áo lành và cỗ ván, để ngộ có số mệnh nào thì đỡ tủi nhục. Mày nên thương mẹ mày mà về nhà người ta.

Tôi khóc:

- U con đã chết đâu mà thầy làm thế! U con mà chết, thì con ở nhà nuôi em. Con không lấy chồng thế.

Nhưng tôi cưỡng không được. Mẹ tôi gắt tôi. Cha tôi cứ mượn áo quần đẹp, bắt tôi mặc, và đến sáng hôm sau, con mẹ phó Trát cứ cho người đến đón tôi về. Tôi vừa lễ bàn thờ nhà nó, mừng tuổi nó, mừng tuổi con nó, mừng tuổi vợ cả của con nó, vừa nức nở khóc.

Khi tôi bước chân ra khỏi nhà, cha tôi có dặn rằng hễ mẹ tôi quá lắm, có tin gọi, tôi mới được về. Nhưng ngay tối hôm ấy, không thèm nói với ai, tôi cứ việc cắp bị quần áo về nhà.

Cha tôi thấy tôi thì quát mắng ầm ầm, nhưng tôi chạy ngay đến giường mẹ tôi. Mẹ tôi cũng không bênh tôi. Mẹ tôi nhìn tôi, nhăn mặt, trừng mắt lên một cái, rồi vừa thở dài, vừa từ từ nhắm lại. Thế là mẹ tôi chết.

Sáng hôm sau, cha con chúng tôi đương sửa soạn đưa mẹ tôi ra đồng, thì con mẹ Trát sồng sộc đến. Nó chửi cha tôi và đánh tôi, bảo là hai bố con lập tâm lừa nó. Nó sai người nhà nậy quan tài, vứt xác mẹ tôi ra đất, và lột hết quần áo. Nó đốt ngay quần áo cạnh xát mẹ tôi, và cho khênh quan tài về. Rồi chưa đỡ cơn tức, nó sai để sấn tôi ra, gọt gáy, bôi vôi tôi. Khi ra cổng, nó còn trợn mắt, dí ngón tay trỏ và trán tôi, và nghiến răng:

- Cho sung sướng mà không biết hưởng, đồ ngu như con chó!

Nó làm đơn kiện cha con tôi bội tín.

Nhưng may, hôm sau là ngày Khởi nghĩa. Thấy thanh niên vác cờ đỏ sao vàng, rầm rộ đi biểu tình trong tổng, nên nó sợ, không dám lôi thôi nữa.

*
*      *

Tôi biết Cách mạng đem hạnh phúc cho dân nghèo, thì phụ nữ cũng được hưởng hạnh phúc của Cách mạng. Cho nên, hôm chị em rủ tôi lên huyện cướp chính quyền, tôi hăm hở cầm liềm đi ngay.

Từ thuở bé, tôi mới được đến chỗ gọi là công đường của bọn quan lại. Nhà cửa, đồ đạc sao mà sang trọng thế. Thằng quan béo ụt ịt, mặt tròn như cái tráp trầu. Không trách nông dân chúng ta người nào cũng gầy gò, xanh xao, ốm yếu, rách rưới.

Đoàn người biểu tình đuổi thằng huyện đi, lập mít tinh để nói chuyện. Từ thuở bé, tôi mới được nghe những lời lọt tai. Đến lượt một chị phụ nữ đứng lên diễn thuyết. Tự nhiên, tôi thấy nao nao cả người. Chị ấy nói hoạt quá, và hiểu thấu phụ nữ nông dân quá. Người nghe vỗ tay nhiều lần. Lắm lúc chị ấy nói đúng những cảnh khổ của tôi, tôi muốn nhảy lên, ôm chầm lấy chị ấy mà khóc. Chị ấy nói xong, tôi toan chạy lại, hỏi chuyện. Nhưng nhìn lại quần áo, thân hình tôi, tôi không dám nữa. Tôi tủi thân, tôi nghĩ:

"Sao người ta cũng là phụ nữ, mình cũng là phụ nữ, mà người ta thì thế, mình thì thế".

Đêm hôm ấy, tôi luẩn quẩn mãi, không ngủ được. Tôi thấy nhiều phụ nữ nông dân còn khổ hơn người nông dân nam giới nhiều. Làm thế nào cho khỏi khổ với những bọn con Trát, thẳng Tía, thằng Khôi và còn biết bao nhiêu thằng giàu khác? Cách mạng đem hạnh phúc, thì đem bằng cách nào? Tôi đã hơi hiểu thế nào là bình quyền. Trong cuộc mít tinh, trai gái đứng lẫn lộn. Lại có chị phụ nữ nói. Các anh ấy gọi chúng tôi là các chị. Nhưng bọn chúng tôi nghèo đói, lại dốt nát, nghe diễn thuyết, có câu hiểu, có câu không, thì làm thế nào để hưởng được công ơn của Cách mạng. Sau, tôi nghĩ ra, là trước hết phải học. Muốn học, phải biết đọc biết viết. Có khôn mới tự giải phóng được mình.

Tôi quyết tâm học tập.

*
*      *

Xong ba ngày mẹ tôi, tôi về nhà thằng bá Khôi. Nhưng nó đuổi, bảo tôi là đồ đĩ.

Rồi không một thằng địa chủ nào nuôi tôi nữa, nói rằng sợ mất lòng con Trát.

Tôi đành đi kiếm củi, mò cua, bắt ốc, và đào củ mài củ sắn để nuôi thân. Vì phải đi kiếm ăn suốt ngày, không thể nào tôi theo được lớp Bình dân học vụ xã mới mở.

Một lần, tôi xin được một quyển sách in cũ. Tôi mở ra, nhìn những dòng chữ, tôi thấy sướng mắt quá. Nhưng không biết nó là những chữ gì. Tôi hỏi anh Tín những con số đánh thứ tự trang giấy, anh bảo tôi con nào là số một, con nào là số hai, cho đến số mười. Tôi thích lắm, ngắm nghía mãi, thấy nó giản dị, dễ nhớ quá. Ngày nào tôi cũng mở từng tờ, vạch que xuống đất để tập viết. Khi thuộc mười số đầu, thì từ số mười một trở đi, tôi đoán lấy. Sách chỉ có 78 trang, nhưng tôi có thể viết được đến số 99. Số 100 tôi không biết, phải đi hỏi.

Học được chữ số, tôi sung sướng quá. Tôi viết cả ngày. Nhưng làm thế nào để đọc được. Thấy chị em học đông học tây, người nào cũng biết đánh vần lõm bõm rồi, tôi càng sốt ruột. Tôi thuộc lòng những câu: i tờ có móc cả hai, o tròn như quả trứng gà. Tôi tìm trong sách, cũng nhận ra được, nhưng không biết những chữ ấy dùng để làm gì. Vì tôi thuộc Kiều, nên cố xin được quyển ấy. Tôi đem về để học mò. Tôi đếm thấy dòng đầu tiên có sáu chữ, dòng thứ hai có tám chữ, tôi đoán là câu Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mạnh khéo là ghét nhau. Tôi nhận từng chữ như vậy, và tập viết cả khối như thế. Nhưng khi hỏi, thì người ta bảo không phải chữ mạnh mà là chữ mệnh, không phải chữ ghét mà là chữ cợt. Tôi thắc mắc.

Thấy rằng học để thuộc từng chữ thế này, thì khó quá, không thể nhớ hết được. Mà có nhớ rồi cũng dễ quên. Vả lại không biết đến mấy năm mới học hết. Người ta bảo chỉ học có mấy tháng, biết đánh vần, thì chữ nào cũng đọc được. Vì vậy, tôi bỏ lối học này.

Ngày ấy, con mẹ Trát chết. Thằng bá Khôi gọi tôi đến ở. Tôi thấy rằng nên cố chịu đựng khổ sở một thời gian ở nhà nó, thì có cơm ăn và có thì giờ để học. Tôi đưa điều kiện với nó, là phải cho tôi đi lớp Bình dân. Nó đưa điều kiện lại, là nếu như vậy chỉ nuôi cơm không, chứ không trả công. Tôi bằng lòng.

Mấy hôm đầu, tôi xin nó cho ăn một bữa cơm, một bữa sắn. Chỗ gạo dành được, thì nó trả tôi bằng tiền, để mua vở tập viết. Nó đưa tôi hai mươi đồng (trinh). Tôi ra chợ mặc cả mua, chỉ mất mười tám đồng một cuốn vở bìa đỏ. Tôi sướng quá, mở từng tờ giấy trắng tinh ra ngắm. Nhưng vì giấy trắng quá, nên tôi tiếc, không dám dùng.

Đến bây giờ sách ấy vẫn còn nguyên.

Thằng Khôi không cho tôi đi lớp. Nó bảo ở nhà nó dạy cho. Tôi chờ mãi nhưng trưa nào nó cũng ngủ, thấy tôi giục lắm, nó ầm ừ, hẹn lần, nên tôi nhất định xin thôi. Nó nhiếc:

- Hạng chúng mày đi học làm gì cho nó tốn cơm. Nếu cốt kiếm dăm ba chữ để gửi thư chim trai, đồng chí với đồng chóe, thì tao viết cho, cần gì phải ra lớp. Rời khỏi nhà này để đi ăn mày à?

Thấy nó phản động ra mặt, tôi cương quyết bỏ nó, đến ở nhà thằng chánh Cổn.

Thằng này hứa cho tôi học, nhưng không tán thành cho tôi ra lớp, xem ý thì nó sợ đến chỗ đông, tôi dễ chuyện trò với trai, mất thì giờ của nó. Chỗ đông người lại là chỗ lắm chuyện, rồi xui nhau, đầy tớ bướng bỉnh với chủ nhà. Lớp bình dân không những là nơi học chữ, mà là nơi dạy nhiều điều khác, có hại cho quyền lợi chúng nó. Cho nên nó bảo:

- Mày cứ ở nhà, con Hòe nó dạy cho.

Con Hòe là con nó, lên bảy tuổi, mới vỡ lòng ở lớp năm trường tiểu học làng.

Tôi cho như vậy cũng được, miễn là được học. Không học thì thiệt. Vả con Hòe phí phá, viết rất tốn giấy. Tôi sẽ lấy giấy vứt đi của nó để dùng đỡ phải mất tiền mua.

Con Hòe học đến vần bằng rồi. Nó bắt đầu dạy tôi a, b, c. Nhưng nó mải chơi quá. Ngày nào cũng vậy, nó bảo được mấy phút, thì nó đã chạy mất. Học chữ nào, tôi cặm cụi viết chữ ấy. Viết trái cựa cũng được, miễn là nhớ mặt chữ. Tôi học viết toàn chữ in. Tôi ôn lại chữ số, tôi đã viết được đến hàng 1000.

Tôi nhặt những giấy của con Hòe vất đi. Tờ nào trắng thì để dành, tờ nào rách thì dùng ngay. Thấy nó có cái bảng đen con, viết bằng phấn, có thể tiết kiệm được giấy, tôi mượn nó và viết bằng vôi. Nhưng vì vôi rửa khó sạch, nên nó khóc bắt đền. Mẹ nó nghe tiếng, chửi tôi:

- Thứ bậc mày thì làm gì mà phải học để làm hại con bà như thế.

Tôi đáp:

- Nước độc lập, người dân nào cũng cần học, cho nên Chính phủ mới lập Bình dân học vụ.

Nó dài mồm ra, nói:

- Phải học để vào phụ nữ mà làm đĩ!

Tôi viết tốn quá nên chẳng bao lâu phải dùng đến giấy trắng để dành. Khi hết giấy trắng, tôi xin vở cũ của con Hòe, viết vào những chỗ chen dòng.

Bất cứ lúc nào rỗi, là tôi tập viết. Vợ chồng thằng chánh Cổn thấy mất thì giờ, thì cấm tôi học ngoài buổi trưa. Nó nghi tôi ăn cắp để mua giấy nên cấm tôi lấy bút và mực của con nó.

Con Hòe chưa học hết vần bằng, thì tôi đã biết tất cả vần bằng. Bởi vì tôi thấy vần nào cũng chỉ có một chữ cái chắp lại, đọc giống nhau. Cho nên không phải học. Vì vậy, tôi phải đợi nó, mới học đến vần trắc.

Vì viết luôn, tốn nhiều giấy, nên tôi nghĩ ra cách lấy giấy viết rồi, ngâm nước vôi, rồi đem phơi. Chữ phai đi, giấy lại trắng.

Một hôm, đi kiếm củi, tôi ngồi nghỉ ở cạnh một gốc khế. Vì khát, tôi lấy một quả để ăn. Tôi thấy có cây mua, tôi bứt một quả, bóp nát ra tay. Màu quả mua hòa với nước khế nổi lên một màu xanh đặc rất đẹp. Tôi mừng quá. Tôi vót tre, làm bút. Thế là tôi đủ cả giấy lẫn mực. Mực màu đẹp như màu mực bút máy. Tôi phổ biến lối này cho nhiều cán bộ ở vùng tôi thiếu tiền mua mực.

Nhưng giấy ít, nên hết ngay. Tôi bèn lấy nõn chuối phơi ra sương, ép cho phẳng, để viết. Tôi lấy nhiều quá. Con mẹ chánh Cổn biết, chửi tôi là phá nhà nó, và cấm tôi học.

Nhưng không sức nào cấm nổi, vì tôi ham học lắm. Tôi không lấy nón chuối nữa, xin nó cho lá chuối già. Nó không cho, nhưng tôi cứ lấy. Lá có gân nổi lên như những dòng kẻ sẵn, viết bằng que, lại đỡ tốn mực. Nhưng chẳng bao lâu, ở vườn, cây chuối nào cũng tả tơi. Con mẹ Cổn lại cấm tôi lấy lá chuối. Tôi nghĩ chuối này chẳng phải tay nó trồng, nên tôi có quyền dùng. Nó chửi là lấy trộm, đánh tôi một trận rất đau.

Khi con Hòe học sang vần trắc, thì tôi được học vần trắc. Trong khi chờ nó, tôi đã hướng dẫn được chị Bảng, cùng ở nhà chánh Cổn, học gần hết chữ cái. Chị cầm bút tay trái, tôi tập cho chị ấy viết tay phải.

Chị Bảng cũng chăm học và chóng biết, nên tôi rất nhẹ mình. Lúc rỗi, hai chị em đố chữ với nhau cho khỏi quên.

Vần trắc học khó hơn vần bằng, cho nên tối nào cũng vậy, trước khi đi ngủ, tôi lấy ngón tay viết ôn lại lên trên bụng.

Hai chúng tôi không có lá chuối nữa, thì lấy que vạch ra đất. Nhưng con mẹ chánh Cổn chửi là rác nhà. Thấy vợ chồng nó tìm hết cách để cấm đoán chúng tôi học tập, tôi bực mình quá. Một hôm, phải mắng, tôi ăn cơm xong, ngậm tăm, rót bát nước để trên tấm phản, rồi đi nằm. Tôi buồn, lấy cái tăm, chấm vào nước, gạch trên mặt gỗ. Tôi sướng quá, nhổm chồm dậy, gọi chị Bảng:

- Này cậu ạ, mình có cách viết thế này không tốn kém, không rác nhà. Tha hồ học.

Tôi học vần trắc nhanh hơn con Hòe, vì tôi biết rút kinh nghiệm. Tôi chắp từng chữ, ví dụ o, a, em, rồi đọc nhanh lên thì thấy là tiếng oam. Đến những chữ khó như chữ uyên, iêm v.v., tôi mới phải mang sách đi hỏi.

Thế là tôi biết đọc trước con Hòe hai tháng. Nhưng tôi viết toàn chữ hoa in.

*
*      *

Chính phủ mở lớp Chính trị để đào tạo cán bộ Huyện. Tôi vay tiền vợ chồng thằng chánh Cổn để đi dự, nói rằng rồi ở bù. Nhưng nó không nghe. Thế là tôi không ở với nó nữa. Chị gái chị Bảng biết nghề đan len. Tôi nhờ chị ấy dạy, và vừa học vừa đan thuê.

Tôi theo lớp, mà tư tưởng không tập trung. Khi anh cán bộ giảng bài, có khi tay tôi đan, mà mắt lại đánh vần quyển sách vừa mượn được. Cho nên đến lúc thảo luận, tôi cứ ngồi im. Tôi không hiểu thì ít, nhưng ngượng thì nhiều. Từ thuở bé tôi chưa quen nói trước nhiều người bao giờ. Anh em trong tổ khuyến khích tôi. Tôi vẫn cứ ít phát biểu. Nhưng một hôm, nói cảnh khổ của bản thân và thảo luận về quyền lợi của giai cấp cần lao, thì tự nhiên tôi tranh luận rất hăng. Cả tổ ngạc nhiên. Nhưng khi đến vấn đề khác, thì tôi lại ngồi im như trước. Anh em phê bình, tôi hứa sửa chữa, nhưng cố gắng mãi mà không được.

Một hôm, anh cán bộ nhìn thấy tôi toàn viết chữ hoa in. Anh dạy tôi viết lối chữ thường. Thành thử, tôi mải mê tập, lại không chú ý nghe giảng.

Lớp học sau mười lăm hôm thì mãn khóa. Vì tôi không tiến bộ, nên chỉ được đi tập sự, giúp một chị cán bộ cũ công tác ở xã.

Tôi nói với chị ấy:

- Em mới trình độ thoát nạn mù chữ, thì em biết giúp chị cái gì. Em đề nghị với chị cho em một thời gian để học thêm, được đọc thông viết thạo.

Chị ấy cười.

Thành thử cả ngày, tôi mặc kệ chị ấy làm việc. Tôi chỉ biết gánh nước, kiếm củi, đi chợ và thổi cơm. Ngoài ra, thì hỏi chị ấy tính cộng, tính trừ, và học cửu chương. Một hôm, chị ấy đi vắng, bảo tôi thay một buổi. Tôi lo quá.

Buổi họp hôm ấy, tôi vừa nói vừa run. Tôi  nghĩ: "Làm cán bộ khó hơn đi cày, thì thà cho tôi đi cày còn hơn bắt tôi phải nói".

Chị cán bộ về, tôi trình bày cảm tưởng của tôi. Chị ấy bảo:

- Ăn của nhân dân, thì phải tính sao, chứ không tập nói quen, thì làm cán bộ thế nào được.

Tôi nghe chị ấy nói tiếng "tính" mà lo. Vì tôi hiểu rằng không làm nổi thì phải tính tiền cơm trả nhân dân. Tôi nghĩ:

"Thà đi ở như trước, thì nhân dân khỏi đòi tiền. Bây giờ lấy gì mà trả".

Hôm sau tôi xin về. Chị cán bộ biết tôi hiểu lầm, thì cười. Chị nắm tay tôi, thân mật nói:

- Em đừng thoái chí. Cách mạng lôi chúng ta ra ngoài ánh sáng. Chúng ta phải cố vươn mình mà vùng lên. Phụ nữ chúng ta không ươn hèn đâu, có điều là chịu khổ cực lâu đời, nên những khả năng không nảy nở được. Đời em rất khổ, nên dễ có tương lai. Muốn tránh khổ, em đã tự học để biết chữ, lại biết học nghề để tự lực cánh sinh. Không lẽ em lại tranh đấu nửa vời mà không chịu đi tới đích. Chúng ta phải làm sao cho phụ nữ chúng ta được giải phóng. Em nên cố gắng phục vụ nhân dân, học hỏi nhân dân. Có cố gắng, tự khắc em thấy tiến bộ và vui vẻ.

Lời khuyên bảo ấy làm tôi suy nghĩ. Tôi thấy nó đúng mãi mãi. Từ đó, bất cứ gặp trường hợp khó khăn nào, tôi cũng nhớ câu ấy, tôi ôn lại đời khổ cũ, và ngẫm đời dễ chịu hiện tại, để thấy khổ vì đâu, dễ chịu vì đâu.

Đến nay, tôi được thế này, tôi thấy công ơn của Cách mạng với giai cấp cần lao thật như trời như bể... 



1955

Mời đọc Bản chụp dạng ảnh

Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"

Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF

Mời đọc tại ISSUU

Tham khảo: Các bài viết liên quan






1 - Trung thành00:00
2 - Xóm bến Sim11:50
3 - Lưu manh39:35
4 - Chị Trân học1:02:20

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉